Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
852
116.685.229
 
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 2/6]
Đỗ Quyên

 

2) Sáng giá sang giá NHT

 

Tiểu truyện NHT dành kha khá số trang về việc sáng giá và sang giá “văn Thiệp” lúc này; và với thời gian cùng tài sức có hạn cũng chỉ theo cách nhảy dù vào loạt bài vở mới xen không nhiều bài vở cũ ngẫu nhiên chạy đến trong tháng ngày đầu vắng Thiệp.

Từ giới chuyên nghiệp lý luận, nghiên cứu, phê bình: Trương Chính, Trần Đình Sử, Huỳnh Như Phương, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Văn Thuấn, Thomas A. Bass, Văn Giá, Nguyễn Hữu Sơn, Peter Zinoman, Bùi Việt Thắng, Đoàn Cầm Thi, Mai Anh Tuấn, Đặng Thân, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Đức Tùng, Greg Lockhart, Uông Triều..

Và, từ giới sáng tác, báo chí, văn nghệ sĩ, bạn hữu: Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Châu Hồng Thủy, Phạm Thị Hoài, Hữu Việt, Hoàng Nhật, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà, Lê Thiếu Nhơn, Katharina Borchardt, Hoài Nam, Bùi Văn Phú, Günter Giesenfeld, Lê Minh Quốc, Việt Chiến, Nguyễn Đình Đăng, Thiên Trúc, Nguyễn Anh Tuấn, Vĩnh Phước, Đỗ Thu Hà, Đỗ Hoàng Diệu…

Ghé một điểm son về NHT và thời cuộc: Nếu cần “một câu cho trăm năm” thì bạn hiền của bần tăng - nguyên Viện phó Viện Văn Học kiêm TBT tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn đã từng tấn phong NHT danh hiệu “Anh hùng thời Đổi mới”! Danh sách “Anh hùng Đổi mới văn học”, tất nhiên, cả một tiểu đội cũng chưa đủ: Các “tướng Đổi mới” Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Trần Độ; các “đại tá Đổi mới” NHT, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Minh Châu, Lê Ngọc Trà, v.v...; rồi các “cấp tá” Phùng Gia Lộc, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Ngô Ngọc Bội, v.v…

Tức là chúng tôi đặt Tướng Về Hưu chỉ sau các thủ lãnh chính trị, và trước cả ngài đại tá thứ thiệt - người cầm chịch thực sự cao trào đổi mới văn nghệ 1986-1989.

 

3) Phản biện NHT

 

Là phần đối trọng quan trọng, dành dụm mãi, rồi lại phải làm lẹ kịp hẹn cánh nhà báo hối thúc, chưa chau chuốt (và PR bạn bè) được như bao mục khác. Không sao, coi bản đầy đủ sẽ đủ đầy hơn nhiều.

Nội dung chính thế vầy… Ngay ngày đầu của sự kiện đã có một số status phản hồi âm, trọng lượng khá là lớn bởi các văn nghệ sĩ đều là VIP hải ngoại.

NHT viết không nhiều, và phần lớn những gì viết ra đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng ông không tạo được tiếng vang gì bên ngoài VN. NHT có lần nói nếu ông biết tiếng Anh (hay tiếng Đức gì đó), ông sẽ đoạt giải Nobel.

Thật ra, văn chương của NHT là một món ăn rất đặc sản của người Việt, đặc biệt là người miền Bắc, nhưng không thể là một món dễ ăn với người bên ngoài, ngoại trừ vài nhà dân tộc học và nghiên cứu xã hội. NHT là một nhà văn quan trọng của thời kỳ gọi là "Đổi mới," và điều đó đã quá đủ.”

(Thi sĩ, ký giả Phan Nhiên Hạo FB-stt)

Ý thứ hai nêu trên càng trúng khi đưa vào Chương 8, văn hóa vùng miền Nam-Bắc.

Hôm qua tôi có viết vài dòng về NHT, nhưng vì cố giữ chừng mực nên không nói ra hết những điều đáng lẽ nên nói, vì vậy có sự hiểu lầm rằng tôi đem tiêu chuẩn "được quốc tế công nhận" ra để đánh giá NHT. Không, hoàn toàn ngược lại. Chính những người đang vái tụng trước quan tài NHT mới làm điều này. Họ tung hô NHT như nhà văn tiên thánh, cỡ Nobel như Alice Munro so với NNHT chẳng là cái đinh gì, chẳng qua vì NHT chưa được dịch đầy đủ (trong khi sự thật ông ấy là nhà văn VN được dịch nhiều nhất).”

(Nt)

Tút trên tạo chuỗi tranh luận đáng giá (Xem tiếp Chương 8).

Còm gia Nguyen Minh Thư hưởng ứng:

“Sao em đọc NHT không thấy ấn tượng mạnh nhỉ? Đợt này thấy mọi người lại đồng loạt ca ngợi ông, đành im miệng vì nghĩ chắc mình không có thị hiếu văn chương. Rồi lại băn khoăn hay vì mình chưa đọc kỹ lại. Đọc một số bài/status nói về chuyện [...] NHT đáng lẽ phải được giải Nobel văn học, em thấy hơi ngây thơ và ấu trĩ.”

Pham Thi Hoang Anh thì

Ông viết hay lắm, nhưng đồng ý là thấy bất ngờ với việc “đáng nhẽ được trao giải Nobel”.

Về bài gây bão nhiều chiều của Thụy Khuê:

“Bài viết hay, trừ đoạn so sánh NHT với Alice Munro, lại còn cho là NHT xứng đáng lãnh giải Nobel hơn A.Munro. Tôi rất ngạc nhiên?? Xin lỗi, A. Munro là bậc thầy. Các nhà văn đáng yêu xứ ta có thể sẽ không viết được gì nữa nếu suốt ngày hoang tưởng kiểu này.”

(Thi sĩ, phê bình gia, dịch giả Nguyễn Đức Tùng FB-stt)

Phát hiện độc đáo:

Một điểm khiến truyện NHT không được người đọc quốc tế hưởng ứng nhiều là sự thiếu hiệu ứng liên văn bản. Người đọc nước ngoài không thể bàng hoàng như người đọc VN trước cách ông mô tả Nguyễn Huệ, và chắc hẳn trong tâm trí nhiều người đọc quốc tế sẽ có những hình ảnh khác về một ông tướng về hưu và vị trí của một quân nhân như vậy trong xã hội tương ứng của họ.

Khi đó, các chủ đề trong truyện hiện lên sẽ khác và có thể không đủ rõ nét để người đọc nước ngoài đánh giá mức độ "tới" của tác giả trong việc khai thác chủ đề.”

(Thi sĩ, dịch giả, chủ báo Lê Đình Nhất-Lang FB-stt)

Xin tạm khép ở nhận định chung:

“Chỉ có dân Việt là khoái vì yếu tố chính trị của nó [văn chương NHT] rất đặc thù và hợp với nhu cầu đọc của độc giả Việt. Tuy nhiên, vốn của NHT không nhiều và tinh thần của ông cũng sớm xuống cấp nếu không muốn nói là đã tránh né, đã thoả hiệp kể từ khi NHT viết Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu… [...] Dẫu sao với Tướng Về Hưu và vài truyện ngắn hay sau đó, NHT cũng xứng đáng được độc giả VN ngưỡng mộ như một nhà văn lớn của văn chương VN thời XHCN.

(Họa sĩ, thi sĩ Trịnh Cung Cmt)

 

4) Quan niệm riêng về văn hào, thiên tài trong VN-VIPs (“Hổ phụ hổ tử Việt Nam”)

 

Làm biên sử về các nhân vật Việt Nam kim cổ VN-VIPs (tên chính thức bộ sách là “Hổ phụ hổ tử Việt Nam”), chúng tôi có cách phân loại riêng: Phân loại theo 7 cấp độ định danh, và - để cho vui, dễ nhớ dành riêng cho người biên soạn, tức là không có trên mặt sách - tương ứng theo 7 cấp bậc. (Nói thật, dính vô cái nghiệp biên khảo cực lắm, ngán lắm, không bày vẽ trò vui chết chắc!)

“Quân hàm” VN-VIPs bao gồm 7 cấp bậc: đại nguyên soái/ thống soái, nguyên soái, đại tướng, thượng tướng, trung tướng, thiếu tướng, chuẩn tướng.

Các VIP liên hệ trong gia đình, dòng tộc (gọi vui là "ăn theo") với VIP nhân vật chính: đại tá và có thể cấp tá tiếp theo.

Hổ phụ hổ tử Việt Nam” giống như biên soạn các danh nhân. “Đó là một tập hợp những cá nhân tiếng tăm trong xã hội VN từ trước đến nay theo sự tương đồng hoặc dị biệt nhất định giữa cặp “nhân vật cha mẹ” và “nhân vật con” trên mọi lĩnh vực, phạm vi, sự kiện, hiện tượng… đặc biệt nào đó tạo ảnh hưởng cộng đồng đương thời và lưu danh hậu thế.” (Trích lời dẫn của Người biên soạn)

Về mặt định danh thì văn hào, đại thi hào, thiên tài đương nhiên là gần với đỉnh trời văn hiến văn minh rồi. Dù thường là ở các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, họ cũng có “cấp bậc” chỉ sau những nhà lập quốc, ái quốc, vua chúa, nguyên thủ, lãnh tụ, thủ lĩnh... quan yếu nhất trong lịch sử dân tộc.

Tỷ như nếu Trần Hưng Đạo, Nguyễn Ánh, Phan Châu Trinh đều là “đại nguyên soái”. Thì tầm mức Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu phải là “nguyên soái”. Đại khái vậy...

Câu đố có thưởng: Trương Vĩnh Ký và Bạch Thái Bưởi mang “quân hàm” nào ạ? Giống nhau không? Và, còn NHT của chúng ta, chàng đeo lon nào trong hàng ngũ VN-VIPs?

*

Nói nghiêm chỉnh, biên sử VN-VIPs có 3 tiêu chuẩn đánh giá văn hào, thiên tài. Đại để: 1. Ảnh hưởng: Từ dân tộc/quốc gia đến nhân loại/quốc tế; 2. Trước tác: Hiện rõ nội dung các chân lý phổ cập nhất bằng hình thức ngôn từ quảng đại; 3. Khung thời gian.

Chỉ nói tiêu chuẩn thời gian: Các thiên tài, văn hào cần phải có thước đo tầm thế kỷ. Nhà văn của chúng ta NHT mới nhõn 35 năm (1986 - 2021). Còn tơ! Ngay cả khi 2 tiêu chuẩn đầu "anh giai" lọt rồi: Hãy đợi đấy/ Wait & See!

Không gian: Tầm vóc văn hào bị hạn chế lớn nhất bởi chính trị văn hóa (hay văn hóa chính trị) của dân tộc/nhân loại. Vụ này rắc rối vô cùng tận. Ví dụ: Giả tưởng thời Nguyễn Du có Đảng Cộng Sản Đại Việt. (Ấy ấy các bác cực đoan 2 phe chớ vội nống lên. Cứ cho tụi tui giả tưởng thế...) Rồi ngày mai, uỵnh một cái "chuyện bây giờ mới kể": Đại thi hào của toàn thể dân tộc Việt Nam là thành viên, thậm chí lãnh tụ, của đảng trên. Ngờ là những vị cực đoan ở hải ngoại sẽ hết còn vinh danh Tiên Điền đại thi hào. Thấy mà thương mà tiếc. Mà cũng phải thôi, đại thi hào phải là người đại diện cả một dân tộc, một sắc tộc, một cộng đồng về văn hiến, văn minh, văn hóa, văn học mà chính trị chỉ là cháu, là con, là em, thậm chí là anh/chị trong bà, mẹ, chị, em đó. Không thể nào có “văn hào của miền Bắc”, “đại thi hào của Vũng Tàu - Côn Đảo”... Không, không là không! “Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”

 

Cứ theo thế, Nguyễn Du là đại thi hào/đại văn hào; Nguyễn Trãi: văn hào; Hồ Xuân Hương: thi hào. Cao Bá Quát: thi hào. Tạm xong các cụ cổ điển. Sang các ông hiện đại: Vũ Trọng Phụng là văn hào. Nhất Linh: văn hào (và nghiêng về tư cách nhà văn hóa chính trị). Nam Cao: văn hào và xin cha đẻ Chí Phèo chờ thêm vài chục năm nữa cho đủ bách niên danh tác. Hết. (Chúng tôi cũng biết danh sách trên, với 2 VIP sau cùng, chửa chắc được OK với cả "hai phe". Mong quý vị hai phe coi đó là ý kiến mọn nơi kẻ hèn. Chớ liệng đá mà tội nghiệp.)

Nhìn chung, giải Nobel chưa thể là điều kiện đủ để thành văn hào. Riêng với VN ta, nếu mai mốt VIP nào ẵm về cho dải đất hình chữ S đệ nhất Nobel văn học, đương nhiên cần được chiếu cố vinh danh, nhỉ? Quý bạn ai đồng ý giơ tay, chúng tôi biểu quyết nhé?

Tóm, chiểu theo 3 tiêu chuẩn đánh giá văn hào, thiên tài của VN-VIPs, NHT của chúng ta thiếu cả ba, ít nhất đến thời điểm này. (Với tiêu chuẩn 2 dễ thấy rõ qua các nhận định, phê bình - dù khen dẫu chê - có ngay trong Tiểu truyện NHT.) Và trên thực tế Thiệp cũng đã chửa được “vào vòng gửi xe” Nobel.

Chúng tôi cận thị, song cứ liều nhòm chừng 30 năm nữa cũng thế. 50, 100 năm nữa, hậu xét. Với “công án Thiệp”. Vì sao 30 năm? Khoảng thời gian VN có nhẽ “vũ như cẩn” về chính thể và xã hội, từ đó kéo theo 1001 chuyện mà văn chương chỉ là 1 (cái đinh)!

 

6.

NHT & thỉnh ý bách tính -

Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ

 

Mời quý anh/chị/bạn hồi đáp qua 1 trong 4 cách sau về một vấn đề từng được dư luận bàn thảo ngay sau ngày nhà văn vừa qua đời: 

NHT với danh hiệu/danh xưng "văn hào", "thiên tài", "giải Nobel văn chương"...

1. Không/Chưa bàn đến

2. Đặt vấn đề đúng/chưa đúng (đôi lời giải thích, nếu có)

3. Không ý kiến

4. Nhận định riêng (có thể ra không xa vấn đề trên)

[Tên/bút danh; nghề nghiệp trong/ngoài văn chương; quốc gia/thành phố đang sống; ngày, tháng, năm]

Tùy nội dung và hình thức, xin được sử dụng vào biên khảo mà ĐQ tôi đang thực hiện để công bố trong thời gian tới, rất mong quý anh/chị/bạn cho trả lời cô đọng nhất.

Trân trọng cảm ơn!

ĐQ

*

Loa loa loa, alô alô alô… Thống kê nhanh, đến 24h ngày 18/6/2021, trong tổng số chừng 160 địa chỉ gửi riêng đến fb tin nhắn và vài email: 63 hồi âm góp ý các kiểu; hơn 70 chưa hoặc không hồi âm/đọc (một phần tư like/thả tim) với nhỉnh hơn một nửa xuất xứ miền Nam (trước 1975 và hải ngoại), trong số các địa chỉ ở VN nhiều vị đang làm việc hoặc là fan Thiệp; Có 27 hồi âm thân tình, thẳng thắn tỏ ý không tham dự, khi chí chát chúng tôi hiểu lý do các bạn chẳng chịu vào cuộc cùng và đôi khi nhận được nhiều chia sẻ hữu ích, riêng tư về NHT. (Lạ nữa, 5 bạn văn sĩ từ số má hẳn hoi tới tầm cỡ - thậm chí có bạn nếu tay bo võ đài, ồ không, văn đài với Thiệp chửa chắc mèo nào cắn mỉu nào - đều ít đọc NHT?! Ô là la…)

Viết đến đây, chúng tôi đang “4 hờ” (hơi hơi hân hoan) với 58 ý kiến trả lời để có thể dùng vào bản thảo đầy đủ, và còn 5 bạn hứa trả lời (2 “dọa” sẽ viết hẳn bài dài). Theo kinh nghiệm tổ chức hội thảo, gặp gỡ văn nghệ văn giềng bên Nam Cali của thi sĩ, nhà báo cựu trào và cực điêu luyện Viên Linh thì “một phần ba đáp ứng là thành công rồi”. Dù cũng thi sĩ hẳn hoi, người viết đâu dám thức khuya dậy sớm chồm hổng hóng chợ Phây mà “2 hờ” sau cùng, mong “đạt hai phần ba là thành tựu”.

Dưới đây sẽ là nội dung đầy đủ từ trả lời của 53 quý bạn:

Hậu khảo cổ (Sài Gòn), Thái Kim Lan (Huế/ Muenchen), Phạm Kỳ Đăng (Berlin), Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình), Trần Thu Dung (Paris), Dạ Ngân (TP.HCM), Lê Trọng Phương (Bonn), Đào Tuấn Ảnh (Hà Nội), Nguyễn Hữu Quý (Hà Nội/ Quảng Trị), Lê Quang (Berlin/ Hưng Yên), Mai Quỳnh Nam (Hà Nội), Nguyễn Đức Tùng (Canada), Ngô Thị Diễm Hằng (Úc), Nguyễn Hữu Liêm (Hoa Kỳ), Xuân Hòa (TP.HCM), Ẩn danh 1 (Bắc Mỹ), Thiếu Khanh (Sài Gòn), Trương Anh Tú (Đức), Bùi Công Thuấn (Đồng Nai), Dương Thuấn (Hà Nội), Aroma Profundo Thuy Huong (Tây Ban Nha), Trần Tuấn (Đà Nẵng), Vũ Trọng Quang (Sài Gòn), Nguyễn Khắc Nhượng (TP.HCM), Võ Thị Như Mai (Úc), VIP Ẩn danh (VN), Đỗ Kh. (Mỹ/ Pháp); Nguyễn Thị Liên Tâm (Bình Thuận), Hồ Sĩ Bàng (Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An), Trịnh Sơn (Hoa Kỳ), Lý Đợi (Sài Gòn), Viet Pham (Ottawa), Đỗ Anh Vũ (Hà Nội), Lưu Khánh Thơ (Hà Nội), Nguyễn Hiệp (Bình Thuận), Trần Hậu (Hà Nội), Trần Ngọc Cư (California), Vũ Tuấn Hoàng (Moskva), Phạm Nhuệ Giang (Hà Nội), Lê Anh Hoài (Hà Nội), Trần Đức Tiến (Vũng Tàu), Trọng Khang (TP.HCM), Võ Công Liêm (Alberta), Ẩn Danh 2 (VN), Võ Thị Xuân Hà (Hà Nội), Trần Lê Hoa Tranh (TP.HCM), Đặng Huy Giang (Hà Nội), Bùi Văn Phú (San Jose), Nguyễn Trọng Chức (TP.HCM), Nguyễn Trương Quý (Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh Bình (Hoa Kỳ), và Vân Nam (TP.HCM).

Thống kê xã hội học cái nào: Với 53 bạn nêu trên, thưa có 16 nữ ạ; 51 thuộc giới văn học/ gần văn học; 20 ngoài nước (2 “chân trong chân ngoài”); tương quan vùng miền: 27 Nam, 26 Bắc (vẫn hên, Nam-Bắc kể như đuề huề!); 13 lý luận, nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp; 15 giảng viên; 13 nhà báo chuyên nghiệp; 15 dịch giả; 19 viết văn, viết sách; 4 nhà xã hội học; 4 nghệ sĩ; 4 triết gia; và (chắc là) tất cả thi sĩ!

Kết quả quan trọng nhất, việc đặt vấn đề danh hiệu, danh xưng "văn hào", "thiên tài", "giải Nobel" với NHT đúng hay không đúng: Trong 52 ý kiến có 12 vị (với 4 vị ở Đức) fan Thiệp đáp Có; 28 rằng Không; còn lại 13... sắc sắc không không!

Ở phiên bản cô đọng 12 điều (gồm 7 ngàn từ) có trích lọc 10 trả lời - 10 khuynh hướng, đã làm nên “ngón dài ngắn dài hai bàn tay truyện Thiệp”. Đó là: Trần Thu Dung, Phạm Kỳ Đăng, Hậu khảo cổ, Lưu Khánh Thơ, Viet Pham, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Hữu Liêm, Phạm Nhuệ Giang, Lê Anh Hoài,Trần Ngọc Cư.

Tưởng cũng nên thưa thốt, may có chút duyên thân với không ít VIP xa gần dính Thiệp, song chúng tôi không lạm dụng trắc nghiệm. Lý do chính, tin bài trên báo/mạng từ các chư vị ấy đã là nguồn tin cậy, quý bổ trong biên khảo. Mong mỏi đề tài Thiệp phủ sóng bá tánh ngàn nơi, bần tăng chỉ nhảy dù đến các địa chỉ mà đại đa số chưa có tiếng nói nơi đây.

Thôi đủ, nâng ly! Dzô dzô dzô… Cả làng đang vào bàn tiệc trắc nghiệm “Mổ nhà văn Thiệp” cùng 52 thực đơn trong bản rút gọn (30 ngàn từ) này của Tiểu truyện NHT:

 

Hậu khảo cổ/ Nguyễn Thị Hậu

(Nhà nghiên cứu, giảng dạy khảo cổ học, nhà báo; Sài Gòn - 23/5/2021)

“Tôi là một người hâm mộ nhà văn NHT, bởi tác phẩm của ông phản ánh đúng thời gian và hoàn cảnh tôi từng sống. Đó là miền Bắc VN những năm trước 1990. Ông nói ra thẳng thắn và đầy đau đớn những tủi nhục, trăn trở thế hệ tôi. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay chỉ sau thế hệ tôi 2-3 chục năm họ đã không cảm nhận, không thể hiểu những gì làm nên sự hấp dẫn từ tác phẩm NHT. Ngay độc giả miền Nam cũng không cảm được như chúng tôi.

Mặt khác, có lẽ cá tính văn hóa của từng cá nhân (và của dân tộc) chúng ta không đủ “cực đoan” để từ nhân vật, hoàn cảnh điển hình (qua từng tác phẩm, tác giả) mà trở thành “tiêu biểu” cho thời đại và một cộng đồng lớn hơn.”

*

Thái Kim Lan

(Nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học và Phật học, dịch giả, nhà báo, nhà thơ; Đức & VN - 23/5/2021)                                                                                                     

“Khoảng năm 2007 Viện Goethe tổ chức mời NHT, Phạm Tiến Duật... sang Muenchen giới thiệu tác phẩm, và mời tôi làm điều hợp viên và giao lưu với khán giả Đức. Theo ý kiến của TKL thì NHT chưa đủ để gọi là văn hào và được đề nghị giải Nobel.”

*

Phạm Kỳ Đăng / Phạm Quốc Bảo

(Nhà thơ, nhà báo, dịch giả; Berlin - 26/5/2021)

“Hai khái niệm “thiên tài“ và “giải Nobel“ đều là những trang phục không vừa với thể tạng nhà văn. Thiên tài thật sự vốn nghìn năm mới có, trong văn chương càng không. Ở nghệ thuật dụng ngôn này, nếu không ngày đêm rũa rèn, đào luyện, tôi nghĩ thần đồng sẽ cạn vốn, mau chóng trở lại hộ nghèo. Còn giải Nobel xưa nay được trao cho một số nhà văn loàng xoàng, nếu so với NHT.

Xét các tiêu chí: Tạo ra tác phẩm kinh điển, cấp cho ngôn ngữ một cộng đồng với nét đặc thù những xung tác và năng lực như thành tựu riêng biệt đi tới biểu đạt, NHT có những tác phẩm dư đáp ứng.

Tuy nhiên người đọc cứ mong chờ ở ông một tác phẩm xứng tầm đồ sộ hơn về qui mô, một tiểu thuyết tràng giang chẳng hạn. Đáng tiếc ông không làm được điều đó, trong bối cảnh nền văn nghệ quan phương và sự thiếu vắng của nền phê bình khỏe mạnh. Nhưng biết đâu trong tương lai sẽ có thời Phục hưng với tác phẩm NHT, và lúc đó ông được công nhận vị trí như một văn hào.”

*

Lưu Khánh Thơ

(Nhà nghiên cứu, phê bình; Hà Nội - 2/6/2021)

“Theo ý thứ 2: Có thể đặt ra vấn đề này, đây là một định hướng cần thiết nhằm tôn vinh văn học VN thông qua trường hợp NHT. Tuy nhiên có thể bổ sung nhân vật nào đó khác không?”

*

Trần Thu Dung

(Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa; Pháp - 26/5/2021)

“Nói đến NHT, điều phải khẳng định anh là nhà văn có tài, sâu sắc. Tuy nhiên để nói là một thiên tài, đề nghị Nobel... có lẽ bạn đọc VN quá phấn khích.

Một tác phẩm nổi tiếng thế giới thường đạt tiêu chí Chân - Thiện - Mỹ. Chân thật là điểm mạnh trong tác phẩm NHT. Nhưng để đạt tính hướng thiện cao, vươn tới cái đẹp thì đòi hỏi một mức độ nữa. V. Hugo được coi là thiên tài văn học, trong khi Balzac chỉ là nhà văn hiện thực, không được coi như một thiên tài xuất chúng. Tác phẩm Hugo chứa đầy tính hiện thực, phơi bày cái xấu xã hội, nhưng luôn mang chất vị tha rất cao để hy vọng. Ông đề cao lòng bác ái và nhân đạo.

Nhiều tác phẩm đạt giải Nobel thường đề cao lòng vị tha. Chất vị tha để con người vươn lên Thiện và Mỹ dường như bị chìm bởi cái hiện thực sắc sảo, cay nghiệt dưới ngòi bút NHT. NHT là nhà văn xuất sắc ở VN, nhưng chưa tới mức thiên tài thế giới.”

*

Trần Hậu 

(Dịch giả, nhà báo; Hà Nội - 2/6/2021)

“Tôi chọn đáp án 1: Không/chưa bàn đến”

*

Dạ Ngân

(Nhà văn, nhà báo; VN - 25/5/2021)

“Tôi chỉ thấy anh ấy [NHT] là tài năng lớn, nổi trội. Và chúng ta đừng sốt ruột với Nobel. Viết cỡ Diêm Liên Khoa của Trung Quốc còn chưa vào diện xét. Càng xa thì thấy Số Đỏ tài tình, Bảo Ninh lừng lững, sau nữa mới là Thiệp, sau nữa có thể Lê Minh Khuê. Là tôi nói về thời gian. Người Mỹ gốc Việt đạt Nobel có lẽ là Nguyễn Thanh Việt?”

*

Lê Trọng Phương 

(Viết tiểu luận, thơ, dịch thuật Việt/Anh/Đức; Giảng dạy Đông Nam Á học; Đức - 25/5/2021)

“Giới chữ nghĩa và độc giả vinh danh: Đồng nghiệp viết văn bất cứ ở tầm nào khó mà phát biểu một câu có tính phê phán - về tác phẩm - hoặc tiêu cực - về thân thế. Những hình ảnh đầy hoa, rực sắc màu đến từ phía độc giả.

Một hiện tượng tất xảy ra sau khi một tên tuổi lớn qua đời. Văn nghiệp, thân thế lần nữa được phơi bày với mục đích vinh danh người mới khuất. Vấn đề là người được vinh danh không có cơ hội để minh định, để phản ứng về những danh hiệu, danh tính được trao cho kia. Song, đó chỉ là thuần đánh giá đặt trên bệ “tự chiếu”, tức “định vị” nhà văn NHT thông qua việc “tự định vị”.

Sau nhiều năm của các khuôn mẫu và thói quen rập khuôn, nhà văn gây sốc cho người đọc với những câu chuyện mới, bỏ qua tính tập thể, những định kiến về quá khứ chung của “chúng ta”, chuyển góc nhìn “chúng ta” sang góc nhìn khác, đào xới các lớp, các hóc cá nhân. Người đọc xem đó là những câu chuyện kể mới (cũng về mình). Những rung động trong nội tâm (kìm nén, vô thức, mơ hồ), những căng thẳng giữa hiểu biết thẩm mỹ, về kỹ năng nghệ thuật và thói quen suy diễn theo khuôn mẫu về “chúng ta” khiến đặt câu hỏi về vị trí “mới” của chính mình, thế là tự định vị, thấy có người khác thể hiện bản sắc mình một cách ngoạn mục, thế là vinh danh, vinh danh càng cao càng thoả.

Những giả định về mục đích, chủ đề, thể loại và diễn ngôn trong văn NHT là việc khác, ở một nơi khác.”

*

Đào Tuấn Ảnh

(Nhà lý luận, nghiên cứu, dịch giả; Hà Nội - 21/5/2021)

“NHT chỉ là hiện tượng của văn học VN thôi.”

*

Nguyễn Hữu Quý

(Nhà thơ; Hà Nội / Quảng Trị - 21/5/2021)

“Nhà văn NHT đã tạo được dấu ấn rất riêng biệt, nhiều ám ảnh trong truyện ngắn VN sau năm 1975. Sự nổi bật của anh, theo tôi, chỉ ở thể loại truyện ngắn thôi. Tiểu thuyết, phê bình văn học không đáng kể. Tuy nhiên, những gì NHT đã có và để lại trong truyện ngắn xứng đáng cho chúng ta ghi nhận về tài năng văn chương của anh. Tôi chỉ muốn gọi anh là người có tài, không thêm thắt gì nữa.”

*

Lê Quang

(Dịch giả, phiên dịch, kiến trúc sư; Berlin / Hưng Yên - 24/5/2021)

“Nên bàn đến và có lý khi bàn đến "thiên tài" nếu xét đến bề dày truyện ngắn và tầm ảnh hưởng của Thiệp đối với xã hội. Đặt vấn đề giải Nobel là không hay: Có ai biết tiêu chí thực sự của giải này đâu? Và “Nobel” cũng không nhất thiết làm chứng chỉ tài năng.

Thiệp là minh chứng cho 2 thực tế phổ biến: Mỗi thiên tài có thời của mình, đôi khi rất ngắn; và mỗi thiên tài cũng chỉ có địa hạt "tủ" của mình, bước ra ngoài là nhạt.”

*

Mai Quỳnh Nam

(Nhà thơ, nhà nghiên cứu xã hội học; Hà Nội - 23/5/2021)

“Tôi chọn chỉ báo 1: Không/chưa bàn đến.”

*

Nguyễn Đức Tùng

(Nhà thơ, nhà phê bình; Canada - 29/4/2021)

“NHT là nhà văn viết truyện ngắn vào loại hay nhất nước ta trong vài chục năm nay. So với các nhà văn Nobel tôi đọc khá kỹ, như T. Morrison, D. Lessing, A. Munro, N. Gordimer, V. S. Naipaul, O. Pamuk, thì NHT không bằng, cả về số lượng sáng tác, tầm tư tưởng có tính nhân loại, lẫn nghệ thuật viết văn; có thể nói thẳng dưới một cấp rất rõ. Tuy nhiên đừng quên trên thế giới có nhiều nhà văn ngấp nghé giải Nobel vẫn không phải là không chia sẻ với NHT một số tính chất; ví dụ H. Murakami, J. C. Oates, M. Atwood, P. Roth.

Theo tôi, quan trọng không phải là chúng ta xét xem NHT nên được cái... giải rút gì, hay so sánh ẩu tả với các nhà văn khác; mà cần rủ nhau đọc lại, đọc kỹ tác phẩm của ông - một việc chúng ta nên làm xứng đáng. Rất tiếc đến nay tôi chưa được đọc một bài phê bình chuyên nghiệp nào về NHT.”

*

Ngô Thị Diễm Hằng

(Giảng viên nhân học; Úc - 27/5/2021)

“Tôi vốn làm quen với tác phẩm NHT thuở sinh viên, thích từ đó, theo dõi dòng sáng tác của nhà văn cũng từ đó. Tôi từng nghe nói về chuyện giải Nobel, và biết NHT thực sự đã đạt giải thưởng văn chương nước ngoài.

Giải Nobel thì tôi không lạm bàn, nhưng hẳn NHT đã đóng chắc cái giải trong lòng bạn đọc. Trong lòng tôi, giải thưởng ấy không có hình chiếc cúp, mà tồn tại như một ẩn dụ đa khối, vừa quen vừa lạ, vừa đồng dao vừa triết học, vừa thơ vừa nhức nhối bi kịch, vừa yêu thương vừa chua chát, vừa muốn đẩy ra lại ham ôm ghì lấy. Thứ giải thưởng ấy, tôi vẫn tin, là đích đến của mọi văn chương.”

*

Nguyễn Hữu Liêm

(Nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học, luật sư; Hoa Kỳ - 21/5/2021)

“NHT là đặc sản của tâm chất Bắc Hà - nhất là trong di sản Duy vật. Văn sĩ miền Bắc có khuynh hướng cay đắng, mỉa mai, tiêu cực. Từ NHT, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập đều không chịu nhìn lên trời mà thấy trăng sao huyền diệu - lại chỉ nhìn xuống ống cống để "nhìn trăng qua vũng nước đái" (Chữ của Phạm Hải Anh).

Tôi cho rằng NHT là đỉnh cao của truyện ngắn theo văn chất miền Bắc - nhưng không hợp với tâm chất người Nam.

Nếu NHT từng được giải Nobel thì là một vinh dự lớn - và cũng là điều ngạc nhiên cho văn giới Việt. Cây dưới thung lũng, dù cao bao nhiêu, vẫn không so với cây lùn trên đồi Văn hóa, và con người VN khó mà tìm được cái chi vĩ đại. Nhất là trong thế giới văn chương hay tư tưởng.”

*

Phạm Nhuệ Giang

(Đạo diễn điện ảnh; Hà Nội - 3/6/2021)

“Danh xưng: văn hào. Đặt vấn đề như vậy là đúng, vì so với truyện của một nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn đã được giải Nobel thì truyện NHT không thua kém mà văn phong còn sắc sảo hơn.”

*

Xuân Hòa

(Nhà báo; TP.HCM - 15/4/2021)

“Tài khoản văn chương nhà bác Thiệp đã kết sổ mươi năm nay. Bác ấy lại vừa về với Phật: Nhìn nhận về NHT lúc này là OK. Về các danh hiệu tôn vinh, tui hổng dám bàn, vì mới đọc 3 truyện Phẩm Tiết, Những Người Thợ Xẻ và Tướng Về Hưu. Về tổng thể, vấn đề đặt ra như thế phù hợp với các nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu. Để trả lời trúng, họ còn phải tham khảo đánh giá từ các nhà văn trên thế giới về NHT.”

*

Thiếu Khanh

(Làm thơ, dịch thuật; Sài Gòn - 25/5/2021)

“Nhà văn NHT là người nổi tiếng. Như một nhà văn dường như có nhiều điều đặc biệt. Tài năng đã gây náo động cả làng văn học VN hiện đại. Ông qua đời, có người do lòng thương tiếc tài năng và kính trọng, đã tôn xưng ông quá đáng. Người ta coi ông là thiên tài, gọi ông là văn hào, đưa tài năng ông lên tầm mức một giải Nobel văn chương...

Có lẽ chỉ ghi nhận NHT như Nhà văn là đủ. Tài năng của ông là điều đương nhiên được mong đợi ở một nhà văn. Nếu có ai thấy gọi ông là nhà văn không thôi chưa đủ thì có lẽ trước giờ quen gọi nhiều người khác là nhà văn. Giờ đây thấy tài năng ông “cao” hơn họ một bậc, muốn tôn ông là văn hào, là thiên tài, để ông không giống họ.

Các nhà văn được mong đợi có những tác phẩm tầm mức như thế này, như thế này... Khi họ đạt được tầm mức đó mà tôn họ là văn hào, thiên tài, thì những kẻ không viết gì ra hồn cũng được gọi là nhà văn sao? Không đâu. Những người làm thơ có tài năng được công nhận rộng rãi – mới xứng đáng thi sĩ. Cái đại dương còn lại chỉ nên là… những người làm thơ thôi.

Người châu Á được giải Nobel văn chương không nhiều, 8 vị. Tất cả tác phẩm “danh trấn giang hồ” của họ (trừ Tagore) là tiểu thuyết. NHT có cuốn tiểu thuyết nào “ra hồn”? Tác phẩm nào của NHT xếp ngang hàng Xứ Tuyết, Ngàn Cánh Hạc của Y. Kawabata (Nhật), với Cao Lương Đỏ (Mạc Ngôn - Trung Quốc)? Còn với thế giới Tây phương, tác phẩm nào từ NHT có thể được xếp cạnh tác phẩm của những tên tuổi được nhiều người VN quen biết: R. Rolland (Pháp), T. Mann (Đức), H. Hesse (Thụy Sĩ), W. Faulkner (Hoa Kỳ), v.v...?

Chỉ nên dành cho NHT danh xưng Nhà văn thôi. Đó là cách bày tỏ lòng yêu mến và kính trọng đúng mực. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp; hay: Nguyễn Huy Thiệp, Nhà văn. (Trừ khi có ai đó định nghĩa nhà văn là… một số nhà văn trong Hội Nhà văn VN.)

*

Nguyễn Hiệp

(Nhà văn; Bình Thuận - 2/6/2021)

“Mình không ý kiến.”

*

Trương Anh Tú

(Nhà thơ; Đức - 27/5/2021)

“Tác phẩm là căn cước của một nhà văn. NHT đã viết rằng nên xưng danh của mình bằng chính giá trị tác phẩm. Gọi ông là "văn hào", "thiên tài", đặt ông với "giải Nobel" là tấm lòng, sự ngưỡng mộ của bạn đọc, là sự vinh danh cần thiết của xã hội với đóng góp to lớn của ông.

Bất kể danh hiệu dành cho ông là gì, NHT trước sau đã làm tròn bổn phận của một nhà văn - “người thư kí trung thành của thời đại”. Trước khi mất, còn rất yếu trên giường bệnh, ông vẫn nhắn nhủ: “Muốn văn đàn VN có nhiều tác giả viết hay hơn nữa. Các bạn hãy dũng cảm lên và viết với Chân - Thiện - Mỹ“.

*

Bùi Công Thuấn

(Nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo, nhà văn; VN - 26/5/2021)

“NHT là một nhà văn tài năng (mà chưa xứng đáng với danh xưng văn hào, thiên tài; chẳng bao giờ có thể “bén mảng” đến giải Nobel văn chương.) Không nên đặt vấn đề như ở câu hỏi, bởi qua thời gian NHT đã “nhạt” dần, không nổi bật nữa (tức là NHT chỉ “nóng” trong thời đại của mình - thời đổi mới, không vượt thời gian).

Trong 2 bài viết về NHT từng đăng trên Văn Nghệ TP.HCM hồi 2012, tôi đã gọi NHT là nhà văn “tài, thâm, độc” nhất trong những người cầm bút đất Bắc Hà. Ngày nay đánh giá về NHT, tôi cho rằng ông có góp phần từ bỏ Chủ nghĩa hiện thực XHCN ở VN. Ông thành công ở truyện ngắn, nhưng không thành công với tiểu thuyết. Thấy văn chương VN thiếu tư tưởng và muốn viết kiểu tác phẩm tư tưởng, nhưng NHT chưa thành công.”

*

Ẩn danh 1

(Nhà thơ, giảng viên; Bắc Mỹ - 20/5/2021)

“Không ý kiến. Lý do lớn là tôi chưa đọc hết những tác phẩm NHT, và có lẽ vì không sống qua thời điểm nhà văn viết nên không cảm nhận được hết."

*

Nguyễn Phạm Thúy Hương/ Aroma Profundo Thuy Huong

(Họa sĩ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học; Tây Ban Nha - 26/5/2021)

“Vào ngày 20/3/2021, mạng xã hội xôn xao đưa tin "NHT nhà văn lớn nhất của VN" đã qua đời. Ngạc nhiên và tò mò, tôi đã tìm đọc truyện ngắn NHT nhưng thành thật mà nói, truyện ngắn của ông hơi dài và không hấp dẫn tôi lắm. Có lẽ vì cái văn phong kể truyện rất hiện thực không trừu tượng, hơi bình thường của ông.

Tôi nghĩ những nhà văn VN có phần hơi dễ dãi khi phong tặng danh hiệu "nhà văn lớn" cho nhà văn nào đó. Hay có thể cái chết được xem như phần thưởng lớn lao cho sự góp phần tạo nên tên tuổi của một nhà văn bình thường?

Những câu chuyện của ông mang tính địa phương trong không gian eo hẹp. Nếu so sánh với nhà văn "địa phương học" Quảng Nam Nguyễn Văn Xuân thì nhà văn NHT thua xa, không xứng tầm. Nguyễn Văn Xuân xứng đáng được phong tặng "nhà văn lớn" của VN, nhưng NHT thì không.”

*

Đỗ Trọng Khơi

(Nhà thơ; Thái Bình, VN - 22/5/2021)

“Tôi yêu giọng văn NHT. Rất yêu thích, tuy vậy tôi nghĩ danh sắc tôn vinh là thiên tài, văn hào có lẽ hơi quá, dù may mắn ông có thể được giải Nobel chăng nữa.”

*

Trần Tuấn

(Nhà báo, nhà thơ; Đà Nẵng - 24/5/2021)

“Tôi xin đề cập đến ý số 2. Khi nhà văn NHT qua đời, việc một số nhà phê bình, báo chí, độc giả, bạn bè “gán” văn chương của ông với những cụm từ “văn hào”, “thiên tài”, “Nobel” là có thể hiểu được, phản ánh cảm xúc, sự trân trọng nhiều hơn lý trí. Bởi NHT là một trong số ít tác giả văn chương hiện đại được đọc nhiều nhất tại VN, với nhiều tác phẩm ấn tượng. 

Thiên tài, văn hào là gì, có barem hay thang bậc nào xác định? Khái niệm ấy có được sử dụng trong phạm vi một quốc gia với những tác giả/tác phẩm nổi bật, phổ quát và có sức sống lâu bền, hay buộc phải quốc tế hóa?

Việc nhiều người Việt, trong đó có giới viết, tìm cách “giễu cợt” NHT hay những tác giả nào đó khi họ được “gán” với giải Nobel văn chương, tôi cho đó là thái độ rất thiếu văn minh. Tôi nghĩ giải này không chỉ là kết quả mà là một hành trình. Hành trình tự thân đầy khắc khổ, phụ thuộc tác phẩm của nhà văn đi ra thế giới xa đến đâu. Tất nhiên còn phụ thuộc không ít vào khuynh hướng chính trị trong ưu tiên chọn lựa của Hội đồng xét giải. Nhưng, hết sức bình thường khi người viết nào cũng có quyền theo đuổi hành trình sáng tạo khổ ải của mình.”

 

[Còn tiếp]

 

Vancouver, 20/3 - - 18/6/2021

[Nhân 100 Ngày Thiệp]

 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 1098
Ngày đăng: 22.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tế Hanh trong di sản văn học miền Nam 1954 - 1975 - Trần Hoài Anh
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 1/6] - Đỗ Quyên
Tìm hiểu thêm về Phan-Yên báo? - Võ Xuân Quế
Giọt dương cầm thánh thót trong đêm sâu - Nguyên Bình BRVT
Autumn Prayer By Alexandra Huynh - Đỗ Quý Dân
Le Pont Mirabeau – Vượt qua cầu ảo ảnh - Đỗ Quý Dân
Những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đã qua đời năm 2020 - Đỗ Nguyễn
Sách đọc vài quyển trong mùa đại dịch - Nguyễn Vy Khanh
Con Nghê chỉ là linh vật hài hước - Hoàng Xuân Hoạ
Huế - quê hương đi để mà nhớ … - Bùi Hoàng Linh
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)