Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
594
116.826.470
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 2

Ông lấy cuốn sổ ra tính toán, ngước nhìn quạt máy vù vù trên trần... phán:

- Năm sinh 41, tuổi Tân Tỵ, cung Tốn. Năm này nằm trong hạn tam tai, gặp nhiều nghịch cảnh chua cay. Tuổi Tỵ chết giờ Tý, không tốt.- Ông bác sĩ bảo đem máy giúp thở tới, có thêm ông y tá mặc áo xanh da trời đi cùng. Giờ họ ngưng ấn vào ngực ông anh. Họ rọi đèn vào miệng, họ nhét cái ống trong trong, cong cong như sừng trâu vào. Ống dài khoảng hai tấc. Họ cho ống nối vào máy. Máy chạy. Lồng ngực anh Quý nhấp nhô lên xuống lần nữa:

- “Ông anh đang thở lại rồi đó - Bác sĩ giải thích - Tôi ráng kéo dài cuộc sống tới giờ Mẹo sáng ngày mai. Giờ đó ông chết, thì đại kiết”. Y như bác sĩ nói, lúc sáu giờ sáng hôm sau, ông cho rút ống thở, ngưng máy thở. Anh Đinh Quý chết đúng giờ Mẹo, ngày Thìn. Mọi chuyện ắt sẽ tốt...

·

 

Rạng sáng thứ bảy, ông bác sĩ tốt bụng, lăng xăng chạy lên phòng y vụ làm giấy khai tử, mướn dùm xe hồng thập tự. Phát ngồi đợi ông giao ban xong, đợi ông chạy về nhà lấy dụng cụ – nhang đèn, áo dài quần ta, khăn đóng.

Xác anh Quý tròn trong chiếc chiếu nhỏ, bát nhang đặt bên trên, khói tỏa lan trong căn phòng phía sau bệnh viện. Bóng những cây trứng cá che kín bên ngoài. Căn phòng vắng im càng thêm thê lương ghê sợ.

Anh Quý giờ đây được rửa sạch. Lớp băng gạc nhầy nhụa máu được cô y tá tốt bụng tháo bỏ. Vô số vết đen đỏ còn lại trên lớp da tái xanh. Phát hỏi chị:

- Chân tay trái anh Quý đâu rồi?

- Chị không biết ở đâu! Bay mất rồi.

Phát mua miếng vải trắng, phủ kín thi thể anh Quý. Lấy cuốn thơ trong túi xách, mở tìm bài thơ ngày xưa anh Quý thích nhất. Phát úp nhẹ bài “Kiếp đọa đày” lên mặt anh mình. Cuốn thơ lưu giữ mấy chục năm, có nhiều bài hai anh em thích ngâm nga mỗi ngày.

Anh lại cắm thêm nén nhang vào ly gạo. Ly thủy tinh nhỏ mua lại của chị bán cà phê gần cổng nhà xác.

Phòng vắng lặng. Tiếng chim sâu hót lan man trên cành cây trứng cá. Khúc nhạc buồn. Những trái trứng cá đỏ rụng trên sân.

Phía ngồi trên ghế đá chờ ông bác sĩ Chương trở lại... Bên kia đường có bệnh viện điều trị lao phổi. Kiến trúc cổ, màu vàng nhạt, có đám người mặc áo trắng nhầu nát ngồi trên cỏ hứng ánh nắng ban mai. Im lặng, buồn tênh. Nghe được tiếng chuông từ nóc nhà thờ Chúa cứu thế. Nóc nhà thờ cao ẩn sau đám mây xanh. Chúa trên cao, nhìn người lại người bị đẩy xa bến bờ. Đời quá nhiều khổ nạn trầm luân!

 

Xe chở xác chuẩn bị lăn bánh. Đám đông chụm lại, nhìn vào trong. Có tiếng than:

- Tội nghiệp.

Họ im lặng đưa tiễn. Chuyện người chết đâu có gì là lạ. Nhiều người chết trong một ngày. Khác nhau cái tên cái tuổi. Hoạn nạn khác nhau?

Quá nhiều người họ Đinh chết thảm trong thế kỷ qua. Ba Phát kể: ông cụ chi Tổ chết trong kháng chiến Cần Vương. Ông bà nội chết hôm có nạn đói 45. Ba mẹ chết hôm có vụ ném bom B52 xuống làng A-sầu, chết chung với nhiều người lối xóm. Hai ông chú đi tập kết, đến giờ này chưa có tin tức. Hai anh Phát cũng là nạn nhân của bom đạn do chiến tranh để lại. Chuyện chết chóc không riêng gì gia đình Phát, nó giống như vô số gia đình khác trên quê hương máu lửa không nguôi nầy.

 

Bác sĩ Chương ngồi phía trước cạnh bác tài xế. Ông hỏi:

- Anh sinh năm nào? Tháng nào? Vợ con thế nào?

- Tôi sinh năm 48, tháng mười một.- Phát đáp.

Bác sĩ ghi vào cuốn sổ tay. Bấm mấy ngón tay, nhẩm nhẩm:

- 48 tuổi, Mậu tý, mạng Tích Lịch Hỏa, thần độ mạng là Phật Bà Quan Thế Âm. Sinh mùa đông, trời lạnh, tài lộc trung bình. Thường hiếm muộn, có khi không con, hoặc nuôi con người ta. Lấy vợ thì chọn Bính Ngọ, Nhâm Thìn... không thì lao tâm lao lực... Cuốn sổ của bác sĩ dày cộm, nhiều người chết qua tay ông ghi chú, nhiều người giàu đã có nhờ thầy xem bói. Ông hỏi:

- Anh làm nghề gì?

Phát mở túi xách, kéo cây kèn đồng đưa cho bác sĩ:

- Xưa tôi học trường âm nhạc, học thêm đại học. Ra trường lại trốn lính, dùng cây kèn này kiếm ăn qua ngày. Lập ra một ban nhạc, ban nhạc cuối tuần vào trại lính Mỹ chơi nhạc kiếm tiền sống lây lất.

 

Ông nhìn cây kèn, bao da nhầu nát. Kèn màu đồng lên men xanh, xanh theo ngày tháng đời người. Ông đưa kèn vào miệng, thổi một hơi dài, báo hiệu xe lăn bánh. Phát chỉ qua bên kia sông, nói:

- Chỗ kia là nhà hát lớn, một thời tôi thổi kèn trong đó kiếm ăn. Có đêm ráng thổi kèn, cuống họng nóng như than, khạc ra máu. Có đêm muốn ngất xỉu... Tôi vào Nam khá lâu, dạy kèn nhạc cho tụi trẻ. Đêm khuya sáng tác nhạc. Sáng sớm đem ra quán cà phê Thanh Thế bán cho mấy ông nhạc sĩ có tiếng nhưng lười sáng tác. Tôi cũng có lúc làm việc trên tàu thủy. Đã ghé qua nhiều cảng lớn trên trái đất. Hôm nay về quê gặp anh tôi lần cuối.

 

- Đời có số phần. Kiếp luân hồi nghiệp chướng vay trả- Bác sĩ đáp, nhìn mái tóc dài cong lùm xùm quá ót của Phát:

- Tại sao anh để tóc dài thế?

Phát nhìn ra ngoài, vuốt mái tóc dài, xoa bàn tay ốm, trả lời:

- Tóc tai không quan trọng. Điều quan trọng nhất là cái đang nằm dưới mái tóc.- Anh nhìn bác sĩ Chương cười:

- Giống như bác sĩ thôi mà. Làm nghề thầy cúng, thầy đại như thầy, tóc phải hớt ngắn, ngắn giống sư, người ta mới tin tưởng . Bác sĩ vuốt mái tóc hớt cua, thấy được da đầu, cười khoái chí, nhìn bác tài xế, nói:

- Nhờ làm nghề này, nên đời sống khỏe hơn nhiều. Lương bác sĩ thời nay nhằm nhò gì với nghề tài xế phải không?

Bác tài xế cười toe toét, khuôn mặt còn ửng đỏ vì quá chén đêm qua. Bàn tay gõ nhịp trên tay lái:

- Mấy năm qua, nhờ trời sống được. Đời sống khỏe hơn nhiều. Kiếm cũng khá. Bầy con sáu đứa được đến trường cả. Nghề lái xe thời nay dễ có nhiều vợ. Em thì không. Em vô tư.

Xe chở xác lắc lư, nhịp lên xuống theo ổ gà, ổ voi. Rời thành phố, xe dừng lại, chờ đàn trâu đi giữa đường, chậm rãi nép vào hai bên. Những hàng cây lồ ô bám kín hai bên đường. Thấp thoáng những bóng nhà dưới những cây xoài cây mít. Xa xa, loáng thoáng lăng mộ vua chúa. Nhiều người chôn trong vùng đất thần bí nầy. Hương khói và truyền thuyết ma quái. Trăm ngôi chùa chen chúc.

 

 

Phía xa, dòng Thiên An trên cao nhìn xuống. Dòng tu giàu có và rộng lớn. Có dinh cậu Cẩn, có trại Chín Hầm lắm oan hồn tử sĩ, có cả ngôi mộ bị sét đánh nứt làm đôi...

Bến phà vắng khách. Chiếc phà đưa xe sang sông, theo tỉnh lộ 49 về làng A-sầu. Gần kia có lăng So. Lăng giữ lại xương, giữ lại sọ của người anh hùng áo vải Tây Sơn. Ông vua lừng lẫy một thời. Một thời xương ông bị ném xuống giòng sông xanh. Một thời có người gọi vị anh hùng kia bằng Thằng này, Thằng nọ...

Phát nhắm mắt, đôi bờ mi rung nhẹ, hồi tưởng chuyện xưa. Bên kia sông, kéo dài tận biên giới là vùng đất tự do oanh kích suốt trong cuộc chiến. Bom đạn ngày đêm réo gọi nhau. Hàng ngàn thây ma.

 

Ẩn trong đất đá, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy xương thấy sọ.

Người đã bao đời, vẫn bám sống trên vùng đất cha ông để lại: vùng đất đá còn chôn giấu cưu mang nào là bom mìn chưa kịp nổ.

Vùng đất lạ kỳ, nỗi khổ bởi chiến tranh tiếp nối không dứt, và của các bùa phép mưu toan lợi lộc không tài nào kể hết, cứ trút trên lưng còm của người dân lành!

 

Xe qua phà, chạy trên tỉnh lộ, xa xưa là con đường chiến lược, trải nhựa cho những binh đoàn di chuyển. Lớp nhựa trôi đi, còn lại là sỏi đá lầm than. Một thời người ta đốt cháy cây cỏ hai bên đường bằng những gì có được, để bảo vệ an toàn! Mấy mươi năm sau, cây cỏ, lau sậy không mọc nổi. Đất hoang hóa, chất độc màu da cam chìm sâu vào đất, chìm sâu tới mạch nước ngầm, khe suối. Người, thú, cây biến dạng... cho đến bao giờ?

Báo hiệu sự tàn tạ của đất là vài đám cây lồ ô trên vùng cỏ đá đen. Đồi trọc, núi trọc lại đồi trọc. Giáo đường chơ vơ đổ nát màu ám khói. Nhà cửa miếu đình tối đen. Vài lô cốt của Tây, của Mỹ còn dấu cháy, màu đậm nhạt phân biệt cũ mới. Cũng còn vài hàng tiếng Tây, tiếng Anh, vài chữ ký có ghi năm tháng làm chứng tích ở lại với đời, với người.

 

Trong cánh rừng thông sạm nám bên đường, còn trơ trọi mấy cái cột cao của lăng vua Gia Long đã sập cháy trong thời binh lửa. Con đường dẫn sâu vào núi, vào vùng nhiều huyền thoại. Hôm nay đã có người tụ lại. Vài mái tranh buồn vá víu bên đường. Những đôi mắt thẫn thờ nhìn xe chở xác chạy qua.

Đồi núi trọc nhấp nhô cuộn tròn mây nước phơi dưới mặt trời nóng cháy.

 

Quá nhiều hố bom. Hàng ngày hàng vạn tấn bom đã dội xuống, khoét sâu, sâu đến mạch nước, bắn tung đất đá lên trời. Rồi mưa xuống, nhiều hồ hiện ra, có nước để uống, để sống và xanh cây cỏ.

Những hồ nước cách nhau đều đặn như được quy hoạch từ trời cao. Rau muống xanh xanh mọc cạnh mái nhà tranh hoa bèo tím vươn lên cao từ những vũng nước, dấu tích đọng lại của bom mìn. Đám mây đen từ xa kéo lại muốn che kín con suối Máu, đỉnh núi Kim Quy, đèo Mạ Ơi, mây đen kéo lan tới vùng Bốt Đỏ.

Buổi trưa có cơn mưa giông là lúc xe đến đầu làng A-sầu trong thung lũng sâu. Ngọn “Đồi thịt băm Hamburger” nhìn xuống rừng chuối, nở rộ hoa đỏ thắm. Cơn mưa giông không làm đầy nổi vũng nước trên con lộ đỏ.

 

Phát nhìn con đường đất đỏ dẫn về ngôi nhà cũ. Con đường trông nhỏ bé buồn tênh. Cũng buồn như con hẻm tối mù ở thành phố anh mới giã từ. Nhưng nơi đây có khác, anh nghe được gió rừng, tiếng lặng im của trời đất, hương thơm của lá. Không còn mùi nồng nặc của con kênh đen Nhiêu Lộc cạnh nhà. Một thời con kênh đen là nơi hội tụ tình cờ của những con người trốn tránh đạn bom.

 

Đám đông chạy xe tang có mang dấu thập đỏ. Tiếng gọi nhau, thông báo cho nhau. Đứa bé ngồi trên lưng bò gia roi phóng theo. Mấy con bò phía sau cũng chạy theo. Cuộc diễn hành không thông báo trước đang qua làng A-sầu.

 

Xe dừng trước ngôi nhà cũ. Nhà thờ không còn mái ngói, được lợp bằng tranh nứa. Một quan tài nhỏ đặt bên trong, bốn năm người lạ mặt ngồi uống trà.

Bác tài xế mở cửa sau. Bác sĩ Chương ra lệnh:

- Cho khiêng xác vào trong đi.

Xác cha nằm cạnh hòm con mình. Tiếng thở dài, tiếng khóc nghẹn.

Một ông cụ tóc bạc trắng, mang khố đen sọc đỏ, chống gậy bước vào, ra lệnh:

- Thằng Hồ Ru, Hồ Pin qua nhà tao lấy gỗ, làm hòm nhanh lên.

- Dạ.

Tiếng “dạ” vang to. Hai thanh niên vai trần, mang khố vải, tay cầm ống tẩu dài cỡ ba gang tay, chạy vụt khỏi nhà.

 

Người chị chỉ ông cụ, giới thiệu với Phát:

- Đó là ông Koòng Ki, già làng của thôn này, gần trăm tuổi.

Ông cụ già nhất làng. Bom đạn của mấy cuộc chiến đều tránh ông.

·

Chiều đến, ông bác sĩ thay bộ đồ đen dài, cái khăn đóng xanh cuộn quanh đầu húi cua. Họ đi dạo quanh ngôi nhà, quanh vườn. Mảnh vườn rộng bốn mẫu, có con suối sâu bọc quanh. Nhà thờ nằm vị trí gần phía đường lộ của làng, bên cạnh mái nhà xiêu vẹo của anh Quý. Xa xa là ngọn “Đồi thịt băm”. Ông bác sĩ nhìn từng ngôi mộ, đọc tên trên các bia:

 

- Mấy chục cái mộ trong khu vườn này, chôn quay đầu về suối nên bị động mả. Lần này chôn ông quý, phải chôn cái đầu quay về ngọn núi kia kìa. Sau khi chôn xong, phải làm một bức tường đá, chận mạch nước ngầm của con suối chảy vào đám mộ...

Một lát ông nói tiếp:

- Hôm nay là ngày Thìn, tối ngày giờ Tuất sẽ liệm, ngày mai giờ Ngọ thì chôn. Chỉ có giờ đó mới tốt thôi.

Chị Quý nói:

- Dạ, cám ơn thầy.

 

Phát nhìn ngọn núi xa, than thầm: “Sao mà nhiêu khê đến thế. Chết rồi mà vẫn chưa xong chuyện”.

Khu vườn im vắng hoang tàn, đã là nhân chứng nhiều cái chết bi thảm và nhiều cuộc sống gian lao. Chết tức tưởi như tiếng rống đứt quãng của con bê bị thương đang bị làm thịt lễ tang. Nó nằm quỵ xuống. Nhiều vết thương đen lấm tấm trên lông vàng úa, đôi mắt bò con long lanh ngước lên thẫn thờ. Chuồng bò rung động theo tiếng rống đớn đau đó.

Nhiều năm qua, anh Quý trở về làng xưa chỉ biết chăn bò. Anh không trồng trọt gì. Đâu đâu cũng bom mìn. Anh ngao ngán, sợ hãi. Khu vườn đầy cỏ hoang, chen mấy khóm chuối rừng tự phát. Cây hoang, mây lá phủ lối đi.

 

Mặt trời lặn sau núi tròn trịa như cái bánh Hamburger. Con chó mực thỉnh thoảng tru tréo lên với mấy người khách lạ. Nó muốn nói điều gì? Bầy dơi bay xoàn xoạt trên ngọn cây, rồi vỗ cánh bay đi tìm mồi.

 

Tiếng kinh của ông bác sĩ sao thê lương quá. Tụng niệm, lễ... đều rất điệu nghệ. Nếu Phát không gặp ông trong bệnh viện, chắc chắn không tin nổi ông ta là bác sĩ.

Gian nhà im lặng, chỉ có tiếng khóc thút thít của bà chị dâu và vài người lối xóm. Bốn năm chục người trong làng tụ về chia buồn.

Thân xác anh Quý một lần nữa được rửa sạch.

Giờ Tuất, bác sĩ ngưng tụng kinh. Ông rút trong túi ra cái tán nhỏ bằng nắm tay, gõ len ken, đi vòng quanh xác nhiều lần, miệng đọc thần chú, bàn tay của rảy những giọt nước màu trắng trên xác người.

 

Anh Quý được đặt nằm vào quan tài. Dán kín bùa thiêng. Niêm phong đường đời dục vọng.

Tiếng ểnh ương vang vọng từ con suối. Bầy đom đóm chớp xanh giữa trời đen.

Có ba tộc trưởng của ba bộ tộc gần làng đến dâng hương. Họ đọc nhiều câu thơ khó hiểu. Thỉnh thoảng họ hét lớn. Nhịp trống cồng chiêng vang động núi rừng.

Tiếng trống da nai được đánh liên hồi, tiếng tù và, tiếng đàn bầu sầu bi. Tất cả họ muốn xua đuổi tà ma đi nơi khác.

Phát và chị dâu quỳ lạy trả lễ những người đến phúng điếu. Khách làng được mời ở lại ăn tối. Ăn thịt con bê đã tử nạn cùng với anh Quý.

 

Phát mệt, ngủ thiếp dưới bàn thờ trong mùi trầm nhang, mơ thấy ba mẹ, anh Quý, anh Thọ và nhiều người khác... của một thời loạn ly đằng đẵng.

Chương : 1    2   3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2101
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân