Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
946
116.653.691
 
Nhỏ ơi
Nguyễn Nguyên An

Lần trang tập cũ, tôi đọc bài thơ "Chung che" tặng nhỏ:

 

Trời mưa, trời mưa, trời mưa…

Chung che chiếc áo mặc mưa của trời

Áo dài vương hạt mưa rơi

Lòng ai vương vấn bao lời lặng im

Hạt mưa ngày cũ về tìm

Người chung che ấy thành chim bay rồi

Mưa rơi…mưa rơi…mưa rơi…

Nhỏ hiện về trong tôi như khói sương, buồn ngập lòng tôi lặng thấm!

 

*

 

Nhỏ đằm thắm ngồi góc bàn chờ tôi làm thơ tặng. Khi tập trung tìm chữ, mặt tôi ngố ngáo, dễ làm nhỏ tin tưởng. Tôi thả hồn mông lung, vẫn biết có đôi môi cong cười vỡ nắng thuỷ tinh đang hé chờ thơ… Tôi làm thầy dạy nhỏ chụp ảnh, ông thầy bấc dắc dĩ cho cô sinh viên mười chín tuổi, con cưng của một gia đình giàu có, lúc đầu tôi ngờ ngợ trước lời mời của nhỏ "nói đùa thôi", vả lại trong câu nói có nhiều tiếng cười khúc khích đáng ngờ! Mặc dù tôi nhà trọ tôi ở trong con hẻm gần ngôi lầu xinh xắn của bố mẹ nhỏ. Con hẻm luôn lao nhao tiếng người bán buôn. Mỗi lần ngang qua nhà nhỏ, tôi chả dám nhìn lên tầng lầu màu trắng có nhiều cây kiểng. Thường thì nhỏ đứng trong lan can nhìn ngắm mây, khi chải lại mái tóc buông lơi. Tôi là anh học trò nghèo chả dám làm quen với con gái nhà giàu, sợ đâm yêu thương nhung nhớ bỏ bê việc học. Lời cha tôi viết trên tường hồi nhỏ: "Các con ít chơi đùa, siêng học, làm việc và rèn luyện thân thể. Từng khoảnh khắc đến và đi lặng lẽ, khi già nuối tiếc đã muộn. Gian khổ mấy và đau đớn mấy con người cũng có thể vượt qua, chứ chơi đùa và thụ hưởng là viên đạn bọc đường sẽ xuyên thủng những người không bản lĩnh", nào là: "Mọi người hãy làm ra cơm mà ăn"; "Các con luôn làm việc, học và rèn luyện điều có ích, luôn sống có lý tưởng cao cả, luôn là người đi tìm đang ở mức khởi hành".

 

"Nếu ngừng những việc như thế các con chỉ là động vật giàu có!".

Đại loại những khẩu hiệu cha tôi răn dạy và ám thị chúng tôi như thế. Lâu ngày tôi đâm quen nếp sống âm thầm, lặng lẽ của ông, thích nơi yên tĩnh, lụi hụi với công việc thường ngày của mình, riết hoá thành chàng trai nhút nhát, hay mơ tưởng chuyện viễn vông.

Mẹ nhỏ trước đây là bác sĩ khoa sản, nghỉ hưu non về chữa bệnh cho chó, loại "Xù Bạch Cẩu". Sau nhiều lứa nuôi chó, đỡ đẻ và chữa bệnh cho chó, bà phất lên ngôi nhà hai tầng sang trọng. Từ đấy da mặt mẹ nhỏ dần dần dày thêm, nung núc nạc. Hình như sự ăn uống đầy đủ trong cảnh phú quý làm bà muội mị đi phần nào vẻ trí thức của một phụ nữ từng là bác sĩ. Bà ta lạnh lùng, xa lạ với hàng xóm, thi thoảng láng bóng lên nụ cười khi bà tiếp khách đến mua chó hay cần chó nhảy giống.

 

Tôi chả dám làm quen với nhỏ. Tình cờ trong lần triển làm ảnh nghệ thuật, có ảnh tôi đoạt giải, dự treo. Tôi nói thêm rằng, dù tôi là sinh viên, nhưng cũng là tay máy chụp ảnh nghệ thuật. Tôi đứng sau lưng đám con gái đang chúi mũi xem bức ảnh "Chiều buông" của tôi, các nhỏ trầm trồ, bàn tán với nhau, tôi nghe trộm, ngầm hễnh mũi: "Đẹp không nào", "Như tranh ấy" và:

- Em xin lỗi ông!

- Không sao.

 

Tôi trả lời nhỏ, cố gắng không nhăn mặt. Nói thật, lúc nhỏ bước lui, vô ý gót giày đạp vào chân tôi đau điếng! Thế là tôi quen nhỏ, lại nhanh thân cho dù trước đây tôi không dám. Nhỏ lại nói:

- Ảnh của ông đẹp thật, em không đùa đâu.

- Cám ơn cô khen. Tôi cũng ở trọ gần nhà cô đấy.

- Thảo nào em thấy ông quen quen.

Tuần sau nhỏ khoe tôi chiếc máy Nikon, quà tặng sinh nhật thứ mười tám của nhỏ. Cũng lần ấy nhỏ mời tôi đến nhà nhỏ giới thiệu tôi với mẹ nhỏ và xin phép bà cho tôi nhỏ học chụp ảnh. Mẹ nhỏ cũng cần một người chụp ảnh giỏi, chụp cho những con chó Nhật của bà, để bà quảng bá với khác hàng. Nhỏ nói: "Mẹ ơi, anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh đó mẹ ạ, anh dạy con chụp ảnh, con sẽ chụp những con chó của mẹ thành tác phẩm lên lịch cơ". Mẹ nhỏ nhìn dáng lêu khêu của tôi: "Cậu dạy cho em lấy bao nhiêu thì bảo. Vào phòng nuôi chó nhớ mang dép dùng trong nhà đấy, không thì lây bệnh cho chó tôi" Tôi nghe nóng mặt nhưng nhìn cái chớp mắt của nhỏ tôi đành im lặng. Từ dấy, tôi đến nhà nhỏ thường xuyên. Tôi và nhỏ tặng mẹ nhỏ một loạt ảnh chụp các kiểu chó của bà. Bà hài lòng, mặt bà ít lì lì hơn.  

 

Nhiều chiều thứ bảy, chủ nhật tôi đèo nhỏ lên xe Chaly của nhỏ ra ven sông Hồng chụp cảnh sông nước, trời mây và nhịp lao động thường ngày của nông dân chăm bón hoa màu trên mảnh đất phù sa màu mỡ. Có hôm mải chụp ảnh nghệ thuật, tôi đưa nhỏ về rất khuya, mẹ nhỏ cũng không mắng. Sự quan hệ giữa tôi và nhỏ ngày càng khăng khít. Thường nhìn nhau… và cười, rồi ngợp trong lòng một rung động ấp áp, nhẹ nhàng.

 

*

 

Thời gian là của cải trời cho, mỗi người sử dụng quỹ tiết kiệm đó để vun đắp đời mình, hay đốt cháy đời mình xuống vực sâu tăm tối. Thời gian cũng là dòng sông đều chảy, điểm tụ hội là Biển vinh quang hay Biển đầy giông bão tan tác cõi người. Tôi đã dùng thời gian của tôi trong long đong tình nhỏ, những vọng tưởng mơ hồ ảo ảnh, theo đuổi trái ngọt ngoài tầm tay với và ê chề bởi dự phóng thất bại! Việc học của sa sút, tôi phải theo lệnh gia đình, "Về quê!".

 

Mai tôi về nhỏ có buồn không? Tôi xin cúi nhặt chút buồn vương trong đôi mắt mưa ấy, làm hành trang cay đắng trở về! Nhỏ ngồi đấy, tôi ngồi đây, cách vuông bàn chữ nhật. Ngoài khung cửa bầu trời Hà Nội xam xám mùa Đông như lòng tôi mênh mông nỗi buồn xa biệt. Quê tôi có bão lớn, lòng tôi cũng đang dậy những cơn giông. Chiều nay, chiều cuối cùng, chiều tiễn biệt. Hà Nội ơi tôi đã yêu người. Tôi làm thơ không đặng vì đôi mắt mưa của nhỏ đang buồn và lòng tôi lao xao không yên ổn. Tôi hẹn:

- Về quê, anh sẽ gửi ra em, cho anh thấm nỗi buồn hôm nay, mai kia chín thành chữ.

Nhỏ cười. Nụ cười tươi rạng. Tôi hiểu "Nhỏ thích tôi làm thơ ca ngợi nhỏ mà thôi. Nhỏ chỉ đùa thôi! ".

 

Đêm phố mưa, trời lành lạnh, lớp lớp mưa buồn lất phất. Tôi xách va ly lóng ngóng chờ nhỏ. Hồi chiều tôi năn nỉ nhỏ cố gắng xin mẹ đưa tôi ra ga. Nhỏ bảo: "Vâng ạ, mẹ sẽ bằng lòng thôi". Nhỏ đến, tôi mừng đến run không vì lạnh. Phố đêm, ánh diện nhạt nhoà, đất trời sũng ướt. Tôi và nhỏ đi bộ, đó là ý thích của tôi.  Chúng tôi đưa nhau đi dưới mưa, nhỏ vô tư, cái vô tư của con gái nhà giàu, tôi thì cố tình tìm lại những kỷ niệm cùng nhỏ, mai sẽ tan đi trên phố phường thân yêu này, mà tôi từng được sống, được yêu đơn phương. Tôi và nhỏ che chung chiếc áo mưa, tôi thích thế và nhỏ cũng bằng lòng vậy. Trong mảnh áo mưa nhỏ bé, không gian cũng nhỏ, ấm hương tóc, hương người, hương nhỏ quyện thơm, tâm hồn tôi rạo rực. Tôi bạo dạn:

- Có ai thơm má nhỏ chưa?

- Chưa ạ.

- Tôi xin nhỏ một kỷ niệm. Muốn…muốn thơm má nhỏ, nhỏ bằng lòng không?

- Vâng ạ.

Chúng tôi dừng lại dưới gốc cây xà cừ. Muôn hạt mưa rơi từ những mũi ngọn lá tí tách trên tấm vải dầu đang căng bởi tay nhỏ, tay tôi, bỗng chùng xuống khuất lấp khoảng mưa đêm. Nhỏ nghiêng má, môi mở hé như lần nhỏ hé môi cho mẹ nhỏ tô son. Tôi ghi một kỷ niệm trong trái tim tôi bàng hoàng.

Trên chuyến tàu xuyên mưa giả từ nhỏ và Hà Nội và năm tháng tôi quấn quýt bên nhỏ, tôi ôm một vòng hư không mà cứ ngỡ là điều rất thật. Bài thơ "Chung che" tôi viết trong chuyến tàu đêm ấy với dự báo: "Người chung che ấy thành chim bay rồi".

 

*

 

Hai năm tôi không gặp nhỏ, nỗi nhớ mong nhờ những cánh chim thư cho tôi trang trải nỗi niềm, bỗng nhiên bặt tin?. Tôi trông thư nhỏ như hồi nhỏ trông mẹ đi chợ về, càng trông càng bặt vô âm tín. Trước khi ra Hà Nội, tôi chuẩn bị món quà tặng nhỏ là một tập thơ tình tôi viết cho riêng nhỏ sau hơn bảy trăm ngày đêm xa vắng. Hà Nội lúc nào cũng cao sang, thông tuệ, nhịp đời ồn ả vui. Tôi, áo quần còn nhếch nhác tàu xe, liền lăm xăm đi đến nhà nhỏ, mong thấy mặt nhỏ một tý mà thôi. Đứng chờ trước cửa sắt ngôi lầu xinh xinh ấy. Một người đàn ông từ hiên nhà bước ra, ông nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ:

- Anh cần gì?

- Thưa ông, tôi muốn hỏi cô Bích Thuỳ có nhà không?

- Hình như anh là người ở xa đến? Nhà này tôi mua hơn bốn tháng. Tôi không biết Bích Thuỳ. À tôi nhớ ra rồi. Tôi có thấy cô con gái bà bác sĩ thú y đấy. Một lần tôi nghe chồng cô gọi "Thuỳ" thì phải. Ông là bạn?

- Xin lỗi ông.

 

Tôi vội vã chào ông ta đi như chạy. Đêm ấy tôi đi qua đi lại nhà nhỏ hơn mười lần, dù biết rằng nhỏ không có trong ấy. Nhưng đôi chân tôi đã quen đường, lòng tôi quen chung thuỷ.

Nhỏ ơi! nhỏ đã quên hạt mưa ngày cũ, nụ hôn của tôi đêm ấy nhỏ bỏ quên nơi đâu? Tôi chao đảo giữa phố đêm. Hà Nội bỗng nhiên buồn!

 

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 3097
Ngày đăng: 17.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lương dân - Hoa Ngõ Hạnh
Tha thứ - Tuệ Hải
Nơi kia không có đường chân trời - Trần Văn Bạn
Rượu đắng - Bích Ngân
Gỗ và đá - Trezza Azoopardi
Sông xa - Nguyễn Lệ Uyên
Nà Bò cỏ ống - Hoa Ngõ Hạnh
Chị và em - Hội An
Biển xanh sâu thẳm.1 - Peter Hobbs
Biển xanh sâu thẳm.2 - Peter Hobbs
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)