Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
814
116.677.956
 
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 1/6]
Đỗ Quyên

 

 

 

 

Hoặc là xuất hiện bằng một kiệt tác, hoặc là tự vặn cổ mình.”

Honoré de Balzac (1799 - 1850)

*

"Cái quan định luận"

Thành ngữ toàn cầu

*

“Từ thời niên thiếu, tôi đã có một ham muốn mãnh liệt hơn hết thảy:

Hiểu và giải thích được bất cứ những gì tôi quan sát thấy;

Nghĩa là sắp xếp được tất cả những dữ kiện vào các định luật phổ quát nào đó.”

Charles Darwin (1809 - 1882)

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

  • Vậy có ngay thơ rằng
  • Nội dung
  • Mục tiêu và cách viết
  • Tiểu truyện NHT ra đời vì nhiều lý do cụ thể
  • NHT & định vị, định danh (& "thiên tài", "văn hào", "giải Nobel")
  • NHT & thỉnh ý bách tính - Phỏng vấn nhảy dù tới trăm bạn Phây
  • NHT & giải thưởng
  • NHT & văn hóa vùng miền Nam-Bắc
  • NHT & đọc lại
  • NHT & thơ
  •  NHT & tiền
  •  NHT & tôn vinh
  • Vậy lại có thơ rằng

 

 

1.

Vậy có ngay thơ rằng

 

35 năm khắp văn đàn

Danh anh Huy Thiệp tanh bành trời Nam

Thì chúng tôi cũng theo đòi hai trong nhiều thủ pháp từng được sở hữu bởi nhà văn vừa quá cố: Phép "nói ngược" và dẫn thơ trong truyện. (Lệ làng thường dành câu "Vậy có thơ rằng" ở mục kết; bạn thử rê mắt xuống cuối xem sao...)

Vâng, đây là mục đầu tiên trong tổng thuật mang tên "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" (gọi tắt: Tiểu truyện NHT) được chuẩn bị gần trước ngày chúng ta mất đi nhà văn được dư luận nhìn nhận từng “xuất hiện bằng một kiệt tác”.

 

2.

Nội dung

 

Như một bức-trang-tường đặc biệt Thiệp, tổng thuật này trong năm nay có thể hoàn thành, đăng nhiều kỳ trên báo mạng. Gồm 34 chương mục trích lược tư liệu, bài vở, ý kiến mới phần lớn sau ngày NHT qua đời; thi thoảng kèm lời bình điểm, dẫn chuyện kiểu Mao Tôn Cương thời mới cho nhẹ bớt tầm chương trích cú.

Ngoài dăm phần phi lộ, các chương mục được dự tính như sau:

- NHT & định vị & "thiên tài", "văn hào", "giải Nobel";

- NHT & thỉnh ý bách tính: Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ

- NHT & điếu văn

- NHT & giải thưởng

- NHT & thời thế Đổi mới           

- NHT & chính trị, chính quyền, chiến tranh

- NHT & văn hóa vùng miền Nam-Bắc

- NHT & Quốc-Cộng

- NHT & đọc lại

- NHT & thể văn xuôi

- NHT & lịch sử

- NHT & kịch                

- NHT & thơ  

- NHT & tiểu luận 

- NHT - vua phỏng vấn  

- NHT & điện ảnh         

- NHT & tranh ảnh                 

- NHT & nông thôn     

- NHT & phụ nữ        

- NHT & hậu hiện đại         

- NHT & nghệ thuật viết văn  

- NHT & nhân tình thế thái 

- NHT & tiền

- NHT & Phật      

- NHT & tiểu sử, sự nghiệp 

- NHT & quan niệm sáng tác 

- NHT & tính cách, đời thường  

- NHT & tôn vinh

- NHT & 3 kỷ niệm cá nhân: "Tình tang tình là em rình bác... chết!"; "Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé..."; “Các cụ toàn chim to…;

- NHT & "Những bài học": 3 nan đề NHT; 1. Phong cách tự vấn/ tư duy đối thoại NHT; 2. Não trạng nhược tiểu NHT; 3. Tâm thức ẩn ức NHT

- NHT & bộ sưu tập sau ngày định mệnh 20/3/2021

Phần Phụ lục gồm các danh sách: 1. Những bài báo khác về NHT ngoài bộ sưu tập (hầu hết sau 20/3/2021); 2. Phân loại truyện ngắn NHT; 3. Sách xuất bản bằng tiếng Việt; Sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài.

Ngó dàn bài Tiểu truyện NHT của chúng tôi, ắt nhiều bạn thốt lên: Thiệp của chúng ta phủ sóng hết lãnh vực, chỉ thiếu "NHT & sinh đẻ có kế hoạch"? Quả có thế!

Ở đây, xin trình làng báo mạng bản rút gọn Tiểu truyện NHT gồm 13 chương mục và Phụ lục (tất cả cũng đã được rút gọn).

 

3.

Mục tiêu và cách viết Tiểu truyện NHT

  

Theo định nghĩa giáo khoa, "Tiểu truyện là một thể của loại truyện ký, một thứ truyện ký ngắn, ghi việc giản đơn." Còn Tiểu truyện NHT có thể xem như một loại biên khảo khác lạ: tổng thuật, bình điểm, kể chuyện từ một núi tư liệu, một sông ý kiến, một rừng nhân vật sau ngày nhà văn của chúng ta vĩnh viễn ra đi - ngày 20/3/2021 vừa qua.

Chúng tôi toan đặt bàn tay bé mọn của mình lên cánh cửa lớn đã mở rộng. Cánh cửa lớn, mở rộng từ hơn 35 năm. Bàn tay bé mọn cũng he hé suốt thời gian đó mà chưa nửa lần viết thành bài.

Bởi thế, xin gióng ngay lời tạ lỗi thật to nơi đây ở những bất cập, khiếm khuyết của Tiểu truyện NHT về quan điểm và phong cách, và nhất là ở các sơ xuất thủ tục, nhầm lẫn thao tác khó tránh khỏi khi thực hành tư liệu. Nội việc chọn vàng giữa sa mạc hàng trăm ý kiến lớn nhỏ, cả ngàn bình luận xé lẻ trên mạng xã hội FB đã là điều khủng, có phần khùng (dường như chưa thấy ai làm!) ĐQ tôi mong được coi những tác giả bài vở, ý kiến, bàn luận là đồng tác giả Tiểu truyện NHT. Quý vị và các bạn hãy nhận lấy lời tri ân chân thành!

Để đơn lược, những khi không giới thiệu thì các nguồn trích dẫn không được nêu ra như trong bản thảo đầy đủ đang viết.

Nói cho bảnh, Tiểu truyện NHT mang hình thức, nội dung, và nhất là tâm thức, đan cài cổ điển lẫn hậu hiện đại. Ở nồi lẩu văn chương này, Thiệp là chất liệu đã đành và còn là nhiệt độ đun nóng.

Mục tiêu gần của Tiểu truyện NHT, tất nhiên, về tác phẩm và con người NHT xuyên qua dư luận, bài vở mới sau khi nhà văn qua đời. Mục tiêu xa, về văn chương và con người VN nhìn từ “hiện tượng Thiệp”.

Tới VN đương đại từ NHT (vì VN mới là trọng) rất kềnh càng, rắc rối,  người kể khách quan bằng giời cũng bất khả. Cách làm của chúng tôi là lần lần điểm trích theo các chủ đề thiển ý là đáng giá về dư luận quanh vấn đề NHT trong tháng ngày qua; thi thoảng hứng chí đụng tình thì bình bàn thêm, đặng rõ các lời trích và phần nào hé ra tí quan điểm riêng. Thế thôi...

Với thời gian có hạn người viết đã gửi lời xin phép tới chừng 20 văn hữu rằng sẽ nháy nháy bài, câu, ý... của chính chủ. Với rất nhiều bạn Phây thân sơ khác cùng quý bạn chưa được thành bạn, xin hỷ xả cho 2 chữ đại xá thật to về cái sự tiền trảm. Mà bài rút lược đây là hậu tấu. Đa tạ ạ!

Trong khi bình bàn lắm lúc chúng tôi cũng PR cho nhân vật trích dẫn, trong đó khá nhiều bạn bè. Trước, để giúp các độc giả không rành danh phận văn chương của nhân vật; sau, dịp tốt PR nhân vật mình thân mình thích. (Theo Maxim Gorky bàn về làm dáng, ta có thể bảo: PR không xấu, miễn sao thành công. Mà không thành công thì cũng sẽ thành nhân thôi; theo Nguyễn Thái Học luận về cách mạng, người Việt ta quá rành; mà Thiệp cũng rành lắm.)

 

4.

Tiểu truyện NHT ra đời vì nhiều lý do cụ thể, trong và ngoài vấn đề NHT

 

Trong: dễ hiểu - thử trình dẫn một lối nhìn lại vấn đề NHT. Ngoài: chúng tôi vốn khoái chí (hân khoái và quyết chí) với các chuyện viết lách bằng tư liệu.

Tự PR, tí thôi: Đang có 5-6 (với 3 cái tạm xong bản thảo) biên soạn, khảo cứu về thơ, văn chương, lịch sử theo kiểu phân loại tư liệu. Khó nhất và cũng khủng nhất, về các nhân vật người Việt xưa nay ở mọi lãnh vực, tạm tắt là VN-VIPs (Sẽ nói thêm ở mục 4 chương 5 dưới đây).

Riêng về tiểu thuyết, có 2 cái đã xuất bản và 2 bản thảo cũng từ từ liệu. Cái Trung-Việt Việt-Trung "chăm phần chăm" tiểu thuyết tư liệu, còn cái Đẻ Sách xét về nội dung chừng 50%. Cuối cùng, vốn dĩ làm thơ, người viết cũng thích sáng tác thơ từ tư liệu và đã có 3-4 trường ca cái ít cái nhiều dính dấp tư liệu. Vâng, biết rồi, khổ lắm, tư liệu mãi...

Hồ sơ NHT khủng và khó. Tất nhiên, nhà văn sinh ra cuốn sách chúng ta đang cầm là một trong không nhiều tác giả đóng góp không chỉ nhiều tư liệu mà còn tạo xung lực cho dự án VN-VIPs. Thói quen ghi nhận xét vụn, như mọi người viết lách khác, chúng tôi từng có không ít về NHT. Nhưng ở đây chủ tâm chẳng nhìn lại bất cứ ghi chép cũ nào. Quả có thế!

Lời đề từ của cha đẻ học thuyết Tiến hóa Charles Darwin treo ở trên đã và đang hiện diện ở 6-7 bài vở các kiểu của kẻ này. Âu là cũng có nguyên cớ xa từ nghề cũ giảng dạy, nghiên cứu vật lý - một loại khoa học của các "quan sát", "giải thích sắp xếp, dữ kiện" và cuối cùng là "định luật".

Tưởng cũng nên tỏ rõ... Có lẽ phần vì chúng tôi ở xa, chưa từng một dịp trực tiếp hân hưởng cùng bạn văn quanh đề tài NHT; thậm chí chưa hề quen biết cá nhân ông cũng như chưa nửa lần gặp ngoài đời, dù trong đám đông. Nỗi khuyết duyên với NHT phải chăng là điều may, góp phần thảo ra Tiểu truyện NHT sao cho công bình, hấp dẫn (mà “đậm sắc Thiệp”) và - khó nhứt trần đời! - khách quan?

 

5.

NHT & định vị, định danh (& "thiên tài", "văn hào", "giải Nobel")

 

1) "Thiên tài", "văn hào", "giải Nobel" & NHT      

2) Sang giá, sáng giá NHT               

3) Phản biện NHT      

4) Quan niệm riêng về văn hào, thiên tài trong VN-VIPs   

*

 

Định vị, định danh NHT đã có từ khi Tướng Về Hưu lâm trận, và rả rích tới nay. Nhưng dường như chỉ ngay sau ngày NHT chính thức khuất núi mới nảy ra chủ điểm "văn hào","thiên tài", "giải Nobel" róng riết, nhất là trên FB. Đáng chú ý vì giữa các fan, có những nhân vật tầm vóc đầu bảng làng văn trong-ngoài VN và cả quốc tế.

Trước khi vào cuộc với chủ đề nổi sóng, dao động mạnh theo thị hiếu cá nhân cùng niềm hiếu thắng khi say mê phong thánh (căn bệnh nói chung là đáng yêu nơi người trần mắt thịt) lại thêm Việt tính nghĩa tử nghĩa tận, Tiểu truyện NHT chắc cờ giương ngay 3 đánh giá hẳn là khả thể, khả ái hơn cả giữa đông đảo độc giả NHT.

Tuần báo Văn Nghệ (Hà Nội) trong vụ này xứng là bàn chủ tọa. Trong số báo chỉ sau ngày nhà văn qua đời 5 ngày đã in 2 bài giá trị với lời tòa soạn gần như chuẩn khỏi cần chỉnh:     

“Ông nhanh chóng trở thành một hiện tượng độc đáo của văn học VN thời kì đổi mới, và được mệnh danh là “vua truyện ngắn” với khoảng 50 tác phẩm đã xuất bản [...] cũng được coi là một trong những cây bút xuất sắc của văn chương VN  từ 1975 tới nay.

[...] một mình ông lại có thể đào xới lên nhiều vấn đề thuộc về bản chất văn học, tạo nên sức bật khỏi ảnh hưởng văn học trước 1975 [...] hòa nhập vào biển cả văn học hiện đại của thế giới [...] NHT đã làm một cuộc cách mạng trong tư duy nghệ thuật so với truyền thống. Những tác phẩm của ông với một mặt tiếp nối, bảo lưu nguồn mạch văn học dân gian, mặt khác lại tiếp thu tính hiện đại, đánh dấu bước ngoặt của văn học VN thời đổi mới..."

GS Huỳnh Như Phương, từ TP.HCM, là một trong những nhà nghiên cứu thẩm quyền và thẩm văn phải nói là khách quan, đúng đắn hàng đầu VN từng đến với tác phẩm và tác giả NHT ngay những năm đầu tiên cho tới gần đây. Tuy viết rất ít về NHT, nhưng bài phác họa chuẩn xác, gọn gàng mà bao quát của ông cũng chỉ nằm dưới tựa tầm tầm: "NHT – người đạt đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn". Trong bài có thêm những tính từ minh họa "đa dạng, tầm cỡ", "nghệ sĩ thiên bẩm" ngay khi so sánh với 2 VIP kịch trần văn xuôi VN hiện đại - Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.

Báo Diễn Đàn (Paris) nhiều thập niên nay là một địa chỉ xã hội, văn hóa VN ở ngoài VN đầy uy tín với bán kính ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu, trong đó mảng văn học luôn đủ 3 tiêu chí “xanh, sạch, xinh”. Trang mạng duy nhất có đề mục riêng “để tang NHT” ấy đã nhận định nhà nghề và trung dung mà không mất sự tôn vinh cao cả, khi viết NHT "được xem như nhà văn lớn nhất của văn học Việt Nam đương đại [...]"

 

1) "Thiên tài", "văn hào","giải Nobel" & NHT

Trước đây, chúng tôi thấy các chữ "thiên tài" ở trong một vài bài viết, như dạng bổ nghĩa các từ, ý khác về nghệ thuật viết văn NHT mà thôi. Chưa định vị, định danh. Trong bài vở chính thức chính tông, lâu nay thiên tài của văn chương tiếng Việt thường dành cho Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát. Đến như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương cũng chỉ được hậu thế xem xét thiên tài ở mặt nào đó.

Về "văn hào/thi hào": Không kể một vài VIP kinh điển như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, thi thoảng là Cao Bá Quát. Với các VIP hiện đại thi thoảng với thấy ở Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi cũng hiếm thấy ai gọi vậy với Nam Cao?

Ở miền Nam trước 1975, văn giới hay nói đến Nhất Linh với "văn hào", vài tác giả cũng dùng "thi hào" với Vũ Hoàng Chương. Và dư luận hiểu đó là các mỹ từ danh dự, tôn vinh chứ không hẳn là định vị, định danh về phẩm chất tác giả, tác phẩm.

Thi sĩ Hoàng Hưng, trong tháng qua, như văn nghệ sĩ khởi đầu trụ giữa làng giữa nước Nam mà định danh định vị "thiên tài" cho NHT.

Bệ phóng vững chắc cho "văn hào NHT" là danh tiếng đầu bảng của Hoàng Hưng trên hầu khắp các lãnh vực không chỉ hội đoàn, báo chí, văn chương, dịch thuật... còn những là nhân quyền, xã hội, văn hóa VN đương đại nhiều thập niên qua. Cũng nên nhớ lại, từ trước thời đổi mới VIP này đã tự định danh định vị mình trong mạch ngầm thơ cách tân ở miền Bắc VN.

Chúng tôi may có không ít cơ duyên văn nghệ văn giềng, sách vở cùng thi nhân từ Sài Thành đến Hà Thành sang tận Van Cù Vơ qua những là hội thảo báo bổ, cà phê cà pháo tay bo mặt đối mặt cho chí tiệc tư gia... Nên cũng hiêu hiểu tính cách và khẩu khí liền anh văn nghệ mà mình cực quý trọng. Cái sự định danh định vị phát ra từ họ Hoàng đâu chỉ là goût, là fan (có thể tâng thần tượng tót vời tới giời chả chết cậu tây mợ đầm nào). Đó còn là kiến văn, là trách nhiệm khủng ông sở hữu trước văn giới, thiên hạ bá tánh trong-ngoài VN.

Ngay các giờ phút đầu tiên khi "trái tim hổ" NHT ngừng đập, trên FB Trần Đăng Khoa, Hoàng quân đã hốt nhiên mà còm: “Nhớ [hơn 10 năm trước], gặp ông ở phòng tranh Lê Thiết Cương, chỉ bắt tay nói 1 câu: Anh là thiên tài!” Nghệ sĩ Thiết Cương - hơi bị đa tài lại đa năng, bạn vong niên tha thiết da diết mê miết với Huy Thiệp - họa liền tức thì: “Vâng, anh! Chắc chắn rồi!” Ôi đồng thanh tương ứng...

Sau đó nhà thơ đính trên tường nhà mình những nhời trĩu nặng văn bia (Có ký tên hẳn hoi!):

"Vô cùng thương tiếc nhà văn NHT. Thiên tài văn học VN đương đại, tầm thế giới. Di sản của ông sẽ sống mãi!

Tôi coi NHT là nhà văn lớn nhất của văn học VN đương đại. Chưa ai đạt đến mức lột tả sâu sắc, tinh tế, thấu đáo đến thế về tâm thức người Việt ngày nay, khao khát một cái gì đó cao đẹp xa xôi nhưng cam chịu hiện trạng trong nỗi tủi phận, đớn hèn, ti tiện, rồi ngao ngán, chán chường, cay đắng… Tôi nghĩ đến Lỗ Tấn của tâm thức Trung Hoa! Cũng chưa ai đạt đến một tiếng Việt thuần tuý, xúc tích và khơi gợi như thế! Thậm chí xét cả trong lịch sử ngàn năm văn học VN, cũng chưa chắc ai đạt đến mức NHT về 2 phương diện ấy!" - Hoàng Hưng"

Sau đêm vắt chuột/mouse lên trán, không biết linh cảm hay trực tiếp đọc các phản hồi, VIP của chúng ta lăn tăn: “Hôm qua, mấy dòng nhận định về cố tác giả NHT của HH tui có quá lời?”

Vưng, nhận dạng "thiên tài" ấy như một bài thơ "vụt hiện" phụt ra từ nhà thơ danh giá đã khiến lao xao góc chợ Phây. Mấy con tự “lịch sử ngàn năm”, “sống mãi” gây tâm bão Phây suốt cả tuần.

Trương Hồng Quang, nghiên cứu gia, dịch giả, phiên dịch - người mà văn hữu vừa chỉ điểm rằng “gọi NHT là văn hào từ rất sớm, có lẽ trước tất cả những người khác” - đã đồng khí tương cầu; còm:  

“Em cũng hoàn toàn chia sẻ nhận xét của anh Hoàng Hưng về NHT ạ! Riêng về phần mình em không ngại dùng từ văn hào để chỉ về NHT, cũng như dùng chỉ thi hào để chỉ về Nguyễn Du."

Nhấn phát: Bạn này cũng là “anh mối” đưa Thiệp “nhà văn nông dân” giao lưu cùng nhà tư tưởng GS Trần Đình Hượu tại salon văn học nhỏ nhắn mà thanh lịch, uy tín bậc nhất Hà Thành - tư gia nhà giáo, nhà nghiên cứu Văn Tâm. (Tiện, tự sướng 2 tí nữa: 1. Người viết từng là trò cưng của thầy Tâm đấy nha, hồi lớp 10H trường Nguyễn Trãi í mà; 2. Người viết từng phục họ Trương như là tác giả 1 bài phê bình NHT ngay khi nhà văn nhớn vừa nổi đình đám 30 năm trước; và mới 3 năm nay thì quen biết tác giả, hơn thế còn được Trương gia khoản đãi bún chả Hà Thành đích tay phu nhân tác giả nổi lửa tại tư gia thanh tịnh ven làng ngoại ô yên bình hè về xứ Đức).

Đến ngày "văn hào thiên tài" vào lòng đất 24/3/2021, nhờ bạn hữu Hà Thành chuyển vòng hoa chung đến viếng, còn trên tường Hoàng gia:

"Mấy hôm nay, đọc lướt nhiều bài về NHT (có lẽ chưa từng có nhà văn nào vừa “cái quan” đã được nhiều “định luận” như ông!)”; "Hôm nay bắt đầu tang lễ NHT! Ông được trời cho tài năng, thời thế và cơ hội, đủ các yếu tố trùng hợp cho thiên tài xuất hiện!"

Còn nữa cơ. VIP quen thuộc của văn chương VN đương đại dành thêm tút phân tích gọn ghẽ, lí giải chi tiết sự định danh định vị NHT của mình (Xem tiếp phần dưới).

Bảo Ninh - một "ông nhớn" dòng tiểu thuyết nước Nam chiến tranh thời hiện đại (không ham chơi Phây nên) bày tỏ thẳng tưng mặt báo:

"Cái chết của anh khiến tôi liên tưởng đến Nguyễn Du. Nhưng có lẽ đỡ buồn hơn Nguyễn Du ở chỗ, Nguyễn Du mất đi than không biết trăm năm sau ai người khóc Tố Như, còn NHT thì ngay từ bây giờ đã có chí ít vài trăm độc giả biết rằng tác phẩm và tên tuổi ông sẽ còn sáng ngời trong thế kỷ này, thế kỷ sau và vài thế kỷ nữa, nếu không nói là trường tồn".

Dám gọi là có chút đỉnh tình thâm dù mới quen biết non 3 năm bọ, kẻ hèn cũng có thể "meo meo" tư vấn ông kẹ xem các em các cháu ký giả chúng nó có ghi trúng tiên ý cao kiến không. Nhưng chúng tôi đâu có khờ. Là một tay viết báo cựu trào, ổng dư biết dân viết lách chúng mình vớ được món độc phải xơi tái chiên ròn chứ bộ!

 

Nguyễn Hồng Hưng là yếu nhân trong vấn đề NHT mà chúng tôi giờ mới biết tương đối rành rẽ về ông - 1 nghệ sĩ rất hào hoa, cá tính và liên tài. Trước, chỉ nghe về "họa sĩ Hưng bạn Thiệp", về tượng Phật hai "ông thần" dựng lồ lộ vườn nhà NHT. Hết! Thực ra chưa hết, bù lại, hơn khối người chúng tôi lại khá rành Hồng Hoang - tác giả của hàng chục truyện ngắn chỉ riêng mảng miếng nầy đã là văn sĩ đáng kể.

Đỗ Minh Tuấn, VIP làng văn nghệ sĩ Hà Thành không chỉ về chuyên môn, trong tút khóc NHT xác nhận:

"Anh Hưng là người thân thiết bậc nhất với anh Thiệp, cũng là người sớm phát hiện ra tài năng bẩm sinh của anh Thiệp và tham dự nhiều vào quá trình hình thành văn phong của anh Thiệp."

Thế nên họa sĩ, điêu khắc gia, nhà nghiên cứu và giảng dạy hội hoạ Nguyễn Hồng Hưng/ văn sĩ Hồng Hoang là fan cứng cựa NHT thì cũng phải thôi. Song song với Bảo Sinh, bạn vong niên "thân thiết bậc nhất với anh Thiệp", ông chịu tang bạn liên tục trên BBC, FB cá nhân và vài trang báo mạng. Và, như ông thi sĩ Hưng, ông họa sĩ Hưng cũng “giương cao mãi mãi ngọn cờ văn hào”:

“Dư luận xã hội trong mấy ngày sau khi nhà văn NHT qua đời, đã hé lộ ông là một văn hào."; "NHT xứng đáng là một văn hào của VN. Tôi cho rằng di sản lớn nhất của Thiệp chính là văn học của ông ấy và phải mất nhiều năm nữa để mọi người hiểu hết được di sản ấy.”

Người 40 năm đánh bạn cùng NHT giải thích với nhà đài BBC:

"Nguyễn Du, một bậc tinh hoa của dân tộc, mà cũng từng bị người ta chỉ trích như thế, thì huống chi là anh bạn Thiệp của tôi, do đó người này chê, người kia chê là bình thường thôi. Song không phải là bị chê mà NHT không phải là một văn hào, tôi đánh giá NHT rất là cao. Thiệp hoàn toàn không viết gì về chính trị, nhưng lại là thứ chính trị cao nhất."

(Nt)

Một VIP của cộng đồng Việt hải ngoại, văn nhân Đỗ Quý Toàn tận bên xứ Cờ Hoa la lớn ngay ngày 20/3: “NHT đã ra đi! Một thiên tài đã mất!” Uy danh Đỗ tiên sinh nhớn lắm à nha, từ báo chí, kinh doanh đến văn học, bình luận; từ quảng giao đến tư cách; từ đời trần tới cửa thiền… Dính duyên ngót 30 năm cùng liền anh văn nghệ, chúng tôi cứ không ngớt ngạc nhiên đọc tới đọc lui 2 câu ngắn mang sức mạnh ngàn trang!

Nhà văn Nguyễn Thanh Văn đã có lời “Để tưởng tiếc văn tài và chí khí bất khuất của cố văn hào NHT” đề trước truyện dài của mình về các anh hùng nghĩa sĩ thời Cần Vương được chấp bút vào tháng 3, đăng báo mạng 22 & 25/5/2021. Đoạn kết truyện:

“Vâng, hiến dâng phần đẹp đẽ nhất của mình cho nhân loại và lòng tưởng tiếc không nguôi ngoai tới Cái Đẹp mà đồng loại gửi lại cho mình là cảm hứng chính cho việc sáng tác câu chuyện các bạn vừa đọc qua với lời đề tặng người mà tôi thật sự quý trọng và tri ân với tư cách văn hữu lẫn bạn đọc.”

*

Bây giờ phải nhường míc cho các ông tây bà đầm thành Ba Lê ánh sáng chính hiệu. Từ trước đây cả tá năm, một số VIP xứ Phú Lang Sa từng định danh định vị NHT thế vầy:

“Những khi anh [NHT] ở Paris, có vài nhà văn Pháp đến thăm, tôi [Thụy Khuê - xem tiếp đoạn dưới] nhớ có một bà lãnh giải Goncourt, tôi quên tên, khẩn khoản đến xin gặp "đại văn hào" (le grand écrivain viêtnamien) cho bằng được, và qua câu chuyện, tôi thấy ở bà một sự kính nể thực thụ.

Dịch giả Marion Hennebert, nguyên sếp lớn Nxb Aube - nơi độc quyền in ấn tác phẩm NHT ở Pháp:

Đối với Nicole Zand, nhà báo Le Monde, đối với Jean Lacouture, anh là nhà văn lớn nhất VN, không thể chối cãi được… đơn giản là một đại văn hào.”

Nicole Zand có thể hổng mấy dân Việt ta rành; chứ nhà báo, nhà văn, nhà viết tiểu sử Jean Lacouture thì quá quen: Cây bút đại thụ làng báo chí Pháp rất gắn bó với VN suốt 2 cuộc chiến.

*

“Công án” một nhà văn VN với giải Nobel văn chương nghe đâu ủ mưu từ mồ ma cụ trưởng làng văn hiện đại Nam Cao. Tầm 2 thập niên trước  bùng khá mạnh qua loạt bài báo của vị VIP kể trên, bạn tôi (Kẻ này trông thế mà quen nhiều VIP đáo để!): Nhà văn nghệ sĩ toàn năng Đỗ Minh Tuấn vốn nưng nức danh khi sở hữu 4-5 “nhà”, trong đó rất xung trong vai phê bình-tiểu luận gia. Nói rõ ra là tranh luận gia! Là công án danh vọng, lâu lâu nó trở mình hồi sinh, như thói tật ngứa ghẻ hờn ghen mà giống người Việt chúng ta khỏi đường né tránh.

Hai tháng trước, tại đại bản doanh của mình - tạp chí Văn Nghệ Quân Đội - văn sĩ, đại tá Tổng biên tập Nguyễn Bình Phương giả nhời thẳng băng “Tôi không điên!” kèm tiếng cười, trước câu hỏi nghĩ gì về giải Nobel từ ký giả MC có tiếng Phan Đăng.

Chúng tôi chưa được thân với nhà văn, nhà thơ có tiếng không chỉ về tác phẩm mà còn về cá tính ít ngao du văn thi hữu. Chỉ thi thoảng giao thiệp thư từ, bài vở, cũng cảm thấy đúng như làng văn đồn thổi: Ngài đại tá không sở hữu tánh chém gió như đại đa số văn nghệ sĩ nước Nam ta (Có lẫn kẻ này trong trỏng!) “Tôi không điên!” Đồ rằng câu thật lòng, cởi mở. Song le, nơi rừng thẳm tuyết dày cõi tâm tư, cứ muốn ngờ ngài vẫn “điên điên” chun chút chuyện này. Tiếng cười hé lộ cái chun chút nơi một cá tính. Bọ biết các chú mà...

Thực sự, ngay hôm coi bài phỏng vấn hiếm hoi Đỗ tôi phác ngay trong đầu danh sách (thì lập danh sách là nghề của chàng) sau khi sánh so một tá văn sĩ VN viết tiếng Việt xem ai cận giải Nobel hơn cả.

Và nó đây, hầu chuyện ngay và luôn! Thứ tự: Bảo Ninh, Bùi Ngọc Tấn, Dương Thu Hương, Nguyễn Khải, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Xuân Khánh, NHT… Đến bác Thiệp, nhà em ngưng. Bởi lúc đó nghĩ đến nhà văn nhớn đang kiên gan uýnh lại cơn bệnh quái tái phát.

Tin không hay cho độc giả Tiểu truyện NHT: Nhân vật trung tâm trong biên khảo của chúng ta, vua văn xuôi của chúng ta vừa thăng hà đã đội sổ trong danh sách của kẻ tiện văn. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy...

Tức là, các vị đứng trên dễ lọt tiêu chí cụ Nô Beo hơn: Tính nhân bản trong sự bình dị một cách tinh tế.

So sánh 2 tác giả thơ và văn xuôi ở đây không khập kễnh khi cho nhị vị vào chung khung điểm. NHT nhà ta gần như ngược hẳn với khôi nguyên Nobel văn chương 2020:

Louise Glück được vinh danh vì “giọng thơ riêng biệt mà với vẻ đẹp mộc mạc đã khiến sự tồn tại cá thể trở thành phổ quát”. Trong câu ấy, hãy chú ý nhất đến từ “vẻ đẹp mộc mạc”. Thơ của Glück không ba hoa, không bóng bẩy, không tham vọng, không làm dáng bằng những từ ngữ loảng xoảng “nguy hiểm”. Chúng kiệm lời, gọn gàng, không đánh đố sự hiểu biết của người đọc, song vẫn chan chứa sự mơ hồ và những khoảng trống câm lặng khó minh định.” (Hiền Trang; vanvn 9/6/2021)

Tất nhiên “cẩu cậy nhà, gà cậy gần chuồng”, ở các tác giả bản địa Âu-Mỹ phong cách và thi pháp có thể hơi quầy quậy, song với các vị viết văn mần thơ đến từ miệt Đông bán cầu, làm ơn: hay thế nào thì hay nhưng để Tây Thụy Điển chúng tui còn hiểu được! Cứ như Tagore hoặc Mặc Ngôn cho nó lành, nhé!

Theo giọng của kẻ ưa đọc sách ham ăn hàng, ta thử ví von: Phở bò là văn chương phương Tây nói chung, phở gà là văn chương giải Nobel; văn chương phương Đông nói chung: bún bò Huế, văn chương VN và và một số dòng ngôn ngữ thiểu số: bún mắm tôm.

Cái “nỗi buồn chiến tranh” theo cách Bảo Ninh được dư luận phương Tây đánh giá rất cao (đến mức tháng trước một tác giả phê bình bảo rằng nó “có độ phổ biến trên thế giới lớn nhất” cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du”), theo chúng tôi nhờ 3 yếu tính: nhân bản, bình dị, tinh tế. Tất nhiên, điều trên cả yếu tính đầu tiên: chiến tranh VN.

Nào so sánh nhanh văn chữ ở Bảo Ninh và NHT: Ngôn từ và suy tư Bảo Ninh giản dị mà không đơn giản, không cũ chẳng quá mới, vừa đủ hiện đại; phương Tây hóa phương Đông. Nơi NHT thì lại tầng tầng tư tưởng lớp lớp triết thuyết đan cài lắt léo chéo ngoe với ta bà trần tục; thích, khen thâm thúy, ghét, trách xiên xỏ; tham vọng phương Đông hóa phương Tây.

Văn NHT nhân bản ở tầng sâu, tải đạo ngất ngưởng, ngùn ngụt, chan chát, đôi khi sượng. Nhìn chung “tham vọng”, “từ ngữ loảng xoảng “nguy hiểm”, tuy “kiệm lời, gọn gàng” nhưng “đánh đố sự hiểu biết của người đọc”. Bún mắm cáy, trong khẩu vị Hàn lâm viện Thụy Điển và thị hiếu Âu-Mỹ.

Sau khi NHT nằm xuống, nhà phê bình Vĩnh Phước đã phần nào cùng cách so sánh trên với chúng tôi:

(...) nếu phải chọn ba tác giả văn xuôi giàu sức thuyết phục nhất trên văn đàn Việt sau 1986 thì tôi không ngần ngại xướng tên: NHT, Bảo Ninh và Nguyễn Bình Phương. Văn Việt chẳng cớ gì phải tự ti mặc cảm để rồi kính nhi viễn chi các giải thưởng lớn quốc tế".

Dạ Ngân, nữ văn sĩ nổi danh, nhà biên tập có uy ở mảng truyện ngắn báo Văn Nghệ thời oanh liệt, cũng nói thẳng trong phỏng vấn bỏ túi cùng chúng tôi:

“[NHT] Thành công với truyện ngắn, một số truyện dù hot với VN một thời nhưng có lẽ, không trụ nổi trong lòng độc giả sau này; đơn cử như Tướng Về Hưu. Một số truyện hay, cổ điển nhưng thế giới cũng đầy ra kiểu ấy (Muối Của Rừng, Chảy Đi Sông Ơi…) Về tiểu thuyết anh ấy kém, thậm chí sến.”

“Để là tác gia VN để ứng viên Nobel, lại không bằng Bảo Ninh. Tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh có đặc trưng xã hội VN, lịch sử chiến trận VN, về chiến tranh là về nhân loại, về thế giới. Nỗi Buồn Chiến Tranh rất giỏi về mặt tiểu thuyết. Và Bảo Ninh cũng rất hay với truyện ngắn.”

*

Ngọn nguồn của khúc này trong “chuyện dài nhân dân tự vệ” định vị định danh NHT từ đâu?

Có nhẽ từ bài khóc dào dạt văn em chữ chị, dàn dạt thông tin “chuyện bây giờ mới kể”:

“Thiệp tin mình sẽ nhận giải Nobel, điều này có thật. Không phải lỗi ở anh, mà do hoàn cảnh đưa đẩy, và nếu có lỗi, thì từ Marion Hennebert. [...] một trong những người đọc đầu tiên của Thiệp trên đất Pháp.”

Mao Tôn Cương ngay & nhanh: “Tại anh tại ả, tại cả đôi bên" ạ.

“[...] người có kinh nghiệm văn chương, vẫn tự hào là đã đưa Václav Havel ra với thế giới bên ngoài, khi dịch ông sang tiếng Pháp. Và đã khám phá và dịch Cao Hành Kiện, Nobel 2000. Lần này, Marion "nhất định" rằng NHT sẽ đoạt giải, và bà đã vận dụng tất cả mọi phương tiện để… thành công.”

(Nt)

Giá trị của lượng thông tin là nguồn phát. Thưa, chúng ta đang trích lược bài báo hiếm hoi đến từ Paris của nữ văn sĩ Thụy Khuê - nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo, ký giả báo viết báo nói phủ sóng nhiều bộ môn văn học nghệ thuật, người có tầm (hàng đầu) có tâm có uy có tín trong-ngoài hình chữ S ngót nghét 30 năm qua:

Bản thân tôi không tin vào giải Nobel hay bất cứ giải thưởng văn chương nào khác [...] Nhưng sự nhiệt thành của Marion khiến tôi xiêu lòng và giúp bà trong việc này: [...] lại NHT, trong một tuyển tập dày dạn [...] nếu cần, để gửi đến ban chấm giải Nobel. Y hệt như [...] Linh Sơn [...] của Cao Hành Kiện ngày trước. Marion đã bỏ ra gần hai năm để thực hiện công trình này, cố gắng hoàn thành tập “NHT Crimes, amour et châtiment”, dày 745 trang, tuyển chọn 45 truyện ngắn của NHT. Sách in xong, năm 2012, lại gặp một trở ngại lớn. Marion bảo tôi: Ban xét giải bảo, Nobel thường chỉ phát cho những nhà văn viết tiểu thuyết, chưa hề phát giải cho truyện ngắn bao giờ.[...]

(Nt)

Giá trị của nguồn phát còn ở chỗ Thụy Khuê - theo cái nhìn từ chúng tôi - là VIP số 1 trong không nhiều, chừng nửa tá các phê bình gia, ký giả ở hải ngoại quan tâm, viết bài, làm phỏng vấn các VIP văn học nghệ thuật trong nước mà hầu hết là các vị cần chiêu tuyết. Ngoài chất lượng, số lượng, phạm vi các bài viết, nữ sĩ gốc Việt thành Ba Lê may mắn trụ ở rốn văn hóa vũ trụ trong một nhà đài cũng hàng đầu, nên - thêm tấm lòng văn hữu quảng đại - có cực nhiều cơ duyên đón tiếp, đàm đạo, chia sẻ cùng các đỉnh văn học nghệ thuật trong nước. NHT, tất nhiên rồi, nằm trong số đó và có lẽ (qua câu chót của bài ai điếu) là số dách.

“Đến năm 2013, Alice Munro, được giải Nobel vì toàn bộ truyện ngắn của bà; thì lý do Thiệp chỉ viết truyện ngắn nên không được xét giải Nobel, không còn giá trị nữa.”

(Nt)

Bài hồi niệm tạo chấn động “ngay & nuôn” (xưa các cụ ta làng tây bảo là tú đờ suỵt). Hầu hết đã phản hồi dương trước thông tin vô vàn trân quý và tình cảm hết đỗi thơm thảo. Khỏi lăn tăn, đó chính là văn bản ai điếu giá trị số 2, nếu dư luận đã xem điếu văn của thi sĩ tân Chủ tịch HNVVN Nguyễn Quang Thiều là số 1. Và, theo lệ siêu thị Phây ta cũng như tây, lại kèm chả ít các cơn sóng âm chẳng kém dữ dội.

Chung quy chỉ tại Vua Hùng, ối nhầm, chung quy chỉ tại Nô Beo! Của hiếm, góc nho nhỏ làng Phây nổi dông bão như bạn đọc đã thấy mà Tiểu truyện NHT dẫn lại phần nào.

Câu dưới đây đã chuyển từ nhân vật chính NHT sang nhân vật phụ là nguồn phát bị xơi đá dồn dập từ cư dân mạng, trong đó không ít vị cũng mang tầm chữ uy văn đầy mình (Thuận, Nguyễn Đức Tùng, Phan Nhiên Hạo…)   

Mà tôi chắc chắn, bất cứ nhà phê bình đứng đắn nào, khi đọc và so sánh truyện ngắn của Munro với truyện ngắn của NHT, sẽ thấy rõ nhà văn nào đáng lĩnh giải Nobel hơn.”

(Nt)

Phàm những kẻ soạn bài vở, mần tin thì háu các câu ý quá đà lỡ trớn hoặc sai khác căn bản kiểu như trên. Chúng tui cũng chả hơn. Song le, thành tâm quý nể “Khuê muội muội” mà Thiệp tiên sanh may mắn có được, bần tăng chỉ muốn ngờ rằng trong lúc tang gia bối rối, việc bừng phát vài câu chữ khiếm khuyết cũng dễ thể tất. À, trong câu trích trên các chữ “đứng đắn” bị lãnh đá vừa đủ xây bếp hoặc công trình phụ! Còn ý (dám?!) so sánh Thiệp với Munro, dư làm căn hộ độc lập ở khu đất vàng Thủ Thiêm!

Cư dân mạng vốn loài động vật cấp siêu cao, đa phần khoái đọc mắt nhắm mắt mở. Bao nhiêu lời tiên ý hoa trong bài dễ bị lướt, như đoạn sau đây dù không mới về nội dung song diễn ngôn thật đẹp, trùng ý cả làng văn Việt và là bệ đỡ cho đôi ba câu ý lệch goût khác air:

Việc này khiến tôi cay đắng nghĩ lại lời Nguyên Sa thủa trước: "Giới văn học nghệ thuật Pháp Anh không bàn đến Nguyễn Du như ta bàn đến Victor Hugo [...]. Nghĩa là ngay khi được phiên dịch, tác phẩm của văn học nghệ thuật ta vẫn đứng ở cái chỗ khốn nạn ấy: hàng ghế chót của đại sảnh […]

(Nt)

Chưa hết nữ phê bình gia bồi tiếp cho cái thân phận nhược tiểu, thiểu số “biết rồi khổ lắm nói mãi” cũng không thấu:

"[...] Tây phương, Mỹ cũng như Nga, Anh cũng như Pháp, đã mang lại cho văn học nghệ thuật của họ cái chỗ đứng sáng chói. Và trong vùng sáng chói lòa đó, dù không chủ trương ý thức và hữu ý, các nhà văn học nghệ thuật Tây phương vẫn bị lóa mắt, không còn nhìn thấy trong vùng bóng tối, do đó chỗ đứng của văn học nghệ thuật các nước nhỏ, đã hoặc đang bị trị, nghèo đói, trong đó có ta, đã bị lệch lạc vì chỗ đứng của quốc gia, lại càng bị lu mờ hơn nữa vì khuynh hướng kỳ thị vô thức."

(Nt)

Ký tên chung dưới hai đoạn trên; và cần có thơ rằng:

Cực hoan hô tỷ Thụy Khuê

Tết Công Gô mới đuề huề tây ta

Bao giờ chạch đẻ ngọn đa

Nô Ben giải thưởng ấy là hoa chung…

 

[Còn tiếp]

 

Chú thích:
 
1) Nguồn 2 câu thơ mở đầu:
“Ba mươi năm khắp núi rừng
Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam.”
 
2) Hai từ đặc biệt được viết tắt trong bài: Nguyễn Huy Thiệp (NHT) và Việt Nam (VN). 
 
3) Hiện có 3 phiên bản đang hoàn thành trong dịp 100 Ngày NHT: Bản rút gọn Tiểu truyện NHT (30 ngàn từ); Bản cô đọng 12 điều (7 ngàn từ); và ngắn nhất là Bản cô đọng 8 điều (2 ngàn từ) in chung trong sách tuyển tập ở Hà Nội. Tất cả cùng mang tên “Tôi đang viết Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng". Ngoài bản đầy đủ cuối cùng, ở các phiên bản này không dẫn nguồn khi trích lược.

 

Vancouver, 20/3 - - 16/6/2021

[Nhân 100 Ngày Thiệp]

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 1913
Ngày đăng: 18.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm hiểu thêm về Phan-Yên báo? - Võ Xuân Quế
Giọt dương cầm thánh thót trong đêm sâu - Nguyên Bình BRVT
Autumn Prayer By Alexandra Huynh - Đỗ Quý Dân
Le Pont Mirabeau – Vượt qua cầu ảo ảnh - Đỗ Quý Dân
Những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đã qua đời năm 2020 - Đỗ Nguyễn
Sách đọc vài quyển trong mùa đại dịch - Nguyễn Vy Khanh
Con Nghê chỉ là linh vật hài hước - Hoàng Xuân Hoạ
Huế - quê hương đi để mà nhớ … - Bùi Hoàng Linh
Dịch và giới thiệu: Thơ và tranh của tác giả Đỗ Quý Dân - Đỗ Quý Dân
“Bước chậm bên dòng Hương Giang” Nghe và nhìn thấy… - Võ Quê
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)