Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
399
116.847.030
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 7

HỒI THỨ BẢY

Đường vào Nam, Duy Từ gặp nạn

Tướng cướp Dư nghe bạn hoàn lương

 

Chiều trên những cánh rừng miền Tây Thanh - Nghệ thâm u và huyền bí. Đường đi toàn dốc cao, rừng thẳm, nhiều hổ báo, vắng vẻ đến rợn người. Có khi đi hàng vài chục dặm mới gặp được bản làng của người Mường, người Thái hay người Dao, loáng thoáng vài nếp nhà sàn. Tiết trời chợt nắng, chợt mưa không biết đâu mà lường. Mùa mưa ở miền Trung đến muộn, nên đã sang tháng mười âm lịch mà những trận mưa giông dữ dội kéo theo dòng nước lũ bất ngờ ập đến, xoá đi dấu vết những con đường rừng nhỏ và vòng vèo, lắt léo, còn lại là những bãi lầy nhớp nhúa, cây đổ ngổn ngang, xông lên mùi lá mục hoai nồng...

 

Đào Duy Từ lần theo hướng đã vạch trên tấm bản đồ địa hình, đường xá từ Thanh - Nghệ vào đến Thuận - Quảng mà năm xưa, trước lúc xuống núi, đại sư Duy Giác đã trao cho chàng. Một mình trèo đèo lội suối, băng qua các cánh rừng già đại ngàn từ Quỳ Châu qua thung lũng Con Cuông ma thiêng nước độc, chàng cảm thấy mình nhỏ nhoi, cô độc giữa vũ trụ bao la. Thân phận chàng lúc một tuổi mồ côi cha, hai mươi tuổi học thành tài thì mồ côi mẹ. Nay đã ngoài 40 tuổi, trên đường vào Nam gây dựng sự nghiệp, qua thành Nghệ An, chàng lại nghe tin Nguyễn Hoàng vừa từ trần. Cái chết của đấng minh chủ làm chàng có cảm giác như mình thêm một lần mồ côi. Xưa nay, người quân tử nuôi chí “thay trời hành đạo” vẫn coi “anh hùng bất kiến minh quân” là điều bất hạnh lớn nhất. Đã đành rằng hôm gặp gỡ ở chùa Tiêu Sơn, Nguyễn Hoàng hứa sẽ dặn dò thế tử nối nghiệp phải trọng dụng, đãi ngộ chàng như người thầy, nhưng ai mà biết trước mọi chuyện ở đời sẽ xoay vần ra sao? Lịch sử đã chứng minh các bậc vua, chúa lúc khởi nghiệp thường anh minh, cầu thị, đời sống kiệm cần, rồi chẳng bao lâu, đến đời con, đời cháu sẽ lại sa đoạ bởi vinh hoa phú quý và quyền lực. Nguyễn Hoàng cả đời lận đận, gian nan vất vả để gây dựng sự nghiệp ở Thuận - Quảng, nên khi chết đã 89 tuổi, con thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên lên kế nghiệp đã ở tuổi 52, cũng có thể coi là người từng trải. Nguyễn Phước Nguyên chàng chưa một lần tiếp xúc, không rõ tài năng và đức hạnh thế nào. Giới sĩ phu Bắc Hà gặp chàng ở Đông Đô hai mươi năm trước, khi bàn chuyện thời thế, luận anh hùng, đều khen Nguyễn Phước Nguyên những năm trấn thủ Quảng Nam có lòng thương dân, biết cách cai trị và khá sùng đạo Phật, đã góp tiền của xây dựng chùa Long Hưng, chùa Bửu Châu. Chàng nghe đồn, ngay sau khi kế nghiệp, Nguyễn Phước Nguyên đã sửa thành đắp luỹ, diễn tập voi ngựa, sai con trưởng là Phước Kỳ vào trấn nhậm ở Quảng Nam. Các tin tức như vậy khiến Duy Từ tạm yên bụng, tiếp tục hành trình vào Nam. Tuy nhiên, là người cẩn trọng, qua hơn hai chục năm bôn ba khắp chốn thiên hạ, mất nhiều công tìm hiểu nội tình giới quyền lực triều đình Lê - Trịnh ở Đông Đô và triều Mạc ở Cao Bằng, chàng đã rút ra nhiều bài học bổ ích về việc chọn chủ mà thờ nên chưa hết lo nghĩ, e ngại về Nguyễn Phước Nguyên. Nếu Nguyễn Hoàng còn sống, sau khi lọt vào địa giới Thuận Hoá, chàng có thể ung dung đến thẳng phủ chúa ở đất Ái Tử huyện Đăng Xuyên để ra mắt, chúa tôi sẽ tha hồ hàn huyên chuyện cũ sau nhiều năm xa cách. Nay ngồi cai quản phủ chúa là Nguyễn Phước Nguyên, chàng không thể đường đột đến đó. Chàng cần có thời gian nghe ngóng xem Phước Nguyên có thật sự theo nền chính sự vương đạo như lời đại sư Duy Giác năm xưa dạy chàng hay không. Chàng muốn tận mắt quan sát Phước Nguyên đối đãi, sử dụng thế nào với các tướng Mạc Cảnh Huống, Tống Phước Trị, Nguyễn Hữu Dật và mưu sĩ công thần bậc nhất là Nguyễn Ư Dĩ. Những người do chàng đã vì Nguyễn Hoàng mà tốn bao nhiêu công sức thuyết phục họ bỏ nhà Mạc theo Nguyễn như các ông Mạc Cảnh Dinh, Nguyễn Tú, Trần Bảo..., nay Phước Nguyên đối xử với họ ra sao ? Không những thế, còn một dự tính lớn lao đang canh cánh bên lòng, khơi dậy trong Đào Duy Từ ý muốn tiếp tục cuộc viễn du khắp xứ phương Nam xa xôi. Chàng ghi nhớ lời căn dặn thứ hai của sư phụ: làm tướng trên phải tinh thông thiên văn, dưới phải am tường địa lý. Chàng nuôi ý định vào Nam là để giúp chúa Nguyễn mở cõi, còn mặt Bắc chàng đã hứa với Lê Thời Hiến chỉ phòng thủ, tránh gây chiến tranh huynh đệ tương tàn. Kiến thức địa lý về xứ sở phương Nam theo bản đồ và lời giảng giải của đại sư Duy Giác mới chỉ cung cấp cho chàng những khái niệm cơ bản, nhưng ở chàng đã hình thành một ý đồ chiến lược. Một rẻo đất chạy dài từ Thuận -Quảng vào vùng châu thổ Cửu Long Giang đất đai trù phú, dân cư thưa thớt, đa tạp, pha trộn giữa người bản địa với người Việt và người Quảng Đông, Phúc Kiến chạy loạn sang sinh sống đã nhiều đời. Nếu không kể phần lãnh thổ do chúa Nguyễn cai quản, rẻo đất hẹp và chạy dài này đang bị phân cắt làm bốn quốc gia. Trên dãy Trường Sơn có nước Xá Lợi ở phía Bắc và nước Lâm Ấp ở phía Nam. Dọc biển Đông từ Hoài Nhơn qua các thành Qui Nhơn, Diên Khánh, Ninh Thuận là địa giới còn lại của nước Chiêm Thành, hiện đang lục đục, tranh chấp giữa các dòng họ vương tôn quí tộc, mỗi nhóm quyền lực chuyên chế một nơi. Ở phía cực Nam từ thành Trấn Biên đến các châu, huyện vùng châu thổ Cửu Long Giang là nước Thuỷ Chân Lạp cũng đang suy yếu. Tình thế đang tạo cơ hội cho chúa Nguyễn mở rộng dần lãnh thổ, thống nhất bốn nước kia lại, sát nhập với vùng Thuận - Quảng thành một quốc gia giàu mạnh. Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử ở nhiều nơi. Thời cổ đại, người Hán của nước Tàu chỉ sinh sống và quần tụ thành những quốc gia dọc sông Hoàng Hà và Dương Tử. Trải qua mấy nghìn năm biến động, họ đã thống nhất lại rồi mở dần lãnh thổ ngày một rộng lớn như ngày nay. Nước Đại Việt thời cổ đại cũng chia thành hai quốc gia Tây Việt và Âu Lạc, sau mới thống nhất lại. Đào Duy Từ muốn đi chu du qua bốn nước ở phương Nam rồi mới quay về với chúa Nguyễn Phước Nguyên ở Thuận -Quảng. Chàng đi để am tường địa lý, nắm bắt tập tục làm ăn sinh sống của dân chúng và nội tình các vương triều từng nước. Chàng mơ ước về một quốc gia rộng lớn ở phương Nam, trong đó người Việt sẽ chung sống hoà thuận với dân chúng bản địa theo triết lý kiêm ái, tương lợi và phép ứng xử Lục hoà của Trúc Lâm tam tổ mà đại sư Duy Giác đã dạy dỗ chàng từ thủa ấu thơ. Ngày chàng còn ở chùa Đàn Xuyên trên núi Quế Trường, đại sư Duy Giác vẫn thường hay nhắc đến cơ trời vận nước, lẽ tuần hoàn dịch đổi của vũ trụ và cõi nhân sinh trên đất Đại Việt. Sư phụ tuy không nói ra lời bởi huyền cơ không thể tiết lộ, nhưng xem trong ý tứ của Ngài, Duy Từ có linh cảm Ngài đang dự đoán về tương lai nước Việt sẽ có lúc biên cương mở rộng từ ải Nam Quan đến tận đồng bằng Cửu Long Giang. Lúc đó, dù thời cuộc biến đổi, giang sơn nằm trong tay dòng họ nào đi nữa thì vẫn thoả tâm nguyện của đại sư. Phải chăng tấm bản đồ Ngài vẽ, bài từ “Hành phương Nam” Ngài ngâm, ba điều căn dặn lúc chia tay Ngài nói, tất cả là sự phác hoạ kế sách cho người học trò xuống núi thay sư phụ nhập thế giúp đời?...

 

Đào Duy Từ lầm lũi bước đi qua những chặng đường rừng, lòng nung nấu quyết tâm sắt đá hoàn thành tâm nguyện của đại sư Duy Giác. Lúc đêm xuống ngủ lại trong hang đá, dưới gốc cây, chàng hồi tưởng lại từng lời sư phụ nói trong lúc giảng binh pháp hay ngồi tâm sự, và hình ảnh Ngài theo vào giấc mộng. Ngày đi đường chàng nhẩm tính kế hoạch sau khi vào Nam, nhờ đó quên đường xa, nắng khát và nỗi cô độc cùng hiểm nguy chờ đón trước mặt. Dẫu sao, chàng vẫn có lúc thèm một người bạn đường để trò chuyện dù chỉ đôi lời bâng quơ... Từ lúc rời thành Nghệ An, bỏ con đường cái quan rộng rãi, tắt sang phía Tây âm u này, chàng đi đã non hai tuần trăng, cảm thấy mình như đang đi vào một thế giới hoang sơ thời hồng thuỷ, chưa có loài người. Chàng khao khát nghe một giọng nói và có lúc chàng tưởng như đang xuống cõi âm tìm gặp mẫu thân, ông Danh, thầy đồ Mậu. Họ đang nói những lời động viên hoặc ánh mắt họ đang dõi nhìn, khích lệ bước chân chàng. Thảng có lúc chàng động lòng nhớ Thục Nga, Hữu Dư. Hai người giờ đang ở đâu, sống ra sao? Mắt chàng cay rát, nhoà lệ. Chàng cầu trời khấn phật cho gặp vài người bạn đường để dò hỏi tin tức hai người bạn cố tri. May sao, đến thung lũng Con Cuông, Duy Từ gặp một tốp người đi buôn trầm hương và quế. Chàng nhập bọn với họ, nhận mình là thầy coi tử vi, tướng số muốn vào Nam kiếm ăn. Họ tranh nhau nhờ Duy Từ đoán tiền vận, hậu vận, ai nấy gật gù tâm đắc thán phục. Chàng vui vì có bạn đồng hành, lại vui vì chợt nảy ra kế sinh nhai trong những ngày sắp tới khi chu du qua mấy nước phương Nam, vì dân chúng ở đó rất tin ở số mệnh và các đấng thần linh. Hiềm một nỗi không ai biết gì về tung tích của Thục Nga và Hữu Dư. Đường xa có bạn hoá gần. Chẳng bao lâu đoàn người đã đến được vùng đất trù phú ngã ba sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố, có khá nhiều xóm làng hiện ra sau các luỹ tre xanh. Những người buôn trầm hương khá thông thạo vùng đất này. Họ bàn nhau tìm một tửu quán uống rượu xả hơi để hôm sau toả vào mấy xóm dưới chân núi Vụ Quang tìm mua thêm hàng cho bõ chuyến đi xa. Duy Từ theo họ vào quán nhỏ gần ngã ba đường rẽ vào xóm núi. Lúc đầu nhìn chủ quán lạ mặt, không phải người chủ quán từng quen biết trong các chuyến hàng trước, họ thì thầm bàn nhau e ngại, toan đổi đi nơi khác. Nhưng vì mấy ả hầu bàn khéo chèo kéo, hơn nữa trời đã xế bóng nên đám khách buôn tặc lưỡi bảo nhau ở lại. Duy Từ quan sát thấy tướng mạo vợ chồng chủ quán có vẻ gian xảo, mắt luôn đảo qua đảo lại đống hành lý của khách buôn, chàng dặn tất cả cảnh giác đề phòng. Mọi người gọi rượu thịt ăn uống xô bồ, chuyện trò ầm ĩ, riêng chàng chỉ ăn chút cơm rau. Một người bạn đường thấy vậy cố ép Duy Từ chung vui một hớp rượu tẩy trần. Từ chối mãi không được, chàng đành phải uống một chén nhỏ. Nào ngờ chỉ sau đó vài khắc, từng người thi nhau gục xuống mê man...

 

Duy Từ tỉnh dậy thấy mình nằm trên nền đất, tay chân bị trói chặt. Căn buồng tối như bưng và hôi hám, ẩm ướt. Chàng cố căng mắt tìm kiếm rồi lăn qua lăn lại, vẫn không thấy mấy người bạn đường đâu cả. Lúc đầu chàng nghĩ mình uống ít rượu nên mau tỉnh, còn họ chắc vẫn còn nằm mê man ở một góc nào đó. Sau quen mắt, chàng  nhận ra họ đã biến mất, không còn một dấu tích. Hành lý của đám khách buôn và của chàng cũng không cánh mà bay. Không lẽ gã chủ quán lại tha mạng cho họ, chỉ giữ lại mình chàng? Giữ để làm gì? Đào Duy Từ căng óc suy nghĩ. Toàn thân chàng đau nhức bởi những sợi dây chão to và chắc bó chặt vào da thịt. Thuốc mê vẫn còn làm hai thái dương chàng nhói buốt như có dùi sắt đóng vào... Lát sau, bên kia vách nứa có tiếng chân người lạo xạo, rồi ánh đèn le lói và tiếng người rì rầm. Chàng lăn mình đến sát vách nứa nhìn sang gian bên cạnh, thấy hai vợ chồng chủ quan đang bàn bạc với một gã râu xồm, mắt xếch nom rất dữ tợn. Cả ba đều áo quần ướt đẫm, vấy bùn đất,  vừa nói vừa thở, có lẽ vừa làm một việc gì đó vất vả, đầy bí hiểm. Mụ vợ chủ quán má còn dính bùn mà mặt tươi hơn hớn, cười nói:

 

- Không ngờ hôm nay vớ được khách sộp. Tiền và hàng hoá của chúng nó chí ít cũng ngót nghét ba trăm lạng bạc.

- Ba trăm là thế nào, nghìn lạng có dư ấy, mụ đừng có bán đổ bán tháo số trầm hương là không xong với ta đâu. Bao nhiêu ngày đói dài, nay mới cướp được một mẻ ra trò - Chủ quán nghiêm giọng nhắc vợ.

- Thì ông có giỏi đem ra chợ bán cho được giá. Thứ đồ ăn cướp không bán tháo cho nhanh, muốn vào nhà lao, cho gái này đưa cơm chắc!

- Thôi... thôi... hai vị bớt nhời cho êm chuyện. Tôi còn đang lo mấy cái xác kia có nổi lên được không - Gã râu xồm xua tay nói.

- Đại ca yên tâm. Vợ chồng nhà này làm việc đã quen tay, buộc ngang bụng mỗi đứa một rọ đá hộc rồi.

- Ngộ nhỡ nước chảy xiết dây chão bị đứt?

- Không thể có chuyện ấy - Chủ quán phẩy tay nói dứt khoát.

- Còn tên thầy tướng nên xử trí ra sao? - Mụ vợ chủ quán sốt ruột hỏi.

- Tên này khả nghi lắm. Có lẽ phải phiền đại ca giải lên núi xem chủ trại định liệu thế nào - Chủ quán nói.

Gã râu xồm đưa mắt ra hiệu. Chủ quán biết ý quát bảo vợ chạy ra ngoài canh chừng. Trong nhà hai tên cướp tiếp tục bàn bạc. Chúng mở tung hành lý của Duy Từ soát xét lại một lần nữa. Mười lạng bạc Lê Thời Hiến đưa chàng làm lệ phí đã bị lấy  đi cùng với tiền và hàng hoá của đám khách buôn xấu số lúc này chắc đang nằm sâu dưới đáy sông. Bọn cướp cầm đống quần áo của Duy Từ vo tròn, vứt vào góc nhà. Chàng nhìn qua kẽ nứa, giật mình lo lắng. Hành lý của chàng ngoài quần áo ra, còn lại là những tấm bản đồ vẽ trên lụa và xấp giấy dó ghi chép những điều chàng quan sát hoặc nghe được trong suốt mấy năm ròng đi thăm dò dấu tích chiến luỹ Đa Bang ngày xưa của Hồ Nguyên Trừng. Chàng quí những vật đó còn hơn cả tính mạng mình... Gã chủ quán nói với tên cướp râu xồm:

 

- Đại ca xem đây này, hành lý của nó toàn những đồ quốc cấm.

- Có lẽ hắn là gian tế của xứ đàng trong.

- Liệu ta có nên nộp hắn cho quan trên lấy thưởng?

- Thế khác nào mình lạy ông tôi ở bụi này. Cứ giết quách nó rồi đem hành lý giao cho trại chủ quyết định.

- Đã bắt được gian tế của xứ đàng trong mà giết thì uổng quá. Cái lưỡi của nó đáng giá ngàn vàng.

- Tin gì được quan trên, miệng quan trôn trẻ. Toàn một lũ gian xảo, nó bắt mình giam vào ngục vì tội ăn cướp rồi ngư ông đắc lợi, nhận công về mình lấy thưởng, ai làm gì được.

- Vậy thì khó xử quá!

- Đã bảo giết quách đi cho êm chuyện mà lại.

- Không được. Trại chủ tính nóng như lửa. Nếu làm sai ý của ông ấy có phen lĩnh đòn đủ no đấy, đại ca ạ!

- Đã thế ta giải nó lên núi.

- Đại ca phải đưa nó đi ngay, trước khi trời sáng.

 

Duy Từ thở phào nhẹ nhõm. Vậy là thoát chết, ít nhất là trong đêm nay, không phải chung số phận với đám khách buôn xuống thăm hà bá sông Ngàn Sâu. Đợi lên núi gặp chủ trại, chàng sẽ nghĩ cách thoát thân. Số phận chàng giờ đây không ngờ bị nằm trong tay tên tướng cướp trên núi Vụ Quang. Những tấm bản đồ kia sẽ cứu chàng hay đưa chàng vào nhà lao, đành phải nhờ vào số trời vậy thôi. Trong những tấm bản đồ ấy, có một tấm là báu vật của sư phụ trao lại cho chàng lúc chia tay ở chùa Đàn Xuyên. Ngài không nói rõ, nhưng qua tấm bản đồ, chàng hiểu sư phụ khuyên mình vào Thuận - Quảng giúp chúa Nguyễn lập nghiệp, mở cõi. Nếu lúc này phải chết trong tay bọn cướp, chàng thật có lỗi với sư phụ. Tấm bản đồ là tất cả tâm huyết và trí tuệ của Ngài, nếu rơi vào tay lũ cướp man rợ, biết đâu còn gieo tại hoạ cho dân lành. Bất giác chàng thở dài, mắt ứa lệ...

 

Tên cướp cưỡi ngựa phi như bay trong bóng đêm dày đặc của núi rừng miền Tây. Đường đi quanh co, lắt léo qua nhiều suối khe, vách núi hoang lạnh. Duy Từ bị buộc chặt trên lưng ngựa, thân chàng lắc mạnh theo nhịp vó ngựa làm các sợi dây càng thít chặt vào da thịt, hằn lên những vết bầm tím, xương sống bị dằn xuống hất lên tưởng chừng muốn gẫy. Chàng nhắm nghiền đôi mắt, cắn răng chịu đựng, suy nghĩ miên man. Hình ảnh sư phụ Duy Giác, sư huynh Tuệ Năng, Nguyễn Hoàng, Lê Thời Hiến... cứ chờn vờn trong óc chàng. Nỗi nhớ Thục Nga, Hữu Dư bỗng chốc lại trỗi dậy. Hai người giờ đang ở đâu, sống ra sao, có biết chăng Duy Từ lúc này tính mạng treo đầu sợi tóc? Bao ngày đi trên đường chàng mong ngóng, dò hỏi tin tức mà vẫn mờ mịt. Chẳng lẽ đời chàng đến đây là hết, không còn dịp gặp lại bạn xưa? Nỗi đau đớn về thân xác và niềm tủi hận dày vò, khiến chàng ngất đi trên lưng ngựa của tên giặc cướp. Hắn không hề quay lại, cúi rạp mình trên lưng ngựa, mải miết phi nhanh về sào huyệt. Đến nơi, hắn quẳng chàng vào một khoang của tàu ngựa chứa đầy cỏ, ôm túi hành lý chiến lợi phẩm vào nộp cho chủ trại. Đã quen với cuộc sống ăn sương, lấy đêm làm ngày nên sơn trại của lũ cướp đèn đuốc vẫn còn sáng rực. Mấy chục tên cướp lực lưỡng, vẻ mặt dữ dằn đang chia từng tốp say sưa uống rượu hoặc đánh bạc. Chủ trại là tên cướp khoảng chừng hơn 40 tuổi, cao to, mặt vuông, lông mày lưỡi mác, để râu ba chòm. Hắn giở từng thứ trong túi hành lý của Duy Từ ra xem, chau mày suy nghĩ. Nét chữ viết trong tập giấy dó của người này nom rất quen. Những tấm bản đồ được vẽ ở rất nhiều nơi trên đất Đại Việt, chứng tỏ người vẽ phải mất nhiều năm bôn ba đi đó đi đây, dày công nghiên cứu địa hình đường xá. Nó chứng tỏ ông ta là nhân vật có tầm cỡ, không phải chỉ là tên gian tế bình thường của xứ đàng trong. Tên chủ trại đặc biệt chú ý đến một tấm bản đồ có nét vẽ và chữ viết không giống với các tấm bản đồ khác. Nó gợi cho hắn một kỷ niệm xa xưa nào đó mà hắn chưa kịp nhớ ra. Hình như hắn đã từng được xem bản đồ này một lần rồi. Chợt hắn giật mình tự hỏi, chẳng lẽ đây là tấm bản đồ hắn đã xem qua ở trong hang đá, sau ngày được cứu thoát khỏi nhà lao của Bá Sinh. Nếu vậy, phải chăng kẻ bị bắt kia lại là Đào Duy Từ? Tên cướp vùng dậy, gọi người đốt đuốc dẫn hắn xuống dãy tàu ngựa ngoài cổng sơn trại. Gần đến nơi, hắn chợt vừa chạy vừa gào to:

 

- Duy Từ!... Đào Duy Từ!... Có phải hiền đệ Đào Duy Từ đấy không?... Ta là Hữu Dư, đại huynh của đệ đây! Duy Từ ơi, Duy Từ!...

 

Đào Duy Từ vẫn còn mê man. Chàng chỉ nghe lõm bõm như có ai gọi mình từ dưới cõi âm vọng lại. Chàng cựa mình ú ớ kêu: “Nước... nước... ta khát nước...” Hữu Dư xông vào tàu ngựa, bới đám cỏ đang phủ lấp trên mặt người bị trói. Dưới ánh đuốc hiện ra gương mặt thân quen của người bạn thủa ấu thơ. Tướng cướp Dư bàng hoàng đau xót, ôm lấy Duy Từ, bế thốc lên, vừa chạy về lán vừa khóc tức tưởi như một đứa trẻ.

 

Duy Từ được đặt nằm trên phản, đầu gối lên đùi Hữu Dư. Hai tên cướp khác dùng mật gấu xoa bóp cho chàng. Mỗi lần thấy Duy Từ rên lên vì đau đớn, Hữu Dư lại giật mình nhăn nhó, quát mắng kẻ thuộc hạ không biết nhẹ tay. Thời gian như trôi chậm lại. Hơn nửa canh giờ chờ đợi mà Hữu Dư ngỡ như dài lê thê. Cuối cùng tướng cướp Dư cũng thấy Duy Từ mở mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh. Chàng chỉ thấy lố nhố những gương mặt gớm ghiếc, râu tóc bờm xờm, má và trán đầy những vết sẹo chạy ngang chạy dọc. Trong đám người ô hợp ấy, hình như có ai đang gọi tên chàng, giọng nghẹn ngào xúc động. Liệu có phải chàng đang nằm mơ nên nghe giọng nói của người ấy như giọng của Hữu Dư. Bất giác chàng mấp máy hỏi lại:

 

- Đại huynh Hữu Dư phải không? Sao huynh lại ở đây?

Người ấy ôm chầm lấy chàng cướp lời:

- Dư đây, đại huynh của đệ đây. Duy Từ ơi! Ta có ngờ đâu số phận run rủi cho mình còn được gặp đệ.

- Không... không thể nào như thế... Huynh không thể là tên giặc cướp đường. Trời ơi! Ta đang mê hay là thực?

- Là... là thực đó Từ ơi! Tướng cướp là ta... a ha... ta là tướng cướp... Đệ khinh bỉ ta lắm phải không?...

 

Hữu Dư gục đầu lên ngực bạn khóc nấc. Đôi vai Dư rung lên, nước mắt rơi lã chã. Duy Từ chết lặng đi vì đau xót, ngỡ ngàng. Cuộc đời thật phũ phàng. Số phận đã đẩy Hữu Dư đến mức cùng đường làm tên giặc cướp thật rồi. Vậy Thục Nga đâu? Linh tính mách bảo chàng có điều gì uẩn khúc xót xa đã xảy ra với người bạn gái năm xưa. Chàng cố ghìm lòng chờ cho Hữu Dư vơi cơn xúc động, lựa lời gạn hỏi:

 

- Thôi, huynh mau bình tĩnh lại, kể cho đệ nghe rõ mọi việc. Thục Nga đâu? Vì sao huynh ra nông nỗi này? Đệ không dám tin ở tai mắt mình nữa.

- Chuyện dài lắm. Ta thật có tội với tổ tông, xấu hổ với đệ. Nếu... nếu Thục Nga còn... còn sống...

- Thục Nga làm sao? Huynh nói đi! Thục Nga đâu?

- Nàng chết rồi...

 

Duy Từ nghe tin lặng đi vì đau đớn. Chàng muốn khóc mà sao nước mắt cứ lặn ngược vào trong lòng. Ngực chàng đau tức đến nghẹn thở và con tim như có muôn ngàn chiếc gai nhọn châm vào tê buốt. Số phận nghiệt ngã đã cướp dần của chàng bao người thân thích để chàng lạc lõng, bơ vơ giữa cõi đời trần trụi. Thục Nga là tất cả tuổi thơ, tình yêu và là niềm an ủi lớn đối với chàng suốt ngần ấy năm phiêu bạt. Chưa bao giờ Duy Từ thấy lòng trống trải, cô đơn, buồn nản như lúc này. Chàng nhìn Hữu Dư đang bưng mặt gục đầu bên mép phản, vừa thương lại vừa giận. Ngày đầu rời quê hăm hở vào Nam, chàng nuôi hy vọng sẽ gặp lại Thục Nga sống yên bình, hạnh phúc bên Hữu Dư, con cái đề huề. Nào ngờ...! Đêm chìm vào sâu. Không gian đặc quánh bóng đen và nỗi buồn. Tiếng côn trùng râm ran lẫn tiếng thú đi ăn đêm kêu thảng thốt khiến the thắt nỗi lòng hai kẻ bất hạnh xa quê. Hồi lâu, Duy Từ thở dài và hỏi:

 

- Huynh kể vắn tắt cho đệ nghe, từ khi chúng mình chia tay ở hang đá hai người sống ra sao?

- Đệ đi rồi, ta và Thục Nga bàn nhau ghé qua Tống Sơn, hy vọng sẽ biết thêm tin tức của thúc phụ Hữu Tâm và gia đình, họ tộc trong Quảng Nam. Nhưng chiến tranh đã làm cho chi nhánh dòng họ Nguyễn Hữu ở Tống Sơn ly tán hết không còn một ai. Đã không dò hỏi được tin tức, bọn ta còn bị quan binh truy đuổi một trận chí chết. Lần hồi mãi, ta với Thục Nga mới tìm đường vào được ngã ba sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố theo chỉ dẫn của đệ trong tấm bản đồ của đại sư Duy Giác. Không may, lúc ấy Thục Nga bị ốm nặng, chúng ta đành lưu lại một xóm nhỏ gần bờ sông. Ta dựng tạm túp lều ở đó câu cá, kiếm củi sinh sống qua ngày và thuốc thang cho nàng. Qua nửa năm, đời sống tạm ổn định, bệnh của Thục Nga lại biến chứng thành thấp khớp không thể tiếp tục trèo đèo, lội suối vào Nam. Ta ngỏ lời muốn thành thân với nàng rồi hai đứa gây dựng tổ ấm chờ đệ quay lại sẽ cùng vào Nam. Thục Nga vẫn nặng tình với đệ, chỉ khóc ròng. Nàng ra điều kiện, hai đứa sẽ ngủ riêng ba năm, nếu đệ chưa quay vào mới chịu chung sống với ta. Thế rồi ba năm cũng thoắt qua đi, đệ vẫn bặt tăm. Ta với nàng hoà hợp chung sống, có được mụn con trai thì nàng qua đời vì chứng hậu sản mòn. Mình ta gà trống nuôi con từ lúc nó còn ẵm ngửa, gặp năm mất mùa, đói kém, cùng đường phải đi làm giặc cướp. Lúc đầu trong cơn quẫn bách, ta nghĩ mình chỉ tạm thời làm cướp đường cho qua năm đói, nhưng cuộc sống giang hồ và mối hận lòng, muốn trả thù đời cứ kéo ta dấn sâu vào vũng bùn tội lỗi. Ta thanh toán các toán cướp nhỏ, bành trướng thế lực, làm chúa tể một vùng. Dọc con đường vào Nam từ bến Tam Xoa đến sát địa giới Thuận Hoá đều có các tửu quán do người trên sơn trại của ta lập ra để dò la tin tức chống lại quan binh của triều đình và phát hiện con mồi là những đoàn khách buôn giàu có...

 

- Con trai của huynh tên gì? Nó hiện giờ ở đâu, sao đệ không thấy?

- Nó tên là Hữu Tiến, được hơn 10 tuổi và rất thông minh, tuấn tú. Ta không muốn nó sống lẫn với đám người ô hợp trên sơn trại nên đã gửi nó vào một ngôi chùa dưới chân núi, hàng năm chu cấp gạo và quần áo.

- Nhà chùa có biết cha nó làm tướng cướp không?

- Ta gửi con vào chùa lúc Thục Nga vừa qua đời nên không ai hay biết việc ta đi làm giặc cướp. Gần đây ghé thăm chùa, ta mới biết sư trụ trì là Tuệ Năng, vừa đến thay cho sự cụ ở đó đã qua đời. Ngài biết ta là anh em kết nghĩa với đệ nên mừng lắm, hết lòng dạy dỗ Hữu Tiến cả văn lẫn võ. Có lẽ trời phật còn thương đến dòng họ Nguyễn Hữu nên mới xui khiến cho con ta gặp được sư Tuệ Năng, đệ ạ!...

- Thật vậy sao? Nếu được như thế thật là đại phúc.

- Ta mừng cho thằng bé bao nhiêu lại càng thương mẹ nó bạc phước, đoản mệnh bấy nhiêu.

- Đệ cũng vậy... Nhưng xét cho cùng đời người là kiếp sống tạm. Người chết đã yên phận, còn người sống phải sống sao cho đáng sống, không có danh gì với nước non cũng phải cho trọn đạo làm người, giữ bền nhân cách, gây phúc cho đời sau, huynh ạ!

- Duy Từ bảo ta nên làm gì bây giờ? Bao năm qua ta sống mà như đã chết, cùng đường và lắm lúc tủi hổ với gia tiên lắm, đệ có thấu hiểu cho ta không?

- Lúc chiều ở bến sông, đệ quan sát vùng này thấy đất đai phì nhiêu, dân cư thưa thớt. Huynh nên giải tán sơn trại, lập một điền trang. Những ai muốn về quê hay vào Nam sinh sống, huynh cho họ tự do lựa chọn, số còn lại chung sức khai hoang lập nghiệp. Dưới thung lũng huynh chọn các bãi lau sậy phát hoang trồng lúa. Trên núi huynh trồng ngô, trồng sắn và nuôi bò, nuôi dê. Theo đệ ước đoán chỉ vài năm huynh sẽ có một trang trại rộng lớn và giàu có. Những tửu quán rải rác trên đường vào Nam huynh vẫn giữ nguyên như cũ, làm nơi buôn bán sản vật với người đàng trong và giúp đỡ bà con dân nghèo ngoài Thanh - Nghệ muốn di cư vào Nam sinh sống. Làm được việc này huynh chẳng những để phúc đức cho con cháu mà còn có thể sẽ giúp đệ sau này, nếu đệ vào Nam được chúa Nguyễn trọng dụng. Nhà Nguyễn muốn mở rộng bờ cõi vào Nam nhất thiết phải đưa dân Đại Việt vào chung sống hoà thuận với các tộc người bản địa, hình thành một quốc gia có chung nền văn hiến, lấy tôn chỉ từ bi bác ái và phép ứng xử “Lục hoà” của đạo Phật Thiền tông làm nền móng cai trị, như vậy mới được lâu bền. Đó chính là hoài bão của đệ nung nấu suốt mấy chục năm bôn ba khắp chốn thiên hạ.

- Nghe đệ chỉ bảo ta thấy sáng sủa ra nhiều. Rồi thư thả ta sẽ bàn tiếp. Giờ đệ nên nghỉ ngơi cho lại sức, mai ta sẽ đưa đệ đi gặp sư Tuệ Năng và cháu Hữu Tiến.

- Đệ còn bụng dạ nào mà nghỉ ngơi.

- Vậy thì đệ ăn qua loa một chút gì rồi ta trò chuyện tiếp. Đêm nay ta với đệ sẽ nằm gác chân lên nhau như ngày xưa ở Hoa Trai quê nhà.

- Đệ thấy miệng đắng ngắt, ăn gì cũng nuốt không trôi đâu. Huynh cho đệ một bát nước. Ước gì lúc này có bát nước chè xanh hay nước vối như năm xưa mẫu thân vẫn thường nấu rồi quạt cho hai đứa ngồi uống.

 

Hữu Dư nghe vậy tủm tỉm cười, gọi một tên cướp đàn em lại, ghé tai thì thầm mấy câu. Lát sau người ấy mang vào một nồi nước chè tươi đặc sánh và thơm nức, được ủ trong chiếc thúng đại, lèn đầy cỏ khô, bên trên phủ chiếc chăn rách. Gã múc ra hai bát và bưng ra một vò sành đựng đầy đường phổi, sản vật quý của xứ đàng trong. Hữu Dư cầm tay Duy Từ trìu mến nói:

 

- Đệ uống thử bát nước chè tươi với đường phổi xem hương vị thế nào.

- Ở đâu ra những thứ này, hở huynh?

- Cây chè tươi này do ta ươm từ ngày lên sơn trại, đến nay đã thành cổ thụ. Đó là giống chè của Thục Nga trồng lúc ta và nàng chung sống ở bến sông Ngàn Sâu. Hạt giống chè, nàng mang từ Hoa Trai vào được ba hạt lấy từ cây chè sau vườn của thân mẫu đệ. Lúc rời quê đi tìm đệ, nàng định sẽ mang giống chè lên chùa Đàn Xuyên tặng sư phụ của đệ làm kỷ niệm. Vào đến đây, nàng mở hành lý chợt nhớ ra nó vẫn còn trong gói giấy, bèn ươm giống lấy lá uống nước thường ngày để nhắc ta không quên lời hẹn ước chờ đệ đủ mười năm. Vì vậy, sau khi Thục Nga chết, ta mang theo mấy hạt giống lên sơn trại hy vọng sẽ có ngày gặp đệ, cùng uống thứ nước nghĩa tình của nàng.

- Thế còn đường phổi?

- Thời gian Thục Nga bị bệnh là lúc ta rất nghèo, vẫn cố dành tiền mua thứ đường này của khách buôn từ xứ đàng trong mang ra đổi quế và nhung hươu. Nghe nói đường phổi rất mát, lợi cho sức khoẻ của Thục Nga. Nay ta vẫn thường sai người mua trữ đường phổi để gửi lên chùa cùng với gạo cho Hữu Tiến và các sư dùng...

 

Duy Từ uống bát nước chè tươi sánh đậm hương vị quê nhà pha với đường phổi của xứ đàng trong. Chàng bồi hồi xúc động trước tấm lòng của Hữu Dư, càng không nguôi thương nhớ Thục Nga. Đêm ấy, chàng và Hữu Dư thức trắng uống nước chè tươi và tâm sự mọi nỗi niềm. Chàng kể lại vắn tắt quãng đời hơn hai chục năm lưu lạc khắp nơi trên đất Bắc và nhất là mười năm ngồi tù khổ sai bên đất Tàu vì không chịu thành hôn với cô gái có tên Thục Anh, bởi hễ nhìn thấy người con gái ấy thì hình ảnh Thục Nga lại hiển hiện trong lòng chàng, vẫy gọi chàng về theo đuổi sự nghiệp vào Nam. Sáng dậy, chàng và Hữu Dư ăn uống qua loa rồi vội xuống núi tìm gặp sư Tuệ Năng và bé Hữu Tiến.

*

*             *

Trong ngôi chùa nhỏ gần bờ sông Ngàn Sâu, sư Tuệ Năng đã dậy từ rất sớm. Sư đi mấy bài quyền rồi lững thững dạo quanh sân chùa, ngắm cảnh bình minh đang ló rạng trên dòng sông trôi êm đềm giữa thung lũng mênh mông, đôi bờ xanh mướt những nương ngô. Bên kia bờ phía Đông ửng lên một màu hồng nhạt, xuyên qua lớp sương mỏng làm thành quầng tán vàng pha lẫn sắc tím chạy dài từ bờ sông phía Tây vào tận chân núi Vụ Quang. Tiếng chim lảnh lót trong vòm lá vườn chùa nghe xốn xang niềm vui, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Sư Tuệ Năng thấy lòng lâng lâng xao xuyến trước cảnh đồng quê yên bình, thơ mộng. Chợt sư nhìn thấy đôi bướm trắng xoè cánh, rập rờn bên chùm hoa khế dưới hiên chùa. Sư mỉm cười, cất giọng ngâm mấy câu thơ của Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông:

 

Ngủ dậy mở cánh cửa

Xuân về đã chẳng hay

Bươm bướm một đôi trắng

Phơi phới nhắm hoa bay

 

Từ bờ sông có hai người rảo bước, xăm xăm về hướng cổng chùa. Một người có dáng thi nhân tao nhã, vào đến sân chùa thì dừng bước, chăm chú nhìn và nghe nhà sư ngâm hết bài thơ, liền ngâm tiếp một bài thơ khác của Trần Nhân Tông:

 

Hoa sóng tung lên buồm gấm bay

Dưới mui đầu mệt chẳng buồn quay

Mây chiều Tam Giáp nhạn không đến

Trăng sáng Cửu Than rồng có đây

Lạnh lẽo đường đi cung mộng cũ

Ngổn ngang sầu vướng rượu ly đầy

Hán hoàng mang tiếng say chinh chiến

Vội vã nam nhi chi lắm vậy.

 

Sư Tuệ Năng nghe người đó ngâm thơ ở sau lưng mình vẫn điềm nhiên không hề ngoảnh lại, tay lần tràng hạt, miệng nam mô và từ tốn hỏi:

- Người ở đàng sau ta đang nuôi chí vào Nam sao lại ngâm bài “Trên đường Tây chinh” của tiền nhân?

- A di đà Phật! Kẻ hèn này chỉ buột miệng, nhất thời ngẫu hứng ngâm thơ, hà cớ gì nhà chùa lại biết có người nuôi chí vào Nam?

- Mô phật, thí chủ họ Đào, tên Duy Từ, ta đợi thí chủ lâu rồi, sao vào Nam chậm thế?

Nói xong nhà sư quay lại, giang tay đón đợi. Đào Duy Từ sung sướng lao đến ôm chầm lấy Tuệ Năng. Hai người cùng lặng đi, mừng mừng tủi tủi không nói thêm được lời nào. Hữu Dư nhìn họ bồi hồi rơi lệ. Hồi lâu Duy Từ nghẹn ngào nói:

- Tiểu đệ thật không ngờ được gặp sư huynh ở đây.

- Tất cả đều do sư phụ tiên đoán và sắp đặt.

- Sư phụ hiện giờ ra sao?

- Ngài qui phật đã mấy năm rồi. Trước lúc lâm chung, sư phụ khuyên ta nên hạ sơn tìm đường vào Thuận - Quảng tu hành ở một ngôi chùa nào đó trong ấy. Ngài bảo rằng cha con Nguyễn Hoàng trị nhậm ở đất Thuận - Quảng, nuôi chí mở cõi vào Nam và rất sùng đạo Phật. Xem ra họ Nguyễn muốn đem giáo lý nhà Phật để cải hoá nhân tâm, giúp cho bách tính muôn dân không phân biệt người Việt hay người bản địa đều sống hoà đồng, tương thân tương ái. Đó là cái phúc lớn cho thiên hạ giữa thời loạn lạc, bởi xưa nay những kẻ đem quân đi chiếm đất, mấy ai nghĩ đến việc chăm lo đời sống tâm linh cho người bản địa. Ta hiểu ý sư phụ muốn học trò mình góp vào sự nghiệp cao cả ấy của cha con Nguyễn Hoàng. Mặt khác ta cũng mong sẽ có cơ hội gặp hiền đệ.

- Sao sư huynh không vào Nam theo đường cái quan phía biển Đông mà lại đi theo lối này rất hoang vu, nhiều sự hiểm nguy?

- Hình như sư phụ đã có chủ ý nên những ngày cuối đời thường hay ngâm bài thơ “Trên đường Tây chinh” của Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông trước mặt ta. Đêm qua Ngài hiện về trong giấc mộng, hỏi thăm ta về sức khoẻ của hiền đệ. Sáng dậy ta thấy lòng hồi hộp, thấp thỏm khác thường. Linh tính mách bảo ta sẽ có cuộc hội ngộ với hiền đệ, vẫn có ý đứng ở sân chùa đợi khách. Không ngờ trời phật xui khiến hiền đệ cũng ngẫu hứng ngâm bài thơ ấy...

- Sư phụ thật là thần thông, quảng bác. Đệ thấy hổ thẹn vì chưa làm được gì báo đáp ân đức và thực hiện sự uỷ thác theo lời căn dặn của Ngài.

- Gặp được nhau đây là tốt rồi. Chư phật và sư phụ sẽ chứng giám cho tấm lòng của hiền đệ.

 

Hữu Dư đợi hai người nguôi cơn xúc động bèn lại gần vòng tay cúi chào sư Tuệ Năng. Nhà sư vội vàng đáp lễ rồi dẫn Duy Từ, Hữu Dư  vào trai phòng. Chú bé Hữu Tiến đã rải chiếu, pha trà chờ đợi. Cậu ngỡ ngàng nhìn vị khách lạ đi cùng phụ thân mình lên chùa.

 

- Lại chào thúc phụ đi con! - Hữu Dư nghiêm giọng nhắc.

- Thí chủ đây là Đào Duy Từ, người mà ta vẫn nêu gương nhắc nhở con học tập, cũng là nghĩa đệ của phụ thân con - Sư Tuệ Năng cầm tay vị khách giới thiệu với Hữu Tiến.

- Ồ!... Cháu tôi rất khôi ngô, tuấn tú. Đứa bé này được sư huynh nuôi dạy ắt sẽ làm nên sự nghiệp rạng danh dòng họ Nguyễn Hữu.

 

Duy Từ đỡ Hữu Tiến đang quỳ lạy trước mặt, kéo cậu bé vào lòng âu yếm hỏi han việc học hành. Lòng chàng bồi hồi nhớ đến Thục Nga. Đứa bé là hiện thân của tình yêu và nỗi bất hạnh của người bạn gái thủa ấu thơ. Bao năm tha hương, hình bóng nàng luôn là nguồn an ủi, động viên chàng những lúc cô đơn, buồn tủi. Ánh mắt nồng nàn yêu thương pha lẫn hờn giận của nàng trong đêm chia tay ở hang đá năm nào đã ám ảnh chàng. Dẫu ghìm lòng chối bỏ tình yêu, cầu mong cho nàng và Hữu Dư hạnh phúc bên nhau, nhưng tận trong sâu thẳm đáy lòng chàng vẫn xót xa, nuối tiếc. Nào ngờ  hôm nay cả chàng và Hữu Dư đều vĩnh viễn mất nàng, có còn chăng chỉ là giọt máu của nàng để lại. Kể từ đây Hữu Tiến sẽ là cơ hội để chàng đền đáp ơn sâu của ông Danh và nghĩa tình của Thục Nga. Tạm thời đứa bé đã có nơi gửi gắm tin cậy là sư Tuệ Năng, nhưng chàng thề với lòng mình sẽ gây dựng cho Hữu Tiến một tương lai sáng lạn.

 

Hôm ấy Duy Từ và Hữu Dư ở lại chùa cùng sư Tuệ Năng suốt ngày trò chuyện. Hữu Dư nghe theo lời khuyên của Duy Từ và sư Tuệ Năng, quyết tâm giải tán sơn trại, lập đồn điền khẩn hoang, biến những quán rượu cũ thành trạm đón tiếp giúp đỡ dân nghèo di cư vào Nam sinh sống. Sư Tuệ Năng kể rằng, có lần đại sư Duy Giác điểm lại công đức của Nguyễn Hoàng khuếch trương đạo Phật Thiền tông ở phương Nam đã dẫn ra các ngôi chùa do Nguyễn Hoàng xây cất như chùa Sùng Hoá ở Phú Vang, chùa Thiên Mụ ở Hương Trà, chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu... Khi Ngài nhắc đến chùa Long Hưng ở Duy Xuyên - Quảng Nam, có ý khen chùa này phong thuỷ rất tốt và đọc mấy câu kệ của Trần Nhân Tông trong bài “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”:

 

... Trần duyên rũ hết

Thị phi chẳng nề

Rèn một tấm lòng

Đêm ngày đon đả

Ngồi cong trần thế

Chẳng quản sự thay

Văng vẳng ngàn kia

Dầu lòng dong thả

Học đòi chư  Phật

Cho được viên thành

Xướng khúc vô sinh

An thiền tiêu xá...

 

Sư Tuệ Năng quả quyết với Duy Từ rằng đó là sư phụ đã gợi ý cho mình vào Nam tu đến hết đời ở chùa Long Hưng. Duy Từ nghe vậy mừng rõ nói:

 

- Hình như sư phụ nắm chắc được thiên cơ và dự liệu được cả bước đường Nam du của đệ.

- Ta chưa hiểu... Hiền đệ nói rõ thêm đi!

- Trên đường vào Nam, qua thành Nghệ An, đệ nghe tin Nguyễn Hoàng chết, con là Nguyễn Phước Nguyên lên kế nghiệp đã sai công tử Phước Kỳ trấn giữ Quảng Nam. Lẽ ra nếu Nguyễn Hoàng còn sống, đệ sẽ vào ngay phủ chúa ở Thuận Hoá, nhưng nay đệ đã thay đổi ý định.

- Nghĩa là hiền đệ sẽ vào thẳng Quảng Nam, chờ gặp ta ở chùa Long Hưng?

- Không, đệ sẽ đi đường vòng. Thoạt đầu, qua khỏi địa giới của chúa Trịnh, đệ sẽ đi dọc dãy Trường Sơn khảo sát hai nước của người Thượng là Xá Lợi và Lâm Ấp. Sau đó, đệ sẽ vào sâu tận cực Nam của nước Thuỷ Chân Lạp. Từ phủ Trấn Biên của Chân Lạp, đệ sẽ vòng ra Bắc theo đường cái quan ven biển qua các phủ Ninh Thuận, Diên Khánh, Hoài Nhơn của nước Chiêm Thành. Cuối cùng, đệ sẽ dừng lại ở Quảng Nam quan sát dân tình và tìm hiểu tài năng, đức độ, chí hướng của chúa Nguyễn Phước Nguyên. Nếu ông ta không đủ bản lĩnh kế tục sự nghiệp mở cõi của Nguyễn Hoàng thì đệ thà chết chứ nhất định không can dự vào chính sự.

- Hành trình Nam du của đệ xa xôi, phức tạp như vậy, liệu đến bao giờ ta mới gặp nhau ở Quảng Nam?

- Năm năm hay mười năm còn phải nhờ vào lòng trời ý phật, sư huynh ạ! Thời gian đệ đi xa rất mong sư huynh hết lòng dạy dỗ Hữu Tiến. Nó không chỉ là niềm hy vọng của dòng họ Nguyễn Hữu, mà còn là tình thương và trách nhiệm của đệ với Thục Nga, với ông Danh và thầy đồ Mậu...

 

Hữu Dư nghe hai người tâm sự ứa nước mắt cảm động, càng thêm hổ thẹn, tủi hổ. Chàng đã hiểu ra và cảm phục trước hoài bão lớn lao, dự tính chu đáo của người bạn thời thơ ấu. Mai đây thế cuộc xoay vần, biết đâu Hữu Tiến con chàng sẽ thành danh trong sử sách, xoá đi vết nhơ trong đời làm tướng cướp của chàng. Cầm lòng chẳng đặng, Hữu Dư khóc nấc lên, quỳ xuống đất vái Tuệ Năng và Duy Từ mỗi người ba lạy. Hai người vội đỡ chàng đứng dậy, hết lời an ủi. Hữu Dư ôm chặt lấy Duy Từ, nghẹn ngào nói:

- Ta như kẻ chết trôi, được sư Tuệ Năng và hiền đệ cứu vớt khỏi dòng mê đưa về bến ngộ. Sông Ngàn Sâu kia còn nước, ta còn ghi nhớ mọi lời căn dặn của hiền đệ, nguyện làm người đưa đường chỉ lối cho dân nghèo di cư vào Nam, giúp đệ mở cõi. Hiền đệ đi rồi ta sẽ chuyên tâm khẩn hoang và ăn chay, tụng kinh sám hối. Thung lũng hoang vu này sẽ thành điền trang rộng lớn, cưu mang những số phận bất hạnh, những kiếp người lang thang cơ nhỡ. Đệ hãy tin ở ta.

 

Ba người sôi nổi bàn bạc. Duy Từ sẽ đi trước, còn sư Tuệ Năng cần ở lại một thời gian thu xếp ổn định công việc nhà chùa, sẽ đưa Hữu Tiến vào Quảng Nam, đợi Duy Từ ở chùa Long Hưng. Sau này, mọi liên lạc bí mật giữa hai xứ đàng ngoài và đàng trong hoặc nhờ cậy những việc cần kíp sẽ do người tâm phúc của Duy Từ phái đến điền trang của Hữu Dư đưa tin. Mờ sáng hôm sau Duy Từ cáo biệt mọi người, hăm hở lên đường. Lúc chia tay, chàng trao lại cho sư Tuệ Năng một bọc chứa đầy những trang viết và dặn:

 

- Đệ từ ngày từ biệt sư phụ xuống núi vẫn luôn ghi nhớ những lời căn dặn của Ngài. Bao năm nay đệ miệt mài nghiên cứu binh pháp của sư phụ truyền dạy, bổ sung vào đó những điều học được trong dân gian và các bậc thức giả khắp nơi để viết ra cuốn binh thư lấy tên là “Hổ trướng khu cơ”. Đây mới chỉ là ý tưởng phác hoạ ban đầu, sẽ còn phải sửa chữa, hoàn thiện thêm rất nhiều. Nay đệ tạm nhờ sư huynh cất giữ và theo đó dạy thêm về binh pháp cho Hữu Tiến. Sự đời biến hoá khôn lường, biết đâu sau này đứa bé kia sẽ là cánh tay đắc lực, giúp đệ cùng phò minh chúa đi mở cõi vào Nam.

 

Nói xong chàng bái lạy sư Tuệ Năng, ôm chầm lấy Hữu Dư rồi lầm lũi bước nhanh trên con đường đất ướt đẫm hơi sương. Gió từ sông Ngàn Sâu thổi lộng. Sao mai lấp loá phía trời xa. Lòng chàng phơi phới niềm vui, chứa chan hy vọng. Sư Tuệ Năng nhìn theo, lầm rầm tụng kinh cầu chúc cho chàng thượng lộ bình an. Hữu Dư ôm con trai vào lòng, bồi hồi nghĩ về những kế hoạch đổi đời cho hai cha con do Duy Từ bàn bạc, sắp đặt. Hình bóng Thục Nga và làng quê Hoa Trai cùng hiện lên trong trái tim hai người đàn ông trong giờ ly biệt kẻ Bắc người Nam.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2388
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)