Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
458
115.865.433
 
Lưu vết thuở nguyên sinh dân tộc Việt? “ở lỗ” và “ở lổ”
Trần Hạ Tháp

 

 

 

 

     1/Y phục và ngôi nhà ban sơ thời nguyên thủy:

     Chỉ dấu phổ quát, hìện tượng đơn giản để nhanh chóng phân biệt con vật với con người là y phục và ngôi nhà.Sâu xa, có lẽ vẫn chưa hề đúng hẳn, vì từng có lúc 4 khái niệm:y phục, ngôi nhà, con người, con vật vẫn đang còn nhập nhòa chỉ mường tượng, chưa tách bạch để rõ ràng khu biệt như ngày nay.

 

     Thời nguyên thủy thì các khái niệm quan trọng: y phục, ngôi nhà, con người, con vật lúc bấy giờ nhiều lắm chỉ mới là tiền-khái-niệm, đang trên đường “tiến tới” chứ chưa hẳn đã định hình nên khái niệm.Đấy là lúc nhân loại đang phải trải qua đêm trường của trí tuệ.Thời hồng hoang thái cổ…Thời tương ứng còn hỗn mang tư tưởng.

 

     Ngược dòng văn minh nhân loại, con người còn ăn lông ở lỗ thì “y phục kiểu ban sơ” che thân cũng có thể hiểu “rộng ra”đang trong thời tiền-khái-niệm chỉ mới đơn giản là hốc cây, hang động…Mặt khác, hốc cây, hang động trong tình thế ấy vẫn còn có thể coi như “ngôi nhà ban sơ” trú thân của con người nguyên thủy.Hai thứ “tiện nghi hỗn nhập” thiết yếu nầy trong trình độ tiền-khái-niệm, còn phải lồng nhập vào nhau làm một.Chúng được coi như đồng nhất.

 

     Trong khi đó, bên cạnh người nguyên thủy còn có dã thú là những con vật thật thụ cũng tồn tại kiểu hốc cây, hang động y như người nguyên thủy song cho tận mãi ngày nay, chúng vẫn chưa hề tiến hóa đủ để rời xa khuynh hướng ấy.Dã thú thật thụ không như người nguyên thủy.Người nguyên thủy biết nối tiếp phát triển để dần thoát ra khỏi nơi âm u và lẩn khuất.

 

     Vâng, ý nghĩa “y phục và ngôi nhà kiểu ban sơ” nói trên, vì thế không để minh họa dã thú.Nó chỉ đặc biệt - xứng đáng - dành tôn vinh con người, dù chỉ mới là người nguyên thủy.Cần nhấn mạnh lại rằng, “y phục và ngôi nhà kiểu ban sơ” người nguyên thủy chưa thoát ra khỏi tình trạng hỗn nhập vào nhau đầy mông muội.Chúng đơn giản đang lồng vào nhau làm một.

 

     Biết rằng “ở hang”, “ở truồng” lại là hai hệ quả từ y phục và ngôi nhà mà sinh ra.Chính vì thế, một khi “y phục và ngôi nhà kiểu ban sơ” còn đang lồng vào nhau làm một, thì “ở hang”, “ở truồng” cũng không khác gì nhau, chưa thể nào phân biệt.Tóm lại, trong mông muội thì “ở lỗ”(ở hang)mặc nhiên cũng chính là “ở lổ” (ở truồng).    

   

     Với người nguyên thủy thì lúc ấy che thân và trú thân, hẳn vẫn còn đồng nhất, chúng lồng vào nhau vì chưa đòi hỏi nhu cầu cần phân biệt. Tình trạng đồng nhất đơn giản, tiềm tàng một thứ tiền-khái-niệm-kép còn ở dạng phôi thai để không biết bao lâu sau, sẽ tự ly khai ra thành 2 khái niệm vững chắc, riêng lẻ nhằm phân biệt 2 tiện nghi khác nhau: y phục để che thân và ngôi nhà để ẩn núp, trú thân.

 

          Cả hai, “y phục và ngôi nhà kiểu ban sơ” nầy hiển nhiên cố định và hoàn toàn còn lệ thuộc cõi thiên nhiên.Chuyện biết lấy lá cây đeo thành khố, moi khoét, xô đẩy đá để che hang còn đợi một khúc quanh về sau trong quá trình tiến hóa.

 

          2/ “ở lỗ” và “ở lổ” - cặp phạm trù biện chứng:

     Cần lưu ý rằng, qua ngôn ngữ Việt Nam thì “ở hang” và “ở truồng” còn có thể thay thế bởi “ở lỗ” và “ở lổ”.Hai từ sau mang tính thông tục, thường đàm và phong cách cổ xưa hơn.      

 

     Nhận định người nguyên thủy(nói chung) bằng thủ pháp triết học ngày nay, sẽ không khó nghiệm thấy: người nguyên thủy ở hang động, họ mặc nhiên để thân thể trần truồng.Và, do thân thể trần truồng, họ lánh ẩn vào động hang tìm nhu cầu che chở…Tương tác hai chiều, rõ ràng hai phạm trù “ở lỗ” và “ở lổ” có tương quan biện chứng vào thời ấy - hoặc nói cách giản đơn : “ở lỗ” và “ở lổ”, đang là cặp đôi hoàn hảo luôn góp phần cắt nghĩa lẫn nhau.   

 

     Ngày nay hai phạm trù này không còn tính biện chứng kiên định như ở thoạt kỳ thủy.Càng văn minh, phép biện chứng ấy dần trở nên suy biến.

     3/Dấu vết “nguyên sinh” còn lưu trong ngôn ngữ Việt Nam?

 

     Sơ quát về phương diện ngữ âm học(phonetics), âm vị học(phonology)và các ngành liên hệ nói chung, thật kỳ dị và lý thú(!!!)khi ngôn ngữ Việt Nam đặc biệt phần nào còn lưu lại vết tích về sự tương cận, hết sức gần gũi giữa “ở lỗ” và “ở lổ” để diễn ý 2 tình trạng hỗn nhập vào nhau trong thời kỳ tiền-khái-niệm xa xôi còn nguyên thủy…Là lúc chúng vẫn đang dễ dàng lồng vào nhau làm một.Nhất là cả hai “ở lỗ” và “ở lổ” không phải là gốc Hán Việt mà là thuần Việt chính tông.

      Không những “ở lỗ” và “ở lổ” chỉ chứng tỏ dấu ấn ở phần ý nghĩa nội dung mà thôi - hơn thế và đáng lưu ý hơn - ở phần hình thức phát âm, cũng đồng bộ để lại vết tích sự tương cận, gần gũi nhau rất đáng kể.

     Tại sao hai từ mang hai ý nghĩa khác nhau xa - ở hang và ở truồng - qua phát âm thuần Việt - “ở lỗ” và “ở lổ” - gần giống nhau đến thế? Chúng chỉ khác chút ít ở độ thấp cao về hỏi, ngã(!!!)

     Hai từ gây ngạc nhiên khi chính chúng ta, người Việt Nam lắm khi vẫn cứ phát âm nhầm, lồng lấn vào nhau rất thường sự.Điều hết sức đặc biệt đáng ghi nhận, là tánh cách đồng bộ kỳ dị, lý thú nầy không phải dễ tồn tại trong một ngôn ngữ khác(?).    

     Dị biệt rất nhỏ về phát âm - ngày nay mà nói - giữa 2 bộ phận chính “lỗ” và “lổ” trong cặp đôi của chúng, chỉ ở phần dấu hỏi, ngã.Điều nầy không hề ngăn cản ta nghĩ rằng:

     Nếu quả thật 2 âm ấy được lưu truyền ngay từ thời nguyên thủy, hẳn là chưa thể hoàn chỉnh như sau nầy được ký tự lại.Chúng tất nhiên, còn ở dạng rất thô phát tương ứng với các bộ phận phát âm thời chưa đầy đủ mức tiến hóa.Hơn nữa, lại đang còn hỗn nhập, đồng nhất vào nhau vì chưa hề phân biệt như sau nầy(khi đã vượt qua thời tiền-khái-niệm).

 

     Như thế, “lỗ” và “lổ” thời ấy rất có thể đã được phát âm đồng nhất(như nhau)theo một “dạng sườn, thô phát” ở trong 3 khả năng nầy:

     -lô (thanh bình)

     -lỗ (thanh ngã)

     -lổ (thanh hỏi)

     Điều gì xảy ra khi vượt qua thời kỳ tiền-khái-niệm và, ký hiệu ngôn ngữ văn minh đã ra đời?

     Một, là khái niệm riêng của chúng từng tiềm ẩn trong hình thái tiền-khái-niệm-kép đã nói, đến lúc chánh thức lộ diện để phân ly rõ giữa “lỗ”(hang) và “lổ”(truồng) phải tách bạch, không hỗn nhập nội dung như xa xưa nữa.Tiền-khái-niệm-kép đã ly khai thành 2 khái niệm khu biệt rõ ràng.

     Hai, theo sau đó không biết bao lâu nữa thì nhu cầu hình thức đọc, viết cũng tương ứng đòi hỏi cần phân biệt.Tóm lại, vì thế chúng được điều chỉnh phát âm ở phần dấu đủ để biến thành hai từ cho 2 khái niệm khác nhau.

     Chính hai lý do văn minh ấy, “lỗ” và “lổ” - trong ngôn ngữ Việt Nam - được định lập y như chúng ta đang tiếp thu và sử dụng hôm nay.

     Cũng có nghĩa, sự khác biệt về nội dung khái niệm và, cả hình thức đọc viết của chúng bây giờ(phân biệt hỏi, ngã) cũng không thể chứng minh được rằng, người nguyên thủy cũng đã từng phát âm(có hỏi, ngã để phân biệt rõ 2 khái niệm)y như ngày hôm nay.

     Vì vậy, ngoài sự gợi hứng chung ít nhiều về các vấn đề liên quan chuyên đề nầy để mong sao các học giả cùng chỉ giáo, góp bàn.Bài viết nhỏ của tác giả chỉ phản ánh một quan điểm riêng, mục đích nhằm góp phần kiến giải - về một giả thuyết - do chính mình mạo muội:              

     Phải chăng? Hai từ “ở lỗ” và “ở lổ” trong ngôn ngữ Việt Nam đã nói lên được sự tương quan, rất khắng khít - đặc biệt - kể từ khi sơ phát hình thành thời nguyên thủy cho đến ngày nay vẫn còn lưu dấu vết.

     Sự tương quan, rất khắng khít ấy - đặc biệt - đã hiển lộ song hành ở cả hai phương diện:nội dung ý nghĩa, lẫn hình thức phát âm.

     Rất có thể sự khắng khít song hành ở chúng là do ám thị mạnh mẽ từ tương quan biện chứng của một thời tiền-khái-niệm-kép lâu dài còn ẩn sâu trong tiềm thức dòng giống Việt.

     Và, hẳn đấy cũng chính là một phần rất nhỏ nhưng linh thiêng trong di-sản-người-nguyên-thủy-tổ-tiên-rất-xa-đời còn lưu lại qua giọng nói đến ngày nay?

 

(Vườn đá - thành nội Huế, 21/11/2013)

 

 

 

 

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 5341
Ngày đăng: 16.04.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Amish ở Mỹ - Phạm Cao Hoàng
Từ Oscar Salemink đến Buôn Ma Thuột. - Đinh Lê Na
Xã hội hiểu qua lăng kính Hàm số - Lê Hải*
Dân tộc và Huyền thoại - Lê Hải*
Bản sắc Việt xuyên quốc gia - Lê Hải*
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Tý/Tử *chút chuột (phần 10A) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Mão/Mẹo/mèo - Nguyễn Cung Thông
Xin Tiếp Lửa Cho Ông Đinh Kim Phúc - Hà văn Thùy
Lối Sống Ngưới Hà Nội Qua Ba Thế Hệ Một Gia Đình Trí Thức - Hoàng Hưng
Thế Nào Là Người Hà Nội? - Lê Phú Khải
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)