Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
490
116.834.982
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 6

HỒI THỨ SÁU

Ly quê tiếng sáo đau mồ cỏ

     Nuốt lệ làm thơ khóc mẫu thân 

 

Duy Từ thoát khỏi nhà lao Ung Ninh về nước, máu giang hồ còn chưa dứt, lại mất thêm ba năm ròng đi khảo sát dấu tích chiến luỹ Đa Bang của Hồ Nguyên Trừng năm xưa. Chàng rất khâm phục và kinh ngạc trước một công trình đồ sộ dài 600 dặm kéo từ bờ phải Đà Giang thuộc châu Kỳ Sơn của người Mường, uốn lượn qua ngã ba sông ở Bạch Hạc, rồi chạy theo bờ phải sông Nhị Hà đi suốt ra biển Đông. Công trình ấy Hồ Nguyên Trừng đã lợi dụng mặt đê và tôn cao thêm để làm chiến luỹ ngăn giặc tiến vào Tây Đô. Điều kinh ngạc là Hồ Nguyên Trừng đã huy động binh lính và dân phu hoàn thành nó chỉ trong vòng một năm rưỡi. Nhưng, chiến luỹ ấy, cộng với thuyền chiến hai tầng và súng thần công do Hồ Nguyên Trừng sáng chế ngỡ là bất khả xâm phạm, ngờ đâu chỉ vì thiếu lòng dân mà mau chóng tan tành trước hoạ xâm lăng. Mới hay chân lý đúc kết từ ngàn xưa rằng “chở thuyền, lật thuyền cũng là dân” sao mà đúng vậy. Duy Từ đã đi qua rất nhiều bản Mường ở thượng du Đà Giang và các xóm chài ven sông Nhị Hà ở phía hạ lưu. Chàng tìm hỏi chuyện các bô lão và các vị thức giả trong dân gian để hình dung ra cách đắp lũy, điều động dân binh đi tuần phòng và những trận chiến xảy ra giữa nhà Hồ và quân Minh. Nhớ lời đại sư Duy Giác lúc chia tay dặn rằng phải bổ sung vào binh pháp những điều mắt thấy tai nghe trên bước đường chu du thiên hạ, chàng đã hỏi kỹ các bô lão và từ đó tưởng tượng rồi vẽ lại bản thiết kế thuyền chiến hai tầng và súng thần công của Hồ Nguyên Trừng. Chàng còn phát hiện ra những sai lầm phạm vào điều tối kỵ trong binh pháp của cha con Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng. Chiến luỹ Đa Bang tự nó đã thể hiện ý đồ co cụm phòng thủ trong thế bị động trước sức mạnh của quân Minh. Nhà Hồ đã tự nguyện bỏ đất thánh Đông Đô và cả vùng lãnh thổ rộng lớn từ Mục Nam Quan đến châu thổ sông Nhị Hà đông dân, trù phú, hỏi làm sao ngăn giặc như nước lũ tràn bờ vượt qua chiến luỹ Đa Bang, tiến vào Tây Đô? Việc căng mỏng các đội quân trên chiến luỹ dài sáu trăm dặm cũng phạm vào điều cấm kỵ trong binh pháp... Dẫu sao, chàng đã học được nhiều điều bổ ích từ tài tổ chức lập chiến luỹ và những sáng chế tuyệt vời của Hồ Nguyên Trừng. Với tài năng ấy, giá như nhà Hồ biết học theo Lý Thường Kiệt, dựa vào dân, chủ động phòng ngự trên tuyến sông Như Nguyệt thì chắc gì quân Minh đã dễ dàng thắng nổi.

 

Đào Duy Từ cảm thấy cơ hội vào Nam đã chín muồi. Chàng bí mật trở về Đông Đô chia tay với Lê Thời Hiến và nắm thêm nội tình vua Lê chúa Trịnh. Vừa đặt chân lên đất Đông Đô, chàng đã gặp người lái buôn người phương Nam dưới thuyền lén trao bức thư rồi biến mất. Chàng đọc thư bồi hồi xúc động trước những lời tâm huyết của Nguyễn Hoàng. Hai năm lặn lội trên miền biên ải, vượt bao nỗi hiểm nguy thuyết phục được Mạc Cảnh Dinh, Nguyễn Tú, Trần Bảo và nhiều danh nho, danh tướng khác bỏ Mạc Kính Cung theo về với Nguyễn Hoàng thật không uổng phí. Chàng chỉ ân hận thời gian vượt sông sang đất Long Châu bên Tàu đã mắc một sai lầm khiến chàng chịu cảnh tù đày lỡ mất cơ hội gặp lại Nguyễn Hoàng ở Đông Đô. Chuyện đã qua, nghĩ lại âu cũng là do tuổi trẻ bồng bột và dòng máu nghệ sĩ lưu truyền từ Đào Tá Hán trong huyết quản của chàng.

 

... Năm ấy, thành Long Châu tưng bừng náo nhiệt đón tết Nguyên Tiêu. Chàng ăn tết nguyên đán ở Cao Bằng xong, chia tay với Mạc Cảnh Dinh, sang Long Châu dò xét tình hình của triều đình nhà Minh ở vùng Lưỡng Quảng, kết hợp tìm hiểu các phong tục của người Hán, người Choang. Tri phủ Long Châu là Hoàng Chí Bân mở tiệc ăn mừng tuổi lục tuần nhập thọ rất linh đình suốt bảy ngày đêm không dứt. Hoàng Chí Bân là người có phong độ hào hoa, giỏi cả văn lẫn võ và rất ngưỡng mộ đại đô đốc Chu Du của nước Ngô thời Tam quốc. Ông ta thường thích nghe thuộc hạ nịnh bợ, gọi mình là Hoàng Công Cẩn vì hai chữ Công Cẩn là tên hiệu của Chu Du, chỉ những người thân thiết mới dám gọi. Hoàng Chí Bân có một người con gái rất xinh đẹp, tuổi vừa độ trăng tròn là Hoàng Thục Anh. Trong bữa tiệc mừng thọ, Hoàng Chí Bân cao hứng ra điều kiện nếu ai gẩy khúc nghê thường bằng Nguyệt cầm khiến tất cả các quan khách nín lặng rồi lại múa kiếm theo điệu Song kiếm rỡn nguyệt được tiểu thư Thục Anh thừa nhận không thua kém gì Chu Công Cẩn thì bất kể sang hèn đều xứng làm rể họ Hoàng. Hôm sau tin ấy truyền đi khắp thành Long Châu, làm xôn xao đám công tử mệnh danh "Nam Tử Hán". Nhiều chàng "Nam Tử Hán" xin vào biểu diễn đều quay về với bộ dạng thiểu não. Có kẻ còn bị phạt mười roi vì không biết võ mà dám múa liều, vừa sai nhạc, vừa gây nguy hiểm cho người xem. Đào Duy Từ trong lúc cao hứng đã quên mất thân phận mình là người Việt. Chàng xin vào biểu diễn, không ngờ tiểu thư Thục Anh đã mê mẩn vì tiếng đàn, điệu múa kiếm lại càng say đắm vẻ khôi ngô, tuấn tú của chàng. Nàng cười rạng rỡ, ném quả cầu đỏ thắm cho Duy Từ, chọn chàng làm người tri kỷ, kết tóc xe duyên. Lúc đầu, chàng nhận mình là Trần Năng quê ở thành Nam Ninh, đến Long Châu buôn bán đang phải về quê gấp vì mẫu thân ốm nặng, sắp qua đời, người sắp chịu tang không thể làm việc hỉ. Thục Anh không tin, nhất quyết đòi theo chàng về quê ra mắt mẫu thân. Từ chối mãi không xong, cực chẳng đã, chàng đành thú nhận mình là người Việt. Hoàng Chí Bân nghi chàng là gian tế của nước Nam, sai quân đến quán trọ khám xét hành lý, tìm thấy nhiều tấm bản đồ trên lụa do chàng vẽ địa hình, đường xá vùng biên ải giữa hai nước. Tang chứng đã rõ, chàng không còn cách nào để thanh minh, đành chịu lĩnh án tù khổ sai, đày đi nhà lao Ung Ninh xa lắc suốt mười năm ròng.

 

Đọc thư Nguyễn Hoàng, Duy Từ không dám tin đó là sự thật. Suốt những năm chàng chịu cảnh lao tù nơi đất khách quê người vì một sai lầm tuổi trẻ, đâu ngờ Nguyễn Hoàng ở Đông Đô vẫn khắc khoải đợi chàng. Lúc vào Nam, bận việc binh, lo đối phó với Trịnh Tùng mà ông vẫn viết lá thư dài, chân thành, tha thiết đón Duy Từ ở Thuận - Quảng. Chàng muốn theo người lái buôn tâm phúc của Nguyễn Hoàng lên thuyền vào Nam. Nhưng chàng lại nghĩ lần này ra đi không hẹn ngày về, nhất thiết phải trở lại quê nhà Hoa Trai, thắp nén nhang lên phần mộ mẫu thân, ông Danh, thầy đồ Mậu. Mặt khác, chàng đã hẹn với Hữu Dư và Thục Nga nếu vào Nam sẽ đi đường bộ qua thung lũng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Mang nặng nỗi u hoài, chàng lững thững tìm đến tư dinh của quan thị lang bộ hộ Lê Thời Hiến để chia tay với người bạn cũ.

 

Lê Thời Hiến đang ngồi đọc sách, chợt có lính hầu vào bẩm  ngoài cổng có người xin gặp. Chàng đã chán ngắt mấy vị đồng liêu trong bộ hộ huênh hoang, dốt nát thường hay đến tán chuyện phiếm, không cho chàng giữ nếp đọc sách đúng giờ qui định trong ngày nên gắt:

- Khách là ai vậy?

- Bẩm quan, người ấy không chịu xưng danh.

- Bộ dạng ông ta thế nào? Bao nhiêu tuổi?

- Bẩm quan, ông ta chừng 40 tuổi, ăn mặc xoàng xĩnh nhưng sạch sẽ, dáng vẻ thư sinh.

- Khách không chịu xưng danh, nhưng có nói thêm gì không?

- Bẩm quan, ông ta chỉ nói, vào bẩm quan thị lang có bạn cũ thủa hàn vi đến chơi. Con nghe giọng nói đoán ông ta cũng người xứ Thanh.

- Mau ra mời vào, mời vào !...

 

Lê Thời Hiến giật mình, linh cảm mách bảo chàng có lẽ khách là Đào Duy Từ. Đã một tháng nay chàng mong ngóng tin tức Đào Duy Từ, thầm lo cho bạn. Hôm ấy trong buổi chầu ở phủ chúa, chàng và quan trạng nguyên Phùng Khắc Khoan hết sức tiến cử Đào Duy Từ với Trịnh Tùng.  Các quan trong triều thì người khen, kẻ chê bai hay bới móc thân phận con nhà phường hát của Duy Từ. Trịnh Tùng nghe Phùng Khắc Khoan ca ngợi đại sư Duy Giác và tâu rằng Đào Duy Từ là học trò xuất sắc của đại sư nên đang ngần ngừ, lưỡng lự. Không ngờ quan hành khiển Nguyễn Hoá từ đầu ngồi im, bỗng lên tiếng can ngăn chúa. Ông ta kể tội Đào Duy Từ vừa xuống núi đã can dự vào vụ cướp ngục ở An Trường. Quan phủ Bá Sinh đã tróc nã nhiều năm chưa bắt được. Không rõ ông ta lấy tin từ đâu, còn quả quyết Duy Từ chính là kẻ bầy mưu giúp Nguyễn Hoàng trốn vào Nam theo cửa Ba Lạt. Trịnh Tùng quắc mắt hỏi:

 

- Tài của Đào Duy Từ theo ngươi thế nào?

- Khải chúa, qua vụ Nguyễn Hoàng đủ thấy Đào Duy Từ cũng là nhân vật đáng gờm nhưng nên giết đi.

- Ngươi hãy nói cho rõ thêm!

- Khải chúa, theo thần kẻ có tài mà ta không muốn dùng thì nên giết đi để trừ hậu hoạ. Thám mã của thần gần đây phát hiện thấy Duy Từ đang trên đường đi về phía kinh thành.

- Chúng gặp Duy Từ ở đâu?

- Khải chúa, thám mã gặp y ở Lục đầu giang cách đây chừng một tuần trăng.

- Hãy truyền lệnh ta khám xét tất cả cửa ngõ vào kinh thành, gặp người khả nghi lập tức bắt ngay.

 

Lê Thời Hiến và Phùng Khắc Khoan liền nhìn nhau, trán vã mồ hôi, không dám hé răng nửa lời. Chàng thừa nhận lời Nguyễn Hoá không phải là không có lý. Nhớ khi còn thời vua Trang Tông, Trịnh Kiểm đã không muốn dùng Nguyễn Hoàng lại không nỡ giết. Sau đó, Nguyễn Hoàng nghe theo lời khuyên của cụ Trạng Trình, “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”[1] mà tìm cách vào Nam, chuyên chế riêng một vùng Thuận - Quảng, kéo theo cả Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị và Mạc Cảnh Huống, đều là những nhân tài hiếm có. Chàng bồn chồn, lo lắng cho tính mạng của bạn.

 

Đào Duy Từ ung dung bước vào phòng khách. Lê Thời Hiến sững người nhìn vẻ phong sương, gầy yếu của người bạn cố tri sau hơn mười năm xa cách. Thời gian đã rắc những hạt muối tiêu lên mái tóc của Duy Từ, cày những nếp nhăn lên vầng trán, chỉ có đôi mắt vẫn còn sáng rực. Chàng chạy lại, ôm chầm lấy Đào Duy Từ nghẹn ngào nói:

- Đệ mong huynh đã mỏi mắt. Sao huynh tiều tuỵ thế?

- Có sao đâu, một chút sương gió phong trần đắp choàng lên kẻ giang hồ, lữ khách thôi mà.

- Huynh còn nói đùa được sao! Đệ lo cho huynh thắt ruột.

- Có chuyện gì thế? Nghiêm trọng lắm sao?

- Phủ chúa đã ban lệnh tróc nã huynh. Tất cả lối vào kinh thành và trên phố, trong chợ đều có thám mã của Nguyễn Hoá chực sẵn để đón bắt huynh.

- Ta có làm gì nên tội đâu?

- Tài của huynh chính là trọng tội. Kẻ có tài mà bề trên không muốn dùng thì phải giết.

- Nếu vậy ta phải đi ngay tránh liên luỵ đến hiền đệ.

- Không được. Bây giờ đã quá ngọ sang mùi. Huynh phải ở lại đây hàn huyên với đệ, chờ tối hẳn mới đi được. Huynh có võ công, nên tìm chỗ vắng vẻ, kín đáo mà phi thân vượt qua tường thành mới mong thoát được.

- Ta xa hiền đệ ngần ấy năm trời, nay bỗng chốc xuất hiện trong hoàn cảnh éo le, thật phiền cho hiền đệ.

- Thôi. Huynh vào phòng với đệ cho kín đáo. Lính hầu và người nhà của đệ sẽ canh chừng, ngăn không cho người lạ bén mảng đến.

Hai người dắt nhau vào trong. Người quản gia trung thành bưng rượu và thức ăn lên rồi quay ra, nhẹ nhàng khép kín cửa phòng. Duy Từ bàng hoàng trước tin dữ bất ngờ. Lê Thời Hiến nhìn bạn, thở dài, im lặng hồi lâu. Không gian đặc quánh nỗi buồn lo. Chàng cầm tay Duy Từ, mắt ngấn lệ và hỏi:

- Rời khỏi kinh thành rồi, huynh sẽ đi đâu?

- Vào Nam theo Nguyễn Hoàng.

- Đệ thấy Nguyễn Hoàng nửa đời lận đận gây dựng sự nghiệp. Nay ông ấy tuổi đã cao, liệu thế tử sau nay nối nghiệp có biết trọng tài của huynh?

- Thời cuộc biến đổi không ngừng. Người quân tử phải biết tùy nghi. Ta cũng không dám chắc mọi điều, hiền đệ ạ!

- Mai đây, hai ta mỗi người thờ một chủ, lỡ gặp nhau giữa chiến trận sẽ phải chém giết nhau chăng?

- Số phận đã an bài không sao cưỡng được. Tôi trung không thờ hai chúa, lương tướng không vì tình riêng, ấy là lẽ đời. Miễn sao ta với hiền đệ đều hết lòng vì xã tắc, muôn dân. Nếu ta vào Nam được chúa Nguyễn trọng dụng sẽ hiến kế cho chúa Nguyễn mở cõi vào Nam, còn mặt Bắc chỉ hết sức phòng thủ, tránh cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, máu xương bên nào cũng của con dân nước Đại Việt.

- Đệ mừng vì huynh đã có chủ định như vậy. Ở ngoài này đệ hứa sẽ hết sức can ngăn chúa Trịnh không khởi binh đánh Nguyễn.

- Hai ta giao ước vậy nhé!

- Có trời đất, quỉ thần chứng giám cho lòng của đệ.

- Ta xem thiên văn biết nhà Nguyễn sẽ hưng thịnh, hùng cứ khắp dải đất phương Nam rộng lớn. Nếu tạm thời hai bên ngăn chia giới tuyến, cùng ganh đua chăn dân, khuyến nông, khuyến công, khuyến thương cho dân giàu nước mạnh há chẳng tốt lắm sao. Dân muốn là trời muốn. Ắt có một ngày dân chúng sẽ phán xét bên hay bên dở và đồng lòng theo về một phía, nước nhà sẽ thống nhất, bờ cõi được mở mang, cho dù khi ấy ta với hiền đệ chẳng còn sống, nhưng tiếng thơm để lại muôn đời.

 

- Huynh vẽ ra một viễn cảnh thật xa vời!

- Đúng. Nó xa vời, rất xa vời, nhưng sẽ thành hiện thực. Ta bấy lâu đi chu du khắp thiên hạ cũng vì mơ ước ấy.

 

Đào Duy Từ quên hết mọi hiểm nguy đang rình nấp, vây bủa bên ngoài. Chàng say sưa thổ lộ hết tâm can với bạn. Chẳng mấy chốc màn đêm buông xuống kinh thành. Lúc chia tay, Lê Thời Hiến đã sai người nhà chuẩn bị mười lạng bạc và ít quần áo, lương thực, cố nài ép Duy Từ nhận bằng được. Hai người ôm nhau, xúc động không nói lên lời. Duy Từ băng mình ra đường phố. Trời lất phất mưa bụi. Cơn gió bấc đầu mùa lồng lộng thổi trên các vòm cây, nóc nhà. Chàng nhanh chóng vượt qua một góc tường thành, lầm lũi đi trong bóng đêm đầy mưa gió. Ngày lại qua ngày, chàng đi quên mỏi. Vào đến xứ Thanh, chàng ghé thăm chùa Thiên Phúc. Sư bà Diệu Minh tuổi đã cao, lưng còng chống gậy ra sờ nắn khắp người Duy Từ, thân thiết và cảm động như tình mẫu tử. Chàng nán lại chùa chừng một canh giờ rồi bái lạy sư bà Diệu Minh, nhằm hướng làng Hoa Trai rảo bước. Quê hương sau nhiều năm ly biệt vẫn đói nghèo xơ xác. Chẳng ai trong làng còn nhận ra chú bé Duy Từ năm xưa. Lòng chàng xót xa cô độc, trĩu nặng u buồn. Duy Từ ngồi chết lặng bên bờ ngòi La, hồi tưởng lại bao kỷ niệm thời thơ ấu. Nơi đây chàng đã cùng Hữu Dư bắt ốc mò cua, ngâm mình hụp lặn sau mỗi ngày kiếm củi trên núi Ngọc. Bên dòng nước ngòi La, ngày ra đi, chàng đã thổi sáo cho Thục Nga nghe giai điệu dân ca của xứ Thanh quê nhà. Ngòi La, hỡi ngòi La hiền lành, sao có ngày dìm đắm mẫu thân để hôm nay đứa con bất hiếu trở về bơ vơ, côi cút... Ơi nghĩa phụ Hữu Danh, ơi thầy đồ Mậu, Duy Từ đã về sao ông trời nỡ để âm dương cách trở, khiến nỗi lòng đứt đoạn từng cơn!... Chàng lặng lẽ ra cánh đồng làng thắp nhang lên từng nấm mộ, nghe con tim thổn thức. Quê hương sau bao tháng năm đằng đẵng, nay chàng trở về, ba ngôi nhà thân thương chỉ còn trơ nền đất cũ, hoang sơ đầy cỏ dại. Không còn người thân, không còn mái ấm che đầu, chàng ngậm ngùi ra đình làng ngồi viết bài ai điếu đọc trước mộ mẫu thân:

 

Hỡi ôi!

Mộ cỏ đơn côi, Hoa Trai mây ủ, mắt nhìn gốc tử, dạ bời bời thương xót biết nào nguôi.

 

Thổi sáo ly quê, làm thơ xót nghĩ, con càng thêm hổ. Chí làm trai chốc đã 40 niên công danh chưa thoả, mảy may chưa vẹn đạo thần hôn. Nay con phải cáo biệt mẫu thân, lìa từ đường, rời quê tổ phụ.

 

Nhớ mẫu thân xưa sắc tài vẹn đủ, nghề mọn cầm ca ăn sầu nuốt khổ, lâm nạn lìa chồng, bên đàn bên con quẩy một gánh tang bồng, há sợ mưa giông hay chớp giật. Nơi phủ An Trường, phụ thân con chết trong tiếng đàn, nhịp sênh phách vẫn còn bầm sôi, hận uất. Đất Hoa Trai mẫu thân tần tảo nuôi con, sống kiệm, mần cần muôn thủa mảnh gương còn tỏ. Cội phúc vo tròn quả phúc, mầm nhân vun quén vườn nhân, quyết chí cho con lên chùa Đàn Xuyên, mài nghiên rửa bút, sao  con vẫn nửa đời lận đận.

 

Ngao ngán thay cho con tạo lá bay. Trách vì phận, giận vì duyên, tội tình chi cho trời xanh ghét bỏ. Hết sức người mới hiểu mệnh trời, dời chân đi biết đến đâu hay đến đó, rồi sẽ có ngày. Con đã quyết đem thân hồ hải, vượt ải vào Nam, theo phò chúa Nguyễn, lấy đỉnh chung đền đáp song thân, đem tài trí cùng nước non trả nợ.

 

Dù mai đây con thóc đường hoạn lữ, bơ vơ đất khách quê người, xót mẫu bầm gan, thương phụ buốt ruột, tấc lòng vàng như nấu như nung.

 

Ôi thôi thôi! Nguyệt ám vì mây. Hoa tàn bởi gió. Sống thác là ngọn đèn kim cổ. Mất còn là kiếp phù du biết đâu mà tỏ.

Mong mẫu thân chốn non bồng nước nhược, hồn về đây phò giúp con côi.

Hỡi ôi! Bái lạy, bái lạy !...

 

Duy Từ đọc xong bài ai điếu, nước mắt chảy ròng. Chàng nâng cây sáo thổi khúc ly quê. Tiếng sáo bay lên cao vợi giữa tầng mây, lâm ly, réo rắt. Núi Ngọc tối sầm trong tiếng sáo trúc, hoàng hôn lịm tắt. Ngòi La rì rầm, nén cơn thổn thức. Xóm làng Hoa Trai mờ trong sương đục. Chàng ra đi nuốt lệ, đầu không ngoảnh lại...



[1] Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân: Một dải Hoành sơn có thể náu mình gây dựng sự nghiệp muôn đời.

Chương : 1    2    3    4    5    6   7    8    9    10    11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2445
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)