Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
700
116.715.376
 
Cô bé có tràng hoa quấn cổ
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Đoàn làm phim đã quay ở bối cảnh ấy được ba ngày.

Đó là một khu du lịch sinh thái bề thế, sang trọng, có bể bơi, vườn cây, nhà nghỉ, các restaurant nổi trên mặt hồ nhân tạo được dẫn tới bởi những cây cầu diễm lệ... Cả đoàn phim tuy vất vả bởi nắng hè và tiến độ sản xuất thúc ép, nhưng bù lại, được khích lệ bởi không gian thi vị và thoáng mát rợp bóng cây đủ loại. Chỉ còn một ngày nữa là có thể giải phóng bối cảnh.

Tôi đang dán mắt vào monitor kiểm tra hình ảnh thì nghe tiếng cậu trợ lý đột ngột hô cắt máy. Tôi khó chịu nhìn lên. Mấy chiếc xe Commăngca đít vuông, xe Xítđờca của cảnh sát đã xộc đến. Cả đoàn phim ngơ ngác. Các chiến sĩ công an nhất tề nhảy ra khỏi xe, nhanh chóng tiếp cận một ngôi biệt thự lộng lẫy cách hiện trường quay không xa...

Đoàn làm phim liền tụ tập thành các nhóm nhỏ thì thầm bí mật, đoán già đoán non... Có lẽ chỉ tôi và anh chủ nhiệm thấy sốt ruột vì công việc gián đoạn. Cả hai vợ chồng ông chủ khu du lịch sinh thái đều bị còng tay số 8 dẫn độ ra. Người vợ rên la kêu oan luôn mồm, trong khi người chồng thì tỉnh khô, lì lợm, không có biểu lộ cảm xúc gì, có chăng chỉ là một thoáng thách thức. Chị ôsin bế một cô bé con trạc 4 tuổi hớt hải chạy theo. Tôi được gặp vợ chồng ông chủ này một lần, khi hai người đi đâu về bằng xe du lịch 4 chỗ bóng lộn và tiện thể rẽ qua thăm đoàn làm phim, sau đó chiêu đãi cả đoàn một bữa ăn đặc sản ngập mồm ngập miệng ngay tại nơi quay phim. Anh họa sĩ thiết kế bảo nhỏ tôi: “Họ muốn ta quay cả cái biển hiệu của họ đấy!” Tôi còn làm bộ căng: “Thế nhỡ ra, họ làm ăn phi pháp, quay cả biển hiệu để phim chúng ta đổ bể à”. “Thì cứ quay, mất gì của bọ! Lúc dựng, nếu có chuyện gì hoặc không cho duyệt thì thay bối cảnh khác”- anh họa sĩ làu bàu. Trực giác không đánh lừa tôi. Mặc dù đã trực tiếp chỉ tay đặt chỗ máy quay để lấy được toàn cảnh bên ngoài khu sinh thái cùng biển hiệu, tôi vẫn thầm nghĩ bụng: “Ừ thì quay, ai đánh thuế cái đoạn phim nằm chết trong hộp”...

 

Trong đám đông - khách của nhà hàng, diễn viên, các bộ phận đoàn làm phim, người ngoài đường xô vào đang xúm xít nhìn cảnh hai vợ chồng được đưa tới một chiếc xe, tôi được nghe loáng thoáng rằng: không phải gần đây mới có dư luận xôn xao và báo chí phanh phui về tư cách xã hội đen có dù lớn đảm bảo của ông chủ... Còn bà chủ, vốn xuất thân là một gái làng chơi cao cấp, lên làm “má mì” và bây giờ đang thay mặt chồng làm “ngoại giao” - tức là thao túng một cơ quan béo bở nào đó của Nhà nước... Có tiếng gào khóc của con bé khi đoàn công vụ hú còi chuyển bánh. Tôi bước đến đứa bé đang khóc gằn gặt trên tay chị ôsin. Không hiểu sao, một niềm thương cảm oái oăm xọc lên mũi tôi. Đứa bé giống mẹ nó như lột, đặc biệt là cái tràng hoa nhỏ xinh xắn cuốn cổ. Chị ôsin ngơ ngác thất thần trao đứa bé cho một người đàn bà khác trạc ngoài 40 tuổi đang nước mắt ngắn dài. Sau khi được dỗ dành, đứa bé nín dần. Tôi nhìn nó một lần nữa. Chợt một ánh chớp chói lòe trong tâm tưởng tôi.

Trời ơi! Khuôn mặt đứa bé, tôi đã từng gặp ở đâu đó rồi... Ở một dĩ vãng xa lắc xa lơ. Nhất là gương mặt thiên thần với cái tràng nhạc nhỏ như cành hoa cuốn cổ.

 

Kí ức bất thần chiếm đoạt trí nhớ, tôi ngây người choáng váng....

Đó là một chuyến tàu đi qua vùng Trung du, cách đây gần 40 năm...

Hôm đó tôi ngồi cùng với một gia đình. Ở ghế bên này là một cô bé gái khoảng bốn tuổi, một người đàn ông trung niên, ngoài cùng là tôi. Ghế đối diện là một cô gái mảnh dẻ và một người đàn bà thấp, to béo. Tôi lên trước nên ngồi sát cửa sổ. Nhưng đến ga thứ hai, thấy em bé cứ ngong ngóng ra ngoài, tôi biết ý. Thế là một cuộc đổi chỗ diễn ra nhanh chóng, vui vẻ. Người đàn ông (chắc là bố của em) thì gật gù, nửa ngủ nửa thức.  Cô bé nhảy như con choi choi, miệng nói tíu tít, lúc lay tôi, lúc gọi mẹ, gọi chị. Có lẽ em mới đi tàu hỏa lần đầu, cái gì ngoài khung cửa cũng làm em tròn xoe mắt. Thỉnh thoảng em hỏi trống không, tay chỉ líu ríu ra bên ngoài. Không có ai đáp lại, em quay mặt về phía tôi.

- Chú ơi chú! Cái gì ở trên núi xa kia hở chú...

- Chú kìa, con chim gì đang bay kia kìa! Đấy! Đấy!

 Những lúc đó, tôi mỉm cười với em và trả lời ngắn gọn, đơn giản. Người đàn bà to béo vẫn mải quạt phành phạch. Cô gái lườm em, ra ý bảo: sao mà ngốc thế, xưng hô không biết đường! Tôi cứ tỉnh bơ! (đúng là tôi cũng chỉ đáng tuổi anh cô gái). Có người để hỏi, cô bé luôn mồm. Trong lúc tôi và cô bé chuyện trò, hai mẹ con bà to béo cũng đủ chuyện...

Bỗng tôi nghe thấy tiếng bà rõ to, làm đứt quãng những chuyện của chúng tôi.

- Mày ra đây mà ngồi này!- Nhấc nhỏng cái mông to bè, bà ta định đổi chỗ cho con gái.

- Ứ ừ.

- Bướng bỉnh. Đấy anh xem! - Bà ta nói một cách tự nhiên với tôi - Lớn kều rồi mà vẫn như trẻ con!

Cô gái ngầm bấu mẹ một cái, bà ta giãy nảy lên như ngồi trên một chiếc lò so, nhưng vẫn thản nhiên nói về cô con gái “rượu”. Giọng bà ta ngọt như đường, nhưng lời lẽ lại phốp pháp và thô kệch như con người bà ta. Tôi không hiểu vì sao bà mẹ cứ đòi đổi chỗ cho con gái. Nhưng tôi vỡ lẽ ngay. Cô gái thò đầu ra cửa, cặp lông mi thanh thoát, dài và cong. Bỗng cô ta rúm người lại, lấy tay rụi rụi mắt liên hồi. Bà mẹ vội xốc cả thân hình đồ sộ như một trái núi lên, xuýt xoa.

 

- Trời ơi! Đã bảo mà, còn gì là mắt nữa! Tao đã bảo mà, đừng rụi! Đưa xem nào! Đã thấy chưa hả con! - Trong những lời xuýt xoa ấy có cả giọng chì chiết, cứ xoắn cả lại xung quanh đứa con gái khổ sở. Quay ngang thấy tôi gượng nhếch mép vẻ khó hiểu lẫn thông cảm, bà ta phân bua: "Đấy anh xem, con gái chỉ được cái đôi mắt mà không biết giữ gìn thì thôi chứ còn gì! Tôi ở nhà cứ bắt em nó phải ngày rửa nước muối ba lần cơ đấy, anh ạ!... Sớm này, trưa này, tối trước khi đi ngủ này. Hôm nào dậy muộn thế là nháo nhào sách cặp đi học, lấy khăn quệt quệt mấy cái vào mặt thế là thôi đấy! Còn đêm nào đi chơi về khuya là leo ngay vào gường ngủ không có thèm rửa mặt đâu!"

Cô gái vừa ôm mặt vừa lắc lắc đôi vai ngượng nghịu: “Mẹ!”

Vừa lúc ấy, tàu dừng lại ở một ga xép. Có một chị bộ đội lên toa. Chị chưa kịp cởi ba lô và tìm chỗ ngồi, tàu lại chuyển bánh. Chị hơi loạng choạng một lát. Hầu hết các ghế đều đã đủ ba người ngồi. Chị đến bên ghế đối diện tôi và khẩn khoản nói với bà to béo.

- Bác, bác làm ơn cho tui ngồi nhờ với.

Giọng chị lơ lớ, người miền Trung Trung bộ. Tôi đang thầm đoán chị người tỉnh nào thì nghe tiếng oang oang.

- Thế chị không thấy hai mẹ con tôi ngồi còn chật hay sao!

Chị bộ đội đỏ mặt lên và ấp úng xin lỗi. Một bà ngồi ở ghế đằng sau nói: “Đây này! Ở đây mới có hai người. Chị vào đây mà ngồi!” - Bà chỉ sang dãy ghế ở ngang dãy ghế của tôi”. Quả thực ở đấy mới có hai người, phía sát trong gốc dựng một chiếc đàn ghi- ta nên trông có vẻ đã chật chỗ. Mấy quả cam và nải chuối bày trên chiếc bàn vuông con.

Thấy có người chỉ đến chỗ của mình, họ im lặng nhìn người mới đến. Rồi họ đổi chỗ cho nhau. Chị bộ đội ghé mình ngồi xuống nhẹ nhàng, sau khi đã cất gọn chiếc ba-lô mỏng trên giá. Bây giờ tôi đã nhìn rõ chị hơn, trong nhịp lắc đều đều của con tàu. Người chị mảnh khảnh nhưng chắc gọn trong bộ quân phục đã bạc màu vá khéo đôi chỗ. Vài sợi tóc lòa xòa trên trán, cái nước da ngăm đen không giấu được vẻ xanh xao. Tôi cố đoán chị bao tuổi, nhưng thật khó.

Rồi cảnh vật bên ngoài đã thu hút tôi. Bấy giờ là cuối thu, đoàn tàu băng qua những cánh đồng đang mùa gặt, nhiều khoảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Không gian như tỏa ra, vươn cao, theo những cánh cò vừa bay vụt lên từ một dãy tre um tùm. Những đốm sáng li ti của một đàn vịt trên ruộng nước làm sinh động hẳn bức tranh được giới hạn bằng bốn khung cửa.

Em bé lại bắt đầu chuyện trò với tôi. Bà mẹ vẫn tiếp tục rủ rỉ với cô con gái (nói là rủ rỉ nhưng tôi nghe rõ mồn một) - từ chuyện phải rửa mặt nước muối thường xuyên tới cái thằng hôm qua đến nhà là ai và làm nghề gì... Cô gái nhấm nhẳng, hai mẹ con cứ hết dỗi nhau lại làm lành. Tôi cũng thấy vui vui trước những câu chuyện không đâu vào đâu nhưng lại rất quan trọng đối với hai mẹ con. Tôi quay ra chơi đùa với em bé. Và tôi phát hiện ra rằng những câu chuyện của tôi với em bé đã hấp dẫn chị bộ đội một cách đặc biệt. Chị ngắm em như một bà mẹ phải đi xa rất lâu bây giờ về ngắm con. Trên khuôn mặt chị, tôi bắt đầu nhận thấy nét đôn hậu của một thiếu phụ. Tôi đã có thể đoán được tuổi của chị chưa quá ba mươi. Ánh mắt chị ngời lên theo lời nói và ngữ điệu của em gái. Chị vui lắm và nhìn em không rời mắt. Chị muốn bế em trên lòng đấy thôi! Hình như bản năng dễ thương của trẻ thơ cũng thấy như vậy. Khi chị rụt rè vẫy mấy ngón tay về phía em bé, em liền bò qua lòng ông bố. Ông ta dường đã quen như thế. Bà mẹ liền nạt:

- Đi đâu hả con ranh?! Ngồi yên đấy, ngã chổng vó bây giờ!

Tôi nói ngay:

- Bác cứ để cháu sang với chị ấy! Nào, đưa chú! - Chẳng đợi bà ta đồng ý, tôi xốc nách em đưa sang cho chị bộ đội.

Chỉ đợi có thế, chị đưa vội hai cánh tay đón lấy em. Cô bé liền sà ngay vào lòng chị như một người quen thuộc, ép sát đầu vào ngực chị. Cả khuôn mặt chị áp trên mái tóc em. Hai cánh tay ôm chặt lấy em, bất động. Một lúc lâu sau, chị mới rời em ra, hai bàn tay gầy nâng nhẹ đầu em như để nhìn rõ từng sợi tóc, từng nét miệng, từng khóe mắt. Chị bỗng vụt nhìn bà to béo, thử dò xét thái độ của bà ta. Nhưng hai mẹ con vẫn tiếp tục những câu chuyện tưởng chừng không bao giờ dứt. Chị yên tâm và bắt đầu chăm chút em bé. Chị lấy một chiếc lược dura chải lại tóc và tết cho em hai cái đuôi sam con con (trước đấy em để tóc xõa). Chi vuốt ve cái tràng nhạc xinh xắn trên cổ em. Khác hẳn mọi lúc, bây giờ em ngồi im, đôi mắt mở to nhìn người đang âu yếm mình.

Tôi chợt phì cười nhẹ và chú ý quan sát hai cô cháu. Tôi không thể bỏ qua được đôi nam nữ ngồi ghế bên cạnh. Họ thật vui nhộn, hết đua nhau ném vỏ cam xem ai ném được xa ra bên ngoài đang trôi đi vùn vụt, họ lại bóc chuối đưa cho nhau cắn. Chàng thanh niên có bộ tóc xoăn tự nhiên càng tăng thêm vẻ điển trai. Cô gái mặc áo cánh mỏng, tóc tết thanh bím như hai chiếc quẩy lớn. Túi lưới của họ treo móc thành toa đựng mấy cuốn sách bìa cứng. Trên đùi người con trai là cuốn tạp chí hàng tháng tiếng nước ngoài đang mở, thỉnh thoảng họ lại chỉ cho nhau xem một hình ảnh hay một dòng chú thích nào đó. Đôi lúc người con gái che miệng cười, hay cả hai người cùng cúi xuống cười rũ rượi. Loáng thoáng qua cách nói và những lời tản mạn của họ, tôi được biết họ là một đôi bạn cùng học kỹ thuật, họ đang trên đường đi thăm họ hàng sau ngày cưới. Từ lúc đó chị bộ đội đến ngồi cùng, họ ít nói chuyện hơn. Cô gái ngồi cạnh chị vài lần quay sang đùa với em bé, rồi đôi nam nữ lại thầm thì với nhau. Cô gái nói nhiều hơn, còn người con trai tì tay lên cằm lắng nghe vẻ tư lự. Tôi không nhìn họ nữa để quay vào những tâm tư của mình và chợt nhận ra là mình không còn ai để trò chuyện. Em bé vẫn ngoan ngoãn ngồi trong lòng chị bộ đội, như đấy mới chính là mẹ của em.

Bà to béo bỗng “e hèm” và lấy giọng quý phái:

- Con Vân đâu rồi, hử?

Em bé ngắc cái đầu lên một cái rồi vẫn ngồi yên như cũ. Không thấy trả lời, bà mẹ đưa tay lên vấn lại tóc, rồi hỏi to hơn, vẫn không thèm nhìn sang ghế bên kia.

- Con Vân đâu?

Nhìn dáng phụng phịu của em bé, tôi biết là em muốn nói: em không muốn rời chỗ này một tý nào.

- Về đây, mày có về ngay không thì bảo?

Bà ta chẳng còn chút vẻ quý phái gì nữa, mặt đỏ tía lên, chòng chọc nhìn vào hai cô cháu. Hai chiếc hoa tai vàng lúc lắc mạnh. Em bé vội choàng hai tay lên cổ người nữ quân nhân. Chị nhìn người đẻ ra em bé một cách cầu khẩn. Lần thứ hai cầu khẩn trong vòng một tiếng đồng hồ. Nhưng không còn cái vẻ bẽn lẽn tội nghiệp như lúc đầu. Mắt chị ươn ướt. Chị ngơ ngác như sắp bị mất đi một cái gì thật quý giá. Chị im lặng, cái im lặng nghẹn ngào. Bất giác chị xoa đầu em bé. Chị không thể nói được một lời. Dù là lời cầu khẩn cần thiết.

Tôi vội nói:

- Bác này, cứ để em ở bên đó với chị ấy.

Dường như sợ câu chuyện bình thường trở lên to tát làm mọi người phải chú ý, chị vội gượng cười như mếu và bế em bé đưa sang. Đôi chân đi tất đỏ giãy giãy liên hồi. Bà mẹ lại ngọt ngào nựng: “Về đây với mẹ rồi ăn cơm chả, thế con không đói à?”

Chắc cô bé đói rồi nên ngoan ngoãn ngồi trong lòng mẹ, mắt hau háu nhìn theo lưỡi dao cắt từng lát cơm trắng tinh, từng khoanh giò ngon lành.

Con tàu đang cắt xén những đường nét mềm mại của cảnh vật. Những nương chè, và rừng cọ nối tiếp những ngọn đồi trơ trụi. Những vạt cỏ non tươi từng lúc sáng lên trong cái màu xanh tĩnh mịch và thâm trầm bao phủ núi đồi... Khi đoàn tàu vừa rời khỏi một ga chính đông đúc, còi tàu đang rú lên một hồi dài, chị bộ đội bỗng ngã xỉu sang phía ghế tôi. Tôi vội vàng vươn qua người đàn ông đang ngủ bên cạnh để đỡ lấy chị, làm ông ta chợt tỉnh kêu ôi ối. Qua khoảng cách giữa hai ghế của sàn tàu, trong giây lát tôi thấy mặt chị tái mét, gân trên hai thái dương giật mạnh. Tôi chưa biết xử trí gì hơn, một hàng khách hét vội vào tai tôi: “Đặt chị ý nằm lên ghế kia!” Hai vợ chồng trẻ vội đứng ngay dậy như một cái máy. Tôi lựa chiều ngả đầu chị nằm vào phía trong thành toa. Sự việc xảy ra quá đột ngột, đến nỗi tôi không thể nghĩ được là mình phải làm gì lúc bấy giờ. Tôi đứng trân trân nhìn chị. Đôi dép cao su mòn gót đủ cả bốn quai mỗi chiếc doãi ra ngoài ghế. Mọi người bắt đầu vây đông xung quanh bàn tán. Tôi hạ khung cửa sắt xuống. Ông hành khách lúc nãy giơ tay sụyt mọi người yên lặng. Mấy bà ồn lên tất tưởi ai có dầu và gừng thì đưa ngay để các bà đánh gió.

Tôi đã bình tĩnh lại, nhìn chị rõ hơn. Mồ hôi toát ra lấm tấm trên vầng trán nhợt nhạt. Những sợi tóc bết lại, nhịp thở đều đều. Bỗng chị vung hai cánh tay lên chân đạp lia lịa, khuôn mặt đang thanh thản lộ vẻ đau đớn. Mấy bà vừa lau nước mắt vừa giữ cho chị. Hơi thở dồn dập và khó khăn, chị bỗng rít lên qua kẽ răng giọng khản đặc...

- Giết... tao... đi!... Chúng mày.... đừng hòng!...

Rồi chị la lên, giọng thất thanh:

- A, con tao, con của tao, chúng mày định giết con tao phải không, trời đất ơi! cô bác ơi! Chúng nó định giết con tui, con tui có tội tình chi! Đồ... khốn nạn... bọn đao phủ!

Chị mệt lắm, đôi môi mấp máy khô bỏng. Một lát sau trong hơi thở đứt quãng chị thều thào:

- Lý ơi! Ở nhà cho má đi, nghen con, mai má về má mua quà cho con... Chúng nó chẳng cho má con mình sum vầy đâu hè... Ừ đó, con ngoan lạ, má đi rồi má lại về với con mà...

Bỗng chị khóc tức tưởi:

- Lý con, chúng nó hại con rồi, con có tội tình chi... hở con mai ba con về có bao giờ được thấy con... Cho má khóc, nghen con... con bé bỏng quá chưa hề biết mặt ba con... Cho má khóc nghen trước mặt lũ nó, má đâu có khóc con à...

Chị cứ khóc thế mãi, thành những lời nghẹn ngào, rồi cuối cùng lịm đi trong tiếng nấc. Ngực chị thỉnh thoảng giật lên như bị kim châm đau nhói. Nước mắt chan hòa trên đôi gò má xương xương. Mấy bà ngồi xổm quanh chăm chắm lau cho khuôn mặt đã trở lên khắc khổ kỳ lạ của chị. Rồi từ lúc đó chị bất tỉnh. Toàn thân chị rung lên trong tấm võng bạt bộ đội không hiểu ai đã đắp cho chị... Chị là thương binh, chị là một người vợ, một người mẹ. Tại sao điều đơn giản đó tôi không hiểu được ngay. Một hạt bụi bay vào mắt tôi không buồn dụi. Tôi quay lại thấy một anh bộ đội trung niên bần thần đứng sau lưng tôi, cặp mắt anh ngầu đỏ, anh khẽ nói với tôi.

- Cách đây mấy năm, ở một vùng hậu cứ B hai, tôi cũng đã gặp một trường hợp tương tự thế này... - Rồi anh nặng nề quay người lại và ngồi vào ghế.

Đoàn tàu băng qua một dòng sông. Những thành cầu đen trùi trũi loang loáng vụt qua. Đằng sau những thành cầu còn vài cụm mây lớn bồng bềnh che khuất ranh giới giữa bầu trời và dòng sông. Tiếng rầm rầm của đoàn tàu như ở một nơi nào xa lắm dội lại...

Tàu dừng ở một ga xép, chị bộ đội được những khách xuống tàu thay nhau khiêng vào trạm xá gần đó. Tôi nhìn theo cho đến khi chiếc võng bạt thay băng ca khuất hẳn. Chỉ còn những ngọn núi đá sừng sững trước mặt. Đoàn tàu nhận thêm vài hành khách rồi lại từ từ chuyển bánh. Vài hố bom tấn chứa nước bẩn loáng những vệt xăng dầu, Có một hố bom đựng vôi tôi được xắn sửa gọn gàng phía cuối ga. Mấy chiếc toa tàu hỏng xếp vào một góc, chúng xiêu vẹo, rỉ nát và có cái lỗ chỗ vết bom bi, mảnh rốc-két, ở cạnh còn có những đống than lớn, những khối gạch ngói gỗ nát ngổn ngang.

Lúc này, đôi vợ chồng trẻ lại trở về ngồi chỗ cũ. Cửa sổ đã được nâng lên, gió tạt vào làm những lọn tóc trên trán cô gái bay phất phơ. Em bé víu hai cánh tay bé xíu lên thành cửa sổ, hai chân khoanh tròn lại trên ghế. Cô chị vẫn giữ nguyên phong thái lạnh lùng, nghiêm nghị, cặp lông mi dài và cong càng trở lên mơ màng. Bà mẹ đã bắt đầu thiu thiu, đầu bà ta ngã chênh chếch vào vai con gái, trông hiền lành và chất phác. Còn người đàn ông thì đang ngấu nghiến ăn cơm nắm giò chả. Bây giờ ông ta mới tỉnh hẳn giấc ngủ trong nhịp ru đoàn tàu. Bỗng em bé gái quay lại, nhìn tôi ngơ ngác. Rồi lại nhìn chỗ chị bộ đội vừa ngồi. Lại đến lượt tôi đắm đuối nhìn vào mắt con bé... Tôi hiểu em muốn gì, em định nói gì mà chưa biết cách bộc lộ. Lúc đó tự dưng tôi chợt nảy ra một ý nghĩ bâng quơ: nhiều năm tháng về sau, nếu vô tình gặp lại được cô bé này, khi tôi kể lại cho em nghe câu chuyện vừa xảy ra, em có lạnh nhạt quay mặt đi, hay cười vào mũi tôi? Tôi phải làm gì để ánh mắt em bé vừa xuyên suốt hồn tôi kia không thể mất đi trong cuộc đời em?...

 

Chợt có bàn tay đập mạnh vào vai tôi, khiến tôi choàng tỉnh, cậu trợ lý nói như mếu:

- Anh làm gì thế? Bây giờ thế nào? Vỡ bối cảnh rồi!

Tôi hoảng hồn:

- Cậu nói cái gì?

- Chúng ta không được quay ở đây nữa! Công an đang cho niêm phong toàn bộ khu vực này!

Tới lúc đó tôi mới hiểu ra toàn bộ tính chất nghiêm trọng của sự việc. Nhưng không hiểu sao, tôi nổi đóa lên.

- Các cậu đi mà hỏi họa sĩ thiết kế ấy, ai bảo ông ta dính vào cái tổ quỷ này!

Tôi lầm lũi bước đi, ra lấy xe máy rồi bỏ mặc cả đoàn phim đang như ong vỡ tổ, phóng vụt ra khỏi cái nơi vừa làm tình làm tội trí nhớ của tôi... Những làn gió mạnh trên đường cao tốc không làm dịu nổi cái đầu nóng hầm hập, tôi phóng ngược thật xa Hà Nội, phóng với tốc độ 70, 80 rồi 90km/giờ... Trời ạ! Ta đã gặp điều gì vậy? Ảo tưởng, ngây ngô đáng thương của ta đã bị giáng một đòn chí mạng... Không còn hồ nghi gì nữa, cái cô bé dễ thương ta tình cờ gặp trên chuyến tàu xa xưa ấy giờ đã biến thành một người đàn bà đáng ghê sợ có gương mặt đức Mẹ...

Nhưng biết đâu, tôi đã nhầm lẫn, hy vọng thế! Hoặc cô ta chỉ là nạn nhân của một trò đùa số phận, còn những gì tôi đã nhìn thấy, đã nghe thấy không có liên quan gì đến phẩm cách làm người của cô ta, cũng như không có liên quan gì đến cô bé có tràng hoa quấn cổ năm nào đã từng nhìn tôi bằng đôi mắt của một thiên thần bé nhỏ...

 

Tranh của họa sĩ Nguyễn Quảng

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1133
Ngày đăng: 08.01.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nối dõi - Lê Hứa Huyền Trân
Tất Nguyệt Ô - Đỗ Nhựt Thư
“Ông còn có con” - Lê Hứa Huyền Trân
Đứa con - Lê Hứa Huyền Trân
Dòng đời - Tiểu Lục Thần Phong
Về nhà trước Giáng Sinh - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Đọc “Cõng mẹ” của Nguyễn Văn Song - Đặng Xuân Xuyến
Mùa Giáng sinh năm ấy - Quang Nguyễn
Các cửa hiệu đã đóng kín - Nguyễn Thị Kim Lan
Thương tặng ông tôi - Lê Hứa Huyền Trân
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)