Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
600
116.840.562
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 4

HỒI THỨ TƯ

                            

Giấc mơ lạ Duy Từ xuống núi

Chia tay trò đại sư thử tài

                      

Thoắt đã hơn tám năm Đào Duy Từ theo học đại sư Duy Giác. Ngày lại qua ngày, thời gian đắp đổi, rừng cây tám mùa thay lá, mái chùa Đàn Xuyên tám lần én về xây tổ. Duy Từ đã thành chàng trai văn võ song toàn, được sư phụ dày công truyền thụ cho binh pháp bí truyền trong gia tộc họ Trần của Ngài. Cuộc chiến xảy ra giằng co, ác liệt giữa quân của Mạc Đôn Nhượng và quân của Trịnh Tùng đã ngăn cản không cho chàng một lần về Hoa Trai, tin tức quê nhà cứ thưa dần rồi bặt hẳn. Chàng nôn nao nhớ mẹ, nhớ thầy cũ, bạn xưa. Đã nhiều lần chàng xin phép sư phụ, toan liều chết băng qua trận tuyến hai bên Lê - Mạc để về thăm nhà. Tuệ Năng hết sức can ngăn, khuyên giải chàng. Đại sư Duy Giác rất hiểu và thương chàng, nhưng Ngài chỉ chắp tay mô phật, ngồi trầm ngâm hồi lâu, rồi khẽ khàng đọc cho trò nghe câu thơ thiền của Trần Nhân Tông viết bằng chữ Hán:

 

Vạn sự thuỷ lưu thuỷ

Bách niên tâm dĩ tâm

 

Duy Từ hiểu rằng sư phụ muốn nhắc mình hãy cứ thản nhiên cho thế cuộc tự nhiên trôi xuôi như dòng nước và kiên nhẫn nuôi dưỡng ý chí, lòng nhủ lòng phải chờ thời đợi lúc, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày hạ sơn. Chàng nghe sư phụ, cố ghìm nén, nhưng càng ghìm nén thì nỗi nhớ, niềm mong càng thêm chất chứa, khiến chàng khắc khoải đêm ngày.

 

Thế rồi vào năm Quí Tỵ (1593) nhà Lê thắng thế. Các đạo quân của Trịnh Tùng ào ạt tiến ra Bắc, dồn tướng Mạc Đôn Nhượng trong thế bị vây ép, co cụm dần về Đông Đô. Hai sứ Thanh, Nghệ nhờ đó tạm yên. Nhân xuống núi cầu siêu cho nhà phú hộ có lão tiền bối vừa qua đời, nhà sư trẻ Tuệ Năng lân la dò hỏi rồi hớn hở về báo  cho Duy Từ biết đường về Hoa Trai đã thông suốt. Duy Từ xiết bao mừng rỡ, tưởng tượng giờ phút sum họp với mẫu thân, ông Danh, thầy đồ Mậu, rồi Hữu Dư, Thục Nga và bao bạn bè khác từ thủa ấu thơ. Suốt đêm chàng không ngủ, lòng rạo rực mong trời sáng để xin phép sư phụ về quê. Đêm ấy dài hơn mọi đêm. Chùa Đàn Xuyên chìm trong bóng đêm huyền bí. Không gian trên núi Quế Trường im lặng như tờ, thoảng nghe tiếng vượn hú hoặc tiếng hoẵng kêu thảng thốt bên bờ suối cạn. Rừng trúc dưới thung lũng lao xao trong gió nhẹ, khơi gợi Duy Từ hồi nhớ lại bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, bên những người bạn như Hữu Dư, Thục Nga. Một cơn gió lạnh khác thường chợt thoảng qua, mang nhiều âm khí. Duy Từ nhìn thấy bà Mạch lờ mờ hiện ra ở đầu giường. Chàng hỏi gì cái bóng ấy cũng không trả lời, chỉ lắc đầu, nước mắt chảy ròng. Nhìn kỹ, chàng thấy áo quần và tóc mẫu thân ướt sũng. Duy Từ vùng dậy, ôm lấy cái bóng thì bà biến mất. Chàng nhìn thấy một vũng nước lênh láng dưới nền nhà. Lát sau vũng nước biến thành một con mèo ướt sũng, tiếng kêu ai oán. Chàng nhớ mẫu thân tuổi Mão. Phải chăng đây là oan hồn của bà hiện về báo mộng cho con trai về một cái chết oan nghiệt? Khi xưa, lúc còn ở nhà, chàng vô tình nghe bà tâm sự với ông Danh, có nhắc đến xã trưởng Đặng Phấn. Bà nói: “Thiếp sống là dâu họ Đào, chết làm ma họ Đào. Nếu vạn nhất xảy ra chuyện thất tiết với Đào Tá Hán, thiếp sẽ gieo mình xuống ngòi La". Lời nói ấy của bà lại văng vẳng bên tai, khiến chàng lạnh toát sống lưng, sa sẩm mặt mày và gào lên nức nở: “Mẫu thân ơi! Mẫu thân đừng bỏ con...”

 

Tuệ Năng nghe tiếng kêu choàng tỉnh giấc, thấy giường bên Duy Từ đang vật vã khóc than, vội chạy lại hốt hoảng lay gọi:

- Duy Từ !... Duy Từ, tỉnh dậy đi! Đệ sao thế?

- Mẫu thân của đệ chết rồi. Sư huynh !... Trời phật ơi !...

- Mô Phật. Đệ đừng nói gở.

- Không! Rõ ràng bà vừa hiện về báo mộng.

- Tại đệ nôn nóng về quê nên sinh mê loạn, đừng vội tin. Nào, đệ hãy uống miếng nước cho bình tĩnh lại, rồi kể sự tình cho ta.

 

Tuệ Năng đỡ Duy Từ ngồi dậy uống cạn bát nước, lấy vạt áo cà sa lau sạch mồ hổi trên trán cho chàng. Bát nước lạnh và bàn tay ấm nóng của Tuệ Năng giúp Duy Từ hoàn hồn. Nhưng giấc mộng hãi hùng cứ ám ảnh chàng. Nỗi đau lặn vào gan ruột, dồn khí uất lên miệng chàng đắng ngắt. Hai người dắt nhau ra sân chùa thủ thỉ tâm sự đến sáng...

 

Duy Từ bước vào trai phòng không thấy sư phụ bèn ra gốc cây tùng, thấy Ngài đang ngồi thiền sớm hơn mọi ngày. Chàng không dám kinh động, chắp tay trước ngực, đứng đợi sau lưng sư phụ. Đại sư Duy Giác nhận ra không gian quanh mình có luồng khí lạ xâm nhập phía sau. Ngài vận công lực đón bắt những suy nghĩ phát ra trong đầu đứa học trò yêu quí. Trường khí công của Ngài thâm nhập trở lại vào não bộ của Duy Từ, đánh thức những vùng nhậy cảm, khiến chàng lâng lâng sảng khoái, minh mẫn khác thường. Đại sư Duy Giác muốn dùng công lực thiền khí của mình mở toang luân xa số sáu ở vùng thiên nhãn, khai thông tuệ giác cho Duy Từ trước lúc trò truyện. Ngài biết đã đến ngày cho đệ tử xuống núi, cần kiểm tra lại lần cuối về học vấn và thăm dò chí hướng của Duy Từ. Có nhiều điều đại sư Duy Giác dự đoán sẽ xảy ra, nhưng huyền cơ không thể tiết lộ mà Ngài chỉ có thể gợi xa cho đệ tử tự mình suy diễn và dấn thân thể nghiệm nó.

 

Đợi cho Duy Từ đứng khoảng một canh giờ, đại sư Duy Giác mới thu pháp thuật, xả thiền và khoan thai đứng dậy. Ngài đưa mắt ra hiệu cho đệ tử theo vào trai phòng. Tuệ Năng đã pha sẵn ấm trà hoa ngâu, trịnh trọng rót ra hai chén sành rồi chắp tay xin phép sư phụ ra ngoài.

- Con tìm gặp ta sớm có tâm sự gì chăng? - Đại sư ôn tồn hỏi.

- Bạch sư phụ, con muốn về quê.

- Đường về Hoa Trai đã yên chưa?

- Bạch sư phụ, bữa trước sư huynh Tuệ Năng dò hỏi tin tức dưới núi về cho con biết, từ đây vào Hoa Trai không có gì nguy hiểm, trắc trở nữa.

- Về quê rồi, con sẽ đi đâu, làm gì?

- Có lẽ con sẽ ra Bắc Hà chu du một chuyến để kết giao, học hỏi thêm các bậc thức giả ở Đông Đô.

- Rồi sau đó thì sao?

- Bạch sư phụ, con còn chưa rõ, nhưng chắc rằng ở chốn ấy sẽ không có cơ hội cho con lập thân.

- Kinh đô là nơi hội tụ các anh tài kiệt xuất của cả nước. Con ra đó tầm mắt sẽ mở rộng, sáng tỏ nhiều điều, ích lợi cho con sau này nhiều lắm. Vì sao con không có ý định lập thân ở Đông Đô? Kìa, ngồi xuống đi con, sao còn đứng chắp tay giữ lễ. Ta cho phép con ngồi ngang hàng đàm đạo, bởi con đáng được như vậy.

 

Duy Từ khép nép ngồi xuống, hồi hộp nhìn đại sư Duy Giác. Hồi lâu chàng ngập ngừng nói:

- Đệ tử ngồi trước núi Thái sơn, chỉ khao khát nghe lời chỉ giáo của sư phụ, đâu dám thưa thốt, nói gì đến luận đàm vì đã luận đàm là có tranh biện.

- Nói đi. Ta bảo con nói đi, nói hết những điều sở nguyện và kiến giải của con về thế cuộc, bắt đầu từ việc con không có chủ ý lập thân ở Đông Đô.

- Bạch sư phụ, con không hề mảy may tự ti về thân phận hèn mọn con nhà phường hát. Phụ thân con kiêu hãnh chết trong tiếng đàn. Mẫu thân con đêm qua về báo mộng, bà đã chết vì hai chữ tiết hạnh. Những kẻ tầm thường sao có thể so bì với song thân của con. Sở dĩ con không có chủ định lập thân ở Đông Đô là vì một nhẽ khác. Mùa hè năm nay Trịnh Tùng kéo quân ra Bắc chiếm được Đông Đô, chiến tranh Lê - Mạc tạm thời chấm dứt. Nếu tính từ năm Đinh Hợi (1527) bắt đầu cuộc nội chiến, đến nay là năm Quí Tỵ (1593) thì Đại Việt ta đã chìm đắm liên miên suốt 66 năm loạn lạc. Cuộc chiến này đã khiến nước nhà kiệt quệ về nhân tài vật lực, phong hoá suy đồi. Nhưng mầm loạn lạc hiện nay vẫn còn chưa dứt, đang nhen nhóm tại ba trung tâm quyền lực. Ở Đông Đô, Trịnh Tùng chuyên chế, chèn ép vua Lê, ắt rồi sẽ xảy ra không ít cuộc nội loạn. Trên miền biên ải Cao Bằng, vua Mạc Kính Cung thua chạy về đó vẫn còn binh nhiều, tướng giỏi, chưa chịu cam tâm nằm yên cai quản các tộc người Mèo, Mán, Tày, Nùng... Phía đàng trong, Nguyễn Hoàng đang gây dựng nghiệp bá ở hai xứ Thuận- Quảng, tuy bề ngoài tạm chịu khuất phục họ Lê, họ Trịnh, nhưng sẽ có lúc mạnh lên, chưa biết đâu mà lường hết được. Trong cái thế thiên hạ chia ba như vậy, kẻ thức giả cần có thời gian dò xét, suy đoán mệnh trời mới có thể nhập cuộc, lập thân độ dân cứu khổ và nên tìm ai làm minh chủ để phò tá.

 

- Nói như vậy là đôi chân con sẽ không dừng ở Đông Đô mà sẽ đi khắp cả nước?

- Bạch sư phụ, đó chính là hoài bão của con.

- Trong ba thế lực hiện thời, chí con nghiêng về đâu?

- Triều đình Lê -Trịnh là thứ quái thai của lịch sử. Người quân tử ở Đông Đô lúc này đang bế tắc giữa ngã ba đường. Trung với vua Lê là ngu trung với một lý tưởng đã lỗi thời, thối rữa. Ngả theo họ Trịnh là ngấm ngầm nuôi dưỡng, ủng hộ một thứ siêu quyền lực ở đàng sau ngai vàng mà lại quyết định hết thảy.

- Thế còn nhà Mạc?

- Khí số nhà Mạc đã sắp hết. Con thật lòng tiếc cho những cải cách thời Mạc Phúc Hải đã không có cơ hội phát triển. Nay Mạc Mậu Hợp chết, Mạc Toàn càng ngu hèn, sa đoạ nên các tướng Mạc Kính Điển rồi đến Mạc Đôn Nhượng vốn là tướng tài vẫn thất bại trước Trịnh Tùng. Họ Mạc ở Cao Bằng mới ba năm đã qua ba đời vua, giỏi lắm chỉ có thể kéo dài sự khốn cùng thêm vài chục năm nữa mà thôi. Họ Nguyễn ở Thuận - Quảng, theo con, đang là một nhân tố mới của lịch sử nước Đại Việt. Nguyễn Hoàng chưa thể tranh giành với họ Trịnh đàng ngoài, tất phải nghĩ cách mở cõi vào Nam. Nếu họ Nguyễn mở cõi thành công, rất có thể nước Đại Việt ta sau này sẽ thống nhất thành một quốc gia rộng lớn gấp bội so với hiện nay. Dù lúc đó vương quyền về tay dòng họ nào thì giang sơn ấy vẫn là giang sơn Đại Việt.

- Ta nghe nói Nguyễn Hoàng hiện đang có mặt ở ngoài Bắc, giúp Trịnh Tùng đánh giặc tàn quân của tướng Mạc Đôn Nhượng được vua Lê Thế Tông phong tước Đoan quận công.

- Đó là kế nép mình, nhẫn nại chờ thời giống như Câu Tiễn xưng thần với Phù Sai hay Lưu Bị có lúc tạm về dưới trướng Tào Tháo, vờ rơi đũa trong bữa tiệc luận anh hùng ở vườn mơ. Con rất muốn gặp Đoan quận công xem có thực ngài mang phong độ đế vương như lời đồn đại.

- Khi nào ra đến Đông Đô, con thử ghé thăm chùa Tiêu Sơn cách kinh thành chừng hai chục dặm, thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Chùa này nằm trên ngọn núi nhỏ đơn độc giữa bốn bề là ruộng lúa bao la nên cảnh trí rất đẹp và thơ mộng. Nguyễn Hoàng là người yêu thiên nhiên và sùng đạo Phật. Vừa vào trấn nhậm Thuận Hoá được mấy năm, ông ấy đã cho xây nhiều chùa chiền, có ý muốn đem những giáo lý của Phật tổ thay đổi phong hóa cho các tộc người ở phương Nam. Người như vậy chắc không chịu bỏ lỡ dịp vãn cảnh chùa Tiêu Sơn. May ra con có nhân duyên hạnh ngộ với Nguyễn Hoàng ở đó.

- Bạch sư phụ, con xuống núi lần này chưa biết còn có dịp nào được thấy lại tôn nhan. Vậy mong sư phụ ban cho đôi lời dạy bảo thêm, khai mở nốt những góc tối trong tâm linh, chỉ lối cho con qua dòng mê về bến ngộ. Kể từ lúc này con xin khoanh tay ngồi nghe, ghi tạc từng lời của sư phụ.

- Những điều kiến giải của con vừa rồi rất hợp với ta. Chỉ tiếc con sinh ra giữa thời buổi quá nhiễu nhương, hỗn loạn và trời phật cũng quá khắt khe, thử thách con nhiều năm nữa. Chữ nhẫn ta dậy con buổi đầu nhập môn rồi đây có thể đeo bám con vài chục năm. Rất may là con đã có sẵn ý nguyện đi khắp thiên hạ. Đi để quan sát thế cuộc, hiểu rõ dân tình, am tường địa lý, âu cũng là cơ hội giúp con đúc rèn ý chí, chiêm nghiệm lại mọi điều con đã học. Nay đã đến lúc con xuống núi thay ta nhập thế giúp đời, hãy nhớ kỹ ba điều ta dặn:

Thứ nhất, việc chính sự xưa nay có hai thuật vương đạo và bá đạo. Người theo thuật bá đạo thì lừa dân, ép dân và thí dân. Nhưng người ta có thể lừa dân dăm năm, thậm chí dăm chục năm chứ không lừa được dân mãi mãi; có thể ép dân làm theo mệnh lệnh chứ dân không phục và không biết xấu hổ; có thể thí mạng dân để được quyền lực, sau rồi mới vỡ lẽ mất dân rồi thì quyền lực với ai. Ngược lại người theo thuật vương đạo thì chăn dân, giáo dân và thân dân. Nếu ta hết lòng chăn dân thì dân giàu nước mạnh; hết lòng giáo dân thì dân tự giác nghe lệnh, phục tùng và biết xấu hổ; hết lòng thân dân thì dân yêu lại, quyền lực nhờ đó mà lâu bền.

 

Thứ hai, việc quân sự cốt ở tinh nhuệ và mưu lược. Binh pháp của ta truyền dạy con đều nhằm vào hai điểm ấy nên mới chia ra ba phần: Tập Nhân, Tập Thiên và Tập Địa. Tập Nhân bàn về đạo làm tướng có những tiêu chuẩn bất biến từ Tôn Tử, Ngô Khởi đến Hưng Đạo Vương đều tâm đắc, đòi hỏi con phải tự rèn luyện mới theo được. Tập Thiên bàn về cách đánh trận trên bộ, dưới nước, vây thành, giữ thành... và cách chế ra những loại vũ khí, đắp luỹ, dựng trại. Những điều nói trong Tập Thiên luôn biến đổi, đòi hỏi con phải không ngừng học hỏi, bổ sung và sáng tạo. Tập Địa bàn sâu về cách dùng binh theo từng loại thế đất sao cho có lợi với ta thì dùng, bất lợi cho kẻ địch thì dụ nó đến. Ta mong binh pháp sẽ được con dày công nghiên cứu thêm, đúc kết lại và viết thành sách để lưu truyền hậu thế.

 

Thứ ba, việc mở cõi vào Nam phải theo mệnh trời và sao cho các tộc người hoà hợp chung sống với nhau theo đạo hạnh của Phật tổ, Bồ tát. Nếu ta tàn sát các tộc người Nam quá nhiều sẽ tổn hao âm đức, di lụy đến đời sau hàng trăm năm vẫn không hết cảnh nồi da xáo thịt cho dân nước Đại Việt đâu, con nên ghi nhớ...

 

Đào Duy Từ bồi hồi xúc động. Chàng quỳ lạy đại sư Duy Giác rồi vội thu xếp hành trang. Tám năm học tập ở chùa Đàn Xuyên để lại trong chàng biết bao ân tình và kỷ niệm. Chàng nhớ những ngày cùng Tuệ Năng gánh nước, bổ củi, trồng rau, tỉa bắp... Chàng nhớ những đêm miệt mài đọc sách dưới mái hiên chùa hay nghe sư phụ giảng bài trong trai phòng của Ngài. Chàng quên sao được những bữa cơm chay, những bài tập võ, những dịp theo sư phụ vào rừng luyện binh pháp... Tìm khắp nơi  không thấy Tuệ Năng, đoán bạn chờ mình dưới chân núi, chàng đành bịn rịn chia tay với các huynh đệ, xuống núi.  

 

Con đường mòn càng đi càng thấy lòng bịn rịn, khiến Duy Từ mấy lần ngoái nhìn chùa Đàn Xuyên, rưng rưng ứa lệ. Chàng đi gần xuống núi, gặp một dòng suối cạn, hai bên bờ lau sậy mọc um tùm. Bỗng từ trong bãi lau xuất hiện năm tên cướp vận toàn đồ đen, khăn trùm kín đầu và mặt, chỉ hở ra đôi mắt. Chúng dàn hàng ngang chặn dường nhưng Duy Từ không hề nao núng. Chàng lùi lại dăm bước, đảo mắt quan sát rồi khoanh tay im lặng. Tên cướp cầm đầu có dáng hình vạm vỡ, hùng hổ bước lên quát to:

 

- Thằng kia! Muốn sống mau đặt hành lý xuống đất nộp tiền mãi lộ.

- Nếu không nộp thì sao? - Duy Từ thủng thẳng đáp.

- Hỗn xược! Thằng tiểu tử này định vuốt râu cọp. Ta sẽ cho mi tàn đời.

Lúc này bốn tên cướp còn lại nhao nhao nói:

- Đại ca không cần phải ra tay, để nó cho chúng tiểu đệ dạy luật giang hồ.

- Sức nó lẻo khẻo thế kia, chịu được mấy chưởng?

- Đại ca thích chúng tiểu đệ bẻ giò hay móc mắt nó?

- Tiểu tử ơi, mi hết muốn sống rồi con ạ!

Gã cướp cầm đầu thích chí cười vang. Hắn đá hòn sỏi văng về phía Duy Từ và đứng sang một bên mép đường bảo đồng bọn:

- Các tiểu đệ xuống đòn đi, ta sẽ đứng canh chừng.

 

Những tên cướp kia chỉ đợi có thế, liền xông lên theo hình cánh cung bao bọc lấy Duy Từ. Chúng chưa ra đòn mà dậm chân, múa quyền thị uy khiến bụi cát bay mù, tiếng bàn tay chém gió nghe rợn người. Duy Từ đã có chủ định, chàng tảng lờ trước sự đe doạ, nhưng rất nhanh nhận ra đường quyền vụng về của một tên cướp bên trái. Chàng từ từ bước chéo kheo, đi bài hầu quyền, xỉa hai tay vào mặt tên cướp bên phải và bất ngờ tung chân đá mạnh vào sườn tên cướp đứng bên trái. Hắn loạng choạng, chưa kịp kêu đã lập tức bị Duy Từ chộp lấy bờ vai điểm huyệt làm cho hắn đau nhói gập cong người, nửa thân tê dại, ngã chúi dụi vào bờ lau. Thừa lúc ba tên kia đường quyền đang rối loạn, chàng chuyển sang thế tiến công vũ bão bằng bài phi thiên cước. Đôi chân chàng quay đảo đá dọc, đá xiên tạo nên một trận cuồng phong làm đối phương chóng mặt, ù tai, dính đòn liên tiếp, ngã như cây chuối đổ. Gã tướng cướp cầm đầu thấy vậy liền gầm lên nhẩy vào trợ chiến. Hai bên quần thảo với nhau hơn mười hiệp vẫn cân sức, cân tài, bất phân thắng bại. Duy Từ càng đánh càng giật mình cảm thấy ngờ ngợ về hành tung tên cướp. Hình như hắn không có ý đánh ngã kẻ địch mà chỉ chờn vờn thử tài, đọ sức. Chàng xuất chiêu thức nào, hắn cũng xuất chiêu ấy, đôi bên như thuộc bài của nhau, đánh mà như diễn tập. Đến chiêu cuối cùng trong bài lưỡng xà quyển địa, tên cướp chợt nhảy ra xa, cười khanh khách và giật chiếc khăn che mặt. Duy Từ sững người một lát, chợt reo lên:

 

- Trời... Sư huynh Tuệ Năng!

- Duy Từ khá lắm. Đệ không hổ danh là người của môn phái Đàn Xuyên.

- Thế còn mấy người kia? - Duy Từ hỏi

Bốn người cùng bỏ khăn che mặt để chàng nhận rõ từng gương mặt thân quen trong số các sư đệ của Tuệ Năng, mới được thu nhận vào chùa Đàn Xuyên. Duy Từ chắp tay mô phật, tạ lỗi với họ. Tuệ Năng ôm Duy Từ xúc động nói:

- Khi đệ vào bái biệt sư phụ, ta chợt thấy bứt rứt trong lòng. Ta lo cho đệ dọc đường thân đơn, thế cô nếu không may gặp cướp hay bị người dữ, kẻ xấu gây chuyện sẽ không có ai trợ giúp. Bầy ra chuyện thử sức với đệ thế này là ta đã đắc tội với sư phụ. Dẫu sao, biết đệ học vấn đã hơn người, lại tinh thông võ thuật, ta rất yên lòng.

- Đệ dù đi đâu, làm gì vẫn sẽ không quên sư huynh. Từ giờ đệ sẽ đổi tên là Trần Năng.

- Ta chúc đệ thượng lộ bình an, sau này làm nên sự nghiệp, mang vinh hạnh cho chùa Đàn Xuyên và sư phụ.

- Các huynh đệ ở lại thay Từ chăm sóc sư phụ. Từ đi kẻo muộn. Hẹn với các  huynh đệ có ngày tái ngộ.

 

Chia tay Tuệ Năng, Đào Duy Từ tiếp tục lên đường. Suốt năm ngày đêm chàng không hề chợp mắt, chỉ mong nhanh chóng về được Hoa Trai, biết tin tức mẫu thân, ông Danh và tất cả mọi người mà chàng gắn bó từ tấm bé. Sang ngày thứ sáu, chàng đến một thị trấn nhỏ ở nơi ngã ba đường cái quan, một rẽ đi phủ An Trường, một rẽ về Hoa Trai. Duy Từ nấn ná hồi lâu, hỏi thăm đường vào chùa Thiên Phúc. Chàng muốn đến tạ ơn sư bà Diệu Minh. Bụng đói, chàng tìm một quán nhỏ ven đường định vừa ăn vừa hỏi dò. Mấy ngày qua, mỗi lần vào quán ăn, sờ đến nắm bạc lẻ, chàng lại thầm biết ơn và cảm phục sự chu đáo của Thục Nga. Năm ấy, trước khi rời chùa Đàn Xuyên, ông Danh đã khẩn khoản xin đại sư Duy Giác nhận mấy nén bạc mà ông dành dụm để sung công đức cho nhà chùa. Sau đó, ông còn đưa cho Duy Từ một chiếc túi vải đựng ít bạc lẻ và nói: "Đây là tiền của Thục Nga nhờ ta giao cho con cất đi đợi khi trên đường về thăm quê có tiền mà chi dùng, độ nhật. Con phải giữ gìn cẩn thận kẻo phụ tấm lòng của Thục Nga". Số tiền ấy chàng tiêu đã gần một nửa với những bữa cơm rau hay củ khoai, bát cháo. Duy Từ bước vào quán gọi một bát canh rau muống, mấy quả cà pháo và một niêu cơm nhỏ. Chàng nhẩn nha uống nước ngồi đợi. Chủ quán là một bà lão phúc hậu, đon đả chào mời, tiếp chuyện với khách. Bà kể gần đây có một toán cướp hung dữ, giết người cướp của giữa ban ngày ban mặt trên các đoạn đường vắng. Quan binh trên phủ An Trường đã mấy lần về đánh dẹp vẫn không được. Hôm qua, có một tráng sĩ mặt đẹp như ngọc, vóc người thon thả như con gái, không rõ từ đâu tới. Tráng sĩ ấy một mình một ngựa, múa tít thanh kiếm, đánh cho lũ cướp một trận tơi bời. Bà lão còn đang say sưa kể chuyện, chợt thấy chàng tráng sĩ nai nịt gọn gàng, dắt ngựa đến trước quán. Chàng buộc ngựa vào gốc cây xoan đào, khoan thai bước vào, chào bà chủ quán. Giữa trưa nắng gắt, má chàng đỏ hồng, trán đẫm mồ hôi, càng ngời lên ánh mắt long lanh, đen láy như mắt người thiếu nữ. Tráng sĩ mua một trái dừa, ngửa cổ uống cạn liền một hơi rồi hỏi đường ra mạn Bắc, tìm chùa Đàn Xuyên trên núi Quế Trường.

 

Duy Từ nghe giọng nói, ngắm kỹ gương mặt của tráng sĩ nọ, cảm thấy bồn chồn, xao xuyến. Chàng cứ phân vân chắc đã gặp và thân thiết với tráng sĩ từ lâu. Linh cảm mách bảo chàng như vậy, nhưng lý trí vội phản bác lại vì từ khi lên núi Quế Trường, chàng chưa hề quen biết ai ngoài Tuệ Năng và các sư, các tiểu trong chùa Đàn Xuyên. Đến khi nghe tráng sĩ hỏi thăm bà chủ quán, có ý muốn đi tìm chùa Đàn Xuyên, Duy Từ càng thêm thắc mắc. Chàng lại gần thi lễ :

 

- Chào tráng sĩ! Tại hạ vừa được nghe chuyện tráng sĩ một mình vung ba tấc kiếm đánh tan giặc cướp, lòng rất ngưỡng mộ.

- Huynh khen quá lời. Chuyện có gì đáng kể đâu. Tại hạ còn chưa rõ quí danh, quí tính của huynh?

- Tại hạ họ Trần tên Năng, còn tráng sĩ?

- Tại hạ họ Đào tên Tá.

- Vừa rồi Đào tráng sĩ hỏi thăm đường đến chùa Đàn Xuyên. Tại hạ đã từng theo học đại sư Duy Giác ở đó. Vậy xin tha lỗi cho sự tò mò, tráng sĩ muốn đến chùa vãn cảnh hay vì lẽ khác?

- Tại hạ tìm một người họ Đào.

- Ai vậy?

- Đào Duy Từ. Huynh đã theo học đại sư Duy Giác chắc biết người này.

 

Duy Từ nghe nói lặng đi, bàng hoàng xúc động. Chàng ngầm quả quyết tráng sĩ Đào Tá chỉ là tên giả, giống như chàng mạo nhận họ của sư phụ và tên của Tuệ Năng. Ở Hoa Trai, bạn cùng trang lứa, thân thiết với chàng tới mức dùng họ Đào của chàng và tên là chữ đệm của phụ thân chàng ắt chỉ có hai người là Hữu Dư và Thục Nga. Hữu Dư cao to, lực lưỡng, miệng rộng, mắt sâu, lông mày lưỡi mác, không có nét gì tương đồng với dung mạo tráng sĩ Đào Tá. Chẳng lẽ đây lại là Thục Nga đóng giả trai? Gái đóng giả trai thường thay tên đổi họ. Hơn nữa, ngắm kỹ gương mặt Đào Tá, chàng nhận ra nét thân quen của người bạn gái thủa ấu thơ. Việc Thục Nga giỏi võ nghệ có thể do nhờ ông Danh và Hữu Dư dạy cho. Ôi! Nếu vậy thì...

 

Tráng sĩ lúc này cũng tỏ ra lúng túng, hồi hộp nhìn kỹ con người bí ẩn có tên Trần Năng. Người này có gì lạ đâu mà sao vừa nhác trông thấy, tráng sĩ đã nôn nao trong dạ với bao kỷ niệm tuổi thơ. Tại sao khi nghe nhắc tên Đào Duy Từ, người ấy mặt biến sắc?... Hai người nhìn nhau chằm chằm, đầu óc ngổn ngang những điều thắc mắc và suy đoán. Đào Duy Từ liên tưởng đến giấc mơ vào đêm trước ngày xuống núi, chợt nhận ra có nhiều uẩn khúc. Ruột gan chàng nóng như lửa đốt. Chàng đánh bạo ghé tai vị tráng sĩ thì thầm :

 

- Ta chính là Đào Duy Từ. Nếu tráng sĩ là Thục Nga cải dạng nam nhi xin cho biết.

- Muội đây... Thục Nga đây... Chuyện dài lắm... Huynh hãy theo muội ra chỗ vắng hàn huyên, ở đây nói không tiện.

Thục Nga dắt ngựa, cùng Duy Từ ra khỏi quán, đi về phía bãi dâu ven sông. Đến một gốc cây gạo vắng vẻ, nàng ôm chầm lấy Duy Từ nức nở khóc ròng. Duy Từ vỗ về  Thục Nga như dỗ dành người em gái, nước mắt trào ra. 

- Nín đi, Thục Nga. Muội đi đâu, lên chùa tìm huynh có việc gì, sao lại phải cải dạng, đổi tên, phiêu bạt giữa chốn giang hồ?

- Huynh xa nhà biền biệt ngần ấy năm trời, có biết đâu ở Hoa Trai xảy ra bao chuyện đau buồn.

- Nào, muội hãy kể cho huynh nghe rõ mọi chuyện. Đừng khóc nữa... Muội đừng khóc cho huynh thêm sốt ruột.

- Hữu Dư vừa mắc tội giết chết xã trưởng Đặng Phấn,  hiện đang bị giam trong đại lao ở phủ An Trường, chờ ngày đem ra hành quyết.

- Vì sao có chuyện tày đình ấy?

- Oán thù giữa Hữu Dư với xã trưởng có từ lâu, rất sâu nặng. Tướng quân Hữu Danh sau ngày đưa huynh lên chùa Đàn Xuyên trở về bị xã trưởng với Bá Sinh tri phủ An Trường hãm hại. Chúng vu cho tướng quân đi liên lạc với Mạc Đôn Nhượng ngoài Trường Yên để về Hoa Trai chiêu mộ dân chúng khởi loạn, chống vua Lê và tể tướng Trịnh Tùng. May vì không có chứng cớ để khép tội, tướng quân Hữu Danh lại là cựu thần có công theo Nguyễn Kim đưa vua Lê Trang Tông từ Ai Lao về nước, được quan trạng nguyên Phùng Khắc Khoan hết sức bênh vực nên triều đình nương nhẹ, chỉ tịch thu gia sản, quản thúc tại quê nhà. Hàng tháng tướng quân phải ra đình làng trình diện xã trưởng, bị hắn hạch sách nên buồn rầu, sinh bệnh trầm uất, rồi qua đời đã được bốn năm, vừa cải cát vào tháng mười năm ngoái. Tướng quân Hữu Danh mất đi, phụ thân của muội mất đi một người bạn tâm giao, cảm thấy cô độc và chán nản trước thời thế loạn lạc, nhiễu nhương. Nhiều đêm người mất ngủ ngồi uống rượu, làm thơ, chợt cười chợt khóc, thân thể hao gầy, tinh thần sút kém. Người nho nhã, nghiêm trang như phụ thân của muội bỗng chốc hoá thành ông lão ngây ngô, tính khí thất thường, hình dung tiều tuỵ và lôi thôi quên cả búi tóc. Học trò trong trường nhìn thấy sợ hãi, lớp học thưa dần, khiến phụ thân muội càng buồn rầu, đau xót. Người mất trong một đêm giông gió chỉ sau tướng quân Hữu Danh không đầy một năm. Duy Từ ơi! Huynh có thấu chăng cảnh tình côi cút, bơ vơ của muội và Hữu Dư. Mấy năm qua Hữu Dư làm lụng vất vả để nuôi cả muội và đỡ đần bá mẫu bên nhà, sao huynh cứ biền biệt, mịt mờ bóng chim tăm cá... Dân làng Hoa Trai kể từ ngày tướng quân Hữu Danh quy tiên đã không còn ai che chở. Xã trưởng Đặng Phấn ỷ thế Bá Sinh trên phủ An Trường nên thả sức vơ vét tiền sưu thuế, địa tô công điền và đè nén dân đinh, cưỡng hiếp con gái nhà lành. Nhưng hắn chưa thoả lòng ham muốn, vẫn đeo đuổi bá mẫu, ép bà về làm tỳ thiếp trong nhà. Hữu Dư đã nhiều lần toan cầm dao xông ra định giết hắn, trừ hoạ cho mọi người, nhưng bá mẫu và muội hết sức can ngăn. Thế rồi tai hoạ ập đến bất ngờ, vô cùng bi thảm. Hôm đó muội ra đồng làm cỏ chăm sóc lúa chiêm, còn Hữu Dư lên núi Ngọc săn thú, kiếm củi. Đặng Phấn thừa cơ trong nhà vắng vẻ, xóm giềng bận bịu việc nông tang đã lẻn đến nhà ép bá mẫu đánh đàn, hát ca trù. Hắn vừa nghe vừa uống rượu, cử chỉ rất suồng sã. Bá mẫu đã phải nén giận đàn hát, ngầm có ý chờ Hữu Dư hay muội về giải cứu, không ngờ Đặng Phấn uống rượu vào nổi cơn thú vật... Khi muội nghe tin, chạy từ ngoài đồng về, chỉ thấy bá mẫu đập đầu xuống đất, khóc than vật vã. Đêm xuống, chờ muội ngủ say, bá mẫu ra ngòi La trẫm mình tự vẫn. Hữu Dư chôn cất bá mẫu xong, gầm lên phẫn uất, vác thanh đại đao gia bảo của tướng quân Hữu Danh đi khắp làng tìm giết xã trưởng Đặng Phấn. Xác hắn bị Hữu Dư băm nát trong cơn cuồng nộ...

 

Thục Nga vừa kể vừa khóc. Đào Duy Từ cắn răng ngồi nghe, nước mắt giàn dụa, môi chàng tứa máu và trong đầu như có lớp bùn nhão sủi bọt òng ọc. Hai người ôm nhau nhìn ra dòng sông. Đất trời quay cuồng như muốn đổ sập. Một con quạ đen bay đến, đậu trên cây gạo, tiếng kêu đầy tang tóc. Bãi dâu cuộn lên trong gió như muôn lớp sóng ào ạt xô đến, muốn nhấn chìm đôi bạn trẻ mồ côi.

 

Mấy ngày sau, dân chúng khắp phủ An Trường đồn đại về hai người trẻ tuổi một trai, một gái đã ngang nhiên vào tận dinh quan phủ để giải thoát cho tử tù Nguyễn Hữu Dư. Cô gái đẹp như đoá quỳnh, có giọng hát ca trù mê ly không thua gì bà Nguyễn Thị Mạch ở đất làng Se. Chàng trai có phong độ cao nhã như văn nhân, thi sĩ, tay cầm dùi trống giữ nhịp sênh phách cho cô gái hát làm người nghe tưởng nhớ đến nghệ sĩ tài hoa Đào Tá Hán năm xưa, trong ban nhạc cung đình. Hai người không rõ từ đâu xuất hiện và đàn hát mua vui ở tửu điếm Bạch Ngọc, gần dinh quan phủ, được các tiểu lại và thương nhân tán thưởng, đua nhau mời mọc và cho tiền rất hậu. Quan phủ Bá Sinh sai người gọi vào, lại cắt cử thêm mấy nhạc công đến phụ giúp cho họ trong đêm diễn ca trù ngay tại hoa viên của ngài. Khách khứa được mời đến toàn hạng có máu mặt trong vùng đông tới trăm người. Họ đến thưởng thức tài nghệ và nhìn ngắm mỹ nhân, cũng là dịp để quà cáp, nịnh bợ quan phủ. Đêm diễn đương lúc náo nhiệt, chợt cô gái bật dậy, rút thanh đoản kiếm giấu trong người, xông đến khống chế Bá Sinh và quát mọi người dạt hết sang hai bên. Chàng trai cũng lăm lăm tay kiếm nói lớn:

 

- Mọi người im lặng, ai ngồi đâu hãy nguyên như cũ, nếu có hành động gì quan phủ sẽ chết trước tiên - Chàng quay sang Bá Sinh quát - Ngài là quan phụ mẫu mà không biết lo việc nước, chỉ hà hiếp dân, ăn chơi xa xỉ, nay muốn toàn mạng sống hãy gọi cai ngục đến đưa ta xuống nhà lao cứu người vô tội.

- Xin tráng sĩ bảo cô nương nhẹ tay - Bá Sinh lắp bắp.

- Đừng có nằm mơ! Nếu mi giở trò thì mũi kiếm này sẽ chọc thủng yết hầu ngay lập tức - Cô gái nói gằn từng tiếng.

- Vâng... vâng, ta sẽ làm theo ý hai người.

- Hãy ra lệnh cho tất cả lính trong phủ hạ khí giới, đứng nghiêm và đưa hai tay ra sau gáy - Chàng trai nói.

 

Bá Sinh run rẩy gật đầu, mặt xám ngắt. Hắn hốt hoảng giục người nhà gọi cai ngục cùng chàng trai trẻ đi mở khoá nhà lao thả Nguyễn Hữu Dư. Ba người áp giải Bá Sinh ra cổng phủ, hạ lệnh tắt hết đèn rồi biến vào bóng đêm. Họ đi xa rồi, Bá Sinh mới kịp hoàn hồn. Người con gái, lúc mới gặp hắn đã ngờ ngợ là Thục Nga, con của thầy đồ Mậu ở Hoa Trai mà xã trưởng Đặng Phấn đã nhiều lần nhắc tới. Vậy thì chàng trai kia hẳn không ai khác ngoài Đào Duy Từ, con của Đào Tá Hán. Hèn gì nhịp trống và điệu hát ấy cứ gợi cho Bá Sinh nhớ lại ban nhạc cung đình thời vua Anh Tông. Lập tức lệnh truy nã ba người được truyền đi và hình ảnh họ được vẽ lại, dán đầy các ngả đường, chợ quê trong vùng.

 

Duy Từ và Thục Nga đưa Hữu Dư chạy một mạch trong đêm về hướng sao Bắc Đẩu. Gần sáng họ đến chân dãy núi đá vôi, trên đó có một hang sâu mà Duy Từ đã thám thính từ trước khi vạch phương án cướp tù, cứu Hữu Dư. Ba người leo dốc vào hang, đốt lửa nghỉ ngơi. Trong hang đã trữ sẵn một ít thức ăn và đồ dùng tạm đủ cho ba người ẩn nấp dăm ngày để nghe ngóng tình hình. Thục Nga lẳng lặng đi nấu cơm để Duy Từ và Hữu Dư hàn huyên sau bao ngày xa cách. Đôi bạn ôm nhau nghẹn ngào tâm sự. Tám năm nhớ nhung, chiến tranh chia cách, họ đâu ngờ lúc gặp lại thì gia đình tan nát, bản thân bị truy đuổi chưa biết đi về đâu. Duy Từ càng xót xa, đau đớn vì không thể về quê thăm mộ mẫu thân, ông Danh và thầy đồ Mậu. Chàng hiểu hoàn cảnh éo le, số phận nghiệt ngã buộc chàng phải thế. Nhưng tận trong sâu thẳm đáy lòng, chàng vẫn ân hận mình mang tội bất hiếu với song thân, vô ơn với thầy cũ và nghĩa phụ. Ngay từ lúc gặp Thục Nga, chàng đã nhất quyết đòi về Hoa Trai thắp mấy nén nhang lên từng ngôi mộ. Những lời khuyên giải, động viên của Thục Nga và sự an nguy đến tính mạng của Hữu Dư đã giúp chàng tỉnh táo bầy mưu tính kế đột nhập tư dinh quan phủ Bá Sinh. Nay việc xong rồi, chàng cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi trong nỗi đau và niềm tủi hận. Thân phận chàng từ thủa lọt lòng đã quen với bao nỗi đoạ đầy, uất hận, tử sinh. Chàng chỉ thương Hữu Dư và Thục Nga sớm vì chàng mà khổ lây, chuốc vạ. Mấy ngày chuẩn bị kế hoạch giải thoát Hữu Dư, trong lòng chàng đã nhen lên một tình cảm mới lạ với Thục Nga. Nghe nàng tâm sự, nhìn ánh mắt và cử chỉ âu yếm của nàng, Duy Từ cũng đoán được tình cảm sâu nặng của cô bạn gái năm xưa dành cho mình. Lạ thay, tình yêu vừa chớm hé bỗng thành nỗi lo vò xé tim chàng. Đường đời của chàng sẽ còn lắm chông gai, chí hướng và mộng ước đang giục giã đôi chân của chàng đi khắp thiên hạ, chưa cho phép chàng vướng bận thê nhi. Vả chăng, mấy ngày ẩn nấp trong hang đá, Duy Từ chợt nhận ra tình cảm của Hữu Dư dành cho Thục Nga cũng rất sâu nặng. Lúc này, xét từ nhiều phía, Thục Nga cần cho Hữu Dư hơn. Hai người nếu được sống bên nhau sẽ có hạnh phúc. Tình yêu là sự trao gửi, hoà đồng để mưu cầu hạnh phúc. Duy Từ hiểu rằng nếu chàng ngỏ lời với Thục Nga sẽ là ích kỷ, làm khổ một đời người bạn gái thân thiết từ thủa ấu thơ. Duy Từ quyết định sẽ chia tay với Thục Nga và Hữu Dư...

 

Lương thực trong hang đá cạn dần. Ba người bàn bạc hồi lâu để tìm phương cách xuống núi. Hữu Dư muốn ba người cùng đến nương nhờ một người bà con trong họ Nguyễn Hữu. Lúc sinh thời, tướng quân Nguyễn Hữu Danh kể rằng dòng họ Nguyễn Hữu còn một chi nhánh ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn cũng thuộc địa hạt phủ An Trường. Từ khi có loạn lạc, mất mùa đói kém, gia tộc Nguyễn Hữu này di cư vào xứ đàng trong. Hiện ở đất Quảng Nam có Nguyễn Hữu Tâm làm lang y chữa bệnh cứu người và mở thêm lò luyện võ khá nổi tiếng. Hữu Tâm có người con trai Nguyễn Hữu Dật kém Hữu Dư dăm tuổi, đang làm chức võ quan nhỏ trong phủ đệ của Nguyễn Phước Nguyên, con trai thứ sáu của Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Đào Duy Từ cho rằng trong hoàn cảnh bị truy nã, Hữu Dư và Thục Nga tìm đường vào xứ đàng trong, gây dựng sản nghiệp ở vùng đất mới là rất hợp lý. Riêng chàng muốn ra Đông Đô tìm bạn kết giao, học hỏi thêm rồi sau đó sẽ chu du nhiều nơi khác. Thục Nga khăng khăng đòi đi theo Duy Từ, nhưng chàng khuyên nàng nên cùng đi với Hữu Dư sẽ an toàn hơn. Hoàn cảnh Duy Từ phải lang thang nay đây mai đó, không hợp với thân phận đàn bà con gái. Hơn nữa Hữu Dư vào vùng đất mới, phong thuỷ chưa quen, tập tục còn lạ lẫm, rất cần có người ở bên động viên, chăm sóc. Hữu Dư không đồng ý, chàng nói:

 

- Hiền đệ với ta bây giờ khác nào anh em một nhà, sướng khổ, vinh nhục cùng hưởng. Đệ đi chu du khắp nơi như thế, ta với Thục Nga sao yên tâm. Vả chăng ở đất Bắc Hà, đường công danh khoa bảng của đệ mờ mịt, ra đó phỏng có ích gì.

Duy Từ nắm tay Hữu Dư chân tình thổ lộ những điều chàng nung nấu từ lâu:

- Huynh nói sai rồi. Chí hướng của đệ không phải ra Đông Đô nuôi mộng công danh bằng khoa bảng. Nơi đó là đất đế đô, có nhiều danh nho, danh tướng quần tụ. Đệ chỉ muốn kết giao với họ để học hỏi thêm và qua đó tìm hiểu nhân tình thế thái hiện nay. Đệ còn muốn lên miền biên ải Cao Bằng thuyết phục vua Mạc Kính Cung không sang cầu viện nhà Minh và vận động các bậc anh tài đang cùng đường quẫn chí bỏ nhà Mạc vào xứ đàng trong mở mang bờ cõi. Nếu có dịp, từ Cao Bằng, đệ sẽ vượt sông Hiến hay sông Bằng để sang đất Tàu dò xét tình hình nhà Minh ở Long Châu. Đệ nhớ khi xưa nghĩa phụ Hữu Danh từng dạy, làm trai thời loạn muốn giúp ích cho xã tắc phải học thêm binh pháp. Những ngày ở chùa Đàn Xuyên, đệ đã học được nhiều điều cơ bản trong phép dùng binh qua đại sư Duy Giác. Mỗi lần giảng bài cho đệ, sư phụ đều nhắc di nhắc lại: người làm tướng phải trên hiểu thiên văn, dưới tường địa lý. Đệ đi chu du khắp nơi không chỉ để ngắm cảnh mà còn muốn nắm rõ phong tục, tập quán từng vùng lãnh thổ và vẽ lại bản đồ địa lý các nơi đã đi qua. Trước giờ đệ xuống núi, sư phụ không nói rõ hẳn, nhưng đệ ngầm hiểu sư phụ đã dùng phép dịch biến trong sách Chu Dịch để dò đoán mệnh trời và có ý khuyên đệ vào Nam đi mở cõi. Đệ chưa rõ sẽ lưu lại ngoài Bắc Hà bao nhiêu năm, có thể rất lâu, nhưng chí hướng của đệ đã nhằm về phương Nam. Đệ tin sẽ có cơ hội gặp lại huynh và Thục Nga...

 

- Huynh nỡ bỏ muội mà đi sao? - Thục Nga khóc.

- Phải xa đại huynh Hữu Dư và muội ta rất buồn, nhưng biết làm sao khác được, âu đây cũng là định mệnh, muội ạ! Muội hãy vì ta hết lòng chăm sóc đại huynh. Cầu trời cho hai người gặp nhiều may mắn, được vậy thì ta cũng bớt đi niềm ân hận chưa đền ơn đáp nghĩa thầy đồ và nghĩa phụ.

 

- Duy Từ đã nói vậy, ta cũng nên chiều lòng muội ạ! - Hữu Dư thở dài nói.

- Nhưng muội thương Duy Từ lắm - Thục Nga nấc lên.

- Thôi, muội nín đi. Đại huynh đã bằng lòng thì ta yên tâm chia tay rồi - Duy Từ bùi ngùi an ủi Thục Nga.

- Đường từ đây về kinh đệ định thế nào? - Hữu Dư hỏi.

- Đệ sẽ đổi tên là Trần Năng để luôn tưởng nhớ họ Trần của sư phụ và pháp hiệu của sư huynh Tuệ Năng trên chùa Đàn Xuyên. Trước khi ra Đông Đô, đệ dự định đến chùa Thiên Phúc một chuyến để cảm tạ ơn cứu mạng của sư Diệu Minh, còn chỉ dẫn đệ tìm đại sư Duy Giác học đạo lý, ôn văn, luyện võ và trau dồi binh pháp. Cái ơn ấy khác nào sư bà đã tái sinh cho đệ, đưa đệ vượt qua dòng mê về bến ngộ. Sau đó, tuỳ theo tình hình, đệ sẽ về kinh trước hay lên miền biên ải Cao Bằng trước.

- Chùa Thiên Phúc gần phủ An Trường, đệ về đó phải hết sức cẩn trọng.

- Thế còn đại huynh và Thục Nga?

- Duy Từ hãy cho ta lời khuyên, nên đưa Thục Nga vào xứ đàng trong theo đường thuỷ hay đường bộ? - Hữu Dư hỏi lại.

- Đi đường bộ thôi các huynh ạ! Muội không chịu được sóng biển, dễ say sóng lắm - Thục Nga nói chêm vào.

- Thục Nga đã nói vậy, đại huynh nên đi đường bộ. Hồi còn học tập ở chùa Đàn Xuyên trên núi Quế Trường, mỗi khi dạy đệ bày ra các trận “Bát môn kim toả” hay  “Chu thiên hồn nguyên”, sư phụ đều trải tấm bản đồ Đại Việt từ đất Thanh - Nghệ vào đến Thuận - Quảng, bao gồm cả nước Ai Lao và nước Xá Lợi trên dãy Trường Sơn. Nhờ tấm bản đồ này, đệ nắm khá rõ lối vào đàng trong có hai đường. Con đường cái quan ven biển dễ đi nhưng nguy hiểm vì hai người đang bị truy nã. Tốt nhất là đi theo đường xuyên qua vùng rừng già phía Tây, tuy hiểm trở nhưng an toàn. Những thương nhân đi buôn trầm hương, gỗ quí, sừng tê giác hay các lâm sản khác vẫn đi theo con đường này. Từ đây vào thung lũng Con Cuông đi chếch hướng Tây Nam, rồi sau đó theo hướng Đông Nam, sẽ qua một vùng đất đai trù phú nằm kẹp giữa ngã ba sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Nếu đến đấy, vì gì do gì chưa đi tiếp được thì đại huynh và Thục Nga có thể tạm lưu lại đó sinh sống qua ngày. Gặp thuận lợi thì từ ngã ba của hai con sông ấy, đi đường núi theo hướng chính Nam chừng hơn trăm dặm sẽ vào địa giới nước Xá Lợi của các tộc người thượng du rất tốt bụng, thuần phác. Từ nước Xá Lợi đi xuống phía Đông dãy Trường Sơn vào vùng đất Thuận hay đất Quảng đều rất an toàn, thuận lợi. Sau này, nếu thời cuộc đẩy đưa, xui khiến đệ vào đàng trong lập thân dựng nghiệp, đệ cũng sẽ đi theo con đường này. Dọc đường may ra đệ có thể thăm dò được tin tức hai người.

 

Ba người bàn bạc kỹ lưỡng suốt một ngày ròng. Đợi đêm xuống bao phủ cảnh vật ngoài hang đá, Duy Từ nghẹn ngào chia tay Hữu Dư và Thục Nga, mang hành lý đi trước. Hữu Dư lưu luyến cầm tay Duy Từ, cố ghìm lòng cho nước mắt khỏi trào ra. Hai người đều hiểu lần chia tay này mang nhiều dấu hiệu của sự biệt ly đằng đẵng, số phận long đong và tương lai mờ mịt đang chờ họ, thật là khó đoán nổi bao lâu, trong hoàn cảnh nào sẽ được sum họp. Hoàn cảnh éo le, thân phận nổi trôi giữa thời loạn lạc đã gắn bó họ thành huynh đệ mà sao cứ phải chia lìa, thương đấy mà bất lực, mong nhớ đấy mà tuyệt vọng nhiều hơn hy vọng. Nga bưng mặt khóc tức tưởi. Nàng muốn tiễn đưa Duy Từ một cung đường thật dài để bộc bạch hết nỗi lòng nhưng không thể, bởi đây là cuộc chia ly của những kẻ bị săn đuổi, hiểm hoạ khôn lường.

 

Đào Duy Từ cắn răng nuốt lệ, bước đi trong bóng đêm dầy đặc. Trời không trăng sao. Mặt đất đẫm sương, gồ ghề và trơn nhớt. Núi rừng im ắng, kỳ bí, chứa đầy sự hăm doạ những thân phận côi cút, bất hạnh. Chàng ra đi, mang theo chiếc khăn đẫm lệ của Thục Nga và thanh đoản kiếm sắc lạnh của dòng họ Nguyễn mà Hữu Dư tặng mình để hồn thiêng của tướng quân Hữu Danh luôn chở che, hộ mệnh cho kẻ mồ côi giữa chốn giang hồ, trên đường lữ thứ. Chàng vận hết nội công, lao mình về phía trước, băng băng phi hành suốt đêm. Rạng sáng đến chùa Thiên Phúc, chàng mới hay sư bà Diệu Minh nằm mộng đã biết trước cuộc viếng thăm của chú bé con người đàn bà ca kỹ khi xưa, đang ngóng đợi chàng. Gặp được ân nhân chàng xiết bao mừng tủi. Cậu bé một tuổi năm nào nằm lọt trong chiếc thúng ướt đầm giữa đêm mưa nay đã thành một trang tuấn kiệt khiến sư bà bồi hồi xúc động. Bà lưu Duy Từ ở lại chùa vài ngày vì bà cảm nhận được chí hướng của Duy Từ và muốn sắp đặt cho chàng gặp mặt Lê Thời Hiến, con trai một thí chủ có công với nhà chùa. Từ lâu bà rất quý mến chàng Nho sinh học vấn uyên bác, nay vừa đỗ đầu bảng thi hương ở Thanh - Nghệ, chuẩn bị lên kinh đô dự thi đình. Bà nghĩ, tài học và danh tiếng của người này có thể cầm chắc danh vị tiến sĩ hay thám hoa, bảng nhãn. Bà muốn Duy Từ làm thân với Lê Thời Hiến, hy vọng đây sẽ là cầu nối để Duy Từ kết giao, học hỏi các anh tài, tuấn kiệt ở đất Đông Đô. Cuộc hội ngộ giữa Thời Hiến và Duy Từ như có chư Phật an bài nên hai người nhanh chóng làm thân, chuyện trò tâm đắc. Duy Từ nói rõ thân phận của mình và hoàn cảnh bị truy đuổi nhưng Thời Hiến chẳng hề e ngại, tha thiết mời chàng về nhà cùng nhau đọc sách, ngâm vịnh, luận bàn đạo lý và thời cuộc. Duy Từ nể trọng tài học và khả năng thi phú của chàng nho sinh họ Lê, còn Thời Hiến hết sức khâm phục vốn kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, đặc biệt về binh pháp của người học trò đại sư Duy Giác trên núi Quế Trường. Tiếng tăm của đại sư đã vang khắp thiên hạ, giới thức giả ai ai cũng biết, thì người học trò xuất sắc của đại sư thật đáng để Thời Hiến ngưỡng mộ. Duy Từ lưu lại tư gia của Lê Thời Hiến, được phú ông họ Lê hết lòng khoản đãi, mừng vì con trai mình đã kết giao được với bậc kỳ tài còn rất trẻ đã thông kinh vạn quyển, văn võ song toàn. Ông muốn giữ Duy Từ ở lâu, chờ ngày cùng con trai mình lên kinh đô dự cuộc thi đình, nhưng Duy Từ nóng lòng đi trước, phòng có kẻ phát giác tung tích sẽ liên lụy đến đường công danh của bạn. Hai cha con phú ông họ Lê nài nỉ không được, đành dứt lòng để chàng lên đường...

 

Nhờ Lê Thời Hiến viết thư giới thiệu với thầy học Phùng Khắc Khoan nên Duy Từ vào Đông Đô nhanh chóng kết giao được với nhiều vị túc nho ở Chiêu Anh Quán[1]. Chàng đã nói trước với Lê Thời Hiến ý đồ thay tên đổi họ, do đó ở Chiêu Anh Quán bấy giờ đồn đại nức tiếng một nho sinh có tên Trần Năng. Nhiều vị văn quan, võ tướng trong triều nghe tiếng đồn, viết thư mời chàng đến tư dinh đàm đạo. Qua họ, chàng hiểu thêm nhiều điều về chính sự trong cung vua, phủ chúa và tâm trạng của nhiều sĩ phu Bắc Hà. Chàng không quên lời dặn dò của đại sư Duy Giác, nhiều lần đi vãn cảnh chùa Tiêu Sơn trên Kinh Bắc. Quả như lời dự đoán của đại sư, ở đó chàng đã gặp được Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Mọi người ở kinh đô  đều đinh ninh chàng là Trần Năng, đồ đệ của đại sư Duy Giác ở chùa Đàn Xuyên trên núi Quế Trường. Duy có Nguyễn Hoàng, sau buổi đàm đạo với chàng ở chùa Tiêu Sơn đã sai người đi dò xét, biết chàng tên thật là Đào Duy Từ. Ấn tượng lớn nhất trong chuyến ra Bắc giúp Trịnh đánh Mạc của Đoan quận công  không ngờ lại là một chàng Nho sinh mới ngoài hai mươi tuổi.

                 

[1] Chiêu Anh Quán: tên gọi Quốc Tử Giám thời đó.

Chương : 1    2    3    4   5    6    7    8    9    10    11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2602
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)