Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
432
116.793.695
 
Chuyện cổ tích năm 1970
Đỗ Nhựt Thư

 

            Phúc, nhà nghèo, đời thứ 5 mà vẫn sống ở ngoại vi thị xã, cha mẹ lam lũ với ruộng vườn.

     Mẹ Phúc – một tiểu thư xinh đẹp, từ nhỏ ham mê thi thư, đọc tiểu thuyết diễm tình của Tự lực Văn đoàn, vì yêu mà hết mình, tiếp đó gặp người hợp ý thì cưới, sau đêm hợp cẩn nhà trai đem cô trả lại với một cái tai heo rồi cạch mặt. Cô nhảy sông, cha Phúc đang câu đêm thấy thế vớt lên, cô xin theo về, nên nghĩa vợ chồng.

            Năm Nhâm Ngọ một lão thầy Tàu đi tìm đất tốt lo sinh phần cha mẹ, gặp bà đâm ngưỡng mộ xót thương, lão dặn đến ngày vía sao Khuê lập bàn cúng bái xin quý tử. Đầy tháng Phúc vào mùa thu năm sau, lão lại đến, nhìn cậu cười to khoái chí rồi phán: “Thằng bé này như giai nhân, nên danh và được thiên hạ mến thương, lo toan giúp đỡ.”  Bà nửa tin nửa ngờ nhưng lòng mừng khấp khởi.

 

            Phúc tướng văn nhân, cao đẹp, dễ thương, thông minh, học giỏi lại mê thơ. Năm 10 tuổi đã múa bút, lúc 16 vang danh cả thị xã, cả trường ngưỡng mộ, chép thơ cậu truyền tụng, nữ sinh bu quanh giành nhau quyến rũ, mời mọc. Hộc bàn học chỗ Phúc ngồi lúc nào cũng đầy bánh kẹo và thư tình.

     Sau khi đỗ Tú tài toàn phần, với khả năng văn chương thiên phú anh được một trường xứ Điện mời dạy môn Văn, lại dạy thêm luyện thi đệ thất cho trường Cẩm – trường này nỗi danh vì tỷ lệ đỗ vào trường Trần danh giá khá cao.  

     Sinh nhật lần thứ 20 một tiểu thư xinh đẹp đã góp những bài thơ của anh rồi lo liệu in ấn 100 bản tặng anh. Phúc xúc động ký tặng, phát hành. Danh nỗi như cồn, giai nhân bu bám, họ lăn xả vào anh, giành nhau chăm sóc, lấy lòng - thời ấy nhà thơ là của hiếm, được tôn trọng ngưỡng mộ vào hạng nhất đời.

 

     Anh là thi nhân thiên phú: yếu vía, mê giai nhân và chân - thiện - mỹ lại gặp thời nên thơ tuôn lai láng, những bài thơ tình thắm đẫm lòng người, thiếu nữ vây quanh giành giựt, hiến dâng; may mà anh cốt cách tiên thiên và được giáo huấn theo Nho giáo thời ấy nên vẫn giữ được mực thước, từ chối rất nhiều cô mong được cùng anh hạnh ngộ.

     Bà mẹ sợ ông con gây hoạ, thương một giai nhân gần nhà mà ép đặt trầu cau. Nhiều cô đẫm lệ - nhưng kệ, các cô không ngừng hy vọng, vẫn bu bám si mê. Hôn thê thường xuyên lên thăm vì ghen tuông, gìn giữ và sau lưng anh là một trời hỗn loạn. Anh than thầm: ‘Ôi chao! Đào hoa cũng khổ’.

            Năm 1968 chính quyền Tổng động viên, anh nằm trong diện phải nhập ngũ vào trường Sĩ quan bộ binh, ra trường lại hơn một năm bên bờ sinh tử. Hú hồn! Lại nhờ tài thơ mà được một vị quan to mến tài rút về ban Văn nghệ Quân khu, sau cho lên học trường Sĩ quan Chính trị Đà Lạt – khoa văn nghệ, vì trường này có chương trình định hướng dùng văn nghệ sĩ cùng đoàn vũ nữ để tổ chức những đêm vui cho đời lính chiến đóng quân xa phố thị giải toả nhu cầu trong cận kề sinh tử. Chỉ huy trưởng nhà trường lại là Phó đề đốc hải quân, i-tờ về chính trị và phòng thủ cơ quan, năm sau bị bên kia tấn công làm thương vong gần 40 học viên nên mất chức, may mà khi đó Phúc ham chơi cùng giai nhân nên thoát. Về lại cơ quan, vị tướng tư lệnh cũng mê thơ nhạc, trân trọng nhân tài, biệt đãi anh như khách quý.

 

*

            Khu Câu lạc bộ Sĩ quan trong Bộ tư lệnh Quân khu tối thứ bảy nào cũng tổ chức dạ hội cho các sĩ quan vui chơi để bù cho tháng ngày vô định. Khung cảnh huyền ảo, ban nhạc danh tiếng, những ca sĩ nỗi danh và những vũ đoàn toàn những kiều nữ lẳng lơ điệu nghệ kiêm gái gọi. Rượu tràn cung mây, họ để các quan mặc tình ăn chơi vì biết thời buổi ‘mệnh tựa lông hồng’, trong  chiến tranh cái chết luôn  chờ chực. Từng cặp, từng cặp ôm nhau lả lướt trong những bài hát khi buồn tênh, nức nở thương cho đời lính chiến, có lúc lại bốc lửa bởi những ca khúc sôi động nước ngoài nỗi tiếng thời thượng. Và việc mây mưa thoải mái, chỉ là giải quyết nỗi đam mê thiên định, phòng ốc sẵn bày. Vị tướng cười khi thấy Phúc nhăn mặt: “Mầy đừng trăn trở, sợ bất công. Hàng tháng tao phải cho trực thăng đưa các em luân phiên đến tiền đồn cho lính hưởng cái sự đời nữa đó mày. Cứ thoải mái đi, đời lính mà, sống nay chết mai! Bọn Mỹ cũng thế, hằng tuần chúng cho lính chúng giải toả nhu cầu. Chuyện nhỏ!”  

 

             Phúc được nhiều người biết đến do vừa qua vị tướng tư lệnh tổ chức sinh nhật, tự thân giới thiệu anh đọc thơ như ngầm bảo ta tuy là võ tướng nhưng vẫn mê văn – và anh lại đọc thơ tình. Quỳnh Vân – một giai nhân ngồi cát-sê ngước mắt nhìn anh đầy ngưỡng mộ, hai mắt giao nhau sờ sững, thần Cupid đã buông tên.

    Rồi tối thứ bảy nào anh cũng ngồi đồng ở đó với một nhóm bạn văn nghệ - cùng rượu, họ tham gia đọc thơ, hát hò, khiêu vũ – để chứng tỏ các quan võ cũng là dân sành văn nghệ. Thỉnh thoảng hai mắt nhìn nhau vương đầy tình ý, Quỳnh Vân là tiểu thư của một vị tướng trong quân khu, trẻ đẹp, sang trọng, học thức; nhiều sĩ quan cao cấp, giàu có thi nhau tán tỉnh, ngỏ lời. Ngẫm phận mình anh khẻ thở dài, chỉ ngưỡng mộ nàng một cách kín đáo với một phong thái kiêu bạc của giới văn nhân.

 

            “Mày đi đâu mà không đến Câu lạc bộ để nhỏ Vân buồn thiu, cau có thế?” Gã bạn hạch hỏi. Phúc sững sốt, lòng thầm hãnh diện: a, ta ngon thật. Với một chàng sĩ quan quèn, nghèo, dân tỉnh lẻ như ta mà được nàng để ý ư? Chả là anh bận dự cuộc rượu với nhóm bạn thơ khi một ông đủ 10 bài được đăng trên các tạp chí, báo đài uy tín.

     Sự việc không dừng lại, tuần sau anh được Mỹ Linh – người đẹp nhất vũ đoàn vốn kiêu sa mời khiêu vũ, cả hội trường sững sốt. “Hắn đào hoa thật” – một vị tướng ghen tị. Chỉ thấy Quỳnh Vân nét mặt đầy vẻ bực bội và khi anh giả vờ hôn lên má giai nhân thì nàng dằn mạnh cây bút xuống bàn. ‘Nàng đã yêu ta’, anh tự nhủ và tự hào, lòng đầy hoan hỉ.

 

    Nhưng anh đã hứa hôn, lương tâm không cho phép anh tán tỉnh nàng. Một chiều chủ nhật anh đang ăn cơm cùng vị hôn thê vừa vào thăm trong khu cư xá sĩ quan thì thấy Quỳnh Vân đi ngang qua cửa sổ nhìn vào, thấy nàng sửng sờ, nước mắt lăn dài rồi thất thểu ra về bỏ lại một xách quà nặng trĩu. Lòng thi nhân rối bời bao niềm thương cảm, hôn thê thì dấm dẵng, lẫy hờn, cấm cửa. Từ đó anh thẹn không dám đến Câu lạc bộ e gây nhiều phiền toái.

 

           Một ngày Chủ nhật cuối năm 1971 Quỳnh Vân đột nhiên đến thăm, nước mắt rưng rưng. Nàng ào vào hôn anh say đắm, khi đã thoả nhớ thương nàng thủ thỉ: “Anh thì đã có vợ, em sẽ lấy chồng, ngày qua họ vừa làm lễ hỏi. Nhưng em sẽ sống với anh một ngày cho thoả mãn một tình yêu đích thực của đời em.” Anh hoảng thật sự rồi máu ham hố của giống đực nỗi lên lại thấy mình sướng tưng, nhập thế. Nàng lại tiếp: “Đây anh, tập bản thảo toàn thơ của anh em đã tích góp hơn hai năm nay, anh xem trình bày rồi đưa lại cho em lo xuất bản. Nàng cười: - Sĩ quan quèn  lại bầu bạn văn nghệ nhiều như anh lúc nào túi cũng rỗng, hì …” Anh sững sờ, lòng đầy cảm khích không thốt lên được một lời tạ tình ân nghĩa.

 

     Đêm ấy, khi đã sẵn sàng dâng hiến cho anh, trong mơ màng nàng mê sảng: “Anh biết không, em mà mất trinh thì sau đêm động phòng có thể nhà trai sẽ cắt một tai con heo hôn lễ gởi cho nhà gái và có thể sẽ đuổi em ra khỏi nhà, gia đình em sẽ bị sỉ nhục. Nhưng em bất cần, em yêu anh …” Phúc lạnh cả người, anh chợt tỉnh, thảng thốt nhớ mẹ, ham muốn tắt ngấm, lặng lẽ mặc áo quần lại cho nàng, rồi dìu nàng đi như hai kẻ mộng du, họ không nói một lời, thành phố giới nghiêm, tiếng đại bác ì ầm vang vọng từ xa. Không biết sao họ đi luẩn quẩn mà không bị ách tắc, hạch hỏi, mãi đến 2 giờ sáng mới đến nhà nàng, anh bấm chuông gọi cửa, ôm hôn nàng thắm thiết rồi quay lưng.

 

            Anh kể tiếp, đại khái: tháng sau Quỳnh Vân cho người đến xin bản thảo các bài thơ của anh, tự xuất bản và gởi cho anh 1.000 tập. Vị tướng tư lệnh tổ chức giới thiệu rất hoành tráng, trang trọng và anh hoan hỉ ký tặng khách quý. Một gã bạn thấy hay liền gởi dự cuộc thi thơ của Hội Văn nghệ uy tín nhất nước do Vũ thi sĩ chọn xét và tập thơ đạt giải nhất về thơ năm 1971. 

     Để nàng được hạnh phúc anh xin chuyển công tác về quân khu quê nhà.

  

*

Năm 1975 lịch sử đất nước sang trang khiến anh cũng như cả dân tộc dù vui mừng trong thống nhất nhưng bảy phần mười cuộc sống của các gia đình quê anh lại bị giằng xé, rẻ chia nặng nề bao năm. Sau thời gian học tập anh được xứ Cờ hoa nhận định cư. Cuộc đời sang trang nhưng bên ấy tình người đầy lý tính, tình hoài hương nặng trĩu lòng anh.

            Khi đã 65 được nghỉ hưu, nhớ quê tha thiết, gần như năm nào anh cũng về thăm cố hương. Y có duyên nên được cùng anh gần gũi, rủ rỉ lai rai sinh nhập tâm. Anh đinh ninh: “Mình mới 29 tuổi lại là đội trưởng đội Văn nghệ quân khu, có 14 ca sĩ, vũ đoàn trẻ đẹp, thoải mái, giành nhau gợi ý nhưng không có gì nghe chú.”   Nghe như là một chuyện cổ tích, dù các chuyện tình ấy mới xảy ra hơn 50 năm.

                                                                                             

                                                                                   

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 330
Ngày đăng: 30.05.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tác phẩm để đời - Tiểu Lục Thần Phong
Đổi thay - Tiểu Lục Thần Phong
Chuyện họ nhà xe - Tiểu Lục Thần Phong
Hai lần chết - Phạm Thanh Phúc
Bí mật về Ông Nguyễn Thái Học “Giọt sương của lòng trắc ẩn là nước mắt…” - Nguyễn Anh Tuấn
Đồ đểu! - Nguyễn Vĩnh Căn
Chơi chứng khoán - Tiểu Lục Thần Phong
Tư tưởng của ruồi - Nguyễn Anh Tuấn
Một chiếc lá góp xuân - An Thảo
Đời gia sư - Nguyễn Vĩnh Căn