Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
322
116.828.439
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 4

tiếp vết thương kia. Thúy ra đi, khi tuổi đời còn trẻ. Không kịp nói lời trăn trối.

Phía thắp nén nhang, vái ba vái trước bàn thờ Thúy. Chuông gọi cửa. Tuấn và Minh, bạn cùng lớp thời trung học ghé chơi. Tuấn bô bô la lớn:

- Có lẽ mày điên rồi Phát ơi. Chuyện gì phải bán nhà, lại đi lên vùng đèo heo khỉ gió đó. Xưa ông tổ mày đánh Tây nên trốn trên đó, giờ hòa bình rồi đâu đánh nhau nữa.

- Thôi vào nhà uống ly bia. Đừng làm ồn hàng xóm.

Minh thấy cây nhang còn đỏ trên bàn thờ Thúy, hắn bước tới gần, vái mấy cái, đôi bàn tay khép trước cái trán vồ cao:

- Tao nhớ, xưa tao hát giọng chính. Thúy hát bè. Thiếu một người buồn ghê. Lớp học cũ của mình có trên hai chục thằng, giờ chỉ còn vài đứa. Phát về quê rồi, chỉ còn lại tao và Tuấn.

 

- Tao phải về, vì đã hứa. Tụi mày thông cảm.

Họ ngồi uống bia, im lặng. Phát đứng lên xếp toàn bộ sách vở vào thùng giấy carton:

- Tao chỉ đem sách vở về quê, cái gì còn lại Minh đem về nhà. Hy vọng mày khá hơn. Sao Minh cứ nghèo hoài vậy?

- Số trời. Lo gì.

Phát nhìn Tuấn rồi nhìn Minh với cái trán vồ:

- Giàu có đôi khi tự đến, như khi tao bán nhà. Tiền mua được nhiều thứ trên đời, nhưng học vấn, hiểu biết, tao thấy khó mua nhất. Kỳ này về quê, tao đem theo sách vở. Tao chỉ có một mình, không lo gì cả. Cho phép tao được biếu vợ con Minh hai cây vàng để có vốn làm ăn.

Minh bước lại cụng ly bia, lắp bắp cám ơn. Hắn ôm Phát. Vai áo Phát ướt. Lần đầu tiên thằng trán vồ biết khóc. Bên ngoài có tiếng gõ leng keng của chú Tiều bán mì sợi giữa đêm.

 

·

Nắng còn nằm sau những ngôi nhà cao tầng. Thi vị của thành phố là những buổi sáng ngồi uống cà phê lề đường, nhìn người qua lại, nhìn lá rơi rụng, đời cuốn trôi. Họ ngồi với nhau trong quán nước đối diện ngôi giáo đường quen. Phát nhìn con hẻm nghèo thân yêu sắp giã từ. Chiều hôm nay lên ga Hòa hưng, đáp tàu về quê.

 

Lần chót nhìn những dáng người quen thân chúng vào ra con hẻm. Nói lời tạm biệt với cô chủ quán tốt bụng. Nhắn nhủ với bạn:

- Khi nào cha Cầm về, Minh cho tôi gởi lời tạm biệt. Nhờ Cha bảo lãnh, mình cũng trốn lính được mấy năm. Không thì chết góc trời nào rồi.

Minh lẩm bẩm:

- Tội nghiệp thằng Tâm, em Cha mất tích, đã làm mồi cho cá mập rồi.

 

Tâm, em ruột cha Cầm, sĩ quan hải quân, chỉ vì thích bộ đồ bảnh bao của lính thủy, tình nguyện nhập ngũ. Cuộc chiến ngoài khơi hơn chục năm trước, chuyện giành nhau mấy hòn đảo Hoàng Sa với Trung Quốc, làm cậu chìm xuống biển chung với chiếc tàu chiến.

Thời trung học, Tâm, Phát ngồi cạnh nhau. ngày Phát bị gọi lính, nhờ có cha Cầm quen lớn, xin cho Phát xuống tàu nước ngoài làm việc. Tàu lớn có bệnh viện, có nhiều bác sĩ, y tá người ngoại quốc... Phát làm đủ thứ nghề: đẩy xe băng ca, hộ lý, dạy tiếng Việt cho ai muốn học, đêm đêm đánh đàn thổi kèn mua vui trên sóng nước lênh đênh.

 

Bệnh nhân, những thương tật lạ kỳ do chiến tranh. Những bé con dị dạng, nhiều đứa không còn thân nhân. Tàu cập bến nhiều quốc gia khác nhau, Phi Luật Tân, Hawaii, châu Mỹ, châu Âu xa xôi. Những chuyến hải hành kéo dài hơn ba năm.

Tiếng kèn đồng, tiếng trống.. inh ỏi vang trên đường phố. Người ta đang hòa tấu bản nhạc Trường Sơn, cầu sông Kwai... dẫn đầu đám tang, đám ma người quá cố hẻm kế bên. Họ quay ra đường nhìn, lắng nghe. Có ban nhạc Tây mặc âu phục, ban nhạc Tàu áo đỏ. Người dẫn dắt ban nhạc biểu diễn ném cây gậy lên trời. chết, cái tất yếu chấm dứt đời người.

Đám tang không ảm đạm như đám tang anh Quý. Ở đây có khác, bất cứ gặp lúc nào vui được thì cứ vui, như sợ không còn dịp. Thành phố nhộn nhịp ồn ào, người ta vui đùa ăn nhậu, đua xe, đổ ra ngoài đường bất kể ngày thường, ngày nghỉ, lễ Tây, lễ ta. Tết ta, Tết Tây, ngày Chúa ra đời, ngày Quốc Khánh... ngày sinh, ngày tử, ngày cưới. Nhà nhà vui vui, người người vui vui.

- Tôi thu xếp xong cả rồi, chiều nay tôi theo Phát về quê mấy ngày chơi - Tuấn nói.

 

Anh ta giờ kinh tế đã khá lắm rồi. Mấy năm trước còn ngồi bán thuốc Tây trên hè phố Tân Định, giờ với cái bằng dược sĩ, được phép mở cửa hàng dược. Làm ăn khấm khá. Anh thuê người bán thuốc, đi chơi đây đó, người tròn mập hẳn ra.

- Chiều nay trước khi ra ga, tụi mình lai rai lần nữa?

chuông giáo đường ngân vang. Hôm nay lắm người tụ lại, có lễ lớn, họ cầu nguyện an bình cho thế giới.

·

Đinh Phát xếp toàn bộ hành lý dưới gầm giường. Phát giường số 8. Tuấn số 9. Hai giường kia có hai mẹ con, hành lý bộn bề. Họ một già một trẻ, nhìn như người buôn hàng chuyến.

 

Tiếng còi tàu ré lên, báo giờ khởi hành. Phát quay nhìn lại nóc ngôi giáo đường, nhà mình phía sau đó. Nhớ cây bông giấy tím che kín vườn nhỏ, bóng mát độc nhất của mái nhà. Nhớ láng giềng hàng xóm tốt bụng, nhớ con kênh đen, nhớ những khuôn mặt ngây thơ mình dạy nhạc...

Rác, phân người nồng nặc hai bên con đường sắt. Những mái nhà tôle san sát bám kín nhau không thở nổi. Cùng một cảnh ngộ như ven con kênh.

- Mặt sao buồn như đưa ma vậy? - Tuấn cười hỏi.

Phát chỉ con kênh đen phía dưới, tàu đang lướt qua:

- Con kênh này rộng gần bằng sông Seine. Sông này đen, sông kia màu lục, nhờ họ biết cách lọc chất thải. Sông Seine được công nhận là di tích thế giới. Sông này đen, nhiều người khổ thân sống bám, da thịt họ muốn thành đen. Cuộc đời buồn khổ.

Xe lửa nghèo, ồn ào, chật chội, còn sót lại cuối thế kỷ này, hiếm đâu có được. Di tích sống của thời thuộc địa sót lại trăm năm qua. Con đường sắt này nối ba miền đất quê hương.

 

Bên ngoài màn đem buông xuống. Trong khoang tàu, ánh sáng vàng nhạt hiu hắt của ngọn đèn lớn chỉ bằng trái chanh. Tiếng xình xịch đong đưa qua lại. Con tàu lắc lư theo ghềnh đá, tàu lún xuống khi đi qua chiếc cầu nhỏ. Gió lạnh thổi vào khoang tàu...

Tàu dừng lại ở một thành phố nhỏ đầu tiên. Tiếng chuông leng keng của người bán hàng khuya. Tiếng rao lanh lảnh của em bé gái bán bánh mì. Khá đông trẻ nhỏ kiếm ăn lúc nửa khuya.

 

 Tuấn gọi mua gói thuốc lá, hỏi:

- Ba mẹ cháu đâu, sao giờ này còn đi bán?

- Ba mất lâu rồi. Mẹ bán cuối ga.

Tàu rời bến. Đến nửa đêm dừng khá lâu ở bến đợi giữa rừng. Phát và Tuấn không ngủ được.

Người ta gọi nhau ơi ới, tiếng đốc thúc, tiếng chất hàng trên tàu. Hàng trăm bao than lớn cao hơn đầu người. Họ đốn cây, đốn rừng làm than, chở đi bán nơi khác. Bóng tối phủ vây những con người lầm than. Con tàu nhích từ từ rời xa khu rừng chết. Phát phá tan im lặng:

- Tụi mình lâu quá không đi xe lửa.

- Gần hai mươi năm rồi.

- Trước đây đất nước bị cắt chia, con đường sắt bị chặt đứt đoạn. Thân người, gia đình, lớp học... cái gì như cũng chịu phân ly cả, cũng rã rời như hàng ngàn khúc gỗ đang nằm men đường sắt đêm nay. Lại một thời con người không tha bất cứ cái gì, cây gì, dù là cây con.

Ánh mai ló dạng chân trời xa. Mặt trời hồng. Chân trời biển xanh đậm kéo tới con đường sắt. Đá, cát trắng im lìm yên ngủ. Biển vắng người. Hoa ngũ sắc giữa sỏi cát.

Cánh buồm nhấp nhô trên biển xanh lặng. Người dân hững hờ tìm bắt con cá nhỏ ngoài khơi.

 

Đàn bò nhai cỏ trong sân trường. Hàng rào bệnh xá là một dãy xương rồng khô héo. Cánh cửa lớp học đong đưa theo gió. Bụi mù.

Tuấn mệt mỏi:

- Lần sau không đi xe lửa, mệt quá. Đi máy bay cho khỏe.

Phát lắc đầu:

- Tôi không thích đi máy bay chút nào. Sợ lúc hạ cánh, phải nhìn mồ mả vây quanh, chiếm hết đất đai. Phi trường kỳ lạ, nhiều mồ nhất hành tinh này?

 

Toa tàu nhỏ ngột ngạt nên khi ăn, khi ngủ, khi ngồi, gần như ai cũng bó gối. Có những người cha người mẹ ngồi ăn, rồi ném đồ thừa, giấy bẩn ra cửa sổ, đám nhỏ bắt chước theo. Cứ thế lây lan.

Cỏ hoang mọc suốt con đường. Vô số rác bẩn: lon nước ngọt, lon bia, bao nylon... nham nhở. Con đường với nhiều sắc màu quái dị. Tất cả bình thản! Khổ nạn đã quen với người. Trái tim hững hờ. Con đường ấy đang dẫn dắt Phát về lại quê nhà. Anh mơ thấy rừng núi xa. Lòng buồn mênh mang.

 

·

Tàu rúc còi liên hồi, trườn lên dốc. Rồi chui vào hầm tối đục xuyên ngọn núi cao. Có tiếng la thảng thốt sợ hãi, tiếng trẻ em thét khóc. Chờ mãi mới thấy lại khoảng trời, như gặp cuộc đời mới.

Dưới sâu kia là đáy vực, sóng vỗ không ngừng. Trong bao la xanh ngát của đại dương, ngoài xa kia thấp thoáng khu trại người cùi trên đảo.

Họ im lặng ngây ngất nhìn qua khung cửa hẹp. Phát nói nhỏ:

- So sánh với Nices, Cannes ở Pháp, hoặc Hawaii, bãi biển nơi đây đẹp hơn hẳn. Khổ nỗi quá nhiều rác bẩn vẫn còn đó, nhà cửa vẫn tiếp tục mọc lên tùy tiện, du khách ngại đến.

- Tại sao?

- Biển ta yên lành hơn. Biển của họ thường lạnh và có sóng lớn. Nhưng họ lại biết tổ chức, quảng bá, giáo dục cho mọi người biết chung nhau gìn giữ, bảo vệ quyền lợi chung. Khách nghỉ hè, khách du lịch đến quanh năm làm cho cả khu vực thành giàu có...

 

Thấp thoáng bên kia ngôi chùa cổ Túy Vân mục nát hoang tàn cùng thời gian. Xa xa núi Linh Quy mải mê ngủ say theo tháng ngày buồn.

- Hôm nào tụi mình về chùa Túy Vân, ngủ chơi một đêm để nghe tiếng chuông chùa - Phát nói, chỉ ngón tay về phía xa.

Tuấn nhắm mắt, khuôn mặt xanh xao mệt mỏi vì chuyện dài của biển.

·

Thuật Hy cao nghều, nổi bật trong đám người đứng ở sân ga. Buổi chiều hanh nắng có cơn gió Lào thổi về khó chịu. Đám đông ồn như tiếng ong vỡ tổ. Bộ áo quần tươm tất, nón nỉ đen cũ nhiều năm tháng. Hy bắt tay và ôm hai người, nói cười hô hố giữa sân ga.

- Chào các cậu! Đã quá! Về ở nhà tao đi. Thằng Phát thật tệ, lần trước ra đám ma anh Quý chẳng thèm báo tin cho ai hay. Tuấn bây giờ trắng mập như bột mì.

- Hôm đo, tao gấp quá không báo tin được, xin lỗi. Thông cảm!

Thuật Hy nhìn hành lý quá nhiều của hai người, trợn mắt:

- Tụi mầy tính di cư hay sao?

- Phát nó muốn về núi ở, còn tao đi chơi vài ngày.

- Đúng là đồ điên. Mấy con muỗi to bằng con ruồi sẽ ghé thăm mày. Về nhà rồi bàn chuyện.

Chiếc xích lô chở hành lý hai người về nhà Hy. Con đường quen, qua cầu nhỏ đã thấy ngôi trường cũ của bọn họ ở phía trái, góc ngã ba sông. Ngang bệnh viện nơi anh Quý từ trần. Phát lẩm bẩm: “- Mau quá, mới đó mà chỉ còn một tuần nữa là 49 ngày của anh Quý”.

Phát nhìn khuôn mặt tóp lại của Hy mà tội nghiệp. Lớp da xanh xám như thiếu ăn và thừa lo toan. Hàm răng bên trái sún mất mấy cái.

- Gia đình Hy ra sao?

- Có cháu nội ngoại đủ cả rồi. Cuối đời lại ôm cháu con. Phát thế nào?

- Độc thân.

Chiều tà trong vườn sau nhà Hy, họ ngồi ăn tối, uống rượu huyết dê, hàn huyên chuyện lớp cũ. Những trái đào đỏ rụng rơi trên cỏ. Hoa nhài thơm một góc vườn. Phát nhìn ra phía bờ sông có bến nhỏ:

- Cây hoa quỳnh dưới cây sung đâu rồi?

- Chết cách đây năm năm. Hôm có cơn lụt lớn.

- Uổng quá!

Một thời hương hoa quỳnh tỏa khắp vườn khi đêm khuya về. Thời Phát tối tối về với Hy ôn bài thi tú tài. Phát nhắm mắt lại lật đật tìm hình ảnh một thời lãng đãng.

- Bạn bè ở đây giờ còn mấy đứa, ra sao? - Tuấn hỏi.

- Tao thì phụ vợ bán áo quần cũ trên phố. Lúc này có nhiều khách Tây đến du lịch. Lâu lâu tao tiếp khách dùm bà, nói tiếng Tây, kẻo quên mất. thằng Di, nó khùng, không chịu làm việc gì cả, không muốn gặp mặt ai. Nó thiền định tại gia. Thằng Quế về dưới quê, làm nghề thầy tụng và coi tướng. Quế bỏ đạo giòng rồi. chuyện khó mà tin được. Chỉ mình thằng Vui. Tụi toa có nhớ không. Xưa nó vô rừng đi kháng chiến, giờ nó về, nó làm lớn lắm. Vui chịu học, chịu nghe, người nhân hậu và thông minh nữa. Lớp tụi mình may còn Vui, dân đỡ khổ. Ai ai cũng như Vui thì mừng biết mấy.

- Sao Hy biết lần trước tôi có về đám ma anh Quý?

- Bác sĩ Chương hôm tới đây, kể chuyện. Tội nghiệp anh mày, lúc nhỏ học giỏi, không làm nên tích sự gì, chết cũng không toàn thây.

Nắng chiều dịu xuống trên sông. Bến đò bên cồn đối diện im vắng. Nhà lớn kế nhà Hy, nay biến thành khách sạn. Phát ngạc nhiên nhìn cái miểu lớn bên kia hàng chè tàu, quét sơn màu đỏ úa, mái ngói mới lợp:

- Xưa đâu có cái miểu lớn này. Thờ cái gì vậy?

- Chuyện này khá dài. Cách đây chục năm, sau cơn bão, mái ngói bay xuống sông. Tôi nhờ mấy người thợ đến lợp ngói. Buổi sáng có hai thằng té xuống đất, mặt mày không còn chút máu. Tôi hỏi chuyện gì xảy ra? Hắn kể thấy hai bóng đàn bà to con, tóc trắng bạch kim, mũi cao, môi dày đỏ, nhìn tụi nó cười toe toét. Hai thằng sợ quá, té xuống đất. Đố hai đứa mày biết chuyện gì?

 

Phát trầm ngâm suy nghĩ, vùng này nhà nào cũng có hàng chè tàu che kín, bao bọc. Đâu thấy được chuyện gì bên kia. Chỉ biết bên kia là một ngôi nhà lớn của chính phủ, nằm sâu vào trong vườn gần sông, có thêm bức bình phong bằng gạch che kín. Cửa ngoài luôn luôn đóng kín. Phát lắc đầu. Hy giải thích tiếp:

- Tao phát hiện có một cái am nhỏ, ít người hương khòi. Tao hỏi ông cụ, ông cho biết thuở xưa là biệt thự, nơi ăn chơi của Tây đầm cuối tuần. Nhảy nhót, uống rượu ca hát suốt đêm. Bến tàu phía sau để canô đậu, dùng du hí trên sông. Tây về nước, chính quyền cũ quản lý. Lúc tụi mình còn nhỏ, có ông phó tỉnh trưởng đến ở. Mấy ngày sau, ông ta thỉnh mấy sư trên chùa Thiên Thai về cúng. Thời đó lễ cúng lớn lắm. Sau, xây cái am nhỏ đó. Không lâu ông ta và gia đình lại dọn đi ở nơi khác. Về sau ít ai dám tới ở. Tụi mày biết không, tao qua bên kia vườn, thấy cái am, vái lạy quá trời mới êm, mới lợp mái nhà được. Gần đây, người ta phá cái am, xây khách sạn bốn tầng. Khi làm móng, đào được hai bộ xương. Xương nào cũng lớn, họ nói xương Tây, đầm. Bỗng dưng một năm sau, khoa học hiểu sao họ làm cái am lớn gấp mười lần am cũ.

Chương : 1    2    3    4   5    6    7    8    9    10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 1943
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân