Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
948
116.653.745
 
Con Rồng
Nguyễn Đình Bổn

Mưa suốt ngày đêm. Bà tôi làm dấu thánh theo thói quen của Người. Không nhìn thấy những dãy núi điệp trùng. Không nhìn thấy cả hòn núi Chúa gần nhất. Trời thấp, âm u như một cái lò than bỏ hoang. Lạy Chúa lòng lành! Rất may là không có bão. Nhưng dòng sông nhỏ hiền lành đã trở thành mênh mông và sôi sục. Nước dâng lên, dâng lên mãi.

 

Không ai trong làng có can đảm ra nhìn dòng lũ tràn về nhưng mọi người đều cảm nhận một mối nguy đang tăng dần. Có thể nghe tiếng nước réo từ phía Ghềnh Sét ầm ầm vọng đến.

 

Mọi người đều lo lắng nhìn ra bầu trời mịt mùng. Những nét mặt đăm chiêu dõi theo từng bong bóng vỡ trên sân. Mưa đều đều, chậm rãi. Cả trời đất như nhòa đi, chìm lắng trong cái âm điệu buồn bã ấy. Không có một dấu hiệu nào cho thấy trời sẽ tạnh trong những ngày tới.

 

Lo lắng nhất phải kể là những người quá nghèo, những người khố rách áo ôm, những kẻ không có miếng đất cấm dùi phải làm thuê làm mướn cho những nhà khá giả. Mưa lụt thế này thì làm gì có được việc làm, dù là việc làm để đổi lấy một bữa cơm ăn với muối trắng?

 

Và trong khi nhà giàu đóng cổng, khép cửa, cời lò than hồng sưởi ấm, rót ly rượu quí sủi tăm, nhai đậu phộng rang thơm miệng, trùm mền tán với nhau đủ mọi chuyện trên đời thì những người nghèo ấy run rẩy trong những tấm áo tơi bằng lá, khép nép đến cửa sau những ngôi nhà to lớn, nhỏ nước mắt năn nỉ vay từng lon gạo. Và may mắn thì được ngày hai lần cả nhà xì xụp xúm quanh một nồi cháo loãng bởi lượng nước gấp nhiều lần lượng gạo.

 

Đúng thời điểm ấy bỗng có một tin đồn lan nhanh trong làng. Một tin đồn có sức mạnh dựng dậy tất cả mọi người, dù là người trong chăn ấm hay kẻ ở ổ rơm: “Dưới chân Ghềnh Sét có một con rồng hiện lên và đang vùng vẫy, phun nước ầm ầm. Nguy to rồi. Không chừng cả làng sẽ trở thành biển nước mất!”

 

Một con rồng? Trời đất quỷ thần ơi? Con rồng thì ngay đứa trẻ lên ba cũng nghe nói nhưng có ai đã từng thấy nó bao giờ? Thế mà nay nó lại xuất hiện ngay cái làng hẻo lánh này để làm lụt lội. Trời hại dân làng rồi!

 

Người ta lao xao, người ta bàn tán, người ta run sợ. Người đạo Kytô làm dấu thánh và cầu nguyện trước tượng Đức Bà. Người đạo Phật thắp hương trên bàn thờ và lần chuỗi bồ đề.

 

Nhưng ai thấy nó đầu tiên? Ai dám ra tận Ghềnh Sét trong lúc nước lũ tràn về để chứng kiến cái con vật linh thiêng huyền thoại ấy? Lão Khói! Đúng vậy. Không ai khác hơn cái lão già lầm lì ấy. Lão ta chuyên nghề câu cá , một lão già kỳ cục, không một lần lấy vợ và rất là chí hiếu, bởi lão còn mẹ. Một bà cụ dễ chừng đến trăm tuổi. Không ai nuôi mẹ kỹ lưỡng bằng lão. Sinh sống bằng nghề câu nhưng con cá ngon nhất trong ngày bao giờ lão cũng dành cho bà cụ. Trong làng, không ai không biết chuyện có lần lão nhất định không bán cho ông xã con cá lấu lớn nhất, dù ông đã trả một giá rất hời, gấp cả chục lần giá trị con cá ấy, bởi vì theo lão, mẹ lão rất thích món cháo cá lấu!

 

Không một ai có thể qua mặt lão trong nghề câu. Và với kinh nghiệm già đời của mình, mùa nước lụt lại là mùa lão vớ bở nhất. Những giống cá lớn, thịt ngon theo cơn lũ từ thượng nguồn đổ về. Và nếu không câu chúng trong những ngày như vậy thì chúng cũng ra đi theo cơn lũ. Bởi vậy lão đã mạo hiểm ra Ghềnh Sét, nơi có những gộp đá lớn bị trời đánh hằng năm. Nhưng chưa kịp thả câu thì lão thấy Ngài – lão gọi như vậy – và ba chân bốn cẳng lập cập chạy về…

 

Sau một hồi bàn tán, người tin, kẻ không, hầu như cả dân làng đều đội mưa ra đi, trừ đàn bà và trẻ con, các vị chức sắc bảo vậy. Trẻ con thì còn quá nhỏ còn đàn bà thì nhẹ bóng vía, lại không được thanh sạch, ra đó lỡ Ngài (họ cũng kính cẩn gọi như lão Khói) không vừa lòng thì khốn cho cả làng!

 

Mưa vẫn đều đều, chậm rãi. Cây lá rũ xuống, lặng câm, thỉnh thoảng mới rùng mình trút xuống những giọt nước nặng trĩu khi bị đoàn người chạm vào.

Đi đầu là những trai tráng, những người thợ săn. Họ có sẵn một sức lực dồi dào và một trí tò mò đầy háo hức của tuổi trẻ. Tiếp theo là các vị trung niên rồi mới đến các bô lão trong làng.

 

Còn cách Ghềnh Sét độ vài trăm bước chân họ phải dừng lại, không thể nào tiến thêm được nữa. Cả một bãi sông rộng trước kia không còn. Lũ đã tràn lên, đập vào vách đá thành những vực xoáy ghê người. Nước cuồn cuộn đuổi nhau, cuốn tròn. Củi mục, cây tươi bị trốc gốc, rác rến xoắn vào nhau cùng bị nhận chìm xuống rồi lại lao lên đi vun vút.

 

- Đấy, đấy. Nó… Ngài đấy! Chợt có tiếng thanh niên la lên ở toán đi đầu.

 

- Đâu? Đâu, Ngài đâu? Mọi kẻ có mặt đều quên hết mưa trên trời và nước dưới chân để nhào lại phía có tiếng la vừa rồi.

 

Và… Hiện ra trước mặt họ, dưới nền trời đục, ẩn hiện sau làn mưa là một hình thù kỳ dị. Con Rồng! Đúng vậy! Không còn gì để nghi ngờ nữa. Dưới Ghềnh Sét nước lũ tạo thành một cái vũng rộng và trong cái vũng ấy một cái đầu tua tủa sừng gạc, lông lá, đang trồi lên, ngụp xuống. Nối với chiếc đầu là một cái cổ vĩ đại, tuy chìm phần lớn dưới nước nhưng cũng có thể thấy nó phình ra về phía trước như trong tư thế muốn bay lên? Phần đuôi của Ngài có phần khiêm tốn hơn, nó nổi lềnh bềnh và uốn lượn theo những dòng xoáy. Trời lại âm u hơn khi chuyển về chiều nên không nhìn thấy chân và vảy của Ngài.

 

Sau một hồi chiêm ngưỡng “long nhan” trong sự im lặng đầy thành kính pha chút sợ hãi người ta bắt đầu thầm thì:

 

- Ngài là Long Vương, đi “vi hành” đến đây thì mắc cạn!

 

- Không phải đâu! Trông cách Ngài vùng vẫy và gật đầu về phía làng ta kìa. Chắc là Ngài muốn báo trước sẽ dâng nước cao hơn.

 

Như thể phụ họa với lời bàn vừa rồi, về phía thượng nguồn chợt lóe lên những tia chớp ngoằn ngoèo, mây sẫm lại, đen kịt.

 

- Phải tế Ngài mới được! Không thì nguy khốn hết cả làng. Chúng ta về thôi!

 

Đó là lời ông xã, nói xong ông quày quả về trước, sau khi đã cẩn thận vái về phía Ngài mấy vái.

 

Mọi người cũng vội vã theo chân ông. Một cuộc hội ý nhanh chóng trong sân đình. Và cũng nhanh chóng như vậy một con heo lớn được chọc tiết, cạo lông.

 

Người ta lại theo nhau lũ lượt trở ra Ghềnh Sét. Lần này thì các vị chức sắc đi trước. Sau họ là chiếc bàn trên có đặt con heo trắng hếu. Đám thanh niên đi sau cùng.

 

Trời vẫn mưa lâm thâm và bắt đầu có gió. Nhang đốt mãi không cháy. Một người lại chạy về đem ra một cái ô đen. Bất kể nước dưới chân mấy ông già sì sụp khấn vái. Thành kính nhất là những người của họ. Họ có nhiều điều đáng lo.

 

Gió mạnh hơn. Chớp nhiều hơn. Mưa dày hơn. Trời sụp tối nhanh chóng. Trong cái cảnh hỗn mang của đất trời ấy Ngài vẫn vùng vẫy, uốn lượn. Cái đầu kỳ quái cứ ngẩng lên sụp xuống làm cho nước càng lúc càng réo to bên Ghềnh Sét.

 

Mọi người lần lượt trở về. Một nỗi sợ hãi bao trùm lên cả làng thậm chí không

nghe cả tiếng chó sủa. Tai họa đang rình rập từng phút một ngoài hiên.

 

Suốt đêm hầu như chẳng ai ngủ được. Nửa đêm sét bỗng nổ vang ở phía ghềnh rồi mưa dứt hẳn. Trời chưa sáng đã nghe tiếng ai đó la lên:

 

- Nước rút rồi bà con ơi! Trời cũng tạnh rồi! Tai họa đã qua rồi!

 

Cả làng thở phào nhẹ nhõm. Ngài đã chứng! Họ đổ ra bờ sông, lội sình lầy về phía đặt lễ vật đêm qua. Con heo đã biến mất cùng với cái bàn. Thế là may! Nó cứu cả làng. Còn phải tạ ơn Ngài thêm một con nữa!

 

Ngài đã thăng. Cái vũng dưới chân Ghềnh Sét đã thu hẹp lại. Đã có thể lội qua bên ấy. Đám thanh niên bàn tán với nhau một hồi rồi có hai kẻ liều mạng cầm gậy dò đường lội qua, dù có vài người ngăn cản. Họ mất hút vào bờ tre ven vũng nước mới hôm qua còn ngập đến đọt. Những người đứng bên này hồi hộp chờ đợi. Bất chợt họ thấy hai thanh niên nhào ra. Cả làng run lên.

 

Điều gì đấy? Hai thanh niên huơ gậy lên và gào to:

 

- Qua đây! Qua đây! Không phải Ngài! Họ cười vang.

 

Không phải Ngài? Một sự báng bổ chăng?

 

Mọi người hè nhau lội ào qua, hướng về phía bờ tre mà hai kẻ táo tợn vừa lại chui vào. Họ nghe một mùi thối đến lợm giọng. Họ ráng chui theo vào. Nhiều người thối lui ra ngay nhưng hai thanh niên đang la lớn:

 

- Không phải Ngài! Không phải rồng! Coi kìa!

 

Mọi người bịt mũi lại nhưng mắt thì mở to. Trước mắt họ là một con trăn lớn. Lớn chưa từng thấy trong đời họ. Bụng con trăn về phía cổ phình to lên bởi trong miệng nó lòi ra một cái đầu nai với đầy đủ hai cặp sừng với sáu nhánh gạc.

 

Cả trăn và nai đã chết trương phình lên trong thật dễ sợ. Thế là đã rõ. Con trăn lớn nuốt con nai nhưng mắc cái đầu sừng nên nuốt không trôi. Và trong khi nằm chờ tiêu hóa con mồi trong một cánh rừng nào đó nó đã bị lũ cuốn về đây, gây cho dân làng một mẻ sợ.

 

Mấy vị chức sắc xanh mặt. Họ tiếc con heo thì ít mà xấu hổ thì nhiều. Con heo là của cả làng. Tụi nó sẽ è cổ ra trả. Nhưng còn chuyện họ đã cúng vái thì sẽ thành trò chơi cho biết bao nhiêu kẻ xấu miệng?

 

Tất cả là do lão Khói. Đã thong manh mà còn đồn nhảm. Phải bắt tội lão! Họ quay qua tìm lão nhưng lão đã tự động rời khỏi Ghềnh Sét từ lúc nào…

 

Đó là một trong những chuyện kể của bà tôi làm tôi nhớ nhất. Tôi là một gã chuyên đi nhặt chuyện rồi kể lại với mọi người bằng cách riêng của mình. Một gã nhiều chuyện! Thế nhưng nhiều người không tin và không ưa lắm chuyện này. Họ bảo tôi bịa có ý đồ. Và như mọi câu chuyện được nhận xét như vậy bao giờ tôi cũng thêm rằng: Nó là một chuyện đã xảy ra từ lâu lắm…/.

 

Nguyễn Đình Bổn
Số lần đọc: 1488
Ngày đăng: 22.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Muôn Màu - Văn Chấn Ngọc
Vẫn Mãi Mãi Biệt Tăm - Phạm Văn Nhàn
Đền Bà Ru Con - Tiêu Đình
Ông Ba Say - Võ Xuân Phương
Cây Đa Cần Cái Miếu… - Nguyễn Hải Triều
Người Chiến Binh Ánh Sáng 2 - Cao Thu Cúc
Chuyện Cổ Tích Của Ông Ngoại - Diệp Hồng Phương
Hãy đi đi! - Đặng Chương Ngạn
Bền Đậu - Xuân Tuynh
Bến Nước Mười Ba - Trần Minh Nguyệt
Cùng một tác giả
Độc huyền (truyện ngắn)
Khoảng đời ngụ cư (truyện ngắn)
Chim vịt kêu chiều (truyện ngắn)
Mùa nước son (truyện ngắn)
Vãn tuồng (truyện ngắn)
Kiếp bèo (truyện ngắn)
Chuyện mèo (truyện ngắn)
Đuổi quỷ (truyện ngắn)
Chim giấy (truyện ngắn)
Người và quỷ (truyện ngắn)
Con quỷ và tôi (truyện ngắn)
Tướng cụt đầu (truyện ngắn)
Truyền kỳ (truyện ngắn)
Gà nhập (truyện ngắn)
Tình hoa (truyện ngắn)
Tình nhân (truyện ngắn)
Con Rồng (truyện ngắn)
Kiều (truyện ngắn)
Bão Magic (truyện ngắn)