Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
606
116.826.209
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 10

Quế hóm hỉnh:

- Sao chị Phượng không đem luôn cây chanh qua đây trồng cho tiện?

Cô đỏ mặt cúi gầm xuống:

- Cây lớn quá. Em đã chiết mấy nhánh. Mùa mưa này em sẽ đem sang.

Phát lắng nghe, chậm rãi gắp miếng thịt gà có dính những sợi lá chanh thái nhỏ.

Bác sĩ Lacaze nhai thật kỹ miếng khô nai nướng để thưởng thức hương vị lạ:

- Anh Phát, đây là thịt gì?

- Thịt nai khô hun khói.

Phát kể chuyện con nai bị nạn cách đây mười hôm. Nó uống nước đêm trăng bên suối Thầy trong khu vườn này. Bác sĩ Lacaze lắng nghe, mắt đăm chiêu xa vắng.

Bác sĩ Lacaze nhìn đám trẻ hồn nhiên đang chơi với mấy món đồ chơi Phát mới mua. Giọng thằng cu Minh la to nhất vì khoái chí, đứa bé con chị Do bỏ bên cạnh, đôi mắt nó dán chặt vào các thứ đồ chơi, ngón tay lắc lư.

Bên ngoài trời đã tối. Suối Thầy chìm trong đêm.

Ánh đèn vàng vừa đủ ấm bữa ăn.

Phiên im lặng từ lâu, giờ lên tiếng:

- Tôi thấy đời sống nơi đây thật là khốn đốn, thiếu mọi tiện nghi tối thiểu. Một thế giới dành cho kẻ lưu đày. Tại sao Phát lại chọn nơi đây?

Phát ngưng ăn, nhìn Phiên, nhìn bác sĩ Lacaze... chậm rãi trả lời bằng tiếng Pháp:

- Đúng như Phiên nói, ở đây rất là thiếu thốn. Nhưng trong vườn này đã có lúa, có bắp, có gà. Dù sao còn hơn nhiều nơi khác. Với tôi, đây không phải là thế giới lưu đày. Ông cụ Tổ tôi trăm năm trước đã sống trong vườn này. Không ai đày ông cụ lên đây cả. Ông chọn nơi đây vì lý tưởng của ông. Nhiều thế hệ kế tiếp sống ở đây cũng chỉ vì những lý tưởng của họ. Quế cũng đã từng sống vì lý tưởng đó.

Phát nhìn ngọn đèn vàng:

- Giờ là đêm tối, nhưng buổi mai nào, mặt trời cũng mọc, dù có mưa, cũng có ánh sáng. Tôi có nhiều ước mơ. Hơn nữa, đây là nơi tôi được sinh ra, những người ruột thịt của tôi cũng yên nghỉ tại đây. Dù nơi đây là vùng đất bất hạnh, tôi vẫn tiếp tục sống ở đây.

Phượng lắng nghe, tuy không hiểu tiếng Pháp, nhưng hiểu ánh mắt Phát, thấy sự hiện diện của mình trong đó. Cô rón rén rời bàn, xuống bếp bưng khay trà và cà phê lên.

Bác sĩ Lacaze lại chăm chú ghi chép trên cuốn sổ nhỏ. Cô nhìn đứa bé bò quanh sàn nhà, đôi tay đong đưa ngước mắt nhìn mọi người. Cô ngồi cạnh nó, cầm bàn tay èo uột, nhìn đôi chân ốm o. Cô vén áo, nhìn hai vòng đen bằng miệng chén đã lấm tấm mọc mấy sợi lông dài trên sống lưng da bọc xương.

Cô chụp ảnh những vòng tròn đen đó. Bên ngoài trời bớt mưa, nghe rõ tiếng ếch nhái. Khúc nhạc rừng quen thuộc, ta thán não nùng!

·

Phiên cuộn mình ngủ say trong mền len. Hơi lạnh buổi sáng trên núi. Bác sĩ Lacaze bách bộ cùng Phát quanh ngôi vườn. Sương còn đọng nhiều trên lá cây.

Cô ngắm bức tượng, cái đầu có đôi mắt ngước nhìn trời xa xôi. Nhìn cái chén úp ngược, rồi bước lại ngắm gốc cây khô nám đen được đặt trên bệ đá cao... bức tượng buồn đối diện cây bồ đề già.

Họ dừng lại nhìn con suối róc rách chảy. Tiếng chim rừng với tiếng gà vịt buổi sáng. Cu Tròn dậy sớm đang cho gà ăn. Phát dặn:

- Con vào chuẩn bị ăn sáng và cà phê.

Thằng bé “dạ”, rồi chạy vụt vào trong.

Bác sĩ Lacaze bước xuống bờ suối rửa mặt.

Phiên nhấm nháp ngụm cà phê:

- Cà phê ngon lắm. Phát kiếm đâu ra?

- Vùng Khe Sanh gần đây thôi. Lái xe mất một tiếng. Ở đấy ứ đất đỏ nên dân trồng cà phê nhiều. Cuộc sống khá trù phú, nhiều dân tới lập nghiệp.

Phượng bày nhiều tô cháo đậu xanh trên bàn. Cháo để nguội đông lại, ăn với đường đen cắt nhỏ hoặc những con cá kho khô chỉ bằng một phần tư ngón tay út.

Phiên gật gù thú vị:

- Hơn hai mươi năm rồi, tôi mới được ăn cháo với đường bánh đen.

- Xin anh nói về mấy bức tượng?- Bác sĩ Lacaze chỉ tay về phía góc vườn.

Phát lại tuần tự tóm tắt một phần nhỏ chuyện nhà họ Đinh. Tượng có đôi mắt nhìn trời, cái chí bất khuất không chịu làm nô lệ, thời phong trào Cần Vương, hay bao giờ cũng thế. Cái bát úp ngược, ghi nhớ năm 1945 có hơn hai triệu người dân bị chết đói. Cái cây cháy đen ghi dấu thời bom đạn vây phủ làng này...

Bác sĩ Lacaze lại ghi chép.

·

Đám trẻ xuất hiện. Chúng đứng dưới sân la to:

- Chào thẩy ạ, chào cô.

Chúng chạy lên cầu thang bên cạnh, ùa vào lớp học. Đứa nhỏ xíu, đứa to đùng, học chung nhau một lớp vỡ lòng. Thằng Lời, đen đúa to con, cõng đứa em trai bước lên cầu thang. Cu cậu trên lưng một tay quàng cổ anh, một chân bám chặt đùi anh. Còn một nửa thân người gần như bất động...

- Thằng Lời này thật tốt, mỗi ngày đều cõng em đến trường, dù mưa dù nắng. Nhà nó cách đây ba cây số. Phát nói bằng tiếng Pháp với Lacaze.

Bác sĩ Lacaze yên lặng quan sát lớp học Phượng đang dạy. Hai chục đứa bé trai gái viết chữ “Ba” trên bảng gỗ, rồi đưa lên cao cho cô giáo xem. Tụi nhỏ nghêu ngao hát “a... bờ a ba, ô... cờ ô cô” theo nhịp thước kẻ lên xuống của Phượng.

Cô giáo đang kiểm tra móng tay từng đứa. Thỉnh thoảng đám trẻ ngoái đầu lại nhìn những người khách lạ, mỉm cười.

Phòng bên cạnh, Phát đang đọc chính tả cho học trò...

Phiên, Quế cũng ngồi cuối lớp cạnh bác sĩ Lacaze, nhưng chỉ nhìn ra cửa.

Những vũng nước đọng lại trên lối mòn. Chút nắng lên xuống, qua đám mây xám xịt. Tiếng kêu của bầy gà chạy tán loạn trên sân.

Xa hơn, trên nương rẫy, một cô gái người Tà Ôi đang gieo mạ. Áo tím than sọc đỏ, nài trên lưng là chú bé. Vai mang bịch vai. Mảnh đất lấm tấm đen điểm chút cỏ xanh. Cô ta thoăn thoắt tay cầm cây gậy nhọn đầu, ngoáy xuống đất, chân bước tới, nhổ gậy lên, bàn tay kia bỏ hạt thóc xuống rồi lấp đất lại. Hình như chú bé ngủ yên.

Cô gái Tà Ôi, ngậm tẩu thuốc lá dài khoảng gang bàn tay.

Quế chỉ chiếc chòi nhỏ chơ vơ ven rừng phía xa.

- Nơi tình tứ của bộ tộc này. Trai gái hẹn nhau ra đây, thề non hẹn biển trước khi cưới nhau. Tục này gọi là đi “Sim”. Người con trai trao vật làm tin cho cô gái mình yêu.

Bác sĩ Lacaze lấy cuốn sổ ra ghi chép. Miệng đánh vần chữ “Sim”.

·

Nắng ban mai trải thảm sân trường. Chút nắng xuyên qua lớp học.

Phát nâng cao ly nước trong vừa múc dưới suối Thầy:

- Các em nhìn kỹ, có bụi, có rong rêu, có lăng quăng, có nhiều thứ không sạch... kể cả lá mục.

Anh đang giảng vệ sinh cho các em, những bệnh tiêu chảy, thương hàn... dặn các em phải uống nước chín. Nước chín thầy cô để trong cái bình lớn cuối phòng ăn...

Bác sĩ Lacaze mỉm cười, cô hiểu một phần bài giảng nơi đây.

- Bác sĩ Lacaze, chúng ta đi chơi.- Quế gọi vọng lên từ sân trường, bên chiếc xe jeep.

Cô đưa tay vẫy chào Phát, bước xuống cầu thang. Phát gọi theo:

- Nhớ về sớm, chiều nay đi xem hội đâm trâu.

Quế lái xe. Phiên ngồi phía sau. Gió bên kia biên giới, vút qua rặng núi cao, rát mặt.

Xe vừa chạy tới một cái miếu, Quế ngoảnh nhìn Lacaze, rồi Phiên:

- Đây là am Cô Ba, người hầu của Công chúa Huyền Trân. Con đường này mình đã sống, chiến đấu.

Con đường trống trải giữa vùng đồi khô cằn cháy nám, đầy bụi đỏ. Nhiều chỗ còn bốc khói.

- Người dân tộc vẫn còn đốt rừng làm rẫy. Họ đốt rừng từ tháng năm tháng sáu. Tro cháy chìm trong đất. Mùa mưa tới là gieo hạt.

- Mỗi năm họ làm lúa mấy mùa - Phiên hỏi.

- Chỉ có một mùa.

Đám khói bốc cao sau núi. Vật vờ vươn tới mây. Mây xám bồng bềnh.

Xe dừng lại trước một căn nhà sàn lớn.

- Đây là xã Aroòn. Mình dừng lại chơi, tôi có chút việc ghé thăm.

Ngôi nhà vắng, giờ này người ta ra nương rẫy, chỉ còn chó sủa dai nhách, bò nằm nhai lại. Họ theo nhánh suối nhỏ vào sâu trong núi, sau bóng râm của tán đa, trước đám mộ lớn. Quế thắp nhang cho ba ngôi mộ xếp thành hình tam giác, có hàng rào chắn:

- Đây là ba anh em Hồ Thi. Thuở trước, tôi có thời trú ngụ trong gia đình họ. Khi tôi trở về, ba anh em đều chết chung một lần vì bom B52. Đất này là bãi tha ma làng người CàTang.

Đường vào núi, đám tre nứa choán hết lối đi. vắng bóng người, vắng tiếng thú rừng, chỉ trơ trọi vài cây con.

Chỉ cái cây cao khoảng 4 mét, lá dài xanh như lá cây khoai mì rung nhẹ theo gió. Quế trầm ngâm:

- Xưa nguyên quận ALưới này đâu đâu cũng là rừng. Nhưng khác mọi nơi, ở đây có hương ngào ngạt, nhất là vào càng sâu trong rừng. Hương thơm từ cây gió này. Cây về già tiết ra một thứ nhựa rất đặc biệt là trầm, bột vỏ cây làm nhang. Rừng này là một trong những vùng có nhiều trầm nhất nước.

Hai bàn tay Lacaze vuốt nhẹ trên thân cây gió:

- Nhà tôi cũng có một gốc cây trầm Việt Nam này, nó đen sẫm, khi nào cũng thơm. Ba tôi để trong phòng khách.

Quế chép miệng:

- Xuất khẩu trầm qua Đài Loan, Hồng Kông, Singapore... Trầm già bị con người đốn sạch. Hết cây già đến đốn cây non, Cây con có tuổi mười năm cũng bị chặt, lấy trầm thô. Các xã chung quanh đây như Hương Nguyên, Hương Giang, Thượng Long... chẳng còn cây nào. Ở đây may còn cây gió này vì quá nhỏ, nên chưa bị đốn. Tôi thấy sau vườn nhà Phát còn một cây gió khoảng 50 tuổi, không hiểu Phát có biết không?

- Tiếc quá, tôi không được ngửi mùi hương trầm thiên nhiên.

Cô than, đôi mắt lim dim.

Tiếng chim rừng cũng vắng trong khu rừng cạn kiệt. Đi sâu vào núi, Quế chỉ một khoảng trống:

- Chỗ này xưa cũng có mấy cây gió lớn. Có lần tôi nghỉ chân ở đây. Cây gió cao nhưng mềm. Chỉ cần vài nhát rìu là đủ hạ một cây lớn. Cả một khu rừng bị tàn phá theo do những cây gió ngã xuống. Hết bom B52 đến lượt người phá rừng.

Hơi nóng của rừng làm ngộp thở. Qua một đồi trọc, dừng lại bên bờ con suối sâu, mồ hôi ướt đẫm áo, họ ngồi nghỉ dưới gốc cây, nhìn rặng núi xa.

Bác sĩ Lacaze chạy xuống con suối rửa mặt, nước mát dịu. Cô ta mỉm cười, tháo bỏ ba lô, cởi sơ mi và quần sọt, lội vào làn nước trong mát. Thình lình nghe tiếng la, tiếng gọi nhau của mấy cô CàTang. Tiếng chân chạy.

Quế, Phiên ngồi dậy. Bốn cô gái mình trần, hai tay cầm chặt váy che kín mặt. Họ chạy ngang chỗ hai người. Những đồ trang sức đeo trên cổ va chạm leng keng, tiếng cười gọi nhau chạy trốn.

Phiên nhìn theo mấy cô thiếu nữ trần truồng:

- Gì thế?

Quế mỉm cười.

Bác sĩ Lacaze cũng đang ở trần, đôi vú trắng nõn nà, đứng dưới suối, ngạc nhiên nhìn cảnh tượng trên bờ.

Một lát sau, họ lại nghe tiếng cười đùa của các cô gái hồi nãy phía đầu con suối, tiếng lội bì bõm của họ.

- Chuyện gì xảy ra với mấy cô gái?

Quế chỉ đám thiếu nữ còn đang tắm phía trên con suối dưới hàng cây xanh:

- Phong tục ở đây là vậy. Khi họ tắm, nếu có người lạ mặt tắm phía trên đầu nguồn nước thì họ cho đó là một sự dơ bẩn, nên phải chạy về phía mạn trên nguồn nước để tắm. Vùng trên cao trong sạch hơn.

- Nhưng tại sao họ che mặt?

- Đối với họ, phần dưới thân thể ai ai cũng như nhau. Khi gặp người lạ, họ mắc cở, không cần che phần giống nhau, mà phải che kín phía trên, vì mặt khác nhau.

Trời sập tối. Trên trăm người tụ lại trước ngôi nhà Rông cao to nhất làng.

Trống, chiêng, tiếng tù và rộn ràng giữa sân rộng. Những nhà sàn bao quanh đều thắp đèn. Đám thanh niên chân đất, mang khố nhiều màu sắc, đầu cuộn tròn miếng vải đỏ có gắn lông chim, cầm ống điếu thuốc dài, nhảy nhót, la hét quanh con trâu đen cột giữa sân.

Đám thiếu nữ váy xanh dọc đỏ, áo trắng, cổ nặng trĩu vòng trang sức bằng đồng, vỗ tay theo nhịp nhạc được mùa.

Phát, Phượng cùng các bạn ngồi dãy ghế dành cho khách. Trưởng làng tóc bạc dài tới vai, mình trần, cuốn vải hình chữ thập trước ngực, cầm cung gỗ, vai mang kiếm. Ông bước tới chào khách lạ, tự giới thiệu tên Hồ Gối, cười lòi hàm răng nhuộm đen.

Phiên hỏi Quế:

- Ở đây sao ai cũng họ Hồ vậy?

- Người dân CàTang trước đây chỉ có tên, không bao giờ có họ. Trong kháng chiến chống Pháp, đa số người dân ai cũng lấy họ Hồ. Họ của cụ Hồ.

Lacaze nhìn con trâu bị cột giữa sân:

- Đâm trâu là gì Phát?

- Đó là cái lễ thường vào tháng chín này, có làng sớm hơn, cầu được mùa, cầu an bình.

Tiếng trống vang rền, tiếng reo hò ầm ĩ. Lửa bập bùng. Trăng ló rạng trên cao. Trưởng làng Hồ Gối bước ra giữa sân vái lạy bốn phương. Ông rút kiếm đến gần, đâm mạnh vào đầu trâu. Con trâu vẫy vùng.

Kế một thanh niên lực lưỡng bước ra cầm cái dôi, đầu nhọn bóng láng dưới ánh lửa. Dôi giống cây giáo. Hắn đi vòng quanh con trâu đau đớn, đâm mạnh ngay cổ. Con trâu nằm bẹp xuống. Phượng, Lacaze nhắm mắt trước cảnh tượng hãi hùng đó, tay che kín mặt.

Quế nói với Lacaze:

- Người thanh niên đó phải có điều kiện là trinh nguyên.

Trâu bị xẻ thịt ngay tại chỗ. Thịt trâu được ghim vào thanh tre dài nướng trên lửa hồng đỏ.

Một nồi đồng lớn được khiêng để giữa sân. Một bắp cây lạ, lớn bằng bắp chuối để vào giữa. Họ đổ nước lạnh vào bắp cây đó. Lớp nước vàng nhạt, có bọt li ti.

Tuần tự từng người một đến nồi đồng, múc nước uống, ăn thịt trâu. Mùi nước từ thân cây lạ có mùi rượu. Phiên uống một hớp, môi mấp máy:

- Nước này có mùi giống bia tươi, rượu đặc biệt trên vùng núi hoang dã.

Người người chếnh choáng ngả nghiêng trong vườn. Phiên, đôi mắt lim dim nhìn sao khuya, bước đi xiêu vẹo rã rời theo tháng ngày.

 

Chương bốn.

Cổng trường dán thông báo “Khám bệnh và phát thuốc miễn phí - Bác sĩ nước ngoài”.

Hôm nay, Bác sĩ Lacaze khoác áo blouse trắng, ngồi lắng nghe nhịp tim của một bà lão. Quế ngồi cạnh, viết tên họ, địa chỉ, chứng bệnh từng người. Anh kiêm việc thông dịch cho Lacaze.

Đám trẻ nói chuyện, đùa giỡn, thằng cu Tròn đang hướng dẫn cho mọi người xếp hàng thứ tự trước hàng hiên dài. Mưa nhẹ hạt ngoài trời.

Cu Tròn đi tới đi lui, ra vẻ quan trọng, la mấy đứa trẻ nói chuyện to tiếng. Hắn để ngón tay lên miệng, ra dấu “im lặng”. Hắn chỉ về phía bác sĩ. Bác sĩ Lacaze đang khám bệnh. Hắn để một thân cây lồ ô khô dài làm ranh giới, khoảng trống đi lại...

Mọi người nhìn bác sĩ Lacaze, họ xì xào, tưởng là người Mỹ.

Phát đang bàn chuyện với già làng Koòng Ki, ông chủ tịch xã, cô y tá... Phát muốn có một danh sách những người bệnh nặng không tới được, hiện còn ở nhà.

Phiên cũng mặc áo choàng trắng, đi dọc đoàn người xếp hàng, quan sát những người ốm yếu... những ai nên ưu tiên chuyển qua phòng bên, làm hồ sơ riêng.

Phượng loay hoay phát thuốc bổ, trụ sinh, thuốc sốt rét.

Tiếng khóc của chú bé kêu ba làm ồn cả phòng, cháu được cuộn trong cái drap trắng. Quế giữ chặt nó trên bàn. Phát ghì cái đầu hay cựa quậy. Phượng chiếu đèn pin. Bà mẹ đứa bè đứng cạnh nắm hai bàn tay con.

Bác sĩ Lacaze dùng cái gắp nhỏ dài, moi hạt bắp dính trong mũi đứa bé. Hạt bắp đã hóa màu nâu, lầy nhầy mủ vàng dính chút máu. Hạt bắp làm thối một bên mũi cu cậu. Cô ta tháo găng tay, lau giọt mồ hôi đọng trên cổ.

Đến lượt con ông chủ tịch xã, cũng bị lên bàn, bị đè xuống. Nó bị thối tai...

Phượng nhìn bàn tay đen đứa của chú bé:

- Anh Quế ẵm đứa bé qua phòng bên, em cắt móng tay, móng chân cho nó. Dài và dơ quá!

Bác sĩ Lacaze ấn nhẹ bàn tay lên thành bụng của nhiều đứa bé. Cô lấy cây viết mực, vẽ theo nếp nhấp nhô sờ thấy trên da bụng. Nét vẽ cong như cánh cung quay ngược:

- Lá lách sưng do sốt rét ác tính.

Phiên chụp ảnh chân tay teo nhỏ của vài em bé, những lớp da có nhiễm sắc đen nâu lạ kỳ, những thân người lùn tịt... Bác sĩ Lacaze cũng ghi lại chuyện những cái chết không bình thường, có kẻ điên điên khùng khùng.

Phát lên xe jeep, đi với cô y tá. Già làng nhìn theo, hỏi Phượng:

- Họ đi mô rứa?

- Họ đi chở một bệnh nhân trong thôn CàTang cho bác sĩ Lacaze khám - Phượng đáp.

- Thằng Phát y khuôn ông nội nó. Suốt ngày tất bật.

·

Phượng lắng nghe. Chiếc xe khuất sau rừng chuối.

Tội nghiệp Phát, từ mấy ngày nay anh làm việc không ngừng nghỉ. Mấy chục buồng chuối chặt xuống, vẫn còn nằm dưới sàn, chưa có thì giờ đem ra chợ bán. Đàn gà vịt ở nhà chắc phải đem qua nuôi chung bên này, Phượng tính thế.

Cô bước ra khỏi phòng, đi về phía bếp, dặn riêng với Tròn:

- Con ra bắt cho cô một con vịt xiêm lớn, để nấu cháo.

Nắng lên, vẫn còn sương lạnh vương lại trong vườn. Rừng chuối xanh lấp lánh, xanh kín cả ngôi làng. Hoa chuối đỏ tím đậm, lấm tấm giữa nền lá xanh lục.

Bác sĩ Lacaze ngồi trên ghế bố, xem lại những hồ sơ khám bệnh, chiếc bàn nhỏ ngổn ngang giấy tờ. Cô cắm cúi ghi chép, móng tay sơn nâu đỏ gõ nhẹ trên vầng trán cao. Thỉnh thoảng ngẩng mặt lên nhìn quang cảnh quyến rũ buổi mai trên núi.

- Nhiều căn bệnh khó hiểu. Tôi phải về nước để đọc, tìm kiếm thêm. Ở đây thiếu thốn nhiều thứ quá, nhất là thông tin. Tôi sẽ trở lại đây.

Phiên gật đầu:

- Cách đây vài năm, tôi có lần đọc một số bài viết về những chứng bệnh của những cựu chiến binh Hoa Kỳ... Nhiều trường hợp giống con chị Do, hoặc ung thư máu như chị Do. Có thể tôi cũng sẽ về sớm hơn dự định. Đại học Massachusette nơi tôi đang làm việc, năm ngoái có một hội nghị bàn về vấn đề này. Lúc ấy tôi lơ đãng không chú ý. Bây giờ đối diện thực tế, lại bối rối, không hướng giải quyết. Tiếc thật!

- Anh có tin gì mới, báo cáo cho tôi hay. Đây là địa chỉ tôi tại Pháp.

Gió thoảng qua réo rắc, như tiếng nói trầm sâu của núi rừng hoang hóa. Tổ chim rột rột vắt vẻo đưa qua lại dưới tàn cau. Bầy chim non kêu ríu ríu, bóng chim mẹ bay vòng quanh nhìn con.
Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10   11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 1896
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân