Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
673
116.674.410
 
Ở Nơi Chỉ Có Đá Và Đá
Minh Nguyễn

Tôi trở ra Hà Nội vào những ngày giáp đông.

Cuối thu, tưởng sẽ bắt gặp những cơn gió heo may còn sót lại, thấp thoáng bên mùi hương hoa sữa trên đường Nguyễn Du; không ngờ tôi phải hứng trọn cái lạnh rét buốt do thời tiết thay đổi đột ngột. Theo tin dự báo thời tiết phát đi từ chuyến bay sắp hạ cánh xuống phi trường Nội Bài thì, nhiệt độ bên ngoài đang là 7 độ C và đợt rét đậm rét hại sẽ kéo dài trong vòng một tuần. Chẳng hề chi, thời tiết ở miền Bắc đỏng đảnh như vậy là chuyện thường. Có như thế mới là khí hậu của miền đất Phụng Thành này chứ. Chỉ tội cho những ai mới đặt chân ra đây lần đầu, quên không mang theo đủ áo ấm, dễ bị cái lạnh xâm nhập vào cơ thể gây ra nhức đầu xổ mũi. Còn với tôi, việc trở ra Hà Nội lần này,thay vi đi Sapa trèo lên đỉnh Phăn-xi-Păng cao 3143 mét, trải nghiệm cuộc sống như đã hẹn với Mây từ lâu. Nhưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà, đêm hôm trước tôi bị cuốn hút bởi mẩu tin thời sự phát trên truyền hình “ cao nguyên đá Đồng Văn vừa được Hội Đồng Tư Vấn mạng lưới Công Viên Địa Chất Toàn Cầu (GGN) tại Lesvos – Hy Lạp công nhận là thành viên chính thức thứ 77 và là công viên địa chất thứ 2 có mặt tại Đông Nam Á “.

 

Thế là máu giang hồ vặt “ nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà “(1) lại nổi lên trong tôi.Ngay tối hôm đó,tôi lên mạng đặt vé cho chuyến bay vào sáng sớm hôm sau để kịp bay ra Hà Nội ngay.Vì trước đó,hình như trong số bạn bè ai đó đã cảnh báo tôi,“ có đi lên Đồng Văn thì đi lẹ lên,kẻo chậm chân không còn kịp trông thấy hòn đá nào ở nơi chỉ có đá và đá “?

 

Xuống phi trường Nội Bài, tôi theo xe ca về bến Quang Trung lúc trời chưa kịp sáng. Thấy còn sớm, sợ làm phiền người chị trên An Dương khi ghé đến nhà vào giờ này. Tôi xuống xe ở gần đền Quan Thánh, thả bộ đi dọc theo đường Cổ Ngư xưa, nay là đường Thanh Niên; vừa ngắm bên này là mặt hồ Tây bên kia là mặt hồ Trúc Bạch, vừa giết thời gian thay vì phải chờ trời sáng bảnh. Con đường theo nhiều người lớn tuổi kể “ là do dân ba xã quanh Hồ Tây ngày trước đắp nên “. Do đó còn lưu lại trong tâm trí họ ít nhiều hình ảnh thân thương để mà hoài niệm tới từng tiếng xe thổ mộ, gỏ đều nhịp bước lộp cộp mỗi ngày nơi quá khứ. Vô tình, tôi bị níu chân đứng lại bên cảnh sắc huy hoàng của buổi sớm mai quyến rũ qua từng con sóng nhỏ nhảy múa lăn tăn trên mặt hồ Tây.Qua đó tôi phát hiện ra khu đô thị mới Quảng Bá  hiện ra lờ mờ bên màn sương mù với những ngôi nhà cao tầng đua nhau về chiều cao,trông chẳng khác bất kỳ thành phố văn minh nào trên thế giới ?

 

Đúng lúc đó tôi đã về tới ngả ba Nghi Tàm, nơi có bức tường gốm dài thật dài, với mong muốn được ghi tên vào Guiness, nhưng bất thành. Và khu phố mới An Dương thấp thoáng sau bức tường sau cả chân đê Yên Phụ. Nơi ấy có gian phòng bỏ trống của chị Minh dành sẳn cho tôi mỗi bận ghé ra ngoài này. Tội nghiệp, căn phòng chỉ đủ kê một bàn viết cùng với chiếc giường gỗ không mấy gì chắc chắn cho nên mỗi khi ghé lưng nằm xuống dù có cố gắng thế nào cũng không tránh được tiếng kêu cọt kẹt kiểu đưa võng, dễ làm cho người nghe liên tưởng tới . . . Vì vậy, lần nào ghé đến đây tôi cũng chỉ đi có một mình; nếu không chẳng biết phải ăn nói thế nào với bà chị chưa lập gia đình?

 

Vất chiếc săm-sô-nai gửi vào phòng xong, tôi quay ra vẩy chiếc taxi phóng xuống bến Mỹ Đình,mua ngay vé đi Hà Giang. Vào mùa này,người phụ trách cho biết, không lo thiếu xe chỉ sợ không đủ khách,vì chẳng ai chịu khó chui ra khỏi đống chăn mền êm ấm đi du lịch làm chi cho khổ tấm thân. Nhờ vậy,tôi được xếp ngồi ngay cạnh bên tài xế để, thoải mái nhìn ngó ngang dọc suốt trên tuyến đường. Đoán tôi từ Sàigòn ra, tay lái trẻ “ chịu chơi “ vừa lái xe chạy trên đường quốc lộ 2 vừa với lấy chiếc dĩa CD tra vào máy.Túc thì, một chất giọng opéra mượt mà vang lên bài  “ Hà Giang quê hương tôi “.(2)

 

“ Ai về thăm quê hương tôi nơi biên cương . . . là đây

Có đường đi trên mây lên tới cổng trời

Đây Hà Giang đây Hà Giang quê chúng tôi

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Tiếng nhạc ngựa đui theo nguồn hàng

Về Yêu Biên vui chợ phiên “

 

Giọng ca của ca sĩ Trọng Tấn theo tôi vượt chặng đường khá dài lên Hà Giang. Vùng đất thuộc địa đầu cực Bắc Tổ Quốc. Nơi đây, ngoài những dãy núi đá cao lưng trời nối tiếp nhau dài vô tận, còn có những thung lũng sâu ngút ngàn bên dưới. Rồi sông suối, triền ngô xanh nõn bám chắc trên sườn núi đá,các bản làng bình yên với mùa hoa cải,mùa lúa chín vàng ươm quanh thửa ruộng bậc thang làm dậy lên thứ hương vị mùa màng khá đặc trưng của vùng cao tây Bắc.

 

Đúng khi ấy, giữa cái nắng hanh trưa, xuất hiên ngay sát dưới tầng trời một cánh đồng hoa bạt ngàn màu sắc.Thấy tôi cứ ngây người ra nhìn say mê cảnh vật thiên nhiên trước mắt. Tay lái xe không thể ngồi yên hơn nữa, lên tiếng giới thiệu và chỉ cho tôi thấy những cánh đồng tam giác mạch đang mùa trổ hoa. Qua đó tôi biết được, vào các tháng tư và tháng mười trên vùng cao tây Bắc, ngoài những thửa ruộng bậc thang vàng óng vụ mùa ra, còn có những cánh đồng tam giác mạch với sắc màu trắng-hồng-đỏ-tím lan tỏa khắp mọi rẻo núi,trông chẳng khác gì một dòng sông hoa đẹp đến mê hồn. Chẳng vì thê,đã có nhiều người cố tình lên đây để tận mắt nhìn cho thỏa thuê những cánh đồng hoa tam giác mạch đầy màu sắc,chỉ nghe nói mà chưa một lần nhìn thấy,nhưng do đi không đúng mùa đành phải quay về tay không. Theo mô tả thì,tam giác mạch có thân mềm như cỏ, cây non có thể luộc ăn thay rau,khi thành hạt đem xay lấy bột làm bánh. Vì cùng là họ lúa,có hoa dạng kim tự tháp với các mặt bên đều tam giác nên người dưới xuôi gọi chúng là tam giác mạch. Còn đồng bào người Mông ở Hà Giang, bà con gọi là cây Chêz. Cây chỉ sống trong khoảng thời gian một tháng thì tàn lụi.

 

Theo truyền thuyết “ ngày xửa ngày xưa có hai nàng tiên gạo và tiên ngô xuống hạ giới đi gieo hạt.Khi xong việc,còn thừa lại những mày gạo mày ngô,không biết đổ đi đâu.Nhác trông thấy các khe núi tương đối kín đáo,tiện tay đổ hết vào đó. Vào năm mất mùa,vụ sau chưa kịp tới,ngô-lúa trong bản đã cạn.Cái đói coi như cầm chắc nếu không tìm ra lương thực thay thế.Người người phải chia nhau đi các nơi tìm kiếm cái ăn. Thoảng đâu trong gió có một mùi hương lạ giống như mùa màng đưa tới.Mọi người theo đó tìm đến các khe núi,ngỡ ngàng đứng trước một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi này sang đến núi bên kia.Nhìn kỷ thấy những chiếc hạt nấp dưới những chiếc hoa đầy màu sắc. Mọi người hái đem về nhà nấu ăn thấy thơm mùi lúa gạo.Nhờ có thứ để ăn thay cho cơm nên năm đó người dân trong các bản đã tránh được nạn đói kinh khiếp “.

 

Ngày nay, tuy nhờ có khoa học kỷ thuật áp dụng trong việc gieo trồng,giúp đồng bào không những đủ ăn mà còn thừa lương thực để dành, nhưng người ta vẫn không quên trồng thêm cây tam giác mạch quanh vườn nhà. Sản lượng thu hoạch mặc dù không cao bằng ngô lúa,song vẫn cứ trồng nó để có bột làm bánh,có cái để nấu rượu, hay làm thức ăn nuôi gia súc.

 

Xế trưa xe về đến Hà Giang. Nghe lời tay lái xe, tôi đón xe đi tiếp lên cổng trời Quản Bạ, cách đó chưa đầy năm chục cây số. Lúc mua vé,nhìn thấy tấm bảng ghi xe chở 24 chỗ, nhưng khi ngồi trên xe đếm được gần 70 chục mạng già trẻ lớn bé. Đông nhất vẫn là các cô cậu học trò trên đường về thăm nhà vào dịp cuối tuần. Mới đầu còn cảm thấy chật chội,nhưng tới khi xe chạy được một lúc,bầu không khi trên xe trở nên thân thiện thấy rõ. Vì từ chủ xe,tài xế,phụ xe,hành khách,ai nấy đều vui vẻ chuyện trò rôm rả.Nói không ngoa,có người ngồi cạnh rất nhiệt tình,cố mời khách lạ đến nhà ăn bữa cơm tối. Nhờ ngồi ở hàng ghế đầu,cạnh lái xe,tôi thấy tấm bảng chỉ quốc lộ 279 đi Lào Cai. Tôi chợt nhớ tới cái hẹn với Mây.Nhớ nụ cười lóe sáng ở hai chiếc răng vàng được làm bởi khách du lịch người Trung Quốc.Tôi không biết giờ này Mây đang đi làm hướng dẩn “ tua “ hay đang ở nhà nơi bản Cát Cát đắp chăn,đốt lửa sưởi ấm cho đàn súc chống chọi qua cái rét dưới không độ C? Định bụng sẽ gọi điện thoại cho Mây hỏi xem cô có thể sang Hà Giang đi chơi cao nguyên đá Đồng Văn một chuyến hay không, nhưng sao thấy ngại quá nên cứ để nỗi nhớ thấm vào tim vào máu. Bất ngờ, tôi nhìn thấy cứ đến mỗi điểm giáp ranh giữa hai huyện, người ta cho đặt một trụ bê-tông hình khối tam giác cao ngang tầm vai.

 

Mặt đi ghi :

Quản Bạ kinh chào quí khách.

Welcom to Quản Bạ

Mặt về :

Chúc may mắn - Hẹn gặp lại

Good luck – Soon see you again.

 

Từ chối những lời mời mọc chân tình của bà con đi cùng. Xuống xe, tôi thuê chỗ trọ qua đêm ở khu nhà chờ hình bát giác có tên Quản Bạ, rộng hơn 2 ha với đầy đủ các dịch vụ ăn uống,vui chơi. Sáng ra, thay vì tập thể dục như mọi hôm, tôi leo gần một trăm bậc thang lên trên tầng thượng, cưỡi gió, ngắm trần gian qua thị trấn Tam Sơn. Nơi được ví von là “ Đà Lạt “ của Hà Giang. Một nơi rất phù hợp với việc trồng chuyên canh các loại rau, hoa, củ, quả và nhất là trồng lúa nương trên các thửa ruộng hình bậc thang. Đặc biệt, ngay giữa nơi cánh đồng trước mặt,bất ngờ thấy nổi lên hai trái núi có hình dáng hai quả đào tiên tròn nhẵn nhìn mơn mởn. Tương truyền,ngày xửa ngày xưa trên vùng đất này có chàng trai H ’ Mông thổi đàn môi rất hay. Tiếng đàn của chàng đã khiến cho nàng tiên trên thượng giới phải lòng,trốn xuống trần gian đi tìm chàng. Gặp nhau,hai người bén duyên nên vợ nên chồng rồi hạ sinh được một cậu con trai. Biết chuyện,Ngọc Hoàng giận dữ,sai người xuống trần gian bắt người vợ về trị tội. Nàng than khóc,cầu xin được ở lại trần gian nuôi con thơ dại nhưng không được. Thương chồng đơn thân, lại thiếu bầu sữa mẹ, nàng quyết định bỏ lại đôi nhũ hoa nơi trần thế cho chồng nuôi con.

 

Rời cổng trời Quản Bạ, tay xe ôm người địa phương chở tôi đi theo đường 4 C lên Đồng Văn. Đi được hơn chục cây số lên tới đèo Sà Phìn, tay lái xe lịch sự dừng lại bên đường cho tôi có thời gian chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp nơi cơ ngơi của vua Mèo “ Vương Chính Đức và con trai Vương Chí Sình “ nằm ngay dưới thung lũng, vững chắc như một pháo đài. Đây là công trình độc đáo gồm 4 dãy nhà ngang,6 dãy nhà dọc; kết cấu 2 tầng với 64 buồng chia làm tiền đình, trung đình, hậu đình. Cả khu dinh thự hầu như được xây dựng biệt lập trên một quả đồi có hình mai rùa. Tường được trình bằng đất sét, móng lót đá, mái trong lợp ngói máng, hiên ngoài lợp ngói ống. Tất cả cột,kèo,sàn đều làm bằng gỗ nghiến hoặc bằng đá, chạm khắc cầu kỳ và tinh xảo bởi các nghệ nhân thuê mướn từ nhiều nơi.

 

 

Cũng theo tay lái xe, nếu không vội đi Đồng Văn thì, từ đây đi tiếp lên Lũng Cú cũng rất tiện đường. Chả là Lũng Cú được coi là đỉnh điểm cao nhất nước, nằm ở địa đầu cực Bắc tổ quốc. Nổi tiếng với chè Shan tuyết, rượu mật ong, đào phai, hoa lê, tuyết trắng vào mùa xuân; ngoài ra, nơi đây có con đường gồm 560 bậc thang leo lên đỉnh núi Rồng, ngắm cột cờ hình trụ tám mặt,cao 33 mét 15,ốp đá Granit, kết hợp gắn 8 biểu tượng khắc mặt hình trống đồng, riêng chân cột cũng được gắn 8 phù điêu bằng đá xanh. Thoạt trông rất giống với cột cờ Hà Nội,vừa mới xây dựng lại và khánh thành cuối tháng 9 năm 2010.

 

Từ Yên Minh tới ngã 3 Phó Bảng,tôi chạm mặt ngay con đường đèo vắt vẻo lưng chừng trời,ôm trọn lấy thung lũng có tên Sủng Là bên dưới. Nơi được giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp đánh giá là cảnh đẹp nhất Đồng Văn. Bởi,Sủng Là không chỉ nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô màu xám xịt mà;còn có những cánh đồng  tam giác mạch trổ đầy hoa tím-hồng-đỏ chen lẫn màu hoa cải vàng trồng trên đồi đất cao,tiếp sau mới đến ngô-lúa và những ngôi nhà trình tường của người Mông thấp thoáng sau bờ rào đá,đẹp như một tác phẩm nghệ thuật được bàn tay tạo hóa sắp đăt. Chẳng vì thế mà đoàn làm phim “ chuyện của Pao “,dựa theo truyện ngắn “ Tiếng đàn môi sau bờ rào đá “ (3),đã phải cất công đi lục lạo nhiều ngày trên khắp Hà Giang, mới chọn ra được nơi này dùng làm bối cảnh để quay bộ phim.

 

Đến rồi ! Từ xa đập vào mắt tôi hai hàng chữ trắng được gắn trên dàn giáo thép dựng ngang sườn ngọn núi.

 

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn

Đồng Văn karst Plateau Geopark.

 

Tới Đồng Văn tôi như lạc vào thế giới khác.Thế giới của bạt ngàn đá và đá. Đá không biết từ đâu ra. Đá ở trước mặt.Đá ở sau lưng. Đá trên đầu. Đá dưới chân. Đá ở bên trái. Đá ở bên phải. Đá nhiều đến nổi các nhà địa chất giải thích là do quá trình biến động địa chất tạo ra những quần thể núi đá chập chừng. Đá tạo ra nhiều hình thù lạ lẫm, nhiều hang động kỳ bí. Chính vì vậy, muốn tìm ra một mảng xanh ngô lúa như dưới đồng bằng, quả thật vô cùng xa xỉ đối với nơi này. Cho nên việc canh tác của đồng bào trên cao nguyên cằn cỗi thiếu đất, thiếu nước; phải gùi từng bình nước,nắm đất mang thả vào các kẻ đá rồi mới tra vào đấy từng hạt ngô để tạo ra cái ăn,bất kể những mảnh đá sắc nhọn hơn dao lẫn trong đất,cứa chân người đến rướm máu. Có tận mắt chứng kiến những vạt ngô hay những thửa ruộng bậc thang to không hơn chiếc chiếu,nằm chen nhau giữa những vách đá xám ngoắt,mới thấy hết sự vất vả và kiên cường của đồng bào trên vùng đất khắc nghiệt này. Song,dù có khó khăn thế mấy đi nữa người dân ở nơi thừa đá,thiếu đất,thiếu nước vẫn luôn có sự kiên trì và sáng tạo riêng để sinh tồn.Cho nên có không ít người từ nơi khác đến đây,khi đứng trước những hoang mạc chỉ thấy đá và đá.Khẳng định “ không thể nào làm đường lên cao nguyên toàn đá với đá được “.Thế nhưng điều không thể đã trở thành có thê với một cung đường Hạnh Phúc đã được hình thành.Cung đường huyền thoại,trữ tình được ví như đi trên mây trắng bồng bềnh đầy hư ảo và thật sự quyên rũ bởi những dốc đèo hiểm trở với vực sâu thăm thẳm.Cung đường duy nhất xuyên suốt bốn huyện Hà Giang,Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạt.Cung đường đầy trắc trở lẫn nguy hiểm,được xây dựng ròng rã trong 6 năm liền,với 2 triệu 2 ngày công của 1.200 dân công cùng 1000 thanh niên xung phong, thuộc 16 dân tộc anh em ở 8 tỉnh miền Bắc.

 

Ôm theo một vòng cua rất điệu nghệ, tay lái xe chỉ cho tôi thấy cái thị trấn thâm trầm cổ kính nằm lọt thỏm giữa bốn bề vách đá dựng đứng. Cũng theo người này, khu phố cổ Đồng Văn xếp hình vòng cung và chạy lùi vào tới ngôi chợ cổ nằm dưới chân núi Đồn Cao.

 

Khu phố cổ Đồng Văn mà tôi đặt chân tới gồm nhiều ngôi nhà trình tường.Có nhà được xây thành 2 tầng,lợp ngói âm dương,cầu thang gỗ nghiến. Đi giữa lòng phố cổ, tôi có cảm giác như đi ngược thời gian, trở về ba – bốn trăm năm trước, do mọi cái đều đã ngã màu thời gian đến vàng ố. Ấn tượng nhất vẫn là các đêm 14-15 âm lịch,nhà nhà đều thắp lên đèn lồng đỏ làm nhớ tới những đêm tổ chức lễ hội ở phố cổ Hội An.Thì ra,bên vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường rêu phong cổ kính,bà con người dân tộc hàng trăm năm qua vẫn giữ được nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng,dù mở mắt ra chỉ trông thấy đá và đá.

 

Học theo cách những người từng ghé qua nơi đây từ trước.Tôi thuê chỗ trọ trên gian lầu đối diện ngôi chợ để,sáng ra chỉ cần nghe tiếng khua dao động thớt hay tiếng í a í ới gọi nhau bán hàng là,chạy ngay ra ngoài hàng hiên,trông lên các rẻo cao hoặc nhìn bên các triền núi;chứng kiến cảnh đồng bào dắt bò, ngựa,chó, mèo hoặc gùi sau lưng ngô, cải, đậu xuống dự phiên chợ chủ nhật, họp mỗi tuần một lần vào buổi sáng.Tới trưa chợ tan, bất kể đàn ông,đàn bà,thanh niên nam nữ kéo nhau vào ngồi bên các hàng quán đỏ lửa,bốc mùi béo ngậy từ thịt.Uống vài chén rượu ngô thơm mùi thảo quả,ăn thịt nướng cùng thắng cố thập cẩm nấu bằng nội tạng bò,ngưa.Và rít chung một khẩu “ ba-dô-ca “ vài bi thuốc lào,kêu nghe ro ro sướng cái đời cơ cực.

 

Tắm táp qua loa, tôi đi ngay ra phố ăn uống, bởi hàng quán thường đóng cửa rất sớm vì vắng khách,tiện thể “ ngó “ xem thanh niên nam nữ vùng sơn cước sinh hoạt về đêm có gì khác biệt so với dưới xuôi.

 

Mới chập tối, cả thị trấn hầu như chìm đắm trong sự hoang vắng vốn có của xứ lạnh, mặc dù đêm nay cuối tuần. Do khéo dò hỏi, tôi biết quán cà phê Phố cổ nằm xa nơi tôi trọ chỉ vài bước chân. Quán cà phê còn được gọi “ nhà ba cổng “ vì đây là nhà của trưởng tộc họ Lương, từng có thời gian là trụ sở cơ quan nhà nước, mới được một doanh nghiệp thuê lại rồi, chỉnh trang thành quán cà phê có chơi nhạc sống.

 

Với không ít sự tò mò,tôi leo từng bậc thang gỗ lên trên tầng hai,nơi có treo nhiều đèn lồng đỏ phía trước cửa. Và,khi bước vào bên trong quán,tôi bất ngờ nhận ra tất cả những tấm thảm dành cho khách ngời, đặt ngay trên sàn gỗ đều kín chỗ. Thấy tôi đứng lóng ngóng kiếm tìm, cô phục vụ mặc váy hoa xòe nhanh nhẩu bước tới, hướng dẫn tôi đến ngồi chung bàn với một ông khách lạ. Dưới ánh đèn dầu chỉ đủ soi rõ một phần khuôn mặt người đối diện, tôi chào ông ta bằng cái gật đầu làm quen theo phép lịch sự. Người đàn ông, tôi đoán không còn trẻ do chiếc đầu hói bóng, mọc khiêm tốn một ít tóc muối tiêu, được cột túm lại thành chiếc đuôi sau gáy. Ông ta có thể là văn nghệ sĩ hay có máu văn nghệ cũng nên, bởi lúc trên sân khấu đôi trai gái múa khèn ca hát thì,dưới bàn ông ta cũng lim dim hai mắt hát theo một cách say mê.Ngưỡng mộ giọng hát thì không,song tôi lại thích nhìn cái dáng vẻ mang đậm chất nghệ sĩ của ông ta nhiều hơn. Thấy tôi chú ý, người đàn ông cười, chỉ tay về phía hai diễn viên đang biểu diễn trên sân khấu giới thiệu “ họ là học sinh trường nội trú gần đây, con em người dân tộc cả đấy. Mỗi tuần hai tối, thứ bảy và chủ nhật, họ được mời tới đây hát phục vụ khách du lịch. Nhờ vậy có tiền ăn học và dành ra chút ít gửi về giúp đở gia đình “.Tôi gật đầu tỏ ra hiểu biết và đồng cảm với bài hát ca ngợi tục lệ “ cướp vợ “ do các bạn trẻ đang biểu diễn:

 

“ Người H’Mông uống rượu ngô ăn thắng cố

Xòe váy hoa chọi họa mi,phóng . . .

Ngựa mang em yêu lên núi

Tục lệ trai người Mông

Cướp em yêu mang trên ngựa cưới vợ “  (4)

 

Khuya.Tôi lần từng bậc thang quay về chỗ trọ trong cái lạnh căm căm phát ra từ đá và núi đá vây quanh. Sáng,anh xe ôm đập cửa phòng, hối tôi sớm lên đường cho kịp theo nhóm đi “ phượt “ từ Hà Nội lên. Vốn không quen ngủ ở chỗ lạ,tôi thức dậy từ rất sớm nên vừa nghe tiếng gọi cửa,tôi vội vàng khoác thêm chiếc áo ấm cho chắc ăn, vì nghe đâu trên đỉnh Mã Pí Lèng hay còn gọi “đỉnh trời ” mây mù, gió núi lạnh thấu xương.

 

Phượt! Lần đầu tiên tôi nghe đến cái từ ngộ nghĩnh này. Chẳng rõ đây là danh từ hay động từ nữa. Hỏi tay lái xe chỉ được giải thích đại khái: ” là dân đi du lịch bụi với một nhóm nhỏ bằng xe máy. Đặc điểm của mỗi chuyến đi phượt là, người tham dự tự lo liệu lấy chỗ ăn, chỗ ngủ mà không cần đến người hướng dẩn. Từ đó,nếm trải từng cảm giác lạ lẫm lẫn thú vì được lang thang, khám phá mọi ngỏ ngách ở nơi mình đặt chân đến, không lo bị bất kỳ ai gây phiền hà “.

 

Lên đường. Ngồi vào sau xe, tôi thoải mái quan sát suốt tuyến đường đi qua. Có lúc thấy xe chạy trên đoạn đường hoang vu xám xịt đá tai mèo. Có lúc thấy chui dưới từng đám mây trắng chắn ngang lối đi làm mất hút bóng người phía trước. Có khi giựt thót cả tim khi nhìn một bên là vách đá đứng dựng,một bên là vực sâu thăm thẳm. Tôi thầm nghĩ “ nếu không phải là tay lái cứng cựa, chưa chắc có ai dám liều lĩnh vượt qua đỉnh đèo Mã Pí Lèng, đi chơi chợ tình Khau Vai hay đi thẳng lên Mèo Vạt uống rượu ngô, nhắm với món thịt bò khô“ đặc  sản. Có lẽ,nhờ vậy cung đường đèo tuy chỉ dài gần hai mươi cây số so với con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc ( dài non 200 cây số ), xem ra chẳng nhằm nhò gì, nhưng được cái nổi tiếng không chỉ là “ đệ nhất đèo “ mà còn được coi là nguy hiểm nhất nước. Thực vậy, có vượt qua cung đường đèo có độ dốc khá lớn lại, tạo ra nhiều chỗ quanh gấp khúc ở độ cao gần 2000 mét so với mặt biển, mới thấy hết vẻ đẹp trử tình, hùng vĩ của vùng núi biên viễn cực Bắc tổ quốc. Than ôi ! Không hiểu sao vẫn có không ít người “ sính ngoại “ thường khoe khoang đã đi hết nước này tới nước nọ,nhưng hỏi lên tây Bắc chưa thì,họ nghệch mặt ra chứng tỏ chua hề biết nó nằm ở đâu trên bản đồ đất nước.

 

Chạy hơn chục cây số,toán dân đi phượt ghé lại trạm dừng chân ngay trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng ăn uống,nghỉ ngơi,chuyên trò,chụp ảnh giữa bạt ngàn mây gió và lô nhô những rừng đá tai mèo nhọn sắc có mặt khắp nơi. Không kềm chế được sự xúc động lẫn kinh ngạc, ai nấy trầm trồ,xuýt xoa  khen lấy khen để cảnh sắc đẹp tuyệt vời do bàn tay tạo hóa bày ra mà quên đi sự có mặt của tấm bia đá đặt gần đó tự bao giờ. Trên mặt đá thấy ghi ngày tháng,công lao cùng với những sự kiện của việc mở đường xây dựng nên con đường Hạnh Phúc lịch sử này.

 

Theo lời người hướng dẩn du lịch đang tác nghiệp gần đó ” trước những năm 1960 người dân sống quanh đây không có khái niệm về con đường. Để vượt qua Mã Pí Lèng họ phải đóng cọc trên vách đá, treo người bằng dây, bò qua dốc chín khoanh lởm chởm đá tai mèo dựng đứng, nhìn hun hút sâu bên dưới. Đặc biệt, nơi này từng là chỗ vua Mèo treo người lên cột cho đến chết, đối với những ai không phục mình “.Hóa ra, tôi chợt hiểu có lẽ nhờ kinh nghiệm tích lũy từ cách di chuyển của đồng bào dân tộc địa phương,Đội Cơ dũng ( đội cảm tử được tuyển từ những người dũng cảm ) khi đi xây dựng cung đường đèo Mã Pí Lèng cũng áp dụng lối treo mình trên vách đá ròng rã trong suốt 11 tháng trời trên dây chảo, đục đẽo, cắm xà beng, đặt cốt mìn phá đá,ăn uống, lấn từng centimét mở đường đi tới. Đáng ngưỡng mộ hơn hết,phải kể đến tinh thần quả cảm,dám hy sinh thân mình cho sự nghiệp mở đường của những thanh niên xung phong được chọn lựa kỷ lưởng và có tay nghề cao.Điều này,cho đến hôm nay,nếu mang ra kể lại những giây phút kinh hoàng trong việc mở ra con đường giữa muôn trùng đá với đá,chỉ bằng sự lao động hoàn toàn bằng thủ công; ắt hẳn con cháu chúng ta sẽ cho rằng điều đó chỉ xảy ra trong thần thoại ?

 

Ghé lại bên bao lơn dành cho người đứng ngoạn cảnh,tôi bất ngờ chứng kiến ngay dưới chân cơ man đá tai mèo mọc tua tủa,bên cạnh một vách núi khá cao cùng với một hẻm vực khá sâu,xẻ đôi khoảng trời ra bên này là đỉnh Mã Pí Lèng bên kia là Sam Pun có con dốc ngược lên cao tạo thành vết nứt nhỏ trên bầu trời.Từ đó hé lộ con sông Nho Quế mỏng manh,nguệch-ngoạc như một nét bút chì vẻ giữa muôn trùng xám xanh màu đá.Nghe đâu,để đi từ trên đỉnh xuống tới bên dưới dòng sông phải mất cả ngày đường vất vả.

 

Rời đỉnh đèo Mã Pí Lèng, dân phượt kéo nhau chạy tiếp sang Mèo Vạt. Đây là huyện núi đá xa nhất tỉnh Hà Giang và nằm ở cuối đường Hạnh Phúc. Là nơi mà núi đá tai mèo chiếm gần hết diện tích đất tự nhiên nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc trông trọt. Nhưng cũng chính từ sự khắc nghiệt ấy đã tạo nên những con người cần cù,nhẫn nại,chịu thương chịu khó. Bù lại,thiên nhiên cũng ưu đãi cho Mèo Vạt những dãy núi đá tai mèo hoang sơ,đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, hồ nước treo Tả Lung ngoạn mục,cho đến chợ tình Khau Vai mỗi năm chỉ họp một ngày duy nhất.Thiết nghĩ,với chừng đó cảnh quan thiên nhiên đẹp trên cả tuyệt vời, hẳn sẽ là lợi thế vô cùng to lớn dành cho việc phát triển ngành công nghiệp không khói nơi này.

 

Bất ngờ, thời gian dành cho chuyến đi Hà Giang thăm cao nguyên đá Đồng Văn đến đây chưa thật trọn vẹn; bỗng dưng bị dừng lại ở giai đoạn cuối, vì qua mạng điện thoại di động tôi vừa được báo cho biết “ về gấp,có công tác mới đang chờ ở nhà “.

 

Về ! Tiếc thay, bây giờ chưa phải là tháng 3 âm lịch nên tôi không thể đợi đến ngày 27 để cùng mọi người chen chân đi chơi chợ Phong Lưu hay ngày nay được gọi là chợ tình Khau Vai, mỗi năm chỉ đón khách duy nhất một ngày. Vào thời gian đó, không chỉ có những kẻ yêu nhau không nên duyên phận,mới được dịp tái ngộ cùng nhau trong màn nước mắt. Mà còn phải kể đến nhiều người từ nhiều nơi ghé về đây để, được tha hồ uống rượu, ca hát, chuyện trò, mua bán, ăn uống, vui chơi. . . rồi sáng hôm sau, ai trở về nhà nấy, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, hẹn đến năm sau sẽ hát chung điệu nhạc :

 

“ Chàng ơi xuống núi cùng em

Hãy mang theo ngựa và đi một mình

Em đây trông cũng còn xinh

Có ô che nắng,chợ tình Phong Lưu “ .(5)

 

 

 

(1)     Thơ Phạm Hữu Quang

(2)     Chưa biết tác giả

(3)     Nhà văn Đỗ Bích Thúy

(4)     Nhạc Ngũ Cung

(5)     Chưa biết tác giả

 

Minh Nguyễn
Số lần đọc: 3158
Ngày đăng: 24.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước Của Trời - Từ Nguyên Thạch
Gặp Lại Kịch Tác Gia Hoàng Như Mai Ở Tuổi 93. - Thế Phong
Hồi ức Giọt lệ đi xa - Trần Trung Sáng
Con kinh của tôi - Vĩnh Thông
Quà sinh nhật cho người cha đi xa - Lâm Bích Thủy
Cuộc Tranh Luận Văn Nghệ Giữa Sáu Nhà Văn Pháp Hiện Đại - Trần Thiện Đạo
Mảnh vụn ký ức về Trần Phong Giao - Lữ Quỳnh
Nhớ Mai Thảo - Nguyễn Xuân Hoàng
Kỉ niệm một chuyến đi với Hà Ân - Nguyễn Hiếu
Giữ đất - Huỳnh Kim