Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
472
116.827.278
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 7

kiếm được tên kia, có thể là những người đi theo Cần Vương xưa kia, khi chết được chôn gần mộ Tổ? Bia mộ Tổ có ghi năm Kỷ Sửu 1913, năm đánh dấu Hoàng Hoa Thám bị bắt. Một hàng hoa sứ đỏ mới được trồng lên để nhắc nhở một giai đoạn nhiều máu xương rơi.

Tiếp theo bia mộ ông bà nội, có một ngôi mộ, bia cũng đề khuyết danh. Mộ chung của ba mươi hai người. Kế nữa là bia mộ cha mẹ Phát và bà con.

Phát chỉ bia mộ ông bà nội, hỏi cụ Koòng Ki:

- Khi cải táng mộ ông bà nội, chung quanh có 32 ngôi mộ vô danh, chỉ còn xương cốt. Không hiểu họ là ai?

Koòng Ki mái tóc bạc trắng, lưng còng, tay chống gậy, tay kia run run vuốt mấy giọt mồ hôi trán, đôi mắt nhắm, lẩm bẩm:

- Già biết mặt tất cả. Tháng mười năm 1945 bà nội con, người làm, hàng xóm, đều bị chết đói. Thời đó ấp này khoảng 100 người đổ lại mà chết đến 32 người, chiếc xe bò của già chở đầy xác chết đi chôn, thân người gầy guộc. Em bà nội con cũng bị đói lả chết, thằng bé lên ba tháng chết cùng, miệng còn ngậm chặt vú mẹ.

Phát hỏi:

- Ông nội con cũng chết đói?

Koòng Ki đáp:

- Nội con là thằng Đinh Hiển, bạn thân với già. Bấy giờ, hắn đi theo Việt Minh, bị tụi Tây bắt giam ở lao Thừa Phủ gần tám năm. Hắn về thì vợ hắn mất rồi. Hắn buồn, bệnh nặng thêm, rồi chết luôn. Hôm hắn về đây, già nhớ tay chân nhỏ ốm bằng cây cán giáo kia kìa.

Già Ki chỉ bụi cây cán giáo mọc gần đó, rồi kể tiếp:

- Thời đó, bọn Nhật không cho trồng lúa, bắt dân nhổ lên để trồng đay, nên không có gạo mà ăn. Khổ lắm!

Trâu bò cũng chết đứng vì cỏ cây bị người giành ăn hết. Hồi đó, ấp mình chết 32 người, tính ra còn ít so với mấy triệu người chết ngoài Bắc.

- Chết đứng là sao? - Phát hỏi.

- Thấy con bò đứng đó nhưng nó đứng chết khô tự hồi nào. Đụng vào là bò ngã quỵ xuống.

Bia mộ bà nội Phát ghi tháng mười một năm Ất Dậu - 1945.

Tới cuối con đường đất, họ ngồi nghỉ dưới bóng mát cây bồ đề. Già Ki nhìn tàn lá che kín một khoảng sân, nhíu mày:

- Lúc già còn bé đã thấy có cây này rồi. Tính ra nó đã hơn 100 tuổi.

Phát thắc mắc:

- Nội con có một người em ruột tên là Đinh Linh, già có tin tức gì không?

- Theo lời kể của nội con với già, khi nội con ở trong tù, có một người nằm cạnh báo là Đinh Linh bị xử trảm chung với 700 người khác tại Vinh. Năm đó Tây ném bom xuống đầu dân lành, tay không có vũ khí, chết mấy ngàn người, nó còn xử tử mấy trăm người không cần xét xử.

·

Hội mừng trường học mới xây xong, bốn ché rượu cần để ngoài sân. Phát mời ủy ban xã, bí thư, những người lính dò mìn trên huyện xuống. Nhiều bản dân chung quanh thung lũng cũng đến. Chiêng trống khua vang pha lẫn tiếng hát ca từ máy cassette.

Khoảng trên ba chục chú bé chạy nhảy, la lối inh ỏi. Phượng chỉ huy toàn bộ phần nấu nướng dưới bếp. Cây nêu cắm giữa sân, có băng vải đỏ ghi hàng chữ “Trường học làng A Sầu”.

Thằng cu Sún hết nhìn đàn gà mới nuôi, lại bắt chước tiếng vịt. Hơn hai mươi con vịt mới ở nhà sàn kế bên.

Trai gái nhảy hả hê rồi tuần tự từng người cầm ống hút rượu cần. Mỗi lần hút, đánh dấu bằng đỉnh ngọn lá xanh, lá treo bởi sợi chỉ đỏ vắt ngang miệng ché. Uống sao cho mặt rượu trong ché ngang với ngọn lá treo mới là sánh điệu.

Sau mỗi phiên uống, nước lạnh chế vào cho đầy bình. Nồng độ rượu tùy người uống, chỗ đậm, nhạt, chua, bùi, bằng cách di chuyển cần hút trong ché rượu theo ý mình.

Ban nhạc mới có Phát, Quế, ca sĩ Phượng. Tôi nay Phượng quấn váy xanh nhạt, có đường sọc đỏ, áo thun trắng. Chút phấn hồng trên má. Hoa trắng cài trên tóc đen dài dễ thương.

Quế vỗ nhịp liên hồi trên mặt trống da nai. Phát thổi kèn, gảy đàn guitar. Bản nhạc anh mới phổ lại từ dân ca người vùng cao:

Nhà ta xa, làng ta xa. Ta chung một mặt trời.

Nhà ta xa, làng ta xa. Ta chung một mặt trăng.

 

Ta kéo làng ta đi ở một vùng xa.

Ta kéo nhà ta đi ở một chùm.

Đừng cho rú cách rừng xa.

Đừng cho khe phải xa dòng nước lớn.

Thượng và Kinh ta ưng gặp mặt nhau.

Cùng nhau một dạ một lòng.

Rủ nhau dựng nhà, nhà đã dựng xong.

Rủ nhau làm rẫy, rẫy lên xanh tốt.

......................................................

Cây khác rừng muốn cho hợp lại.

Cây khác đèo muốn cho mọc một rừng xanh.

Phát phổ nhạc theo nhịp hành khúc vui nhộn. Không còn âm hưởng cũ thê lương. Mọi người vỗ tay theo nhịp. Phượng đưa tay chùi nước mắt. Lần đầu tiên cô lên sân khấu, lâu lắm rồi mới có một ngày vui. Vui phát khóc.

Phát ngồi với anh Loòng Ai chủ tịch xã, uống rượu cần. Loòng Ai gãi nhẹ ngón tay út trên gò má xương xẩu:

- Anh Phát sao trở về làng không xây từ đường trước, tôi thấy nó muốn sập và dột nát hết rồi. Sao anh lại xây trường?

Phát chỉ hai nhà sàn xây trên hồ phía sau, cười:

- Đời sống quan trọng nhất là hiện tại và vươn tới tương lai. Tôi nuôi gà vịt, trồng trọt là cho hiện tại. Hiện tại phải cố gắng ăn no, giàu có. Trường học là lo tương lai, đầu tiên biết chữ, rồi biết phải trái đạo nghĩa trong đời. Hiện tại thiếu văn hóa, tương lai mù mịt. Chúng ta đều có trách nhiệm chung với lớp trẻ.

Phát nâng ly rượu:

- Ngôi từ đường tôi sẽ sửa chữa. Chúng ta có nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên, không phải xây một nhà thờ lộng lẫy, làm tiệc giỗ hai ba con bò. Cha ông đâu muốn thế. Ông bà muốn các con cháu ta đừng chết vì thiếu ăn, hèn vì thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết. Quá khứ là những bài học qúy giá cho hôm nay. Vì thế nhà thờ tôi sẽ làm cuối cùng vì chưa cần thiết.

Một ngày trôi qua có nhiều tiếng cười. Âm nhạc dễ giúp mọi người gần nhau hơn.

·

Trường có hai lớp chính, Phượng dạy những bé mới học chữ. Phát hướng dẫn cho các em lớn hơn. Cứ một hai tuần, Quế lại về núi một lần, giúp đỡ Phát môi công việc bề bộn nơi đây.

Học sinh ở đây không giống nơi khác. riêng lớp vỡ lòng có gần hai chục đứa, từ tuổi lên năm đến tuổi thanh niên. Có đứa to đầu bự con, có đứa tay chân ốm tong teo đến trường bằng đôi nạng gỗ, có em thiếu thông minh, khờ khạo... có em nhìn cô thầy cười suốt ngày, có đứa không chịu hé môi, có đứa lớn tuổi mà thân người nhỏ choắt, chiều cao chưa tới một mét.

Ngôi làng có nhiều góa phụ và nhiều gia đình nghèo từ thành phố tới, nên có thêm cả lớp đêm dành cho trẻ em ngày bận đi chăn bò hoặc theo cha mẹ lên nương rẫy.

Phát trông đen ra, tóc giờ cắt gọn hơn. Hàng ngày, ngoài công việc dạy học, anh chỉ huy đám thợ xây nhà, đám người thuê tới trồng thêm cây trái.

Mặt trời lặn dần sau đỉnh núi.

Từ hiên nhà, Phát ngồi nhìn con suối Thầy chạy bao quanh khu vườn, con suối chạy khuất sau hàng cây măng cụt và những đám môn lớn. Lá môn xanh đen phản chiếu lóng lánh ánh trời chiều còn lại. Khoảng trống vắng phía xa.

Thấm thoát ba tháng qua mau:

- Anh đang nghĩ gì thế?

Phượng bưng tách trà đến, đặt lên chiếc bàn con, tách trà có lớp men xanh cổ tìm thấy nhiều ở vùng này.

- Trà Bắc Thái ngon lắm, anh dùng thử. Sáng ngày mai, em sẽ viết một số chữ cái lên tường lớp học. Vẽ thêm một số con vật, anh nghĩ sao?

- Lớp học đó của chị, cô giáo cứ tự do - Phát nhìn Phượng, cười đáp.

- Nhà của anh, em phải hỏi ý kiến.

Phát im lặng. Núi bao quanh thung lũng, rừng sắp tối đen... vây kín hai người. Thoảng hương trà thơm. Ngôi nhà này đâu phải có mình Phát, còn bóng dáng Phượng nữa.

- Tối nay, anh dạy dùm em đám trẻ. Em xuống thăm chị Do, chị bệnh. Anh nhớ chị Do không? Chị là người phụ em nấu ăn hôm làm giỗ anh Quý đó. Chồng chị chết cách đây 3 năm. Bệnh viện không tìm ra nguyên nhân.

Hôm nay bệnh của chị nặng thêm, người sụt cân, không ăn uống gì cả. Tội nghiệp con chị bị tật nguyền, đã sáu tuổi, bị câm, đôi tay teo nhỏ, còn đôi chân ốm khẳng khiu.

- Lớp học tối nay tôi lo, chị yên tâm. Nếu nặng quá, Phượng khuyên chị xuống thành phố khám bệnh.

Đêm xuống. Ánh đèn thủy điện bật sáng ngôi trường, sáng một góc nhỏ thung lũng.

Trong phòng đọc sách, Quế đang xếp lại sách báo cũ vừa đem lên:

- Sách báo cũ, mua tính kilô. Giá rẻ. Mình không mua họ cũng chở vào Đà Nẵng cuộn làm pháo hoặc làm bao bì đựng tiêu hành.

·

Sáng chủ nhật trời còn sương. Phát Quế và Phượng men theo con suối về phía làng A Sầu, nằm gần con lộ lớn mang nhiều chứng tích đau thương một thời. Hai bên đường, rừng cây cháy trơ đã trên hai mươi năm. Một vài bụi lồ ô ráng mọc trên mảnh đất đen trần trụi và rừng chuối.

Trên triền núi, những ống tre dài nối liền nhau dài vài trăm mét, dẫn nước từ suối cao xuống hồ nuôi cá. Hồ ao, chứng tích bom mìn.

Vài người, ngồi trước hiên nhà nhìn Phát, Quế, Phượng đi qua.

Chục năm qua, trong làng có vài thiếu nữ bỗng dưng chết lạ, nhiều bí ẩn. Chết non trẻ. Tóc rụng không còn sợi nào, da thịt nổi cả chục cục hạch lớn.

Vài đứa bé im lặng. Chúng nó câm và điếc. Có đứa bé bò như con thú dưới nền nhà. Có đứa dị hình ba chân, đầu bự.

Ngang những hàng cây khô. Qua con dốc cuối làng. Phát dừng lâu trước thân cây cao khoảng hai mét, chơ vơ. Cây cháy khô như thân người ngồi buồn bất động. Thân lớn hai người ôm còn cắm sâu trong lòng đất. Không còn vỏ cây, gỗ chỗ đen chỗ trắng, chỗ bị khoét sâu. Xung quanh có nhiều hố bom sâu, đường kính khoảng mười mét.

Phát lặng nhìn, bước lần tới, bàn tay vuốt nhẹ thân cây khô. Anh ngồi xuống, da mặt tái xanh, mồ hôi lấm tấm. Đôi mắt nhắm nghiền. Phượng la to:

- Anh sao thế? Anh Quế đến đây giúp em.

Phát mở mắt, tay quẹt mồ hôi trên mặt. Có ngón tay ấn mạnh trên đầu hắn, tiếng Quế:

- Mày thấy sao? Khỏe chưa?

Phát lắc đầu.

- Anh thấy khỏe chưa?- Phượng lo lắng hỏi.

Phát chống tay xuống đất gượng ngồi dậy, nhìn rất lâu gốc cây cháy:

- Đưa tôi về nhà, thấy đỡ lắm rồi.

·

Bát cháo thịt bò bằm, nhiều tiêu cay, nhiều hành, làm Phát toát mồ hôi hột như mới được tắm hơi.

- Anh dùng thêm bát nữa? - Phượng ngồi cạnh hỏi.

Phát lắc đầu, thều thào:

- Cám ơn.

Quế vỗ vai Phát:

- Hồi nãy tao thấy tự nhiên mày muốn ngất xỉu? Tại sao?

Phát tư lự một hồi, ngón tay chỉ ra ngoài cửa, chậm rãi nói:

- Tôi thấy ba mẹ tôi trong gốc cây, nhìn tôi mỉm cười. Tôi chưa bao giờ ngất cả, kể cả những lúc thấy máu me, thây người.

- Chuyện cũng lạ. Ba mẹ Phát chết năm 72, xác đều ở sau vườn. Trận ném bom dữ dội ấy, vùng này đã có hơn mười người tử nạn. Thời gian từ năm 67 tôi đóng quân ở Bóp Đỏ gần đây, bị pháo kích dữ dội. Năm đó quân đội Mỹ rút hẳn ra ngoài vùng A Sầu, kể luôn vùng Nam Đông.

Quế lấy tờ giấy vẽ, diễn dịch cho Phát hiểu hơn:

- Cuộc chiến lúc đó căng lắm. Đồi Hamburger nhiều người tử nạn. “Đồi thịt băm”, Phát thấy xa xa đó. Sau trận này Mỹ rút khỏi vùng này. Mỹ lập chiến trận Bastogne, chiến trận Khe Sanh, cho tới Lang Vei, đèo Lao Bảo. Tôi suýt chết hai lần từ nơi hàng rào điện tử Mac Namara.

Phát thở dài.

·

Ngày rằm tháng bảy. Chiếc xe bò chở mọi người đến gốc cây cháy đen bên lề đường Dốc Bút. Thân cây dáng hình người, đám chim sẻ đậu trên gốc vội bay xa.

Họ cầm nhang vái trời đất thổ thần chứng giám lòng thành, rồi đào, nâng gốc cây lên khỏi mặt đất đá. Gần đó, họ tìm thấy xương cánh tay, luôn bàn tay, chiếc hộp quẹt đã rỉ sét, đôi dép lốp cao su không chịu tan trong lòng đất lạnh...

Gốc cây được đem về dựng lên trước nghĩa trang mới, và một ngôi mộ khuyết danh “bên dưới có cánh tay, đôi dép cao su”... để ghi dấu cuộc chiến tranh hãi hùng vừa qua. Gốc cây cháy nhìn thấy cây bồ đề già cuối vườn.

·

Vầng trán Phát như có nhiều nếp nhăn hơn. Những giây phút rảnh rỗi, đem đá đẽo bức tượng “Đầu người ngước mắt nhìn lên” dưới bóng mát cây phượng vỹ giữa sân trường, đám trẻ tò mò ngồi vây quanh. Phượng đỏ rơi rụng, trái phượng khô đen đúa lẫn giữa hoa đỏ. Tượng được đặt trước mộ chi Tổ.

Bức tượng thứ nhì đẽo cái bát úp xuống, đặt trước mộ ông bà nội. Cu Tròn phụ đẽo đục, dọn dẹp đất đá. Nhiều người tò mò hỏi thăm chuyện khó hiểu.

Khuôn mặt bất khuất nhìn trời cao, chí hướng không làm nô lệ của tổ tiên cha ông bao đời. Bát cơm úp ngược, để trước bia mộ ông bà nội, đánh dấu giai đoạn 1945, thời chết đói hơn hai triệu người.

·

Phát chưa dứt lời, bỗng có tiếng nổ lớn phía suối Thầy, cuối vườn. Phát phóng dậy, sợ hãi:

- Chuyện gì vậy, Quế?

Quế ngồi dậy, nhìn ra cửa. Ánh trăng sáng cả khu vườn. Thấy rõ đỉnh núi “Đồi thịt” xa xa. Tiếng chim kêu thảng thốt bay lên. Tiếng xào xạc nhánh cây gãy... Quế gãi cằm, phỏng đoán:

- Giờ này ai cũng ngủ cả. Chắc có con thú giẫm mìn.

Phát bước qua phòng thằng Cu Tròn, nhìn vào. Hai anh em nó vẫn ngủ say. Quay về phòng, Phát hoang mang, ngồi bất động trên giường cho đến khi nghe tiếng gà gáy, anh đánh thức Cu Tròn dậy:

- Khuya hôm qua, chú nghe tiếng nổ lớn phía con suối. Con thử ra ngoài xem có chuyện gì?

Mùa này nước suối cạn ngang tầm gối, lạnh mát. Tròn dừng lại rửa mặt, ngước nhìn xem con sáo líu lo trên cây sung.

Lúc nó vừa vén lau mọc san sát bờ đã trố mắt nhìn. Có một đường máu đỏ thẫm trải dài trên cỏ xanh non. Nhìn thấy những giọt máu rơi rớt không đều, kéo dài. Thằng bé đi theo con suối, theo vết máu vương dài, có tiếng thở phì phò. Tròn la to:

- Chú Phát, chú Phát tới đây xem. Bắt được con nai.

Phát, Quế chạy ra ngoài, lội qua con suối. Thằng Tròn đứng bên con nai, vô số vết thương khô máu trên mình nai.

- Con nai vô phúc, đêm trăng sáng xuống suối uống nước, nai đập phải bom bi. Quế nhìn, nói.

Tròn xoa hai bàn tay khoái chí:

- Nhà mình có thịt ăn ít nhất hai tuần. Đã quá!

Phía đầu con suối, khu vườn còn yên giấc vắng lặng.

Quế nhìn kỹ vết thương con nai:

- Chắc bom bi rồi. Vết thương bom lá khác một chút. Phát biết không, đôi khi bom còn kẹt trên ngọn cây, có khi bom chưa nổ ẩn dưới mặt đất. Hai ba mươi năm sau có dịp mới nổ. Làm sao mà lường được.

Phát lặng nghe, âu lo:

- Có mấy loại bom, loại mìn?

- Nhiều loại lắm, tên gọi theo nơi sản xuất, ký hiệu... Người dân đặt tên theo hình dáng, âm thanh, sức công phá... thường họ lấy tên mấy loại trái cây để gắn tên như: bom ổi, bom chanh, bom bi... người bị bom bi, ai xui, đứng gần thì chết. Nếu hên, đứng xa, vô số vết đen trên người, có thể đui mù, gãy giò, liệt tay.

Nai mở mắt, tiếng kêu đau đớn.

Nai nhắm mắt, vĩnh biệt núi rừng.

·

Tháng sau, chị Do được đưa lại về làng, một hình hài gầy đét giống cây tre. Đầu không còn sợi tóc. Bệnh viện trung ương bó tay. Bệnh ung thư máu. Bệnh nan y. Cầm chừng mạng sống có mấy chai nước trong.

Một tuần sau không ăn uống được, chị Do thều thào nhắn nhủ Phượng:

- Cô giúp dùm em coi sóc thằng bé. Nhà em không còn ai hết. Quê em tận Lang Vei, cạnh đèo Lao Bảo. Ngôi làng cũ tan nát hết rồi.

Chị Do nắm tay Phượng bóp chặt, mắt nhắm nghiền, giọt nước mắt trôi xuống má hõm xanh. Chị khóc, tiếng khóc như tiếng mèo. Đứa bé lê lết dưới nền đất, cào ống quần Phượng bằng đôi tay. Nó đói, nó khóc cũng giống mèo, Phát thẩn thờ. Chết là tất yếu, là cuối đường của cuộc sống, nhưng sao nơi đây chết không bình thường chút nào. Thảm họa này tiếp nối thảm họa khác.

·

Táng chín, cơn mưa nặng hạt không dứt, dầm dề kéo dài hơn một tuần nay. Con suối Thầy nước chảy cuồn cuộn. Đám trẻ tụ lại trong căn phòng nhỏ phía trước, đọc sách, đùa giỡn.

Phát vừa nhận hai lá thư. Một của Hy gởi lên báo thằng Phiên lần đầu tiên về thăm nhà, thư viết mong gặp lại tất cả bạn bè cũ cùng lớp.

Lá thư thứ hai của chị Quý viết “Trâu, em chị, bên Mỹ về chơi, mời em và các bạn em tuần tới, xuống nhà để ăn mừng tân gia... Chị muốn gặp em có việc quan trọng”.

- “Việc quan trọng”- Phát lầm bầm.

Phượng bước vào phòng, áo cánh nâu lộ cánh tay trắng nõn, khẽ nhịp cuốn truyện cổ tích:

- Thư nói gì vậy anh?

- Thư mời ăn tân gia của chị Quý dưới biển. Hy báo người bạn ở Mỹ sắp về chơi - Phát đáp:

- Sáng nay bọn nhỏ học hành thế nào?

- Em cắt tóc cho chúng. Tóc gì dài phát ghê. Cháu nội ông Koòng Ki, tóc dài, lại thêm có chí. Em đọc mấy chuyện cổ tích. Tụi nó thích lắm.

Cơn mưa không dứt bên ngoài. Tiếng mưa rơi đều trên mái tranh.

- Trời mưa lâu quá anh nhỉ?

- Cơn mưa này, theo tôi ít nhất hai tuần. Trời muốn có giông bão.

Họ ngồi cạnh nhau, nhìn qua cửa sổ. Một nhánh cây sầu đông gãy nằm chơ vơ giữa sân trường. Lá rơi tơi tả trên đất đỏ trên vũng nước mưa. Cây lá uốn mình lên xuống theo cơn gió lớn. Phát đặt nhẹ bàn tay lên tay Phượng:

- Chắc tuần tới tôi phải về dưới phố. Chị đến đây ở, coi sóc dùm.

Phượng gật đầu, đôi mắt nhìn ra ngoài xa.

- Con chị Do sức khỏe hôm nay ra sao?

- Cu Bi hôm nay bớt sốt. Hai đám đen lớn sau lưng to dần, em thấy có mấy sợi lông mọc lạ kỳ?

- Tội nghiệp cu Bi tật nguyền. Bệnh quái dị không hiểu nổi. Nhà mẹ nó, chị Do, ai ở?

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 1879
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân