Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
644
116.673.885
 
Gío ngược Đồng Vai
Nguyễn Thị Thu Hiền

- Có về mà liếm nốt đi không ! Dào ôi cái giống đàn bà, ăn xong để chó liếm bát thế này!

Hai con chó ủng oẳng hoà vào tiếng chửi của bà Nên. Vừa chửi, bà vừa cầm  cây sào buộc mảnh ni lông vẫn dùng để đuổi gà, đuổi chim ngoài sân phơi thóc lách vào giữa hai con chó. Nhưng chúng còn bận tình tự, chưa hết say cơn, chỉ đáp lại lời bà bằng những tiếng ủng oẳng bực dọc. Bực dọc, bà Nên trở tay sào, đập tới tấp vào mình con Mực:

- Về! Về! Xéo về nhà mày! Đồ giai lơ mất nết, sang đây mà rủ rê, quyến rũ con nhà người ta!

 

Con Mực bị đánh khá đau, đành luyến tiếc dứt bỏ bạn tình, cúp đuôi lách vội qua bờ rào. Con Khoang thấy chủ không thân thiện như mọi bận cũng ra chiều biết lỗi, nem nép chạy về phủ phục gầm giường. Chưa hả cơn, bà Nên bắc chèo chân qua hàng xóm:

- Nhà chị Liên! Có chó thì nhốt vào vấy ! Cứ để nó sang đây xéo nát mấy luống mùng…

 

Liên chạy ra dạ vâng rồi trở vào tủm tỉm với mấy đứa con đang rúc rích trong nhà. Chúng xót con Mực chẳng hiểu sao bỗng dưng bị đòn oan. Nãy giờ trong nhà nhưng Liên biết cả. Lại bà cụ Nên giận cá chém thớt đấy thôi. Nãy giờ, nghe bà Nên chửi và tiếng con Mực ủng oẳng, lũ trẻ nhà chị đã chực chạy ra " bênh" con chó. Chúng đã biết chơi trò vợ chồng, hoàng tử- công chúa nên vẫn bảo con Khoang và con Mực yêu nhau. Cơm hai nhà lâu nay Mực và Khoang vẫn ăn chung, bà Nên đi giỗ họ về còn lấy cả túi xương lợn, xương gà.. Nãy giờ, Mực làm gì nên tội?- lũ trẻ trong nhà nhao nhao thắc mắc. Liên cố nén cười quát chẳng qua tại chúng quá yêu nhau. Lũ trẻ lại nhao nhao: mẹ cho bọn con ra " bênh" nó, nhất là " cạch" mặt con Khoang, ứ thèm cho con Mực yêu nữa, ứ thèm chơi với cái Nam nhà í nữa… Liên lại quát con: kệ hai con chó, đứa nào ra xem là bị lẹo mắt. Doạ xong, thở hắt ra: chẳng biết bà cụ còn giận cá chém thớt với Nền đến bao giờ ???

Vừa lúc, Nền đi làm về. Quăng vội chiếc xe đạp ra đầu hồi, chị xăm xắn:

- Bà cứ để đấy cho con! Con rửa nhoáng cái là xong.

- Không dám! Chị hẵng cứ lên nhà mà nghỉ cho mát, lấy sức phục vụ người ta. Thân già này tay làm  hàm  nhai, binh nhiêu năm nay chưa phải dựa vào hơi hám thằng cha vơ chú váo nào sất.

 

Nước mắt lưng tròng, Nền nghẹn ngào:

- Bà!…

 

Chừng đã thấy mình quá lời và nãy giờ đã hả cơn giận, bà Nên buông xoảng cái đĩa tráng men, quay ngoắt ra đầu ngõ. Bà ra ngóng " cháu bà"- con Nam đi học về. Còn một mình bên bờ giếng, Nền nuốt cục nghẹn rửa ào rổ bát đĩa. Chị cọ đi cọ lại cái xoong nấu canh. Cái  xoong nhôm  này quá cũ, có hơi bị méo nhưng là nhôm Liên Xô nên còn tốt chán. Hồi dưới Đồng Vai, chị phải bán cả lứa gà giò mới đủ tiền gửi người mua nó. Mẹ chị- bà Nên quý cái xoong này lắm. Con, cháu rửa bát bà không nói làm gì. Mỗi lần có dịp động tay vào, bà cứ cọ cho bóng nhoáng, chỉ còn nhờ nhờ vết nhọ nồi. Âý vậy mà bây giờ bà quăng quật, lại còn trộn cơm thừa canh cặn vào đấy cho chó ăn. Nền biết tính mẹ sạch sẽ, lâu nay tối kỵ việc chó mèo la liếm. Làm ngành y, chị cũng rất cẩn thận, sạch sẽ, thậm chí có phần kỹ càng khi nghĩ dến dịch bệnh lây lan

- Bà ơi! Con đã về!

 

Tiếng cái Nam lảnh lót. Nó học lớp 9, vẫn ở trường làng, cách nhà chỉ vài trăm mét. Chiều nào bà ngoại cũng ra ngóng nó. Có lần, bà còn thấp thỏm ra tận cổng trường đón cháu làm thằng Ngọc con cô Liên dài lưỡi lêu lêu. Nam tẽn tò, định hấm hứ với bà nhưng thấy bà hân hoan sờ nắn đôi vai đeo cặp sách, giằng lấy xách hộ cháu, nó lại thôi. Bà cháu tíu tít từ đầu ngõ về nhà.Đến sân, Nam kéo tay bà:

- Cứ thế, bà nhỉ?

- Ờ!…

- Nam đi học về đấy hả con? Hôm nay ở lớp cô giáo dạy bài gì? Cô đã trả bài kiểm tra hôm nọ mẹ hướng dẫn chưa?

- Dạ, chưa!

 

Nam nhấm nhẳn trả lời mẹ, vội nhìn đôi mắt hấp him nhấm nháy của bà. Nó tót vào buồng treo cặp, cởi khăn quàng đỏ rồi trải chiếu dọn cơm. Trên ban thờ, bà Nên đã kịp thắp đủ các bát hương. Nền thoăn thoắt sắp mâm bát, trút cơm thừa trong cặp lồng chị đem đi từ sáng để ăn trưa ở cơ quan vào cái bát mẻ gần bụi chuối. Phần của Mực và Khoang ở đây. Mẹ đã chẳng dạy chị từ nhỏ rằng lệ đâu có chuyện chó mèo ăn trước người. Chị dợm giọng, xoa tay mời mẹ, giục con. Tiếng chị, tiếng cái Nam mời mẹ, mời bà. Chan chan, gắp gắp. Bữa ăn lặng lẽ. Khói hương nghi ngút toả xuống từ hai bát hương ở ban thờ.

                                                                        *

                                                            *                       *

Nền khe khẽ trở mình, dịch vào sát góc giường nhường chỗ cho Thản nằm. Biết ý vợ, Thản cũng khẽ khàng nằm xuống. Anh quay mặt vào vợ, thì thầm:

- Mình vẫn thức cơ à?

- Em đợi mình!

- Bận sau mình cứ ngủ đi, đừng đợi tôi. Dạo này công việc nhiều…

- Dối em mà làm gì! Mình cứ về sớm ăn cơm luôn thể. Cả ngày đã không thấy mặt nhau, tối lại thế này…

- Kìa mình!

 

Thản đưa tay rờ mặt vợ. Trăng mười sáu chếch qua khe cửa vẫn đủ để anh thấy rõ ngấn nước loang trên má Nền. Khổ thân Nền! Cứ loay hoay cho đôi đường trọn vẹn mà chẳng bao giờ được trọn vẹn. Thản biết Nền yêu anh, không muốn thiếu anh nhưng còn mẹ già, con dại. Hai con người đó không chấp nhận anh. Sự khó chịu không cần ngấm ngầm bộc lộ ra mặt. Bây giờ vợ chồng anh còn được nằm trên chiếc giường này, trong căn buồng này. Ba năm trước, anh cắn răng theo Nền về" ở rể" dưới căn bếp dột nát giáp chuồng lợn kia. Bà Nền- mẹ vợ anh phải thu không biết bao tờ cam đoan, kiểm điểm của con rể, rằng anh Thản và chị Nền về ở với nhau tự ý cưới cheo qua loa là bất hợp pháp bà không công nhận, anh Thản không có quyền sở hữu ngôi nhà gỗ ba gian, không được phép tham gia vào việc họ Dương đằng chồng bà, họ Lê của cháu bà- tức con bé Nam.

           

Thậm chí, thời gian đầu bà cụ không ngồi chung mâm.

           

Hoặc giả bà rủ cái Nam ăn trước, trước khi anh đi làm về. Hoặc giả bà ăn sau, mặc cho anh và Nền mời mọc gãy bát gãy đũa hay ngồi đợi hàng giờ. Bà không chịu xuống mâm, Nền lại lo xẻ thức ăn, đậy đậy đụm đụm phần mẹ đàng hoàng. Vài bữa như thế, vài bữa Thản lại vạ vật báo cơm nhà bếp trên cơ quan, tối lọ mặt người hay gần khuya mới về, như hôm nay.

           

Không phải Nền không xót chồng. Tiếng là làm rể, anh được đàng hoàng cười nói ngày nào? Nhũn nhặn và lặng lẽ, người đàn ông gần tuổi hưu, đầu hai thứ tóc vẫn không được nếm trọn nghĩa một mái nhà. Thản làm ở quân y viện trên tỉnh, mất cả tiếng đồng hồ đạp xe. Sức khoẻ của anh sa sút trông thấy. Chất độc Điôxin ngày càng tàn phá cơ thể anh hay những day dí, hắt hủi từ phía gia đình Nền khiến anh ngày một bải hoải, rã rời? Làm ở trạm xá thuộc huyện, trình độ không bằng Thản nhưng Nền quá hiểu tác hại của tâm bệnh. Nền chan nước mắt lên cánh tay chồng. Định bụng lấy tiền vợ chồng dành dụm mấy năm nay mua cho anh chiếc xe máy đỡ đoạn đường dài thì bà Nên- mẹ chị lại rậm rịch bảo sửa bếp, sửa nhà…

- Nửa đêm cũng " nghao nghao" nỗi gì! Rõ đồ mèo mả gà đồng! Hết chó lại đến mèo!

Thản giật mình, rã rượi đổ xuống bên cạnh vợ. Nền vẫn quấn riết đôi tay lên cổ, lên lưng chồng:

- Đừng anh! Kệ mẹ. Chỉ là mấy con mèo đi hoang quần nhau trên mái nhà…

Nền thì thầm, tức tưởi.

- E hèm! Hèm! Có thôi ngay đi không lũ động nô! Để cho người ta ngủ mấy chứ!

 

Câu này bà cụ chĩa vào buồng. Thản đau đến thấu xương. Chất độc Điôxin như bốc lan trong huyết quản. Anh nhắm mắt, co rúm trong tay vợ. Nền hực lên nỗi bực dọc lâu nay tích tụ giờ lại rưới than hồng như độ hồi xuân tuổi bốn mươi đang cay nghiệt, khốn khó với chị. Thản ghìm vai vợ:

- Tôi xin mình! Ngủ đi, mai năm rưỡi còn đi làm.

                                                            *

                                                *                       *

 

Bể nước mưa ăm  ắp, văn vắt khiến bà Nền dịu lòng. Dù sao cái thằng rể hờ và đứa con gái ôn vật nhà bà cũng ăn ở biết đường. Sáng sáng, chúng dậy sớm lo cơm nước sắp sẵn mâm, lèn vào cặp lồng mang đi tự lúc nảo lúc nào. Trở dậy, bà cháu bà chỉ việc rửa mặt là vào mâm. Bể nước mưa lúc nào cũng ăm ắp phần bà cháu bà, con gái, con rể dùng nước giếng góc vườn. Thứ nước giếng đồng chiêm  trũng muôn đời vàng ệch, lờ lờ, thằng rể hờ hì hụi xây bể lọc cát, cũng tàm tạm trong. Bà biết những việc nó làm. Nhưng chả hiểu sao nó cứ như cái gai trước mắt bà. Đàn ông đàn ang có học thức, có "tay nghề" không phải bỗng dưng lại chịu về đây " chui gầm  chạn" thế này. Một hai nó bảo: " Con yêu Nền, con thương Nền". Bà chả tin hoàn toàn. Dù thế nào, bà cũng không muốn con Nền lại lấy chồng. Còn con Nền- đứa con gái rượu, đứa con gái độc, cái nhúm ruột ông ấy để lại chứa đầy nước mắt sung sướng, tự hào mà cũng tủi nhục của bà có bao giờ " chịu" bà. Van lạy, khóc lóc, rồi nó lại luôn làm trái ý bà.

 

Chao ôi con cái Nền!

 

Ông ấy đi chiến dịch Điện Biên nửa năm, bà đã thành gái goá ôm con đỏ bên lều. Chỉ có bà mới biết gió ngoài Đồng Vai lạnh thế nào. Căn lều ngụ cư nhà chồng để lại trống hoác gió đồng. Gío đẩy những tàu lá chuối va vào nhau luật quật. Lừa con ngủ, bà bỏ thóc vào cối giã. Thịch! Thịch! Chày cối bậm bịch. Ngoài kia, những bước chân đàn ông cũng bậm bịch. Bà đã phải rút phắt con dao rựa đứng giữa nhà: " Ai?". Phên liếp khẽ lay. Những bước chân bậm bịch sau một lúc quẩn quanh xa dần.

 

Ngày ngoài Đồng Vai, bà Nên chưa đến ba mươi, nền nã, mỏng mày hay hạt chứ đâu phải là bà Nên già sọm hay chửi chó, mắng mèo.

 

Bà cắn răng ở vậy nuôi con Nền, những mong nó được thảnh thơi, không cực nhọc, lấm lem như bà. Thì đúng là nó không cực nhọc, lấm lem như bà. Ăn học một lèo, chả là bác sĩ, bây giờ nó cũng là y sĩ trưởng trạm xá huyện nhà. Sao ông giời không cho con gái bà xuôn xẻ cả đôi đường? Hăm nhăm  tuổi, nó cũng đã thành gái goá như bà. Thằng Lân chồng Nền cũng không khác gì ông Ngật ngày nào, nghe xã phát động là bỏ vợ bụng to xung phong đi chiến đấu tận trên biên giới. Con Nam  xem chừng còn thiệt thòi hơn mẹ. Nó đã biết mặt bố thế nào. Cái tên cũng do bà đặt. Nền chửa, bà thèm một đứa cháu trai. Chớ bảo bà cổ hủ, phân biệt nếp, tẻ. Bà sợ… Bà sợ đời nó lại như mẹ, như bà dẫu làng trên xóm dưới không ai ác khẩu kiểu "độc đinh cô quả". Ngày mẹ con, bà cháu đùm túm, dắt díu nhau về đây- về ngôi nhà ngói ba gian của nghĩa của tình, làng xóm người cây xoan, người viên gạch, cân xi tặng mẹ con, bà cháu bà.  Sau này cái Nam bảo đài báo gọi là " đền ơn đáp nghĩa" gì đấy. Bà không nghĩ ai phải đền ơn đáp nghĩa mẹ con bà. Càng sống, càng ngẫm mới thấy càng phải mang ơn đùm bọc của làng xóm láng giềng, phải sống cho ra hồn.

 

Âý vậy mà con cái cứ làm ruột gan bà sôi hết cả lên thế này !

 

Nào có nhiều nhặn gì, chỉ có một mống. Bao nhiêu công lênh bà nuôi nó ăn học, thành người nhà nước đàng hoàng. Ừ thì đường chồng con lỡ dở một lần. Thà rằng ở vậy như bà có phải không, để thiên hạ không thể chê cười, không phụ tình làng nghĩa xóm mọi người vẫn dành cho mẹ con, bà cháu. Đằng này, nó " cha vơ chú váo" mấy cái thằng… Đầu tiên là cậu thương binh xã bên cùng đi chiến tranh biên giới với chồng nó trở về, làm bệnh nhân thường xuyên ở trạm xá nó làm. Khốn khổ! Đi đánh đông dẹp tây, điều trị trên trung ương hay tận đẩu tận đâu không sao, cuối cùng lại về chết trên tay nó, ở trạm xá huyện nhà. Điều trị lâu dài, anh chị phải lòng nhau từ đận nảo đận nào, đến độ con gái bà một hai rằng " thương…", van lạy bà cho đón cậu kia về nhà tiện đường chăm  sóc. Nước mắt con gái mềm lòng. Bà hấm, bà hứ rồi cũng chấp nhận cậu ta- cái cậu thương binh may mắn hơn con rể bà. Một tuần, hai tuần cậu ta về, bà vực con lợn chê cám và đàn gà giò định làm  chục mâm để làng xóm " thông" thì cậu ta lại bỏ con bà. Đám cưới thành đám ma, con gái bà thêm một đời " chồng".

 

Một hai rằng " thương…"… Ôi chao! Bà hiểu con gái bà. Con cái Nền luỵ nghề. Lại nữa, ngữ đàn bà mắt ướt rượt như kia hỏi mấy đứa không luỵ tình. Tủi nhục nhất là cứ buộc khốn khổ vào mình, biết khổ mà cứ đâm đầu. Con say nghề, bà Nên chẳng phàn nàn gì. Cả xã này, xã bên, xã bên nữa đi đâu ai cũng nhắc " ơn" nó ( bà lại nghĩ, lại dạy nó phải mang ơn, trả ơn làng xã ). Bà nuôi con, dạy cháu chưa để lại điều tiếng gì. Oái oăm, chính cách bà nuôi dạy từ nhỏ ấy đã ngấm vào nó để rồi làm khổ nó.

 

Nền mang tiếng " sát" chồng.

Đau hơn, con gái bà mang tiếng " cướp" chồng người.

 

Cậu bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị bệnh viện trả về lại rơi vào trạm  xá, vào tay con gái bà. Vợ con cậu ta không ngó ngàng. Một hai cậu ta van xin con cái Nền tiêm cho liều thuốc kết liễu cuộc đời, chấm dứt đớn đau hành hạ. Đương nhiên Nền không làm thế. Con gái bà cho cậu ta những giây phút cuối đời thanh thản, nhẹ nhàng. Để rồi nó chuốc lấy đớn đau, tủi nhục cậu ta không thể nào biết. " Ngứa ghẻ đòn ghen" nhắm mắt bà chưa từng  lường tới trút lên con gái bà. Vợ con cậu kia ỏm tỏi, om xòm tới mức làng xóm  nhân ái vẫn cứ chẹp miệng: " Số cái Nền  sát chồng".

Những tưởng nó chừa.

 

Thì năm  kia, nó lại rinh về cái nhà anh Thản này. Đàn ông đàn ang người ngợm  chả đến nỗi nào, phải cái hơi gầy, hơi già. Dễ anh con rể hờ lần này chỉ kém bà chừng một con giáp. Thoạt nhìn bà đã không ưa, huống hồ bà vốn không muốn con gái lại lấy chồng. Đàn bà con gái có thì, cái Nam cũng lớn bổng rồi. Người làng xì xầm tiếc cô Nền lấy người tử tế như nhà anh Thản sao không lấy từ đầu- trước khi " lấy" hai anh kia đi để bà cụ còn có thêm tí cháu bồng, giờ có tuổi cả, cha mẹ già con cọc thì làm sao… Đằng họ hàng bố con Nam chạy sang an ủi: " Thôi cụ ạ! Để mẹ cái Nam có chỗ nương tuổi già. Sau này con Nam đi lấy chồng…". " Gìa! Gìa thì sao? Sao không trót đời?"- bà đã diếc con đến cả chục lần. Nhịn được, thôi được thì nhịn quách, thôi quách cho xong. Đàn bà goá, không phải bà không biết. Bà đã phải cho thóc vào cối giã thì cũng chả lạ việc đêm đêm nó ra góc giếng dội nước uồm uồm. Nhưng tất cả những chuyện ấy qua rồi. Hơn bốn mươi, bằng tuổi nó bây giờ là bà tắt kinh, cả đời chăm chắm vào con cháu, tịnh không vướng bận gì.

                                                            *

                                                *                       *

Nam  líu tíu cất cặp sách theo mẹ xuống bếp. Mùi canh cua rau đay mùng tơi thơm ngào ngạt. Mẹ thẻ vào đấy cả mướp hương, thảo nào… Nó hít hít mũi:

- Canh cua ngon quá! Bác Thản có về ăn cơm không mẹ? Bác Thản thích nhất canh cua có mướp hương thế này…

Bô lô ba loa, Nam sực nhớ, liếc vội lên nhà. May quá, bà đang bận thắp hương. Nó quay sang mẹ, chợt im bặt. Mắt mẹ mòng mọng. Mẹ lại khóc! Nam lúng búng:

- Dọn cơm ra ăn thôi, mẹ! Để con xúc canh phần bác Thản. Chắc bác ấy lại về muộn.

- Bác Thản không về nữa đâu!

 

Chỉ nói được có thế, Nền tránh con ra bờ giếng khóc oà. Chị vội túm chiếc gầu thả xuống giếng đánh uồm để mẹ và con khỏi nghe tiếng khóc của mình. Đời Nền sao giống sợi dây gầu! Chị cứ mải miết nối dài dây ra hòng chạm tới nước giếng dẫu chẳng được mát lành. Không! Chị không tiếc công nối dây như câu hát buồn mẹ ru ngoài Đồng Vai ngày nào. Chỉ buồn giếng không cạn mà  mãi nước chẳng được mát lành. Bao nhiêu dịu ngọt Nền dành mẹ, dành con như bể nước mưa ăm ắp trong sân, tủi nhục chị vơ hết phần mình. May thay, vẫn còn, vẫn có một người đàn ông chia xẻ tủi nhục, nhọc nhằn cùng Nền. Nhưng anh cũng phải chịu đựng có khác chị đâu! Điều ấy chị khiến chị đau đớn hơn tất cả những gì chị từng đau đớn. Thản đã bao lần dợm bỏ đi khi bà cụ cay nghiệt quá chừng. Nước mắt Nền níu anh lại. Cả những ân ái đằm thắm Nền cần được tưới mềm. Bao đêm, hai người tưởng như tan ra mất, trong ái ân cuống quýt có nhau và trong đớn đau lan toả từ người này sang người khác. Bao đêm, hai người đã thì thầm động viên nhau cố cắn răng mà chịu. Để có được nhau, anh và chị đã khó khăn đến thế nào… Nền vượt qua thành luỹ khăng khăng của mẹ già như hai lần trước dẫu nước mắt thêm nhiều. Thản lại vượt qua chính mình. Nền biết anh không muốn chị thêm khổ. Gặp nhau ở cuộc hội thảo về tác hại của chất độc màu da cam, trái tim đa mang của Nền lại run lên trước người đàn ông vừa thuyết giảng, vừa lấy mình làm minh chứng cho đồng nghiệp. Thản chao đảo trước Nền nhưng anh vội vã chối từ. Nền biết, anh cố kìm lòng, anh sợ và thương cho chị.

 

Anh đã dợm bỏ đi ngay từ những ngày đầu.

Bao nhiêu nước mắt chị chan níu anh về với mẹ con, bà cháu nhà Nền.

Để bây giờ anh lại bỏ đi…

                                                            *

                                                *                       *

- Bà! Mẹ ơi! Dậy, dậy thôi! Hình như con Khoang bị làm  sao í.

Bà Nên choàng tỉnh. Bà biết ngay con Khoang đẻ. Mấy hôm nay nó đi lại ậm ạch, cơm chan canh cua, canh hến ngon lành cũng chả buồn ăn. Nam nghe bà đoán bỗng hân hoan như những ngày đầu bác Thản về nhà. Ngày ấy, cô Liên mẹ thằng Ngọc nói chắc nó sẽ có thêm em. Nhà thằng Ngọc lộc ngộc ba anh em trai nên cô Liên quý Nam  như con gái trong nhà. Cô Liên vẫn cười với mẹ : sau này sẽ gả thằng Ngọc sang đây. Nghĩ đến việc sau này nhà có thêm  thằng Ngọc, Nam  thấy vui vui chứ đợi mấy năm trời không thấy mẹ có thêm em bé, Nam buồn lắm. Nó đâm bực với mẹ và bác Thản, hùa vào " phe" của bà. Lần bà đi vắng, mẹ vuốt tóc Nam bảo: " Mẹ và bác Thản có tuổi rồi, không cho con được đứa em nào nữa, con đừng trách bác, trách mẹ nhé!". Bỗng dưng Nam  thương mẹ quá, cả bác Thản nữa. Bác đi đâu mãi không về. Hôm  qua vắng mẹ, bà lại gọi cô Liên sang hỏi giá xe máy, chả biết để làm gì

- Mẹ cái Nam, mẹ thằng Ngọc ra xem! Bốn con tất thảy nhá! Hai con khoang, hai con mực, thế là hoà.

Bà Nên rổn rảng cất tiếng. Chín, mười giờ tối, bà đã dặn cái Nam nhẹ chân cho mẹ ngủ, khổ nỗi đi làm cả ngày, lại chạy qua chạy lại chỗ thằng chồng. Mấy con chó con mới đẻ sớm lúc nhúc tranh nhau rúc vú ả Khoang đang cò lả cò lừ. Đận cái Nam oe oé như con mèo hen luồn khỏi mẹ đang đớn đau, vật vã cũng rơi vào tay bà. Nhà không tấm đàn ông, gió Đồng Vai sục khắp nhà, theo buốt ruột gan bà đến tận lúc này…

 

Trời tảng sáng, Nền đã dậy từ lúc nào. Chị vẫn nán nằm nghe niềm vui của con trẻ, người già- hạnh phúc bình dị mà lớn lao chị không đem tới được. Âu cũng là điều đáng trách chị phải chịu cùng con và mẹ già, chỉ thương Thản… Sáng ra, không còn cảnh cả hai lụi hụi. Lạ, cơm  canh lại được mẹ chị- bà Nên cùng cái Nam xăm  xắn như ngày nào.

 

Đàn chó con làm nên " sự kiện" của hai bà cháu. Hương được thắp trên khắp các bát hương thờ: ông Ngật, bố Lân, bố Dũng và bố Cường. Nam nhảy tâng tâng, vội vã lấy gạo nếp nấu cho Khoang nồi cháo. Bà Nên bắc chèo chân sang gọi mẹ con Liên lần nữa, thanh minh mà như đánh tiếng với con: để đàn chó nằm  góc bếp thôi, nhà cửa bếp núc còn tốt chán, lo sửa sang vội làm gì…

 

Tiếng anh em  thằng Ngọc, cái Nam " bàn tính" việc chăm Mực, chăm Khoang rộn rã buổi sáng mùa hè.

                                                            *

                                                *                       *      

Thản chong chong nhìn cánh quạt trần. Một, hai, ba, năm… Anh rời rạc đếm từng guồng quay chậm rãi. Thản bật quạt số nhỏ dẫu trong người cứ bừng bừng. Nền đã dặn, anh cũng biết mình. Chính vì " biết mình, biết ta", anh đã đắn đo không dám đến hay còn nấn ná với Nền, với gia đình Nền. Người đàn bà tất tả với tổ ấm chon von ấy lúc nào cũng làm anh se lòng như có lỗi rất nhiều. Thản không sợ chịu đựng, hi sinh. Nếu Nền từng ước mình là liều moócphin xoa dịu nỗi đau của anh, của những người chồng thì anh cũng mong được làm thứ thuốc an thần dẫu hiệu quả không nhiều. Những gì Nền làm cho anh, cho mọi người mới nhiều, còn anh đã thấm  tháp gì. Chiều lòng mẹ già, con dại anh không ngại, chỉ e vì anh mà đẩy Nền đến chỗ khó xử với con dại, mẹ già. 

Anh bỏ đi, ở lại cơ quan đã hơn cả tháng trời.

Chiều nào Nền cũng guồng chân đạp xe đến đây đem theo lủng củng rau, thịt, trứng gà… Nhìn Nền tất bật, Thản quầy quậy đuổi vợ về:

- Mình về chợ búa, cơm nước cho mẹ còn thắp hương sớm. Tối phải kèm con Nam học nữa chứ! Năm nay con thi lên cấp ba, mình sát sao vào đấy nhé!

- Em biết. Nhưng con lớn rồi, cũng phải để nó giúp em vài việc. Còn mẹ…

Nền úp mặt vào vai chồng. Chị tiếc lại lỡ lời. Xương bả vai Thản nhô qua làn áo mỏng. Hít hà hơi chồng, Nền chộn rộn. Nhưng chị kìm ngay được. Thản bảo vợ, giọng lạc đi như sảng:

- Tôi làm mình thêm khổ! Tôi chẳng cho mình thêm được đứa con nào. Gía như…

 

Nền chặn lời chồng bằng những nụ hôn. Chị đặt bờ môi se chơm chớm vết răm lên khắp khuôn mặt anh, khắp khuôn ngực gầy có trái tim chực vữ vụn. Không! Em chả cần gì nữa. Mình và em đã chả bảo có cái Nam là đủ đấy sao. Sắp già rồi, em lại có được mình. Mình và em sẽ đợi cái Nam sinh con đàn cháu đống luôn thể…

 

Hoà vào nhau nước mắt và ân ái chan chan thổn thức kiệt ngực gầy, Nền ngồi canh nồi cháo lục bục sôi trên bếp dầu góc phòng, Thản thiếp mê trong gối ôm Nền…

                                                            *

                                                *                       *

Cơn mê của Thản ngược anh về thửa đất Đồng Vai. Gío quẩn quanh căn lều cũ, nhắc anh về trách nhiệm sửa nhà. Gío lại dạt dào vườn chuối, đẩy anh qua sông về với người vợ đầu. Sau ngày anh lẳng lặng làm thủ tục li hôn, vợ anh đi lấy người khác, nay sắp lên bà. Ở làng, tuổi anh không ít người đã lên ông lên bà. Cái Nam hiện ra ngời ngời hạnh phúc bên cạnh thằng chồng đâu như thằng Ngọc vẫn bẽn lẽn, rụt rè: " Ông ngoại ơi! Cháu của ông đây này!". Thằng cu bụ bẫm nhoai khỏi tay mẹ nó, tụt xuống đất, lẫm chẫm đi về phía anh…

 - Bố cái Nam  sao chẳng về nhà?

 

Tiếng ai như tiếng bà Nên- mẹ vợ Thản choàng giấc mơ anh, thốc theo vi vút gió Đồng Vai mát lạnh mặt người.

 

8- 3- 2005  Trại sáng tác Đại Lải

Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 2808
Ngày đăng: 16.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phòng trắng - Nguyễn Văn Ninh
dấu chân hạnh phúc - Nguyễn Vĩnh Long
Anh Bảy Rô - Trần Thanh Giao
Cuộc cờ - Trương Thái Du
Hẻm sâu* - Nguyễn Hồ
Ngược dốc - Thu Trang
Hỏa thiêu - Thiện Tùng
Đất không cưu mang - Bích Ngân
Tiếng kèn sắc-xô - Bùi Công Thuấn
Chân dung vô hình - Nguyễn Hồ
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)