Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
648
116.705.229
 
Triệu Xuân Lấp lánh tình đời
Hoài Anh

Lấp lánh tình đời là tập Truyện, Ký chọn lọc của nhà văn Triệu Xuân sau 33 năm sống và viết ở miền Nam, kể từ ngày tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện vào Nam làm phóng viên chiến trường. Cuốn sách hơn 600 trang in khổ 14.5 x 20.5 cm, là sự chọn lọc khắt khe của tác giả trong số hàng ngàn bài (khoảng ba, bốn ngàn trang in) đã in trên các báo Văn Nghệ, Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết, Lao Động Xã Hội, Người Hà Nội, Thể thao & Văn hóa, Đầu Tư – Vietnam Investment Review, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Nông nghiệp Việt Nam…; in trong phần lời tựa cho một số tác phẩm; phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam; và post trên website www.vannghesongcuulong.org.

Lấp lánh tình đời có hai phần: Phần một là những ký sự, phần hai là truyện ngắn, chân dung văn học, tiểu luận phê bình và tản văn. Phần một, gồm trên ba chục ký sự, mở đầu bằng Sức mạnh từ trong lòng đất, Xuân 1975 – Đất Quảng, Khu Năm– Thương nhớ tự hào, là những ký sự về chiến tranh, tại chiến trường Khu V (Trung Trung Bộ) giai đoạn 1974-1975. Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Triệu Xuân đã thể hiện là một nhà báo dũng cảm, xả thân, bám sát mặt trận, có khiếu cảm nhận, phân tích tinh tế, sắc bén. Kế đó là hàng chục ký sự về Sài Gòn và các địa phương Nam Bộ từ những ngày đầu hòa bình, thống nhất đất nước, đến những năm tháng vô vàn khó khăn do những biến động kinh tế, rồi đến thời kỳ bung ra, tự cởi trói, những điển hình tiên phong trong công cuộc Đổi mới. Nhờ không ngừng tu dưỡng văn học, năng lực quan sát tinh nhạy và tấm lòng nhân ái, Triệu Xuân viết báo rất thành công. Anh là phóng viên thuộc loại chủ lực của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng được Ủy ban Phát thanh và Truyền hình trao Giải thưởng đặc biệt về Phóng sự điều tra (Chủ vựa – Vấn đề tồn tại suốt mười năm qua). Anh thường xuyên cộng tác với nhiều tờ báo, có những ký sự và phóng sự điều tra như: Câu hỏi lớn ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, được Tổng bí thư và Thủ tướng đọc, ngay sau đó chỉ đạo các cơ quan ban ngành hữu quan kiểm tra, thanh tra để giải quyết theo những yêu cầu chính đáng, hợp quy luật nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ nhân tài.

Những bài ký về thành phố Hồ Chí Minh như: Thành phố qua ba mùa nắng, Hai mươi mùa nắng, Thành phố Hồ Chí Minh – Mười năm một giấc chiêm bao, Lấp lánh tình đời, Mại dâm ở Sài gòn, Vũ trường ở Sài Gòn, Dưới đáy thành phố lớn, Những người dưới đáy…, chứng tỏ Triệu Xuân rất nhạy cảm, đồng cảm với những thân phận thấp hèn, nghèo khổ, luôn kiên trì bám sát từng bước đổi thay và nhân tình thế thái ở Sài Gòn, thành phố mà anh coi là quê hương thứ hai của mình. Hơn thế, với bản lĩnh và tác phong nhanh nhạy, Triệu Xuân đồng hành với những điểm nóng của cuộc sống kinh tế, xã hội, những vấn đề xã hội nhức nhối như: Nạn nghiện xì ke ma túy (Những mặt trời trắng trong), nạn mại dâm, tình trạng tha hóa của giới trẻ, công tác xóa đói giảm nghèo, vấn đề môi trường (Sài Gòn xanh), vấn đề người lao động nhập cư tự do (Những người đạp xe chở bao xác rắn)... Từ những vấn đề nan giải của một thành phố lớn nhất nước, Triệu Xuân khái quát và luận chứng được nhiều vấn đề chung cho toàn quốc. Ký của Triệu Xuân luôn có tính dự báo cao và thể hiện tính chiến đấu khi tuyên chiến với cái lỗi thời, cái ác, các hiện tượng tha hóa tiêu cực và hết lòng ủng hộ nhân tố mới, những con người chân chính. Rất nhiều đề tài trong những bài ký được dư luận chú ý của anh sau này được anh tiếp tục tìm hiểu, tích lũy chất liệu, đầu tư thời gian, tâm huyết để viết thành tiểu thuyết như: Những người mở đất, Giấy trắng, Đâu là lời phán xét cuối cùng?, Nổi chìm trong dòng xoáy, Sóng lừng (V.N. Mafia), Bụi đời, Trả giá, Cõi mê. Hầu hết tiểu thuyết của Triệu Xuân đều được tái bản từ năm đến bẩy lần, sách bán rất chạy, là nhờ văn của anh hấp dẫn người đọc, mà một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn ấy là ngồn ngộn chất liệu tươi rói của cuộc sống được chắt lọc đưa vào tiểu thuyết.

Hai tác phẩm Australia – Ký sự, và Hoa Kỳ - “Tân thế giới” là sự chọn lọc trong nhiều bài ký của anh viết khi đi công tác nước ngoài. Đây là những hình ảnh rất thật, rất sinh động về những nước phát triển qua cái nhìn của một nhà văn, nhà báo Việt Nam, giúp cho bạn đọc trong nước hiểu được sự thật về cuộc sống, con người và văn hóa của những nước phát triển. Triệu Xuân là nhà báo, nhà văn từng được nhiều lần mời đi nước ngoài như Liên Xô, Australia, Hoa Kỳ…, mỗi chuyến đi dài từ một tháng tới một tháng rưỡi. Những chuyến đi du khảo Australia và Hoa Kỳ để lại cho Triệu Xuân ấn tượng sâu sắc về vấn đề con người – động lực của sự phát triển. Tại đây, những con người có tài năng được trọng dụng, được chắp cánh cho phát triển vì hạnh phúc của loài người. Anh phân tích thực tế phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của hai nước này để rút ra kết luận độc đáo và khoa học rằng những thành tựu ấy là thành tựu chung của toàn nhân loại, là kết quả của những tài năng khắp thế giới đổ về đây, chứ không phải là sản phẩm của riêng chủ nghĩa tư bản! Vấn đề là phải tạo ra môi trường cho người có tài (và nhân dân nói chung) được thỏa sức sáng tạo và cống hiến!

Phần hai của Lấp lánh tình đời mở đầu bằng một chùm bốn truyện ngắn: Tôi không mất em, Tình đời, Khát vọng, Nỗi đau. Văn Triệu Xuân trong sáng, giàu hình ảnh, nội tâm được khắc họa công phu, bố cục của truyện giản dị mà chặt chẽ. Cách dựng truyện theo lối truyền thống và kết thúc giàu sức gợi. Mảng chân dung văn học và những bài tựa của anh viết cho các tuyển tập, toàn tập của các nhà văn như Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Thu Bồn, Lê Quốc Minh, Hoàng Cầm, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Trần Hoài Dương…, là những bài hấp dẫn, rất thuyết phục bởi tính chuyên nghiệp cao và bề dày tri thức. Triệu Xuân viết về đồng nghiệp với sự chia sẻ, cảm thông bằng cả tấm lòng của một nghệ sĩ say mê nghề nghiệp. Anh là người thật sự có công trong việc góp phần làm sáng tỏ công tích của nhà văn Vũ Bằng. Chính anh, ngay trong những năm Vũ Bằng còn bị khi rẻ, kỳ thị, đã liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin để xuất bản tác phẩm nổi tiếng Bốn mươi năm nói láo. Sách phát hành được vài ngày thì bị ngưng phát hành, phải lưu kho gần chục năm rồi đem hủy! Mặc dù vậy, anh vẫn kiên trì, thầm lặng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu bộ Tuyển tập Vũ Bằng, ba tập, 3.000 trang, đến năm 2000, Nhà xuất bản Văn học đã xuất bản, góp phần thúc đẩy quá trình công nhận Vũ Bằng, truy tặng Huân chương cho Vũ Bằng. Sau khi xuất bản Vũ Bằng Tuyển tập, Triệu Xuân tiếp tục dày công truy tìm văn phẩm của Vũ Bằng, biên soạn hoàn chỉnh để năm 2006 vừa qua Nhà xuất bản Văn học cho ra đời Vũ Bằng toàn tập gồm bốn quyển khổ lớn 16 x 24 cm, gần 5000 trang, được Hội đồng Văn học Nghệ thuật Nhà nước lấy làm cơ sở đề nghị trao tặng nhà văn Vũ Bằng Giải thưởng Nhà nước!

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến những tản văn, những ý kiến của Triệu Xuân về những vấn đề của văn hóa, văn học như: Vài ý kiến với truyền hình, Cần tôn vinh những người có công với nền văn hóa dân tộc như ông Vũ Đình Long, Cần dành vị trí trang trọng cho văn học, Không được phỉ báng tiếng mẹ đẻ, Tự truyện không hẳn là văn học… Đó là những ý kiến trung thực, thẳng thắn của một công dân – nhà văn với cái tâm trong sáng, với lòng khát khao mãnh liệt vì một nền văn hóa, văn học nghệ thuật hiện đại giàu bản sắc dân tộc.

Triệu Xuân nhiều lần tâm sự với tôi: Anh rất buồn, rất day dứt với hiện trạng học sinh phổ thông không thích học môn văn, lười đọc sách văn học, nền văn hóa đọc sách văn học đang xuống cấp trầm trọng. Tháng 10 năm 2006 vừa qua, Triệu Xuân đã dành toàn bộ số tiền nhuận bút của việc tái bản lần thứ bảy hai cuốn tiểu thuyết Trả giá Bụi đời để sáng lập Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã ủng hộ anh, đứng ra thực hiện, vận hành Quỹ này, Triệu Xuân là Phó Chủ tịch Quỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1954, tại Việt Nam, có một nhà văn sáng lập ra Quỹ khuyến khích việc học văn đối với học sinh phổ thông trung học, vì sự phát triển của nền văn học và quan trọng hơn, vì nhân cách con người, vẻ đẹp tâm hồn thế hệ trẻ! Được biết, đến nay Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam đã thu hút được nhiều trăm triệu đồng! Đọc bài viết về việc sáng lập Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam và bài Trả lời phỏng vấn Báo Sài Gòn Giải Phóng của Triệu Xuân, tôi càng thấy vui mừng về một đồng nghiệp mà tôi đã yêu quý, trân trọng, khuyến khích ngay từ năm 1980, khi anh viết xong tác phẩm đầu tay: Những người mở đất. Nhân tập Chân dung các nhà văn bằng thơ của tôi chuẩn bị xuất bản, tôi xin công bố chân dung nhà văn Triệu Xuân (tất cả những chữ in nghiêng là tên tiểu thuyết của TX đã xuất bản):

 

Nổi chìm dòng xoáy văn chương

Lòng như Giấy trắng không vương Bụi đời

Đến cùng Trả giá cuộc chơi

Cõi mê đánh thức bao người trầm luân

Sóng lừng đến Triệu mùa Xuân

Góp công Mở đất dấn thân chiến trường.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Đinh Hợi 2007.
Hoài Anh
Số lần đọc: 3807
Ngày đăng: 15.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Chuyện tình một đêm: Người phụ nữ giữa dòng xoáy cuộc đời - Tường Vy
Sách văn học có cần PR? - Mễ Thành Thuận
Số Mạng sứ Mạng chữ trên mạng - Vũ Trọng Quang
Trần Thanh Địch và bốn anh em vượt tuyến - Nguyễn Quỳnh
Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng (14/10/1988 – 14/10/2003) - Nguyễn Thành Nhân
Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007 - Nguyễn Đại Phượng
Tác giả Người mẹ Bàn Cờ bây giờ ra sao? - Trần Hoàng Nhân
Trịnh Thanh Sơn - người thơ về cõi vĩnh hằng - Chu Thị Thơm
Rồng trong quan niệm Phương Đông và Phương Tây - Bùi Thị Thanh Mai
Giữ cây Ô-liu mãi tươi xanh trong tâm hồn? - Inrasara