Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
822
116.691.414
 
Tâm sự của một người làm điện ảnh với khán giả yêu phim đề tài miền núi và khán giả người miền núi.
Nguyễn Anh Tuấn

 

( Với Nhóm Giao lưu Văn hóa Thái Việt Nam)

 

 

Trước hết, phải cảm ơn Ban Quản trị “Giao lưu văn hóa Thái VN” đã tin cậy nhờ tôi xem một bộ phim đề tài về người Thái: “LỜI THỀ HẠN KHUỐNG” ( Kèm theo link phim), và đề nghị cho ý kiến của người trong nghề; có lẽ bởi tôi không phải là người “làm phim bằng mọi giá” nên mới có sự tin cậy này.

Thực ra, tôi cũng đang muốn xem phim của bạn đồng nghiệp để học tập, bởi tôi cũng đang ấp ủ mấy dự án phim về người Thái, người Dao, người Mông - như một món nợ nghề nghiệp và hơn thế, món nợ sâu nặng đối với tuổi trẻ của tôi trên vùng núi Tây Bắc. Nhưng, giờ đây, xem phim xong rồi phải có nhận xét, dù là khách quan chăng nữa, thực lòng tôi thấy e ngại, và rơi vào thế rất khó xử. Nhất là, sau đường link phim là hàng loạt sự chê bai phim khiến tôi bỗng thấy chạnh lòng “chạm nọc”, tự ái thay cho đồng nghiệp. Nhất là Stt của bạn TrangThocam: “Toàn bộ phim mình chấm được mỗi bó đuốc là đạt yêu cầu” khiến tôi bật cười nhớ lại thời sinh viên văn khoa năm nhất, tự viết và dựng cho khoa vở kịch “Đêm Ức Trai”, các thầy khen là được hình ảnh bó đuốc tượng trưng cho ánh sáng thời trung cổ; còn các nhân vật thì ăn nói như trong kịch Sếcx-pia ( nghĩa là chê một cách thâm thúy, lịch sự!)

Các lời nhận xét, đánh giá về phim này chủ yếu là các anh chị và các bạn người Thái, đặc biệt là các nhà nghiên cứu Thái học và người Thái Mường Lò, nên có đủ thẩm quyền hơn tôi để nói về phong tục, phục trang, bối cảnh, tâm lý nhân vật… - và dù có sự nôn nóng hoặc sự bực dọc thái quá thì tôi tin các nhà làm phim thực sự có thái độ cầu thị có thể dẹp bớt tự ái để tiếp thu sự thật, rút kinh nghiệm cho các phim sau.

Trước những nhận xét chủ yếu là chê bai đó, tôi xin được thay mặt các bạn đồng nghiệp tâm sự đôi chút về những nỗi nhục nhằn của người làm nghề phim ảnh - cụ thể là phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình, không phải để cầu xin sự chiếu cố, sự hạ thấp yêu cầu nghệ thuật, mà mong các khán giả yêu đề tài miền núi & khán giả người miền núi sẽ đồng hành một cách thiết thực với những người làm phim đã/ đang ấp ủ về đề tài này, ít nhất là về mặt tinh thần.

Trước nay, những phim về miền núi có thể đếm trên đầu ngón tay, quá ít ỏi so với số lượng phim áp đảo màn ảnh lớn - nhỏ. Bản thân tôi, khi làm bộ phim điện ảnh đầu tay, phim “Vầng trăng lửa” năm 1995 về người Mông đã gặp biết bao khó khăn trắc trở (Nếu các anh chị các bạn yêu điện ảnh có yêu cầu, tôi xin kể lại chuyện làm bộ phim này trong dịp khác). Còn khi tạm chuyển sang làm phim truyền hình bên VFC bởi điện ảnh VN tan rã, toàn bộ rạp chiếu biến thành quán bia vũ trường, có rất nhiều đề tài về miền núi của tôi và không ít nhà biên kịch lại càng khó có điều kiện thực hiện hơn: đó là đề tài không ăn khách, nên khó lấy được quảng cáo cho Đài TH để làm phim; với lại kinh phí chỉ cho phép đoàn phim hoạt động trong vòng 30km trở lại. Một số phim tôi có thể đi xa và rất xa được, là nhờ các địa phương hỗ trợ chuyện ăn ở, lại phải “quảng cáo chui” giúp anh em đoàn phim đỡ vất vả. Hơn nữa, nói đến miền núi, các thành viên trong đoàn làm phim ai cũng trợn mắt lắc đầu, một mình ông đạo diễn “máu mê” thì làm gì được! Bởi thế, nhiều đề tài & kịch bản miền núi mà tôi tâm đắc cứ để dành đấy đã (Riêng phim “Cô gái Ma-cà rồng” - tức “Chuyện nàng Von” tôi quay được là nhờ có sự đặt hàng, hỗ trợ của Công ty Điện ảnh Sơn La, dù Cty này cũng quỵt toàn bộ thù lao của các thành viên trong đoàn phim, đạo diễn tôi là trưởng đoàn phải gánh chịu cả!!!). Vì vậy, khi có một phim nào đó quay được ở miền núi, về đề tài dân tộc, tôi cũng đều thấy đáng quý, đáng khâm phục, đáng xem hơn nhiều phim bom tấn thương mại chỉ quan tâm đến lời lãi đang thống trị ở hơn 900 phòng chiếu KTS hiện đại toàn quốc…

Tôi kể qua vậy để các khán giả khó tính “thể tất nhân tình” phần nào với những bất cập, những điều chưa được như ý của bộ phim truyện truyền hình trên, cũng như một số phim đã/ sẽ thực hiện tại miền núi, mà những người làm phim đã rất vất vả lo chạy kinh phí ít ỏi để thực hiện. Nhưng tôi cũng xin vượt qua sự e ngại, vì quý nể các bạn, để có vài nhận xét về phim này, trước hết là để cho bản thân tôi rút kinh nghiệm nay mai vào cuộc làm phim Miền núi…

Trong bộ phim “Lời thề Hạn khuống”, những “hạt sạn” về phong tục, phục trang, v.v, thì nhiều khán giả đã phân tích, tôi xin không nói đến nữa, mà chỉ xin đề cập tới mặt nghề nghiệp thôi. Công bằng mà nói, đây là bộ phim thoát ra khỏi cái vòng “kim cô” xưa nay về các chương trình Dân tộc - Miền núi ( phim, sân khấu, sự kiện, clip ca nhạc…),  nghĩa là các nhân vật luôn ăn nói ngô ngọng kiểu: cái bụng tao nó không ưng đâu vớ!, không thấy chất “dân tộc gia công”, lời thoại nhân vật đã có bản sắc của tâm hồn người miền núi: đầy chất thơ, sự ví von so sánh vừa hồn nhiên vừa tinh tế, giàu hình ảnh và trực cảm. Diễn viên không quen thuộc nên chinh phục khán giả ngay từ đầu, lại diễn khá tự nhiên, sinh động, không thấy sự chỉ đạo gò ép của đạo diễn. Về bối cảnh, đạo cụ, với kinh phí tôi biết là rất hạn chế, vậy mà họa sĩ thiết kế cùng các họa sĩ bộ phận đã tạo ra được hoàn cảnh sống khá chân thực của nhân vật. Giá như, các họa sĩ biết lắng nghe các cố vấn dân tộc đã ghi trên màn chữ phim, thì sẽ bớt nhiều những sai sót về phục trang, bối cảnh.

Riêng tôi cũng thấy hơi gờn gợn về nhân vật nữ mặc áo trắng bên dàn hỏa khổng lồ, giống như nữ tu, một vật tế Thần của một tôn giáo xa lạ nào đó, mà theo sự hiểu biết của tôi, đồng bào Thái Tây Bắc không có các cuộc cúng Trời cầu mưa kiểu đốt lửa dàn thiêu thế này! Tôi cũng không đồng tình lắm với đòi hỏi của một số khán giả là: làm về người Thái phải y hệt như đời sống và lịch sử. Bởi, phim về một dân tộc nào đó, đúng là cần tôn trọng những điều cơ bản, nhưng phim làm ra là cho đông đảo khán giả nhiều dân tộc, nên quy luật nghệ thuật cho phép sáng tạo thêm một cách hợp lý. Một ví dụ khá hay, là trang phục Mông trong phim Vợ chồng A Phủ ( đạo diễn Mai Lộc), đẹp và cách điệu nhiều so với trang phục Mông truyền thống, nhưng khi lên phim, không ai chê trách gì cả, đồng bào Mông vùng Hồng Ngài - Bắc Yên cũng khen đẹp! Nhưng đúng là trang phục cô dâu áo cóm đỏ trong phim này sẽ gây phản cảm, bởi chỉ các cô dâu bên Tàu mới áo đỏ như thế, còn một số vùng người Kinh bắt chước!

Song, điều tôi muốn dừng lâu hơn chút để bàn, là về nội dung tư tưởng của phim, thể hiện qua một kịch bản văn học quá non yếu, làm phí đi những cảnh quay khá ấn tượng của nhà quay phim, những đoạn diễn xuất khá chân thực của diễn viên! Đường dây câu chuyện phim rất rời rạc, cấu trúc truyện phim lỏng lẻo, hời hợt. Các câu thoại về tình yêu bám sát dân ca Thái lẽ ra rất thú vị, rung động lòng người, nếu được đặt trong những tình thế xung đột kịch tính, chứa đựng tâm lý hai nhân vật đang yêu mà lo sợ cho tình yêu đổ vỡ… Câu chuyện trai gái yêu nhau mà không/ chưa lấy được nhau, là quá quen thuộc trên thế giới, còn truyện dân gian Thái có không ít cảnh trai nghèo yêu con gái tạo bản (hay ngược lại), khi dựa vào motif đó, nhà làm phim cần phải đầu tư rất nhiều để tìm ra cái mới mẻ của tình tiết - từ đó lẩy ra những vấn đề nhân sinh lý thú.

Trong bộ phim này, thực ra các nhà làm phim cũng đã “hé” ra được đôi chút cái mới mẻ đó, nhưng đã bỏ rơi không thương tiếc! Đó là nhân vật Tài, chàng rể bất đắc dĩ. Khi xuất hiện cảnh nhân vật này cùng bạn mang dao đi trong đêm tìm đến nơi cô San bị cha giam giữ, Tài ghé qua kẽ vách thấy đôi nam nữ hẹn hò bí mật, tôi đã nín thở chờ đợi: đây rồi, bạn đồng nghiệp của ta đã khiến khán giả hồi hộp, và từ đây sẽ biết thêm bí mật về nhân vật Tài… Nhưng tôi và khán giả đã thất vọng, khi thấy phim trôi đi, không thấy thái độ và ứng xử của Tài ra sao, ngoài việc lặng lẽ bỏ đi. Nếu là đạo diễn làm đúng quy luật tâm lý và tôn trọng sự chờ đợi của khán giả, thì sẽ để cho người bạn Tài tức tối cầm dao đuổi theo, nhưng Tài lặng lẽ giằng lại, vứt đi. Cảnh này sẽ chuẩn bị cho các cảnh cần thiết phải có diễn tả tâm trạng khổ đau, thương cảm, sự đấu tranh tư tưởng gay gắt của Tài về sau. Nhưng tất cả những cảnh đó đã không hề có, để khi Tài nói với cô vợ hờ là tạo điều kiện cho cô ta trốn đi, thì người xem ngỡ ngàng bởi không có sự chuẩn bị gì về tâm lý, như vậy, hành động của Tài hóa ra chỉ là sự sắp đặt chủ quan của người làm phim! Tôi nghĩ, chủ đề tư tưởng phim sẽ rất hay, bật ra từ chính nhân vật Tài, một thanh niên trí thức kiểu mới (bộ quần áo Tây của anh ta hôm ăn hỏi chưa được người làm phim giải thích chu đáo!). Cùng với Thiên, bạn Thiên, Tài, các thanh niên trong bản, họ là những thanh niên người Thái bắt đầu thoát ra khỏi sự sắp đặt tình yêu, hạnh phúc của gia đình, và quyết tìm đến những giá trị lớn của cuộc đời bằng chính sự ý thức về giá trị của bản thân mình. Đó, bộ phim sẽ hay hơn lên, sâu sắc và hấp dẫn hơn nhiều. Chính Tài cũng sẽ thuyết phục được cha mẹ mình và những người thân, cả dân bản, bằng tâm hồn cao quý nảy sinh giữa sự mông muội, anh biết tôn trọng tình yêu, lẽ phải, và nhân vật này sẽ là nhân vật chính, trọng tâm của phim. Tôi nghĩ: người xứng đáng để San yêu chính là Tài, chứ không phải là anh chàng Thiên chỉ biết than thở, nước mắt ngắn dài, rồi bỏ đi xa làm giàu một cách bí hiểm mà chỉ những người làm phim mới biết rõ! Tiếc quá, phim đã được xây dựng trên một kịch bản quá sơ sài, đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp, chưa xứng đáng được đầu tư tiền của để quay thành phim.

Ở đây, nhóm GLVHTVN cho phép tôi được xin lỗi các đồng nghiệp, vì tôi không muốn nói ra những điều này, nhưng các khán giả đang trông chờ ở những người làm phim yêu miền núi như chúng ta, không nên để họ phải thất vọng quá nhiều và quá lâu nữa…

Và đề nghị khán giả hãy xem bộ phim “Lời thề Hạn khuống” để cùng người làm phim rút kinh nghiệm chung.

Cảm ơn nhóm GLVHTVN và đông đảo khán giả yêu phim Miền núi!.

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 823
Ngày đăng: 20.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài cảm nhận khi xem phim Bố Già (Web drama) của Trấn Thành - Đặng Xuân Xuyến
Đôi dòng về sex trong điện ảnh và những cảnh “nóng” trong phim Kiều - Nguyễn Anh Tuấn
Xem phim “Đại thi hào Nguyễn Du” và đôi điều suy ngẫm - Nguyễn Cảnh Thụy
Kiều Và hồn ma Đạm Tiên (phần II) - Nguyễn Anh Tuấn
Kiều và hồn ma Đạm Tiên (phần I) - Nguyễn Anh Tuấn
Phút giây định mệnh (hay cuộc đời chiến đấu của Vua Thành Thái) - Sâm Thương
Kiếm lửa - Sâm Thương
"Khi hoa anh đào nở" Kịch bản Điện ảnh của Sâm Thương - Sâm Thương
Người làm phim cần biết "sợ" điện ảnh - Nguyễn Anh Tuấn
Truyện Kiều dưới góc nhìn điện ảnh - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)