Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
845
116.687.539
 
Bạn thâm giao
Phạm Thanh Phúc

Chuông điện thoại vang lên, một giọng quen thuộc đầy phấn khích bên kia đầu dây: “Bạn thân mến, bạn đang ở đâu vậy? Trưa nay lai rai được không? Lâu gặp quá…”. Bạn thâm giao đây mà. Bạn trạc bốn mươi tuổi. Mày râu nhẵn nhụi, lúc nào bạn cũng áo quần bảnh bao, và gương mặt bạn lúc nào cũng thường trực một nét cao ngạo, nhưng tinh quái lạ thường. Bạn thâm giao đã từng cùng ta-tạm gọi là bạn thường- sát cánh bên nhau trong công việc, cũng từng chịu đựng vất vả, khó khăn, từng chia nhau những đồng tiền cuối cùng trong quán nhậu…vậy nên mới gọi là bạn thâm giao. Bạn thâm giao mà lâu gặp quá cũng kỳ, nên nhậu cũng là dịp để thắt chặt thêm tình thân ái. Thì ra quán nhậu vậy.

 

*

Quán nhậu ồn ào, tiếng cụng ly, tiếng chửi thề, tiếng xé bao khăn lạnh bồm bộp, và cả tiếng cười hô hố vì men bia rượu nữa…đã góp phần tầm thường hóa buổi gặp mặt lẽ ra rất thiêng liêng giữa hai người bạn thâm giao. Bạn cười:

 

-Ông nhớ không, cái năm tụi mình cùng làm tờ báo. Trời ạ, cuối năm, gì cũng tất bật, chạy quảng cáo trối chết mà kiếm hông ra. Tớ nhớ mình phải trổ hết tài ra để dụ khị cái thằng công ty thuốc làm hai trang tài trợ, kiếm tí tiền để trả nhuận bút cho mấy anh em trong cơ quan, mừng húm! Năm hết, Tết đến, quà cáp không đủ tiền lo cho anh em mà tí tiền còm còn không có thì bẽ mặt quá xá. Hừm…Gọi “cơ quan” cho sang dzậy chớ tụi mình chỉ lèo tèo vài người, hổng lẽ tự nuôi nhau không nổi sao? Thiệt kỳ, dịp Tết, mấy thằng báo kiếm quảng cáo đỏ con mắt không ra, còn tụi mình có quảng cáo thì lại không xin được giấy phép làm báo…

 

Nói đến đó, bạn ngừng lại giữa chừng, uống một hơi dài, khà một cái quá đã, chửi thề một câu rồi bật cười khanh khách, sảng khoái hết mức khi nhớ lại cái năm hai đứa vất vả làm báo…lậu. Thì cũng là một kỷ niệm đáng nhớ chứ bộ. Đó cũng là năm mà nhiều tai ương trong sự nghiệp viết lách đột ngột xuất hiện, những vòng quay phản trắc của chuyện tranh quyền đoạt lợi trong làng báo. Vân vân và vân vân. Vậy nên không có gì phải ngạc nhiên khi những người bạn có cơ duyên gặp nhau và cùng có khuynh hướng muốn bước ra làm một tờ báo cho riêng mình. Năm đó làm bở hơi tai mà kết cục chẳng ra sao cả, tiền nhà in, tiền nhuận bút, tiền thiết kế…quá nhiều khoản phải chi trả, mà tìm không ra kinh phí; đến nỗi những ngày cuối cùng của năm cũ, bạn thâm giao phải tắt điện thoại, tung chiêu quen thuộc là “có việc, đi Vĩnh Long gấp”, khiến bạn mình đã phải vận dụng hết sức lực để giải quyết trả nhuận bút cho các cộng tác viên, giúp họ có chút niềm vui đón Tết; để rồi chiều 29 Tết, bạn thâm giao đột ngột xuất hiện, người đầy bụi đường xa, rủ nhậu “tẩy trần”, bạn mình hơi giận, nhưng rồi rượu đã hóa giải tất cả. Tết năm đó, hai người bạn đã rủ nhau lang thang trên phố chiều tối 30 Tết để xem bạn thâm giao “bán bong bóng”, như nhắc lại một kỷ niệm tuổi thơ, rồi kiếm đỏ con mắt mới tìm ra một quán nhậu còn sót lại để lai rai đến tận giờ đón Giao thừa mới chịu về nhà. Ừ, phải có những kỷ niệm thân thiết như vậy nên mới trở thành bạn thâm giao chứ!

 

Đang phấn khích, bạn thâm giao sẵn tiện, hỏi:

-Mà ông có nhớ hồi đó cuối cùng, mình xin được giấy phép ra báo thế nào hông? Ông xin ở đâu mà hay dzậy cà? Ông nhờ ai mà siêu dzậy?

-Hi hi, thì cũng nhờ…linh tinh lang tang dzậy mà!

Làm sao mà nhớ nổi chứ, vì dẫu sao cũng đã nhiều năm trôi qua rồi. Tất nhiên bạn chỉ vô tình hỏi lại thôi, nên câu hỏi cũng không cần câu trả lời. Giấy phép ra báo thì cũng dăm bảy đường xin, đường hoàng có, tế nhị cũng có, người này, người nọ, quan chức kia…đều có cả. Nhưng…tất cả gần như là những chuyện riêng trong mối quan hệ chung của công việc, sinh hoạt, bè bạn, nên không phải lúc nào cũng công khai được. Thế là câu trả lời trôi qua. Có vẻ như bạn quên luôn câu hỏi, vì sau khi kêu thêm món đậu hũ chiên dòn, không thấy bạn nhắc lại.

- Chầu này ai trả tiền ta?

- Ai cũng được, lâu ngày gặp lại mà. Cho thêm 10 chai Ken ướp lạnh nữa, em ơi!

Bia được mang lên ngay lập tức, đổ vào xô đá nghe soàn soạt. Bạn thâm giao cười khanh khách, đang đà phấn khích, nói tiếp:

- Ông có nhớ lão Thịnh Việt kiều hông? Trời, cha đó mê xe vespa cổ như…mê gái. Chà!, mà ổng có con bồ ốm nhom làm thợ uốn tóc “mát ghê”, tớ mới nhìn thấy đã thèm nhỏ nước miếng. Đi ăn nhậu chung mấy lần, mình đá lông nheo 2, 3 cái mà hổng thấy nó hồi đáp gì hết, thoạt đầu hơi sượng. Sượng là vì dẫu sao nó cũng là bồ -của -bạn mình-ông Thịnh. Sượng còn bởi túi mình không “nặng đô” bằng lão kia, nên nó quăng cục lơ với mình cũng phải thôi. Nhưng…He he, sau đó, thèm “ăn” nó quá, mình về nhà nằm vắt tay lên trán, “nghiên kíu” chiến thuật, rồi lên phương án tác chiến. Thắng lợi vẻ vang luôn.

- Chiêu gì hay dzậy?

- Đơn giản thôi, lược lại trong tất cả các câu chuyện mà những lần nhậu chung nó nói, tớ thấy toát lên một ý là em này thích…làm diễn viên. Chết với ta. Thế là một bữa tớ làm như tình cờ hé lộ rằng có một đạo diễn đang nhờ mình tìm giúp vài vai phụ cho một bộ phim mà mình là tác giả kịch bản. Dzậy mới “chết” chứ lị. Em nghe xong, đã kịp “thả” cho tớ một ánh mắt dịu dàng liền tù tì.

- Rồi sao nữa?

- Sao với trăng gì, em xin số điện thoại mình, sau đó vài hôm, điện thoại rụt rè hỏi tớ xem có vai diễn nào phù hợp với em không. Tớ ra vẻ ngập ngừng, nói e rằng hơi khó, vì hằng trăm người đăng ký rồi, với lại bao nhiêu ông này, bà nọ quen biết, gửi gắm, không nhận lời họ cũng kẹt, mất nhiều sự ủng hộ tài chính. Nói chung, mình “khái niệm” cho em nó biết là chuyện này không phải dễ xơi, khó khăn lắm đây, nên phải…quý em lắm thì mới giúp em được. He he, uống cạn trăm phần trăm rồi kể tiếp!

- Hừm! ông biết kể chuyện kiểu “phơi-giơ-tông” ghê!

Bạn lại cười, lần này là một kiểu cười khành khạch, đầy thỏa mãn:

- Sau đó thì… “xơi” chứ còn gì nữa.

- Vậy…rốt cuộc, em đó có được thỏa mộng làm diễn viên không?

- Bạn mình khù khờ quá đi. Làm gì có. À, mà có; đó là làm diễn viên…phim cấp 3, với…mình!

- Khe khe! Chúc mừng nghen. Em ơi, cho anh thêm 10 chai Ken nữa để anh chúc mừng bạn anh…

Ai chứ ông Thịnh Việt kiều thì mình chẳng lạ. Lớn tuổi nhưng “phong độ” chuyện em út, hà hà…quá cực kỳ. Được cái, đây là một ông anh có tính tình chân chất, thật thà, nên lần nào nhậu với ổng cũng đều rất vui, nhất là khi nào bên cạnh ổng luôn là “cô gái ốm nhom” ấy, như bạn thâm giao đã để ý. Chuyện tình ái đang nổ như bắp rang, bỗng bạn dừng phắt lại, nói nhỏ:

- Ê! Có dịch vụ này hay lắm. Hôm rồi tớ mới gặp lại em đó, nó nói mới vớt được ông già Đài Loan, ông này sẵn sàng chi tiền cho nó mở một nhà hàng karaoke kiểu gia đình-nghĩa là khách đến chỉ “hát chay”, không em út gì hết. Nhưng nó lại không biết đường ngang, ngõ tắt nào để xin cái giấy phép karaoke hết. Bạn biết chỗ nào chỉ giùm, hay bạn…làm luôn cũng được, tụi mình kiếm tí tiền còm lai rai…

 

Nước này thì thua, tưởng nhờ tổ chức bài đăng báo, còn may ra. Giấy phép karaoke, biết nhờ ai bi giờ. Mà từ hồi nào đến giờ mình có làm vụ này đâu mà quen biết ai. Hẳn bạn bè lâu gặp nên bạn thâm giao quên mình rất ghét làm loại dịch vụ kiểu đó, nhất là làm cho mấy girl. “Chịu ông ơi. Tui đâu rành mấy vụ này.” Bạn tiu nghỉu, xìu như quả bóng xì hơi.

Nhưng kìa, bạn đưa ly lên môi tu cái “ực” ngon lành, rồi ngoắt tay gọi mấy em phục vụ:

- Cho anh mượn cây đàn ghita ngon ngon coi!

Có ngay. Một cây đàn ghita bóng lưởng được mang ra. Bạn khạy vài tiếng lên dây đàn rồi đưa mình:

- Lâu nghe bạn hát quá, chơi cho tớ vài bài nghen…

Được thôi. Gì chớ đàn là nghề ruột của mình mà. Dạo mấy tiếng, úi chà, âm thanh êm à nha. Bạn oang oang giọng:

-Thằng Vĩnh nó nhắc ông hoài. Hôm trước ngồi với nó ở quán Hoàng Anh, nó nói lâu nghe anh Phong hát quá, dạo này đại ca có gặp anh Phong hông? Tớ nói đại, gặp hoài, nhưng mà hổng có thời gian rảnh để nhậu. Nó nói bữa nào anh em mình tụ lại như hồi Tết năm kia, chơi một bữa sáng đèn cho sướng.

 

Mình nhớ rồi. Vĩnh là đàn em của bạn thâm giao, “đàn em” theo nghĩa nào thì ít ra cũng là cái cách mà bạn mặc định. Nhớ Vĩnh là nhớ tới “truyền thuyết” mà bạn kể về việc Vĩnh từng mang…lựu đạn ra để “giải cứu” bạn khỏi đám tiếp tân dám quấy rầy bạn khi đang ngồi sáng tác kịch bản ở một quán cà phê sang trọng trong thành phố. Dĩ nhiên là lựu đạn diễn tập. Nhưng…ai mà biết điều đó, nên chỉ cần thấy một trái đen đen quăng ra là cả đám hết hồn chạy xì khói. Mà không chỉ Vĩnh. Đột ngột mình nhớ ra khá nhiều kỷ niệm mà bạn và mình cùng tham gia, ví dụ như bữa nhậu đã đời với bạn Tân là Tổng biên tập một tờ báo, cả ba đứa thay phiên nhau hát nhạc lính, dưới cách gọi tếu táo là “nghiên kíu nền âm nhạc của địch”. Thôi thì từ Rừng lá thấp, Tình thiên thu, Trên bốn vùng chiến thuật…cho đến các bài Không tên số 1,2, 3, Riêng một góc trời, và kể cả Đại bác ru đêm, Ca dao mẹ…đều bị mang ra hát-nghĩa là từ nhạc lính, nhạc tình, nhạc sang cho đến nhạc phản chiến, các bạn “mổ” tất. Dĩ nhiên, giọng ca chính vẫn là mình. Tân cũng hát phụ họa theo, và bạn thâm giao thì nào có bỏ qua được với 24 giờ phép, Mùa xuân lá khô, Tuyết lạnh, Tuyết trắng… đã có hai thùng bia bị “tiêu diệt” không thương tiếc dưới “miệng súng” của các ca sĩ bất đắc dĩ. Nói chung là nhiều kỷ niệm.

 

Vậy nên khi mình vừa dạo đàn, bạn đã cất giọng ông ổng đòi hát. Mấy em phục vụ lại một phen nhăn mặt vì bị cưỡng bức thưởng thức âm nhạc. Bạn hát say sưa lắm, hồn nhiên như thưở nào vậy, mình cũng “đàn chạy theo bạn” như ngày xưa. Hát xong, ta lại cụng ly cái cốp, nghe rêm cả mình, nhưng sướng tai, rồi cùng cạn ly. Vui ơi là vui. Uống thêm ly nữa xong, bạn nở nụ cười hiền lành, hỏi:

- Ê, ông có quen ai bên Bộ văn hóa hông dzậy? Mình đang có việc cần nhờ…

-Trời! Pó tay luôn ông ơi. Tui mà quen ông nào bên trên đó, hẳn đã lên Tổng biên tập lâu rồi, chớ đâu có lẹt đẹt hoài như bây giờ…

Bạn lại cười nhẹ:

-Sao nghe đồn ông quen mấy ổng nhiều?

-Thì…thiên hạ đồn, hơi đâu mà tin.

Bạn lấy khăn lạnh hỉ mũi vô đó đánh “phẹt” một tiếng rồi hỏi sang chuyện khác:

-Chừng nào về quê, nhớ rủ tớ du hí một bữa nhé!

Tất nhiên rồi. Nhưng…bia, mồi còn đầy, uống cạn đi đã, hát hò cho sướng mồm đi đã, phó mặc sự đời đi đã, mọi chuyện rồi tính sau. Mà có lần nào gặp bạn thâm giao, chúng ta lại không say mèm đâu. Trò chuyện ư? Qúa nhiều chuyện để nói, từ chuyện gái gủng đến chuyện thời sự xã hội, chuyện bạn bè chơi xấu, chuyện viết lách...rồi lại còn hát hò khan cả cổ, nên bia bao nhiêu cho đủ, thời gian bao nhiêu cho vừa để tạm dừng cuộc nhậu?

 

*

Buổi sáng, tại phòng nghiệp vụ của cơ quan chức năng, một cuộc đối thoại diễn ra khá êm ả.

-Qua tiếp xúc đối tượng, anh có thu thập được gì mới cho công việc được cơ quan giao phó không?

-…Khó trả lời quá. Anh nghe băng ghi âm cuộc nói chuyện hôm qua đi rồi nhận xét. Thằng này qua băng ghi âm, trả lời chẳng có gì gút mắc cả, có vẻ như nó là một công dân đàng hoàng, không có gì phải nghi ngờ nó…

-Anh bỏ lối suy nghĩ đó đi. Nếu anh ta là một công dân đàng hoàng thì chúng tôi việc gì phải yêu cầu anh tiếp cận và bí mật ghi âm các cuộc nói chuyện. À, mà này, hay là…anh sơ hở trong cách thức bố trí ghi âm nên đối tượng nghi ngờ, cảnh giác trước?

Người đàn ông trung niên lắc đầu:

- Không thể nào. Vì tôi ghi âm hết sức tự nhiên bằng điện thoại di động, nên đối tượng không thể biết được.

Người cán bộ mặc sắc phục dịu giọng:

-Thôi được, để tôi nghe lại băng ghi âm xong rồi tính, anh cứ tiếp tục tiếp cận đối tượng, có gì mới thì báo cáo ngay cho tôi!

 

Cả hai chia tay ở bục cánh cửa màu xám nhạt. Khi người đàn ông trung niên sắp đi khuất dãy hành lang vắng, người cán bộ mặc sắc phục chợt gọi giật giọng:

 

- Này, Thủ trưởng nhắc anh…tiết kiệm lại một chút, kinh phí cơ quan cũng có hạn, nên nếu buộc phải tiếp cận bằng cách trên thì anh nhậu…phiên phiến thôi; không cứ gì phải uống say mèm, hát xướng suốt cả ngày như vậy. Nhớ nhé!

 

Người đàn ông trung niên thoáng sựng lại, nở một nụ cười thê lương, gật đầu, giơ hai ngón tay hình chữ V, khẽ chào, rồi khuất dần sau cánh cổng sắt có người mặc cảnh phục đứng gác…/.

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 2540
Ngày đăng: 22.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng Tháp - Khuất Đẩu
Ngọc Phật - Bạch Lê Quang
Không đề - Khải Nguyên
Người có công - Nguyễn Viện
Ba chìm bảy nổi - Đỗ Ngọc Thạch
Cõi yên nghỉ - Lữ Quỳnh
Tiếng hát ru - Bùi Công Thuấn
Một câu chuyện buồn - Phan Bích Thủy
Khalil, tên dị giáo 2 - Kahlil Gibran
Khalil, tên dị giáo 1 - Kahlil Gibran