Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
615
116.672.274
 
Vài suy nghĩ về văn chương sau “vụ” hậu hiện đại
Đông La

Trước hết tôi xin cảm ơn trang VanVN.net đã đăng bài “Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta”của tôi  từng đăng trên (http://www.vanchuongviet.org/) cùng sự trao đổi qua lại cởi mở. Tuy là trang web non trẻ nhưng với vị thế là trang của trung tâm nền Văn chương VN, cùng với cách làm việc tôn trọng dân chủ và sự sáng tạo của BBT, tôi tin là rồi nó sẽ trở thành một nơi sôi động nhất, độc giả sẽ tìm thấy ở đây những sự sáng tạo giá trị và những chuẩn mực của tri thức và học thuật. Trước tình trạng gương mặt của không chỉ nền phê bình mà của cả nền Văn chương VN được dựng lên còn mờ nhạt, thậm chí còn sai lệch, méo mó; dù rằng, thực tế chúng ta không thiếu nhân tài và cả những tác phẩm có giá trị đã được chào đời. Bản thân tôi đã từng băn khoăn rất nhiều, tại sao có những tác giả rất nổi tiếng lại nói rằng mình thành công là do gặp may? Vậy những người thực tài khác không may thì sao? Tại sao có những tác phẩm, về học thuật có thể có những giá trị nhất định, nhưng xét toàn diện về nội dung, ý tứ, có thể nói là phản đạo lý, phản nhân văn, phản khoa học nhưng lại được, trước hết một vài tên tuổi khơi mào, rồi tiếp theo như phản ứng dây chuyền, cả diễn đàn xúm lại với tâm lý của người chơi chứng khoán giai đoạn “bong bóng”, thi nhau thổi phồng, tung hô, thần tượng hóa; để rồi cuối cùng cả tác giả và tác phẩm trở thành tiêu biểu của nền văn chương VN! Ví dụ có tác phẩm cho cuộc kháng khiến bảo vệ Tổ quốc là vô nghĩa, những tác phẩm bôi đen lịch sử, có tác phẩm phê phán những lý thuyết khoa học học vĩ đại đã trở thành thành tựu của nền văn minh (như Thuyết Tương đối của Einstein, thuyết Tiến hóa của Đac-uyn, những cặp phạm trù cơ bản của khoa học và triết học: Không gian- Thời gian; Nguyên nhân- Kết quả v.v…) (xin đọc một số bài của tôi trên mạng Vanchuongviet.orgTrieuxuan.info

). Tương tự, trong lĩnh vực phê bình, có cây bút từng là hàng đầu VN như Trần Mạnh Hảo, cũng có những sai lầm ngô nghê và buồn cười. Đỗ Ngọc Yên trên VanVN.net (2/27/2009 7:42:37 AM) viết: “… khi đọc… “Thơ phản thơ” của Trần Mạnh Hảo thì thấy tính chuyên nghiệp của… cây bút này rất ít, nếu không muốn nói là hình như không có”. Tôi xin chứng minh hộ anh, trong cuốn Biên Độ Của Trí Tưởng Tượng (Nxb Văn học, tr. 263), tôi đã viết: “Khi phản bác Nguyễn Hữu Sơn… TMH viết: “Siêu thực và hiện thực là hai mặt của một thực thể”… đây là một ý tưởng vô nghĩa. Bởi một thực thể chỉ tồn tại là chính nó… tức chỉ có mặt hiện thực. Còn siêu thực không phải là mặt tồn tại của sự vật mà là một quan niệm sáng tạo của một trào lưu văn học”; rồi “về tính siêu thực… TMH có những mâu thuẫn, khi thì chê bai phỉ báng, khi lại coi nó như một tiêu chuẩn cao siêu…: “Thi ca phương Đông, những bài hay nhất đã rất siêu thực” (BĐCTTT, tr. 281).

 

Tiếc rằng những tác giả, tác phẩm như vậy đã từng hoặc vẫn đang là tiêu biểu cho nền Văn chương VN; trái lại, khi làm biên tập thuê cho Nxb Văn học (thường chỉ làm BT người ta mới đọc của nhau kỹ hay sao ấy), tôi ngạc nhiên và thích thú khi gặp nhiều tác phẩm có giá trị của những cây bút gần như vô danh. Trong mênh mông rừng chữ, rừng nghĩa, có biết bao hạt vàng, hạt ngọc còn lẫn trong cát, trong cỏ? Tiếc lắm thay!

           

Quả thực, chuẩn về giá trị, về học thuật ở nền văn chương VN còn rất nhiều điều cần bàn. Tôi rất mong trang VanVn.net chính là “mảnh đất dụng võ” cho các nhà sáng tạo Văn chương và Học thuật thao diễn tài năng, để dần tạo nên những chuẩn mực đó. Qua bài của ĐNY, tôi cũng buồn vì thấy có quá nhiều nhà phê bình cao giọng phán về những điều lớn lao nhưng lại chỉ bằng con mắt của loài dơi và không gian trí tuệ đáy giếng. Tôi cũng rất thú vị khi đọc qua ĐNY ý kiến của Huệ Vân, một sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách Khoa, không học văn (giống tôi) nhưng lại có nhận xét rất tinh về văn: “Điểm mạnh nhất của các nhà phê bình Việt Nam là phê bình lẫn nhau. Rất nhiều công trình ra đời với mục đích công kích cá nhân hơn là phân tích thực sự về tác phẩm. Những người chuyên viết về văn học đương đại thì bị gọi là xu thời, chạy theo thị hiếu người đọc, còn những người say sưa nghiên cứu về văn học cổ lại bị phê phán là chỉ dám viết về những giá trị đã định hình, không đưa ra được nhận định về những cái mới, cái hiện tại. Thế nào họ cũng nói được”. Tuy nhiên, độ chính xác của nhận định này mới ở cấp định tính, vì nó không đúng ngay với trường hợp của tôi. Tôi từng phê bình về phê bình của TMH, Trần Đăng Khoa, Đỗ Minh Tuấn, nhưng tôi phê bình văn thơ nhiều hơn, như thơ Chế Lan Viên, Hoài Anh, Nguyễn Quang Thiều; văn Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trung… Tất cả đều đã được đăng báo, tạp chí, in sách và tải trên mạng; và được không ít bạn viết tâm đắc. Tôi không thể trách Huệ Vân được, vì làm sao mà cô biết đến tôi, khi tôi không phải là một đối tượng được lăng xê hoặc một ngọn cờ được dựng lên.

           

Về “vụ” HHĐ của tôi thì có lẽ đúng như điều Huệ Vân viết, tôi thật e ngại khi phải gặp lại lối phê bình mà tôi thấy là rất ác. Nhiều tác phẩm có khi cả đời tâm huyết tác giả tạo mới ra được, lại không được khảo sát toàn diện và được đánh giá công tâm, chỉ được “liếc” qua, hoặc từ vài chi tiết, có thể bị phán chung chung là nhạt, là non kém về nghệ thuật, mà thực tế tài văn của người thẩm định non kém hơn tác giả rất nhiều. Kiểu phê bình như vậy rất giống hành động nhỏ một vài giọt uế tạp để làm hỏng cả một nồi canh thơm ngon. Nếu như tất cả độc giả đều có trình độ, tự phân biệt được đúng sai thì sự phê bình thiếu tâm và tài không cần phải để ý, tiếc rằng thực tế không được như vậy. Chính vậy từng đẻ ra một hiện tượng lạ nhất trong nền phê bình VN, nhà phê bình sai là chủ yếu nhưng lại được rất nhiều người cổ vũ, tán thưởng, từng rất “hot” là TMH. Bài viết về Chủ nghĩa HHĐ, tôi viết khá công phu, phải tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, chỉ để đưa ra vài ý kiến, không ngờ NVD vì cũng đã viết, đã lấy mình làm chuẩn mực, phê phán tôi dùng khái niệm métarécits mà không ngờ rằng đã phê phán chính Lyotard, vì chính Lyotard đã dùng khái niệm đó trong định nghĩa HHĐ nổi tiếng của ông.

           

Khi tôi đã bác được điều này, NVD lại làm một việc rất lạ là mang từ điển ra dịch những vấn đề trừu tượng của khoa học theo nghĩa đen trong lần góp ý thứ 3 này: “chữ "relation" trong tiếng Pháp có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa "sự kể lại, sự tường thuật”. Ở đây phải dịch là "Sự kể lại bằng cách viết ra chữ hoặc bằng lời nói những sự kiện có thực hoặc tưởng tượng”. Vì thế, chữ "récit” chỉ có nghĩa là "câu chuyện”. Còn từ "texte” của tiếng Pháp và từ "text” của tiếng Anh chỉ có nghĩa là "văn bản”. "Câu chuyện” và "văn bản” khác nhau nhiều lắm. Lần sau, nếu tác giả muốn thay đổi nghĩa của từ nước ngoài, thì tác giả nói rõ ngay từ đầu bài viết (và chua thêm là đã được những người nói thứ tiếng đó đồng ý cho phép tác giả sửa nghĩa), để chúng tôi khỏi phải mất thì giờ tranh luận”.  Ở đây trong “nhiều nghĩa” của relation, NVD lại chọn nghĩa không phù hợp nhất để dịch. Nếu mọi người hiểu Chủ nghĩa HHĐ đều thống nhất như Thụy Khuê “Những chữ grand récit, métarécit… được Lyotard dùng để chỉ định những lập thuyết lớn như những tư tưởng chủ đạo thời Ánh sáng, hệ thống triết học Hegel, hệ thống triết học Karl Marx…” mà chính NVD cũng viết “Khái niệm "đại tự sự” của Lyotard được ông dùng để chỉ các "lý thuyết toàn trị” (.. "théories universelles)… và ông nêu ra hai "đại tự sự” để minh hoạ: chủ nghĩa duy lý thế kỷ Ánh sáng ở châu Âu và chủ nghĩa Mác”, thì chữ “relation” dịch là “sự liên hệ”“récit” dịch là “văn bản” phù hợp hơn cách dịch của NVD: “relation” là “sự kể lại” và “récit”  là “câu chuyện”, vì người ta hoàn toàn có thể viết: “với sự liên hệ ý nghĩa các yếu tố chữ viết và ngôn ngữ, Mác đã viết ra một siêu văn bản - Chủ nghĩa Cộng sản”; chứ không ai viết theo NVD: “Mác đã kể lại bằng cách viết ra chữ hoặc bằng lời nói câu chuyện lớn - Chủ nghĩa Cộng sản”! Quả thực, “Câu chuyện" và "văn bản" khác nhau nhiều lắm” như ý NVD, nhưng như vừa phân tích, ông đã viết ra để tự phê phán chính mình! Tóm lại, “sự liên hệ”“văn bản” có ý nghĩa bao quát hơn, phù hợp với ngôn ngữ học thuật hơn là “sự kể lại”“câu chuyện”. Tương tự, métarécit được dịch là “siêu văn bản” phù hợp hơn là “câu chuyện lớn” và “đại tự sự”. Những chủ thuyết là những tập hợp tri thức cao cấp, mà tri thức thì không phải là “chuyện” và “tự sự”! NVD và nhiều nhà nghiên cứu hải ngoại đã không chỉ không hiểu tiếng Pháp mà còn không hiểu cả tiếng Việt!

 

Khi dùng nghĩa đen, nghĩa thông tục dịch những khái niệm của học thuật, NVD đã không hiểu điều quan trọng nhất của tư duy nghiên cứu. Trong khoa học xã hội nói chung, các chữ của một khái niệm chỉ là cái vỏ, mà nội hàm, ngoại diên của nó mới là cái chính. Với KHTN, những công thức khoa học chỉ cần những chữ cái và những dấu hiệu (như lămđa (λ), epxilon (ε), pi (π)…) nhưng lại diễn tả được những quy luật lớn lao. Cái từ quark kỳ cục vô nghĩa nhưng đã vô cùng nổi tiếng khi được Murrey Gell Mann dùng để chỉ những hạt cấu tạo nên nhân nguyên tử, mà ông đã hứng chí lấy từ cuốn tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce. Trong lý luận văn học, chữ Suréalisme do Apollinaire đề xuất năm 1917 để chỉ Chủ nghĩa Siêu thực không phải được dùng ngay từ đầu, mà trước đó ông đã dùng surnaturalisme nhưng rồi bỏ, vì ông thấy nó đã được dùng bên triết học.

           

Còn Nguyen Van Nam (ngvannam@yahoo.com.vn) nào đó viết:    

Đông La nói rằng ông ấy dẫn nguyên văn định nghĩa Hậu hiện đại của Lyotard. Cái định nghĩa nguyên văn ấy ông Đông La trích từ công trình nghiên cứu của Thuỵ Khuê (mà lại là công trình trên mạng). Trích văn từ nguồn "hai”, mà ông Đông La gọi là "nguyên văn”!. Chỉ riêng chuyện này thôi, tôi đã muốn khuyên ông Nguyễn Văn Dân chẳng nên tranh luận với Đông La làm gì!”. Đọc câu này tôi thật buồn cười, cái nhà ông này còn chưa hiểu những từ đơn giản của tiếng Việt nói chi bàn đến những vấn đề học thuật rắc rối. “Nguyên văn” có nghĩa là nguyên một đoạn, nguyên một câu … văn nào đó, thế thôi! Còn nếu tôi viết: “tôi trích “nguyên gốc” tác phẩm của Lyotard” mà thực tế lại qua Thụy Khuê thì ông chê vậy là đúng. Có điều đây chỉ là những điều vụn vặt, những nhà nghiên cứu mà chỉ quan tâm như vậy thì không biết sẽ sáng tạo ra cái gì đây? Nguyen Van Nam chê thông tin tri thức từ “nguồn hai” cũng cần phải phê phán, vì loài người đã và đang không chỉ tiếp nhận tri thức từ nguồn 2 mà có thể từ nguồn 1000, nguồn 1 tỷ. Như tôi tiếp cận Thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử từ nguồn không biết bao nhiêu thì tri thức của tôi vẫn hoàn toàn có giá trị.

           

Vì không muốn làm phiền độc giả nữa, tôi xin tự “phạt thẻ đỏ”, không tranh luận nữa sau bài này, vì còn nhiều việc cần làm.

 

Tp.HCM - 28-2-09

Đông La
Số lần đọc: 2816
Ngày đăng: 01.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
John Updike : Một ngôi sao văn học đã ra đi - Võ Công Liêm
Thơ của người đang trẻ - Lê Khánh Mai
Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo-1 - Sam Harris
Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo-2 - Sam Harris
Ngôn ngữ và luận lý học - Nguyễn Ước
Cháu nội Triệu Đà tên gì? - Trương Thái Du
Thấy và Tin - Jerry A. Coyne
Charles Darwin – Con người và thuyết tiến hóa - Nguyễn Đức Hiệp
Thơ – Bí mật sự sáng tạo và cái chết - Nguyễn Nhã Tiên
Vài giòng thêm về thơ Bút Tre - Đông La
Cùng một tác giả
Đêm hoang (truyện ngắn)
Bài toán (truyện ngắn)
Lễ tưởng niệm (truyện ngắn)
Ân nhân (truyện ngắn)
Lang thang (truyện ngắn)
Ngôn ngữ thơ (tiểu luận)
Họa vô đơn chí (truyện ngắn)