Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
839
116.685.985
 
Thơ là phúng dụ, phúng dụ là thơ
Đỗ Quyên

 

(Nhân đọc tập thơ của Nguyễn Anh Tuấn

“Phúng dụ từ những đám mây", Nxb Hội Nhà văn, 2020)

 

 

1-

Đọc nhanh một cuốn thơ mới của một tác giả mới - hạnh phúc cho những người yêu thơ. Tôi đang hạnh phúc với Phúng dụ từ những đám mây (PDTNĐM) của Nguyễn Anh Tuấn (NAT) - một tác giả không mới trong làng thơ Việt hiện nay nhưng duyên tôi vừa mới tới được, nhờ thi phẩm đầu tay của anh sau hơn 25 năm sống  thơ.

 

Lâu rồi trong những lần đọc trước, giữa "siêu thị thơ" trên mạng các chùm thơ lạ của tác giả lạ NAT. Lạ, bài nào thấy cũng có tên bắt đầu bằng từ phúng dụ, và mỗi bài thơ con con đủ sự tình.

Đời nhiều cái lạ một khi quá ngưỡng, hết còn lạ. Trong nghệ thuật càng đúng. Nghệ thuật là gì? Ở mức độ căn bản, là biến cái quen thành cái lạ; tới tầm trung cấp làm cho cái lạ trở nên quen thuộc. Lên tầng cao thượng, nghệ thuật không phân biệt lạ và quen. Tôi hết còn thấy PDTNĐM lạ trước từ khóa phúng dụ một khi nó đã là rừng phúng dụ.

 

2-

Theo tôi, thủ pháp phúng dụ của NAT là một phát kiến trong cách làm thơ tiếng Việt đương đại. Một số nhà phê bình khác cũng cho rằng anh là “nhà thơ duy nhất về phúng dụ”, “nhà thơ tiên phong (avant-garde) về phúng dụ”...

Nếu như trở thành chủ nhân thi pháp phúng dụ, NAT sẽ là một trong không nhiều nhà thơ cách tân thi ca Việt Nam hiện đại bằng việc "phát minh thành công" một phương pháp làm nghệ thuật mới, với một dòng thơ mang hệ mỹ học mới trong phong cách mới có nghệ thuật ngôn ngữ mới ở hình thức diễn ngôn mới... Mọi điều mới đến từ một hình thái tu từ không bao giờ xưa cũ trong văn nghệ: phúng dụ. Nhà nghiên cứu, phê bình Hoàng Thụy Anh từng xác nhận thủ pháp phúng dụ chính là phương thức nghệ thuật đặc trưng cấu thành tập thơ này khi dẫn lại định nghĩa: 

 

"Phúng dụ là hệ thống những ẩn dụ, nhân hóa, vật hóa (thường là vật hóa) được sử dụng để biểu đạt một nội dung triết lí hay bài học luân lí mà người ta không muốn trình bày trực tiếp… Phúng dụ sớm đi vào nghệ thuật văn chương trong những bài đồng dao, ca dao, truyện ngụ ngôn… mà dân tộc nào cũng lưu giữ trong kho tàng văn hóa của mình, trước khi thể loại tiểu thuyết xuất hiện.” [1]

 

Mong tác giả cho chúng ta được chờ các sáng tác mới, chuyển đổi từ thủ pháp phúng dụ thành công như đang là sang thi pháp phúng dụ. Không dễ. Thành hay bại, tôi ủng hộ đến cùng nẻo thơ NAT. Bởi không quá bất ngờ, khi thấy cũng như quan niệm thơ là một tổ hợp các kiểu cách phúng dụ bằng những hình thái “ngôn ngữ quái đản”.

Dùng lại chữ "quái đản" vốn rất nổi tiếng (mà không được đồng thuận trong giới phê bình thơ) của nhà nghiên cứu, lý luận lão thành Phan Ngọc, cũng hàm ý rằng, ngôn ngữ và diễn ngôn trong thơ NAT nhiều phần “quai quái”, nổi lên là vấn đề phúng dụ đã được/bị phơi trần.

 

3-

Đọc tập thơ "Phúng dụ từ những đám mây" như một… trường ca! Tôi những muốn gợi ý vậy. Chủ đề thơ NAT tuy biến động khôn lường, đa dạng như nồi lẩu thiên địa (Buddha, Thần lửa, Eva, kinh mừng, sông, trạng từ, đêm mùa hạ, nàng, lông ngựa…) song liền mạch, nhất quán về mọi yếu tố nghệ thuật. Tất cả các bài thơ như những vật đồng dạng phối cảnh với nhau.

Nhờ đó ta có thể đan ghép cả một tập các bài thơ bình thường, ngăn ngắn thành một trường ca hiện đại. Ở đây thi pháp thực hành văn bản không chỉ là phương pháp sáng tạo, là nghệ thuật thơ mà còn là hình thức thể loại.

Với thứ thơ lạ mà từng bài thơ tương đồng về hình thức và nội dung như dòng thơ phúng dụ đang bàn, nên chăng đọc chúng trong tổng thể của một phương pháp viết cũng như một tâm thế cảm thụ, ngoài việc đặt chúng trong một không gian nghệ thuật. Việc "trường ca hóa" PDTNĐM trong nghĩa đó.

 

Cảm ơn tác giả Hoàng Thụy Anh từng chọn ra và lý giải: "Lấy ví dụ về hình ảnh lửa trong các bài thơ “Phúng dụ mẹ”, “Phúng dụ ánh mắt”, “Phúng dụ biển”, “Phúng dụ bonne nuit”, “Phúng dụ thần lửa”, “Phúng dụ về lửa”, “Phúng dụ eden” [...] và thử liên kết chúng với nhau. [...] Dựa vào Kinh Thánh, dựa vào mối quan hệ tương đồng, Nguyễn Anh Tuấn triển khai giá trị và ý nghĩa ngọn lửa trong đời sống, ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của tâm hồn, ngọn lửa của thi ca." [1]

Từ những bài thơ cụ thể và nội dung trên ta có thể tạo nên một chương về lửa trong bản "trường ca phúng dụ".

 

Vẫn biết gán ghép này sẽ chênh vênh trên mặt bằng quan niệm về thể thơ trường ca hiện đại, tôi vẫn mạnh dạn ghép gán, với ý thức thường trực như nhà nghiên cứu văn học Nga Y. N. Tynhianov khẳng định: “Hãy thử định nghĩa khái niệm ‘trường ca’, tức một khái niệm về thể loại. Tất cả mọi cố gắng đưa ra một định nghĩa thống nhất đều không đạt được!

Tuy thế, tiêu chí số 1 bảo đảm tính trường ca của một sáng tác thơ là thể tài mang tinh thần và nội dung không thuộc về cá thể mà mang giá trị chung (đất nước, nhân loại, dân tộc…) có ý nghĩa xã hội rộng lớn [2]. So với các tiêu chí ở một tác phẩm trường ca, với tập thơ PDTNĐM có cái được, cái không, nhưng riêng tiêu chí đầu tiên là thể tài thì có thể xem như đạt.

 

Cuối cùng, liên quan đến không gian thơ. Không đọc bài thơ "Con ếch" lừng danh của Basho riêng lẻ mà đọc như mọi bài haiku hay dở nào khác trong cùng một thi giới của thể thơ ngắn nhất trần gian ấy, ta mới có thể cảm thụ dần cái độc đáo vời vợi, cái “đang là” vĩnh cửu của thiên nhiên và tâm trạng, rồi cái khôi hài mím môi đến từ nhân sinh quan và thế giới quan của thi ca Nhật Bản.

Cho nên chớ đọc một bài thơ phúng dụ nào đó của NAT như là một sáng tác độc lập.

 

4-

Chất uy-mua (khôi hài) trong PDTNĐM có thể gọi là khôi hài đen (humour noir), khi điệu cười đến từ sự nghi vấn và đàm tiếu. Ở tập thơ chính tác giả cũng đã sử dụng vài lần các từ “umua”, “umua đen”.

 

Trong thơ Việt Nam đương đại, và cả hiện đại, rất hiếm các cao nhân đưa được khôi hài đen vào thơ trữ tình. (Đây là khác biệt lớn giữa thơ Việt và thơ Mỹ.)

Các tác giả như Nguyễn Đình Chính, Bùi Chát, Đinh Linh, Nguyễn Đức Tùng... đều có thơ khuynh hướng khôi hài đen theo những giai điệu khác nhau. Song lắm lúc thơ “đen” quá cảnh giới khi cảm hứng thời cuộc thăng thiên, ẩn ức chính trị cao vọt. Chất hài hước ở sắc thái mới sẽ đục hơn về tâm tư dễ chuyển nội dung thơ thành thái độ thơ, khiến tính trữ tình suy giảm nhưng lại chưa đủ ý thức mới, suy tư sâu để trở thành loại hình thơ trữ tình chính trị. Có lẽ duy nhất là Nguyễn Đức Sơn, thi tài ôm đủ ba cung bậc bi-hài-tráng trong thơ trữ tình, như một hiện tượng kỳ quái đầy nhân bản của văn chương và xã hội Việt Nam suốt thế kỷ chiến tranh và hậu chiến.

 

Còn nhà thơ của PDTNĐM thì sao? Dạn tay phê rằng lối viết phúng dụ đang như thử nghiệm, cũng chẳng quá sai. Nhưng thử nghiệm là ở các điều khác, riêng về chất uymua kể như ổn. Quý ở chỗ tác giả giữ độ đậm nhạt dìu dịu về khả năng khiêu khích (điều tất yếu của khôi hài), nghĩa là tính tri thức đủ cao. Có thể gọi là “khôi hài nâu”. Anh hài hước mà không cần giễu nhạo, chỉ trích (vì thế không thuộc về dòng uymua hậu hiện đại.)

Một trong các thành phần thơ làm nên chất khôi hài nâu là việc chêm, đệm chữ cửa phật câu nhà thờ tiếng cư dân mạng, nhất là các từ ngoại ngữ (Anh, Pháp, Latinh... khi thì chuẩn lúc lại lung tung.) Đa phần có ngữ nghĩa đơn giản. Ở thời đại 4.0 dường như không là vấn đề với đại chúng. Về nội hàm, các chữ đó không có nội dung ngoại ngữ và càng không có nội dung văn chương tự thân. 

Nhưng, thái quá bất cập. Ở thơ phúng dụ NAT, cách dụng ngôn, từ cú pháp thơ đến dụng điển - với các bài không đạt - đang trở thành tíu tít. Làm giảm chất khôi hài đen, cùng lúc cản trở tiếp cận thơ.

 

Tập thơ có những “con mèo khôi hài đen” tiêu biểu là Umua đen ở bãi biển, Phúng dụ mẫu nhân vật umua, Phúng dụ J. Fucik, Phúng dụ Di Lặc…

 

5-

Nhiều điểm son khác hiển lộ nơi tập thơ.

Là chủ nhân một tập thơ trữ tình với mật độ thơ tình yêu đủ cao, NAT hoàn toàn bứt khỏi hàng ngũ các nhà thơ lãng mạn - hiện thực truyền thống, bài bản. Đây là một cây bút hiện đại của trữ tình và hiện thực - có phần không tưởng nhưng không lý tưởng kiểu cũ. Dẫu mang đôi nét ngẫu nhiên của kỹ thuật văn chương hậu hiện đại (thậm chí cả tính liên bản như được bàn kỹ ở bài trong [1]), thơ này không ham trò phá phách của cuộc chơi lớn lao mà bát nháo mang tên Hậu hiện đại, xét về tâm thức. Chân - thiện - mỹ vẫn là chân đế cho tập thơ. Đường thơ vọng tới chân lý không hoài nghi. Một nẻo xa của tân cổ điển?

 

Hầu hết các bài thơ đều có độ bất ngờ cao, mà không khiên cưỡng hoặc dụng công. Tôi ngờ rằng NAT có bí kíp của chàng, tạm gọi là cú pháp bất ngờ. Thơ, căn bản là một cuộc chiến du kích của ngôn ngữ; nó bí mật bất ngờ. Gần giống ý trên, nhà nghiên cứu, phê bình Văn Giá cũng khẳng quyết: “Nguyễn Anh Tuấn đầu tư vào những liên tưởng xa, bất ngờ, không tính lý do, tạo ra những vùng mờ, khơi gợi. Theo đó, ở những chỗ thành công, ngôn từ luôn được lạ hóa, đủ làm nên những ngạc nhiên.[3]

 

Một cách cực đoan, toàn tập thơ là cuộc chơi của các ma trận ý tưởng và bản đồ cảm xúc. Nội dung, chủ đề thơ chỉ là cái đinh theo tranh.

Từng bài thơ được tác giả tự biên tập đủ kỹ. Người đọc có thể hiểu/cảm; thích hoặc không, nhưng đâu dễ “thò mắt” sửa các lỗi câu chữ dư, lạc, đuối, lép... thường thấy ở các tập thơ đầu tay.

Vần điệu tương đối tự nhiên, không lụa nhưng chảy. Đa phần là thơ tự do; hứng lên thi sĩ vần điệu thì cũng điệu đà như ai (Umua đen ở bãi biển, Phúng dụ trăng). Chưa thấy bài thơ vần điệu nào điệu nghệ?

 

6-

Những vấn đề tồn tại trong thơ NAT phải chăng cũng không ít, nặng ký?

Lớn nhất là vấn đề sử dụng kiến thức "ngoài văn bản" (kinh sách, điển tích, nhân vật, sự kiện, tiếng nước ngoài... ). Và liên quan tới hai trọng điểm sau: “Phúng dụ từ những đám mây” (...) là thi ca của vẻ đẹp tư tưởng.”, và “Như vậy, tính liên văn bản trong thơ Nguyễn Anh Tuấn diễn ra từ vi mô đến vĩ mô (…)” [1]

 

Thứ đến là vấn đề ngôn ngữ nói riêng và hiệu quả diễn ngôn, tầm đón đợi từ người đọc nói chung.

Bên cạnh việc dùng phúng dụ như biện pháp chuyển nghĩa toàn tác phẩm chứ không chỉ từng bài/đoạn, tạng thơ NAT có thể còn nghiêng về khuynh hướng thơ ngôn ngữ (vốn là một trào lưu mạnh của Âu-Mỹ nửa sau thế kỷ trước).

 

Trên toàn cảnh thi ca Việt Nam hiện đại và đương đại, tuy không thành hình như một phong trào song tùy thời kỳ cũng có một tập hợp sáng tác với vài tác giả đại biểu ở đôi ba yếu tố phụ của dòng thơ ngôn ngữ: Đoàn Phú Tứ và nhóm Xuân Thu nhã tập; Bùi Giáng và Thanh Tâm Tuyền; Đặng Đình Hưng, Trần Dần và Lê Đạt... Cần kể thêm một số tác giả đương đại như Du Tử Lê (thơ với dấu gạch chéo “/”, gạch nối “-“, cách đặt chấm, phẩy, không viết hoa), Nguyễn Linh Khiếu (trường ca Phồn sinh), Đinh Linh, Nguyễn Quốc Chánh... “Thơ hũ nút” - đó là định danh phê phán từ dư luận độc giả khi các tác giả đó mới xuất hiện.

 

Chữ nghĩa ở tập thơ này không bí hiểm, kỳ khu về mỹ học ngôn từ; mà rậm rịt, chi chít đơn thuần ở thể thức tu từ. Nhiều nội hàm, ít nội dung; chúng chưa tinh luyện. Nói vui là hơi rối rít. Rất ít những bài thơ tinh khiết. Người thơ có tâm hồn thống khổ hay phơi phới ra sao, mà trên tay tôi là những trang thơ lôi cuốn như sách truyện? Trên những bài đậm đặc vấn nạn cõi tạm nhất (Phúng dụ cảnh giới của Buddha), ái tình gái trai đau xót nhất (Umua đen ở bãi biển), hay thân phận văn nhân trớ trêu nhất (Phúng dụ J. Fucik), mảng thuyền thi ca NAT vẫn lươn lướt. Như muốn cập bến đậu nào đó cho con đò chữ nghĩa riêng mình, chẳng hoài ngoái sóng gió xao động đằng sau - nơi lòng độc giả. Thơ mà đọc như truyện; hay đấy, và cũng không hay đâu!

 

Trần Dần và Lê Đạt là hai sư ông giữ kho từ vựng tiếng ta hiểm và tinh, theo hai sườn dốc khác hẳn nhau (mà tác giả của chúng ta có vẻ đang lần theo vết Lê tiên sinh). Nhị vị thi nhân Trần và Lê như đã tuân lời vọng về từ bài “Quan điểm” của nhóm Xuân Thu nhã tập khi “đào luyện trong cái đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam…

 

Liệu Nguyễn Anh Tuấn có chọn cho mình một lớp độc giả chung nào đó? Hay bất chấp; như các sư phụ, các liền anh? Thơ Tuấn, Tuấn cứ “phúng” cứ “dụ”...

 

Rồi vấn đề cú pháp thơ, ở toàn tập sách khi mạnh khi yếu, chưa đều tay. Theo tôi thấy trong thơ nói chung, cú pháp quyết định hình thức (như phong cách và nhất là nhịp điệu); còn ngữ pháp ảnh hưởng đến nội dung (ý tưởng, nhất là cấu tứ). Ẩn mật hoặc tối nghĩa ở thơ NAT dường như đến từ một cú pháp riêng nào đó?

 

Chưa hết. Vì lý tính nhiều, cảm tính ít, lại chao chao trong các trò bập bênh ngôn ngữ và dụng điển, kiểu thơ này không ham hoặc chưa/không đạt tới các câu-thơ-hay, các “nhãn tự - thần cú” vốn luôn là chứng chỉ Nàng thơ và Trời đất cấp cho mọi nhà thơ thành danh. Thi nhân làm nên các câu thơ hay; hay là, các câu thơ hay làm nên thi nhân. Cũng vậy thôi.

 

Điều nữa, có thể chuyện nhỏ. Như việc chấm, phẩy sai luật, dấu ngoặc khép không cần thiết… Thiển ý tôi, không nên xem như thuật lạ hóa, tạo mới: “Mà, không thêu con người/ Bỗng. hiện lên một viên phấn trắng” (Phúng dụ viên phấn trắng); hay Bỗng. buốt lừng “trăng sáng” (Phúng dụ Sentiment”)... Nhiều bạn đọc sẽ bảo đó chỉ là lỗi đánh máy!

 

7-

Thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm.

Một lý thú về phong cách tập thơ. Ở thơ NAT, thi pháp ngập ngừng/lảm nhảm -  không nổi trội, nhưng tôi tin đấy sẽ là một đòn bẩy trong tầm tay góp phần thúc đẩy nghệ thuật phúng dụ đạt đỉnh khi đang lưng chừng dốc.

 

Đây cũng chỉ là một cách nói, do tôi bày ra: Thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm và Thi pháp rành mạch/ tư biện. (Cảm phiền tác giả và độc giả, chữ "lảm nhảm" trông thế thôi nhưng đắc địa. Gốc khoa học của lảm nhảm là gì, nếu không là vô thức, tiềm thức?)

 

Thử lập danh sách nhà thơ Việt Nam thời nay viết theo Thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm: Nguyễn Vỹ, Lê Đạt, Nguyễn Hoàng Nam, Vương Ngọc Minh, Thường Quán, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Xuân Sơn…

Đối ngược là Thi pháp rành mạch/ tư biện với nhiều, rất nhiều đại biểu (thường là các thi sĩ mang giọng điệu xa hay gần từ âm hưởng bi tráng ca). Ở đây chỉ nêu tượng trưng: Trần Dần và Trần Mạnh Hảo; Hữu Thỉnh và Phạm Đình Ân; Chế Lan Viên và Bùi Chí Vinh; Cao Tần và Hải Như; Trần Nhuận Minh và Phùng Quán...

 

Dòng thi ca “ngập ngừng, lảm nhảm” được thấy rõ nhất qua cú pháp thơ không trùng với cú pháp tiếng Việt bình thường; rồi đến ý tản, nghĩa mờ; hình ảnh phân tán "tranh nhau" làm hình tượng khiến một bài thơ có 2-3 tứ (nhiều bài thơ trong một bài thơ); tự sự dông dài... Người đọc khó đón nhận thông điệp, nếu thơ quả thực có thông điệp. Đây là lối viết hiếm. Như một thứ tật, tật hành văn. Tật này vẫy gọi tài. Không thể quên cái kỳ khôi khó coi mà hấp dẫn trong thơ Nguyễn Vỹ, theo nhìn nhận của tôi, có phần đắc lực của thứ thi pháp đang bàn [4].

 

Một số bài được NAT nghiêng theo lối viết này: Phúng dụ Hà Nội, Phúng dụ những tiếng gà, Phúng dụ niết bàn, Phúng dụ Styx…

 

8-

Tôi "cảm" được gần như tất cả các bài đã đọc, dù không thích chừng một phần ba số bài. Và thú thật, tôi không "hiểu" được tới một phần năm số bài trong đó không ít bài có lẽ hay. Lỗi tại tôi mọi đàng! Cuốn thơ là ví dụ rõ cho cá nhân tôi thử nghiệm nhanh, nhiều trạng thái thơ: cảm, hiểu/ không hiểu, hay/ không hay, thích /không thích…

 

Nhưng không có trạng thái chán. Các nhà bình thơ Trung Hoa thường bảo, văn chương chán nhất là bởi nhạt. Thơ nhạt còn tệ hơn thơ dở. Nhà thơ của chúng ta đã vượt thắng cửa ải đầu tiên; với thơ được/bị viết theo phương cách nhất quán, như một kiểu “chế tạo thơ”. Đồng điệu mà không đơn điệu.

 

Mạn phép làm theo bảng điểm bốn bài mẫu hay, tốt, đạt, chưa đạt.

Bài hay: Phúng dụ từ những đám mây; bài tốt: Umua đen ở bãi biển; bài chưa đạt: Phúng dụ sentiment.

Xin dẫn toàn văn bài đạt:

 

Phúng dụ Hà Nội

 

Hà Nội

Phồn hoa lắm

Người đi

Bóng dẫm bóng

Mỗi nét văn trống đồng luôn kể rõ thiên cơ.”

 

Kiểu thơ này dường như không có các bài yếu, dở? Và tôi chưa đọc được bài nào xuất sắc thì phải? Sao vậy?

 

9-

Quà tới quý bạn nào phản cảm với từ phúng dụ: Chỉ cần thay phúng dụ bằng từ thơ. Tin là bạn sẽ hiểu đúng đến 96% tập sách Phúng dụ từ những đám mây gồm 96 bài thơ từ một người thích ký tên như sau trong các điện thư: Nguyễn Anh Tuấn, Nhân vật phúng dụ trữ tình, Thơ phúng dụ.

 

Đúng! Thơ là phúng dụ, phúng dụ là thơ.

 

 

Canada, 19/6 - 25/10/2020

 

 

 

 

Tài liệu trích dẫn:

 

[1] Hoàng Thụy Anh, "Nguyễn Tuấn Anh làm biếc non tiếng hát", vanchuongphuongnam.vn 22/4/2020.

 

[2] Đỗ Quyên, "Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm", vanhoanghean.com.vn 4/10/2011; và “Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt” vanchuongviet.org 11/5/2016.

 

[3] Văn Giá (tuyển chọn và giới thiệu), “Chùm thơ phúng dụ của Nguyễn Anh Tuấn”, FB Thơ hiện thời Plus 29/3/2020.

 

[4] “Nguyễn Vỹ”, vi.wikipedia.org:

“Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù

Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng…”

Hai câu thơ trên của Nguyễn Vỹ dù ở nhịp thơ và thi ảnh cũ, nhưng cách diễn đạt rậm rịt lại… giống trong tập thơ “Phúng dụ từ những đám mây“.

 

 

-=-

 

 

 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 1479
Ngày đăng: 28.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sắc thu làng quê Việt trong thơ Nguyễn Khuyến - Trần Thanh Xem
Phạm Ngọc Thái với bài thơ tượng trưng điển hình - Trần Đức
“Trò chuyện với thiên thần” - Mai Thanh Tân
Gập ghềnh khúc đau và nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai* - Trần Hoài Anh
Nói về thơ hay của ngàn năm văn hiến Thăng Long - Phạm Ngọc Thái
Thơ chọn Đặng Nguyệt Anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Giáng Vân, những đóa sen của nàng rừng rực đỏ - Nguyễn Đức Tùng
Với bài thơ “ cho mùa hiếu hạnh” - Hoàng Thị Bích Hà
Dòng sông tình qua bao mùa mưa nắng - Nguyễn Thanh Huyền
Lại nói về nhân vật THÚY KIỀU - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)