Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
560
116.839.347

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhân Hội thảo kỷ niệm 80 năm Văn hóa Đông Sơn tại Thanh Hóa (1.12.2004): Hơn 2.000 năm về trước, ta là ai?
PGS - TS Trịnh Sinh
Danh xưng Văn hóa Đông Sơn được khai sinh từ một làng quê ven sông Mã. Người Việt cũng trở thành chính mình từ đó với nhiều tộc người tập hợp lại, thống nhất trong đa dạng, bước khởi đầu đã làm nên một nhà nước sơ khai thời Hùng Vương. Trên "Bản đồ thế giới" khi đó, chúng ta là ai vậy?

Địa linh nhân kiệt


Văn hoá Đông Sơn có được sự rực rỡ để đến nay chúng ta tự hào và bạn bè nể phục một phần cũng nhờ cái địa lợi đó, cách đây khoảng 2.700 năm. Địa vực châu thổ 3 con sông lớn là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho một nền nông nghiệp trồng lúa nước phát triển nhanh. Người Việt cần mẫn trên những thửa ruộng Lạc Điền, theo "thủy triều" của những con sông mà cày cấy.

Khảo cổ học cũng chứng minh được rằng vào thời đó người Việt thường quần cư ở các làng ven sông được bồi đắp phù sa hàng năm. Cái địa lợi thứ hai mà không phải tộc người nào thời bấy giờ cũng có: Đó là nguồn mỏ dồi dào. Có lẽ hơi khập khiễng chăng khi giả định rằng nếu không có nguồn mỏ, không có luyện kim thì cũng không có một nền văn minh đồ đồng Đông Sơn.

Sự ra đời của Hùng Vương chính là từ địa linh sinh ra nhân kiệt. Trong đám mây mù truyền thuyết có thể thấy được đó là vị thủ lĩnh tối cao quần tụ được các tộc Việt của mọi miền, những "15 bộ" của nước Văn Lang. Quyển sử cổ nhất nước ta, Đại Việt sử lược chép: Đến đời Trang Vương nhà Chu, năm 696 - 682 trước Công nguyên ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương. Một trong những lý giải về Hùng Vương, có thể đó là các thủ lĩnh, người nắm được bí quyết về luyện kim và quản lý được nguồn nguyên liệu đồng tối quan trọng thời bấy giờ. Chính từ "ảo thuật" mà sách sử ghi lại là các bí mật về nghề luyện kim chăng?

Nhà nước sơ khai

Trong bối cảnh phương Đông bấy giờ, một số ít tộc người nổi lên có điều kiện thành lập nhà nước sơ khai, mà người Việt với nước Văn Lang là một ví dụ. Dạng nhà nước đó cũng gặp ở Nhật Bản cùng thời, nhà nước Yamatai của Nữ hoàng Himiko tồn tại trong truyền thuyết và các nhà khoa học Nhật cũng cho rằng có một nền văn hóa khảo cổ làm nền cho nhà nước này: Văn hóa thời đại kim khí Yayoi và cũng có những sản phẩm đồ đồng tuyệt hảo như văn hóa Đông Sơn. Đó là những chiếc chuông đồng lớn (đô ta cư) nổi tiếng.

Nước Văn Lang và sau đó kế tiếp là nước Âu Lạc, nổi lên như những chấm son của "bản đồ" vùng Hoa Nam và Đông Nam Á thời bấy giờ, khi đó còn được gọi là thế giới "Nam Man và Tây Nam Di" một cách miệt thị trong một số thư tịch cổ của người Trung Hoa. Người Việt cổ không những có một nhà nước sơ khai, ít ra thống nhất được trên một phạm vi rộng, mà còn là một nhà nước đông dân nhất trong khu vực đương thời. Chính sử sách sau đó vài trăm năm giúp chúng ta mường tượng được dân số bấy giờ so sánh một cách tương đối thì cũng có thể cho ta một khái niệm: Nước Văn Lang - Âu Lạc cũng đông gấp hai lần rưỡi nước Nam Việt và đông gấp hàng chục lần nước Điền Việt cùng thời ở bên cạnh.

Người Việt cổ khi đó nhờ địa lợi nhiều sông, lại có biển Đông trước mặt nên đã giao thương rộng rãi với nhiều khu vực khá xa xôi. Các nhà khảo cổ đã chứng minh được rằng có những trống đồng minh khí sản phẩm chỉ văn hóa Đông Sơn mới có đã theo con đường ven biển lên tận vùng Chiết Giang, Trung Quốc. Họ còn trao đổi hàng hóa, có thể theo hình thức sơ khai nhất với cư dân Vân Nam cổ đại, giao lưu văn hóa kinh tế với các đảo Indonesia, tới tận hòn đảo Côxamui ở vịnh Thái Lan và ven biển Mã Lai...

Không phải không có lý khi một nhà khoa học nước ngoài, ông W.Loofs, chuyên gia nghiên cứu về trống đồng đã cho rằng nhiều trống đồng Đông Sơn có thể biểu tượng quyền lực như một dạng "vương miện" mà các thủ lĩnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta "ban phát" cho nhiều thủ lĩnh nhiều khu vực xa xôi khắp Đông Nam Á. Nhiều nhà khoa học nước ngoài phải ngạc nhiên về sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn và người Việt cổ.

Nếu như vào đầu Công nguyên, Mã Viện ra sức đồng hóa nền văn hóa bản địa nước ta thì văn hóa Đông Sơn lại có mạch ngầm chảy trong sức sống dân gian để sau ngàn năm Bắc thuộc lại bừng sáng một nền văn minh Lý Trần. Cũng thật tự hào, khi mà với chính sách đồng hóa triệt để của phương Bắc, nhiều nhà nước sơ khai và tộc người trong thế giới "Nam Man và Tây Nam Di" bấy giờ, nay đã không còn bóng dáng, thì với sức sống Đông Sơn mãnh liệt kèm theo địa thế hiểm yếu và lòng quả cảm, chỉ còn duy nhất người Việt cổ và con cháu vẫn còn trụ được không bị đồng hóa đến tận hôm nay.

- Theo Báo Lao động
Tin tức khác
Nơi ấy Kakôi (27.11.2004)