Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
945
116.654.151
 
Bình Tuy, những ngày cuối cùng.
Phan Chính

Đã có nhiều bài viết về những ngày cuối tháng 4.1975 tại Bình Tuy nhưng ở góc độ nội tình của lực lượng quân đội Sài Gòn lúc đó trong tình cảnh đường cùng có thể chưa được nhiều người biết đến.

 

Những ngày cuối tháng Tư 1975 các đội quân của quân đội VNCH rút chạy từ mặt trận Tây Nguyên và các tỉnh Miền Trung xuyên qua Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết dồn về Bình Tuy với mức độ đông đảo hoảng loạn. Ngày 3 tháng 4 đã có một bộ phận tàn quân thuộc Quân Đoàn I và II chạy theo đường bờ biển tới Khê Gà (Tân Thành) đã bị du kích xã chặn bắt. Cùng lúc có tin phố chợ Phan Thiết bị tàn quân cướp của, đốt phá ngay giữa ban ngày, báo động Bình Tuy phải đón lấy. Trong đó điểm chốt La Gi có nguy cơ cũng sẽ bị tàn phá vì đây là cửa thoát duy nhất bằng đường biển khi đường quốc lộ 1A đã có lực lượng chủ lực của ta chiếm giữ và Xuân Lộc đang bị bao vây.

             

Trước tình hình ở Bình Tuy rất cấp bách nhưng chính quyền tỉnh VNCH phải chờ Bộ tư lệnh Quân đoàn III (đóng ở Biên Hoà) cho lệnh rút chạy, vừa phải duy trì an ninh đối phó với cảnh rối loạn do quân “di tản chiến thuật” gây ra. Theo nhiều sĩ quan VNCH có dịp trở về sau này đã kể lại một thực tế bi đát lúc bấy giờ, biết rõ một cách chắc chắn là lực lượng cách mạng sẽ thắng, tinh thần binh lính tại chỗ rất hoang mang nhưng điều lo sợ nhất là tình trạng hỗn loạn, cướp phá sẽ xảy ra như các nơi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang trước đó…mà gia đình họ phải gánh chịu. Lúc này tại tỉnh lỵ Bình Tuy còn 4 tiểu đoàn ĐPQ có phiên hiệu 341, 344, 369, 370 và 8 đại đội biệt lập, 1 đại đội Trinh sát. Còn lại là đội quân tan rã của Sư đoàn 2 Bộ binh từ Chu Lai chạy về cũng trên 2.000 người. Tiếp đó một bộ phận Sư đoàn 22 bỏ phòng tuyến Phan Rang chạy về đến Bình Tuy bằng các hải vận hạm của Hải quân VNCH do tướng một sao (chuẩn tướng) Trần Văn Nhựt chỉ huy. Đến ngày 20 tháng 4, Đại tá Trần Bá Thành Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Tuy bối rối trước tình hình vì đã nhiều lần liên lạc xin lệnh của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn III Nguyễn Văn Toàn đóng ở Biên Hòa nhưng bị lặng câm, quay qua xin ý kiến của Tướng Nhựt là cấp chỉ huy quân đội cao nhất nhưng Nhựt đùn đẩy với lý do là mình chỉ tạm thời dừng quân chứ không có quyền hạn gì ở đây. Đại tá Thành đành phải sử dụng quyền ra quân lệnh để kềm chế tình hình an ninh địa phương. Xe phóng thanh của Ty Thông tin mở hết công suất loa chạy khắp thị xã:”Tất cả quân nhân khi vào Bình Tuy phải xuống xe, bỏ vũ khí hai bên đường, vào thành phố không có vũ khí. Ai mang vũ khí, cướp giật, hiếp dâm, gây náo loạn bị tử hình…”. Ngay sau đó, trực tiếp Trần Bá Thành phải ra tay xử bắn tại chỗ một lính nghĩa quân tại Tân Long do có báo cáo là làm loạn để răn đe.

               

Làn sóng di tản cũng tiếp tục dồn đến La Gi để thuê mướn ghe thuyền về Long Hải, Vũng Tàu ngày càng đông, tập trung ở bờ biển Đồi Dương và cửa biển La Gi. Vừa tính chuyện tước vũ khí tàn quân ngay từ cửa ngõ vào tỉnh lỵ Ngã Ba 46, cầu Láng Gòn vừa trấn an bằng việc cung cấp lương thực, gạo, lương khô, nước uống cho gần 200 ngàn người nên phải vét hết kho dự trữ của tỉnh có thể dùng được 3 tháng. Lại thêm một số sinh viên sĩ quan Trường võ bị Đà Lạt và Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang theo đường cây số 30 Tân Lập chuyển vào chờ di tản bằng máy bay quân sự về Sài Gòn nên Bình Tuy phải xin cứu viện của Sài Gòn cho máy bay Air VN chở tiếp tế sữa hộp, mì gói, bánh mì…Hải quân cho tăng phái một đoàn dương vận hạm và một số tàu LCM là loại tàu há mồm có khả năng cặp sát bờ biển để đón người ra các hạm đội đang neo ngoài khơi do một Phó đề đốc, tư lệnh vùng 3 Duyên hải chỉ huy. Dân di tản bằng ghe thuyền, tàu biển và riêng máy bay thì ưu tiên cho một số lực lượng quân sự, phải mất khoảng 10 ngày mới tạm ổn. Ngoài số lượng vũ khí lớn như pháo 105 ly, thiết vận xa M.113 của Sư đoàn 2 đã bỏ lại tuyến phòng thủ Phan Rang, số còn lại phần nhiều là vũ khí cá nhân bị thu gom được chở về Sài Gòn bằng 6 chuyến máy bay C.130. Khi Sư đoàn 2 rời Bình Tuy thì một Trung đoàn của Sư đoàn 22 do Trung tá Danh chỉ huy từ Vùng II chạy về bằng đường biển được Quân Đoàn III lệnh phải bám trụ tại Bình Tuy, giao phòng thủ sân bay Láng Gòn để đẩy lực lượng Địa phương quân ra tuyến Quốc lộ 1 và vành đai tỉnh lỵ. Lúc này tinh thần binh lính suy sụp trầm trọng do bị tổn thất dồn dập nhưng cũng phải chờ lệnh của Quân đoàn. Theo cựu đại tá Thành kể lại, đến chiều 22 tháng 4, thiếu tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư đoàn 18 điện thoại bí mật cho biết là đã rút khỏi Xuân Lộc-Long Khánh từ sáng ngày 20, như vậy Bình Tuy đã bị bỏ rơi từ 2 ngày qua rồi nhưng vẫn phải xoay xở gồng mình chờ lệnh.

              

Đến 20 giờ đêm 22 tháng 4 lực lượng cách mạng tràn vào tỉnh lỵ, mục tiêu là Tiểu khu quân sự và Toà hành chánh tỉnh Bình Tuy với chiến xa và hoả lực hùng hậu. Máy bay AC119 trên trời thả trái sáng thì bị phòng không nả đạn, phải bay ra biển. Địch có hai kế hoạch rút lui cho Bộ chỉ huy sau cùng là kế hoạch A bằng đường biển để Hải quân cho tàu LCM vào đón ra tàu lớn ngoài khơi. Đang còn hoảng loạn thì chiến xa T54 của ta rượt đuổi đến tận cửa biển La Gi và bắn pháo uy hiếp tàu hải quân tìm cách ứng cứu.Tỉnh trưởng Thành phải chuyển qua kế hoạch B, đi theo con đường bộ xuyên rừng về hướng Bình Châu (Xuyên Mộc). Xe jeep chạy trong đêm nhưng chỉ dám mở đèn mắt mèo nên lọt hố làm bị thương 3 sĩ quan hải quân, không quân thuộc toán tăng phái bám máy truyền tin gắn trên xe để giữ liên lạc cho bộ chỉ huy.

              

Cũng theo lời cựu đại tá Thành trên website SD18 (2005), giải thích tại sao đến 30 năm sau mới nói ra sự thật này vì lẽ không chịu được những lời bốc phét của nhiều sĩ quan tàn quân không trung thực. Ông Thành chua chát: “Tại sao bây giờ tôi mới nói, vì chúng tôi bị bỏ rơi, nói chi nữa, thà ngậm đắng nuốt cay, nếu nói ra thì phải nói thật hết…”.

              

Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ. Với lớp người có dự phần của thời kỳ đó, nay cũng đã sang buổi cuối đời. Nhưng lịch sử rất công bằng luôn có giá trị trung thực mang tính nhân văn và ý chí dân tộc. Chừng ấy thời gian đủ để cho những con người của một thời có thể nhìn lại bằng một ý thức không còn gì vướng bận khi nói lên sự thật. Đến bây giờ, người dân La Gi không quên được những ngày cuối tháng 4 năm đó khi một đô thị nhỏ phải chứa hàng vạn con người từ các nơi dạt về trong cảnh hỗn quan hỗn quân, bát nháo, loạn lạc. Trong đó số tàn quân bấn loạn càng tỏ ra hung bạo, sẳn sàng phá phách, liều lĩnh của kẻ cùng đường. Nguy cơ La Gi- Hàm Tân bị tàn phá, hỗn loạn là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Một cựu sĩ quan cấp tá, thân cận của Đại tá Thành kể rằng, cái nỗi lo sợ quân cách mạng đến không lớn, thậm chí còn mong sớm đến nhưng nỗi sợ đám tàn quân hoành hành thì tang tóc, khủng khiếp biết dường nào. Báo đài mấy ngày qua, những chiếc xà lan chở người di tản từ Đà Nẵng vào Phú Quốc gánh chịu bao thảm cảnh đau lòng do đám tàn quân gây ra là nỗi ánh ảnh kinh hoàng. Bọn chúng dỡ trò man rợ cướp của, hãm hiếp vợ, con ngay trước mặt người thân mà trước đó là cấp chỉ huy của chúng nhưng phải đành nuốt hận để bảo toàn sinh mạng. Cho nên tại bến cảng đảo Phú Quốc phải lập ngay một toà án binh xử bắn tại chỗ những tên tàn quân hung ác khi vừa từ xà lan di tản bước lên bờ.

                 

Phải nói đến điều may mắn với La Gi là cảnh đó không xảy ra. Việc tước vũ khí tàn quân di tản từ ngã Ba 46, Láng Gòn là giải pháp tình thế bắt buộc của chính quyền lúc đó vì không còn cách nào khác hơn. Dù là động cơ nào đi nữa thì cũng phải thấy đó là biện pháp phù hợp cùng với sự tiến công vũ bão của lực lượng cách mạng đã kết thúc nhanh chiến trường Bình Tuy. Tình tiết khác, cũng cùng hoàn cảnh như nhiều nơi, Bình Tuy bị bỏ rơi vì thường khi cấp chỉ huy thấy không thể nào cứu vãn tình thế là chọn giải pháp chuồn êm, chuồn một cách bí mật để an toàn, chứ không thì thuộc cấp sẽ tranh giành lối thoát và thanh toán nhau ngay. Nhưng với Trần Bá Thành có may mắn là người của tướng Lê Minh Đảo trước đây, là Trung đoàn trưởng 48 trực thuộc Sư đoàn 18 suốt trên 10 năm, đến tháng 1.1975 được Tổng thống Thiệu cử về làm tỉnh trưởng Bình Tuy, nên Lê Minh Đảo mới tiết lộ mật lệnh của tướng Toàn tư lệnh Quân đoàn III cho rút quân, bỏ Xuân Lộc-Long Khánh từ 9 giờ sáng ngày 20.4, thì làm gì còn ai chỉ huy hoặc mệnh lệnh cho đại tá Thành mà dài cổ chờ xin lệnh. Chưa kịp lời cám ơn tướng Đảo, Trần Bá Thành phải tìm đường thoát thân trong thời khắc cuối cùng rời khỏi Bình Tuy./.

Phan Chính
Số lần đọc: 4581
Ngày đăng: 16.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất của người tứ xứ - Phan Chính
Tàu ngư chính hộ tống 16 chữ vàng khống chế biển đông - Đinh Kim Phúc
Chữ quốc ngữ đã được công giáo khai sinh năm 1651 - Trần Văn Cảnh
Đền Và – “Đoài phương tĩnh nhất khu” - Phùng Thành Chủng
Cục thông tin đối ngoại? - Đinh Kim Phúc
Tư duy biển cả của Trung quốc - Đinh Kim Phúc
An Nam tứ đại khí - Phùng Thành Chủng
Phục Nguyên Duy Giáp Lệnh của Việt Vương Câu Tiễn - Đỗ Thành
Hoàng Sa-Trường Sa Mãi Mãi là của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Thưa lại với giáo sư Võ Tòng Xuân - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)