Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
619
116.723.308

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Có “một phần đời trong chiến tranh” (*)
Nhà văn Trần Kỳ Trung lại vừa cho ra mắt cuốn sách thứ 7 của anh trong đúng 7 năm qua: Tiểu thuyết "Một phần đời trong chiến tranh". Cùng với thành công ở nhiều kịch bản phim truyền hình, sách thiếu nhi, truyện ngắn và những bài báo..., nhà văn phố cổ này đang “dấn một bước nữa” sang tiểu thuyết và cho thấy anh có khả năng tổ chức... “đánh cướp ngân hàng”, như cách nói của các nhà lý luận văn học!

Không gian tiểu thuyết là con đường Trường Sơn gian khổ trong chiến tranh với những bãi khách, binh trạm, trạm xá quân y tiền phương. Ở đó, các nhân vật chính là những người trẻ tuổi từ miền Bắc vừa tốt nghiệp một khóa đào tạo trung cấp y tế - với những lý lịch khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, suy nghĩ khác nhau về tương lai và chiến tranh - vào tăng viện cho chiến trường miền Nam. Một anh Thắng không vào đại học được vì lý lịch có vấn đề; một cô Liên con chủ tịch huyện tuyệt vọng vì người yêu, một cô Mai con gia đình cách mạng nòi, một anh Tiến yếu đuối và sợ súng đạn đã từng nhịn ăn để sụt cân và trốn tránh nghĩa vụ, một bác sĩ Tín tham lam và gian trá, một trinh sát Thăng có học, dũng cảm nhưng tâm thần vì không chịu nỗi sự tàn khốc của cuộc chiến... Tất cả những con người ấy mỗi lúc một bộc lộ tính cách của mình khi đối diện với gian khổ và cái chết rình rập. Có người đã chứng tỏ phẩm chất cao đẹp của mình, nhưng cũng có kẻ đớn hèn, nông nổi với các toan tính mưu cầu lợi lộc cá nhân, đào ngũ, tự tử...

“Phía bên kia” còn có anh lao công đào binh giác ngộ, vợ con những người lính ngụy tội nghiệp và vô can, tay xã trưởng ác ôn, những tên lính Mỹ vô nhân tính... Nhưng trên tất cả những mô tả, ngòi bút Trần Kỳ Trung đã lôi cuốn người đọc khi thể hiện nhuần nhuyễn sự va chạm của những tính cách ấy trong một logic không cường điệu, không áp đặt người đọc phải ghét, thương... Người viết không “chen ngang” tình cảm của mình vào câu chuyện, mà để cho bản thân mỗi nhân vật tự bộc lộ chính họ...

Trong quá trình phát triển các tính cách, tác giả đã “cài” được những chi tiết rất thật để mô tả sự ác liệt của cuộc chiến. Những cô hộ lý bệnh xá bị giặc hãm hiếp trước khi giết. Chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện gởi gắm con mình để không phải đi B. Một đôi tình nhân tìm cách trốn đoàn để quay lại miền Bắc. Một trạm xá trưởng lạnh lùng chuyển các thương binh nặng lên tuyến trên để tránh trách nhiệm, tham ô thuốc bổ của bệnh binh để dùng riêng và đầu hàng giặc. Những người giả điên để lùi lại tuyến sau. Một thằng đi ở lười nhác trở thành đội trưởng đấu tố trong cải cách ruộng đất để trả thù chủ. Chuyện đi mót khoai trên đồng hợp tác phải có phép của chủ nhiệm.... Tất cả những chi tiết ấy càng làm cho sự khốc liệt của chiến tranh tăng lên nhiều lần, chiến tranh không chỉ có - mặc dù là đa số - những con người gan dạ, liều chết quên thân...

Trần Kỳ Trung nói: “Trước đây, tôi chỉ viết về chiến tranh theo lối một chiều theo kiểu “ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi”. Thật sự không chỉ vậy, con người trong chiến tranh luôn đối diện với cái chết, thậm chí mỗi người phải đối diện và chiến thắng với những nỗi sợ hãi, bi lụy của chính mình và đôi khi phải biết tha thứ (hoặc chịu đựng) trước những toan tính nông cạn của những người xung quanh... Nhìn lại những con người đó sau khi cuộc chiến đã lùi xa vào quá khứ đến ba chục năm còn là để thấy chiến thắng càng vĩ đại và hòa bình là hết sức vô giá, phải biết giữ gìn...”.

Nhà văn Xô Viết Inonax Avijux định nghĩa: “Tiểu thuyết là cuốn sách miêu tả một giai đoạn lịch sử thông qua sự va chạm của một số tính cách”. Sự va chạm càng khốc liệt, càng chứng tỏ giai đoạn lịch sử được nhà văn mô tả càng có ý nghĩa thức tỉnh và cần được tiếp tục suy nghiệm. Trên suy tưởng đó, có thể nói "Một phần đời trong chiến tranh" của Trần Kỳ Trung là một nỗ lực đáng ghi nhận nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm giải phóng.

* Một phần đời trong chiến tranh, tiểu thuyết Trần Kỳ Trung, NXB Hội Nhà văn.

Trương Điện Thắng - Theo Thanh niên Online
Tin tức khác