Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
633
123.242.810

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nơi ấy Kakôi
TTCN - -Alloh(1) ơi! Con gái Chăm mình đẹp quá! A Mách, bố của Sami, đã thốt lên như vậy khi nhìn thấy cô con gái 18 tuổi của mình và các bạn của cô hóa trang chuẩn bị buổi diễn liên hoan văn hóa văn nghệ dân tộc Chăm của tỉnh An Giang (2).

Cánh phóng viên xác nhận điều đó bằng những cú bấm máy không tiếc phim, nhiều anh nói như đinh đóng cột: “Xem mấy bức ảnh này bảo đảm các cô người mẫu ở thành phố sẽ bớt vênh váo!”. Các cô người mẫu ở thành phố vênh váo thế nào không biết chứ các cô gái Chăm ở đây cứ thoải mái, tự nhiên như chẳng có chuyện gì, ai ngắm cứ việc ngắm. Thì cũng áo ấy, váy ấy, khăn trùm đầu marizat ấy phụ nữ Chăm vẫn mặc hằng ngày, chỉ mới hơn thôi, và có khác chăng là anh phụ trách trang điểm của phòng văn hóa thông tin huyện  điểm tô cho các cô đậm quá: đôi mắt vốn đã đen, đã to giờ đen hơn, to hơn; lông mày đã rậm của dòng giống nàng Sêhêrazat giờ càng rậm hơn khiến ai cũng chới với khi các cô cầm chéo khăn che ngang mặt, chỉ chừa lại đôi mắt sâu thăm thẳm.

Đây là lần thứ 2 tỉnh An Giang tổ chức liên hoan văn hóa - văn nghệ cho cộng đồng dân tộc Chăm. Toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 người Chăm sinh sống rải rác ở bốn huyện. Tất thảy đều theo đạo Hồi và đây chính là bản sắc độc đáo của người Chăm ở An Giang - điều đã khiến nhạc sĩ Trần Tiến một lần đến không dứt ra đi về được, dùng dằng mãi đến gần hai tháng để rồi cho ra đời ca khúc Tiếng trống baranưng dịu dàng, đằm thắm. Các cô gái Châu Giang, một làng Chăm ở huyện An Phú, bảo rằng ban đầu bản nhạc có tên là “Châu Giang ơi” nhưng sau Trần Tiến đã đổi lại tên khác. Cô gái Châu Giang giận lắm!

Liên hoan lần 1 năm ngoái, và lần 2 này cũng vậy, diễn ra ở ấp Kakôi thuộc xã Nhơn Hội, huyện An Phú. Huyện An Phú chọn nơi xa xôi này để nhân dịp quảng bá vẻ đẹp của hồ Búng Bình Thiên, một hồ nước quanh năm trong vắt giữa một vùng đồng bằng chỉ toàn nước phèn chua, ngập mặn, luôn đục ngầu phù sa Cửu Long. Họ hi vọng sẽ biến nó thành một hồ Hoàn Kiếm của miền Tây rộng lớn.

Ro Ky Giah, cô gái đóng vai cô dâu trong tiết mục lễ cưới người Chăm, xinh đẹp nhất đội văn nghệ ấp Kakôi, bảo: “Người Hồi giáo hiền lắm!  Làm điều gì ác Alloh cũng biết. Đến cái thịt ác người Hồi còn không ăn nữa là. Thịt ác là thịt con thú nào ăn thịt, người Chăm không ăn… Người Chăm chỉ ăn thịt con vật nào hiền thôi, như con chim, con gà hoặc trâu bò. Chim như diều hâu cũng không ăn. Con vật nào vừa sống dưới nước vừa sống trên bờ như ba ba, rùa, ếch, cua đá, ốc hàu... cũng không ăn vì nó có hai hồn…”.

Chao, giọng nói con gái Chăm An Giang! Âm hưởng miền Nam nhưng không phải là Nam bộ. Nó êm dịu, dễ chịu đến mức Hồ Hùng, phóng viên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn ở văn phòng Cần Thơ, ghi đầy một băng rồi bảo: “Về nhà mở ra nghe lại cho đã!”.

Điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi là trong ba đêm diễn văn nghệ, hàng ngàn người kéo về xem, có hàng chục hàng quán với đủ món ăn, nhất là gà nướng và bò nướng thơm phức, mấy anh người Kinh thèm rượu khô cổ vẫn không tìm đâu ra được một giọt bia hay rượu! Chẳng ai say rượu. Tất cả diễn ra một cách hào hứng nhưng rất văn minh, lịch sự. Một điều vô cùng hiếm đối với làng quê VN hiện nay nói chung.

Người Chăm ở An Giang sinh sống bằng nhiều nghề như chài lưới, làm nông, dệt thổ cẩm và rất nhiều người đi buôn; họ mang vải, áo quần, thuốc nam đi buôn bán ở khắp nơi trên cả nước. Nhà sàn người Chăm nhỏ hẹp nhưng sạch sẽ và đủ tiện nghi, bếp gas, tivi nhà nào cũng có.

Ngày diễn văn nghệ, các cô gái đeo hết nữ trang vào người, món nữ trang nào cũng bằng vàng như truyền thống người Chăm quí vàng từ hàng ngàn năm trước, món nào cũng thật to, thật nặng, bằng vàng 9999. Mỗi cô đeo có đến 3-4 cây vàng trên người! Sự tích lũy của người Chăm đều nhằm mục đích được một lần trong đời đến thành Mecca (Saudi Arabia), chạm vào tảng đá thiêng nơi thánh Muhamet sinh ra. Cả làng hiện nay chỉ có hai người đi được đến đó; tốn kém 7-8 cây vàng mà vô cùng vất vả vì phải đi máy bay qua nhiều nước mới đến được Mecca. Giá như ngành du lịch tổ chức được tuyến hành hương này thì đỡ cho bà con người Chăm rất nhiều.

Buổi liên hoan văn hóa - văn nghệ của cộng đồng người dân tộc Chăm ở An Giang đã diễn ra thật hay và đẹp mắt. Đàn ông mặc xàrông, áo sơmi kín cổ, phụ nữ mặc váy, đầu trùm khăn, tay xách ví sang trọng vượt hơn 20km để đến xem diễn. Ai cũng muốn xem con trai con gái làng Chăm mình hát múa, ai cũng tự hào và hãnh diện với vẻ đẹp văn hóa làng Chăm mình. Tiếng trống baranưng được ba, bốn đoàn hát, những làn điệu dân ca các nước Nam Á cứ  dùng dằng, níu kéo. Chả trách Trần Tiến ở mãi lại đất này đến gần hai tháng!
Dự định đi Cà Mau cho biết đất mũi của Tổ quốc, đưa đẩy thế nào tôi lại trôi dạt lên tận doi đất đầu nguồn sông Hậu này. Đến rồi thì lại tiếc không đủ lãng tử và giang hồ như lão Trần Tiến để bị níu, bị kéo mà không thèm gỡ.

Đôi mắt Kakôi, giọng nói Kakôi theo chúng tôi trong suốt câu chuyện trên đường về. Xa quá, Kakôi ơi! 

-----------------------------------------

Nhìn trên bản đồ ta sẽ thấy dòng sông Hậu khi vào đến VN thì tách làm hai nhánh rồi sau đó nhập lại ở Châu Đốc, tạo nên một cù lao khá lớn là địa phận của huyện An Phú. Kakôi nằm ngay điểm mút nơi ngã ba sông biên giới ấy. Quả thật là xa quá! Đến một lần không biết bao giờ trở lại lần nữa. Nhưng cánh phóng viên địa phương thì tin chắc rằng sẽ có ngày trở lại bởi một con đường lớn đang được mở từ Châu Đốc lên chợ biên giới Long Hội. Chính sách kinh tế vùng biên đang mở ra cho vùng đất heo hút, san sát những căn nhà sàn nhỏ hẹp này những cơ hội phát triển mới. Khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên là một bước đón đầu của huyện biên giới này.

Hồ Trung Tú - Theo Tuổi trẻ Online
Tin tức khác