Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
656
116.670.116
 
Đâu là nơi phát tích của họ Trần và võ phái Đông a ?
Vũ Ngọc Tiến

Lâu nay ta vẫn đinh ninh rằng Đình Bảng là quê gốc của vương triều nhà Lý, nhưng ít ai có thể ngờ Kinh Bắc cũng là nơi đã từng có lịch sử hơn 1000 năm cư ngụ của thuỷ tổ các vua Trần. Nói quê của Trần Cảnh, vị vua sáng nghiệp triều Trần ở đất Thái Đường, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình cũng không sai, nếu tính từ các đời Trần Tự Kinh cuối thế kỷ XI trở về sau. Tình cờ trong quá trình truy tìm cứ liệu hai dòng họ Lý - Trần để viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Khói mây Yên Tử”, tôi đã biết thêm đôi điều bí mật về hai dòng họ này. Với họ Lý tôi đã có bài công bố trên 2 số báo Văn Nghệ 38 và 39 (9/2002). Gi tôi muốn nói tiếp vài lời về hơn 1000 năm lịch sử dòng họ Trần ở đất Kinh Bắc (227 trước công lịch đến cuối thế kỷ XI), trước khi Trần Tự Kinh di rời đến Đông Triều rồi Tức Mạc và trụ lại ở đất Thái Đường.

 

* Cuốn gia phả cổ xưa nhất của họ Trần.

 

Ai cũng biết đến sự kiện năm 1285, trước sức mạnh của giặc Nguyên, Chiêu quốc vương Trần ích Tắc đã khiếp sợ đầu hàng kẻ thù, được vua Hốt Tất Liệt phong làm An Nam quốc vương. Nguyên nhân ấy đương nhiên là có, nhưng sự đầu hàng đê mạt này còn có nguyên nhân sâu sa khác trong nội bộ tông tộc họ Trần. Vua Thái Tông có các con với bà Thuận Thiên: Trần Hoảng, Quang Khải, Nhật Vĩnh, ích Tắc, Nhật Duật và hai công chúa Thiều Dương, Thuỵ Bảo. Ngoài ra, bà Thuận Thiên khi bị Thủ Độ ép gả cho Thái Tông đã có mang với An sinh vương Trần Liễu, sau sinh ra hoàng tử Quốc Khang. Trong các anh em, ích Tắc là người kém võ, nhưng văn tài lại giỏi giang nhất, chê những người khác là võ biền và không chịu phục tài Thái tử Hoảng. Sau chiến thắng năm Nguyên Phong thứ 7 (1258), nước nhà có 30 năm thái bình, cũng là lúc ích Tắc lôi kéo Quốc Khang ngấm ngầm chống đối các vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Vì vậy đến năm 1285 Trần ích Tắc và Trần Kiện (con trai Quốc Khang) đầu hàng giặc Nguyên. Trần Kiện bị Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn sai người mai phục giết chết ở biên giới; còn ích Tắc sống lưu vong ở Hồ Nam - Trung Quốc. Trải bao thăng trầm của lịch sử, đến nay hậu duệ của ích Tắc bao gồm 18 nhánh họ, sống rải rác ở Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương, Liễu Châu. Người hậu duệ thuộc ngành trưởng hiện lưu giữ từ đường và gia phả họ Trần là ông Trần Định Nhân, chủ một quán Cafe ở thị trấn Nhạc Dương, bên hồ Động Đình (Hồ Nam Trung Quốc). Chính sử ở ta khi chép về họ Trần chỉ lưu tâm đến dòng họ này từ đời ngài Thế tổ Trần Lý, còn đời Trần Tự Kinh ghi chép rất sơ lược, trước đó nữa càng mù tịt. Có lẽ trong những năm tháng cuối đời, sống tha hương nơi đất khách quê người, lại vốn có văn tài nên cuốn gia phả họ Trần do ích Tắc biên soạn là công phu đầy đủ nhất về họ Trần từ năm 227 trước công lịch.

 

* Hơn 1000 năm họ Trần ở đất Kinh Bắc

 

Căn cứ vào gia phả họ Trần ở Nhạc Dương do thống tôn đời thứ 27 Trần Định Nhân còn lưu giữ được thì gốc tích xa xưa từ đời Chiến quốc, họ Trần thuộc nhóm tộc người Bách Việt sống ở đất Mân (Phúc Kiến - Trung Quốc). Năm 227 trước công lịch, Phương chính hầu Trần Tự Minh đang làm quan cho Triệu Đà, vì mâu thuẫn giữa người Hán và người Bách Việt ông đã theo dòng người Bách Việt di cư xuống phía Nam. Tự Minh được vua An Dương Vương thu nạp, trở thành vị tướng tài ba, cùng Cao Lỗ giúp vua chống lại Triệu Đà. Khi thành Cổ Loa thất thủ, đất nước rơi vào tay cha con Triệu Đà, Trần Tự Minh lui về sống ẩn dật ở đất Kinh Bắc. Dòng họ này qua 700 năm ở Kinh Bắc phân ra nhiều nhánh, nhưng dòng thống tôn đến đời Trần Tự Viễn (582 - 637) nổi lên như một nhân tài kiệt xuất của xứ Giao Châu. Hồi ấy ở Từ Sơn có sư Pháp Hiền, đệ tử của Đại sư Tì-ni-đa-lưu-chi (ấn Độ) đang dụng công truyền bá đạo Phật Thiền tông, thu nạp rất đông môn đệ. Lịch sử nhà Phật chép rằng: “Sau khi Tì-ni-đa-lưu-chi tịch, Pháp Hiền vào Từ Sơn tập định. Thân hình ngài như cây khô, vật ngã đều quên, giống chim bay đến thân mật, loài thú rừng quấn quít... Người bấy giờ mộ tiếng ngài đến học đông không kể xiết. Ngài bèn dựng chùa dạy học, cư tăng lúc nào cũng hơn 300 người. Thiền tông phương Nam bấy giờ thịnh nhất”. Chú bé mồ côi kiếm củi gần chùa là Trần Tự Viễn được sư Pháp Hiền thu nạp, yêu mến dạy cho học thông tam giáo (Phật - Nho - Lão) và cả võ công nữa. Sau nhiều năm tu luyện, Tự Viễn trở thành môn đệ xuất sắc nhất của Phật phái Thiền tông và cũng rất nổi tiếng võ công cao cường. Môn phái võ thuật của ông đặc sắc nhất là Hổ quyền và Ưng - Xà quyền. Tự Viễn kế nghiệp thầy Pháp Hiền say sưa truyền bá đạo Phật Thiền tông và đem võ công đặc sắc của mình cùng đệ tử giúp dân chống lại sự đô hộ hà khắc của nhà Tuỳ, nhà Đường. Dân khắp vùng đều sùng kính, tôn ông là Phật sống. Có lẽ đây là lý do giải thích vì sao dòng dõi họ Trần sau này rất thượng võ, nhưng cũng rất sùng đạo Phật, khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử.

 

* Vì sao họ Trần di cư về Thái Đường?

 

Họ Trần dòng thống tôn có chữ đệm là “Tự” cư ngụ ở Kinh Bắc, truyền đến đời Trần Tự An (1010 - 1077) mỗi ngày thêm hiển hách trong giới võ lâm của Đại Việt. Để phân biệt với các võ phái khác, Tự An đặt tên cho võ phái của mình là Đôg A, triết tự chữ “Trần” ra hai chữ “Đông” và “A” mà thành. Thời ấy ở Đại Việt ta có ba võ phái nổi danh: võ phái Lĩnh Nam xuất phát từ đất Mê Linh sau lưu truyền quanh vùng Tam Đảo - Ba Vì; võ phái Hoa Sơn xuất phát ở Kinh Bắc rồi lan truyền ra Thăng Long và các vùng phụ cận; võ phái Đông A của Tự An. Ba võ phái trên đều tràn đầy lòng tự tôn dân tộc, nhưng có sự khác nhau về hệ tư tưởng, lại muốn thống trị giới võ lâm cả nước nên mâu thuẫn khá gay gắt. Phái Lĩnh Nam sùng bái đạo Lão. Hai phái Hoa Sơn và Đông A cùng xuất phát ở Kinh Bắc, nhưng Hoa Sơn theo Phật giáo Nghiêm Hoa tông, còn Đông A theo Phật giáo Thiền tông. Phái Hoa Sơn thuộc hoàng tộc họ Lý nên đương nhiên lấn át phái Lĩnh Nam và Đông A về nhiều phương diện. Thế nhưng Đông A với sự dìu dắt của Trần Tự An hồi ấy có “Côi Sơn tam anh” là ba nhân vật võ công lừng lẫy: Thanh Mai, Tự Mai và Thông Mai. Trước khi qua đời, Tự An khuyên con trai Tự Mai nên tìm cách chuyển võ đường Đông A đi nơi khác, tránh sự xung đột với phái Hoa Sơn, có hại cho sự nghiệp chung của võ lâm Đại Việt. Lúc đầu Tự Mai chuyển đến ở Đông Triều - Chí Linh, sau đến đời con (khoảng cuối thế kỷ XI) là Trần Tự Kinh quyết chí đi khẩn hoang ở đồng bằng châu thổ sông Nhị Hà. 10 năm đầu, Tự Kinh dừng chân ở Tức Mạc với hai người con trai rất giỏi võ là Trần Tự Hấp và Trần Tự Duy. Về cuối đời, ông nghe theo lời của con trưởng Tự Hấp chuyển hẳn về đất Thái Đường, định cư lâu dài, có nhiều ân đức với dân trong vùng. Đến đời Tự Hấp kế tục làm trưởng môn phái võ Đông A, thanh thế họ Trần đã rất lớn. Huyền tích trong tộc phả giải thích lý do họ Trần rời Tức Mạc về Thái Đường khá ly kỳ. Sau khi Lý Nhân Tông chết, triều đình có sự rối ren. Một hôm Tự Kinh và hai con Tự Hấp, Tự Duy cùng mấy chục đệ tử đi thuyền vãn cảnh, bàn luận về thế sự. Tự Hấp phát hiện thấy có xác người bị đóng bè trôi sông liền sai thủ hạ vớt lên. Trong số môn đệ phái Đông A có Phạm Tử Tuệ giỏi về y thuật. Ông phát hiện thấy xác còn hơi ấm, kinh mạch trì bế nhưng chưa tắt hẳn nên hết lòng cứu chữa theo lệnh của Tự Hấp. Kẻ được cứu nạn là Đoàn Thông quê ở lộ Hồng Châu (Vĩnh Phúc ngày nay). Ông ta bị một viên quan gian ác ở Thăng Long là Nguyễn Cố sát hại. Vốn là thầy địa lý có tiếng tăm, Đoàn Thông mách với Tự Hấp rằng ở đất Thái Đường có khu đất tụ nhiều linh khí, nếu đặt mộ tổ vào đó ắt có ngày sẽ phát đế vương. Tự Hấp nghe xong cả mừng xin cha cho đi gấp về quê cũ Kinh Bắc chuyển mộ cụ cố Trần Tự Mai về đặt ở Thái Đường, rồi chuyển cả gia quyền về đó sinh sống. Nhờ vậy gia tộc họ Trần mỗi ngày thêm phát đạt, võ môn Đông A càng thêm hưng thịnh, thu hút nhân tài khắp nơi về tụ họp.

 

Tự Hấp ở đất Thái Đường sinh ra Trần Lý. Lý lại sinh ra các con Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung. Người em ở đất Lưu Xá bên cạnh là Trần Tự Duy vì mâu thuẫn sâu sắc với họ Lưu, tàn sát họ này quá nhẫn tâm nên tổn hao âm đức, chỉ sinh được Trần Thủ Huy, đến đời Huy chỉ sinh ra Thủ Độ rồi tuyệt tự. Như vậy, nếu xét từ đời Tự Kinh thì Tự Hấp thuộc ngành trưởng, Tự Duy thuộc ngành thứ. Đến đời Trần Thừa và Thủ Độ quan hệ giữa hai người là anh em cùng họ khác cành đã sang đời thứ ba. Đó là lý do vì  sao Trần Lý hứa gả Thị Dung cho Thủ Độ, theo luật tục họ Trần cứ ba đời quay lại thông gia với nhau.

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 9235
Ngày đăng: 03.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vĩnh long xưa – một địa chí văn hóa thu nhỏ của đất nam bộ - Tăng Tấn Lộc
Đôi điều về các thuyền nhân quí tộc tị nạn đời Lý - Vũ Ngọc Tiến
Vấn đề tên gọi và chủ quyền quốc gia trên vùng biển đông-phần 1 - Đinh Kim Phúc
Vấn đề tên gọi và chủ quyền quốc gia trên vùng biển đông-phần 2 hết - Đinh Kim Phúc
Đài Loan và cội nguồn Bách Việt-phần một - Nguyễn Đức Hiệp
Đài Loan và cội nguồn Bách Việt-phần hai và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Nguyễn Huệ và sự định vị nhân cách thời đại - Trần Thị Huyền Trang
Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang - Nguyễn Văn Hầu
Việt Bắc : Lịch sử và con người-phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Việt Bắc : Lịch sử và con người-phần 2 hết - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)