Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
344
116.829.297
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 9

- Hôm nay, tôi muốn tặng Phiên - người bạn cũ, hơn hai mươi năm mới gặp lại và tặng cô Lacaze người bạn mới quen - bản nhạc “Trở về mái nhà xưa”.

Vỗ tay. Tiếng kèn uyển chuyển trên sông nước. Quế nhịp theo, đôi đũa tre gõ nhịp trên mạn thuyền. Lacaze hát nho nhỏ. Phiên bỗng dưng buồn hiu hắt. Tiếng kèn ngưng.

Bác sĩ Lacaze cúi bò trên chiếu hoa, trải trong mạn thuyền. Cô ta đến cạnh Phát, ôm hôn hai má.

Phiên chép miệng:

- Ngày xưa tụi mình có nhiều kỷ niệm quá. Càng lớn lên, moa thấy cuộc đời càng nhạt nhẽo.

Phát đệm đàn cho Lacaze hát bài “Serenata”, những tình khúc nổi tiếng khác... Vừa lúc thuyền quay về trước ngôi chùa Thiên Mụ, Phát nhớ lại bút ký của ông Tổ, tâm sự với bác sĩ Lacaze:

- Xưa ngang đây, viên phụ chánh Nguyễn Văn Tường bỏ vua quay về đầu thú với giặc, ông ta còn vào trình bày mọi sự đi trốn của vua Hàm Nghi cho giám mục Caspar, đang ở Kim Long. Cuối cùng ông Tường cũng bị đày ải ra đảo.

Bác sĩ Lacaze lắng nghe, dõi mắt về phía hai tháp chuông nhà thờ Kim Long chìm sau hàng cây phượng vĩ, nàng nói qua chuyện khác:

- Ngôi nhà tôi ở Pháp nhìn ra biển, ngày nào cũng thấy chiếc thuyền lớn chở du khách ra đảo Corse. Du khách muốn nhìn thấy hoàn đảo nơi vua Napoléon ra đời. Quê mẹ tôi biên kia biên giới, cách một cây cầu nhỏ. Mẹ tôi hiền, ít ai tốt bằng mẹ tôi.

Quế kéo ống sáo tre, nhìn cô:

- Tôi muốn tặng tất cả mọi người ở đây bài “Lòng Mẹ” của nước tôi. Ai cũng có mẹ.

Tiếng sáo nghe buồn ray rứt, như thoang thoảng trên sông nhiều mộng mị. Mọi người mơ màng. Âm vang tiếng sáo như muốn bay xa, lạc vào gõ cửa từng ngôi nhà bên sông.

Phiên ngâm khe khẽ mấy câu thơ:

Bao năm trở lại nơi tiền kiếp.

Sẽ thấm vô cùng cuộc biển dâu.

.............

Thuyền trôi vào giữa xóm Vạn đò. San sát hàng vạn dân sống trên sông. Từ bao đời người của mấy trăm năm vẫn thế. Những con người này sống, ăn, ngủ, sinh hoạt và hàng trăm chuyện khác trong những con thuyền nhỏ lênh đênh.

Phát chỉ những đứa trẻ trần trụi trên đò với bác sĩ Lacaze:

- Theo con sông này sẽ đến những làng biển giống hôm qua chị đã thấy. Những đứa trẻ trên con đò này, gần giống những đứa trẻ dưới biển, giống những đứa trẻ trên vùng núi cao, làng A Sầu nơi tôi ở.

Bác sĩ im lặng, lắng nghe.

Phát thổi bài “Bonjour tristesse”.

- Nhánh sông này lớn bằng con sông Seine nước tôi. cũng giống sông Seine có hai lối đi hai bên sông, có nhiều phố cổ. Nhưng nơi đây lại khác, thiếu đủ thứ.

Phát hướng về cái đồn có thành cao phía phải:

- Theo tôi sông Seine và Paris sở dĩ khắp thế giới ai cũng muốn đến thăm một lần, không phải chỉ vì các công trình kiến trúc, mà vì nơi đó hầu hết danh nhân văn hóa thế giới thích chọn để sống và làm việc. Chiếc nôi lớn của nền văn minh nhân loại. Còn nước tôi chỉ có chiến tranh. Chiến tranh từ ngàn năm, từ trăm năm trước. Cái đồn Mang Cá mà chị thấy ở kia, cũng chỉ là một chứng tích như thế cả. Đồn có tên này, vì trên cao nhìn xuống, đồn lính xây có hình như mang con cá.

Hai bên bờ, những ngọn đèn lù mù đã thắp lên.

·

Hôm sau bọn họ đi Quảng Bình. Chiếc đò xuôi dòng sông Son, dòng sông đẹp nên thơ của vùng động Phong Nha. Bác sĩ Lacaze chồm ra ngoài mạn thuyền, thả đôi bàn tay trên nước trong. Cô vuốt mặt, để làm tan mỏi mệt của một đêm không ngủ trên xe.

Họ lặng yên, nhìn hai bên dòng sông.

Phiên đứng trên thuyền. Anh đã than:

- Đường xấu quá, lần đầu tiên tôi đi như thế này, cả trăm ổ gà.

Quế đáp:

- Con đường này còn tốt hơn con đường về làng Phát.

Hai chú bé con chèo thuyền thú vị nhìn đám khách từ xa tới. Bác sĩ Lacaze vuốt mái tóc đen quăn tít của đứa đứng bên cạnh, lắp bắp nói:

- Chào sức... khỏe.

Thằng bé cười lòi mấy cái răng sún. Nó lấy tay bụm miệng. Nó mắc cở chuyện sún răng.

Phát hỏi:

- Cháu ở đâu?

- Gần chỗ ni. Chỗ có mái nhà đỏ kia.

Nhìn theo ngón tay chú bé, sau rặng tre xanh, một xóm nhà mới mọc lên. Phát hỏi tiếp:

- Cháu học lớp mấy?

- Ở đây tụi cháu không ai đi học hết. Nguyên cả làng đều rứa. Ai cũng bận đi đánh cá.

Làng chài gần trăm nóc nhà kiến trúc giống nhau, toàn màu nâu đất buồn. Những ngôi nhà nhỏ đủ che mưa, che nắng, đủ chỗ ăn nằm. Làng chài dựa núi đá, không một bóng cây. Cặp đôi bờ sông, hàng chục đáy lưới cá, giăng nối hàng chiếm đến nửa bề rộng sông đầu nguồn.

Ngay ngã ba sông Son, chú bé giảng giải:

- Cửa động ở chỗ tê.

Phiên chỉ về phía xa sâu vào núi, hỏi:

- Cháu biết, nhánh sông Son bắt đầu từ đâu không?

- Trong núi chui ra - Thằng bé đáp.

Cửa động như vòm cung lớn nhà thờ, cao hơn hai chục mét, chui vào núi đá. Thuyền dừng lại trước cửa động. Dấu tích in hằn sâu vào đá. Thằng bé tiếp:

- Má cháu kể, thời đó B52 ném bom dữ lắm. Ai ai cũng chạy núp vào đây. Cả làng nhờ động này mà sống sót đến nay.

Bác sĩ Lacaze nhìn Phát:

- Chú bé kể chuyện gì vậy?

- Chú bé nói đến dấu tích trên đá của B52.

Bác sĩ Lacaze nâng máy ảnh, chụp nhiều kiểu, góc độ khác nhau. Cô nhíu mày, im lặng. Vết loang lở trầy trụa trên đá dài vài chục mét, Màu vàng, nâu ửng trên lớp đá đen của núi, vách núi loang lổ đỏ bầm, xanh ố trên nền trắng xám. Một bức tranh vẽ trên đá, từ trên trời xuống. Phát nói:

- Nhìn cảnh này, nhớ hôm uống B52 dưới biển nhà Trâu.

Quế đăm chiêu:

- Quý vị chưa thấy B52, tôi thì ngán chết. Suýt chết hai lần, nằm dưới hầm sâu, bom đong đưa mình lên xuống. Có lần tỉnh giấc, hai lỗ tai tôi máu ứa đỏ. Người bạn nói cho tôi biết. Tôi mê đã hai ngày.

Bác sĩ Lacaze lại lấy cuốn sổ tay, cây viết, ghi chép:

- Anh đánh vần chữ Phong Nha dùm tôi. Chữ Sông Son, Son nghĩa là gì? Phong là gì?

Cô quay nhìn chú bé:

- Em tên gì?

- Hòa Bình - Chú bé đáp. Quế phiên dịch dùm.

- Hòa Bình nghĩa là gì? Tại sao bố mẹ em đặt tên Hòa Bình.

- Mẹ cháu kể, khi sinh cháu ra không còn chiến tranh nữa, thống nhất hai miền rồi, nên Hòa Bình. Anh em tên là Súng, sinh ra lúc đó bắn nhau nhiều lắm. Chiều nay anh Súng nấu cơm chiều cho mấy chú và cô. Anh đánh cá chỗ xa kia, trong núi có nhiều cá chình lắm.

Quế dịch ra tiếng Pháp. Anh giải thích sự khác biệt có “g” hay không “g” của “súng” và “sún”. Bác sĩ Lacaze ghi chép mỉm cười nhìn Hòa Bình sún răng.

Bóng tối bao trùm hang động, Hai ngọn đèn pin chiếu lên. Một bức tranh kỳ ảo vô số màu sắc hiện ra.

Thạch nhũ bao nghìn năm chảy thành dòng, đọng lại. Những hình dáng khác nhau bám trên vách động.

Hai chú bé thay phiên diễn giải. Nào hình Bà Quán Thế Âm, Phật Di Lặc, con cọp, con chim, con gà... Quế chỉ con gà:

- Có cả con gà trống Gaulois xứ chị.

Bác sĩ Lacaze gật đầu. Tất cả im lặng, mê say vì cái đẹp thiên tạo. Những bức tranh trừu tượng, ấn tượng... lấp lánh chiếu xuống, ửng dưới làn nước trong như gương. Không khí mát trong. Phiên nói:

Nơi đây, khí hậu mát quá.

- Quanh năm khí hậu giống nhau. Hôm nào trời lạnh quá, tụi em vào đây là ấm, không có gió bão.- Thằng bé đáp.

Như vẳng tiếng thì thầm của vách đá. Con sông chui vào núi, rẽ đôi, lại rẽ đôi.

Thuyền theo một nhánh sông để ra, động sáng rực rõ ánh mặt trời.

- Chỗ này ngày xưa vua Hàm Nghi ở.

Phát lẩm bẩm, nhìn những bậc tam cấp đục đẽo trên đá. Bậc thang dẫn đến một cái ghế đá, lưng dính vào vách động. Ghế Vua đơn sơ, mà uy nghi. Mấy chục tảng đá vuông lớn chung quanh. Quế đọc mấy hàng chữ Hán tạc trên vách:

- Đây là nơi vua Hàm Nghi trú ẩn sau khi bỏ kinh thành và dấy động phong trào Cần Vương. Có một thời gian dài vua tới ở đây. Ghế này là chỗ vua ngồi, mấy cục đá vuông kia là ghế các quan văn võ.

Có những hàng chữ quốc ngữ mới viết, tên họ của những người lính dừng chân trước khi vào Nam. Có hàng chữ ghi “Nguyễn Văn Tâm, binh đoàn Trường Sơn. Dừng chân nhớ mẹ già ngày 5 tháng 4 năm 1972”. “Lê Trường Nôi, đại đội 5 tiểu đoàn 303”...

- Trên nước tôi, gần như nơi nào cũng có dấu tích những cuộc chiến khác nhau.

Bác sĩ Lacaze lắng nghe Quế nói, chép tiếp trong cuốn sổ tay.

Buổi cơm chiều trong nhà của chú bé Hòa Bình. Ba nó da vàng xanh bệnh sốt rét. Súng, anh nó loay hoay nướng cá chình trên lửa than. Mùi thơm bốc ra xa. Bác sĩ Lacaze ăn một miếng cá chình:

- Lạ và tuyệt quá.

Phiên hỏi ba chú bé:

- Chình ở đây, giá có mắc không?

- Khối gì. Mùa nào cũng có. Thịt chình rẻ bằng nửa thịt bò - Ba của Hòa Bình đáp.

Bác sĩ Lacaze thắc mắc hỏi Phát về loại chình này. Phát lý giải:

- Chình là một loại giống lươn và cá. Thân to tròn bằng bắp tay người. Ngắn hơn lươn một chút, có hai lỗ tai lớn. Theo tôi đây là chình sông. Có nhiều ở thượng nguồn. Thịt rất bổ. Có một loài chình khác nữa ở các đầm Tuy Hòa, Quy Nhơn. Đó là chình biển. Chình biển nước tôi, sinh ra ở Côn Đảo, lớn lên ở mấy đầm nước miền Trung. Khi sắp chết, chình thường về đảo Côn Sơn để chết. Chình sông thì về nguồn để chết. Chình xứ Tây thì về đảo Sagratto người Đại Tây Dương mà chết, phải không chị?

- Chình là đám dân du mục, chỉ có khác khi chết phải quay về cố quận mà chết - Quế thêm vào.

Họ ăn cháo chình, ăn chình um. Bác sĩ Lacaze nhìn chiếc nanh trắng đeo trước cổ của ba thằng bé:

- Cái gì thế?

Quế dịch cho ông ta hiểu. Ông cười, mặt tự đắc:

- Đây là cái răng của cọp Chúa, nhờ nó tôi thoát chết nhiều lần. Làng này khi bị dội bom B52, nhiều người chết, còn bom thấy tôi, nó tránh hết.

Ông chỉ ngọn núi bên kia sông, có hai hòn đá trắng trên cao:

- Mấy chú biết không, núi đó có mấy cái hang sâu. Khi nghe máy bay tới tôi nhảy xuống cái ao gần đó. Có lần, một tiểu đội bộ đội đi ngang qua chui vào núi nấp. Bom rơi xuống, tai tôi khi đó lùng bùng, người đong đưa lên xuống. Hết nhả bom, tôi bò lên, thấy một tảng đa lớn bằng cái nhà lầu ba tầng lấp kín miệng hang.

Ông nhăn mặt, nhắm mắt kể tiếp:

- Tôi nghe tiếng người bên trong kêu cứu. Tôi đi gọi làng xóm tới. Mọi người trong làng kéo đến, không thiếu một ai, tìm mọi cách để di chuyển tảng đá, cuối cùng lắc đầu bất lực. Tảng đá sao mà lớn thế. Ngày nào cũng nghe tiếng kêu thảm thiết đau đớn từ bên trong vọng ra. Gần hai mươi năm rồi, tảng đá còn lấp kín hang núi. Giờ chắc còn những bộ xương.

Quế dịch cho bác sĩ Lacaze nghe.

Rặng tre xanh chạy dài bên kia dòng sông Son. Mái tranh, mái ngói nâu chìm trong vườn quê. Phát ngồi trầm tư, đôi mắt hững hờ nhìn xuống sông Son:

- Có lẽ phía bên kia sông là làng Phượng, Quế nhớ không, có hôm Phượng nhắc đến ngôi làng cũ này.

Phiên hỏi:

- Phượng là ai vậy?

- Là cô giáo dạy chung một trường trên làng A Sầu.

Quế nhìn Phát mỉm cười.

 

Chương ba.

Giỡ nắp chiếc xe jeep, người thợ xem lại toàn bộ máy móc. Phát quyết định mua chiếc này để đi lại trên vùng núi cao đó. Giá chỉ có hai chỉ, tương đương trăm đôla. Xe còn tốt, xót lại sau cuộc chiến, chỉ tội uống xăng nhiều, không thông dụng:

- Đám trẻ làng tôi, nếu được ngồi trên xe này sẽ thích lắm. Chiếc xe người việc chở đồ đạc, thỉnh thoảng sẽ đưa đám trẻ về thăm thành phố và nhiều nơi khác nữa.

Phát nhìn gầm xe, xem các bánh xe. Quế vỗ trên thành xe:

- Ta phải ở lại thêm vài ngày nữa để lo giấy tờ mua bán. Christine và Phiên muốn đi theo tụi mình lên núi chơi mấy ngày.

Cơn mưa phùn thổi nhẹ vào mặt hai người. Người sửa xe nhìn Phát dò hỏi:

- Anh mua xe làm gì?

- Tôi đi săn.

- Tỉnh mình cấm đi săn mà!

Phát cười. Người sửa xe nhìn kỹ phía lần nữa, ngắm áo quần, nhìn đôi giày, cái mũ nỉ, rồi hắn lắc đầu không tin. Phát vỗ vai anh ta:

- Tôi không bắn thú bao giờ. Tôi chỉ đi tìm thú về nuôi, rồi dạy chúng.

- Anh nuôi thú làm xiếc?

Phát khoát tay vô nghĩa. Họ quay bước.

Ngôi chợ ồn ào bên sông, chợ lớn nhất thành phố. Nón lá chen chúc. Hai người len lỏi trên lối đi hôi thối đọng nhiều nước. Phát nói với Quế:

- Mùi thối nơi này, làm tôi nhớ con kênh đen trong Nam.

·

Vợ Hy đang lom khom xếp mớ áo quần Phát mua cho các em học sinh trên làng.

- Hy đi đâu rồi chị?- Phát hỏi.

- Anh Hy nói, ghé thăm mấy người bạn để xin một số sách báo cũ cho anh đem lên trên núi. Tôi có gói một bao áo quần cũ của cháu nội gởi anh luôn.

Chị nhìn đống hàng Phát và Quế mang về, cười:

- Anh già rồi sao không chịu lấy vợ, sau này lớn tuổi có người phụng dưỡng. Anh mua nhiều thứ như thế này tốn tiền lắm.

Phát vỗ túi quần:

- Tiền bán nhà của tôi trong Nam còn khá nhiều. Không sao đâu. Sáng nay tôi vừa mới mua thêm chiếc xe jeep.

Vợ Hy ngẩng nhìn Phát, nhìn Quế dò hỏi:

- Thiệt không mấy cha?

Quế gật đầu cười.

- Thời buổi này mà mấy ông xài sang như Tây. Ai cũng đi xe đạp. Lên núi bày đặt đi xe hơi, chỉ khoe với cọp. Chị nói xong lắc đầu.

- Xe hơi có hai chỉ. Mua năm chiếc xe hơi giá mới bằng chiếc xe Honda cũ. Xe hai bánh đi hai người. Xe này chở được một chục đứa bé. Thôi bỏ qua chuyện xe đi. Chị làm ơn mua hộ cho tôi một số vật dụng này nữa.

Phát đưa cho chị một danh sách: bút chì, viết bi, phấn viết, vợt vũ cầu, trái bóng đá, đồ chơi trẻ em, bàn chải, kem đánh răng, thuốc DDT xịt muỗi, năm ký muối...

Vợ Hy nhìn danh sách, nhăn mặt. Nhiều thiếu thốn trên miền cao.

·

Chiếc xe jeep lắc lư đưa họ về rừng. Phát lái xe, Phiên ngồi cạnh. Bác sĩ Lacaze ngồi băng sau chung với Quế. Can xăng đầy máng phía sau. Vật dụng Phát mua xếp gọn dưới sàn.

Cơn mưa nhẹ tăng thêm phần hiu quạnh hai bên đường. Bác sĩ Lacaze thỉnh thoảng đòi dừng xe để chụp ảnh. Chụp cầu treo, ngọn núi trọc, con đường cây cháy trơ trọi, không bóng người. Thỉnh thoảng một vài người vùng núi xuất hiện da ngăm đen, lầm lũi bước đi, im lặng. cũng có kẻ tò mò đứng lại nhìn chiếc xe jeep chạy qua, vẫy tay chào, nụ cười hồn nhiên, áo quần lấm đất đỏ và chằng chịt.

Cảnh vật buồn giống nhau, đường vừa xa vừa xấu. Bác sĩ Lacaze thấm mệt, tựa vào hành lý chập chờn ngủ. Quế che kín mặt bằng miếng vải, đầu đội mũ lưỡi trai, đôi mắt mở lớn nhìn cảnh vật, rồi lẩm bẩm:

- Một thế giới lạ trong một thế giới văn minh. Cuộc đời sao buộc, tưởng chừng đứng bên bờ vực thẳm.

Phát lái xe chậm lại vì ổ voi lớn chắn giữa đường lộ.

Bác sĩ Lacaze bừng mắt dậy vì tiếng reo hò của đám trẻ nhỏ làng A Sầu. Đứa trẻ ngồi trên mình bò, phất cái roi có cột miếng vải trắng chào Phát. Bốn đứa trẻ chạy theo xe la lớn:

- Thầy về, thầy về...

Phát đưa tay vẫy chào. Bác sĩ Lacaze nhìn Phát hỏi:

- Chúng gọi tên anh?

Phát lắc đầu, đáp:

- Không, tôi là thầy giáo của chúng.

Xe đến ngôi nhà sàn lớn. Phát bấm nhiều hồi kèn. Không thấy ai. Bác sĩ Lacaze hỏi:

- Nhà ai?

Phát cười không nói. Quế thêm vào:

- Chắc cô ta còn ở trường.

Xe đến con Suối Thầy, đi giữa rừng chuối, rẽ vào căn nhà lớn có đàn trẻ ùa ra, reo hò ầm ĩ:

- Thầy về, thầy về...

Phượng xuống cầu thang, đôi mắt mừng vui. Cúi chào mọi người.

- Sao anh đi lâu thế. Em trông muốn chết...

Cô ngưng bặt, má ửng hồng. Phượng nhìn bác sĩ Lacaze, nhìn Phiên dò hỏi:

- Vợ chồng bạn anh?

Quế gật đầu. Phiên chưa kịp đính chính, tiếng Phát giục.

- Tất cả vào nhà tắm rửa. Tròn nấu dùm chú mấy ấm nước sôi để tắm.

Đường xa, bụi bám kín trên mặt, áo quần. Bác sĩ Lacaze, Phiên giờ cũng thành màu đỏ. Chỉ còn hàm răng trắng.

- Có gì lạ không cô Phượng?- Phát hỏi.

- Mọi việc bình thường.

- Phượng lo nấu cơm chiều dùm tôi. Có đòn chả vợ anh Hy gởi tặng tụi mình, để trong xách. Hôm nay nhà mình có khách.

Phượng e thẹn, gật đầu, cúi mặt:

- Dạ.

Cô bước nhanh về phía nhà bếp, dư âm “nhà mình” sao gần gũi, thương yêu quá.

Phát cùng đám trẻ khiêng hành lý vào nhà. Cu Minh và mấy đứa thích thú nhảy lên xe, rờ tay lái; nhảy xuống, sờ mó bánh xe, nói cười ầm ĩ.

Buổi cơm chiều, bác sĩ Lacaze cầm giỏ tre đựng xôi đưa lên mũi:

- Thơm quá.

Cô ngắm nghía cái giỏ tre đan kết xinh xắn:

- Tôi không thấy dưới phố.

- Tôi cũng vậy - Phiên phụ họa.

- Vùng này gần phía Nam nước Lào, người dân thường đựng xôi, đựng cơm trong giỏ tre. Xôi sẽ mềm lâu.

Khô nai nướng, dĩa gỏi gà, miếng chả thái mỏng... bữa cơm kể cũng thịnh soạn.

Đôi đũa trong tay Lacaze thỉnh thoảng trật trệu, muốn rơi xuống. Cô ta cười, mọi người cười. Phiên chỉ thích ăn món gà:

- Chị Phượng làm món gỏi gà ngon quá. Lá này gọi là lá gì?

- Đó là lá chanh.

- Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món ăn này.

Ở nước ngoài, gà rán, gà rôti... ăn hoài ngán chịu hết nổi. Mai chị làm thêm lần nữa.

Phượng gật đầu, Quế gắp miếng thịt gà:

- Làm món này tốn công lắm!

- Làm sao tốn công?- Phiên thắc mắc.

- Lá chanh phải hái ở vườn cô Phượng. Vườn nhà Phát đâu có cây chanh.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9   10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 1834
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân