Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
513
116.825.449
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 3

Sáng sớm, sương mù vây kín thung lũng lạnh. Tám chàng trai lực lưỡng mặc đồng phục đen, sọc trắng trong ban tang lễ có mặt. Người chỉ huy là bác sĩ Chương. Ông chỉ chỗ đào huyệt, đào sao mà ếm được ma quái, chỗ làm bức tường ngăn chặn mạch nước ngầm... Tiếng chim rừng hòa lẫn trong tiếng đào đất đá.

 

Đúng Ngọ, trên trăm người kéo đến tiễn biệt anh Quý.

Phân nửa là người dân tộc. Những người đen bóng của núi rừng, vòng đeo tai lớn xuyên cánh tai nhỏ. Có cô gái để trần, cặp vú xệ chạy dài tới rốn. Những bà cụ có đôi lưng còng khổ nạn như muốn cúi gần tới đất hơn. Họ phì phà khói thuốc với cái tẩu dài nối với ống trúc khô.

 

Khuôn mặt trang nghiêm, ông bác sĩ căng sợi chỉ dài dọc theo huyệt lạnh. Ông ngắm nghía, nheo mắt, ngồi xuống, đứng lên.

Quan tài theo lệnh thầy nhích qua phải, trái, lên xuống đúng nhịp, cân bằng khi nằm xuống. Tiếng hô sang sảng oai nghiêm.

Bác sĩ dán lên lá bùa đỏ trên nắp quan tài. Đất ném theo rào rạt. Một bó hoa trang đỏ lớn ném xuống huyệt.

 

Phát ngước nhìn lên, một cô gái da trắng lạ, lạc giữa đám người ngăm đen. Mái tóc ngang vai phủ trên áo dài trắng lấm chấm bông vàng. Chú bé trai đứng bên cạnh, nắm bàn tay cô gái. Anh nhìn cô, gật đầu cám ơn.

Cô gái bước đến gần anh, giọng đầy xúc cảm:

- Xin chia buồn cùng gia đình anh.

Phát ngạc nhiên. Vì đây là giọng nói của một người vùng xa, không phải địa phương này. Anh ấp úng:

- Cám ơn, cám ơn chị.

Tiếng tù và thổi lên, tiếng trống đánh liên hồi. Nấm mồ được vun cao. Phát thắp nén nhang từ biệt, lấy cây kèn ra. Anh thổi bài nhạc năm xưa, miệng đắng cay cay, môi mềm. Anh hát nhỏ cho chính mình nghe:

Bẻ kiếm rong đồi hoang.

Ngổn ngang mộng không thành.

Rưng rưng hoài cố quận.

Ngậm ngùi với trời xanh.

.....

Thơ người bạn, nhạc anh ta phổ. Bạn bè lưu lạc mấy phương trời xa.

Chưa tan đám, Phát đã phải tính tiền cho ông bác sĩ về sớm, sớm kịp giao ban ngày mai, thứ hai.

Tiền căng chỉ 200.000 đồng, tiền xem giờ chôn hai trăm, tiền liệm 200, tiền mỗi lần tụng 200... cộng lại bằng hai tháng lương dạy nhạc của anh ta. Phát ở lại, đợi ngày mở cửa mả.

Xe hồng thập tự quay về phố thị.

 

Xe chở thêm người, thêm trầm hương, chất đầy chuối rừng... Người tài xế vừa lái, vừa hát khúc nhạc xuân.

 

Chương hai.

Đinh Phát tìm thấy những vết máu nơi anh Quý bị nạn. Máu của người và bò lẫn lộn, đã ngả màu nâu đen, vương trên lá cỏ xanh. Khu nương rẫy vắng lặng, cách không xa từ đường họ Đinh.

Ba ngày sau, cúng mở cửa mả. Vài người lối xóm đến cùng. Đám trẻ tụ lại mấy chục đứa. Chúng đùa vui, la hét. Đám bò ăn cỏ chung quanh vườn. Cô gái hôm nào và chú bé cũng có mặt.

Cô đến thắp nén nhang trên mộ phần anh Quý, vái lạy. Phát bước đến gần:

- Cô là bạn anh Quý?

- Em là Phượng, nhà cuối thôn. Nhà sàn anh thấy mới cất cao cao. Xưa kia anh Quý với chồng em là bạn.

- Sao không thấy anh ấy tới.

Ánh mắt u buồn, Phượng nhìn vào ngọn núi:

- Hơn mười năm trước, họ là bạn thân, là những người đầu tiên trở về làng này sau hòa bình. Ba năm trước, chồng em bị chết tương tự anh Quý. Chết trên ngọn núi kia kìa.

Phát nhìn theo ngón tay bé nhỏ của cô. Núi rừng nơi đây đều khủng khiếp như nhau. Anh lắng nghe cô kể tiếp:

- Anh ấy còn sống được sau cuộc chiến. Trong chiến tranh anh chỉ bị mấy mảnh đạn nhỏ cắm trong tay, trong mạng sườn. Chiến tranh tha anh. Giờ hòa bình lại chết đau đớn. Bom mìn khốn kiếp!

- Tôi tên Phát, em ruột anh Quý. Cám ơn chị tới đây.

Bà chị dâu vái lạy mộ chồng, quấn vòng tang trắng. Miệng thì thầm khấn nguyện điều gì. Hương khói tỏa lan trong núi rừng buổi sáng mai.

 

Đám trẻ nhỏ ngây ngô vui đời sống vùng cao.

Theo lời chỉ dẫn của ông bác sĩ, vì mới chết nên không được thờ chung với gia tiên, bàn thờ anh Quý được lập riêng, cũng ngay gian nhà chánh, nhưng đặt cạnh bên. Bàn thờ có bát hương, bài vị, lọ hoa rừng và bức ảnh chụp Quý khi còn trẻ, hồi anh mới đậu tú tài. Đám tang có nhiều hoa rừng gởi đến, có câu chia buồn viết trên trang giấy trắng của Phượng:

“Quý về âm cảnh tâm thư thái.

Kẻ ở dương gian dạ ngậm ngùi”.

Nét chữ mảnh mai.

Chỉ còn hai người trong căn nhà vắng. Người chị dâu ốm đen, lẫn trong khoảng tối buổi chiều, chị nhìn Phát:

- Dòng họ Đinh hôm nay, chỉ còn mình chú. Chú phải về đây trông coi từ đường, để hương khói ông bà, không thì dưới chín suối ông bà không vui. Con trai mà. Chị định về dưới biển, trông coi mẹ già. Thằng Trâu em chị bên Mỹ về chơi, hắn đang xây lại mộ ba chị.

- Hôm nay mới là ngày sơ thất, sao chị không đợi đến ngày thất thất rồi tính.

- Chị buồn quá không chịu nổi! Chị sợ thằng Trâu quay về Mỹ, không gặp được mặt chị.

Phát im lặng, ngước nhìn ngôi từ đường tàn tạ theo tháng ngày, dù từ nhiều đời luôn có người coi sóc. Bức Y môn ngăn cách bàn thờ trong và ngoài đổi màu đen thẫm, cuốn lên. Có câu đối, nét chữ mờ mờ trên tấm ván loang lổ mối mọt:

“Mộc tùng căn trưởng.

Thủy tự nguyên lưu”.

Ông chú ruột, rồi anh Thọ, nhiều người bà con mất biệt tin tức, mất luôn thân xác, chỉ còn bàn thờ ông Mãnh đặt dưới bàn thờ gia tiên, có một bát hương. Anh Quý cũng ra đi rồi. Phát ngước mắt nhìn bức hoành phi treo cao đối diện bàn thờ, sơn đen chữ vàng. Màu vàng lấp lánh dấu đạn bom. Hàng chữ “KÍNH NHƯ TẠI”. Phải kính trọng tổ tiên. có lẽ tổ tiên. Có lẽ tổ tiên đang tại vị trên bàn thờ nhìn Phát.

 

Cái Tam sơn cũ kỹ rung nhẹ theo gió rừng bên ngoài thổi vào. Tam sơn tiêu biểu cho ba tôn giáo lâu đời trên đất nước này đang rung nhẹ. Nhiều cuộc chiến, nhiều đau thương, nhiều thay đổi, nhưng tổ tiên, đấng sinh thành chỉ có một.

Nhắm mắt, Phát thầm nhủ:

- Dù sao mình là người con trai cuối của dòng họ. Dòng họ Đinh ít nhất có bốn năm thế hệ sống với làng A-Sầu.

“Đinh tộc từ đường” đã hiện diện trong ngôi làng này gần trăm năm, mình mà không về thì ai thay thế mình đây.

Phát nhìn chị dâu, gật đầu đồng ý. Anh lại chìm trong cơn mộng mị, trong hơi lạnh núi rừng đêm.

 

Chị dâu vội vã ra khỏi nhà, đi cám ơn láng giềng quanh làng và chào giã từ. Chị về khuya, suốt đem thu xếp hành trang ngày mai lên đường về xứ biển. Phát hầu như thức trắng.

Mặt trời chưa ló dạng, sương còn dày trên con đường làng. Phát khiêng mấy giỏ xách cồng kềnh của chị ra đón xe đò. Gia tài để lại là một con bò còn lành lặn và một con bò con què rên rỉ. Chị dâu nhường cho Phát, sau này có tiền trả lại. Lối xóm dăm người tới chia tay.

 

Họ đi ngang cuối thôn, khoảng chục căn nhà sàn bao quanh hồ nước nhỏ, có sân lớn phơi lúa, đám chuối rậm rạp bao quanh.

Trong số người vẫy tay giã từ chị Quý có Phượng. Nàng trắng trẻo nổi bật giữa mấy người đi chân đất, mang vòng cổ, vòng tai lớn. Những người miền cao này thuộc nhóm Tà-ôi, ăn mặc giống người Lào.

Mất hai giờ chờ đợi, mới kiếm được xe quá giang về thành phố. Chị dâu quay lại dặn dò Phát:

- Em ráng chịu cực chịu khổ chăm sóc hương hỏa từ đường. Bây giờ em đã là gia trưởng.

Anh gật đầu: “Gia trưởng một chi họ Đinh...”.

 

Trở về, Phát thắp nén nhang, đốt thêm vài miếng trầm trong đĩnh đồng, hương thơm ngào ngạt. Anh ngồi trên chiếc võng làm bằng sợi dây dù, đong đưa, nhắm mắt mơ màng, nhớ lại giọng ngâm thơ của anh Quý, tiếng giảng bài của anh Thọ khi mình còn bé, nhớ những câu chuyện cha Phát kể trong bữa ăn chiều... nhớ lại lời trăn trối ngắn ngủi của anh Quý trong bệnh viện.

 

Bước lại phía bàn thờ, Phát chuyển chiếc bàn qua một bên, rút thanh kiếm ngắn cắm trong giá gươm trước bàn thờ, thầm nghĩ xưa kia chắc ông tổ là quan võ, giờ mình chẳng có tước hàm chi.

Phát dùng mũi kiếm nạy viên gạch nâu lên. Bỏ tấm nắp thiếc, lộ ra một cái rương gỗ chạm rồng. Rương cao khoảng bốn tấc. Màu gỗ đen tuyền. Nhiều vết trầy, dấu tích cũ xưa.

Bên trong có vài cuốn sổ dày, giấy đổi màu vàng ố, nét bút mờ nhạt của nhiều người. Có một thanh đoản kiếm dài ba tấc, bốn chén cổ, một tẩu thuốc lá chạm trổ, hai bình cổ, ba chiếc bát lớn màu xanh tím trên lớp men trắng trông cũ xưa.

 

Những phần bút ký viết bằng chữ Hán, có phần tiếng Pháp, phần biên lại rõ ràng bằng tiếng Việt cùng nét bút của cha. Nét bút quá quen thuộc với Phát. Có những dòng trách cứ hắn rong chơi ở Sài thành, cũng có đoạn khuyên Phát sống cho phải đạo ở đời. Phần ghi lại toàn bộ gia phả họ Đinh, tên họ từng người, sinh tử, biến cố quan trọng trong đời để nhớ.

Có tiếng gọi từ ngoài cổng:

- Anh Phát có nhà không?

Phát tỉnh cơn mộng mị xa xưa. Phượng cùng mấy chú bé con bước vào nhà. Cô đặt một giỏ tre tròn trịa như cái xách đựng cơm, mở ra, có mấy miếng thịt, nhìn Phát:

- Con trai già làng săn được con chồn hương, nhờ em nướng, đem tới anh xơi.

 

Mùi thịt chồn nướng, mùi thơm của sả, hơi nóng bốc lên từ nắm xôi, gợi cơn đói đến.

- Cám ơn chị Phượng và mấy em.

- Có gì đâu mà cám ơn. Ở đây, chắc anh buồn lắm?

Phát cười, năm ngón tay anh bốc nhẹ nắm xôi.

- Đợi em đi lấy đũa. Bẩn tay mất thôi.

Có tiếng bước chân trẻ chạy sau nhà. Mấy chú bé nhìn cây kiếm còn nằm trên bàn. Con trai Phượng khoái chí cầm đưa lên xuống, nhìn Phát ăn xôi.

Cháu tên gì? - Phát hỏi.

- Cháu tên Cu Minh. Cây gươm này, chú định làm gì?

- Sợ đêm hôm cọp về làng ăn thịt chú, chú đánh cọp.

Mọi người cười. Cậu bé làm nghiêm:

- Chú thổi kèn, cọp sợ chú ngay.

Gió thổi, lá xào xạt ngoài sân, Phát hỏi:

- Tại sao Phượng về sống vùng này?

- Trong chiến tranh, em là cô giáo làng. Chồng em là bộ đội. Tụi em thương nhau. Anh nói giọng miền Trung. Thời tất cả thanh niên ai ai cũng ăn mặc giống nhau. Chỉ có một màu áo xanh rừng. Sau chiến tranh, chồng em về quê, em theo cùng chồng. Nhà anh trên núi cao vùng này. Anh thuộc người Tà-ôi, anh hiền lành, không ngờ chết sớm.

 

- Gia đình em ngoài Bắc còn ai?

- Thầy me chết trong trận dội bom B52. Em còn người anh trai, hoàn cảnh giống chồng em. Sau hòa bình, tử nạn chiến tranh biên giới phía Bắc, gần chục năm nay rồi. May còn thằng cháu Minh.

 

Đời sống thật lạ, chỉ có đau buồn, máu rơi và chết chóc thôi sao? Phát lật bàn tay trái mình, nhìn lại đường chỉ tay, nhìn đường mạng đạo:

- Chị Phượng xem, đường mạng đạo của tôi dài, rõ ràng, chắc sống lâu.

- Cầu trời Phật phù hộ cho anh - Phượng đáp giọng trầm buồn, đôi mắt hững hờ nhìn ra ngoài song cửa.

Bọn trẻ đòi Phát thổi kèn. Nhạc Tây, ta, bài “Tiến quân ca”, bài “Trở về mái nhà xưa”.

- Mai tôi trở vào Nam, nhờ chị Phượng thắp nhang cho anh Quý dùm. Tôi bán nhà xong, sẽ về lại đây sớm. Có chị Phượng ở gần đây, chắc đời bớt khổ, bớt buồn.

- Có chắc không?

Phát đưa cho Phượng cây kèn, cái bao da nhầu nát.

- Phượng cứ giữ làm tin.

 

Chương ba

Sâu trong hẻm Kỳ Đồng, miếng vườn nhỏ xíu với căn nhà ọp ẹp, giờ có người tới mua lại mấy chục cây vàng. Thời giá nhà cửa bỗng nhiên tăng lên tận trời xanh. Phát ký giấy bán nhà, lần đầu tiên anh trở nên giàu có. Gã trai mau mắn nói:

- Anh Phát yên tâm, mọi giấy tờ tôi lo hết. Anh cứ chuẩn bị hành trang về quê nhanh đi.

Họ ngồi uống bia, tâm sự chuyện gần xa. Cậu ta tình thiệt tỏ bày:

- Anh biết không? Vài năm tới, họ sẽ giải tỏa toàn bộ nhà cửa dọc theo con kênh Nhiêu Lộc này. Tôi xem bản vẽ rồi. Nhà tôi mua sẽ trở thành mặt tiền. Hai mặt tiền cùng lúc vì có thêm con hẻm.

- Chuyện đó còn lâu.

- Anh hãy chờ xem. Tôi biết tin trước mà!

Cậu ta ra về, chân bước nghiêng ngả. Phát nhìn lại mảnh đất nhỏ trên trăm mét bao bọc ngôi nhà. Mọi khu xóm trong hẻm sâu, gần giống nhau trong thành phố Sài Gòn này.

Ồn ào suốt ngày đêm.

 

Tiếng xe gắn máy, tiếng gọi nhau, tiếng cười nói nhậu nhẹt của đám thanh niên cuối hẻm. Tất cả quen thuộc với Phát từ mấy chục năm nay. Hình như Phát thuộc từng ngôi nhà của nhiều con hẻm nhỏ lân cận, thuộc từng lối đi bên con kênh đen nồng nặc chảy qua lòng phố thị.

Con kênh gần 300 năm trước, từ thuở ban sơ của thành phố như mạch máu nuôi thân. Giờ đây hàng chục ngàn gia đình sống chen chúc. Khổ nạn hai bên bờ. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, hàng hàng lớp lớp người tránh đạn bom, không hẹn mà gặp nơi đây.

 

Tiếng gậy gõ trên nền xi măng con hẻm, âm thanh Phát nghe mỗi ngày, từ đôi nạng của anh Tám Tình ở cuối xóm. Chiến tranh đã lấy mất đôi chân của anh.

Tiếng khóc tiếng cười man dại, khi tỉnh khi say của bà Ba. Bà Ba rối loạn thần kinh. Đời sống nghiệt ngã.

Ngoài kia, quán cháo dì Tư, quán cơm bình dân bà Sáu mập, quán cà phê “Nắng mới” bên hông Đại học Phật giáo, những nơi quen thuộc với Phát, nơi thường nghe được nhiều câu chuyện khổ một thời binh lửa. Thời mà đi học, đi chơi, Phát nhờ Thúy dò đường trước vài chục mét xem có cảnh sát rà soát giấy tờ hoãn dịch hay không?

 

Cuối con kênh, gần nhà thờ Ba Chuông, một thời là khu vui chơi của lính chư hầu - đồng minh của Mỹ. Nhiều em gái làm sở Mỹ, tối tối nhờ Phát dịch thư tình, viết thơ hồi âm gởi qua phương trời xa. Thuở đó Phát kiếm cũng khá tiền nhờ công việc biên dịch. Tiền giúp nhiều điều cho Phát. Thúy học cùng đại học, dưới hắn ba lớp. Ban nhạc sinh viên, Phát đệm nhạc, thổi kèn. Thúy ca bè. Họ hợp xướng trong dàn đồng ca.

Hòa bình, họ cưới nhau, sống dưới mái nhà nhỏ bé này. Kỷ niệm lấp kín ngôi nhà. Hôm nay sắp thay chủ.

 

Phát nhìn bàn thờ, chân dung Thúy chụp nghiêng, bài vị anh viết tay. Thúy từ giã cuộc đời đã hơn mười năm. Đôi mắt u uẩn trên làn da trắng nõn nà, vầng trán thông minh, mái tóc ngắn...

Phát nhớ lại con đường đất từ ngã ba quốc lộ 1 đi vào quê nhà Thúy, qua Cao Lãnh, qua Tam Nông đến Hồng Ngự, cái làng Tân Thành nhỏ kề cận biên giới. Đường đất đỏ gập ghềnh qua quá nhiều sông rạch.

Đêm trung thu, vùng nước nổi đó - Đồng Tháp Mười - biển nước bao la. Xa xa có mái tranh, ngọn đèn hiu quạnh, buồn như chái lều người da đỏ.

 

Trên chiếc thuyền con từ chợ Hồng Ngự chèo vào nhà Thúy:

- Chỗ kia kìa, là nơi sông Cửu Long chia đôi, Tiền giang, Hậu giang. Nhà em quẹo sau cái cồn dừa kia, khoảng hai cây số là tới nhà ngoại. Chỗ quẹo có con sông nhỏ là ranh giới hai nước.

Con sông làm ranh giới lớn chỉ bằng kênh Nhiêu Lộc. Thuở xa xưa hải quân đánh trận Kỳ Hòa đi vào con kênh đen Nhiêu Lộc này. Thế kỷ con người không đủ tiền mua đất, xây nhà trên sông rạch. Nhà tiếp nhà, kênh Nhiêu Lộc thu hẹp còn lại vài mét.

Con kênh ở đây đen bẩn khác hẳn con sông, con rạch quê Thúy có bờ cỏ, ruộng lúa trổ bông.

 

Một thời máy bay thả bom xăng, rải chất độc đốt rụi cây cỏ ven sông, ven rạch để phát quang như đốt con đường về làng A-sầu vậy.

Rồi đến cuộc diệt chủng bên kia biên giới. Có hôm giặc tràn qua sông, đốt làng, cướp của, giết người. Đúng đem Thúy về thăm ngoại. Thân xác Thúy bị chẻ làm đôi cùng chung với nhiều dân lành trong làng. Những cảnh tượng khủng khiếp kéo dài nhiều tháng ngày. Người dân lành phải gánh chịu. Vết thương này nối
Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2010
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân