Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
814
116.691.704
 
Thầy Huỳnh Lý của tôi
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Trong cuộc sống, đôi khi con người ta rơi vào một tình huống bi kịch, những trạng thái u uất, đau đớn cùng cực, và khi ấy thường có một điều gì đó vụt mách bảo, tựa một cẩm nang phải giở ra lúc cần kíp, như một ông Bụt của tuổi thơ bất ngờ xuất hiện an ủi và giải tỏa cho ta không ít điều mắc mớ, hoặc kìm giữ chân ta khỏi rơi vào cái hố tuyệt vọng... "Điều gì đó" đối với riêng tôi thường là những cuốn sách dịch văn học Pháp của nhóm Lê Quý Đôn - đặc biệt là bộ "Những người khốn khổ" (Victor Hugo); và "ông Bụt" chính là một trong những người của nhóm dịch danh giá ấy - giáo sư Huỳnh Lý...

 

Giáo sư Huỳnh Lý (sinh năm 1914 tại tỉnh Quảng Nam, mất năm 1993 tại Tp. Hồ Chí Minh) là một nhà nghiên cứu - dịch thuật văn học nổi tiếng, một nhà giáo lão thành đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGND. Sau ngày Giáo sư qua đời, tại Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội có Giải thưởng Huỳnh Lý hàng năm tặng cho sinh viên xuất sắc .

 

GS Huỳnh Lý giảng dạy tại khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1958 cho đến ngày nghỉ hưu, song khóa chúng tôi không được học thầy giờ nào. Tôi chỉ biết tới thầy qua những trang giáo trình, những công trình nghiên cứu, dịch thuật, cùng những lời bình luận đầy thương mến và trân trọng của các thế hệ sinh viên lớp trước về thầy. Chỉ sau khi tình nguyện lên Tây Bắc dạy học được một năm, tôi mới mạnh dạn tìm gặp thầy tại nhà riêng - căn buồng hẹp phải leo qua một căn gác dài tối tăm ở 50 Thi Sách Hà Nội gợi nhớ đến ngôi nhà quanh năm không ánh nắng mặt trời ở thị trấn Xômuya trong tiểu thuyết Ơgiêni Grăngđê (H.Balzac) do thầy dịch...

 

Căn phòng 15 mét vuông của vợ chồng thầy và hai người con út, sách vở tài liệu xếp chồng đến trần nhà. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy chính là đôi mắt hiền từ, giàu tình cảm và đượm suy tư qua đôi tròng kính dày cộp. Thầy thường có cái cười vẻ hơi tinh nghịch, hóm hỉnh... Thầy trò chuyện rủ rỉ, giọng vẫn giữ tiếng Quảng Nam hơi khó nghe nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt bởi lối kể chuyện dí dỏm, ứng đối bất ngờ, giản dị mà thâm thúy... Vợ thầy, cô Phan Thanh Cam, một cô giáo và cũng là một dịch giả văn học thiếu nhi. Mới lần đầu gặp tôi, nhưng hình như cô cho rằng đã đến với thầy thì có thể coi là khách đáng tin cậy, cô than vãn: "Cứ lần nào đi chợ về, cô đều thấy như vừa bị mất cắp ấy! Vật giá leo thang vùn vụt, biết sống sao đây...Cái thằng út nhà cô nó học xây dựng đấy! Sinh viên đại học gì mà cứ mỗi lần nó đi học về cô thấy nó phờ phạc hơn đứa ăn mày..." Nhưng cuộc sống của gia đình thầy vẫn tràn ngập những câu nói đùa vui khả dĩ thay thế được phần nào sự mệt mỏi tinh thần lẫn túng thiếu vật chất thời khủng hoảng Giá-Lương-Tiền. Và tri thức - một thứ không bán mua được trong không gian đó đã trở thành vật bảo trợ đáng tin cậy nhất cho những giá trị tinh thần mà những lớp học trò chúng tôi may mắn được thừa hưởng từ thầy - những thứ mà tôi đã, đang và sẽ theo đuổi một cách vừa vất vưởng vừa sung sướng vì chúng...

 

Một lần nghỉ phép, đến thăm thầy thì được thầy thông báo: thầy đang làm thủ tục xin đi làm chuyên gia để "cứu nhà". Thầy kể: "Những người xin đi chuyên gia truyền khẩu mấy câu ca dao nghe cười ra nước mắt: “Nhục thay cái kiếp chuyên gia/ Để Tây nó hét, để ta nó hành. Suốt mấy tháng qua, thầy đến khốn khổ với cái bọn tổ chức. Tài liệu hồ sơ bị yêu cầu dịch đi dịch lại mấy lần! Mà cái tay yêu cầu thầy dịch lại ấy chưa chắc đã đọc nổi lấy một trang nguyên tác "Eugiéni Grandet" đâu! Rồi đánh máy xong, lại bị phê là không đúng format, bị trả lại! Đi bán sức lao động, bán óc, thế mà cũng bị làm tình làm tội đủ kiểu. Cái tay tổ chức nhìn thầy lúc đưa hồ sơ lần cuối cũng bằng cái nhìn soi mói; thấy không có gì để gây khó dễ được nữa thì hỏi móc: "Tại sao ông gần 60 tuổi rồi mà tóc vẫn chưa bạc nhỉ? Lạ thật đấy!" Thầy không biết nên cười hay nên khóc, đành trả lời, vì nếu không trả lời hắn ta sẽ cho là khinh hắn, rầy rà công việc ra: "Vâng cảm ơn, tóc tôi chưa bạc là vì tôi chỉ lo làm việc, kiếm ăn, không phải bận tâm vào những việc khác nữa." Không ngờ hắn sa sầm mặt lại. Thầy cũng đổ mồ hôi hột. Thôi, không khéo lần này mọi gắng sức đều đổ xuống sông xuống bể hết… Ở những chỗ đó, thầy mới hiểu vì sao con người ta đáng thương tội nghiệp thế, vì sao người ta lại trở nên hèn đi như thế..."

 

Việc thầy xin đi làm chuyên gia khiến cả dịp nghỉ hè đó của tôi buồn trĩu nặng. Buồn vì những chuyện phi lý ngớ ngẩn, sự quan liêu hạch sách mà thầy gặp phải, nhưng buồn hơn cả là một giáo sư văn chương có nhiều công trình xuất sắc như thầy sao lại phải đi bán chất xám, trong khi ở nước ta đang cần rất nhiều chất xám thì chúng đang bị bỏ phí hoài... Cái tình cảm thầy trò gắn bó ấy tôi có kể lại trong cuốn tiểu thuyết đầu tay "Thung lũng buồn" (NXB Thanh niên, 1992), trong đó nhân vật giáo sư Huỳnh mang hình bóng của thầy rất rõ nét.

 

Từ Tây Bắc xa xôi, tôi thường xuyên viết thư cho thầy, và một trong những niềm vui lớn lao nhất của một anh giáo khổ miền Tây là nhận được thư của thầy - những lá thư mà suốt đời tôi gìn giữ như một báu vật. Xin được trích từ một bức thư của thầy gửi cho tôi.

 

"Tuấn yêu!

Đang chấm bài, bỗng nhớ đến thư em nhận được sáng nay, giở ra đọc lại, bồi hồi...Ra đứng ở cửa sổ trông trăng đêm 12 ÂL, nghĩ tới núi rừng Tây Bắc. Ở một góc rừng đất nước có một thanh niên đang thao thức. Không biết làm sao những câu thơ Tố Hữu viết về anh lính gác đêm cứ trở đi trở lại như một điệp khúc...

 

Giữa em và thầy đúng là có một sự cảm thông, vì vậy những tiếng lòng của em, thầy nghe được hết. Biết đâu thầy cũng có một nỗi buồn để góp với em?

Nhưng mà Tuấn ạ, tại sao lại buồn nhỉ? Thầy cho em một cái "công thức" Hạnh phúc nhé:

 

Hạnh phúc = Một lý tưởng + Những niềm vui nhỏ lành mạnh - Những tham vọng vật chất

_________________________________________________

­­­­­­­­­­­­                                          Năm tháng                                                            

 

Cái công thức Hạnh phúc này, suốt những năm qua tôi đã truyền lại cho biết bao học trò cũ và mới của mình hiện đang sống ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Sống ở phố huyện buồn, tôi đã tự học tiếng Pháp bằng cách giở hai bộ sách "Những người khốn khổ" do thầy tặng và nguyên tác "Les Misérables" đặt bên cạnh nhau mà soi từng chữ từng dòng. Khi nghe tôi kể lại cách học đó, thầy chỉ lắc đầu cười hiền. Biết tôi thích chơi ảnh, thầy còn cho cả một chiếc máy ảnh nghiệp dư mới tinh (do bà con Việt Kiều gửi tặng thầy) để mang lên Tây Bắc chụp cảnh và người. Tôi mang ảnh về khoe thầy. Thầy nheo mắt ngắm từng chiếc ảnh đen trắng do tôi tự làm ảnh, gật gù bảo: "Thầy muốn em phải tiến tới chụp làm sao có "Ảnh trung hữu Thi" kia!" ( Trong ảnh có thơ, từ luận điểm mỹ học cổ: Thi trung hữu Họa). Rồi thầy cười xòa, nói rằng, có dịp sẽ đi cùng tôi lên thăm ngôi trường cấp ba phố huyện xa xôi đó, và tôi phải dẫn thầy thăm thú cảnh vật miền núi Tây Bắc mà thầy mơ ước từ lâu...

 

Lần cuối cùng tôi còn được gặp thầy là ở giữa Sài Gòn ngày chợt mưa chợt nắng. Khi ấy, vào cuối năm 1990, thầy đã yếu lắm rồi. Thầy không nhìn rõ nữa, nhưng nghe tiếng chào khe khẽ của tôi, thầy đã vội quờ quạng thành giường, lần bước ra đón trò cũ với nụ cười thân thiết vô hạn: "Tuấn phải không?" Rồi vẫn như xưa ở căn buồng hẹp Thi Sách, thầy mải mê chuyện trò hỏi han với cái giọng thủ thỉ xứ Quảng quen thuộc. Gian nhà nhỏ thầy sống nhờ của người con trai thứ hai - anh Huỳnh Phan Tùng, giảng viên trường ĐHBK Tp Hồ Chí Minh ở trong một hẻm quận Phú Nhuận xa tiếng động cơ rú gào chỉ trong phút chốc đã tràn ngập tình thầy trò và không khí văn chương trong lành… Vâng, trong lành quá, thanh bạch quá... Lần đó cũng như mọi lần trước kia, tôi tạm biệt thầy và gia đình thầy trong một trạng thái tinh thần lâng lâng khó tả, buồn vui lẫn lộn, để rồi tin yêu hơn những gì mình đã tin yêu, trước hết là vì thầy- vị học giả uyên bác có tâm hồn thi sĩ và chân thành như trẻ thơ...

 

Viết thêm

Những năm tháng tôi sống ở rừng xa Tây Bắc, thư thầy có kể cho nghe về người con đầu của thầy - liệt sĩ Huỳnh Phan Lê, về những bài thơ anh gửi ra từ chiến trường nhờ ba mình nhận xét. Nhưng thầy chưa kịp làm theo yêu cầu của anh, thì anh đã hy sinh ở chiến trường khu V. Tôi có làm bài thơ về chuyện này, giờ đây xin được đọc trước vong linh thầy vào ngày Nhà giáo Việt Nam.

 

MÊNH MÔNG TRÊN MÁI TÓC CỦA THẦY

 

   Kính gửi GS. Huỳnh Lý                                                                         

                                

Chuyện lâu rồi, hôm nay thầy kể lại

Con thầy gửi về từ mặt trận

Những bài thơ của anh

 

Rồi lần khân thầy không phê bình được

Những bài thơ chiến trường canh cánh không nguôi

Hai năm ròng…

Khi thầy tới bên anh

Lời nghiêm khắc, chân tình

Anh chỉ còn sống trong lòng đồng đội

 

Thầy ơi, cho con khóc anh

Như khóc một người anh, người tri kỷ

Những bài thơ sớm chia lìa tuổi trẻ

Có một mái đầu đã bạc

Mấy hạt sương

Có điệu Lý ngựa ô quê hương

Có rặng dừa xác xơ đạn bom, gió táp

Và một dòng sông xa

Xa đến độ làm ứa lệ…

 

Những bài thơ anh để lại

Mênh mông trên mái tóc của thầy…

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1084
Ngày đăng: 15.11.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký ức về người Thầy cũ - Lê Thị Tâm
Tuy – Hòa quê ngoại - Vương Kiều
Bản Troi và “Giấc mơ con chữ” - Hoàng Xuân
Nha – Trang ngày về - Vương Kiều
Đà – Lạt ngày ấy - Vương Kiều
Thư cho anh - Trần Hạ Vi
Tình thiêng - Trần Dzạ Lữ
Nén hương lòng mừng Châu Hương Viên - Trang Thùy
Dọc đường văn nghệ (phần 49) Phù hư – Nhà thơ “Ngậm thẻ qua sông” - Trần Dzạ Lữ
Chiếc áo len Và Cha tôi - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)