Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
804
116.633.025
 
Một số suy nghĩ về đạo Phật nhân đọc Công trình nghiên cứu văn học Loại hình tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh
Đông La

Những cuộc cách mạng xã hội ở vài thế kỷ gần đây đã giải phóng “cái tôi” thoát khỏi khuôn mẫu gò bó của xã hội phong kiến, khỏi những hủ tục, những giáo điều cứng nhắc của những hệ tư tưởng cổ. Đồng thời, khoa học công nghệ cũng đã phát triển vượt bậc, làm ra nhiều của cải và tiện nghi sinh hoạt; ở một số nước phát triển, tưởng chừng con người đã có thể bước qua được cái ngưỡng cửa của “Thiên đường”! Nhưng mọi sự phát triển lại không thẳng tiến mà dường như chúng đều chịu sự chi phối của cái quy luật “Vật cực tất phản” của Chu dịch. Sự đề cao cái tôi lên đến cực điểm trong “thế giới tự do” đã không làm cho con người tốt đẹp hơn lên, trái lại, nhân tính lại bị thoái hóa, mối nối tình cảm ruột thịt trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Nhiều gia đình Việt kiều than giờ dạy con rất khó, không khéo còn bị đi tù vì lỡ tay đánh mắng theo truyền thống; người già ngày càng cô đơn trong viện dưỡng lão; một số kẻ thái nhân cách trở thành ác thú xả súng giết người hàng loạt; có người tự tử không phải không có ăn mà không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, cùng đường trong lối sống thực dụng thừa mứa vật chất… Lúc này nếu hiểu được Đạo Phật mới thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, ta mới hiểu vì sao hơn hai thiên kỷ rưỡi, Đạo Phật không cố công truyền bá những vẫn tồn tại bền vững. Nếu mọi người chỉ sống theo một phần tinh thần giáo lý thôi, chứ  không cần phải tuân thủ một cách nghiêm cẩn như những người tu hành, thì thế giới có thể ví như một cỗ xe chạy trên đường chênh vênh có phanh chắc chắn, xã hội sẽ bớt đi nhiều cái ác, cái xấu và đủ những thứ tai họa.

 

Từ những suy nghĩ trên đây về đạo Phật khi bước vào cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi mới giật mình nhớ ra ngay trong nhà mình cũng có một cuốn sách quý, bạn bè tặng đã 5-6 năm mà chưa đọc. Thì ra khi tuổi tác chồng chất thêm, cuộc đời dạy cho nhiều bài học hơn, con người ta mới có thể hiểu sâu và toàn diện hơn các giá trị thâm thúy của cuộc sống; còn nếu có quá nhiều may mắn, tất cả cứ thẳng băng mà tiến, tất không tránh khỏi nhiều cái nhìn nông nổi và phiến diện. Cuốn sách quý mà tôi muốn nói tới chính là cuốn “Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh” (nxb Khoa học xã hội, 2002), một công trình nghiên cứu văn học của PGS TS Nguyễn Hữu Sơn (NHS), thuộc Viện Văn học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, về tác phẩm Thiền uyển tập anh, một tác phẩm có từ đời nhà Trần, “nói về các thiền sư VN cuối thế kỷ thứ 6 đến đầu thế kỷ thứ 13, là tài liệu cổ nhất Phật giáo Việt Nam mà chúng ta hiện có, được biên tập trước năm 1134 đến đầu thế kỷ 13 thì hoàn tất”. (Nguyễn Lang, dẫn theo NHS). Công trình được hoàn chỉnh trên cơ sở luận án tiến sĩ văn học của NHS, và theo chính tác giả: “Công trình nghiên cứu Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh của chúng tôi tập trung tìm hiểu cấu trúc văn bản, phân tích các thành tố nội dung và nghệ thuật, các phương thức tư duy và motip tương đồng ở từng tiểu truyện thiền sư, từ đó xác định những đặc điểm thuộc về loại hình tác phẩm. Với quan điểm xác định Thiền uyển tập anh  là một chỉnh thể văn bản trọn vẹn nên chúng tôi đặc biệt coi trọng mối quan hệ giữa bộ phận “tàng trữ giá trị thi ca” với phần văn xuôi tự sự “ghi chép tiểu truyện thiền sư”, triệt để lưu ý khả năng tương đồng và tích hợp các yếu tố folklore trong tác phẩm”. (tr.16)

 

Công trình bao quát nhiều vấn đề, chỉ ra những đặc tính văn học và tính thuyết giáo của những tác phẩm thiền; phân tích nhiều tính chất, đặc biệt là sự lạ hóa xuất hiện nhiều trong những phần nội dung viết về sự ra đời, cuộc đời tu hành giáo hóa, quá trình hoằng dương Phật pháp và sự quy tịch của các thiền sư. Bài viết này chỉ quan tâm hai mục rất nhỏ, nhưng thiết nghĩ chúng lại là phần quan trọng nhất, đó là cách nhìn của đạo Phật về Bản thểcon đường tu chứng giải thoát, tức đường đi và đích đến của đạo Phật. Tác giả cũng tự biết, trước một rừng kinh sách và bài viết, viết thêm về đạo Phật là rất khó, nhưng vẫn muốn viết thêm đôi điều suy nghĩ của mình về đạo Phật trong mối tương quan đối sánh với tri thức hiện đại.

 

Về Bản thể, trước hết, ý nghĩa chung nhất, Bản thể bản chất của sự tồn tại.

Từ Thiền uyển tập anh, NHS đã rút ra kết luận quan trọng: “Xem xét bộ phận thơ ca trong Thiền uyển tập anh nói riêng, trong toàn bộ triết học và văn học Phật giáo nói chung, vấn đề Bản thể thường xuyên được đặt ra và giữ vị trí trọng yếu”. Vậy Bản thể là gì? “Theo quan niệm nhà Phật…Bản thể được xác định: “BẢN THỂ tức căn bản tự thể của các pháp”, mà: “PHÁP- Dharma, từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật hiện tượng,…sự vật,… đạo lý, … tất thảy đều là pháp cả”. NHS cũng dẫn Cao Xuân Huy khi bàn về Tăng Triệu (384-414): “Bản tế là Bản thể của vũ trụ, vạn pháp là các hiện tượng trong thế giới khách quan”; bàn về Hoa nghiêm tông: “Thế giới bản thể gọi là “lý pháp giới”, thế giới hiện tượng là“sự pháp giới”. Bản thể như nước, hiện tượng như sóng”; bàn về Thiên thai tông: “Hiện tượng trong thế giới là chí đa, nhưng đều là biểu hiện của chân như”. (tr. 144-145)

 

Từ những cơ sở trên, NHS phóng chiếu khảo sát cách diễn giải về Bản thể của các Thiền sư Đại Việt trong Thiền uyển tập anh. Theo Thiền sư Đạo Huệ (?-1173):

 

Địa, thủy, hỏa, phong, thức

Nguyên lai nhất thiết không

Như vân hoàn tụ tán

Phật nhật chiếu vô cùng

(Đất, nước, lửa, gió, thức

Hết thảy vốn đều “không”

Mây tụ rồi tan đấy

Lòng Phật sáng vô cùng)

(Nguyễn Đổng Chi dịch)

 

Phật nhật chiếu vô cùng” ý nói ánh sáng (giác ngộ) của Phật chiếu rõ (Bản thể) vô cùng, dịch là “lòng Phật sáng” chỉ phẩm chất đạo đức, dường như chưa được sát nghĩa.

 

Theo Phật giáo, con người được tạo thành từ năm yếu tố gọi là Ngũ uẩn tạo thành toàn bộ thân tâm. Ngũ uẩn gồm:  1-Sắc: chỉ thân và sáu giác quan (Lục căn), do bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa tạo thành. 2-Thọ: toàn bộ các cảm giác, dễ chịu, khó chịu hay trung tính. 3-Tưởng : sự nhận biết các cảm giác âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả ý thức đang hiện diện. 4-Hành:  là những hoạt động tâm lí như chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, ... 5-Thức:  bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đặc tính chung của Ngũ uẩn thường, Vô ngãKhổ. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, biến hoại của các uẩn; con người được tạo thành từ năm uẩn đó nên cũng chỉ  là một sự giả hợp, không có một cái "ta" thật sự bất biến đứng đằng sau con người, tức Vô ngã. Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn.

Một loạt các lời kệ của các thiền sư khác mà NHS cũng đã trích ra đều thể hiện cái triết lý về tính không của đạo Phật.

Tăng Thống Huệ sinh (?-1064) viết:

 

Pháp bản như vô pháp

Hi hữu diệc phi không

(Pháp vốn như vô pháp

Không có cũng không không

 

Vua Lý Thái Tông (1000-1054) viết:

Bát nhã thực vô tông,

Nhân không, ngã diệc không

(“Bát nhã” thực vô tông

Người không mình cũng không

 

(BÁT NHÃ (pañña) là thuật ngữ có nghĩa là Trí huệ (đồng nghĩa với trí tuệ), nhưng Trí huệ này không phải như Trí huệ thông thường mà là trí huệ thâm sâu, sự hiểu biết toàn diện, có tính chất trực giác, không dựa lên lý luận, khái niệm, ngôn từ, mà vượt khỏi ngôn từ. Chính vì khó dịch cho nên người ta thường giữ nguyên phiên âm chữ Phạn là Bát Nhã).

Thiền sư Bản Tịnh (1100-1176):

 

Huyễn thân bản tự không tịch sinh

Do như kính trung xuất hình tượng

Hình tượng giác liễu nhất thiết không

(Vốn từ không tịch ảo thân sinh

Như ở trong gương hiện bóng hình

Hình bóng vẫn rằng “không” hết thảy

(Huệ Chi-Hoàng Lê dịch)

Thiền sư Thuần Chân (?-1101):

Chân tính thường vô tính

(Chân tính thường không tính)

Thiền sư Nguyện Học(?-1181):

Tuy nhiên sung tắc biến hư không

Quan lai bất kiến như hữu tướng

(Tuy rằng đầy ắp hư không giới

Xem ra hình tướng có như không)

(Đỗ văn Hỷ dịch)

 

Thiền sư Đạo Hạnh (?-1117):

 

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.

(Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Vừng trăng vằng vặc in sông

Chắc chi có có không không mơ màng)

(Huyền Quang dịch) (tr.146 - 157)

 

Tính Không là một khái niệm trung tâm và cũng trừu tượng nhất của đạo Phật, là tính chất của Bản thể, nên Bản thể cũng thường được gọi là“Không tướng” hoặc“Chân không”, như trong Bát-nhã tâm kinh nói: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt” nghĩa là tướng không của các pháp không sinh không diệt; trong kinh Lăng Nghiêm nói về tính chất và mối liên hệ giữa sắckhông của Bản thể: “Tính sắc chân không tính không chân sắc, thanh tịnh bản nhiên, chu biến pháp giới,”  nghĩa là tính của sắc thực là không, tính của không thực là sắc, cơ bản tự nhiên thanh tịnh vận động biến đổi khắp nơi. Vậy Bản thể của vũ trụ là không nhưng không phải là không có gì, mà là “Chân không” , một cái không thực tồn tại, không hình tướng, nhưng tạo nên mọi thứ. Trong Tiểu thừa, tính Không nhằm nói về thể tính của con người. Đại thừa xem Không là mọi sự. Tiếp cận tính Không là nội dung của các phép tu luyện, nhất là Thiền tông.

 

Nếu đối chiếu với khoa học, có thể nói chân không của đạo Phật chính là năng lượng, năng lượng cũng không hình tướng (không) nhưng đã tạo nên mọi vật (sắc) và mọi vật (sắc) trong điều kiện nhất định cũng biến thành năng lượng (không). Theo công thức E= mc2 thì năng lượng chính là nguồn gốc của vật chất, trong thực tế thì chính từ điều kiện nhiệt độ, áp suất, tỷ trọng… đặc biệt kỳ dị của Big Bang, một vụ nổ vĩ đại đã xảy ra, rồi tùy theo độ giảm của nhiệt độ, năng lượng đã tạo thành các hạt cơ bản, rồi thành vật chất.

 

Về con đường tu chứng và giải thoát, NHS viết: “Nếu như việc xác định những quan niệm về bản thể nghiêng về phía nhận thức luận thì những nẻo đường tu chứng giải thoát lại tập trung hướng về thực hành tôn giáo, nhằm giáo hóa chúng sinh”… TU CHỨNG có nghĩa là “tu hành chứng lý, chứng quả vị”; còn GIẢI THOÁT là “lìa bỏ mọi trói buộc để tự tại. Cởi bỏ sự trói buộc của hoặc nghiệp, thoát ra khỏi khổ quả của tam giới”, đó là toàn bộ con đường đi và đích hướng tới của các phật tử. NHS cũng chỉ rằng, trong Thiền uyển tập anh, việc phác họa những nẻo đường tu chứng giải thoát đều liên quan đến chủ thể con người, đến bản ngã. Quả thực, chỉ có con người mới đi tu, và chỉ qua tu luyện, con người mới giải thoát chính mình khỏi chấp ngã và đạt giác ngộ.

 

NHS viết về con đường hành đạo của thiền sư Trường Nguyên (1110-1165):

Vua Lý Anh Tông lấy làm hâm mộ, muốn triệu kiến mà sư không chịu. Vua bèn sai bạn cũ của sư là phiên thần Lê Hối đến khuyên mời. Sư nhận lời cùng đi, nhưng khi đến chùa Quán Hương lại lấy làm hối, bèn trốn về, nói với học trò:

-Ta đã thân khô lòng nguội, đối với thế tục, phù phiếm hư ngụy có đáng gì? Có lẽ là do chí hạnh của ta chưa thuần nên còn bị cái lòng lợi danh làm khốn!...” (tr.166)

Tác giả cũng dẫn ra một số trường hợp để nói lên phương pháp chỉ dạy đặc biệt trong giới tu hành, thiền định:

Trong mối quan hệ truyền thừa thầy trò, các thầy thiền thường không chỉ bảo cụ thể cho học trò mà chủ ý làm sao để họ tự khởi phát nhận thức… Đoạn đối đáp giữa thầy Đa Bảo (thế kỷ X-XI) và trò Định Hương:

…Một hôm sư hỏi thầy Đa Bảo:

-Làm sao thấy được chân tâm?

Đa Bảo đáp:

-Chính ngươi phải tự phát hiện lấy!

Định Hương hoát nhiên tỉnh ngộ…

Đa Bảo hỏi:

-Ngươi đã hiểu chưa?

-Đệ tử hiểu rồi nhưng cũng như chưa hiểu”…

thường… sư thầy đẩy trò đến cùng đường, tạo nên những sai biệt so với lôgic duy lý thông thường, khiến cho học trò tự phản tỉnh và thoát nhiên đốn ngộ - chẳng hạn về tác động củaTrưởng lão Định Hương tới sư Cứu Chỉ:

“Sư hỏi Trưởng lão:

-Thế nào là nghĩa cứu cánh?

Định Hương đáp: “chưa”! Một lát lại nói:

-Ta và ngươi là nghĩa cứu cánh rồi đó!

Sư còn đang nghĩ ngợi, Trưởng lão nói:

-Sai quá rồi!

Ngay lúc ấy, sư lĩnh hội được ý chỉ của Trưởng lão. Định hương nhân đó đặt tên cho sư là Cứu Chỉ”…(tr. 169)

 

Nếu không hiểu về thiền người đọc thật khó hiểu những đoạn đối đáp dạng như trên của các vị thiền sư. Chúng giống như các Công án. Công án (tiếng Hán: gōng-àn 公案) có nguyên nghĩa là một quyết định phải trái trong xét xử của quan phủ. Thiền tông dùng công án để thiền sinh quán tưởng trong lúc thiền. Công án không phải là "câu đố" thường vì nó không thể giải đáp được bằng suy luận lo-gic, nên thiền sinh buộc phải chuyển hóa tâm thức bằng một bước nhảy của trực giác, qua khỏi sự mâu thuẫn của lý luận nhị nguyên. Trong thiền định, tự chứng ngộ là kết quả cá biệt của mỗi người; nếu chỉ nghe lời dạy của các bậc thầy thôi thì thiền sinh không thể thấu hiểu được bản chất của thực tại. Các vị Thiền sư trong khi chỉ dạy  thường đoạt hết mọi cơ hội suy luận của người bị hỏi và đặt người đối thoại trước một thử thách; người đối thoại có vượt qua được hay không, thì các ngài sẽ biết qua lời nói và cử chỉ. Chúng ta hãy xem chuyện: “MỘT VẬT CỦA HUỆ NĂNG”(http: //ww.phatviet.com/dailan/duongvehotham/ dvht_50.htm)

Một hôm Huệ Năng bảo chúng rằng:

- Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không chữ, không lưng không mặt; các ngươi có biết không?

Thần Hội bước ra thưa:

- Đó là bản nguyên của chư Phật, Phật tánh của Thần Hội.

Huệ Năng dạy:

- Ta đã nói với con là không tên không chữ sao còn gọi bản nguyên Phật tánh! Như vậy, con chỉ lấy cỏ che đầu mà đi, cũng chỉ là tông đồ biết kiến giải giỏi mà thôi”.

Qua công án này, chúng ta thấy dùng lý sự để giải đáp đã bị thất bại. Câu chuyện “Tiếng vỗ một bàn tay” là một công án rất nổi tiếng. Chuyện kể về thiền sư Mamiya, trước khi thành một đạo sư nổi tiếng, thời còn cầu pháp sư phụ, ngài đã bị chất vấn: “thế nào là tiếng vỗ một bàn tay?”.  Mặc dù Mamiya đã ngày đêm thiền quán để trả lời câu hỏi đó, sư phụ vẫn không hài lòng. Một lần, lại bị hỏi,  Mamiya đã lăn quay ra đất, giả bộ như người chết.

Sư phụ hé mắt nhìn hỏi:

- Ừ, ngươi đã chết rồi, vậy “tiếng vỗ một bàn tay” là thế nào?

Mở mắt ra, Mamiya trả lời:

- Ồ, con vẫn chưa giải đáp được!

Sư phụ hét lớn:

- Cái gì? Người chết không trả lời! Cút ngay!" (theo http://www.Kynguyen tamlinh.com/news.aspx?nid=344)

 

Tiếng vỗ chỉ phát ra khi có hai bàn tay vỗ vào nhau, nên câu hỏi “Tiếng vỗ một bàn tay?” là vô nghĩa, nhưng thói thường người ta hay dùng suy luận để giải đáp. Vì thế Mamiya đã nghĩ rằng phải có ẩn ý gì sâu kín; nhưng không ngờ công án đó chỉ là một cái mẹo để sư phụ vừa khai phóng nội tâm vừa kiểm tra cái vỏ chấp ngã của đệ tử. Sư phụ Mamiya la rầy ông: "Ngươi còn đắm nhiễm quá nhiều …

 

Tiếng vỗ một bàn tay”, ngươi nên chết đi may ra mới trả lời được!”. Thực ra “ngươi nên chết đi” ngụ ý phải làm chết đi cái chấp ngã. Vậy câu trả lời đúng nhất chính là thái độ an nhiên trước bất cứ một nghịch lý nào của mọi sự vật, nghĩa là phải đạt được trạng thái vô ngã, cái điều kiện cơ bản để đắc đạo.

 

Trong “Thiền uyển tập anh”, NHS cũng thấy: “ Cùng với việc khẳng định con đưòng đốn ngộ giải thoát, các thiền sư còn chỉ rõ các trạng thái giải thoát, đạt tới hòa hợp “vô thường”, “thường vô sinh diệt”, “vô vi”, “tự tại”, “nhậm vận” như lời giải của thiền sư Thường chiếu (?-1203):

 

Vật ngã lưỡng vong

Tâm tính vô thường…

Bỉ pháp sở đắc,

Thường vô sinh diệt.

(Ta vật quên hết,

Tâm tính không thường

Pháp kia sở đắc,

Thường không sinh diệt)

(Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch)…

 

Lời kệ thị tịch của sư Vạn Hạnh(?-1018)

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông)

(Ngô Tất Tố dịch) (tr. 148)

 

Trong Phật Giáo, vô thường cùng vô ngã , khổ ba tính chất của sự vật. Trong đó thuyết Vô Ngã là khó hiểu nhất. Trong thực tế có một mâu thuẫn với Giáo lý cho ngoài ngũ uẩn không có cái gì là “ngã”. Rõ ràng có một cái ngã tồn tại một cách hiển nhiên trong mỗi con người, nó là một thực thể phi hình tướng, làm chủ mọi suy nghĩ và hành động, làm nên sự khác biệt giữa người này với người khác, giữa tốt với xấu, thông minh với ngu tối, hiền từ với độc ác. Tác giả Huỳnh Thiên Hồng trong “Thuyết Vô Ngã Trong Triết Phật (http://thanhkinh thanhoc.net/tkth/?q=node/23) viết: Nếu không có Ngã thì "cái gì" đau khổ? "cái gì" tạo nghiệp và chuyển nghiệp? "cái gì" suy tư? ”cái gì" đi tu? "cái gì" giác ngộ? "cái gì" nhập Niết Bàn? "cái gì" giảng dạy và viết ra thiên kinh vạn quyển? Một câu hỏi khác cũng rất "hóc búa": Nếu con người của Đức Thích Ca là "không thật" thì chân lý Vô Ngã do Ngài tìm ra "có thật" hay không?”

 

Theo Kinh nói về Vô ngã: Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi…, ngài nói với đoàn năm vị Tỉ khâu: “…Này các Tỉ-khâu, Sắc là vô ngã… Nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể mong được như sau: “Mong rằng sắc của tôi như thế này… sắc của tôi chẳng phải như thế này!”… này các Tỉ-khâu, vì sắc là vô ngã, nên sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể mong được: “Mong rằng sắc của tôi như thế này… sắc của tôi chẳng phải như thế này!”

 

Rồi đến Thọ, Tưởng , Hành , Thức, Đức Phật cũng dạy như vậy. Rồi ngài tiếp: “Này các Tỉ-khâu, Sắc là thường hay vô thường?”. “ Là vô thường, bạch Thế Tôn!”. “Cái gì vô thường là khổ hay lạc?”. “ Là khổ, bạch Thế Tôn”. “Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, vậy có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”. “Thưa không, bạch Thế Tôn”… “Do vậy, này các Tỉ-khâu, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải quán tưởng với sự hiểu biết sâu sắc như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”…

 

Ở đây có một vấn đề, tại sao thuyết vô ngã như vậy nhưng trong ngày Phật đản, chính Phật Thích Ca lại nói: Thiên Thượng Thiên Hạ duy Ngã độc tôn(Trời cao trời thấp chỉ có ta là được tôn kính). Có người giải luận câu này, chữ “ngã” trong câu của Phật Thích Ca là cái ngã nói chung, nên phải hiểu câu trên là: “Trời cao Trời thấp duy có cái ngã là người ta đề cao”. Chính vậy, toàn bộ giáo lý đều hướng tới việc chỉ ra bản chất mọi sự vật và cả bản thân con người đều là vô ngã, và chính cái ngã là kẻ thù của vô minh, là mẹ của tham, sân, si, nguồn gốc của bể khổ, nên ngài đã giáng trần lập thuyết vô ngã để giáo hóa, cứu độ chúng sinh. Nếu hiểu như vậy thì hoàn toàn phù hợp với giáo lý. Theo Dã Hạc trong (http://www.Chuyenphapluan.com/chude.php?tn=view &id=972), gần đây, người ta có khuynh hướng muốn “trả” hình ảnh Đức Phật, vốn có nhiều huyền thoại, về lại với “Đức Phật lịch sử”. Không phải do yếu tố tiến bộ của khoa học hay tri thức thời đại, mà bởi vì càng thực nghiệm những lời Phật dạy, người ta thấy Đức Phật càng hiện thực lịch sử chừng ấy. Hai chi tiết hình ảnh đức Phật đản sinh “bước đi bảy bước” và tuyên ngôn “thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn…”… mà người ta cho là huyền thoại và do đời sau thêm vào vốn cũng có nguồn cảm hứng từ những dữ kiện lịch sử hẳn hoi.

 

Tuy vậy, đa phần kinh sách đạo Phật người ta vẫn dịch và hiểu chuyện Đức Phật nói “duy ngã độc tôn” không phải là huyền thoại và cái ngã đó chính là đức Phật nói về chính bản thân mình.

 

Theo HT Thích Minh Châu (http://www.chuyenphapluan.com/chude. php?tn=view&id=1473) : “câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" được xem là đức Phật đã tuyên bố khi Ngài đản sanh, … Và câu này cũng được diễn đạt theo truyền thống Pàli với lời tuyên bố, như đã được ghi trong Trường Bộ Kinh I trang 151 "Aggo ham asmi lokassa, jettho' ham asmi lokassa; setto' ham asmi lokassa, Avam antima jati natthi dàni puabbano'….: "Ta là bậc tối tôn ở đời. Ta là bậc Trưởng thượng ở đời. Ta là bậc tối thượng ở đời. Nay là đời sống cuối cùng của Ta. Nay ta không còn tái sanh nữa". Như vậy hai lời tuyên bố … nói lên địa vị độc tôn của đức Phật. Đây không phải là một lời tuyên bố ngạo mạn như có thể bị hiểu lầm. Lời tuyên bố này cũng nói lên vị trí có một không hai của chánh pháp tức là tiến trình giải thoát giác ngộ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Chính tiến trình này đã được Đức Phật thân chứng và dạy lại cho các đệ tử Tỳ kheo, Tỳ kheo ni của Ngài tu học để được chứng quả A la hán như Ngài”.

 

Thích Phước Đạt trong (http://www. Chuyenphap luan.com/chude.php? tn=view &id=970) viết, ai thành tựu được trí tuệ vô thượng, an trú tâm đại bi, người đó là độc tôn. Phật là mẫu người như thế nên Ngài xưng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là sự thật hiển nhiên.

 

Thích Viên Giác trong (http://www.Chuyen phapluan.com/ chude.php? tn=view &id=971) cho, Đức Phật là một con người có nhân cách đặc biệt siêu phàm. Một văn hào Âu châu nói về đức Phật: “Ngài là vì tinh tú khổng lồ, vĩ đại nhất”, và một số nhà khoa học, triết gia, các nhà văn hóa đã tuyên xưng đức Phật là “Con người vĩ đại nhất chưa từng có”. Theo Kinh Thánh cầu - Kinh Trung Bộ, có vị đạo sĩ tên là Upaka hỏi vặn Đức Phật: “Này đạo hữu, vậy phải chăng đạo hữu đã tự nhận là A la hán, là bậc siêu hùng quyền lực vô biên?”. Đức Phật xác định: “Tất cả những bậc siêu hùng đã chinh phục mọi ô nhiễm của mình đều giống Như Lai. Như Lai đã chinh phục, tận diệt tất cả những gì xấu xa tội lỗi. Vậy, này đạo sĩ Upaka, Như Lai là bậc siêu hùng”. Đức Phật xác định rất rõ Ngài là người đã chinh phục mọi ô nhiễm, trở thành người cao thượng nhất trên đời. Đây là lời tuyên bố đầu tiên về giá trị cao thượng tuyệt đối của Phật đối với chúng sanh, về sau lời tuyên bố này đã được khái quát hóa thành câu nói đặt trong bối cảnh biểu tượng Đản sanh: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài đã chứng tỏ những gì mà Ngài đã tuyên bố như trên là sự thật…

 

Như vậy, vô ngã vừa là nhận thức luận, vừa là  phương thức và cũng là mục đích, thành tựu của tu luyện, vì chỉ khi tâm trí và cả sinh lý đạt trạng thái vô ngã người ta mới có thể chứng ngộ và giải thoát. Nhưng với riêng đức Phật, như vừa trình bày, bằng giáo lý vô ngã ngài đã tu luyện để trở thành Phật, rồi ngài lại trở thành một cái ngã “độc tôn”, vì thế người đời mới gọi ngài là “Đức Thế Tôn” và xưng tụng ngài là “vĩ đại”!

 

Phải chăng, thuyết vô ngã cũng chứa đựng nghịch lý không thể trả lời, nó như một công án bao quát toàn bộ giáo lý cũng như thực tiễn của đạo Phật?!

 

Mỗi một khái niệm đều có một nội hàm và ngoại diên nhất định, có lẽ ta nên hiểu vô ngã như một khái niệm chứ không nên hiểu theo nghĩa thông tục, vậy vô ngã theo Phật giáo không phải là không có cái tôi mà có nghĩa là tất cả những gì tạm thời, biến đổi, không vĩnh cửu đều là vô ngã. Và đạo Phật nhận thấy, tuy giả tạm nhưng cái ngã lại tác động rất lớn, toàn thể sự phấn đấu, ganh đua của người đời đều là do cái ngã cả. Càng lúc cái ngã càng được tự tôn dẫn dắt con người nhận thức và hành động sai lạc. Mục đích của tu hành và thiền định là diệt ngã. Hành động khất thực của các vị tu sĩ cũng là phép tu để làm mất đi tính tự tôn, kiêu mạn. Trong thiền định, phép quán Vô Ngã là một pháp chủ yếu, giúp con người cởi bỏ được sự chấp một cách vô ích và có hại vào một cái gì đó, nguồn gốc của mọi bất hạnh trong cuộc sống. Chỉ khi nào đạt được trạng thái vô ngã mới “chinh phục mọi ô nhiễm”, mới không bị vướng vào tất cả những tham vọng, yêu ghét, mê đắm..., mới diệt được khổ. Khổ không phải chỉ là những cảm thụ khó chịu, mà là tất cả mọi hiện tượng của tâm và vật. Mọi sự, mọi vật đều bị biến hoại nên phải khổ. Cả những điều an lạc cũng là khổ vì chúng sẽ bị thay đổi. Tứ diệu đế nói : "Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ”.

 

NHS trích dẫn thiền sư Bảo Giác(?-1173), khi tu luyện để “cái tâm đạt ngộ đã viên mãn” cũng đã “lại nhìn sâu vào cõi “không”, cõi tịch mịch “chân như, tức hướng tới vô ngã:

 

Vạn pháp quy không, vô sở y,

Quy tịch, chân như mục tiền ky

Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ,

Thủy thủy tâm nguyệt dẫn tâm nghi.

(Muôn pháp về không, không tựa nương,

Chân như trước mắt một con đường.

Cái tâm liễu ngộ khôn nơi chỉ,

Như bóng trăng nằm đáy đại dương

(Đỗ Văn Hỷ dịch)

 

Cuối cùng, tác giả muốn viết thêm đôi điều về mối tương đồng giữa đạo Phật và khoa học. Ở thời hiện đại này, khi nghiên cứu về Đạo Phật người ta đã nhận ra một điều kỳ diệu là, đạo Phật không chỉ là những bài học luân lý, những triết lý nhân sinh, mà còn là phương thức nhận thức về bản thân con người và thế giới, tức có ý nghĩa y học và khoa học. Đức Thích Ca sau khi tu khổ hạnh sáu năm thất bại, chính bằng Thiền định, chứng được tứ thiền, chứng lục thông, giải thoát, giác ngộ đắc đạo thành Phật không phải là truyện thần thoại mà là hiện thực, và có phương thức tu luyện. Những năng lực siêu nhiên như Thiên nhãn thông (nhìn qua khoảng cách, chướng ngại); Thiên Nhĩ Thông (nghe được mọi âm thanh); Tha Tâm Thông (biết được suy nghĩ của người khác); Túc mạng thông (nhìn thấy kiếp quá khứ của mình và người khác) v.v…  không chỉ riêng Đức Phật có được, mà cùng thời, tôn giả Mục-kiền-liên, đệ tử hàng đầu của Phật, cũng là bậc thần thông đệ nhất. Theo chuyện Ngạ quỷ (http://phattuviet nam.net/ptvn/viewtopic.php?t=626&sid=13f48936876494213 0be0626b677 fd9e), một hôm Đại Đức Mục Kiền Liên vừa mới đắc được "Lục thông"… và do nhờ nhãn thông mà thấy được các thứ ngạ quỉ… đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch qua câu chuyện vừa thấy … Đức Thế Tôn nói rằng:

- Nầy các thầy Tỳ khưu. Các thứ ngạ quỉ nầy, Như Lai từng thấy nhiều lần, nhưng không muốn đem ra nói cho ai, vì không bằng cớ là không người thứ nhì cũng biết. … trước kia Như Lai không nói ra, vì nếu Như Lai nói ra có nhiều người không tin cho rằng Đức Thế Tôn là một vị pháp vương, muốn nói sao thì nói, không ai hiểu biết được…Nầy các thầy Tỳ khưu, các thứ ngạ quỉ nầy xưa kia là những người trong xứ Ma Kiệt Đà đã làm những điều tội ác vậy"…

 

Không chỉ Tôn giả Mục Kiều Liên, nhiều thiền sư, đạo sĩ dày công tu luyện cũng đã thành tựu những khả năng siêu nhiên như vậy, và ngay thời hiện đại này, do nhiều cơ duyên khác nhau, đặc biệt do những biến cố đặc biệt như tai nạn hoặc bệnh tật, một số giác quan của một số người phàm cũng được khai mở, tạo nên những khả năng đặc biệt trong việc tìm mộ và trong các hiện tượng tâm linh khác. Chính hiện tượng này đã mở ra nhiều chân trời mới của nhận thức thực tại, thách thức cả nền khoa học hiện đại.

           

Tất cả các giáo lý của đạo Phật được xây dựng trên nền tảng thực chứng của đức Phật, của các vị tu hành đắc đạo bằng con đường Thiền định, cũng có cơ sở khoa học.

 

Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế kiết già (thế hoa sen), dù không cố gắng nhập định, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người trầm tĩnh và minh mẫn, nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những tác dụng khác của việc ngồi thiền.

 

Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải, là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng "thông khí trệ", "sơ tiết vùng hạ tiêu" và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng "Dưỡng âm kiện Tỳ" và "Sơ Can ích Thận" mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục. (Theo Lương y VÕ HÀ trong http://www.ykhoanet.com/yhoccotruyen/voha/vh005.htm).

Như vậy các vị thiền sư và võ sư, qua quá trình tu luyện công phu bằng thiền định và khí công, đã diễn ra một quá trình biến đổi từ tâm lý đến sinh lý, đã làm khởi phát những tiềm ẩn của cơ thể, tạo nên những năng lực siêu phàm.

 

Chính bằng năng lực siêu phàm ấy, cách nay hơn hai thiên kỷ rưỡi, Đức Phật đã thấy những điều mà nhiều nhà khoa học, với trí tuệ xuất chúng và những phương tiện nghiên cứu tối tân nhất, mới thấy lại. Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã nói: “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng" (Science without religion is lame. Reigion without science is blind) , ông đã phát biểu một câu rất nổi tiếng về đạo Phật như sau:

 

Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu. Nó cần phải vượt trên một Thượng Đế cá nhân và tránh những tín điều và lý thuyết. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn tinh thần, nó cần phải được đặt trên cơ sở tín ngưỡng cảm thấy và xuất hiện từ kinh nghiệm của mọi sự vật của tự nhiên cũng như tinh thần như một tổng thể đầy ý nghĩa. Phật giáo trả lời được những diễn tả này.  Nếu có bất cứ một tôn giáo nào đó có thể đương đầu được với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì nó sẽ là Phật Giáo”.

 

(The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious (tín ngưỡng, niềm tin) sense (cảm thấy) arising(xuất hiện, phát sinh) from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description(diễn tả). If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism).

Einstein còn nói:

 

PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN XÉT LẠI QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CẬP NHẬT HÓA VỚI NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI CỦA KHOA HỌC. PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN TỪ BỎ NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CHẤP NHẬN KHOA HỌC, BỞI VÌ PHẬT GIÁO BAO GỒM KHOA HỌC, ĐỒNG THỜI CŨNG VƯỢT QUA KHOA HỌC”. (Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to  science, becauseit embrances science as well as goes beyond science). (Từ: Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp, stanford, edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm”). (Dẫn theo GS. Trần Chung Ngọc, bài  “VÀI NÉT VỀ: PHẬT GIÁO & KHOA HỌC” (http://www.buddhismtoday. com/viet/ kh/phatgiaovakhoahoc.htm), (Đông La dịch lại).

 

Trong thực tế các khám phá của khoa học không mâu thuẫn với tư tưởng Phật Giáo, chưa kể có những chỗ các tư tưởng Phật giáo còn đi trước khoa học khá xa. GS Trần Chung Ngọc cũng cho “VÀI THÍ DỤ VỀ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐÃ ĐI TRƯỚC KHOA HỌC”: 1.Về thế giới vô cùng nhỏ: đức Phật thường khuyên các đệ tử trước khi uống nước hãy niệm chú để phổ độ cho các vi chúng sinh có trong nước vì ngài thấy trong mỗi bát nước có tới 84000 sinh vật nhỏ mà mắt người thường không nhìn thấy. Hơn 21 thế kỷ sau, năm 1595, các khoa học gia đã phát minh ra cái kính hiển vi đầu tiên và mới thấy lại cái nhìn của Đức Phật. 2Về Thế Giới Vô Cùng Lớn:  kinh Phật cho thấy thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất và cũng không phải là trung tâm, vũ trụ còn có rất nhiều thế giới khác, phân thành 3 loại: Tiểu Thiên Thế Giới, Trung Thiên Thế Giới, và Đại Thiên Thế Giới. Quan niệm này hầu như tương hợp hoàn toàn với những kiến thức ngày nay của những nhà thiên văn hay những nhà vật lý thiên thể.  Một Tiểu Thiên Thế Giới có thể so sánh với một thiên hà (galaxy).  Một Trung Thiên Thế Giới có thể so sánh với một chùm thiên hà (galactic cluster), và một Đại Thiên Thế Giới có thể so sánh với cái mà Hannes Alfven gọi là siêu thiên hà (metagalaxy).

 

Trong khi đó, Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Thế giới hải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn....hoặc hình như nước xoáy... hoặc hình như hoa ... có vi trần số hình sai khác như vậy”.

 

Rồi: "Chư Phật tử tất cả các chủng đó hình trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình xoáy nước, hoặc hình trục xe… hoặc hình hoa sen… có vi trần số hình trạng như vậy”.

 

So sánh với những khám phá của khoa học, Phật giáo đã mô tả vô cùng chính xác. Chính do thiền định Đức Phật và các Đại Bồ Tát đã đạt lục thông, có thiên nhãn, nên đã nhìn thấy và mô tả chính xác về vũ trụ như trên.

 

Sau đây là vài hình ảnh mà các khoa học gia đã chụp được trong vũ trụ đã được Kinh Hoa Nghiêm mô tả:

Xem ảnh :

     

1-Hình xoay chuyển của Thiên Hà NGC 523 Sculptor      

2-Hình bánh xe của Thiên Hà Andromeda

3-Hình nước xoáy của Thiên Hà NGC 2997 Spiral                     

4-Hình hoa nở của Thiên Hà Trifid

5-Hình vòng nhẫn của khối tinh vân 250px-M57                

6-Hình núi Tu Di của Thiên Hà M104

 

Quan niệm nhìn vũ trụ một cách toàn ký (The holographic view of the universe) bắt nguồn từ sự khám phá ra kỹ thuật chụp hình toàn ký (holography), cũng đã khám phá lại một phần của một quan niệm rất quen thuộc trong Phật Giáo: một là tất cả, tất cả là một.

 

Toàn ký là một kỹ thuật chụp hình bằng ánh sáng giao thoa của hai tia LASER. Hai tia này được tách từ một tia đơn sắc, một tia được chiếu trên vật muốn chụp, dội lại và giao thoa với tia còn lại tạo vân giao thoa tác dụng lên phim ảnh.  Khi ta chiếu qua tấm phim này một tia LASER khác, cái hình nổi của vật được chụp sẽ hiện ra. Nhưng điểm kỳ diệu của kỹ thuật toàn ký là, nếu ta cắt tấm phim làm hai hay nhiều mảnh, thì mỗi mảnh nhỏ vẫn tạo ra nguyên hình của vật được chụp. Trước đó rất lâu, kinh Phật đã ghi:

 

Đức Phật chỉ cho chúng sanh thấy rõ, các pháp hiện hành trong vũ trụ  như hoa trong gương, như trăng dưới nước.  Tất cả vạn pháp đều từ tâm sanh.  Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải.  Hạt cải có thể chứa vạn pháp.  Tất cả là một, một là tất cả. (Kinh Hoa Nghiêm).

 

Đến đây, tác giả xin kết thúc bài viết này bằng một cuộc vấn đáp trích trong “Hỏi Hay, Đáp Đúng. Các câu hỏi thông thường của người phương Tây đối với Đạo Phật. Nguyên tác: Ven. Shravasti hammika. Thích Nguyên Tạng dịch” (http://daitangkinhvietnam.net/nghien-cuu-phat-hoc/phat-hoc-can-ban/781-hi-hay-eap-eung.html)

 

HỎI : Nếu Phật giáo quá tốt đẹp như vậy, tại sao vẫn còn nhiều quốc gia Phật giáo nghèo khổ ?

ĐÁP : Ý bạn muốn nói nghèo khổ về kinh tế ? Đó là sự thật, vì vẫn còn nhiều quốc gia Phật giáo chưa phát triển về mặt này. Nhưng nếu nghèo mà ý bạn muốn ám chỉ về "phẩm chất của cuộc sống" thì có lẽ nhiều nước theo Phật giáo lại rất giàu. Chẳng hạn nước Mỹ, một quốc gia cường thịnh về kinh tế và quyền lực, nhưng lại là một trong những quốc gia có mức độ tội phạm cao nhất thế giới, hàng triệu người già bị con cái lãng quên và chết trong cô độc tại các viện dưỡng lão; nạn bạo lực ở trong gia đình và lạm dụng tình dục trẻ em là vấn đề nóng bỏng. Cứ ba cặp cưới nhau có một cặp ly dị; sách báo đồi trụy dễ dàng tìm thấy. Vì vậy, giàu theo nghĩa có tiền nhưng lại nghèo về "phẩm chất cuộc sống". Bây giờ chúng ta thử quay sang Miến Điện, một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, nhưng cha mẹ được con cái tôn vinh và kính trọng; tỉ lệ tội phạm tương đối thấp; vấn đề ly dị và tự tử hầu như không nghe thấy; việc bạo lực trong gia đình, lạm dụng trẻ em, sách báo kích dục và nạn mãi dâm không thể có. Một nền kinh tế chậm tiến nhưng lại có một nền tảng đạo đức xã hội cao hơn một quốc gia như Hoa kỳ. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nhìn thấy những quốc gia Phật giáo theo cái nghĩa kinh tế như vậy, thì một trong những quốc gia giàu có nhất và có nền kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay là Nhật Bản, nơi có 93% dân số là tín đồ theo Phật giáo.

 

TPHCM ngày 24-11-08

Đông La
Số lần đọc: 2688
Ngày đăng: 01.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn tế thập loại chúng sinh và chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du - Võ Phúc Châu
Khái quát cuộc đời và sự nghiệp Michel Foucault (1926-1984) - Khổng Ðức
Văn chương việt trong bối cảnh hậu hiện đại - Hà văn Thùy
Âm nhạc trong truyện Kim Dung - Võ Công Liêm
Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài. - Đại Lãn
Truyện thơ Lục Vân Tiên - sự tiếp biến ba tư tưởng Nho, Phật, Đạo - Võ Phúc Châu
Goncourt 2008 - đôi cú sốc hân hoan và nhói lòng - Phú Khê
Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta - Đông La
Viết sự thực và trách nhiệm của ngòi bút trước sự thực - Nguyên Hồng
Những điều cần bàn về một công trình triết học : đọc tư tưởng phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu - Đông La
Cùng một tác giả
Đêm hoang (truyện ngắn)
Bài toán (truyện ngắn)
Lễ tưởng niệm (truyện ngắn)
Ân nhân (truyện ngắn)
Lang thang (truyện ngắn)
Ngôn ngữ thơ (tiểu luận)
Họa vô đơn chí (truyện ngắn)