Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
399
116.755.370

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cổ vật Lý - Trần: Không nhiều như chúng ta tưởng!
200 hiện vật tinh chọn với nhiều chất liệu lần đầu ra mắt công chúng tại phòng trưng bày Cổ vật Lý, Trần - dấu ấn văn minh Đại Việt thế kỷ 11 -1 4 (Bảo tàng Lịch sử VN). Số hiện vật này dù sao cũng chỉ cố gắng phác họa những nét tổng quan lịch sử, văn hóa, xã hội của thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc Việt.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là thời kỳ “Phục hưng” sau đêm trường Bắc thuộc của văn hóa Đại Việt.

 

TS Phạm Quốc Quân cho biết: Riêng về đồ vàng bạc, chúng ta mới chỉ có 2 sưu tập, một là những chiếc đĩa vàng chế tác tinh xảo tương truyền của công chúa Lý, nay đặt ở Ngân hàng Hưng Yên (an toàn hơn là bảo tàng!), hai là trang sức (7 lượng vàng) tìm thấy trong ngôi mộ hoàng tộc Trần ở Phú Diễn (Hà Nội).

 

Các học giả nước ngoài từng khen ngợi Việt Nam như một “cường quốc gốm sứ trong lịch sử”, mà tiêu biểu là gốm hoa nâu. Gốm Việt nói chung, gốm hoa nâu nói riêng, đã thể hiện sự riêng biệt cả trên chất liệu lẫn kỹ thuật chế tác và hoa văn trang trí.

 

Ông Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN nói hình ảnh: “Hồi quang Đông Sơn đã xuyên qua màn đêm thiên niên kỷ để hội nhập với nhiều thành tố khác, tạo nên sức sống Đại Việt”.

 

Đồ đất nung thời Lý - Trần khá đậm đặc, và theo một số nhà khoa học, tài nghệ kiến trúc đất nung của Đại Việt có ảnh hưởng không nhỏ đến kiến trúc đền tháp Chăm Pa, mà phát hiện gần đây ở Mỹ Sơn với viên gạch có chữ “Trần” là một minh chứng?

 

Đồ đá Lý - Trần cũng tương đối phổ biến. Những sưu tập ở Phật Tích (Bắc Ninh), Chương Sơn (Nam Định), Long Đọi Sơn (Hà Nam), và đặc biệt, Hoàng thành Thăng Long có thể coi là những giá trị đặc trưng nhất của nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý - Trần.

 

Hoa văn hình hoa sen, hoa cúc, dây, lá đề, chim thần, vũ nữ... trưng bày ở cuộc này không những phản ánh một nền nghệ thuật Phật giáo độc tôn mà qua đó còn lấp lánh một tinh thần Đại Việt với sức sống tự thân và hội nhập tạo nên nền nghệ thuật độc lập, không phải Hoa Hạ hay Ấn Hằng.

 

Tuy nhiên, khách quan mà nói, chúng ta chưa hẳn nhận thấy sự phong phú của di vật mà cha ông từng sở hữu. TS Phạm Quốc Quân nói: Nhìn lại kho tàng cổ vật thời Lý - Trần, dù chưa đầy đủ, nhưng có thể khẳng định rằng, chúng không phong phú như ta tưởng.

 

Những chất liệu được coi là nhiều như đồ đá, gốm được lưu giữ trong mỗi di tích, mỗi bảo tàng và sưu tập tư nhân có thể đếm trên đầu ngón tay. Chính sử chép rằng kiến trúc Lý - Trần vô cùng đậm đặc, nhưng ở cuộc trưng bày, chỉ thấy sự hiện diện (còn tương đối hoàn hảo) nằm ở cánh cửa chùa Phổ Minh, mộc bài Đa Bối, cọc gỗ Bạch Đằng... Đồ đồng còn lại đến hôm nay rất ít.

 

Đàn đồng Thanh Oai (Hà Tây), chuông Vân Bản (Đồ Sơn, Hải Phòng), trống đồng Dân Hạ (xóm Rậm, Hòa Bình) được xem là đại diện sáng giá cho đồ đồng TK 11 - 14 may mắn còn đến ngày nay. Đồ đồng - vốn được sử cũ ghi là quay trở về truyền thống Đông Sơn - lại hiếm hoi vậy sao?

 

Giải thích cho điều này khả dĩ hơn cả là chính sách đốt sạch phá sạch của Minh Thành Tổ khi xâm chiếm Đại Việt, bên cạnh sự tàn phá của thiên nhiên vùng nhiệt đới và chiến tranh liên miên mà dân tộc Việt phải đương đầu.

 

Trong tương lai gần, Bảo tàng Lịch sử VN sẽ tổ chức cuộc sưu tầm hiện vật trong 5 năm nhằm chuẩn bị cho sự hình thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Dự án đang được trình Bộ VHTT phê duyệt.

 

Theo một chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, giới khảo cổ không dám khai quật vì sẽ khiến tình trạng đào bới tự phát bùng nổ trong dân. Và Nhà nước sẽ không bao giờ có thể mua hiện vật với giá cả và cơ chế 3 hội đồng như bây giờ.

 

Một trong những mục tiêu của Bảo tàng Lịch sử VN là hướng tới 995 và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng trong khi di vật Lý - Trần còn “hẻo” như thế, liệu giới khảo cổ và sử học có tự hào được không?

 

Ảnh trên: Ấm men ngọc (Sưu tập Nguyễn Đức Hiền)

Ảnh dưới bên trái: Ấm hoa nâu (Sưu tập Nguyễn Hữu Thái)

Ảnh dưới bên phải: Ấm men nâu (Sưu tập Nguyễn Lê Huy)

Trần Thanh - TPO