Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
610
116.672.524
 
Xin Hãy Kiểm Tra Lại Các Nguồn Tư Liệu
Lại Nguyên Ân

 

Trên trang vanchuongviet.org hiện có bài viết dài đăng 3 kỳ của tác giả ĐỖ THẾ CƯỜNG nhan đề  Khám phá bí ẩn: Ai là T.T.Kh.?

 

Đây là đề tài đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ đề cập tuy chưa có lời giải đáp nào thật sự khiến người đọc “tâm phục khẩu phục”. Lướt qua ba kỳ đăng bài viết trên, tôi thấy điều trước tiên là lưu ý tác giả: cần kiểm lại các nguồn tư liệu. Có vẻ như ông đã dùng tư liệu gián tiếp nên có những dữ kiện thiếu chính xác hoặc sai lầm.

Xin dẫn hai ví dụ:

 

 

VÍ DỤ 1:

 

“Hai tháng sau ngày đăng truyện ngắn nói trên, giữa tháng 9 năm 1937 tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ với nét chữ run run ký tên tác giả là T.T.Kh., đó là bài thơ Hai sắc hoa Tigôn  được đăng báo ngày 23 tháng 9 năm 1937. Gần hai tháng sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa cũng vẫn ký tên là T.T.Kh, bài thơ có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến tòa soạn! Bài thơ được đăng ngày 20 tháng 11 năm 1937. Bẵng đi một thời gian khá lâu tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy không còn nhận được thêm bài thơ nào từ thi sỹ có bút danh bí ẩn này, nhưng thật kỳ lạ là cũng trong quãng thời gian đó trên tuần báo Phụ nữ tân văn (Phụ nữ thời đàm - ở phố Hội Vũ- Hà Nội) lại xuất hiện bài thơ Bài thơ đan áo cũng ký tên T.T.Kh… Một năm sau, tòa soạn mới lại nhận được bài thơ có tựa đề Bài thơ cuối cùng ký tên tác giả vẫn là T.T.Kh & được đăng báo ngày 30 tháng 10 năm 1938, trong đó có nhắc đến Bài thơ đan áo nêu trên”…

(Đỗ Thế Cường, Khám phá bí ẩn: Ai là T.T.Kh.?, kỳ 1)

 

 

Cái sai rõ ràng ở đoạn này là các nguồn báo:

tuần báo Phụ nữ tân văn (Phụ nữ thời đàm - ở phố Hội Vũ - Hà Nội) (?!)

Xin nói một cách chắc chắn:

           

1/ Tuần báo Phụ nữ tân văn không phải là Phụ nữ thời đàm !

           

Phụ nữ tân văn là tuần báo xuất bản tại Sài Gòn từ ngày 02/5/1929 đến năm 1935; tuần báo này không hề đăng bài thơ nào của T.T.Kh.

           

2/ Phụ nữ thời đàm không hề đóng tòa soạn ở phố Hội Vũ bao giờ!

Đây là tờ báo tư nhân của ông bà Nguyễn Văn Đa, ở 11-13 phố Sông Tô Lịch (nay là Hàng Lược), ban đầu hoạt động như một tờ nhật báo; số 1 ra ngày 8/12/1930; đến năm 1933, chủ nhân tờ này mời Phan Khôi làm chủ bút, đổi sang tuần báo, ra số 1 ngày 17/9/1933, kéo dài đến số 26 (5/6/1934); sang năm 1938 một nhóm theo xu hướng Đệ Tam quốc tế đã tục bản Phụ nữ thời đàm tại trụ sở 59 phố Hà Trung, Hà Nội, tờ này chỉ tồn tại được trong gần 4 tháng (25/8/1938 – 12/1938). Trên thực tế, không hề có việc Phụ nữ thời đàm đăng 2 bài thơ của T.T.Kh. như dữ liệu của Đỗ Thế Cường.

           

Tờ báo có thể đã can dự việc đăng thơ T.T.Kh. là tờ báo có tên PHỤ NỮ, đóng tòa soạn tại nhà số 7 phố Hội Vũ, Hà Nội, chủ nhiệm là bà Nguyễn Thị Thảo. Chính Nguyễn Vỹ đã làm biên tập cho tờ này nên khi làm bài thơ ”Gửi Trương Tửu” mới có câu ”Còn tôi bưng thúng cho đàn bà...”  (trích theo trí nhớ, có thể chưa chuẩn xác). Tờ này hiện không còn sưu tập nào lưu ở mấy thư viện lớn ở Hà Nội, nên ai nói căn cứ vào nó thì hẳn là nói dựa, lấy nguồn gián tiếp từ các bài hồi ức hoặc bài báo vu vơ nào đó, rất khó chuẩn xác.

 

 

VÍ DỤ 2:

 

Còn đây là bài viết của Bùi Viết Tân (đăng trong Tạp chí Văn nghệ kháng chiến số tháng 5 năm 1951)

(Đỗ Thế Cường, Khám phá bí ẩn: Ai là T.T.Kh.?, kỳ 1)

 

Xin hỏi: tác giả định nói đến  Tạp chí VĂN NGHỆ kháng chiến nào?

 

Nếu là tạp chí  VĂN NGHỆ  của Hội văn nghệ Việt Nam, xuất bản tại Việt Bắc, thì tạp chí này không có số nào ra vào tháng 5/1951, cũng chưa từng đăng bài nào của tác giả Bùi Viết Tân suốt từ số 1 (ra năm 1948) đến số 56 (ra tháng 10/1954, là số cuối cùng in ở Việt Bắc).

 

Nói rõ hơn: sau số kép 27&28 (tháng Mười Một và tháng Chạp năm 1950), VĂN NGHỆ đổi thể tài, trên thực tế là ngừng khá lâu; số 29 được ghi là “loại mới” ra ngày 15/8/1951, và trong năm 1951 chỉ ra thêm được 4 số nữa, tới số 34 (ra ngày 15/12/1951) mà thôi. Vậy đào đâu cho thấy số ra vào tháng 5/1951?

 

Xin nhắc: toàn bộ tạp chí VĂN NGHỆ  thời kháng chiến 1946-54 của Hội Văn nghệ Việt Nam đã được làm thành sưu tập, Nxb. Hội Nhà Văn in từ năm 1996 đến 2006, gồm 7 tập, do nhà báo Hữu Nhuận và tôi sưu tầm và biên soạn, bạn nào cần tìm bài vở xuất hiện ở thời kỳ đó, xin tìm sưu tập đó, hiện có tại các Thư viện./.

 

16/7/2012

 

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 1872
Ngày đăng: 18.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dạy con khôn đặng chúng còn dắt ta đi? - Lê Hải*
Bình Luận Đề Thi Đại Học Môn Văn Năm 2012 - Phạm Ngọc Hiền
Thực trạng xã hội hóa sân khấu - Tuấn Giang
Anhekđot - Huỳnh Văn Úc
Giả đạo phạt Quắc - Huỳnh Văn Úc
Nghĩ về một tương lai đầy ẩn số trong tay thế hệ trẻ - Lê Hải*
Thư ngỏ của Trần Mạnh Hảo Viện trưởng viện văn học - Trần Mạnh Hảo
Ngọn giáo - Huỳnh Văn Úc
Ksenia Sobchak - Huỳnh Văn Úc
Việt Nam không có báo lá cải ? - Tu Hú
Cùng một tác giả