Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
734
116.676.707
 
Nói thêm về đàn Nam Giao - phần 1
Trương Thái Du

1. Ghi chép lịch sử:

 

Ở phần Ngu thư – Nghiêu điển sách Thượng Thư[1] có câu:

 

申命羲叔,宅南交。平秩南为,敬致。日永,星火,以正仲夏。厥民因,鸟兽希革

 

Âm Hán Việt: Thân mệnh Hy Thúc, trạch Nam Giao. Bình trật nam ngoa, kính trí. Nhật vĩnh, tinh Hỏa, dĩ chánh trọng hạ. Quyết dân nhân, điểu thú hy cách.

 

Dịch nghĩa: “(Vua Nghiêu) sai Hy Thúc đến Nam Giao, quan sát mặt trời di chuyển về phương nam, ghi ngày Hạ chí. Lúc ngày dài nhất, sao Hỏa đầu hôm ở đỉnh đầu sẽ là ngày trọng Hạ (giữa mùa Hạ). Dân ăn mặc quần áo mỏng, chim thú thay lông”.

 

Trong bài khảo cứu (viết từ năm 2004) “Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam[2], dưới mắt của một người từng đi biển, có chút ít kiến thức thiên văn thực hành, tôi đã mạnh dạn đề cặp đến Đàn Nam Giao nói ở trên:

 

Nam Giao nằm trong hệ thống địa danh gồm: Dương Cốc (phía đông), Muội Cốc (phía tây), Sóc Phương (phía bắc), Nam Giao (phía nam). Từ 4 nơi này, các vị quan mà vua Nghiêu phái đến sẽ quan sát qui luật chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao rồi tổng hợp các qui luật ấy thành lịch phù hợp với sự vận hành của thiên nhiên nhằm áp dụng thẳng vào đời sống nhân dân. Bốn địa danh trên chính là bốn trạm quan trắc thiên văn cổ xưa của loài người.

 

Khảo cổ hiện đại ở Trung Quốc vẫn chưa thể xác định kinh đô Nghiêu – Thuấn ở đâu, dù vẫn biết nó không nằm ngoài trung lưu Hoàng Hà (thuộc ba tỉnh Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Tây). Bốn trạm thiên văn sẽ nằm về bốn hướng mà kinh đô Nghiêu – Thuấn là trung tâm. Trong một bài toán thiên văn, sai số đo đạc (ắt phải có) càng ít ảnh hưởng đến kết quả nếu khoảng cách các trạm càng xa nhau. Tuy nhiên khi các trạm quá xa thì mối liên hệ giữa các trạm lại gặp nhiều trở ngại. Theo tôi, khoảng cách giữa hai trạm Đông – Tây hoặc Nam – Bắc sẽ cỡ 10 kinh – vĩ độ là tối đa. Một vĩ độ trên mặt đất dài hơn 111 km. Do đó Nam Giao không thể xa hơn kinh đô Nghiêu – Thuấn 500 km, và lại càng không thể vượt khỏi dòng Trường Giang rộng lớn hung dữ phía nam.

 

Tóm lại Nam Giao chính là một địa danh. Sau này kiến thức thiên văn của con người sâu sắc hơn, các dụng cụ quan trắc tinh tường hơn thì không cần thiết đi quá xa để đo đạc. Đài Nam Giao có thể dựng ở ngay kinh đô vương quốc. Vua dễ dàng cúng mặt trời trên đài, lần hồi Đài Nam Giao đã biến thành Đàn Nam Giao cho nghi thức tế trời. Vai trò trạm thiên văn của Nam Giao bị che khuất bởi hành vi tín ngưỡng. Hơn nữa chỉ cần một máy đo cao độ thiên thể, cùng với việc tra các bảng tính sẵn trong sách vở, mọi bài toán thiên văn phức tạp nhất đều có thể tính ra.

 

Ở Việt Nam, dưới ảnh hưởng Nho Giáo Trung Hoa, từ thời Trần gần như triều đại phong kiến nào cũng có xây dựng đàn Nam Giao và nhiều lần tổ chức Tế Giao. Xin lược trích mô tả của tác giả Ngô Minh về Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế, trong tạp chí Kiến thức ngày nay số tân niên 2006: “Đàn Nam Giao được xây 3 tầng, cao 6,65m, theo thuyết Tam tài: Thiên – Địa – Nhân. Tầng trên là Trời (Thiên) gọi là Viên Đàn, hình tròn, đường kính khoảng 42m. Tầng giữa hình vuông, là Địa gọi là Phương Đàn, thấp hơn Viên Đàn 2,8m, mỗi cạnh 85m. Tầng dưới cùng là Nhân, hình vuông, mỗi cạnh 165m…”

 

Cũng Ngô Minh trong bài đã dẫn: “Tế Giao là cúng tế lễ trời đất. Tức là lễ cúng lớn nhất thiên hạ, đại lễ của trăm họ xưa, do thiên tử đích thân chủ lễ. Vua Tế Giao một năm một lần vào mùa Xuân, thường giữa tiết Đông Chí và Xuân Phân, lúc đầu trăng, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…”

 

Thật sự là theo sách Lễ Ký của Nho Giáo, lễ tế Nam Giao tiến hành đúng vào ngày Đông Chí. Ngày này mặt trời dịch xuống vĩ độ 23 độ 27 phút Nam (đi qua thành phố Rockhamton Bang Queensland Australia, mặt trời ban trưa sẽ ở trên đỉnh đầu của người quan sát tại đây), nghĩa là nó ở xa Bán cầu bắc nhất, đây cũng là ngày lạnh nhất trong năm ở Bán cầu Bắc, đêm rất dài. Ngày xưa phương Tây dùng lịch Julian, Đông Chí là 25 tháng 12. Giáo hội Thiên chúa giáo khi chọn ngày giáng sinh tượng trưng cho chúa Jesu đã chọn đúng Đông Chí. Khi lịch Gregorio thay thế lịch Julian thiếu chính xác Đông Chí bị điều chỉnh về ngày 21 (hoặc 22[3]) tháng 12 hằng năm, giáng sinh đã không thay đổi theo vì thói quen.

 

Theo tôi, văn minh loài người phát triển mạnh mẽ hơn ở Bắc bán cầu. Lễ tế Nam Giao hay Giáng sinh đều có gốc từ tục thờ mặt trời. Chắc chắn khi chưa có tên Tế Giao hoặc Giáng sinh thì Đông Chí là một ngày lễ khá trọng đại. Việc cầu khẩn mặt trời ở xa trở về đem nắm ấm cho mùa màng và nhân sinh là điều dễ hiểu. Thậm chí nó có thể trở thành “bí quyết” cho những vị chủ tế đầy quyền lực: “Khi ta cầu nguyện, mặt trời sẽ quay trở lại với mùa xuân!”. Qui luật chuyển động tương đối Mặt trời và Trái đất là: khi đã đến điểm Đông Chí thì mặt trời mỗi ngày lại mọc cao hơn một chút, tạo nên chu kỳ quay lại Bán cầu bắc với điểm tới là Hạ Chí (đi qua thành phố Quảng Châu Trung Quốc, mặt trời ban trưa sẽ ở trên đỉnh đầu của người quan sát tại đây).

 

Có một sự trùng hợp khá thú vị: năm 2004 trong khi tôi đang mày mò trên những trang viết của mình về Đàn Nam Giao và khái niệm lân cận là Giao Chỉ;  thì ở Trung Quốc, tại làng Đào Tự, huyện Tương Phần, Tỉnh Sơn Tây dưới sự chỉ huy của Giáo sư Hà Nỗ, các nhà khảo cổ và thiên văn Trung Quốc cũng đang tiến hành khảo sát, đo đạc trên nền di tích của một kiến trúc hình bán nguyệt có niên đại từ 4000 đến 4100 năm.

 

Đến ngày 28 tháng 4 năm 2005, Giáo sư Hà Nỗ đã công bố trên trang web Khảo cổ[4] và hãng tin Tân Hoa Xã: di tích kia nhiều khả năng là trạm quan trắc thiên văn của Hy Thúc, thời vua Nghiêu cách nay 4100 năm. Nhận thấy đây là một chủ đề rất lý thú tôi tạm lược dịch để mọi người cùng tham khảo. Trong bản dịch này, đoạn toán thiên văn thuộc chuyên ngành hẹp khá khô khan, tôi chỉ tóm tắt cách tính và ghi thẳng luôn kết quả.

 

2. Lược dịch

 

Niên đại thiên văn của “Đài thiên văn” ở di chỉ Đào Tự

Tác giả: Hà Nỗ, ngày 28 tháng 4 năm 2005.

 

 

Lời dẫn

 

Bao trùm một diện tích khoảng 300 ha, di tích Đào Tự nằm ở phía bắc huyện Tương Phần, tỉnh Sơn Tây. Từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, nhóm khảo cổ của Sở khảo cổ thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (IACASS) đã khai quật các khu định cư và một nghĩa trang nhỏ. Thành quả khám phá đạt được là hình thành Văn hóa Đào tự có niên đại cách đây 3900 năm đến 4300 năm. Từ chín ngôi mộ chính (có lẽ là của vua chúa) thuộc văn hóa Đào tự niên đại sớm, đã hiện ra nhiều đồ vật nghi lễ đặc biệt, chẳng hạn phiến gốm sơn hình rồng, trống gốm, trống da cá sấu, nhạc khí bằng đá, vật dụng trang trí bằng gỗ, ngọc bích và rìu đá; chúng có thể thể hiện hình ảnh “vương quốc” nào đó.

 

Hình 1: Vị trí tỉnh Sơn Tây (xanh đậm) nằm hoàn toàn ở bờ bắc sông Hoàng Hà.

 

 

Hình 2: Vị trí thành phố Lâm Phần (Gần cuối bản đồ, đầu mũi tên xanh, cạnh dòng chữ Temple of King Yao – Đền thờ vua Nghiêu).

 

Từ năm 1999 đến 2001, các nhà khảo cổ của IACASS đã tìm thấy một cấu trúc đất sét đầm chặt khổng lồ thuộc Giữa kỳ Văn hóa Đào tự (cách nay 4000 đến 4100 năm). Đó là bức tường thành hình chữ nhật bao quanh diện tích 280ha, lớn nhất thời tiền sử Trung Quốc. Năm 2002, công cuộc khảo cổ tại Đào Tự được đưa vào dự án “Mô hình định cư và biến cải xã hội” – một dự án nhánh của dự án “Nghiên cứu khởi thủy văn minh Trung Hoa”. Công tác ngoài hiện trường đã khai mở những kiến trúc đất sét đầm chặt của Sơ kỳ văn hóa Đào tự (4100 đến 4300 năm trước): khu vực hoàng cung, nghĩa địa của quan lại và khu kho lẫm.

 

Những phát hiện gần đây

 

Từ năm 2003 đến 2004, các nhà khảo cổ học của IACASS, Viện khảo cổ tỉnh Sơn Tây và Văn phòng di tích văn hóa thành phố Lâm Phần, đã khai lộ một kết cấu nền móng hình bán nguyệt thuộc Giữa kỳ văn hóa Đào Tự, nằm ngay cạnh bức tường thành phía nam (mã số Q6) cùng niên đại. Nó bao gồm một lối đi hình bán nguyệt phía ngoài đường kính 60m và phía trong là một nền đất nện chặt cũng hình bán nguyệt, tổng diện tích cỡ 1700 m2.

 

 

Hình 3 : Toàn cảnh di tích đàn tế tự (chụp từ đông sang tây)

 

Nền đất đường kính 42m, diện tích hơn 1000 m2. Nó có thể đã được tái xây dựng thành một đàn tế tự tam cấp. Cấp thứ nhất ngoài cùng có hình dáng lưỡi liềm, cách tâm đàn tế tự 23 đến 30m. Cấp thứ hai phía trong hình bán nguyệt, cách tâm 19 đến 21 m. Cấp thứ ba hay đỉnh của đàn tế tự cũng hình bán nguyệt cách tâm khoảng 13m.

 

Nền đất nện trên cùng hình vòng cung hướng về phía đông với 12 khe hẹp, mỗi khe rộng 0.15 đến 0.2m, cách nhau 1,4m.

 

 

Hình 4 : Nền móng với những khe rãnh trên đàn tế tự

 

Những nét đặc trưng chắc chắn của các khe rãnh cho biết đá hoặc trụ gỗ tiết diện hình chữ nhật hoặc hình thang có thể đã được dựng thẳng đứng trên móng nền đất nện để tạo nên chúng.

 

Đứng giữa trung tâm của đàn tế tự và nhìn qua các khe rãnh, người ta có thể thấy phần lớn khe rãnh được xếp theo trật tự hướng đến một điểm nhất định trên dãy Sùng sơn phía Đông. Bởi vậy, sự suy luận hợp lý là những khe rãnh đó có thể đã được xây dựng với mục đích quan trắc thiên văn lúc bình minh ở những điểm cụ thể vào những ngày nhất định, nhằm thiết lập lịch mặt trời trong khu vực, hướng đến phục vụ công việc đồng áng và mùa màng. Nói cách khác, đàn tế tự kia từng là một trạm quan trắc thiên văn.

 

Khám phá cuối cùng về gốc quan trắc ở tâm điểm đàn tế tự càng khẳng định suy luận của chúng tôi. Đó là một hố tròn với một vòng đất đầm nện chặt và hai vành đai cũng là đất nén chặt bao quanh. Cái hố sâu 145cm, vành đai ngoài 86 cm, đai trong 42 cm, tâm điểm của đàn tế tự đường kính 25 cm. Chỉ có sai biệt 4 cm giữa tâm điểm thực và tâm điểm theo tính toán của chúng tôi trước khi khảo sát.


[2http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=3100&LOAIID=17&LOAIREF=5&TGID=742

[3] Điều này phụ thuộc vào năm đó có bị nhuận hay không.

Trương Thái Du
Số lần đọc: 4478
Ngày đăng: 13.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cam Ranh xưa và nay - Nguyễn Man Nhiên
Phan Thanh Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Kì (Phần 1) - Hùynh Công Tín
Phan Than Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Ki (Phần 2) - Hùynh Công Tín
Một cách nhìn lịch sử hời hợt và méo mó - Hà văn Thùy
Đi tìm di tích Dinh xưa - Nguyễn Man Nhiên
Làng Lại Đà xưa và nay -8 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -9 hết - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -7 - Nguyễn Phú Sơn
Đọc lại Truyện Hùng Vương - Hà văn Thùy
Làng Lại Đà xưa và nay -5 - Nguyễn Phú Sơn
Cùng một tác giả
Con rồng chữ (truyện ngắn)
Cuộc cờ (truyện ngắn)
Dạ khúc ven rừng (truyện ngắn)
Hồn phố (truyện ngắn)
Khúc hời ru (truyện ngắn)
Giữa mùa mưa (truyện ngắn)
Đêm thị dân (truyện ngắn)
Triệu Vũ Đế (truyện ngắn)
Sa mạc (thơ)
Nguyễn Ức Trai (truyện ngắn)
Chúng tôi là chó (truyện ngắn)
Á đại gia (truyện ngắn)
Phan và Nguyễn (truyện ngắn)
Vàng ảnh vàng anh (truyện ngắn)
Dương cầm (truyện ngắn)
Lỗi văn hóa (truyện ngắn)
Bức tranh hoa đào (truyện ngắn)
Cành hoa đào lửa (truyện dài)
Hòm thư ảo mị (truyện ngắn)
Đông chí (truyện ngắn)
Man đảo (truyện ngắn)