Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
631
116.723.653

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Một thoáng Trung Hoa
TTCN - Về văn minh, văn hóa Trung Quốc, trên thị trường trước đây đã có bộ Lịch sử văn minh Trung Hoa của Will Durant do cố học giả Nguyễn Hiến Lê dịch. Nhà Hán học Nguyễn Tôn Nhan có biên soạn bộ Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc rất công phu, có tranh ảnh minh họa và chữ Hán kèm theo đầy đủ, nhưng bộ này là sách tra cứu, dày hơn 1.500 trang, đủ làm “khiếp hãi” dân “ngoại đạo”.

Cuốn sách China Empire and Civilization của Edward Shaughnessy là một dẫn nhập rất tốt vào văn minh, văn hóa Trung Quốc, vì nó không quá giản lược cũng không quá đi sâu vào chi tiết.

Cuốn sách Lịch sử văn minh và các triều đại Trung Quốc được biên soạn từ cuốn sách trên gồm 15 chương bao gồm mọi chủ đề từ phong thổ, địa lý, đến lịch sử, kinh tế, tôn giáo, kiến trúc, thư pháp, hội họa. Phần này chủ yếu dành cho sinh viên ngành Trung Quốc học, Đông phương học và văn hóa học, cung cấp một cái nhìn tổng quan đối với văn minh, văn hóa Trung Quốc theo chiều dài lịch sử. Tuy không đi sâu vào chi tiết (điều sẽ được thực hiện trong những giáo trình chuyên sâu) nhưng cũng đủ để khích lệ tất cả những ai quan tâm đến Trung Quốc và văn hóa phương Đông nói chung có đủ hứng thú đi sâu hơn vào mảng nghiên cứu này.

Phần phụ lục sẽ hấp dẫn hơn đối với người chuyên môn. Phần này bao gồm những bài viết về nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của Trung Quốc truyền thống: cổ luật về quyền cha mẹ, quan hệ vợ chồng, hiện tượng đồng tính luyến ái, múa sư tử, văn học Đài Loan hiện đại, quan hệ giữa sử thư và tiểu thuyết... Ngoại trừ bài “Sự đóng góp của Khổng giáo cho nền dân chủ phương Tây” (của Chang Chi-yun) do Trương Thị Minh Hạnh, một sinh viên khoa Đông phương học, phiên dịch và bài “Khổng Tử và cuộc mưu cầu hạnh phúc nhân sinh” (của H.G. Creel) do Lê Anh Minh dịch, các bài còn lại do TS Dương Ngọc Dũng biên soạn hoặc phiên dịch. Những bài này đã công bố trên một số nguyệt san và tạp chí trong nước những năm vừa qua.

Tuy nhiên, cuốn sách không hề nhắc đến văn học Trung Quốc. Hi vọng trong lần tái bản tới cuốn sách sẽ có một chương cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của văn học Trung Quốc. Không những thế, văn học Đài Loan và văn học Hong Kong, cũng như của nhiều Hoa kiều khắp nơi trên thế giới (chẳng hạn Cao Hành Kiện) cũng cần có sự quan tâm thích đáng. Ngoài ra, một chương riêng về Hán ngữ, về mối quan hệ của nó với tiếng Nôm, về lịch sử phát triển của tiếng Hán cũng rất cần thiết.

Nói chung cuốn sách tuy ngắn gọn nhưng văn phong tề chỉnh, mực thước và thông tin cung cấp có độ tin cậy cao. Những sách biên dịch từ tác phẩm tiếng Anh, tiếng Pháp thường vướng khuyết điểm lớn nhất là khi người dịch không biết tiếng Hán, do đó rất dễ đưa ra những cách dịch làm “người trong đạo” nổi nóng, đặc biệt là khi phiên dịch những thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Thí dụ phải dịch là “miếu thờ Khổng Tử”, “Đạo quán”, hay “Phật tự” thì các chuyên gia Hán học mới mỉm cười hài lòng, chứ còn viết “chùa Khổng Tử” thì chỉ tổ làm trò cười cho bậc thức giả, mặc dù các học giả nói tiếng Anh chỉ cần một chữ temple để chỉ cả ba trường hợp.

High abbey phải chuyển thành “lâu quán,” hay local police officer phải chuyển thành “địa bảo” thì mới đúng điệu, chứ chuyển thành “tu viện cao” hay “cảnh sát khu vực” thì đọc chỉ muốn xé sách mà thôi! Nhất là khi gặp phải những cụm từ không giống ai được người dịch “tự sáng tác”, chẳng hạn thuật ngữ Pure Land School (Tịnh Độ Tông, một tông phái Phật giáo) có người dịch ra là “trường Tịnh Địa”.

Hẳn có người sẽ hỏi “Bàn về văn minh Trung Quốc thì một cuốn sách mỏng như thế này có đủ?”. Joseph Needham, một chuyên gia Trung Quốc học người Anh, đã cùng một đội quân bác học hết sức hùng hậu bỏ ra mấy chục năm viết 14 bộ sách về văn minh Trung Quốc, nhưng ngay cả bộ sách khổng lồ này cũng chưa đủ và điều quan trọng hơn hết là ngoại trừ dân chuyên môn chẳng ai dám rớ vào bộ sách khổng lồ đó (sau khi rút ngắn cũng còn ba cuốn, mỗi cuốn hơn 500 trang). Như thế thì biết thế nào mới gọi là đủ? Hẳn các tác giả biên soạn bằng lòng với những ý định khiêm tốn như đã trình bày và mong tác phẩm của mình được đón nhận trong cùng một viễn cảnh. 

Gia Kiệt - Theo Tuổi trẻ Online
Tin tức khác
Nơi ấy Kakôi (27.11.2004)