Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
744
116.668.701
 
Con Lợn Bécgiê
Nguyễn Đình Phư

( Tặng KTS Th. )

 

Câu chuyện bắt đầu từ cái chăn chiên mà kỹ sư bậc bốn như tôi được thưởng do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khảo sát và thiết kế con đường từ Tây Trang qua nước bạn Lào. Đó là những năm tháng trước chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc, khí thế xây dựng non sông cứ là hừng hực. Những thanh niên, bộ đội sau thời hoà bình lập lại rất nhiệt huyết, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu. Tôi là dân Tây học, tiếng Pháp, tiếng Anh thậm chí tiếng Tàu nói như tiếng mẹ đẻ, hơn nữa lại là con rể của một vị Thứ trưởng vậy mà xung phong lên Tây Bắc thì thưởng cái gì cũng xứng đáng.

 

Cái chăn chiên ấy đã theo chàng kỹ sư bậc bốn từ công trường về Hà Nội. Dù rằng vợ tôi là con thứ trưởng, nhưng vì ở quê ra nên phải làm tạp vụ cho Văn phòng của Bộ, lương mỗi tháng chỉ 32 đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng hơn trăm đồng bạc. Nhà có những bốn miệng ăn. Rau thì tăng gia ngay đám đất trước cửa, còn thịt cá thì chưa bao giờ mua được quá 300 gram. Phong trào thi đua tăng gia sản xuất lên ngút trời. Đi đâu cũng gặp khẩu hiệu kêu gọi mọi người chăn nuôi trồng tỉa. Ngay trong căn hộ tập thể - nơi gia đình tôi ở cũng đã có chiến dịch chăn nuôi từ mấy tháng trước. Nghẹt nỗi, nhà thì chật hẹp, nhưng được cái dãy nhà vệ sinh xây cũng tàm tạm. Đứng từ tầng này cũng “bị thấy “tầng dưới có người đang làm cái nhiệm vụ cá nhân (!). Gia đình tầng dưới đã nuôi một con lợn. Tôi bận đi Tây Trang mới về, đêm tiếng lợn kêu nghe cũng hay hay. Đầu óc tư hữu trỗi dậy trong chàng kỹ sư bậc bốn: Bán ngay cái chăn chiên để tăng gia sản xuất. Thức ăn dạo đó cho lợn thì dư thừa: sữa các nước Đông Âu viện trợ bán ê chề mà chẳng ai mua. Sữa đã rút hết bơ và sấy khô, nhưng người mình chẳng ai ăn. Thà ăn củ khoai củ sắn, chứ ai quen ăn mấy cái thứ đó. Khốn nỗi một con lợn bột giống cũng tới 20 đồng, vậy mà cái chăn chiên bán chỉ được 9 đồng, chưa chẵn chục. Mua gì bây giờ? Sau nhiều đêm suy nghĩ và nhiều ngày đi khảo giá ở chợ, chàng kỹ sư - tôi đã có giải pháp.

 

Chiều mùa đông Hà Nội, gió Đông Bắc lạnh lẽo có chút mưa lất phất. Tôi cho con ngồi lên cổ. Công kênh, hai bố con thả bộ xuống chợ Mơ. Dễ đến năm cây số. Chiến dịch mua lợn bắt đầu. Bỏ ra hai hào bạc, chàng kỹ sư mua ngay một nải chuối và gửi cậu con trai cho cô bán hàng. Tôi thả bộ ra hàng lợn giống. Con nào cũng bóng mượt hồng hào trông thật mê, nhưng con nào cũng có giá những trên hai chục bạc. Mua những ngữ đó về khó nuôi lắm! Tôi tự động viên an ủi: “ Các Hoàng tử đó được chăm bẳm béo tốt thế kia về nhà nghèo sao chịu nổi! ”. Tôi đi về cuối dãy chợ thì gặp một chàng trai đứng run rẫy trong bộ quần áo xác xơ, chỉ có hai con mắt bơ phờ tội nghiệp lộ ra từ chiếc mũ len trùm kín đầu. Thằng cha này nghèo mà chơi sang thật. Trên tay hắn ẳm một con lợn trông thật dữ tợn - con lợn chừng 7 - 8 cân thôi nhưng mõm thật dài, chân thật cao, trên cổ lại lẳng lơ chiếc xích xe đạp bỏ đi.

- Này, Chú em có gì bán đấy? Tôi lên tiếng trước.

- Thì em bán lợn giống mà bác.

- Lợn gì mà lợn. Chó becgiê thì có. Cái mõm thế kia, người giơ xương ra.

- Lợn của em giống Yớcsai đó. Bác nuôi chóng nhớn …

- Nhớn gì mà nhớn. Tôi cướp lời, nhưng bụng bảo dạ rằng món này hời đây. - Mà giá bao nhiêu đấy? Tôi xẳng giọng tiếp.

- Mười lăm đồng chắc giá.

- Lợn  “ becgiê ”  mà cũng đắt thế sao? Tớ là bác sĩ thú y đây. Sáu đồng nhé! Lợn của chú em phải có tên là chó becgiê. Mà tớ cũng đang đi tìm mua chó đấy, chứ lợn này về chỉ có thịt.

- Ấy chết, nó còn nhỏ lắm.

Con lợn nghe chủ nói vậy cũng gếch cái mõm dài ngoẵng lên giơ hai răng nanh nhọn hoắt. Thấy thế tôi phán ngay:

- Đích thị là lợn “ becgiê ” rồi ! Và tôi giả vờ bỏ đi.

Chú em bán lợn nghe thế liền hạ giọng:

- Thôi, bán cho bác 10 đồng .

Trong túi mình chỉ còn chưa tới 9 đồng. Tôi dứt khoát:

- Tớ chỉ có bảy đồng thôi. Bán thì lấy.

Người bán lợn không chút lưỡng lự, ấn ngay con lợn vào tay tôi và kèm theo câu năn nỉ: “ Nhưng bác đừng thịt nó, thương lắm!”

- Ơ hay, lợn nuôi để làm cảnh chắc?

Tôi mua được, cậu ta bán được, đôi bên hể hả còn siết chặt tay nhau. Quái, thằng này nghèo kiết xác mà lại có nhẫn vàng đeo tay,  ghê không?” - Tôi thầm nghĩ.

 

Tôi ôm con lợn “ becgiê ”  ra cổng chợ. Cảnh đầu tiên đập vào mắt là thằng con trai đứng khóc như mưa. Hỏi mãi mà chẳng nói, chắc là chờ bố lâu quá. Cô hàng chuối xẵng giọng: ” Bội thực đấy! Khiếp, bác dại thế, sao cho cháu ăn hẳn cả nải chuối”. À ra thế, ở nhà hoặc ở lớp con tôi chưa bao giờ biết trái chuối ra làm sao. Tiêu chuẩn chỉ có nửa trái. Mãi rồi trong đầu bọn trẻ có khi chuối chỉ là nửa quả. Hôm nay thì cả một gia tài - một nải chuối tiêu những hai hào bạc cơ đấy.

Buộc con lợn vào lều góc chợ, con lợn cứ muốn nhổ cả căn lều mang theo, tôi ném cho nó chỗ chuối thừa mà con trai đã ăn. Chao ôi! Nó nhai ngấu nghiến cả vỏ chuối luôn. Lợn này háu ăn đây. Ông lãi to rồi. Tôi mừng thầm trong bụng. Giải quyết xong cái vụ bội thực cho cậu con trai, chúng tôi quyết định về. Nhưng đường thì xa. Ôm con, dắt lợn ư ? - Không được. Nó mà đi bộ sẽ gầy đi mấy cân, nuôi bao giờ cho lại? Ôm lợn, dắt con cũng chẳng được, thằng bé sẽ khóc và ngộ nhỡ lạc đường thì khốn. Tôi đánh bạo hỏi cô bán chuối:

- Em bán chuối có dây chuối không?

- Em chỉ có bẹ chuối lót giỏ thôi.

- Cũng được.

Tôi ngồi giữa chợ mà bện dây thừng từ mấy bẹ chuối.

 

Tôi địu con trên lưng bằng sợi thừng chuối, phiá trước thì ôm ”tài sản” rồi hành quân gấp về nhà.

Bà vợ đón hai bố con mà suýt ngất xỉu: ”Trời ơi! Cơm gạo đâu mà ông còn rước thêm một đứa con nuôi về nhà?“. Tôi móc túi đưa bà một đồng tám và giải thích rằng việc nuôi lợn là tăng gia sản xuất theo chủ trương chung. Bà vợ bỗng dưng được món tiền thì mừng khấp khởi. Lát sau lại suy tư:  “ Rồi lấy gì mà nuôi nó?”. Tôi quyết đoán: “ Việc đó có anh lo”.

 

Mà thật sự việc nuôi con lợn “ becgiê ”  hoàn toàn do một tay tôi quán xuyến. Vợ con tôi phải chịu cực đôi chút, đó là việc tiểu tiện, đại tiện phải đi vào bô rồi mới đổ cầu tiêu, vì căn phòng đặc biệt này phải dành cho “sếp”. Việc đầu tiên là tôi thả bộ ra đầu phố, ngồi kể lể dài dòng cho cô bán thuốc thú y về tình trạng sức khỏe của con lợn vừa mua.

- Lợn nhà bác bị sán đồng tiền rồi! Cô ấy phán như đinh đóng cột và bán cho một hào thuốc.

 

Tôi đem về giã thật nhỏ rồi cho vào sữa. Con “ becgiê ” nhà tôi lần đầu trong đời được uống sữa mà lại là sữa ngoại hẵn hoi. Nó làm một mạch biến hết một chậu thau. Cả đêm không nghe con “ becgiê ”  ủn ỉn. Chuyện này cũng lạ, từ khi tôi mua được con “ becgiê ” này thì nhà tầng dưới chẳng nghe tiếng eng éc nào nữa. Chắc lũ lợn đã đánh hơi thấy có đồng loại trong khu tập thể. Buổi sáng tôi dậy thật sớm vào thăm “ becgiê ”. Nó nằm sóng soài và bất động. Khiếp thật, quanh nó toàn sán đồng tiền. Tôi dội nước sạch sẽ. Con lợn mắt thiêm thiếp và rên khe khẻ như thầm cảm ơn ông chủ đã giải phóng cho nó cái của nợ đeo bám lâu nay. Làm vệ sinh xong chuồng trại, tôi nấu cho nó một bát cháo gạo. Ăn xong bát cháo, con “ becgiê ” bắt đầu lột xác từ đó!.

 

Ngày trước tôi thường chạy bộ mỗi buổi sáng trong nghĩa trang Bạch Mai thì nay tôi sắm luôn một cái bao gai mang theo. Trời chưa sáng hẳn, tôi đã cắt đủ một bao rau dại.

 

Buổi trưa cữ 11 giờ rưỡi tôi lại lẳng lặng rời cơ quan ra chợ xách một bịch đầu ruột cá về cho con “becgiê” . Có bữa các bà hàng cá gom lại nhiều quá tôi cũng đành từ chối vì gói “quà” của tôi gọn lắm.  Nó được gói lại rồi bỏ vào chiếc hộp gỗ mỗi chiều có ba tấc, bên ngoài lại bọc một lớp bạt lấy từ cái áo mưa Liên Xô cũ nát. Trông lịch sự có thừa.

 

Buổi chiều, tôi lân la tới nhà mấy ông anh bà chị vợ - họ đều là cán bộ có cỡ. Lương thực họ ăn không hết, nhiều khi để mốc, hoặc đổi lấy bún nhà quê. Tất cả được tôi gom về sau một hồi nỉ non: ” Nhà em đến những bốn miệng ăn, các bác cho em vay đỡ ”. Bà chị dâu còn dùng dằng: ” Chú phải hỏi anh chú đã! ”.  “ Trời ạ! Các bác thông cảm là qúy rồi, đợi được bác trai từ Cao Bằng - Lạng Sơn về thì mấy thằng con em chết đói hết cả à?”.  Tôi lấy được của mỗi nhà khoảng 5 -10 cân gạo mốc rồi dấm dúi bán cho mấy bà hàng bún. Tôi dùng tiền ấy mua mấy bao “ sữa viện trợ ”. Nguồn thức ăn dự trữ coi như tạm ổn mấy tháng.

 

Tôi chăm con “ becgiê ” còn hơn chăm cả bố me, vợ con. Tôi cho nó ăn nhiều bữa, hễ rỗi ở cơ quan là ghé về chăm bẵm, tắm rửa sạch sẽ cho nó. Con “ becgiê ” nhà tôi lớn nhanh như thổi. Mới nuôi có ba tháng mà đã lớn phỗng, dễ đến sáu chục cân có dư. Ngặt nỗi, nó là con lợn đực, đã đến tuổi trưởng thành mà bị nhốt trong bốn bức tường hẹp nên thỉnh thoảng dở chứng quậy. Căn nhà tầng dưới là nơi chịu trận mà không cách gì thưa kiện. Phong trào thi đua tăng gia sản xuất đang thời kỳ cao điểm, ai dám cản. Sáng chủ nhật đẹp trời, tự nhiên anh chàng tầng dưới lên chơi. Sẵn ấm trà mạn, chúng tôi nhâm nhi. Và rồi không cưỡng lại được cái thành tích của mình, tôi mang vị khách lạ mà quen đó ra giới thiệu với con “ becgiê ”.  Con “ becgiê ” nhà tôi sững lại khi gặp vị khách và tính chuồn, nhưng chuồng trại chắc lắm - bốn bức tường cao nên nó đành chịu. Sau một lát lưỡng lự, vị khách đề nghị thiến giúp con “ becgiê ”  kẻo nó phá phách.

- Em giúp bác triệt nọc cho nó, bắt nó thành quan công công bác ạ thì nó mới hết phá.

 

Tôi ngờ ngợ nghe cái giọng nói quen quen mà chẳng biết gặp tự bao giờ. Đang hứng khởi, tôi đồng ý ngay:

- Chú lấy bao nhiêu?

- Thì giúp bác là chính, nếu bác băn khoăn thì bác cho em vài cân gạo, nhà em tháng này có khách ở quê ra nên thiếu hụt.

Tôi ngây thơ giao hết cả “ tài sản “ của mình cho một tay mơ về hoạn lợn. Sau một hồi cắt vá, hắn ta hồ hởi:

- Gớm, lợn nhà bác ăn gì mà nhiều mỡ thế?

Con “ becgiê ” sau khi bị hoạn thì chẳng ngó ngàng gì đến cao lương mỹ vị nữa. Chắc là đang tiếc của giời. Tối, nó vẫn bỏ ăn, chỉ rên ư ử. Tôi chạy ra đầu phố kể cho cô thú y.

- Thôi rồi anh ơi! - Cô thốt lên. Lợn nhà anh bị khâu ruột vào thành bụng rồi. Anh phải thịt nó thôi, để là nó sụt cân nhanh lắm đó.

 

Cách đây ba tháng cô ấy là ân nhân của tôi và của “ becgiê ” thì nay cô là vị quan toà tuyên án cho nó.

 

Trời nhá nhem tối, tôi đi bộ xuống chợ Mơ gặp mẹ con nhà Thắm - người quen từ thời tôi còn là sinh viên. Thuở ấy chúng tôi thường ăn cháo lòng mỗi sáng khi có tiền cũng như khi ăn thiếu. Tôi biết họ là chuyên gia mổ lợn, nhưng thời buổi nó thế họ không còn làm tư, tất cả đều vào Hợp tác xã. Tôi phải thuyết phục mãi, mẹ con nhà Thắm mới đồng ý lên khu tập thể hoá kiếp cho con lợn “ becgiê ”.  Mẹ con nhà Thắm hướng dẫn cho chàng kỹ sư bậc bốn ra thịt và nấu một nồi cháo lòng thật ngon. Tôi không quên cắt vài cân thịt nạc đùi để biếu bố mẹ vợ. Mờ sáng, tôi phụ trách nồi cháo lòng, còn bà vợ phụ trách ghế thịt. Vèo một cái khi Mặt Trời vừa ló dạng phía đông thành phố, chúng tôi đã bán sạch. Người ăn, người mua không mất tem phiếu lại được ăn ngon, thịt rẻ. Cũng may, cán bộ thuế thì chưa ngủ dậy, quản lý chợ cũng thế. Hoá ra nồi cháo lòng lại có giá bằng nửa con “ becgiê ” cơ đấy.

 

Vợ chồng tôi lần đầu trong đời có một món tiền dư ngoài lương bổng. Tôi phấn khởi xách hai cân thịt lên nhà bố mẹ vợ. Bà ngạc nhiên đến ngờ ngợ:

- Anh chị làm gì mà có những hai cân thịt?

Tôi chưa biết giải thích ra sao thì bà chị dâu trong buồng ngủ bước ra giọng còn ngai ngái:

- Chú ấy trúng qủa đấy mẹ ạ! Nhận đi cho cô chú ấy mừng.

Tiễn tôi xuống nhà dưới, ngay chân cầu thang, bà mẹ vợ vẫn còn băn khoăn:

- Anh lấy đâu ra nhiều thịt thế? Anh lại buôn bán tem phiếu à?

Tôi thành thật:  “ Của vợ chồng con mà mẹ ”.

 

Suốt đời này tôi cứ chống chếnh vì con lợn “ becgiê “  ấy. Giờ này cả ba thằng con trai tôi đều du học ở nước ngoài. Không hiểu thằng lớn có còn nhớ cái kỷ niệm cùng bố nó đi mua lợn nữa không?./.

 

 

Nguyễn Đình Phư
Số lần đọc: 1747
Ngày đăng: 22.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện ngày tết - Đỗ Ngọc Thạch
Năm nay đào lại nở - Kiệt Tấn
Ảnh Ảo - Bạch Lê Quang
Tên vận vào người - Vũ Trà My
Những mảnh vỡ (14) - Nguyễn Thị Hậu
Cóc Chết. - Lưu Mêlan
Thời tiết xấu - Khôi Vũ
Bụt - Thiện Phạm
Mùng ba tết thầy - Đỗ Ngọc Thạch
Tâm lý trị liệu - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Con Lợn Bécgiê (truyện ngắn)
Cà phê từng giọt (truyện ngắn)
Vọng phu (truyện ngắn)
Bán danh (truyện ngắn)
Lãnh Tân Châu (truyện ngắn)
Hai Truyện ngắn mini (truyện ngắn)
Nợ đời (truyện ngắn)
Về Hưu (truyện ngắn)
Ông Năm Khướu (truyện ngắn)
Thành Viên Mới (truyện ngắn)