Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
433
115.871.783
 
Vechaibaođồngnát@mgsh
Trần Hạ Tháp

 

 

(1)

    Thất nghiệp kinh niên là hắn. Nhưng để trả lời một câu hỏi rất thường xuyên “Anh (chú/ bạn/ mầy/…) làm việc nơi đâu, lương bổng thế nào”? hắn đã hao tổn quá nhiều năng lượng, vốn xa dưới mức vạch đỏ từ lâu.

    Văn hóa gởi thưa, quen đòi hỏi biệt phân bậc cấp, ngôi thứ trước khi đi vào câu chuyện. Về mục “vấn an”, hắn nạn nhân trường kỳ không chối cãi. Người hỏi không tò mò mà thể hiện dạ quan hoài, “ý săn sóc” hắn đấy(!). Đa tạp cú pháp (như trên) biểu diễn chính xác tình trạng vô lượng người đã, sẽ và đang buộc hắn phải trả lời đáp lễ. Ôi… chẳng lẽ ngậm miệng trìa như thể một thằng câm?

    Nhắm chừng “sở hữu thất” của hắn giàu có nhất vì chúng mãi vẫn vận vào thân thế: thất nghiệp, thất thế, thất thần, thất thểu và thất cơ lỡ vận. Chưa hết hắn là nạn nhân “mặc định” của thất đức, thất sách, thất thoát giữa vòng vây thất nhân tâm để chỉ còn lại đó toàn ánh nhìn thất sắc…

    Tránh phiền não cái nào hay cái ấy. Vợ hắn rất hiểu khi “điều phối” hắn ngồi nhà, chuyên “giũ phủi xếp”, ngoài ra “kiêm nhiệm” nhiều công việc không tên (bếp núc, chén bát, áo quần, họp dân phố, phụ huynh, bổ củi, xách nước, tìm vịt gà chạy sổng).

    Để xếp lại thành kí lô đống giấy tạp-pí-lù, nàng mua về khắp tứ xứ. Hắn đập cho hết bụi, xi măng, bùn đất, mối mọt và được quyền ra vườn “làm việc”. Nơi thông thoáng nhưng luôn khuất con mắt thế nhân đầy cú vọ. Quả nhiên từ đó có nhẹ người đôi tí.

    Thật ra thời gian dài trước đây, hắn quá thường với những việc vặt được đẩy dúi tới, khi dăm ba tháng khi chỉ vài ngày là biến mất… Đến nỗi, khi chúng đi qua rồi cũng chẳng lưu lại gì trong cái gọi là ký ức. Tình cờ ai nhắc nhủ mới thấy “hình như có lúc lăn quăn việc đó, không nhớ bao lâu, từ khi nào và vì sao chấm dứt”? Cuộc hành trình vô định lần lượt điểm danh vợ chồng hắn, kẻ trước người sau. Cứ thế đến hai chục năm với chai bao “ôm trọn” tới giờ nầy.

    Vợ hắn còn tí nội lực để đào ra nghề nghiệp nghiêm chỉnh, hắn còn khuya mới vươn tới tầm cao ấy. Được ăn theo đã là “động vật quý hiếm”. Vợ hắn, cứ “một gánh sơn hà” khản cổ chạy rao tìm mua đồ phế liệu. Nó hoành tráng tầm cỡ đủ để sở hữu 3 danh hiệu, ứng ba “cõi miền đại lý”: nam “ve chai”, trung “chai bao” còn bắc là “đồng nát”.

    Nhưng tại sao? Ở thời đại @ chúng vẫn còn phân ly, riêng lẻ khi mà tất cả trở thành bạch hóa, trở thành chuỗi bi ca trong “hoạt hình” nhân thế. Thống nhất ký tự: vechaibaođồngnát@mgsh. Hắn cảm nhận ở mỗi khái niệm mỗi giá trị đặc thù, không xóa nhòa vì “nhân danh tổng quát”.

    Ấn triện @ tầm vóc văn minh thời hiện đại, thời liên thông không biên giới ngữ ngôn. Ngẫu nhiên hay vi diệu miễn bàn? Khi (duy nhất) được nhìn qua “ý nghĩa Việt” @ phải chăng? Là mã dấu cho “Cái ác đã khoanh vòng”, cái lạc hậu với “độ bọc toàn cầu” đến lúc điểm danh và khu biệt. Viết tắt mgsh: “một gánh sơn hà” ghi lại chuỗi hoạt hình người vợ. Nỗi nặng nhọc về đủ thứ cưu mang. Về “bách khoa tồn sinh”, về “bằng cấp lậu” đẻ ra từ trường đời tuyệt lộ… Nàng mgsh trụ cột, kẻ miệt mài gồng bắp vai giữ “cơ đồ” nhà hắn.

    Không vọng tưởng gì ở “văn chương” một thằng hèn mạt. Hắn chỉ còn biết cảm kích ơn “chữ nghĩa” tầm thường, chút vun quén còn lại từ một thời cha ông cưu mang nhiều lam lũ. Bằng không, sẽ chẳng cơ hội “chuộc mình” nào cho hắn…

(2)

    Qua giũ phủi xếp hằng ngày cũng tình cờ thu lượm đôi điều. Thoạt đầu hắn buồn cười nhưng dần dà rồi thôi, mãi thành chuyện thường ngày “ở huyện”:

    “Thu lượm 1”: Giấy trắng loại tốt, quá sạch gần như đa số còn như nguyên, chưa hề hoặc đọc rất ít. Cũng đừng tưởng vợ hắn phải mua giá cao. Rẻ như cho, chắc người ta ưa tống đi cho rảnh. Hắn chỉ cần lột bỏ cái bìa hơi cứng, tách rời ruột để dễ dán bao bì, đong (ớt bột) là xong. Những tập thơ ấy mà! Phần nhiều khá mỏng, cũng tựa bạt, phụ bản đủ cả. Hắn chỉ đọc mấy dòng trịnh trọng ký tặng nhau trang đầu, quá đủ … Tưởng tượng chuỗi “hoạt hình” giả như mấy quý tác giả tình cờ ngồi đây, bên cạnh hắn…

    “Thu lượm 2”: Giấy A4 còn nguyên, có cũ có mới, khi một xấp, khi vài tờ, khi phẳng phiu, khi quăn gập. Có lẽ bất lợi ít nhiều cho vợ hắn. Cũng cứ nên tự coi – khác lương tiền – là “lương bổng” hắn lãnh dành viết lách lăn quăn. Lương tại chỗ, theo chế độ văn minh “hưởng theo nhu cầu” ngay tức khắc.

    “Thu lượm 3” : Mỗi cuối năm, phong trào in lịch tặng biếu quảng cáo búa xua. Đồ cũ bị lột xuống ra đi và nhường chỗ. Lý do vì sao toàn cảnh đẹp của quê hương đất nước, đủ ba miền bừng lên trong nhà hắn! Quan trọng tờ lịch phải to và khá dày dù có cũ đi tí.

    Chú bác quê ghé thăm đều hết sức ngợi ca khi đứng ngó quanh nhà:

    -Nghe nói đi du lịch hao tiền tốn của, bất trắc đủ thứ. Mà đầy đủ mô? Trong nhà chú mi cảnh chi cũng có, đủ cả. Coi không hết. Cứ “ngồi” mà du lịch quá hay. Đi mô chi rứa hè?

    Hắn cười chẳng lẽ nói ra nhà khe hở quá nhiều, gió mùa đông bắc len vào không chịu nổi, cách vận dụng nhanh! Quả thật, không ngờ công dụng còn “đi trước” thời đại.

(3)

    Khi trả lời câu “vấn an”, hắn đáp đầy đủ “phụ vợ mua bán chai bao dép đứt, kiếm lon gạo qua ngày”. Không hào hứng, tất nhiên cũng hơi đâu ca cẩm dài dòng, vả lại xứ nầy nói chai bao dép đứt đã thành quen. Chỉ nạn trả lời quá nhiều là khiến hắn “đổ điên”. Chưa hết…

    Nhất là sau đó, những dạng phản hồi – lâu ngày kinh nghiệm – có thể liệt kê và đoán trước được, ngay bon. Như:

    Phản hồi nguồn A: “À ra thế” Thường đây là các vị nền tảng được “đôn cao” trong xã hội (quyền chức, giàu có, oai vệ). Loại nầy được cái là ít quấy rầy thêm. Họ lập tức coi hắn y một “vật thể vô hình” không xác định.

    Phản hồi nguồn B: “Tốt đấy, phân công xã hội. Đủ cả…”. Các quí vị nầy thường có tí ti tư thế, ra khỏi xóm cũng chả còn ai biết đến. Loại cứ ưa trò vỗ vai gọi là “động viên, khuyến khích” dân tình… Thật ra, họ chỉ “học lại” không sai một chữ bài nói của các vị bề trên từng “động viên, khuyến khích” chính họ. Dài dòng, ưa tỏ vẻ cảm xúc “tận tường” đến chi tiết nhỏ mỗi “cảnh nhà”. Loại hiểu rõ, hắn chán mứa buồn cười và cực kỳ thương hại. Cúng thí thời gian bất đắc dĩ cho loại vớ vẩn nầy không hơi đâu kể xiết.

    Phản hồi nguồn C: “Rứa mà khỏe. Tay bo miệng lủm, còn hơn là làm ruộng suốt năm giữa đồng. Mưa gió bão lụt xong om!”. Đây là chú bác ở quê, còn nói “may mà được như chú mi”. Hắn dở cười dở khóc. Á khẩu.

    Phản hồi nguồn D: “Sao tệ? Mày đến nỗi gì. Ê, đừng có chơi anh em nghe mầy”. Và y như sau đó là những lời khuyên “kiểng”, có cảm giác dè chừng lồ lộ. Họ những “bằng hữu” một thời phiêu dạt, đi xa – có thể chưa mòn dép đâu đấy – đã tạm “hồi phục nhân thân” và vì thế, con người “mới hơn” liền xuất hiện. Thường tỏ vẻ “nghĩ không ra” khi hắn mỏi mệt chối từ ngồi cà phê hay dự buổi nhậu gì gì ở nhà hàng Y, quán X… Cuộc hội ngộ nhân danh họp mặt các bằng hữu “thân thương” ngày trước. Nghe chuyện, vợ hắn chả có phản ứng gì. Nàng bình thản. Riêng hắn, một ý niệm chả bao giờ nói ra “Sau thảm kịch là bi kịch. Bản chất bi kịch là ở đường chạy vòng tròn và, vẫn cứ chơi trò mặt nạ”.

(4)

    Hắn thuộc loại: bản thân có thể đói dài dài không ai biết, chả ai hay. Bị chửi nhìn lơ. Hứng ly bia đứa chó chết tạt mặt, cũng cứ lặng lẽ bỏ về không thái độ. Thế nhưng quái! chỉ bỉu môi cười khẩy, buông ra lời khinh ngạo – với vợ hắn – thì thôi rồi… Hết biết. Hắn đấm ngay, vỡ mũi nhanh đến chính hắn cũng bàng hoàng sau đó. Đàn bà và con nít. Hai cái tình huống dễ khiến đưa đến lây lan phiền hà cho hắn.

    Trạng thái “đổ điên” là như vậy. Lạy ơn trên! không nhiều, vài ba lần đủ làm vợ lo âu, khẩn khoản suốt tuần. Lớn lên đến giờ hắn đi học, giáo viên đi dạy (chả mấy ngày). Các anh trai lần lượt đã chết trận, chết “trại cải tạo”. Hắn, con trai duy nhất còn ở nhà cứ chờ để đưa tang cha mẹ. Xong, giũ phủi xếp đến hôm nay…

    Trước toàn cảnh đời mình – hắn nhếch mép – “đổ điên” hay không “đổ điên” thì khác quái gì không nhỉ? Rút cục hắn cũng y thằng hèn mạt chứ gì? Chưa ai nói, nhưng – ít ra, hắn có quyền – tự mỉa… Như khi đấm vỡ mũi thằng chủ thầu vất tiền xuống chân buộc vợ hắn lượm lên, hắn gầm:

    -Con c..! Tự do nhìn hèn mạt đây này. Xin mời! Tao hèn mạt đủ trăm phần trăm, không thiếu sợi lông.

    Hắn không thèm ngó nghiêng hay chạy làng, bỏ đi. Vợ hắn lượm tiền xong đẩy hắn ra không quên côn theo “một gánh sơn hà”:

    -Anh quên rồi? Còn cả chục thằng chủ thầu khác. Mình đi “nhập” xa hơn tí thôi. Thằng mô cũng “trâu tria” cả. Việc gì? mất thì giờ.

    Thì ra, hèn mạt như hắn tự nhận cũng cứ chưa bằng “trâu tria” đâu. Đỡ quá! Có lẽ vì hắn “hèn” (không sang) “mạt” (hạng chót) nhưng tính ra cũng chưa “hạ” (bẩn thỉu, trâu tria) như vợ nói.

(5)

    Hắn chán cái món “vấn an” kia hơn chưởi cha. Song “siêu chán” là các lời khuyên (rất khoa học, cập nhật) đi với tia mắt quái lạ cứ “nghĩ không ra” về hắn. Giải bày? Mà sao cần phải giải bày ai, để gì nhỉ? Có “công nhận” hay không cái nghiệp giũ phủi xếp một chuyện, mặt thực tế vẫn phải đành “chấp nhận” sống. Chả ai tài giỏi gì thời hỗn thế loạn tâm, khác cái vận (thật như đùa): “chằm chày may rủi, bổ củi nấu cơm”. Dị ứng cái trò kẻ “nhớn” ưa vỗ vai, hắn chọn ngay phong cách tiền sử. Xin kiếu để “trở về hang động”! Mà đâu? là cái hang nào? Có đấy.

    Một hôm, vợ hắn có chút “lộc còm” trúng mánh hàng rẻ. Nàng bổ túc thêm tí thức ăn mặn miệng, nhân vui vẻ lại cứ có ý kiến đề nghị (đã nhiều lần):

    -Giải trí tinh thần đỡ buồn chán nhưng anh vừa phải. Đêm mô cũng thức khuya, nói dại đến khi ốm đau không có thuốc mà uống. Khói thuốc nhiều quá là nhiều! Đã cực khổ rồi… Ngủ sớm sớm.

    Hắn nghe đủ bài ca con cá, biết tội nên tìm cách nói chặn:

    -Ừ, thì là thao thức khó ngủ. Lan man trong cái đầu…

    -Em biết. Ai cũng dồn nén “bức xô” hết, nhưng còn lắm người đâu có rảnh? chưa phải chỉ anh mới biết đôi ba chữ này nọ. Đời nầy dư chút thì giờ không dễ, trừ mấy ông bà già chả lo cơm gạo, mấy kẻ hụt hẫng trống rỗng chẳng biết để mô cho hết cái ngày lê thê… Như em, không biết buồn chán à? nhưng thì giờ đâu chăm sóc nỗi lòng mình? Nói chi thì nói, rảnh chút đỉnh là quý nhưng mất sức khỏe khổ vợ khổ con tội nghiệp. Bạn anh, ai cũng “bậc thánh nói”. Điều kiện của họ hơn mình xa xề. Mình không gạo ăn ba ngày chết đói toàn gia. Họ thử sống coi? Sức người có hạn nhưng “sức nói” vô hạn!

    Hắn yên lặng không thở dài than vắn gì cả, vợ hắn nói đâu có sai. Nàng giáo viên miền núi “mất dạy” như hắn từ lâu, cũng chưa đến nổi dốt nát. Nghiệm cho cùng, do rảnh rỗi hắn miệt mài làm “anh tài than thở” làm “kẻ sĩ chửi túa” để tiêu hóa bức xúc mỗi ngày. Khác cái chưa bật ra ngoài cửa miệng hay vạ vật đầu đường đấy thôi.

    Có đôi tí ghi chép lại cảm xúc đâu đó, ít nhiều hồi ức cuộc sống đã đang trải qua suy tàn, “hôn mê sâu” bát ngát. Thêm tí “văn chương hóa” ở cái góc bàn mọt kêu trèo trẹo suốt ngày đêm…

    Có chút quan trọng, song chưa chắc ngoài bản thân hắn đã là “một cái gì” với đời này? Chỉ coi như thư giản cần thiết có ý nghĩa, hoặc hơn thế chút đỉnh “tự phục chế” cái chân dung nguệch ngoạt của mình vốn chả ra hồn ra đế! Hắn rồi cũng bỏ qua vọng tưởng, chẳng dám đề cao tự coi mình “hàng mẫu” chân lý nào đó. Gì cũng đang phục vụ cái tôi, sự sống tinh thần cá nhân mình trước là chính. Riết dù có nghiêm trọng đến mấy, hục hoặc đến mấy cũng chỉ là “ngồi và nói”. Thế thôi. Hắn tự biết mình đang làm gì? ở đâu?

    -Ừ thì biết rồi… khổ lắm, nói mãi! – Hắn tếu yếu xìu, kiểu cầu tài để lãng chuyện. Nàng bật cười quá hiểu, bắt chước cái giọng miền nam trước khi đi vào xó bếp. Mẫu câu đang thời thượng:

    -Nói dzậy mà không phải dzậy. Lại còn hơn dzậy!

(6)

    Khổ thay, nghiệp chướng vẫn là một đam mê không từ giã. Nói ra sao đây? Chính hắn còn nói hắn chưa nghe. vechaibaođồngnát. Hắn mãi nghĩ vẩn vơ đến 3 cái tên đặc biệt nầy. Khả năng vô tài bất tướng, đêm đêm ngồi bên ca trà đá như một thói quen mãn tính, vechaibaođồngnát. Bao đồng nát ve chai? Các đồng nghiệp vợ hắn? – không hề ít nhưng nhiều cỡ nào, và có ai đặt “vấn đề” kiểm kê trốn thuế chưa nhỉ? – họ nhan nhản 3 miền, “một gánh sơn hà” chạy quanh chưa bao giờ thôi nghỉ. Đi cùng “tiếng vang” khắp hang cùng ngõ ngách, với nỗi niềm phế liệu và con người hỗn hóa vào nhau. Vật, người vô phân biệt. Ai bận trí “tư tưởng cùn” về họ. Ngoài hắn đây..?

    Vâng, “cái gọi là người” đành cầm cố lượng “linh hồn không nuôi nổi thể xác” cho phế vật. Và, “cái gọi là vật” vốn chính danh phế liệu lại hãnh diện, tự đăng quang lên ngôi làm “cứu thế”! Ồ nhiều quá, còn nhiều kẻ quảy gánh lên vai: vechaibaođồngnát. Cuộc “khởi kiệu” cứ nối tiếp mỗi ngày đón và đưa ngôi “cứu thế”! Đám rước dị kỳ vĩ đại nhưng vô cùng đơn giản. Đơn giản đến mức hình như không có gì để nói.

    Với phế liệu, muốn hay không cứ một thời trong cuộc đời của hắn. Không phủ nhận quảng đời đang diễn ra là “phi thực”. Sao cứ cố quên đi nhỉ? Hắn phải nhớ đủ như một thứ “chất liệu quặn thắt keo đặc” đã thành đá tổ ong lộ thiên trong tâm khảm. Tất cả “hỗn mang hóa” thành sản phẩm, cái gọi “hắn hôm nay”. Đấy, chất liệu cốt tử còn lại. Là bằng chứng duy nhất, không biện minh, không ủy thác…

    Vĩnh viễn chả bao giờ “hình thành văn chương” phi quá khứ. Đơn giản, khoan nói đã viết ra chưa? Chỉ mới hiện ra trong não bộ – ý nghĩ của chủ thể sáng tạo – ngay lập tức sau đó đã trôi vào quá vãng, dù sáng tác “viễn tưởng cho ngàn năm sau” đi nữa. Giả như lập trình “robot làm thơ” cũng sẽ được tính với dòng điện vừa thao tác, đi qua. Và, “sáng tác” hiện hình “ngay sau” phần tỉ tỉ giây đi nữa vẫn đã là quá khứ!!!

    Với hắn, không ca tụng khổ đau, nhưng đâu vì thế không cảm nhận sâu sắc về đau khổ??? Trong hành trình đớn nhục còn cái giá hoàn trả cho khổ đau phát tiết. Ít nhất, hắn chưa bao giờ có vọng tâm để rắp “ăn gian quá khứ” vechaibaođồngnát. Việc gì trốn chạy như một cách cố xóa sạch hiện trường tàn tệ, quên đi nhỉ? Hắn cứ nên đối diện “sự thực của sự thực” chính hắn (dẫu có não nề) trước khi nghe luận bàn nhiều sự thực khác, xa hơn.

(7)

vechaibaođồngnát

rao lên rao lên đi cất tiếng

tấu khúc dọc đường lạc giọng đòn triêng

sẽ không đầy bát cơm

nắng mưa trưa chiều sáng sớm

vật, người chưa hỗn nhập bình quân

hiểu chua chát đời nhau

ở vai ở chân tay chưa phải ở xa hơn

phế liệu nâng lên đội nón căn phần

sẽ chẳng bòn mớ cá ươn

rau cải chùm ớt bịch tương

rổ khoai hà lụt dầm sắn sượng

khi vai rù người quảy gánh chạy rong…

vẫn không đủ u nần

bàn chân chưa bẹc ngón

khuôn mặt bàn chân chưa chà mỏng dương trần

vechaibaođồngnát

xôi muối mè quen nhạt

nắm xôi gốc cây nón quạt nghỉ ngồi

vốc tay vợ tôi

chưa bao giờ không nguội

“ch..ai b..ao d..ép…bá..án khô..ông?”

vợ tôi mấy năm?

hành khúc “sơn hà một gánh” ngày qua

chưa bao giờ không vội

rống cổ chạy rao đâu đứng la làng

bòn bát cơm lên: “như núi”

húp canh đầy “toàn quốc”(nước): “tựa sông”

chạy chạy chạy giữa mênh mông

cào mót bươi phủi kỳ cùng

vĩ đại – ít nhất với tôi

bằng mồ hôi chảy dài so đũa

nàng giúp hằng bao năm từ chối

ngoãnh mặt lì đời…

bập bẹ nói không

“ngài tuyệt vọng” là thằng tôi chó chết

vechaibaođồngnát

“một gánh sơn hà” 3 cõi danh xưng

không thể nghỉ ngừng…

như sáng trưa chiều

trọn gói ngày còn đổ bóng liêu xiêu

hai trục nối “tung hoành”

đất trời – đòn gánh

giữa lằn giới ngông nghênh

trĩu xuống…đỡ lụn tàn muôn nỗi

nửa sống đang chết đi

nửa chết đang đi sống đầu đường

vụn rách rỉ nát ố

lủng bể méo sút sức đứt

mối mọt xé vò…

khi “phế liệu đăng quang”

em từ lâu…

có câm đâu?

vẫn không hở gánh gồng

chả nói lời than thở cùng tôi

tôi từ lâu…

đâu có câm?

giũ phủi xếp hè sân

chả nói lời tuyệt vọng với em

chúng cũ rích mất thời gian vớ vẩn

đã thừa mứa triệu tỉ lần

tợ như

phế liệu nói

đã quá đủ đừng thêm!

nếu nói chỉ để nói

xin! lặng yên, đừng quấy nhiễu

(8)

    Cô độc tuyệt đối đâu cần gì nói viết với ai… Tự đọc xong tiêu hủy! Không đâu, hắn cô đơn giữa đời nhưng vẫn chưa cô độc giữa tâm tư. Hỏi đủ bản lĩnh cô độc, cóc cần ai chưa nhỉ? Hắn đến ngàn lần cũng không dám lộng ngôn.

    Chút xíu hạnh phúc “cô đơn không cô độc” giúp hắn biết mở lòng ra và tri ân kẻ đọc nhiều hơn. Vâng, với bất kỳ ai đồng cảm…

 

(thành nội Huế -18/12/2014)

 

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 1479
Ngày đăng: 22.05.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giàng và ẩn ngôn thời đại - Trần Hạ Tháp
Con bẻm - Bùi Thanh Xuân
Như cánh hoa rơi - Nguyễn Thị Lê Na
Chiều hôm, một người khách lạ - Nguyễn Đức Tùng
Tặc lưỡi - Trần Hạ Tháp
Tiếng nhạc dưới trăng - Bùi Thanh Xuân
Khoảnh khắc - Bùi Thanh Xuân
Bóng xưa … - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Cánh ban rơi trong gió - Lam Thùy Dương
Vượt qua thời - mặt - nạ? - Trần Hạ Tháp
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)