Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
483
115.866.502
 
Thêm một bàn-tay-thơ của Nguyễn Đức Tùng
Đỗ Quyên

Lời Bạt Thơ Cần Thiết Cho Ai (*)

 

 

 

 

Phân tích thi ca là để sáng tạo thi ca.

T.S. Eliot

 

 

 

 

 

I. Mở đầu

 

Riết róng mà tương đối, chúng ta thử đưa ra mức độ sau đây: trong các công việc đánh giá, hướng dẫn văn học thì người phê bình có chức phận (nghề nghiệp), người bình luận có bổn phận (cơ duyên) và người giới thiệu có thẩm quyền (nhiệm vụ) về đối tượng mà họ quan tâm.

Nằm trong thể tài bình luận, phân tích và giới thiệu thơ hiện đại Mỹ - Canada, tập sách Thơ cần thiết cho ai đã được tác giả Nguyễn Đức Tùng thực hiện xuất sắc, với cơ duyên và còn có thể nói với cả “thẩm quyền” của mình.

 

Giữa các tác giả viết-sách-toàn-diện-về-thơ; tạm hiểu là viết nhiều sách về thơ và tạo dấu ấn cả ở nghệ thuật lẫn dư luận, có lẽ Nguyễn Đức Tùng cần được kể là một thành tựu trên nền thơ và xuất bản của người Việt đương đại, ít nhất từ đầu thiên niên kỷ, năm 2000, đến nay?

 

Nguyễn Đức Tùng, như ngàn vạn người-viết-thơ khác trên đời, chỉ mang một trái-tim-thơ mà có nhiều-bàn-tay-thơ. Thơ cần thiết cho ai là bàn-tay-thơ mới được tác giả đặt lên tay lên tim chúng ta. Cũng là quyển sách thứ tư của anh viết về thơ. Như một nhà thơ cách tân đang được dư luận coi trọng, không kể một đôi tập thơ in chung và đồng chủ trương, anh từng thực hiện cuốn Thơ đến từ đâu (Nxb Lao Động 2009) như cuộc tổng phỏng vấn các thi sĩ Việt theo mọi khuynh hướng, thế hệ, thành phần; nối hai bờ đại dương người Việt; đặc biệt xóa ranh giới vĩ tuyến 17 hằn đọng trên đất nước Việt Nam hậu chiến. Từng làm hai tập sách như hai chân dung nghệ thuật cá nhân mang kích thước văn học thời đại và độc đáo về thể tài, dung lượng rộng dài, duy nhất xoay quanh một tác giả: Du Tử Lê, theo dạng phê bình tùy bút (Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn, Tự Lực 2006), và Trần Nhuận Minh, theo lối phỏng vấn đàm thoại (Đối thoại văn chương, đồng tác giả, Tri Thức 2012). Đấy cũng là chủ nhân hàng chục bài phê bình, tiểu luận, tản bút về văn thi sĩ Việt Nam hiện đại và đương đại đăng trên nhiều báo chí, trang mạng và tham gia một vài hội thảo thơ. Nhưng trên hết, anh luôn lấy niềm đam mê và sự tìm hiểu sâu về thơ để thúc đẩy một ý chí và ý đồ mạnh, trong đó có việc chia sẻ, quảng bá nghệ thuật thơ phương Tây, chủ yếu là thơ Mỹ, tới người đọc Việt Nam. Khi mang ý thức xã hội và trách nhiệm cộng đồng, các nhiệm vụ tự thân vẫn có thể cho những người thực hiện chúng một “thẩm quyền”, “chức phận” nào đó.

 

II. Năm sáng tạo của tập sách Thơ cần thiết cho ai

 

1. Tên sách

 

Nhan đề Thơ cần thiết cho ai, về hình thức, là nối dài của Thơ đến từ đâu. Dù mang nội dung như một cách tiếp cận tác phẩm - tác giả, nhan đề đó ảo và thực. Ảo; như mọi bộ môn văn học nghệ thuật, thơ có thể cần cho người này và không cần với kẻ khác. Có khi cần cho người ấy lúc này và hết cần nữa cho chính cái người ấy lúc khác. Trong một xã hội bình thường thơ đâu thể nào cần cho tất cả mọi người. Thơ đến từ đâu, Thơ cần thiết cho ai, v.v… thuộc vào loại câu hỏi gợi vấn đề, không cần lời đáp hoặc không thể cho lời đáp khả dĩ. Từ phía khác, đó là các nhan đề thực, câu hỏi thật. Thơ cần thiết cho ai? Những số phận, con người, cảnh ngộ nào? Các vấn nạn ký sinh theo mỗi câu thơ, bài thơ. Mỗi thi sĩ, mỗi thân phận thi ca. Nguyễn Đức Tùng ý thức ở cách nhìn thứ hai; vô thức trong cách nhìn thứ nhất.

 

Trong sách, nhiều lí do “Thơ cần thiết cho ai” kiểu như thế ở ngay đầu bài, có khi giữa bài, thậm chí cuối. Mỗi bài một cơ duyên từ kinh nghiệm của người bình thơ. Mới nhìn thì phiến diện, áp đặt nhưng dẫn dụ ngay điều cụ thể mà người đọc trông ngóng: thơ ông này cần cho ta không, để còn lật qua thơ bà kia… Đó là tấm biển dẫn đường, sau xen kẽ liên tiếp các phương pháp khoa học khiến độc giả tự hiểu cơ duyên riêng chung chỉ là một trong nhiều lí do của thi ca. Nếu quả thực thi ca có lí do.

Bài về Stafford mang duyên cớ bất ngờ nhất. Lượng thông tin cao: sáu dòng chữ lập tức cho bạn đọc biết tất cả.

Thủ pháp cái cớ riêng chung của phê bình kinh nghiệm đã được các phương pháp văn học hiện đại (như phê bình ý thức, phê bình tiếp nhận) khai thác theo tam giác tác giả - phê bình gia - độc giả. Phỏng theo triết lí Deleuze (“viết là trở nên khác”) và thuyết nhà Phật, người ta không ngại ngần đoan quyết: khi làm thơ, nhà thơ đã thành nhà thơ; khi bình thơ, người bình thơ đang thành nhà thơ; và khi đọc thơ, người đọc sắp thành nhà thơ. Còn theo nhan đề kiểu Nguyễn Đức Tùng, chúng ta yên tâm khẳng định: Thơ cần cho nhà thơ, thế nên nhà thơ làm thơ. Thơ cần cho người bình thơ, do đó người bình thơ bình thơ. Thơ cần cho người đọc, vì vậy người đọc đọc thơ.

 

2. Một chân dung thơ ca hiện đại Mỹ và Canada

 

Qua Thơ cần thiết cho ai, dường như lần đầu tiên, bạn đọc đại chúng ở Việt Nam có một tập bình luận kèm tuyển thơ gần gũi, lôi cuốn về trình bày mà vẫn chuẩn xác về nghệ thuật, cùng chân dung đời thường của các tên tuổi tiêu biểu trong thi ca hiện đại Mỹ và Canada.**)

 

Đa số các bài trong sách đã đăng trên nhiều trang mạng, báo chí trong-ngoài Việt Nam từ năm 2009 tới nay, và khi “tụ về một mối” đã có thể giúp người đọc nhìn nhận tương đối về thi ca hiện đại Mỹ, Canada. Mười chân dung thơ là một xã hội Mỹ, Canada thu hẹp. Một nửa đã về cõi thơ; một nửa đang bên bài thơ dang dở. Tám vị đến từ xứ Cờ Hoa; hai từ xứ Lá Phong. Mỗi người mỗi đời tư, gia thế, học vấn, nghề nghiệp, thói quen văn học…

 

Về vị thế, khuynh hướng và đặc điểm nghệ thuật chung theo danh sách của Nguyễn Đức Tùng trên nền thơ Mỹ, Canada, có thể diễn giải như sau:

  • Họ đều làm nên văn học dòng chính, với các biểu hiện cải cách từ trung tâm khi tự chuyển hóa thành nghệ thuật của tương lai. (Bài Frost, Williams, Stevens, Stafford).
  • Đa phần là loại thơ mang tinh thần trí thức, cả khi dùng khẩu ngữ, về cuộc sống thường nhật. (Williams, Collins, Oliver).
  • Triết lý sâu xa mà đọc qua nhẹ như không. Tâm linh mà không mê mị. Ngôn ngữ tưởng đơn giản nhưng kỳ khu về cú pháp, nhịp điệu. (Stevens, Cohen, Bishop, Naomi Nye).
  • Hồn nhiên trong thao tác sáng tạo sau suy tư già dặn. (Williams, Collins, Lane).
  • Chất dân gian sâu lắng, lối chơi chữ điệu nghệ, tình tứ đến tột cùng lại không sến sáo, kể cả ở thơ truyền thống. (Frost, Bishop, Collins, Cohen).
  • Không phô diễn tình cảm, không lộ ý chí; không sử thi ca tụng. Đề tài nhiều khi chỉ từ ẩn khúc mọn, biểu tượng nhỏ nhưng mang cả thiên địa nhân sinh. (Williams, Oliver, Naomi Nye, Cohen).
  • Một số rất nghiêm túc mà không nghiêm trang nhờ chất hài hước đặc thù cho thi ca Mỹ hiện đại; có hơi hướng nghệ thuật và suy tư phương Đông. (Stevens, Collins, Lane).

 

Williams là thi sĩ hàng đầu ra khỏi khuôn phép thơ truyền thống Anh như một bắt buộc cho thi ca Mỹ hiện đại, nhưng ông lại đi ngược với những nhà thơ của trào lưu hiện đại cùng thời như Eliot, Stevens.

Còn Stevens đã tham gia “vạch những lối đi đầu tiên của nền thơ ca Hoa Kỳ” khi “trình bày một thứ ngôn ngữ lạ, chưa từng có, khó đọc, khó hiểu, ít được quần chúng biết đến”.

Frost “sáng chói cùng những tên tuổi khác trong buổi bình minh của nền thơ Hoa Kỳ”.

“Patrick Lane là nhà thơ quan trọng nhất của chúng ta: gan góc, dịu dàng, can đảm, và nguy hiểm một cách đẹp đẽ.”

 

Chúng ta sẽ thấy danh sách trên đủ tin cậy khi so sánh với vài danh sách phổ thông, như 15 Nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (Hoàng Hưng và nhóm dịch giả lập năm 2004), Phác thảo văn học Mỹ (K. VanSpanckeren lập 1998), Thơ ca Hoa Kỳ (en.wikipedia.org), Thi ca Canada (en.wikipedia.org), 10 Bài thơ hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ 20 (J. Frater lập năm 2007), 10 Bài thơ hay nhất nước Mỹ (J. Parini lập năm 2011).

 

3. Thể loại bình thơ

 

a. Thơ cần thiết cho ai đã đưa ra một kiểu cách mới để giới thiệu tác giả và tác phẩm: bình luận, phân tích thơ bằng nhiều phong cách phụ, đan xen không theo thứ tự thông thường. Các phong cách riêng lẻ không mới, vào tay Nguyễn Đức Tùng chúng được pha trộn có ý thức trong sự thoải mái; đoán trước vẫn thú vị; thong dong không sa đà; nhàn tản trong suy tư; cảm giác bình phẩm không lộ liễu song vẫn đau đáu; chủ đích tỏ vẻ khách quan; cấu trúc bài chặt lỏng khôn lường; thiếu gây sốc qua biện pháp tu từ, giai thoại và bù lại bằng các suy luận sáng giá…

 

Trong tập sách có tới 6-7 phong cách: đó là phong cách bình điểm - bình luận - bình giảng; phong cách tiểu sử; phong cách thi pháp; phong cách tâm lí; phong cách tự sự; phong cách so sánh (Đông - Tây; Việt - không Việt). Riêng phong cách ấn tượng thì chìm xuống bề mặt câu chữ thấm vào mỗi phong cách khác; khi cảm thấy phong cách đang dùng bất lực không gì hơn là lấy hồn người bình để hiểu hồn thi nhân! Mà không hề kinh nghiệm chủ nghĩa.

 

Sự khác nhau về điểm nhìn giữa phê bình và bình luận là ở chỗ phê bình cần tính khách quan, còn bình luận thường theo chủ quan. Và dẫn đến sự khác nhau về mục đích: phê bình nặng về sai-đúng, bình luận nghiêng về hay-dở. Vì thế trong nghệ thuật bình thơ, thông thường chỉ bàn tới cái hay, mà có phải "nói đến cái dở thì cũng chỉ cốt làm nổi cái hay" (Hoài Thanh). Đối tượng bình luận, phân tích của Nguyễn Đức Tùng không chỉ là 1-2 bài thơ tâm đắc với mỗi nhân vật. Cách giới thiệu nhân vật không là chân dung nhà văn như nhiều bài quen thuộc.

Một hậu ý của tác giả, kèm nhan đề của từng bài viết là tiêu đề theo thứ tự 1 đến 10 - “Bài 1”, “Bài 2”, v.v… - như là cao vọng cuốn sách trở thành một tập “bài giảng” về thơ.

 

Về mục đích, tác giả chủ tâm và chủ quan khen ngợi nhưng không ca tụng, gần như không phê, chỉ bình và giảng. Anh luận lý và dẫn giải những cái hay, đẹp, mới và lạ từ các nhà thơ ngoại quốc tiền tiến mà mình mến mộ và muốn quảng bá tới độc giả Việt Nam.

Về cấu trúc, không theo các bài bình, giới thiệu thông thường. Không thứ tự đề mục, tiêu đề. Câu, đoạn nào cũng có thể làm mở đầu, kết thúc. Tất cả lộn xộn trong nhất quán: xen trộn các phong cách phê bình.

 

b. Phong cách tiểu sử trong Thơ cần thiết cho ai khô khan và hiệu quả, đúng tinh thần phê bình văn bản điểm xuyết tiểu sử của Vũ Ngọc Phan. Dù không theo phong cách phê bình xã hội học, ở từng bài các chi tiết về gia đình, quê quán, đời sống và lao động nhà văn mà người bình dẫn dụ cũng mang hàm ý xã hội học.

Bài về Collins nằm trong 3-4 bài thành công nhất về nhiều mặt, trong đó có sự đúng độ khi pha trộn tiểu sử. Toàn bài khoảng 3000 từ, phần tiểu sử khoảng 250 từ nhắm vào hai điều: “Nhà thơ Công huân (Poet Laureate) của Hoa Kỳ. Được xem là người được công chúng mến mộ nhất hiện nay”; và chuyện giao tiếp với một độc giả là học sinh trung học. Từ đó, tụ điểm bài viết “thơ ông sáng sủa, dễ hiểu”, “sự giản dị của Collins là sự giản-dị-hoá” được minh họa qua đoạn bình bài thơ Những bức tượng trong công viên.

 

c. Phong cách bình điểm - bình luận - bình giảng của Nguyễn Đức Tùng xào xáo nhau tới mức không hẳn không có lí một ai đó chưa nhận ra tác giả là “chuyên nghiệp”?! Bản thân tôi cũng đồ rằng anh chắc là vô thức (chứ không vô ý) khi muốn vượt thắng các cung cách kinh điển, hàm súc và giáo điều.

 

Nghệ thuật bình thơ vẻ như có hai điểm chung với nghệ thuật bonsai. Một, cái khó tột đỉnh của sự thẩm bình thi ca là tự nhiên. Hai nghệ thuật có chung nhược điểm thuộc về bản chất: phi tự nhiên. Đó cũng là cái khó tột đỉnh của sự làm thơ: tự nhiên. Hai, yêu cầu hình thức cho một bài bình thơ: ngắn, gọn. “Nhỏ là đẹp” – điều đó cũng làm nên chân lý của bình thơ. Các bài bình luận thơ ngày nay tuy không hàm súc, tinh vi và xuất thần như lối thẩm bình “trung đại”, nhưng thoát hiểm bằng nhiều phong cách đời thường, trực tiếp và khoa học. Và bài bình trở nên dài. Thơ cần thiết cho ai theo hướng đó.

 

Tuy nhiều giải thích cặn kẽ từ dấu câu, chuyển dòng, nghĩa đen, người bình Nguyễn Đức Tùng không làm “ông đồ” mà là người hướng dẫn, diễn dịch. Thích nhất những lúc anh là người khám phá. Ở không ít cao trào, yếu điểm cần lên giọng nhấn lời thì cũng sắm vai giảng viên. Anh nói về nữ sĩ da màu: “Nhịp điệu của thơ: là nhịp tim của người viết và người đọc. Nếu bạn di chuyển mau lẹ, nhịp đập của tim tăng lên, ảnh hưởng đến sự phát ra âm thanh của chữ. Sau một giai đoạn nhấn mạnh gay cấn ở phần giữa của bài thơ, Naomi Nye trở lại nhịp cân bằng mà bà tự mình làm mất đi sau những câu đầu tiên.” Trong bài Lane: “Tôi chú ý đến ngắt câu và xuống dòng, theo tôi là một trong những dấu ấn đặc biệt nhất của một tài năng.”

Ngoài kỹ thuật bình và giảng, anh cũng thấu triệt kỹ thuật hỏi và gợi mở. Không sao đếm xuể, trong tập sách cả trăm câu hỏi lớn bé vẫy gọi cả ngàn gợi ý to nhỏ. Với bài thơ Ghi mấy chữ - bài thơ quan yếu nhất tập sách – thì bạn đọc phải chuyển thành… “bạn đáp” với hàng chục câu hỏi liên tục.

 

d. Phong cách thi pháp trong Thơ cần thiết cho ai thực ra là “chính chủ”, nhưng chủ nhân của nó thực thi khá linh hoạt và không hề kém cạnh so với những bài phê bình thi pháp thực thụ. Có nhiều câu như những điểm sáng mang nguồn năng lượng từ thực hành thi pháp: “Đây có lẽ là một trong những khác biệt tế nhị giữa thơ Mỹ và thơ châu Âu: trong kinh nghiệm đọc của riêng tôi, thơ châu Âu thường trừu tượng hơn, để lại ít hơn các dấu ấn cá biệt của hoàn cảnh riêng tư, trong khi thơ Mỹ ‘hiện thực’ hơn.” (Bài Naomi Nye); “Có một vài yếu tố siêu thực trong thơ ông nhưng không rõ ràng: đó có thể là sự phóng túng tràn bờ của các thi ẩn hơn là một lập trường thi pháp.”; và, “Thơ là ẩn dụ nhưng không phải là ngụ ngôn.” (Bài Stafford).

 

Tư duy thi pháp của Thơ cần thiết cho ai là “kinh điển” mang tinh thần mới; có nhiều ý tưởng gây hưng phấn khi đọc nhanh và tạo tranh luận khi suy ngẫm. Những lúc đó tác giả tạm dời bình luận sang bàn thảo. Cái hay-lạ dễ lấn át cái đúng-sai và logic trong câu thơ, bài thơ đang dẫn dụ. Trong bài Oliver: “Thơ tự do dùng ngôn ngữ gần với văn xuôi. Tuy nhiên sự khác nhau giữa văn xuôi và thơ là trong thơ không có một trật tự thứ hai.” Điều đó có thể đúng với thơ Oliver đang trích dẫn nhưng không đúng với nhiều tác giả khác, nếu theo các lí thuyết phê bình (hậu) hiện đại nơi mà cấu trúc, thành phần thơ đâu còn có thể “đóng cửa bảo nhau”.

 

e. Tâm lý và lao động nhà văn là những cơ sở cho người bình chọn chi tiết tiểu sử các nhà thơ có yếu tố tâm linh như Cohen, Oliver, Bishop, Naomi Nye. Phê bình tâm lý xen kẽ ở nhiều bài. Bài Bishop lấy nó làm giọng chính. Các đoạn về phép tập thể dục tinh thần (bình thơ Cái chết đầu tiên ở Nova Scotia), ký ức tuổi thơ của một dân tộc hậu chiến và ý nghĩa của cái chết là những đoản bút bay bổng trong sự khúc triết. Và khó đọc, không chỉ vì dài. Chúng thực sự khó. Đó là một bài bình tốt; mà không hay. Không hay vì không nên hay. Nỡ lòng nào những giây phút tang lễ (dù là của tâm hồn) chịu làm những “giây phút hay”?

 

g. Phong cách tự sự cũng thành đạt trong Thơ cần thiết cho ai. Thì vẫn là nhớ lại, kể ra, chiêm nghiệm cùng độc giả một đôi kỉ niệm đắt giá, riêng tây. Nguồn cơn của thể loại bình thơ xưa nay. Nguyễn Đức Tùng dùng nó tự nhiên và bất thình lình, chẳng rào chữ đón câu tà tà giống các “bác nhà văn miền Bắc”, cũng hổng hồn nhiên ào ào như “các cha văn sĩ Nam Bộ”. A, phải rồi: chàng là thi sĩ miền Trung!

Nếu thơ là cái Tôi của cảm xúc - hình tượng, thì tùy bút là cái Tôi của sự kiện - vấn đề; bút ký là cái Ta của sự kiện - vấn đề. Với ký, tùy bút và truyện ngắn, Nguyễn Đức Tùng như bị trí nhớ tốt cùng trái tim nóng làm hại. Đầy ứ những kỉ niệm và kỉ niệm. Khó tìm ra cái Tôi; chỉ thấy “tôi”. Nay, với nguồn kỉ niệm thơ dồi dào và tình Nàng Thơ ăm ắp, anh đưa dẫn những “tôi” đó vào thẩm bình thơ khá đắc địa.

Bài Lane là bài duy nhất và hay của tập sách về phong cách tự sự. Hy hữu có được các kỉ niệm riêng với nhân vật, người bình đã làm bài trở nên sống động khi đan cài các đoạn phóng sự, tường thuật với những lời bình luận thi pháp, tiểu sử, tâm lý.

 

Phong cách tự sự luôn đồng hành cùng một hạn chế: dễ dư cảm xúc riêng; thừa tên người và địa danh. Bình thơ tao nhã khác chiếu với văn chữ thù tạc. Vấn nạn tên riêng sẽ còn tăng theo phong cách tiểu sử, khiến Thơ cần thiết cho ai dính hơi bị nhiều. Cuốn sách chúng ta đang cầm đã được tác giả sửa chữa công phu so với bản đăng lần đầu trên trang mạng theo bài lẻ; đó đây chắc còn sạn nhỏ…

 

h. Phong cách so sánh (Đông - Tây; Việt - không Việt) ngày càng dễ tham gia vào bình luận văn chương Việt Nam thời toàn cầu hóa. Thơ cần thiết cho ai từ bàn viết hải ngoại viết về văn học ngoại quốc, thiếu sao được?

Bạn có nhận ra không sự trong trẻo về cách nói, mạnh mẽ trong ý tưởng, chính xác về nội dung: “Bất cứ một nhà thơ nào cũng từng làm một bài thơ về cái chết, về tan vỡ. Nhưng thơ Việt Nam thường viết về sự hóa trang của nó, về mặt nạ của nó, nhiều hơn là tự thân cái chết: một bài thơ nhân chuyện qua đời của một người bạn, kể về tình bạn với người đã mất, của một người vợ, kể về ơn nghĩa vợ chồng. Thật ra đối diện với cái chết không phải là một truyền thống mạnh mẽ của văn học Việt Nam. Có một nỗi thúc bách lạ lùng đằng sau nó, đằng sau cái chết. Hình như đó là các huyền thoại.” (Bài Bishop). So sánh như không so sánh!

 

Các so sánh Đông - Tây chưa được nhiều như mong đợi của bạn đọc Việt Nam, tập sách có vài liên hệ ngắn nhưng thích đáng với các trường hợp Stevens, Collins, Stafford.“Đọc Collins, không nên dẫn dắt suy luận trừu tượng của bạn đi quá xa: ông gần gũi với phương Đông ở điểm này.” Với tiềm năng của mình nếu như tác giả nghiền ngẫm hơn, tin rằng sẽ có thêm các so sánh mang tính thi pháp giữa hai nền thi ca Đông-Tây hai thực thể thường khác nhau như mặt trời mặt trăng và những khi cần giống nhau thì như hai nửa trái đất vậy.

 

4. Văn phong, ngôn ngữ

 

Thơ cần thiết cho ai đã góp thêm một cách biểu hiện trong văn phong, ngôn ngữ Việt cho thể loại bình luận, giới thiệu. Toàn cuốn sách theo lối hành văn tân tiến, sang trọng, lôi cuốn và rất tự tin. Hy vọng sẽ dần dần làm nên phong-cách-bình-thơ-Nguyễn-Đức-Tùng, nếu có thể gọi vậy.

Cú pháp và tư duy của tác giả mang nhiều ảnh hưởng học thuật Mỹ: khoa học, theo tới cùng nội dung và logic, trực tiếp và khúc chiết vào tính nghệ thuật. Dù ở các đề tài, nhân vật không đơn giản và khác khá xa tầm đón đọc của độc giả Việt Nam, nhưng sự mạch lạc và sáng rõ của ngôn ngữ Âu-Mỹ vẫn làm cho cách hành văn đó thuộc về tiếng Việt hiện đại.

Hai thể loại chính được dùng là nghị luận và báo chí. Không có dạng bình phẩm ấn tượng, du dương qua hệ thống tính từ. Cảm xúc riêng, có; tất nhiên. Và được tính khách quan của văn phong Âu-Mỹ chế ngự. Có phần lạnh lùng, muốn đứng ngoài khen chê cảm tính; không lộ yêu ghét như cách bình luận của đa số tác giả hiện nay. Nếu như việc nghiên cứu, phê bình thường khô khan, mạnh bạo như đàn ông thì thẩm bình thơ sẽ là phụ nữ - mềm mại, duyên dáng. Ở tập sách ta cũng thấy sự làm duyên, mà tránh được làm dáng.

Dùng 6-7 phong cách thể loại bình thơ, các bài viết đều ở cấu trúc liền lạc, khỏi cần chuyển tiếp, tách đoạn, kiểu như “trước hết là”; “trở lại với”; “tóm lại”... Ai đọc lần đầu sẽ lạc lối. Quen thì thú vị; bởi từng ý, đoạn thì khúc chiết, toàn cảnh là tản mạn. Nói theo lời thơ Whitman, “tôi ở giữa mũ và giày”!

 

Vài nhược điểm kỹ thuật: do là loại sách đa thể tài, đa đối tượng, rất khó làm hay, đại chúng, chuyên môn; nên đòi hỏi những người làm sách phải dày công. Như ở các đoạn tự sự, tiểu sử tràn trề địa danh Bắc Mỹ gắn với nhân vật, kỉ niệm của người bình, các tên riêng ở phạm vi thơ hiện đại Mỹ, Canada còn xa lạ với độc giả Việt Nam. Việc chua thêm tiếng Anh - một vấn đề lớn của hiện tình bài vở trong thời Việt Nam hội nhập - cũng bị dính dấp vào tập sách.

 

5. Vai trò dịch giả

 

Nhân đây, mạn phép đề xuất một loại barem dịch thơ. Nếu dùng ba tiêu chí Tín, Đạt, Nhã từng rất thân thuộc và khả dụng trong dịch thuật, nhưng theo hai hướng đi ngang và đi lên Tín --> Đạt --> Nhã, ta tạm cho rằng: Tín là đúng nội dung và văn bản của bài thơ cùng phong cách, ngôn ngữ của nhà thơ (Tín: 6-7 điểm). Đạt là truyền thi cảm và chuyển hóa ít nhiều nhịp điệu (Tín + Đạt: 7-8 điểm). Nhã là như một tác phẩm thơ của ngôn ngữ đích (Tín + Đạt + Nhã: 9-10 điểm).

Như thế, Nguyễn Đức Tùng đã ưu tiên cách dịch Tín mà vươn tới Đạt sao cho Nhã ở mức có thể. Hầu hết các bản dịch trong tập sách chứa vấn đề thơ (nội dung) và tính thơ (nghệ thuật).

 

Trong 10 bài viết về 10 tác giả, có tất cả 16 bài thơ được dịch trọn vẹn và ngót trăm câu, đoạn thơ dịch lẻ. Một tuyển thơ dịch nho nhỏ về thi ca hiện đại Mỹ, Canada lần đầu đến với người Việt Nam mến mộ thơ nước ngoài?

Theo thiển ý chúng tôi, có 4 bản dịch tới độ Tín + Đạt + Nhã: Một nghệ thuật của Bishop (xin phép được cho điểm “10 cộng” về bài thơ lẫn bài dịch!), Dừng chân tuyết xuống rừng chiều - Frost, Căn nhà vắng lặng và thế giới an bình - Stevens,Đi qua bóng tối - Stafford. Tự thân 4 bài đều là sáng tác làm nên tên tuổi mỗi nhà thơ.

Các bài tới tầm Tín + Đạt: Ghi mấy chữ - Williams, Nàng mang anh xuống một dòng sông – Cohen, Những bức tượng trong công viên – Collins, Những đứa trẻ ở Bogota – Lane, và Mười ba cách ngắm một con chim sáo đen – Stevens.

 

Với bài Một nghệ thuật (One art) của Bishop, tôi từng được đọc ba bản tiếng Việt của Lê Đình Nhất Lang, Lê Dọn Bàn và Nguyễn Đức Tùng. Trong tập sách đó là là cặp đôi tác phẩm - dịch phẩm hoàn hảo nhất. Người bình làm tốt công việc của mình khi đã chứng tỏ ở bài thơ có: thi pháp hòa trộn truyền thống và hiện đại; thể loại cũ được biến hóa; thơ dễ thuộc nhưng vẫn kỳ khu; nhịp điệu du dương lại không sáo trong đề tài lắt léo; chất nhân bản rõ rệt và không giáo điều; nói về đau đớn rất thanh thản và am hiểu; giọng điệu nữ tính trong phong độ nam tính; triết lí được hiện thực lớn bằng nghệ thuật thơ… Người dịch Nguyễn Đức Tùng đã cống hiến một bản dịch như một bài thơ Việt hiện đại. Đáng kể là khổ thơ: “Tôi mất quê hương, mất đến hai lần. Lớn hơn vậy nữa/ Hai dòng sông xanh, một lục địa buồn/ Đau tận nguồn cơn. Không ai chết cả/”. Lời dịch bay bổng trong vững chắc, thoát ý và nâng nghĩa của nguyên tác.

   

III. Về tác giả Nguyễn Đức Tùng

 

Báo Nghệ thuật mới số 11 ngày 10/12/2012 đã giới thiệu VIP - nhân vật chính trong mỗi số báo chuyên đề - “là nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, người đã tạo ra một giọng nói khác biệt trong nền thơ viết bằng tiếng Việt”.

 

1. Như một nhà thơ thử nghiệm cách tân thi ca Việt, với thể thơ văn-kể

 

Hai thập niên trên quy mô lớn, thơ Việt vẫn thăng giáng trong hướng cải cách sau bốn thập niên gần như cách biệt với các dòng thơ hiện đại quốc tế. Nguyễn Đức Tùng là một trong rất nhiều tác giả có thơ như thế. Về phong cách đi từ truyền thống đến (hậu) hiện đại; về nhân thân có tuổi tác, trải nghiệm, cuộc sống đủ thăng trầm của xã hội người Việt từ sau 1954, trong đó có miền Nam Việt Nam và hải ngoại; và sở hữu một đường hướng thử nghiệm thơ khác thường trong dòng thơ văn-kể Việt Nam.

 

Thơ văn-kể là gì? Bước đầu định nghĩa, chúng tôi tạm coi đó là thơ tự do không âm vần, không nhịp điệu qua từ ngữ, khó biết kết thúc một câu thơ qua trật tự bên ngoài, xuống dòng ngắt câu theo nội dung, ít ẩn dụ; nhịp điệu được tạo qua ý tưởng; tứ thơ chính xác; cảm xúc cũng sinh ra bằng ý tưởng… Một số tiêu chuẩn đến từ hình thức văn xuôi và phương thức kể: có đầu đuôi trình tự; chú ý điều gì đó; hành văn trực tiếp, ngắn gọn, giọng thư từ, báo cáo.

Bắt nguồn từ nhiều loại hình văn hóa truyền thống Việt, thơ văn-kể xuất hiện đã lâu và đến nay mang nhiều hình thái sinh động. Ngay bài Tình già của Phan Khôi từng khởi động Thơ mới cũng có thể xem là một dạng như vậy; ở lối kể trực tiếp, có cốt truyện tình tiết, không vần...

 

Thơ văn-kể theo kiểu Nguyễn Đức Tùng được thử nghiệm từ 7-8 năm nay; riêng tôi thấy như một lối làm thơ chưa có trong thi ca Việt. Về trào lưu: đây là thơ hiện đại cùng một vài biểu hiện hậu hiện đại. Thể tài, dung hòa ba yếu tố: tính thời cuộc/luận đề, sự phân tâm, và giọng hài hước.

Chúng ta từng biết nhịp điệu thơ Nguyễn Quang Thiều như một thi pháp của sự đơn điệu nhưng có dáng dấp theo nhiều nhịp điệu thơ khác: Nguyên Sa và Chế Lan Viên (thơ văn xuôi); Đặng Đình Hưng và Cao Đông Khánh; Trần Vàng Sao và Lưu Quang Vũ; Lê Vĩnh Tài và Đinh Thị Như Thúy… Họ đã văn-xuôi-hóa nhịp thơ tự do mà Nguyễn Đình Thi và Thanh Tâm Tuyền khai mở. Giờ đây Nguyễn Đức Tùng muốn văn-kể-hóa nhịp thơ tự do gần tới giới hạn cuối của sự tự do nhịp điệu.

Đây là thi ca trong sự song hành hai dòng văn hóa Đông-Tây, cạnh tranh giữa hai nhân sinh quan của hai ý thức hệ, và bất ổn trong hai hình thức văn-thơ. Chùa, Nếu, Nhịp đập, Sau chiến tranh, Paris, Chùa trên núi, Chim… là những bài thơ rất hay của tác giả; và mong sớm tham gia vào danh sách đặc sắc trong thơ Việt đương đại.

 

2. Như một đại diện hải ngoại tạo ảnh hưởng tới sinh hoạt văn học Việt Nam

 

Tác giả Thơ cần thiết cho ai còn là một trong không nhiều cây bút hải ngoại thẩm thấu và đam mê quan hệ văn hữu, bài vở giữa trong và ngoài Việt Nam một cách hữu hiệu. Cũng là người xuất thân miền Nam giàu tâm ý với nền thi ca miền Bắc để từ đó rút tỉa cho thơ và hoạt động thi ca của mình. Thơ và bạn thơ miền Bắc ảnh hưởng mạnh đến hành trình văn học của anh – người hiển nhiên đã đặt trọn thơ miền Nam trong lòng. Nói riêng trường hợp Nguyễn Đức Tùng: nếu như không gắn với vận mệnh lịch sử 1975, không ra hải ngoại, không trực tiếp sống cùng thơ Bắc Mỹ, và nhất là không gắn bó với thơ trong nước - tôi luôn nghĩ rằng - cây bút này sẽ không thể có thơ như đang có.

 

Tự nội tâm ra trang viết, anh là người am hiểu sinh hoạt văn học hiện đại và đương đại ở cùng khắp Việt Nam tới hải ngoại: khách quan cho chính xác; khoa học để thành quả; chủ đích trong tư thế. Trong giới cầm bút ở ngoài nước, được như thế thật ra không nhiều. Những người đi trước, nổi bật như Trần Thiện Đạo, Đặng Tiến, Trương Vũ, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Khánh Trường, Hoàng Khởi Phong, Khế Iêm… Bằng văn chương và nhân thân của mình, họ đã tham dự có hiệu quả vào hành trình nhất nguyên hóa những nan đề nhị nguyên của một thực thể Việt Nam từ thời cận đại tới hiện tại: Bắc-Nam, trong-ngoài, Phật-Chúa, Quốc-Cộng…

 

IV. Kết

 

Như thế, ở trong và ngoài nước, có thể xem Thơ cần thiết cho ai như là tinh tuyển đầu tiên và bình luận hệ thống về tác phẩm và tác giả thơ ca hiện đại trong khu vực Mỹ - Canada. Dễ hiểu mà chuyên sâu, xác đáng và thuyết phục, cụ thể mà chặt chẽ.

 

Thiển nghĩ, trong thẩm bình văn chương phương Đông có nguyên tắc bất khả tư nghị - không suy luận được, vượt lí luận. Và, những người bình thơ phải được hân hưởng điều kiện tiên quyết: thiện nguyện. (Cho dù phê bình văn học nói chung không làm công việc từ thiện, như nhiều người đã nói đến). Cái gậy hay củ cà rốt đặt trước lưỡi bút thẩm bình không chỉ phản thi ca mà còn phi nhân tính. Nói giản dị, chỉ bình luận, giới thiệu thơ khi ta “khoái chí tử”. Dù thái quá nhưng vẫn có tình có lý khi “không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.” (Phạm Công Thiện).

 

Đọc Thơ cần thiết cho ai trong những thành quả hoặc những gì chưa đạt, chúng ta hiểu tác giả đã làm chủ được các điều vừa khó vừa dễ đó.

Như thời Thơ mới với văn hóa phương Tây và thi ca Pháp, trong thời kì toàn cầu hóa lần thứ ba đang diễn ra, người Việt và thơ Việt hơn lúc nào rất cần những nhà-thiện-nguyện-thơ. Loại sách tuyển và bình về một chuỗi nhà thơ đại diện cho một nền văn học lớn ở nước ngoài, như Thơ cần thiết cho ai, vẫn là của quí.

Nguyễn Đức Tùng, hãy cứ là một tác giả toàn diện về thơ! Nàng Thơ và độc giả chờ nhiều bàn tay thơ nữa, từ trái tim thơ của bạn.

 

 

 

-----------

*) Lời bạt này là bản tóm lược từ bài viết cùng tên nhân đọc bản thảo sách Thơ cần thiết cho ai.

**) Trong bài, các trích đoạn in nghiêng giữa ngoặc kép là từ bản thảo tập sách. Tên nguồn trích được viết gọn theo họ của nhân vật. Ví dụ: bài Williams. 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 2478
Ngày đăng: 08.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hamvas Béla "Bữa ăn nhẹ của Thượng Đế an lành" - Nguyễn Hồng Nhung
Từ "Dấu chân trên cát" đến "Tro bụi trần gian" * - Trần Hoài Anh
Trao đổi về thơ dịch - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Đức Tùng bình thơ Mỹ - Thanh Thảo
Một góc nhìn tiểu thuyết, truyện ngắn thời đổi mới... *** - Yến Nhi
Thách đố của ngu xuẩn - Võ Công Liêm
Cụ Bùi Hạnh Cẩn: Một Nhà Văn Hóa Của Hà Thành - Hoàng Xuân Hoạ
Xã hội không có cha - Nguyễn Hồng Nhung
Cái đẹp độc đáo của mọi thời - Nguyễn Nhã Tiên
Một Võ Thị Hảo - Chỉ một - Tru Sa
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)