Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
733
116.709.814
 
Hai lần chết
Phạm Thanh Phúc

 

 

         Ông vẫn chưa kịp ăn sáng. Đêm qua ông phải thức đến quá hai giờ để soạn cho xong bài phát biểu nhân dịp khánh thành tòa nhà chính của Trung tâm Kết nối xúc tiến thương mại thành phố. Lẽ ra cô Hương, thư ký phải làm cho ông chuyện này, nhưng ông không yên tâm, vì sáng nay có anh Ba bên Thành ủy trực tiếp chủ trì hội nghị, nên bài phát biểu của ông phải cực kỳ cẩn trọng, phải khéo léo làm sao cho anh Ba thấy được tầm nhìn xa của ông trong việc qui hoạch phát triển thương mại thành phố; và nếu may mắn lọt vào mắt xanh của anh Ba thì giấc mơ ngồi vào ghế phó chủ tịch thành phố mới có cơ hội trở thành sự thật. Soạn xong, đọc đi đọc lại thì đã gần sáng, có lẽ đã quá giấc ngủ theo đồng hồ sinh học bình thường nên ông tắt đèn, vào giường, trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Gần sáng, mệt quá, ông mới chợp mắt được mươi mười lăm phút thì đồng hồ báo thức đã réo ầm ĩ; thế là lại choàng dậy, tắm và lật đật dắt xe gắn máy ra đường. Mặc dù có tiêu chuẩn đi ô tô con 4 chỗ, nhưng ông thích đi xe gắn máy hơn, chiếc xe mà mỗi khi rời cơ quan,ông đạp mười mấy cái mới nổ, mồ hôi chảy ròng ròng,tuy vậy,ông lại cảm thấy khoan khoái trước ánh mắt thương hại, e dè của nhân viên dưới quyền. Nó cho thấy ông rất biết tạo hình ảnh, xây dựng thương hiệu cá nhân trong mắt không chỉ cấp trên mà kể cả với nhân viên dưới quyền.Vào đến cơ quan, vừa đẩy cửa, ông đã thấy chồng hồ sơ trình ký xếp dày cộm trên bàn làm việc. Thế là quên bẵng chuyện ăn sáng.

 

         Là sếp cao nhất trong cơ quan, nhưng lịch làm việc của ông rất căng thẳng. Sáng sớm, đọc hồ sơ trình ký, giữa buổi sáng: họp các phòng ban chuyên môn, cuối giờ trưa: vừa ăn trưa vừa tranh thủ tiếp đối tác, đầu giờ trưa: lại duyệt các bản kế hoạch, giữa trưa: xem các qui chế lương, thưởng cụ thể cho từng công trình thanh niên đạt hiệu quả cao, chiều: tiếp mấy anh, mấy chú  cấp trên bên Ủy ban, Thành ủy…Đó là chưa kể vô vàn những cuộc họp của Uỷ ban, các sở ban ngành và các địa phương, nơi nào cũng có nội dung liên quan; các cuộc nhậu triền miên để ngoại giao cho con đường tiến thân… nên ông lúc nào cũng quay tới, quay lui tất bật bù đầu ở cái tuổi 51 của mình-gọi là ông thì quá già, mà gọi là anh thì e không còn trẻ nữa, nhất là với mái tóc đã bạc hơn phân nửa.

         Ông vừa lật chồng hồ sơ để trên bàn, bỗng thấy hoa mắt, choáng váng. Một màn sương mỏng ở đâu đó nhẹ nhàng bay về…

* * *

“-Chị ơi, xin chị bình tĩnh, mời chị đến cơ quan gấp, anh Thanh bị đột quỵ…”

        Chú Tuấn-trợ lý thân tín của ông cuống quýt điện thoại cho vợ ông-ông nghe vậy-muốn quơ tay trả lời chú ấy nhưng không hiểu sao cánh tay ông tê cứng, không nhúc nhích được. Rồi đột ngột, ông phát hoảng lên khi nhìn thấy chính mình đang nằm gục trên bàn làm việc. Ông thấy được chính mình, vậy ông đang ở đâu?

         Đám lính ông lật đật phụ các nhân viên y tế khiêng ông ra xe cấp cứu, xe phóng như bay, còi hụ liên tục, trên xe, họ úp lên mặt ông dụng cụ trợ thở bằng ống oxy, dây nhợ loằng ngoằng. Ông thấy mặt mình tái xám, vợ ông ngồi đó, khóc lóc, điện thoại khắp nơi cho những người thân trong gia đình ông. Người ta đưa ông vào phòng cấp cứu, dùng hết mọi cách để giúp ông tỉnh lại,và thật lạ, bởi ông thấy mình vẫn tỉnh, vẫn nhận biết thế giới xung quanh đó thôi.

“-Xin thành thật chia buồn với gia đình, bệnh viện đã làm hết cách nhưng…”

       Vị bác sĩ trưởng khoa vừa trịnh trọng thông báo với gia đình, chưa dứt lời, những tiếng khóc đã ồ ạt nổi lên vang dậy cả phòng cấp cứu. Ông thoáng ngỡ ngàng mấy giây mới nhận ra đối tượng mà người ta đang nói tới là chính ông. Mình chết rồi sao? Vậy sao mình vẫn còn ở đây? Nghĩ mãi, ông vẫn không sao lý giải được.

         Cả nhà ông nhốn nháo lên. Ông nghe thằng con út, giờ đang làm công nhân ở một xí nghiệp chân rết của đơn vị ông, bàn:

“-Em thấy nếu chôn ở nghĩa trang thì mới mua hòm mắc tiền, còn nếu sau đó mang đi thiêu thì mình chọn mua hòm rẻ thôi, vì trước sau gì cũng đốt, lãng phí…”

       Thằng dốt, hèn chi nó cứ làm cán bộ quèn mãi, ông mấy lần định cất nhắc nó, đều không được, dù thằng sếp trực tiếp của nó-cũng là lính dưới quyền ông-mấy lần gợi ý để lấy lòng ông. Ở chức vụ hiện tại của ông, nằm trong một cái hòm rẻ tiền, làm sao xứng? Đó là chưa kể khách đến viếng, nếu biết hòm rẻ tiền, người ta sẽ bàn ra, tán vào, có phải là nhục mặt không?

“-Anh không đồng ý, phông xông của ba là phải có một chỗ trong nghĩa trang thành phố rồi, anh đã gút chuyện đó từ lúc ba mới lên giám đốc sở lận. Giờ ba phải nằm trong loại hòm ba lớp, loại mắc tiền nhứt, bên ngoài bọc kẽm, giữa là lớp tráng nhiệt Nano, bên trong cùng là gỗ trầm thơm…mới phù hợp. Mà mày nghĩ cũng ngu quá, chôn hay thiêu cũng phải nằm loại hòm đó, chớ không thì khách của ba, mấy chú mấy bác, các lãnh đạo doanh nghiệp trực thuộc, lính tráng của tao, của anh ba, chị tư mày sẽ nghĩ gì khi đi viếng hả?”

        Thằng Hai nói đến đâu, ông nghe mát dạ đến đó. Hồi nào tới giờ nó vẫn là đứa con ông thương nhứt nhà, bởi tính nó khôn lanh, kỹ lưỡng, giống ông. Nó đang làm chánh thanh tra huyện, nhưng đường lên phó chủ tịch huyện, mai nay không thể thoát khỏi tay nó được.

“-Nhưng…tiền đâu mà lo?”

Thằng Út ông hỏi ngược lại anh nó.

“-Mày khỏi sợ. Nhà mình dư sức lo. Đó là chưa kể lúc ba mất, trong hộc tủ bàn làm việc của ba còn mười mấy cây vàng với hơn ba ngàn đô Mỹ và vài chục triệu tiền Việt, làm sao thiếu được! Mà nói thiệt, nếu không ai lo được, tao sẽ đứng ra bao hết, rồi thu lại tiền phúng điếu…”

      Thằng Hai cười cười, nói. Nghe đến đó, đứa con gái thứ tư của ông cắt ngang, cạnh khóe:

“-Hừm…lời chắc rồi, sao mà lỗ được, nếu không ai lo thì em tình nguyện xung phong cho…”

        Ừ! Con nhỏ bình thường cạy miệng không nói, mà sao giờ nói đúng quá. Chỉ riêng tiền phúng điếu cơ quan ông, cũng đã thừa kinh phí lo đám tang, đó là chưa kể bạn bè, đồng nghiệp, các cơ quan liên quan, rồi lính tráng, khách khứa của mấy đứa con trong nhà ông, thành phố có, quận huyện có…kể không hết. Ông nhớ năm ngoái đám tang bạn ông, cấp phó một sở thôi, mà sau bốn mươi chín ngày, trừ chi phí tang lễ xong, vợ nó đã mua thêm được một căn hộ chung cư cao cấp bên Phú Mỹ Hưng-chỉ thuần bằng tiền phúng điếu.

         Đám tang diễn ra chóng vánh. Ông được quàng ngay nhà tang lễ lớn nhất thành phố. Con đường đó bị kẹt xe mất hai ba ngày bởi xe ô tô của khách đến viếng đậu trên lề đường không đủ chỗ, phải để máy xe nổ, rà rà trên lòng đường như vẫn đang chờ đường trống để chạy, cho khỏi bị công an phạt. Suốt mấy ngày diễn ra đám tang, không biết đi đâu, nên ông lảng vảng ngay trước linh vị của mình ngắm những người đến viếng-quả là đủ cả thành phần đúng như ông dự đoán, nhưng có một điều ông không tính đến là không phải người nào cũng thương tiếc ông như ông đã nghĩ.

          Như thằng Nghĩa-Kế toán trưởng cơ quan, đệ tử thân tín nhất của ông-sau khi thắp nhang khấn ông hết sức thành kính, lúc ngồi chờ cả đoàn khách viếng của cơ quan hoàn tất thủ tục, nó bỏ nhỏ với thằng Linh, cán bộ phòng kế toán: “Tao chơi với ổng hết mình luôn đó, mày coi, lễ tết, sinh nhật…không lúc nào vắng tao, và không lúc nào là không có hàng nặng ký, đó là chưa kể thứ bảy, chủ nhật, bữa nào ổng buồn là kêu tao chở đi xuống Bồng Lai chơi, tao biết ý, điều con Liên đẹp nhứt quán đó ra phục vụ ổng, chưa ngồi mà tao đã cho nó một chai, dặn phải chìu ổng cho ngon nhé, rồi tao giả bộ có công chuyện đi qua phòng khác…Còn về công việc thì mầy coi, có hợp đồng lớn nhỏ nào mà tao không kính cẩn dành riêng trong hộc tủ ổng một phong bì nặng nặng hông? Buồn vui gì cũng có nhau hết, vậy mà ổng nỡ lòng nào không làm trước bản Báo cáo đề xuất qui hoạch cán bộ kế cận, đề xuất tao sẽ lên thay khi ổng hưu, giờ thì tiêu rồi…”. Thằng Linh nói đỡ cho ông: “Anh trách chú Bảy vậy cũng hơi oan cho chú, bởi nếu theo tuổi, còn gần chín năm nữa chú mới nghỉ, chắc cả chú cũng không ngờ mình đi sớm như vầy…”. “Thì vậy mới nói, nếu ổng tình nghĩa, ổng đã làm sẵn rồi, đâu có đợi sát đít hưu mới làm, thì có phải bây giờ tao khỏe hông?”-thằng Nghĩa phàn nàn thêm. Nó trách cũng phải, nhưng giá không trách thì hay hơn, vì ai lại đi trách móc người đã khuất chớ? Chuyện đó, ông và nó đã bàn nhau từ rất lâu rồi, ngay khi ông mới lên làm giám đốc sở, nó đối xử tốt với ông vì có chuyện đó, chớ đâu phải tự dưng mà tốt-nghĩa là đàng sau tình thương mến thương cũng có yếu tố vụ lợi chớ đâu phải chơi! Ông biết, nếu không có bản đề xuất trước của ông thì sau khi ông mất, nó lại phải đấu tranh dữ dội với mấy đứa khác, và lại còn phải chạy mạnh mới ngồi vào ghế của ông được. Tội nó, nhưng…ông đâu có biết trước mình sẽ chết? Chuyện thằng Nghĩa còn đỡ, người đến viếng ông sau nó mới đáng ngại. Ông run bần bật khi nghe lời khấn của Sếp Ba-cấp trên trực tiếp của ông: “Bảy ơi, mày chết đã đành, còn tao mới kẹt đây, thứ nhất là phần tiền mà mày hứa chuyển để tao quà cáp cho chiếc ghế phó chủ tịch của mày giờ tao biết làm sao, bởi đề xuất qui hoạch cán bộ đã gửi qua các ban ngành cấp trên góp ý xong rồi…không chung là kẹt về sau, không chỉ cho tao mà cho mấy thằng khác diện qui hoạch năm năm sắp tới nữa. Thứ hai là cái khoản tao hứa với bên thanh tra làm lơ cái vụ xây dựng cơ bản không qua đấu thầu của đơn vị mày, giờ không có thì rối như canh hẹ…”. Mình đâu có ý  định , mình biết một khi hồ sơ qui hoạch cán bộ đã “chuyển các ban ngành cấp trên” xem xong, là coi như chỉ còn ngồi rung đùi chờ quyết định bổ nhiệm bay về, kể cả vụ bên thanh tra kết luận “thống nhất xử lý hành chính” chứ không “chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra” cũng vậy, đều phải đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn cả; nhưng có trời mới biết tự dưng mình ra đi giữa chừng ở tuổi năm mươi mốt. Mình chết thì nghĩa tử nghĩa tận, mấy anh mấy chú chửi chút rồi cũng thôi chớ xui rủi, ai lại muốn chết để xù mấy anh mấy chú bao giờ; lo là lo thằng Hai con mình bị họ chiếu tướng thì khổ! Anh Ba vậy mà hiền lành, ảnh chỉ than trước linh vị mình thôi chớ không rầy rà, mà ảnh than cũng đúng thôi, bởi mình khiến ảnh tự dưng lâm vào thế bị triệt buộc-ông chép miệng.

            Có tiếng xôn xao ngoài cửa nhà tang lễ, ông nhìn ra thì thấy một đoàn người kính cẩn đi vào với vòng hoa tang lớn và đẹp nhứt mấy bữa nay, dẫn đầu đoàn đi viếng là tay Bình-phó bí thư kiêm phó giám đốc sở-với gương mặt cực kỳ buồn bã. Ông thở hắt ra, thấy nhẹ lòng. Có vậy chớ, nghĩa là nó thật tình buồn trước cái chết của mình, nghĩa là nó không để bụng vụ ông công bố trước toàn cơ quan thông báo của cấp trên quyết định không xét qui hoạch cán bộ kế cận cấp giám đốc sở ở tuổi bốn chín, mà nó thì vào thời điểm đó, chỉ còn bốn tháng nữa là đến tuổi. Nhưng…kìa, trời ơi, ông muốn nổ lỗ tai khi nghe nó khấn: “He he, anh Bảy, anh thấy không, chuyện đời đâu phải cứ muốn là được, cho dù anh có tiền và quen biết toàn sếp lớn. Anh đi, tui tiếc cho anh lắm, miếng ăn dâng tới miệng mà còn rớt ra, he he, tui không có cơ hội ngồi cái ghế của anh cũng không sao, còn hạnh phúc chán chê, vẫn sáng chiều phom phom xe hơi đưa rước đi làm, ngày hai bữa muốn nhậu là nhậu, muốn em út là có em út xài tới bến. Giờ tui lấy tấm gương anh mà rút ra bài học kinh nghiệm, khỏi cần và cũng không dám phấn đấu thêm làm chi cho tốn tiền, khổ thân. He he, anh đi thanh thản nhé nhé…”. Đồ đểu, miệng nó khấn vậy, mà mặt nó ra vẻ thê lương, làm ai trong đám tang cũng khen nó thương thủ trưởng. Ông tức điên người, dang tay muốn tát cho nó một cái đích đáng, nhưng cái tát rớt vào khoảng không, trong khoảnh khắc đó, ông buồn rầu nhận ra mình đã thành ma mất rồi.

           Nhưng đó vẫn chưa phải là điều làm ông buồn nhất. Buổi khuya hôm sẽ tiễn ông lên nghĩa trang thành phố, sau khi các thầy chùa tụng kinh đợt một, vợ ông đã ra thắp nhang khấn vái. Bà nói: “Ông đi nhẹ nhàng vậy, cả nhà cũng mừng, chớ không như ông Sáu Quảng bên Sở tài nguyên môi trường, đột quị rồi nằm hai năm đời sống thực vật mới đi, vợ con khổ cực trăm bề, tốn tiền tốn bạc trong nhà không biết bao nhiêu mà kể. Vợ chồng mình sống với nhau mấy chục năm rồi, giờ ông đi, tui trống vắng, buồn lắm, mặc dù khi còn sống, ông cũng ít khi ở nhà, hết công việc, lại bạn bè, nhậu nhẹt, gái gú…ông thấy không? Giờ có hưởng được gì đâu mà cong đuôi làm để thăng chức, nhiều tiền, nhiều quyền?”. Vợ mình thương mình quá, trước nay mình bận bịu việc công, việc tư, không để ý đến chuyện đó. Ôi, giờ ông mới thấm thía những câu nói của vợ. Bả nói đúng hết, đúng gần 90%, sao mình ngu quá, lâu nay không chịu nhìn ra cái lẽ đơn giản này. “…Ông sống khôn, thác thiêng thì xui khiến cho tui và các con tìm được mấy chỗ tiền ông cất mà chưa kịp mang về nhà, chớ không lẽ chỉ có khoản tiền, vàng nhỏ xíu giấu trong hộc tủ bàn làm việc sao?”-bà khấn, giọng đều đều, nhưng nghe đến đó, ông giật thót cả người. Ừ, sao mình lại quên cái chuyện cực kỳ quan trọng này há? Một tài khoản luân chuyển ở ngân hàng tư nhân, hai tài khoản ngoại giao ở ngân hàng cổ phần, và ba sổ tiết kiệm ở ngân hàng quốc doanh, căn hộ cao cấp-tỉ lệ phần trăm huê hồng- mà bên B “hai phẩy” trong thương vụ Dự án Khu du lịch xanh vừa tặng ông tháng trước, kèm chiếc Lexus màu lông chuột…ông chưa kịp trình báo với vợ về những khoản này, giờ biết làm sao? Tài khoản luân chuyển, ông phải dùng ngân hàng tư nhân vì ở đó ít bị công an để ý, gọi là luân chuyển vì chủ yếu nó để dành tiếp nhận các khoản huê hồng cho các sếp và các đối tác quan hệ làm ăn khác mà ông đóng vai trò trung gian, nên tiền rót vào đây, chẳng ở yên, không mấy chốc là lại phải pass qua các tài khoản khác. Nói vậy, nhưng kẹt là hiện giờ trong đó vẫn còn vài chục tỉ chưa kịp chuyển đi. Tài khoản ngoại giao là nơi ông dùng để cất tiền riêng (ông thích gọi là “tiền riêng” hơn từ quỹ đen, vì theo ông, từ “quỹ đen” bao hàm ý nghĩa xấu), số tiền riêng này sở dĩ có đến hai tài khoản là do ông phân biệt dùng trong hai hoàn cảnh khác nhau. Tài khoản ngoại giao thứ nhất, ông dành hỗ trợ các bạn cùng học đại học khi xưa nhưng thất cơ lỡ vận, vợ bệnh, con đau…nhờ ông giúp đỡ; hoặc dành mua quà cáp nhân dịp lễ tết, chiêu đãi cấp trên nhậu nhẹt để tăng cường quan hệ. Mà quan hệ thì rộng rãi và vô chừng, không biết bao nhiêu là đủ, nên lượng tiền hiện hữu trong tài khoản này có biên độ khá rộng, không bao giờ dưới hai chục tỉ đồng. Tài khoản ngoại giao thứ hai, ông dùng để xóa đói giảm nghèo cho các em chân dài mà ông từng biết, cứ gặp khó khăn, ới một tiếng là ông chìa cánh tay trượng phu ra giúp, dĩ nhiên bánh ít đi thì phải có bánh quy lại chớ ở đời chẳng ai cho không ai cái gì. Những mục chi này nằm ở tài khoản ngoại giao là đúng, vì vợ ông-đàn bà-không thể, và không cần thiết phải biết ông chi cái gì, cho ai, rất dễ càm ràm, sinh chuyện không hay, chẳng phải mấy sếp ở bên Tàu cũng bể bạc vì chuyện để vợ con dính vô đó sao? Còn mấy cái sổ tiết kiệm thì ông thả lỏng, để đó dành khi hữu sự, dưỡng già, vì biết đâu lúc trái gió trở trời?

 

           Giờ, tình huống của ông còn tiến thoái lưỡng nan hơn cả nhạc sĩ họ Trịnh, vì thứ nhất, làm thế nào để báo cho vợ ông biết về những khoản kinh phí bí mật đó? Thứ hai, nếu biết, vợ ông sẽ nghĩ gì về nó? Thứ ba, là một người rành rẽ pháp luật đến tận chân tơ kẽ tóc, ông hiểu cái này mới gay đây: tất cả các tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà, xe…đều đứng tên ông, giờ có biết, có nắm trong tay giấy tờ thì những người thân của ông cũng khó mà lãnh được. Hay là mình báo mộng để vợ và các con biết được nơi cất giấu tài sản, còn việc có lấy được chúng về hay không, hẳn thằng Hai sẽ đủ khôn ngoan để biết phải làm như thế nào? Ông còn đang suy tính kế hoạch thì lại nghe thằng Hai khấn: “Ba ơi, mai con tiễn ba đi rồi, mấy bữa nay, bên ngoài thì con vẫn phải bình tĩnh tiếp khách tới viếng, nhưng lòng con rối bời, lo lắng, ba biết đó, còn ba thì người ta nể ba mới nâng đỡ con, chớ ba đi rồi, con sợ chức chánh thanh tra còn chưa chắc giữ nổi, nói gì đến cái ghế phó chủ tịch huyện và cao…hơn nữa. Ba, ba ở trên trời có linh thiêng thì phù hộ cho con chân cứng đá mềm nghen ba!”. Ông thở dài, nó lo đúng. Ông còn, mấy thằng kia sợ ông vì biết ông vốn là một chuyên gia hoạch định mưu kế  tiến thoái một cách tài tình, lúc nào nên cứng, lúc nào nên mềm, ông biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng cán bộ dưới quyền, biết rõ ngày sinh tháng đẻ, tường tận từng sở thích của các cấp trên, thậm chí đi nhậu, ông cũng lên kế hoạch sẵn, xếp chỗ ai sẽ ngồi vị trí nào trong bàn để có trên có dưới và tiện bàn bạc công việc-nên sếp nào đi nhậu với ông cũng đều sướng vì thấy mình được tôn trọng hết mực. Thôi, dù gì thì mình cũng phải nghĩ cách giúp nó vậy. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, thấy cũng buồn, vì không can cớ gì người sống mà lại phải nhờ người chết giúp sức?

       Khi nhóm thầy chùa vừa tụng xong hồi kinh cầu siêu, thằng Út mới quỳ thắp nhang, ông thấy mắt nó rưng rưng:

-Ba, ba cứ đi làm suốt, tuy con làm ở công ty trực thuộc của ba, nhưng có mấy khi cha con gặp nhau đâu. Con là đứa dở nhứt trong nhà, không làm gì được để ba nở mày nở mặt cả, nhưng con thương ba lắm, con nghĩ mình cứ đi làm, hưởng lương bình thường, không làm gì xấu khiến ba mắc cỡ là được, phải hông ba? Ba đi nhẹ nhàng, sớm siêu thoát nghen ba…

         Ông nghe lòng mình nghẹn lại. Nó là đứa con mà ông thường xuyên chê bai vì khờ khạo, vì không biết khéo léo, không có chí tiến thủ… nên chỉ làm công nhân viên quèn suốt từ lúc ra trường đi làm đến giờ. Vậy nhưng từ ngày ông mất, trong số những người đến viếng, kể cả những người thân thích, chỉ có nó là khấn vái chân thành, không kèm bất kỳ động cơ nào cả. Ông muốn khóc, nhưng không còn giọt nước mắt nào rơi ra được.

       Sau những ồn ào, kèn trống, hạ huyệt, khóc lóc, kêu gào, khi chiếc hòm đựng thi hài ông hạ xuống đáy huyệt, khi những nhát bay cuối cùng phủ xi măng kín nắp mộ, mọi người lục tục kéo nhau về, nghĩa trang lại rơi vào sự tĩnh lặng đến ghê người.

* * *

           Ông đâu có chịu nổi sự lạnh lẽo ở nghĩa trang. Tất nhiên, vấn đề không chỉ là chuyện quanh đi quẩn lại chỉ thấy mộ là mộ, mà hơn thế, ông không còn được hét một tiếng là có người phục vụ, cơm bưng nước rót, không còn tiện nghi, không còn quyền uy. Nên ông bay về lại thành phố.

          Việc đầu tiên ông làm là báo mộng cho vợ ông và thằng Hai biết số của các tài khoản ngân hàng, địa chỉ của những của chìm, của nổi và các giấy tờ pháp lý liên quan để họ tìm kiếm. Phương pháp đột phá vào giấc mộng của ông quả nhiên thành công ngoài mong đợi.

           Mới bốn giờ sáng, ông đã thấy thằng Hai tất tả lái xe hơi qua nhà vợ chồng ông, đập cửa rầm rầm:

“-Má ơi, má, mở cửa lẹ đi, chuyện này quan trọng và gấp lắm!”

        Vợ ông đã xuất hiện ngay ở bục cửa. Hóa ra hình như bà đã đợi sẵn ở đó tự lúc nào.

“-Má cũng đang nóng lòng muốn gặp con đây. Hồi tối qua, má chiêm bao thấy ba mày về, ổng nói…”

         Thật kỳ lạ. Hai giấc mơ giống hệt nhau. Hai người, một má, một con thì thầm so sánh về các chi tiết giống nhau trong giấc mơ, kể cả số tài khoản, tên ngân hàng. “Trời! ba mày linh ghê. Tao mới khấn hôm qua, bữa nay ổng đã về báo mộng cho biết tài sản ổng còn rơi rớt bên ngoài, gom gom cũng cả trăm tỉ chớ hổng ít đâu con…”-vợ ông phấn khích, hể hả nói. “Chuyện này chỉ con với má biết thôi, không kín, để lộ ra, có khi ở tù cả đám…”-thằng Hai hạ giọng, căn dặn. Ông nhếch mép cười. Thằng đểu, mày đểu với ai chớ làm sao lại dám đểu với cả những người thân trong nhà? Ông biết nó chỉ mong cưa đôi số tài sản này với vợ ông, chớ không muốn chia chác cho các em. Thôi kệ, lọt sàng thì xuống nia chớ đâu, cũng trong nhà mình hưởng thôi-ông lại cười.Vấn đề còn lại là trông cậy vào tài năng biến không thành có, biến có thành không của thằng Hai, con trai trưởng nhà ông.

        Xong việc quan trọng đó, ông vẫn thấy thời giờ còn quá dư thừa nên ông-theo thói quen công chức-lại bay vào cơ quan. May quá, đúng vào giờ họp giao ban. Để xem, không có ông, chúng nó có họp nổi không, có làm nên trò trống gì không. Kia, thằng Nghĩa, đệ tử ruột của ông, phát biểu:

“-Thưa các anh, các chị, thưa các đồng chí ngồi đây, tôi nói điều này…thực ra không có ý định nói xấu người đã khuất, vì dẫu sao nghĩa tử cũng là nghĩa tận mà, nhưng…tôi phải thú thực là trước đây, tôi đã rất rất không đồng ý với cách điều hành đơn vị của anh Bảy…”

        Cả phòng họp ồ lên, xôn xao, vì ai cũng biết Nghĩa vốn là đệ tử ruột của ông-thủ trưởng đơn vị. Ông cũng ngớ người, bất ngờ vì pha làm bàn tưởng như đá vào lưới nhà của Nghĩa.

“-…Xin đừng hiểu lầm. Tôi rất công bằng và khách quan khi nói điều này, nhưng không thể không nói bởi tôi nín lặng nhiều năm nay rồi, do tôi… nể anh Bảy lớn tuổi. Với cách điều hành quan liêu, trì trệ, lạc hậu của anh Bảy, cơ quan chúng ta tụt hậu sau các cơ quan cùng cấp của những tỉnh thành khác đến hai chục năm. Nay, cơ quan chúng ta cần phải tích cực đổi mới để bắt kịp nhu cầu phát triển của xã hội, nên bữa nay tôi đề nghị chúng ta bàn kỹ về nội qui mới của cơ quan do tôi mới soạn ra…”

          Đồ chó. Thằng ăn cháo đái bát. Cho dù ông mất đột ngột, không kịp làm đề xuất nó trong diện qui hoạch cán bộ, cho dù nó phải vất vả, căng sức ra chiến đấu, chạy chọt để qua truông mới ngồi được vào ghế của ông, thì nó cũng phải nhớ ai đã từng nâng đỡ nó suốt bảy, tám năm qua chớ? Nhưng…mới hai ba ngày, làm sao nó chạy chọt kịp, nhanh vậy? Ông thừ mặt ra, suy nghĩ. Khốn kiếp, hóa ra một mặt nó vẫn ngọt nhạt với ông, một mặt nó âm thầm chuẩn bị từ lâu rồi. Ôi! Ông lão luyện vậy mà vẫn bị thằng nhóc con qua mặt cái vù. Mà nào đâu chỉ vậy. Sau phát súng khởi động lệnh tấn công mà nó vừa nổ thì các đàn em thân tín bao lâu nay của ông, những đứa mà ông giang tay cứu vớt đời chúng nó sau khi bị kỷ luật ở các cơ quan khác, những đứa ông bao biện từ ngoài quê mang vào với đủ các lời ơn nghĩa của cha mẹ chúng…đã thi nhau phê phán ông bằng các câu chuyện nhỏ nhặt từ rất xa xưa, những chuyện mà ông đã quên bẵng, không lưu giữ bất cứ thứ gì trong ký ức thì chúng lại nhớ. Nhớ rất dai dẳng. Nhớ  âm ỉ. Ông thấy mặt thằng Nghĩa thoáng nửa ra vẻ nghiêm nghị, nửa như muốn cười. Cười cho sự đắc thắng của mình, và cười cho sự vô liêm sỉ của mấy con tốt thí trên bàn họp. Ông choáng. Hóa ra thằng Nghĩa còn trên cơ cả tay Bình-phó giám đốc, bí thư đảng bộ. Mà đâu đã hết. Đại diện bốn doanh nghiệp đối tác của cơ quan ông-do thằng Nghĩa chủ động mời tham dự họp mở rộng-cũng đứng dậy bày tỏ thái độ không đồng tình với cung cách hợp tác của ông, nhất là họ còn tố ông nhũng nhiễu để gợi ý họ phải đưa phong bì. Phát đại bác ân huệ làm ông gần như suy sụp hẳn là kết luận của cấp trên-anh Ba-khách mời, nhưng lại là người chủ trì cuộc họp: “Từ sáng đến giờ ngồi đây nghe phản ánh bức xúc của các đồng chí, chúng tôi hiểu hết, vì trước đó cũng đã có nhiều đơn thư tố cáo cá nhân đồng chí giám đốc, nhưng Tổ chức thấy sự việc không lớn, cũng không phải cố ý vi phạm mà chủ yếu do hạn chế về trình độ nhận thức, tác phong làm việc tồn tại thời bao cấp, và bản thân đồng chí ấy đã lớn tuổi, còn vài năm nữa là nghỉ hưu…nên chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ không kỷ luật. Rất mừng là nay chúng ta đã có thể gác bỏ quá khứ, lật sang một trang mới, tốt hơn, đẹp hơn, tôi hy vọng các đồng chí sẽ họp sức với đồng chí Nghĩa, tân giám đốc, cán bộ quy hoạch nguồn, trẻ trung năng động, dám nghĩ dám làm để đưa cơ quan phát triển vững mạnh hơn…”. Ông đau nhất chữ “rất mừng” mà cấp trên đã cố ý nhấn nhá khi phát biểu.

         Buồn. Ông hóa làn khói, bay thẳng về nhà. Có lẽ, bây giờ gia đình mới là nơi dung thân yên ổn nhất của ông. Ông đã làm nhiều việc cho họ, và họ yêu quí ông, luôn muốn ông tồn tại mãi bên họ-ít ra ông đã từng nghe được điều đó qua lời khấn từ chính miệng vợ ông và thằng Hai.

* * *

          Hôm nay, gia đình tổ chức cúng bốn mươi chín ngày mất của ông. Mười hai bàn, trong đó có hai bàn cúng chay dành cho các sư thầy chùa Phước Hưng, số bàn mặn còn lại dành cho bà con và khách mời, chủ yếu là của thằng Hai. Tám chai Chivas và hai chục thùng bia đã chuẩn bị sẵn từ mấy hôm trước. Nhanh quá, mới đó mà ông đã chết được bốn mươi chín ngày. Bao nhiêu sự kiện đã xảy ra. Sau đám tang, vợ ông gom tiền phúng điếu, trừ mọi chi phí, đã mua thêm được bốn căn hộ cao cấp Sun River bên quận 2, ngoài ra, mỗi đứa con trong nhà còn được chia năm tỉ rưỡi, gọi là cùng hưởng “hương hoa hương khói của ba”-ông mát lòng, vợ mình thế là đã biết tạo sự đoàn kết trong nhà.Thằng Hai vậy mà giỏi, nó khéo léo giải quyết cái vèo, xong số tài sản riêng của ông, tuy nó có dém riêng mấy chục tỉ. Nó cũng đã có quyết định bổ nhiệm làm quyền phó chủ tịch huyện. Hai sự việc này hẳn phải có sự liên hệ nhất định đây-ông nghĩ thầm và mừng cho nó. Ông đi quanh các bàn, nhìn mọi người ăn uống, nói cười, trong lòng vui lắm. Ừ! Thì thôi, mình sẽ quấn quýt mãi bên họ để phù hộ cho họ, họ vui vẻ, hạnh phúc, thắng lợi…họ là người thân của mình chớ ai?

          Ngoài sân vẫn tiếng nói cười rôm rả. Thằng Hai, vẻ mặt nghiêm nghị bước vào trong, rút mấy cây nhang trên bàn thờ ra đốt. Nó khấn lầm thầm:

“-Ba, bữa nay cả nhà cúng bốn mươi chín ngày của ba nè, mọi người đều khỏe. Con đã giải quyết xong điềm báo mộng của ba rồi. Má mừng hết lớn chớ bả không có ý kiến ý cò gì đâu. Có chuyện này con cũng muốn thưa với ba. Con đã được mấy chú cất lên ghế phó chủ tịch huyện. Trước hôm trao quyết định, Chú Sáu có gọi con lên làm công tác tư tưởng. Chú có đề nghị con quán triệt vài chuyện. Thứ nhứt là trong lúc ba làm việc, có nhiều chuyện linh tinh, không hay, giờ ba mất rồi, tuy không nhắc lại nữa, nhưng dẫu sao, ấn tượng xấu vẫn còn, nếu con đi đâu cũng nhờ vả người ta, mà xưng là con của ba để nhờ vả, là không tốt cho con. Thứ hai, mấy cái quan hệ cũ của ba, giờ không dùng được nữa, vì thời thế đã thay đổi, chú Sáu bây giờ mạnh hơn chú Chín, nên có ưu tư gì thì cứ than thở với chú Sáu. Thứ ba, là trước bữa nhận quyết định bổ nhiệm, con có đi coi ông thầy Năm Chén ở Nhà Bè, ổng nói cái vong của ba xui lắm, nếu vong cứ về nhà hoài thì tiền bạc hao hụt, trong nhà có người bệnh, mà đường công danh của con cháu cũng  sẽ bị ách tắc, nên ổng cho con lá bùa, dặn con về cúng bốn mươi chín ngày xong, treo lên trước cửa, để vong của ba không về được nữa. Con biết làm vậy là ba buồn, nên hôm nay, cúng ba xong, con nói với ba trước rồi mới làm. Ba, hồi còn sống, ba thương con nhứt nhà, chuyện đường đi, nước bước của con, một tay ba lo; giờ ba đã thương con thì thương cho trót, ba đừng về nữa, thôi ba đi khỏe, siêu thoát nghen ba…”

        Nó còn nói lầm thầm gì nữa đó, nhưng ông lùng bùng lỗ tai, không nghe được những câu tiếp theo. Ngực ông nhói lên một cái. Giống hệt như hồi ông bị đột quị. Có vẻ như ông sẽ phải chết thêm lần nữa rồi…

                                                           

 

           

 

 

 

 

 

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 302
Ngày đăng: 11.05.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bí mật về Ông Nguyễn Thái Học “Giọt sương của lòng trắc ẩn là nước mắt…” - Nguyễn Anh Tuấn
Đồ đểu! - Nguyễn Vĩnh Căn
Chơi chứng khoán - Tiểu Lục Thần Phong
Tư tưởng của ruồi - Nguyễn Anh Tuấn
Một chiếc lá góp xuân - An Thảo
Đời gia sư - Nguyễn Vĩnh Căn
Bà Deborah - Tiểu Lục Thần Phong
Tiếng nói - Trần Yên Hòa
Tình cầm - An Thảo
Dáng đi - Nguyễn Hiền