Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
652
116.670.408
 
Bóng của cây sồi
Nguyễn Thị Thu Hiền

Đọc tiểu thuyết "Bóng của cây sồi"- Đỗ Bích Thuý- giải thưởng cuộc thi  Sáng tác văn học cho tuổi trẻ lần 2- NXB Thanh niên 2005

 

" Ông và bố đều nói rằng, mỗi cây sồi tượng trưng cho một người đàn ông trong làng. Khi một đứa bé trai ra đời, nếu nó cất tiếng khóc to cả làng nghe thấy, ông nội sẽ đến bên cạnh và nói: Mày là một cây sồi khoẻ…"

           

Như suối nguồn róc rách, những dòng mở đầu tiểu thuyết vừa mang tính lí giải, vừa dẫn dắt người đọc tới vùng đất miền núi với những buồn vui cộng đồng cũng như từng số phận đơn lẻ. Có thể đọc ngay, một mạch, không muốn ngừng nghỉ. Đó là sức cuốn hút của cuốn tiểu thuyết mang chất giọng mộc mà chắc, rất lạ- sản phẩm của những tố chất như được hun đúc từ những cánh rừng đại ngàn- nơi có muôn vàn bóng sồi cổ thụ?

           

Trong những cánh rừng rậm rạp, mọc lên một cây sồi khoẻ: Phù. Phù là một anh trưởng thôn. Lâu nay, người ta quá quen với những anh trưởng thôn dưới đồng bằng. Anh trưởng thôn Phù có gì khác người? Anh chẳng có gì khác lạ. Anh sống, làm việc, cảm và nghĩ bằng tư duy của người miền núi, của dân tộc anh. Nhưng trưởng thôn Phù " bị ném " vào  môi trường đặc biệt, thậm chí có phần khốc liệt hơn những nhùng nhằng phức tạp, nhũng nhiễu dưới xuôi. Cái môi trường đôi khi không thể nói lí, việc nhỏ như chở " ông Phật" bằng xi măng về trả huyện cũng mất hàng ngày trời, huống hồ việc lớn, khó như triệt phá cây thuốc phiện, giúp đồng bào cai nghiện… Môi trường trong lành đã xuất hiện những kẻ lưu manh, táo tợn, liều lĩnh kiểu phố chợ, du thử du thực như Cường, hỏi sao không biến đổi. Đàn bà nhu mì như Mai ( vợ Phù ) còn muốn làm nhà ra rìa đường bán hàng. Đàn ông lĩnh tiền "một hai mươi"  của nhà nước hay bán đất không lo làm cho đồng tiền sinh sôi, nảy nở mà chăm chăm lần cạp váy vợ tiêu đến đồng cuối cùng vào thú ăn chơi mới du nhập dưới phố về: rượu- thịt chó chặt bụng, mềm môi.     

           

Giữa đồng bào Tày- Dao Lao Chải, Đản Ván ngày một không đơn giản của mình, trưởng thôn xử ra sao? Tác giả không để cho anh thanh niên Phù lên gân, đấnh mất phần bản chất hồn hậu đặc trưng của người miền núi, cũng không dễ dãi để anh non nớt, vụng dại. Đã có một nhân vật trưởng thôn điển hình cho thời đại mới qua " Bóng của cây sồi". Phù vẫn biết nghe lời phải của người già nhưng còn biết tiếp nhận, đôi khi còn phân tích, ngẫm ngợi những điều được học, được thấy dưới huyện, dưới tỉnh hay xung quanh đất Lao Chải quê hương. Hãy đọc những dòng Đỗ Bích Thuý khơi từ trong tâm tưởng của Phù: " Người Lao Chải mỗi ngày ngửi mùi khói quẩn lên từ những gộc cây to cháy trong bếp, mỗi ngày đều uống nước từ trong khe núi chảy ra theo máng vầu, mỗi ngày đều ăn những hạt gạo lấy từ ruộng đồng, ăn ngô gùi từ nương về, lạc bước ra ngoài chỉ một ngày đã như thấy lênh đênh trên mặt nước mênh mông không thấy bờ". Phải sống, cảm nhận sâu sắc đời sống, tâm hồn người dân miền núi, hiểu đồng bào như hiểu mình mới có được những dòng như vậy- những dòng như viết cho chính mình, cho dân tộc mình chứ không phải đứng trong vai dân tộc khác nhìn vào. Tinh tế, tác giả dồn nhân vật vào nỗi ám  ảnh bản thể: những đêm trăng bên bờ suối, đôi bờ vai tròn lẳn của người con gái anh tơ vương hiển hiện mà không thể, không dám tới gần. Điều này khiến anh trưởng thôn Phù tận bản cao Lao Chải cũng phải sống trong tình cảnh dở khóc dở cười, cùng nỗi đau tựa anh " nhà quê" Giang Minh Sài ( "Thời xa vắng"- Lê Lựu ). " Phù như con sóng quẩn trong vùng nước dưới gốc sung, chạy vào rồi lại chạy ra, không mang được cái gì đi xa cũng không để cho vũng nước được yên".

           

Mạch nguồn cảm xúc khiến Đỗ Bích Thuý cuốn nhân vật theo những biến cố của vùng đất Lao Chải một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Số phận của những người trai như Phù, những người già như Ké Sành hay những người đàn bà như Nhi, Mai, Kim… đã làm nên một Lao Chải không âm thầm. Đặc biệt là số phận của Kim. Đâu đó đã có môtip độc đinh cô quả, dân ngụ cư. Kim cũng là một dị biệt giữa gốc gác vững chãi của cộng đồng Lao Chải. Nói cách khác, Kim là khúc suối quanh trong dòng suối thẳng băng chảy về biển cả. Nhưng nước ở khúc suối ấy dù thế nào cũng vẫn rất trong. Khúc suối tạo nên ghềnh thác dù nhỏ cũng không kém phần dữ dội, quyết liệt. Người đọc có thể đồ rằng những trang tác giả viết cho Kim là những trang tâm huyết nhất, gan ruột. Cảnh Kim vác dao đến nhà Cường định bụng " giết chúng mày", " đốt cháy chúng mày" khi nhà mồ mẹ cô bị dê, bò nhà Cường phá khác hẳn cái yếu mềm, tủi nhục bị nén chặt trong môtip độc đinh cô quả thông thường. Nếu Phù trong cảm nhận của Kim đích xác như " con sóng quẩn" thì hơn ai hết, hiểu Kim hơn ai hết cũng chính là Phù. Đỗ Bích Thuý không đứng trong vai người kể hoá giải nhân vật mà để nhân vật hoá giải lẫn nhau,  vô hình chung tạo nên người kể chuyện ở ngôi thứ hai ( điều không dễ khi đuổi theo một tiểu thuyết dẫu dung lượng không thật dài ). Cái bãi nước bọt Kim nhổ khi đi qua Phù " làm Phù điếng người". Vì sao tới mức Kim phải nhổ nước bọt trước người thương yêu, phải làm bao việc xấu xa khi đã nhận thức rất rõ bước chân của mẹ, của bà, thậm chí cả những việc buộc Phù với tư cách trưởng thôn phải " xử" như biến thành gái làm tiền ngay tại bản, ăn cắp không thành?…

           

Oái oăm thay vụ ăn cắp không thành!

           

Vụ ăn cắp không thành của Kim bị " lộ tẩy" ngay ở đầu tiểu thuyết để rồi trở lại trong phần kết khiến ta nhói lên tựa kiến cắn, tựa anh trưởng thôn Phù phải làm nhiệm vụ áp giải bi hài cứ mãi nhoi nhói trong đầu đường chỉ trắng khâu vội trên tấm váy đen của Kim. Ở đây có bàn tay sắp xếp của tác giả với một kết cấu chặt chẽ kiểu vòng tròn. Dòng suối nào cũng đổ ra sông, ra bể rồi lại ngưng thành mưa… Day dứt số phận một cô Kim. Tác giả lấy được nước mắt ngày càng hiếm hoi của độc giả cho nhân vật song không ban tặng ngay những nụ cười với những kết thúc có hậu. Chỉ có thể nhẹ nhàng thở ra khi biết rằng một Lao Chải " vẫn chưa nhận được quyết định trở thầnh thị trấn", nhịp sống đã trở lại ngày nào, "những tờ tiền giấy có từ bán đất cũng không còn loạt xoạt trong cạp váy đàn bà, nó leo cầu thang dễ thế nào thì cũng theo cầu thang ra khỏi nhà dễ như thế".

           

Số phận nhân vật hoà nhịp với số phận cộng đồng

           

Cảm hứng lớn thúc giục Đỗ Bích Thuý " viết cùng con gái" giữa những ngày chớm hè nóng nực trong nỗi hân hoan, thấp thỏm đón chào những đứa con dứt ruột ra đời. Và cũng từ nguồn hứng khởi sinh sôi đã làm nên bóng dáng của một cây sồi giữa đại ngàn. Bóng của nó toả xuống thời gian.

 

6- 3-2005  Trại sáng tác Đại Lải

Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 3677
Ngày đăng: 03.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chúng ta đã có một nền văn nghệ dân tộc thiểu số - Nguyễn Thị Thu Hiền
Thơ & thơ tiếng dân tộc thiểu số đi về đâu ? - Inrasara
Phan Trung Thành dọc đường thơ sang kí ức sông - Inrasara
Cánh đồng bất tận cuộc đời bất tận - Hà văn Thùy
Thơ đồng bằng sông cửu long - Hà văn Thùy
Con nhền nhện bị vướng trong tấm lưới của mình - Hà văn Thùy
Trần Hữu Dũng: Gã Nam Bộ làm thơ - Từ Nguyên Thạch
Giang hồ muôn nẻo đều linh : Đọc thơ Linh Phương. - Phạm Lưu Vũ
Trang Văn hóa Văn nghệ của các báo Chính trị Xã hội : CẦN DÀNH VỊ TRÍ TRANG TRỌNG CHO VĂN HỌC - Triệu Xuân
“Chân dung ảo ” khi thơ nhìn nghiêng - Hoàng Công Tâm
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)