Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
710
116.703.066
 
“I” Ngắn Hay “Y” Dài
Nguyễn Đình Phư

Từ ngày có đổi mới, gớm, đi đâu người ta cũng ưa nói về vấn đề thay đổi, cải cách. Ông Ba hàng xóm cứ bần thần trông thật thiểu não:

-    Tớ chẳng biết đổi mới cái gì bây giờ? Có một “mụ” vợ già muốn thay mà chẳng được!

-    Bác cứ đùa! Vi phạm luật hôn nhân và gia đình như chơi. Muốn có “bà hai”, “ bà ba” thì bác phải gia nhập Đạo Hồi đi.

-    Chú cứ xúi bậy! Một đời, tui là thằng vô thần, giờ lại trở chứng vô đạo! Có mà lăng nhăng.

 

Tôi cũng đang suy ngẫm, không biết mình sẽ đóng góp gì cho thời đại đây. Thì “đùng một cái” tôi có tên trong BAN CẢI CÁCH CHŨ VIẾT. Một khi có cái ban cải cách này ra đời thì đương nhiên tôi phải là thành viên, bởi vì tôi là tiến sĩ khoa học, chuyên ngành ngôn ngữ. Trong đám bạn bè đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh hồi đó, đứa thì chọn đề tài: “ Văn hóa sông Cửu Long vùng Tháp Mười”, đứa thì: “ Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong Triết lý Âm Dương Ngũ hành”, v.v.. Tôi tự hỏi: “Có ông Giáo sư Tây nào biết được ba cái dân ca hò vè xứ ta đâu!”. Mình phải chọn cái gì cho kêu, cho ra tấm ra miếng, nên đề tài của tôi là “cấu trúc Toán học trong Ngôn ngữ”. Tên đề tài nghe rất hiện đại, rất khoa học. Ấy vậy mà vẫn có một ông bạn thân chê:

-    Thôi đi cha nội! Ngôn ngữ là sản phẩm của lao đông. Mà ngày xưa các “cụ cố ” của loài người thì biết gì về toán học?

-    Thì bây giờ mình phải phân tích và xây dựng cho nó “có vẻ Toán học”, không được sao?.

-    Vậy thì “duyệt”. Hắn cao ngạo khẳng định.

Nhưng rồi cuối cùng thì tôi có tấm bằng Tiến sĩ. Còn hắn thì trì trật mãi cũng chỉ nhận được tấm bằng Phó Tiến sĩ Hóa Lý. Khi “quy đổi”, tôi nghiễm nhiên là Tiến sĩ Khoa học (TSKH), còn hắn mãi mãi là Tiến sĩ (Có ai đi làm thêm KH nữa đâu). Nhờ vậy, tôi còn được nhiều thứ, nhưng nếu cứ nói ra thì hắn lại cho rằng tôi là kẻ ưa khoe khoang.

 

*

Ban cải cách chữ viết hoạt động không ngừng nghĩ, tưởng chừng chúng tôi đã thay đổi được cả lịch sử. Ông A  đề nghị:

-    Viết cũng phải tiết kiệm.

-    Thì cứ mỗi chữ cái ta bắt viết một nét. Bà B “đế ” vào.

Cứ thế chúng tôi hoàn toàn nhất trí mọi “ sáng kiến” về cải cách chữ viết.

Hôm tổng kết để liên hoan, bà Trưởng ban dõng dạc tuyên bố:

-    Chúng ta đã làm được nhiều thứ, từ bảng chữ cái,v.v.,.. Nhưng gì thì gì vẫn phải để chữ “E” lên đầu các chữ cái. (Tôi phải chú thích rằng, bà là dân xứ Quảng, nên đọc chữ “A” thành chữ “E”. Điều mà sau này thay vì vẫn giữ chữ “A” ai đó đã đưa chữ “E” nằm vị trí đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt, đúng như lời bà Trưởng Ban).

-    Vậy còn chữ “I” ngắn và chữ “Y” dài thì sao? Ai đó trong Ban thắc mắc.

-    Để đơn giản, tất cả đều viết “I” ngắn. Chữ “Y” dài là do đế quốc sài lang nó mang tới. Mình phải tiết kiệm thì mình mới là minh! Nhiều người trong Ban ủng hộ.

-    Theo tôi, không thể tùy tiện như vậy được. Tôi đứng phắt dậy mà chẳng cần xin phép gì cả. Kể cũng tệ, nhưng không thể cái gì cũng “gật”. Tôi tiếp tục:

-    Có nhiều chữ, nếu ta thay “Y” dài bằng “I” ngắn thì ngưnghĩa sẽ khác ngay lập tức.

-    Chữ “I” thì tùy người viết, kiểu nào cũng chấp nhận, miễn là có ý nghĩa của câu. Bà Trưởng Ban kết luận.

Khổ nổi, từ cái việc cải cách chữ viết đó mà ông ban Tiến sĩ toán lý kia bị một vố đau hơn hoạn. Dạy không đủ nuôi vợ nuôi con, nên hắn đầu tư làm sách giáo khoa. Mà loại sách đó đã có Nhà xuất bản chuyên trách rồi. Hắn làm tập chữ viết cho trẻ vào lớp một bằng kiểu phăng- tê- di phóng khoáng như xưa. Trong bảng chữ cái của hắn thì chữ “A” vẫn đứng đầu. Các kiểu mẫu chữ cũng là xưa rồi, “bác sĩ”, “chiến sĩ”, “nông sĩ”,…, “tiến sĩ”,.. tất thảy con người đều là “I” ngắn. Trong khi đó Nhà xuất bản chuyên trách thì ra tập viết “từng nét” một theo cải cách. Trong bảng chữ cái thì chữ “E” đứng đầu thay cho chữ “A”. Chữ “I” ngắn thành “Y” dài, ví như “bác sỹ”, “chiến sỹ”, “nông sỹ”,…, “tiến sỹ”,… Vậy là hắn đi toi cả một mớ tiền vay mượn bạn bè. Nghe nói hắn còn suýt bị truy tố vì tội chống lại đường lối “cải cách”.

 

*

 

Chuyện cứ tưởng rằng, BAN CẢI CÁCH CHỮ VIẾT chúng tôi đã làm được những điều lớn lao. Sau nhiều năm cải cách, đến giờ vẫn chưa có BAN TỔNG KẾT ra đời. Nhưng tôi thì khác, với tư cách một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, tôi lặng lẽ làm một thống kê cho riêng mình.

 

Đầu tiên là chúng tôi đã tạo ra một thế hệ người Việt viết chữ xấu nhất trong lịch sử dân tộc từ xưa tới nay. Trong các văn bản của NGÀY XƯA, nét chữ bay lượn như rồng bay phượng múa. Nhìn vào nét CHỮ XƯA chúng ta có thể đoán được tính cách con người. Còn trong các văn bản chữ viết CẢI CÁCH thì nó đơn điệu, nguệc ngoạc đến ghê ghê, một kiêu chữ lạ lùng. Dù rằng là thành viên của BAN, nhưng tôi cũng chẳng thể nào tưởng tượng ra nổi những điều tệ hại đó. Thế hệ tôi đã già, quen với cách viết phóng khoáng tự do, các nét viết liền nhau. Một câu văn, cứ thế nó ào ào chảy theo nét bút bay lượn. Còn bây giờ, tưởng tiết kiệm thì nhanh, nào ngờ viết chậm rì, bởi nét chữ bị đứt đoạn gãy vụn. Thằng cháu nội là nhân quả nhãn tiền. Chữ nó còn xấu hơn gà bới. Nó bảo rằng: “Chữ cô giáo dạy chỉ bấy nhiêu thôi!”. Ngày xưa cô giáo cũng được BAN chúng tôi bày cho cách viết này mà lỵ.

 

Tôi đang suy ngãm về việc tổng kết CẢI CÁCH CHỮ VIẾT bắt đầu từ đâu, thì đứa cháu gọi tôi bằng chú ghé nhà chơi. Cháu nó là thương binh trong chiến tranh biên giới, giờ nhờ đổi mới nên ăn nên làm ra, có tiền tậu xe hơi. Cháu đã học lái xe gần cả năm trời mà không thể nào đi thi lấy bằng được, chỉ vì bác sĩ khám sức khỏe ghi nó chỉ có một “tay” và hai “tai” nên Hội đồng không cho người chỉ có một tay thi lấy bằng lái. Thực tế nó bị thương vào một vành tai do mảnh đạn cối cắt mất. Chết thật! Một “tay” và một “tai” khác nhau lắm chứ!

 

Bố cháu, tức là ông anh trai tôi, sau chiến tranh thì phục viên về quê cày ruộng. Có đồng ra đồng vào nên bắt đầu sắm sửa tư liệu sản xuất hiện đại, nào máy cày, máy bừa,…, đủ thứ máy. Hôm đầu năm bác gái nhận được một giấy báo nợ ghi rõ ràng rằng bác trai mua “hai mái” còn thiếu những chục triệu đồng. Bác gái làm một cuộc chiến tranh lạnh mấy tuần chỉ vì nghi bác trai đi hát KaraOke với “hai chị” trên phố.

 

Tôi tính sẽ thống kê hết thành quả của công cuộc cải cách chữ viết, bắt đầu từ những người thân, sau đó mở rộng ra cả xã hội để đánh giá tính thời đại của nó thì tỉnh S nhờ tham gia hội đồng viết dư địa chí, tỉnh V lại nhờ làm chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh, nhưng ngân sách nhiều gấp hàng chục lần tiền đề tài cấp bộ. Đặc biệt tỉnh K đánh tiếng nhờ “vẽ giùm” mấy đề tài nghiên cứu khoa học vì có đến hơn chục tỷ đồng vẫn chưa có đầu ra. Bận quá, nên sẵn có học viên cao học Trương Nam Hải, tôi giao ngay đề tài: “Đánh giá những vấn đề phát sinh trong cải cách chữ viết” và hy vọng chúng tôi sẽ có một kết luận khoa học khách quan. Một hôm tôi từ tỉnh K trở về, bước vào phòng làm việc thấy Nam Hải đang “chát” với ai đó trên mạng Internet. Vô tình thôi, nhưng tôi nhìn thấy trên màn hình dòng chữ cậu ta vừa gõ: - “ Iêu E không?”. Đầu bên kia gửi lại: “ Em Iêu A!”. Đầu óc tôi tá hỏa, chết cha mình rồi! Cả thế hệ này họ đều viết chữ “yêu” thành “iêu”. Cậu Hải là người Sài Gòn mà sao lại viết chữ “A” (anh) thành chữ “E” như bà Trưởng Ban người xứ Quảng nói dạo nào. Từ đó tôi cứ phải suy nghĩ, suy nghĩ nhiều lắm và bệnh mất ngủ xuất hiện. Cho đến giờ này tôi vẫn chưa ngủ được!./.

 

 

Nguyễn Đình Phư
Số lần đọc: 2617
Ngày đăng: 13.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày xửa ngày xưa - Trần Quang Vinh
Hoà thượng Thích Hoan Hô - Huỳnh Văn Úc
Nhắc chi ngày xưa đó - Thụy Vi
Trộm long tráo phụng - Đỗ Ngọc Thạch
Căn lều của người anh họ - Mang Viên Long
Nỗi lo hậu sự - Việt Thư
Mùa Thu Ẩm Ướt - Âu thị Phục An
Khát Vọng Yêu Thương - Trần Minh Nguyệt
Cha và Dì - Minh Hương
Chuyện ông thiện, ông ác - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Con Lợn Bécgiê (truyện ngắn)
Cà phê từng giọt (truyện ngắn)
Vọng phu (truyện ngắn)
Bán danh (truyện ngắn)
Lãnh Tân Châu (truyện ngắn)
Hai Truyện ngắn mini (truyện ngắn)
Nợ đời (truyện ngắn)
Về Hưu (truyện ngắn)
Ông Năm Khướu (truyện ngắn)
Thành Viên Mới (truyện ngắn)