Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
699
116.726.700
 
Phan Than Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Ki (Phần 2)
Hùynh Công Tín

Nội dung của các bài thơ thường xoay quanh chủ đề tình cảm của ông đối với thiên nhiên, làng xóm, con người. Qua đó nói lên tâm trạng của ông với quê hương, đất nước và tình yêu thương dân nghèo.

 

Tình yêu quê hương, đất nước trong “Lương khê thi thảo” là ơn vua, lộc nước. Lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng và cảm thấy ái ngại vì mình chưa làm được gì nhiều cho đất nước, quê hương. Tự thẹn mình chưa làm được gì cho quê nhà để quyết tâm tu dưỡng đạo đức, ấy cũng là lẽ sống của ông. Ông viết trong bài “Thu hoài” như sau: Lạm dữ thiên quan đồng ác trạch,

Dã vô thốn hiệu đáp hồng từ.

Hoàng Châu tuế vãn trường ngâm vọng,

Đa phụ môn lư thiện dưỡng kỳ.”.

(tạm dịch: “Trót dự ơn triều đình với bá quan, nghĩ chưa làm được gì để báo đáp, trên đất Hoàng Châu năm hết, ngâm nga đợi ngày về, thấy mình phụ tình của quê hương mà gắng sức trau dồi.”)

            Trong bài “Trú trực”, ông lại băn khoăn lo về gánh nặng nợ nước, ơn vua mà nghĩ đến sự báo đáp. Ông viết:

Quốc ân hà tự sùng thâm báo,

Độc ỷ nguy lan tọa tịch dương.”.

(tạm dịch: “Ơn nước không biết làm thế nào đền đáp cho xứng, một mình ngồi dưới ánh chiều tà ngẫm nghĩ.”)

            Hay trong bài “Đăng Bảo Định đồn”, ông lại viết:

Ngọc Quan mạn đạo lao đầu bút,

Bạch thủ trường kham báo quốc ân.”.

(tạm dịch: “Dùng ngòi bút luận bàn đến việc ra biên ải, đầu bạc vẫn còn có thể báo đáp ơn nước.”)

Lòng yêu nước của ông lúc nào cũng gắn với tình thương yêu dân ngèo. Trong bài “Tòng quân”, ông nói về nổi khổ của dân hai huyện:

Ai thử nhị huyện dân,

Hướng chuyển diệc lao lục.

Thu quý thuộc vũ lạo,

Sơn khê thậm du mạc.”.

(tạm dịch: “Thương cho dân hai huyện, khổ cực vì vận lương, mùa thu thì mưa lũ, làng mạc cách trở vì khe suối, núi đồi.”)

            Trong bài “Thanh Nghệ đạo trung”, ông nói về nỗi khổ của người dân xứ này và tấm lòng của ông khi nghĩ về họ:

Mễ giá bình Thanh Nghệ,

Lưu dân thử quả quan.

Giai triều đình xích tử

Thùy nhẫn bất tương quan.”.

(tạm dịch: “Giá lúa gạo ở Thanh Nghệ đã bằng nhau, dân lưu xứ là dân góa bụa, là con dân của triều đình, ai nỡ xem không liên quan đến mình.”)

Phan Thanh Giản rất quan tâm tới đời sống người dân trước nạn thiên tai khắc nghiệt. Có những đêm ông không ngủ được vì những điều trăn trở ấy. Trong bài “Thu dạ độc khởi”, ông viết:

Bát nguyệt thượng viêm nhiệt,

Nam mẫu khát dư ba.

Tiết hậu tùy niên dị,

Tinh thần vận khí hòa.

Trung dạ chính độc khởi,

Kiều thủ vọng minh hà.

Vi vân động thiên tuế,

Hoàn khủng phong vũ đa.”.

(tạm dịch: “Tháng tám trời còn nóng, ruộng đồng khô thiếu nước, thời tiết mỗi năm khác, lẽ tuần hoàn chuyển vận, giữa đêm một mình thức giấc, ngẩng đầu trông trời đất, thấy mây chuyển động khắp trời, lại sợ mưa to, gió lớn.”)

 Đi làm quan xa gia đình, nên trong thơ Phan Thanh Giản có rất nhiều bài thơ nói về nỗi nhớ làng xóm, gia đình. Ông nhớ nhiều về làng quê nghèo của ông, với tên gọi “Gãnh Mù U” nghe quê mùa, nhưng hết sức thân thương đối với ông. Ông nhớ thương mái tranh nghèo còn đó một cha già mà ông không có điều kiện chăm sóc. Chẳng hạn, trong bài “Nam phố xuân mộ”, ông nói lên nỗi nhớ rất thắm thiết:

Đông phong phiến thục khí

Bạch nhật dương triêu hy

Du nhiên khởi dao tứ.

Lộ viễn mạc trí chi.

Ngã gia tại hà xứ.

Mai dã thiên chi nhai,

Mao thứ lưỡng tam gian.

Tang thác ủng sài phi.

Cao đường hữu lão thân.

Ban ban mấn dục ti.

Bình sinh sự diễn du.

Hoàn gia năng kỷ thì.”.

(tạm dịch: “Gió đông mang lại hơi quen, mặt trời gieo ánh sắc, lòng chợt buồn nhớ quê nhà, mà đường xa biết làm sao được. Nhà ta hiện ở chỗ nào, chốn quê xa tận chân trời, có vài gian nhà lá, được chống đỡ bằng những thanh củi gỗ, trong nhà, còn lại một cha già, mái tóc bạc trắng như tơ, lúc trẻ bận việc đi xa, không thường có dịp về thăm.”)

            Quê hương gắn với giếng làng, con chim bay về núi, cảnh trâu bò sớm tối đi về, việc cấy cày cũng có lúc bận rộn, có lúc nhàn nhã ..., ông nghĩ về những sinh hoạt ấy mà lắm lúc cũng muốn quay về cố hương. Trong bài “Chu vọng Nam trung chư sơn”, ông ghi lại tình cảnh này như sau:

Hành khách tự hương tỉnh,

Phi điểu hoàn cố san.

Ngưu dương diệc hạ lai,

Xuất vân hữu quy hoàn.

Du tử diệc hà tâm,

Cửu nại vi đình hoan.

Nam trung ngũ lục nguyệt,

Canh giá do vị nhàn.”.

(tạm dịch: “Người đi nhớ giếng làng, chim bay về tổ ấm, trâu bò trở về chuồng, mây bay về chỗn cũ, còn ta nỡ lòng nào, lỗi đạo hầu mẹ cha, nhớ miền Nam vào tháng 5, tháng 6, vẫn còn cảnh nông nhàn.”)

            Quê hương còn là mảnh đất thân yêu của ông, ông nhớ tới thành nam, nhớ những nơi đã từng gắn với ông bao kỉ niệm thời niên thiếu, những nơi ông đã từng làm việc nhiều năm, trong những lần ông đi trấn nhậm chức quan... Trong bài “Đăng Quảng Bình thành lâu”, ông viết:

Cố trai hương tứ cưỡng đăng lâu.

Vạn lý quan hà nhất vọng thâu.

Tá vấn nam thành hựu hà xứ.

Ngũ vân nồng lý thị Thần châu...”.

(tạm dịch: “Nặng tình làng xóm cũ mà cố bước lên lầu, nhìn cho hết cảnh núi sông, đó chẳng thành nam thì còn xứ nào nữa, mây ngũ sắc nồng thắm ấy là chốn kinh kỳ.”)

            Có những lúc trên đường rong ruổi, ông cũng muốn trở về quê cũ, nhà xưa để tìm được sự hồn hậu thuở ban đầu. Trong bài “Hải Thượng ngâm”,  ông viết:

Khủng thử diệc ngẫu nhiên,

Hà tất cùng kỳ quỷ

Bất như quy tệ lư,

Ngã tâm hữu thái thủy.”.

(tạm dịch: “Sợ điều ấy mất đi vẻ tự nhiên, cần gì phải nghĩ điều giả dối, không bằng ta trở về lều nát, lòng ta có được lại sự bình an buổi đầu.”)

            Cuộc đời Phan Thanh Giản là cả một chuỗi ngày dài phấn đấu kiên trì, bền bỉ cho công việc vì nước, vì dân. Nhưng, có đôi khi ông cũng cảm thấy gánh nặng của công việc đè nặng lên tuổi tác ông, rồi tính chất phức tạp của thời cuộc không dễ gì giải quyết, khiến lòng ông không tránh khỏi một nỗi buồn tê tái, xót xa. Đọc bài “Việc nước không thành” với những ý mở đầu các câu thơ: “lăm...”, “đành cam...”, “cũng tưởng...”, “nào hay...” đủ để ta thấy sự chua xót dâng trào, tận trong cõi lòng ông:  

Lăm trả ơn vua đền nợ nước

Đành cam gánh nặng ruổi đường xa.

Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ,

Vượt biển trèo non cám phận già.

Cũng tưởng một lời an bốn cõi

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!”.

            Nói chung, theo Hoàng Như Mai, “Thơ của Phan Thanh Giản là tiếng đoạn trường của một người công minh, chính trực, nhân nghĩa, yêu nước thương dân, nhưng ra làm quan trong thời kì đất nước rối ren, triều đình ngu hèn nên bị đẩy vào thế lưỡng nan, rút cuộc thành tội nhân của lịch sử.”.

 

Còn tập “Lương khê văn thảo”, nói lên tấm lòng , suy nghĩ của một vị quan  lúc nào cũng nghĩ đến việc tận trung với vua, với nước; không ngừng nung nấu rèn giũa tài đức; luôn đứng về phía dân lành, quý trọng công cha, ơn thầy, nghĩa tình bè bạn; sẵn sàng bênh vực lẽ phải, công lí.

Một số bài văn được giới nghiên cứu nhắc đến nhiều, như: “Biểu tạ ơn ban chức Tham hiệp Quảng bình”, “Biểu tạ ơn nhậm chức Hồng lô tự khanh, sung Giáp phó sứ sang Thanh”, “Biểu tạ ơn ban chức Đại lý tự khanh, sung Cơ mật viện”, “Biểu tạ ơn chức Hữu thị lang bộ Hộ”, “Biểu tạ ơn bổ chức Binh bộ Hữu tham tri”, “Biểu tạ ơn trao chức Thượng thư bộ Hình”, “Sớ thỉnh an của tỉnh Quảng Nam”, “Sớ bày tỏ việc bàn giáng tội nhẹ cho Vương Hữu Quang”, “Tuân dụ dâng sớ điều trần”, “Bài tựa tập thơ của Đặng Thuận Xuyên”, “Bài tựa cho sách Học văn dư tập của Trương Diên Phương”, “Bài văn điếu Ngô Sư Mạnh”, “Thư gửi người bạn”, “Bàn về vấn đề trong bản tính không có lòng hiếu đễ”, “Luận về hiếu đễ là gốc của đức nhân”, “Phụng ngữ đề luận về hiếu danh”, “Phụng ngữ đề luận về văn thần không ham tiền”, “Phụng ngữ đề luận về Thái Bá ba lần nhường thiên hạ”, “Bài tụng về thị học”, “Bài minh trên bia mộ của Thái bảo cần chánh điện Đại học sĩ Đức quốc công Phạm Trung Nhã”, “Văn bia của Gia Định xử sĩ dựng ở mộ Võ Trường Toản tiên sinh”, “Di sớ tâu lên vua Tự Đức”, “Cùng Nguyễn tri Phương dân sớ điều trần tám việc chánh trị”, “Sớ tâu vua xin về hưu”, “Vĩnh Long thánh miếu bi”, “Công thư của Phan Thanh Giản gởi quan Tổng đốc An Giang, Hà Tiên để trao thành”, “Lời trối trăng”, “Lời đáp những người đến thăm”, “Hai mươi bốn chữ đề trên “Minh tinh””...

Trong các bài biểu tạ ơn, ông đều viết với tất cả tấm lòng chân thành và sự khiêm cung vốn có. Tự nhận thấy mình không tài năng nên ông luôn gắng sức tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Chẳng hạn, trong “Biểu tạ ơn ban chức Tham hiệp Quảng Bình”, ông viết: “Thần chỉ biết nung nấu giũa rèn tài kém cõi, thề dốc hết tâm tư. Tấc gang không dám trái, kính thái dương soi trên coi; nhỏ nhoi gắng nên công, mong báo đáp ơn sông biển.”.

Trong tờ biểu tạ ơn khác, Phan Thanh Giản viết: “Xét thần ngu độn tự bản tính, hiểu biết có hạn mà sự lý vô cùng, tâm muốn tiến mà lực không kịp theo, đành chỉ tự học, mọi việc theo người. Cho nên tuy rong ruổi bắc nam mà rốt cuộc chưa có công lao gì đáng; vả lại ngày đêm gắng sức, cũng không có thực trạng gì đáng nêu.”.

Trong “Biểu tạ ơn trao chức Thượng thư bộ Hình”, ông lại viết: “Thần chỉ biết gắng dốc tấm ngu trung, cúi dâng tâm mộc mạc. Thận trọng xót thương dân, kính theo đức thánh, nghĩ nhậm chức phải thành tâm; yên thái hòa bình, gợi ơn nhân hậu, hưởng lành may mãi dạt dào.”.

 

Phan Thanh Giản là vị quan nổi tiếng thẳng thắn. Ông phê bình, góp ý không kiêng nể ai, kể cả vua. Ông đã nhiều lần đứng ra khuyên vua điều hay, lẽ phải mà không hề sợ bị bắt tội. Vì nếu sợ thì chắc là ông đã im lặng rồi. Trong các bài sớ, ông không vì bổng lộc, chức quan mà tránh né điều phải nói thẳng, điều cần can gián vua, điều khuyên vua nên làm. Chẳng hạn, Trong “Sớ thỉnh an của tỉnh Quảng Nam”, Phan Thanh Giản viết: “Thần tự biết, việc dỗ an dân lành có nhiều sai phạm, không chốn thoát tội; nhưng dân lành địa phương đang trong tình trạng này, không dám không điều trần sự thực. Muôn vàn ngửa trông thánh thượng từ bi, xót cứu nạn dân, tạm dừng xe ngự; để giúp cho tiểu dân dồn sức cùng ruộng đồng.”.

Còn trong sớ tâu vua Minh Mạng năm 1828, Phan Thanh Giản lại viết: “Mưa to và nạn lụt lội là những triệu chứng không tốt, hạ thần cúi xin thánh thượng tự sửa mình làm điều nhân đức mà giảm bớt số cung nữ, phi tần. Như thế là thánh hoàng làm theo ý thiên địa, bách tính sẽ được sung sướng.”.

Trong “Tuân dụ dâng sớ điều trần”, nếu không là người thương dân làm sao ông có thể đứng về phía dân mà tố cáo bọn quan lại địa phương, đề nghị nhà vua mạnh tay trừng trị bọn sâu dân, mọt nước cho được: “Vậy cho nên thuộc lại ngày càng quỷ quyệt, dân lành ngày một bần cùng, người lưu lạc bị khai khống số ma; ngày trước các đại thần có trần tấu các khoản nhưng so với những điều thần nghe thời còn chưa được 3, 4 phần 10 vậy. Rất sợ rằng, nếu thuốc trị không gấp thời bệnh hại càng lan, rồi việc phòng vệ biên cương, không làm sao mà vững được.”.

Cuối sớ, ông nhắc cho vua một chân lí trị nước, đó là phải “an dân”. Muốn cho an dân, ông “hối thúc” vua phải trị bọn hại dân: “...ý niệm an dân, sau trước chuyên cần. Để cho luân thường rộng khắp, hành hóa lớn lao, sáng láng trị bình, chỉ mong Hoàng thượng một lòng thi hành, nghĩ cũng không phải khó.”.

Đặc biệt là lá sớ năm 1852, ông cùng Nguyễn Tri Phương điều trần 8 việc chính trị. Có thể nói thêm rằng, trong số các điều trần do 2 vị quan này đề nghị, có những điều không khéo dễ bị vua buộc tội, gây ra hậu quả thiệt thân mà người bình thường ai cũng có thể cân nhắc bằng cách im lặng. Nhưng họ không làm như vậy. Điều này đủ để nói lên đức tính trung thực và dũng cảm ở họ. Xin lược ý 8 điều này như sau: “Xin vua cẩn thân các việc chơi bời; Xin đừng ham coi hát xướng, cần lo chánh nước là hơn; Xa tránh những kẻ thấp hèn lanh lợi; Xin vua chuộng điều tiết kiệm, bớt việc lãng phí xa hóa mà thương xót cho dân, giữ gìn đất nước; Xin bớt kẻ cận thần và giữ theo phép tiền triều thuở trước; Xin lựa người trung lương mà dụng; Xin bớt công việc cho lính rảnh rang để thường thường rèn tập trận đồ...; Xin vua thêm lương bổng cho hậu để các quan trau dạ thanh liêm, giữ lẽ công bằng, không ham hối lộ cho khỏi hại dân lành.”.

Sau tờ sớ này, Phan Thanh Giản được Tự Đức thưởng cho một tấm kim khánh có khắc bốn chữ  Liêm, Bình, Cần, Cán” chính là ở tờ sớ này. Rõ ràng, 8 điều Phan Thanh Giản và Nguyễn Tri Phương nêu ra, đó không chỉ là điều khuyên cho vua mà còn là bài học cho chúng ta ngày nay. Trong một xã hội mà tệ tham ô, hối lộ, lãng phí đã đến mức có thể gọi được là “quốc nạn” thì rất cần những người lãnh đạo cấp trên biết nghe và những lãnh đạo cấp dưới có tấm lòng và nhân cách thẳng thắn như hai ông. Tâm sáng này ở Phan Thanh Giản đáng để hậu thế lưu danh.

 

Trong “Luận về hiếu để là gốc của đức nhân”, Phan thanh Giản quan niệm về đạo đức cần phải có ở một người rất rõ ràng, ông viết: “Đứng đầu tứ đức là nhân. Nhân chủ về lòng yêu thương, lòng yêu thương thì không gì lớn hơn là thương yêu cha mẹ. Gần gũi với người thân mà nhân đức với dân, nhân đức với dân mà yêu muôn vật, đều là những biểu hiện của đức nhân không bao giờ hết vậy.”.

Còn trong “Phụng ngự đề: luận về văn thần không ham tiền”, ông nói về sự liêm chính là cái gốc của “hưng thịnh”. Vì vậy, theo ông là cần phải dẹp trừ tệ tham ô, nạn ăn của đút lót, mà ông gọi là “tục hủ lậu” như sau: “Dẹp trừ tục hủ lậu này, cứu vãn làn sóng suy đồi, ở nơi giàu có mà chẳng tham vơ vét, sống cảnh thanh bần mà đức sáng càng ngời, đặt nền dựng nếp, tiết tháo luyện rèn, sao cho lúc thoái triều có phẩm đức cao khiết, khi ở phủ không đục khoét dân lành. Được thế thì giáo hóa có thể thi hành, lễ nhạc có thể hưng lên được vậy.”.

Một khía cạnh nữa thuộc về đạo đức, nhân cách của Phan Thanh Giản, nghĩ cũng nên nhắc lại là lá sớ tâu vua xin về hưu năm 1865. Ông viết: “Khi đến tuổi 70 thì con người mảnh khảnh như cây sậy, như một cây liễu sầu đã chịu nhiều phong ba, như con tuấn mã đuối sức không thể tiếp tục đường trường dù nó có thương chủ nó đến mấy đi nữa. Thần thấy đã bất lực nếu còn tiếp tục sứ mạng e sự lầm lẫn của thần làm rắc rối việc quốc gia.”.

Không mấy người tự nguyện rời bỏ cương vị mình nắm giữ với ý nguyện như Phan Thanh Giản, nên chúng tôi xem đây là một khía cạnh đạo đức, nhân cách đáng học ở ông. Mặt khác, ông đã lường trước được điều họa cho mình mà có lẽ cái số của ông cũng không tránh khỏi, khi Tự Đức không chuẩn y cho ông, lại bắt ông phải hoàn thành sứ mạng đã giao phó. Thử đặt trong trường hợp ấy, ai là người có thể hoàn thành được sứ mệnh bất khả thi nầy. Chúng tôi rất tâm đắc với nhận định sau đây của Hoàng Lại Giang: “Sau khi Gia Định thành thất thủ, triều đình nhà Nguyễn đã thấy không còn sức chống đỡ được nữa, cho nên, đáng lẽ phải phái vào Nam Kỳ một vị quan võ giỏi nhất, năng lực nhất của triều đình thì đình thần lại nghị cụ Phan, một quan văn vào chống đỡ!”.

Hoàng Lại Giang còn đưa ra một nhận xét đáng để suy nghĩ: “Nhưng cụ Phan đã không làm được việc ấy. Và giả sử vua Tự Đức có cử bất kì ai vào thay cụ Phan chắc chắn cũng không ai giữ được 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ.” thì tại sao cả vua quan nhà Nguyễn không dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm này, mà bắt tội một mình Phan Thanh Giản. Còn chúng ta, có một số người lại cho ông là “bán nước”.

Một vấn đề nữa cũng được người đời sau quan tâm khi nói về Phan Thanh Giản là vì sao ông lại “đầu hàng giặc” quá sớm như vậy? Có sai lầm gì đây trong chủ trương của ông, hay ông sớm khiếp sợ trước sức mạnh súng đạn tối tân của giặc Pháp mà không đủ dũng khí đứng lên đánh giặc.

Có lẽ nói là chủ trương thì không thể là chủ trương của ông. Vì ông chỉ là vị quan thay mặt cho triều đình nhà Nguyễn nên ông phải lĩnh thị mệnh vua mà thực thi. Nhưng khi ông đến Nam Kỳ thì thế giặc không để cho ông được toàn ý thực thi điều ấy. Nói như Hoàng Lại Giang “Trên chiến trường đã như thế, thì tôi nghĩ, không thể có một nhà ngoại giao nào lại có thể thay đổi được tình thế.”.

Nhưng tại sao ông nộp thành, kêu gọi bãi binh?

Ông viết trong công thư gửi Quan tổng đốc An Giang, Hà Tiên như sau: “Mỗi lần chiến đấu là mỗi lần thêm đau khổ cho ta. Người Phú Lang Sa có chiến thuyền to, chở đầy quân và võ trang bằng đại bác. Không người nào có thể chống lại. Người Phú Lang Sa muốn đến đâu cũng đặng, những đồn lũy chắc chắn cũng phải bể.

Bản chức van vái Trời, bản chức nghe theo lẽ phải và tự nhủ: “Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú Lang Sa hằng võ khí, cũng như con nai muốn bắt con cọp. Mình lại kéo về phe mình một cách vô ích những tai hại lớn, để tai hại ấy đè lên đầu dân mà Trời đã giao cho mình chăn.

Vậy bản chức viết công thơ cho các quan văn cũng như cho các tướng võ hãy bẻ gãy giáo và gươm, giao thành trì khỏi chống lại.

Nhưng nếu bản chức tùy theo thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đem tai hại rớt trên đầu họ, bản chức trở thành phản thần đôiứ với hoàng đế của ta vì bản chức trao ba tỉnh của Hoàng đế cho Phú lang Sa mà không chống cự. Bản chức đáng tội chết.

Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể bay phất phới trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống...”. (chỗ in đậm là chỗ chúng tôi muốn nhấn mạnh)

 

Có lẽ như vậy là quá rõ để chúng ta hiểu về những gì ông suy nghĩ. Nhưng do đâu mà Phan Thanh Giản có suy nghĩ như vậy? Phải chăng, nói như Trương Minh Hiển, cái biết quá sớm của ông về “thế” và “lực” của nước Pháp ở châu Âu lúc ấy qua những lần ông đi sứ, đã cho ông có một cái nhìn so sánh tương quan lực lượng giữa địch và ta, mà đi đến quyết định nộp thành. Mặt khác, như chúng ta biết trước khi Phan Thanh Giản lãnh sứ mệnh vô Nam lần cuối, Phan Thanh Giản dư hiểu về thất bại của vị tướng oai dũng nhất triều đình nhà Nguyễn lúc đó là Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Với sự cố thủ đại đồn Chí Hòa (1861), Nguyễn Tri Phương đã bị quân Tây Dương đánh bại tan tác chỉ vỏn vẹn 2 ngày rưỡi! (trong trận này, Nguyễn Duy, em ruột Nguyễn Tri Phương bị tử trận. Phạm Thế Hiển bị thương. Rồi chính Nguyễn Tri Phương cũng bị trúng đạn!), mà trước đó một năm trời ông được toàn quyền điều động mấy vạn dân binh tu bổ thành theo ý muốn, tiền muôn bạc trượng đã dồn vào thành lũy này. Vậy thì sự chiến đấu như thế được gì ngoài mấy chữ “dũng cảm, kiên cường” mà con dân phải gánh chịu mọi tai họa của chiến tranh.

 

Yêu nước cũng có năm bảy đường, nhưng cái chính là ở thương dân. Tôi cho rằng, Phan Thanh Giản xử sự như thế không ngoài hai chữ “thương dân”, chứ không đầu hàng Tây. Ông đã thề không cùng sống với bọn giặc Tây bằng lời lẽ hết sức quang minh và rắn rỏi ngay trong bức thư mà ông gửi cho 2 vị quan Tổng đốc miền Tây: “Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể bay phất phới trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống...”.

 

Nhân cách lớn của nhà nho Phan Thanh Giản được thể hiện rõ trong suốt quá trình làm quan của ông, từ cách hành xử đến những suy nghĩ đều dựa trên nền tảng của “nước và dân”, đều dựa trên nền tảng “luân lý Nho giáo”. Ông đã học tập và không ngững tu dưỡng, thể hiện nó từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ thuở thiếu thời cho đến lúc lão lai, cả ở những giây cuối đời, ông cũng bộc lộ rõ phẩm hạnh ấy.

Trong lời trối trăng ngày 19/ 7/ 1867, ông dặn lại con cháu một chân lý sống là: “không được dục lợi cầu vinh mà làm những điều nhẫn tâm hại lí”; đồng thời, ông cũng đã nghĩ tới con đường chấn hưng đất nước. Theo ông, không có con đường nào khác ngoài sự canh tân, học hỏi cho bằng Âu Tây, thì mới mong có ngày rạng rỡ quê hương, Tổ quốc. Ông viết: “Ta đã biết rõ cơ trời. Dầu làm thế nào cũng không qua thiên ý định. Vậy khi ta thác rồi, ai nấy cứ an cư lạc nghiệp lo việc học hành. Không nên dục lợi cầu vinh mà làm những việc nhẫn tâm hại lý. Nay ta đã tuổi cao sức yếu, thành ra kẻ vô dụng cho nước nhà, dầu có thác cũng không đủ tổn hại cho quê hương, còn ta sống cũng không đủ ích lợi cho xứ sở.

Hãy cố học hỏi cho bằng người Âu Tây. Hãy rán phò vua giúp nước, toan lo hết sức người, họa may sau này đặng vẻ vang cho Tổ quốc.”.

Từ ngày ông mất đi, người dân, ít nhất là dân các tỉnh vùng Tây Nam Bộ vẫn luôn một lòng kính trọng ông. Họ tôn kính ông vì ông là người có nhân cách lớn. Nhân cách lớn hiếm có này đã được Hoàng Lại Giang liệt kê đầy đủ qua nhận định:

Không phải ngẫu nhiên mà vua Tự Đức tặng cho cụ Phan bốn chữ: “Liêm - Bình - Cẩn - Cán”.

Tôi không nhắc lại vị đại thần liêm khiết vào hàng số 1 triều Nguyễn, Phan Thanh Giản.

Tôi cũng không nhắc lại lòng thương dân vào loại hiếm của một vị đại thần như cụ Phan Thanh Giản.

Tôi cũng không nhắc lại tính cương trực của cụ Phan ngay cả đối với vua như Minh Mạng.

Tôi cũng không nhắc lại sự chịu thương chịu khó đúng là “ăn mắm mút dòi” để học và đạt tới học vị tiến sĩ.

Tôi cũng không nhắc lại lòng hiếu đễ đối với bậc sinh thành, thầy giáo, những ân nhân đã từng giúp đỡ cụ trong những năm tháng gian nan của cuộc đời.

Bởi tất cả báo chí trong và ngoài nước đã viết khá đầy đủ. Và ở đây tôi tin rằng nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả chắc cũng đồng cảm với tôi về nhân cách cụ Phan Thanh Giản.”.

 

Có một thực tế mà ai trong chúng ta cũng thừa nhận là “sự công bằng của lịch sử”. Nói như Minh Chi, cần trả lại công bằng lịch sử cho ông. Còn nói là “phục hồi danh dự” thì không cần, vì cũng theo tác giả này: “... suốt cuộc đời ông (Phan Thanh Giản) chưa từng bao giờ đánh mất danh dự, dù là sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, và sau cả sự kiện để mất ba thành Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên...”.

Có thể cách hành xử của Phan Thanh Giản chưa được sự nhất trí trong nhận định đánh giá của giới nghiên cứu chúng ta, nhưng trong dân thì Phan Thanh Giản vẫn luôn được tôn kính và “sắc phong” như một vị thần. Chí ít là người dân Vĩnh Long, Bến Tre, quê hương ông, họ vẫn luôn tôn thờ ông trong hiện tại và cũng như trước đây. Hiện nay thì khu mộ phần và nhà thờ ông ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cũng như khu Văn thánh miếu ở thị xã Vĩnh Long đã được nhân dân tự nguyện đóng góp trùng tu lại khá khang trang hơn sinh thời ông mong mỏi. Thành phố Mỹ Tho đã có đường mang tên Phan Thanh Giản chạy dọc theo bờ Đông sông Bảo Định chia đôi thành phố, cũng là ước nguyện lâu đời của dân. Còn trước đây: “Khu mộ Phan Thanh Giản được Ủy ban Quốc gia bảo tồn cổ tích của chính quyền Sài Gòn xếp vào loại cổ tích liệt hạng. Trường tiểu học Cộng đồng Bến Tre từ sau năm 1946 mang tên là Trường tiểu học Cộng đồng Phan Thanh Giản. Tên ông cũng được đặt cho một con đường lớn trong thị xã Bến Tre, thị xã Vĩnh Long, Kiên Giang... Tượng ông đúc bằng đồng tại trung tâm công trường An Hội, thị xã Bến Tre. Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu là hai nhân vật được đặt tên cho nhiều công trình văn hóa từ trước cho đến ngày giải phóng năm 1975.” (dẫn theo Nguyễn Văn Châu).

 

Trong số những người theo khuynh hướng đánh giá không xem Phan Thanh Giản là “người bán nước cầu vinh” và là người có nhân cách lớn, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới ý kiến và lập luận của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông đánh giá về Phan Thanh Giản: “... Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc ba tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: “lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống.”

Với “tuyên ngôn” này và những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng: Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm bản án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế...”.

 

3. Để kết thúc, người viết xin trích dẫn lời trối sau cùng của Phan Thanh Giản để ta hiểu được thêm về một nhân cách lớn ở ông: “Khi ta chết rồi, phải đem linh cửu về chôn tại làng Bảo Thạnh, bên cạnh phần mộ tổ tiên. Còn tấm minh tinh hãy đề: “Đại Nam hải nhai lão thơ sinh tính Phan chi cữu” (*), diệc dĩ thử chí mộ.”. (sở dĩ ông dặn thêm 5 chữ “diệc dĩ thử chí mộ” là vì sợ con cháu lại khắc cả phẩm hàm của ông lên bia mộ). (* tạm dịch: “quan tài của thơ sanh già họ Phan góc biển (nước) Đại Nam”)

Và lời đáp sau cùng của ông với người thân quyến khi họ thắc mắc hỏi ông, sao không đề chức tước trên bia mộ: “Những hạng thường nhơn hay cầu chức khoe danh. Ta xem sự ấy là một việc hổ thẹn.”.

Và lời dặn thêm ba người con:

Mấy bộ sách của ta để lại, đó là sự nghiệp quý báu. Chúng bây giờ phải gìn giữ, rán học hành và đừng làm một chức quan gì hết. Anh em nên ăn ở thuận hòa, nhứt là phải thương mến quê hương, thân tộc.”.

  

Viết bài này, người viết vẫn mong đợi một ngày nào đó thế hệ trẻ đi trên đất “Nam Kỳ” sẽ được đi trên những con đường mang tên ông, đến những nơi tưởng nhớ ông, học trong những ngôi trường mang tên ông và ngày đó chắc chắn sẽ là niềm vui lớn của mỗi người dân Nam Bộ luôn tự hào có ông là một người con ưu tú của mảnh đất vừa mới được khai phá hôm qua.  (Hết )

 

                                                                            8/ 2006

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.

Hoàng Lại Giang, 1996, Phan Thanh Giản nỗi đau trăm năm, Nxb. Văn học, Hà Nội.

2.

Phan Thị Minh Lễ, Chương Thâu, 2005, Thơ văn Phan Thanh Giản, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

3.

Nguyễn Duy Oanh, 2003, Phan Thanh Giản Cuộc đời và tác phẩm, Hội Khoa học lịch sử xuất bản.

4.

Hội Khoa học Lịch sử, 2006, Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb. Đồng Nai.

Hùynh Công Tín
Số lần đọc: 3250
Ngày đăng: 04.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một cách nhìn lịch sử hời hợt và méo mó - Hà văn Thùy
Đi tìm di tích Dinh xưa - Nguyễn Man Nhiên
Làng Lại Đà xưa và nay -8 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -9 hết - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -7 - Nguyễn Phú Sơn
Đọc lại Truyện Hùng Vương - Hà văn Thùy
Làng Lại Đà xưa và nay -5 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -6 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -3 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -4 - Nguyễn Phú Sơn