Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
485
115.866.577
 
Tranh thờ Nam Bộ
Nguyễn Thanh

 

 

                                                                                               

      Dưỡng sinh nghĩa nặng non cao   

 

                                                                                                                                                                                     

     Thờ cha kính mẹ lòng nào dám phai.

 

                  Đất Nam bộ mênh mông với không gian sông nước phẳng lặng, hiền hòa và và cảnh vườn tược ruộng đồng xanh tươi tú mậu, rất thuận lợi cho sự hình thành một nếp sống tình cảm đôn hậu, một thế giới tâm linh phóng khoáng của con người nơi vùng đất mới.  Ngay từ thuở khai hoang mở đất, người dân miệt vườn quanh năm dù phải chân bùn tay lấm, cuốc bẩm cày sâu, vẫn ý thức sâu sắc bổn phận với cha mẹ, tổ tiên là những người đã dày công sinh thành, lao động cực khổ, nuôi dưỡng mình cho đến khi trưởng thành. 

 

           Với mục đích chính là thờ phượng mang sắc màu tín ngưỡng, đôi khi xen với dụng ý trang trí cho đẹp nhà cửa, đình chùa, đền miếu, …do đời sống phong phú và tính tình rộng rãi của người dân Nam bộ, tranh thờ có lẽ đã xuất hiện hơn ba trăm năm trước bắt đầu từ khi nhà Nguyễn ổn định được sự thống nhất giang sơn. Hành trình của tranh thờ ở các tỉnh phía Nam thường được xuất hiện từ các đô thị lớn như Chợ Lớn, Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh hôm nay) trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo nơi các chùa lớn, ngụ ý bày tỏ lòng thành kính ghi nhớ công ơn to lớn của tổ tiên.

 

         Tinh thần đạo nghĩa thiêng liêng và tấm lòng hướng về nguồn cội cao đẹp đó thể hiện rõ nét trong sinh hoạt thường nhật và sự thờ cúng ông bà, cha mẹ nhất là trong những ngày kỷ niệm quan trọng và lễ giỗ hằng năm, nhằm tưởng nhớ lại những người ruột thịt thân yêu đã khuất bóng. Mới bước vào bất cứ một ngôi nhà nào, dù nhà bình dân hay sang trọng, khách cũng có thể nhận ra trước mắt mình là một bàn thờ trang nghiêm, ngự ngay giữa trung tâm gian phòng chính của chủ nhà. Trên bàn thờ trang trọng đó, người ta nhận ra ngay sau chân dung của ông bà, cha mẹ đã khuất bóng hay ảnh Phật, Chúa, của giáo chủ hay biểu tượng tối cao một tôn giáo…là một bức tranh nền trang trọng làm phông (nền), được gọi là tranh thờ (worship painting).

 

              Nơi những bức tranh thờ (hoặc tranh trang trí nhà cửa), tác giả dù chưa chắc đã quán triệt sâu sắc các nguyên tắc nghệ thuật nhưng do lòng yêu hội họa, tự mày mò tìm tòi tự học, vẫn vẽ một cách chăm chút từng đường nét và tinh tế về màu sắc không kém gì các họa sĩ chuyên nghiệp. Chắc chắn là họ đã ý thức được ý nghĩa tín ngưỡng của những tác phẩm ấy trong việc thờ phượng Trời Phật, Chúa… hay tỏ lòng hoài niệm những người thân đáng kính đã qua đời.

 

             Trước hết, nội dung một bức tranh thờ và bố cục sắp xếp đều tập trung minh họa nhất quán vào một đề tài : cảnh sơn thủy hữu tình  và hình Phật Bà, Phật tổ, ông bà, anh hùng, danh nhân… trong lịch sử nước nhà hay sách truyện cổ. Thuở niên thiếu, khi mới từ quê ra thành phố ở trọ đi học, đám học trò chúng tôi ngày ngày, trong những khoảnh khắc không bận rộn chuyện đèn sách, hay say mê ngắm nhìn, để rồi được thú vị đắm hồn trong những bức tranh thờ hoặc tranh trang trí bóng lộn với phong cảnh sơn thủy nên thơ treo trên vách tường chủ nhà trọ.

 

                                                                      1

Trong đó những cảnh bến nước triền sông, núi xa trời rộng hay cảnh từng đàn chim rừng bay về tổ ấm trong ánh hoàng hôn bãng lãng khiến lòng vô cùng sảng khoái, tâm hồn rạo rực muôn điều nghĩ về tương lai phía trước !

 

              Do tính cách phổ biến tinh thần thờ cúng rộng rãi trong quần chúng, có người coi tranh thờ là mô hình nghệ thuật mang đậm màu sắc dân gian, khá gần gũi với dòng tranh mộc bản, ta thường thấy xuất hiện rầm rộ trong rừng tranh Tết vào những ngày cuối chạp đầu xuân. Thực ra giữa tranh thờ Nam bộ và tranh dân gian vẫn có những nét tương đồng và điểm dị biệt về kỹ thuật và bút pháp rất dễ nhận ra dưới cặp mắt chuyên môn của những người làm mỹ thuật. Điểm tương đồng trước tiên của hai chủng loại tranh phổ thông mang đậm tính cách quần chúng này là chủ đề (thesis) lành mạnh. Bên cạnh nhu cầu thỏa mãn óc thẩm mỹ nghệ thuật cho con người là dụng ý thể hiện một tinh thần hướng nội trong sáng, mang ý nghĩa giáo dục cùng tấm lòng hoài niệm tổ tiên, anh hùng, nghĩa sĩ rất đáng được ngưỡng vọng rộng khắp mọi thời đại và không gian. Điểm giống nhau về kỹ thuật (technique) là cả hai đều được thực hiện theo lối vẽ ngược, tức là vẽ hình, tô màu vào mặt sau (mặt trái) của nền tranh (kiếng, mi-ca, gỗ…) ngoại trừ trường hợp tranh thờ vẽ trên giấy hay trên vải là nghệ nhân vẽ bình thường như thao tác của hầu hết các nghệ sĩ tạo hình. Nét dị biệt của tranh thờ là các nghệ nhân thường theo khuynh hướng hiện thực (realism) vì mục đích đạo lý của bức tranh được xem như một thông điệp giáo dục mà tác giả muốn gởi đến mọi người trong gia đình. Bởi lẽ, những nghệ nhân sáng tác tranh thờ đều xuất thân từ quần chúng bình dân mà không phải qua một trường lớp nghệ thuật kinh điển. Do vậy, đa phần những tấm tranh để thờ phượng ông bà, tổ tiên mà họ sáng tác không hề bị ảnh hưởng bởi bất cứ một trường phái hội họa (school of painting) hàn lâm hay một khuynh hướng hiện đại (modernism) nào. Tất cả những tranh thờ đều được đặt trong một khung trang trọng chung quanh viền hoa văn mỹ thuật, màu sắc rực rỡ. Trong khi đó, ở dòng tranh mộc bản ít được đóng khung, nội dung thoáng hơn vì đôi lúc còn mang ý nghĩa giải trí, trào lộng hoặc tượng trưng.

 

 

             Đặc biệt về chất liệu thực hiện : Vì vẽ tranh thờ hoặc tranh trang trí nhà cửa, nghệ nhân nếu sử dụng nền tranh bằng kiếng, mi-ca  thì phải vẽ ngược trên bề trái (mặt sau) của nền tranh. Còn vẽ trên vải bố, si-mi-li, giấy thì vẽ bình thường trên bề mặt. Vẽ trên khung kiếng, người ta có thể dùng sơn dầu hay bột màu pha dầu bóng (nhựa thông). Vẽ trên giấy hay vải theo thao tác phổ thông, nghệ nhân tha hồ sử dụng, màu nước, màu bột, phấn tiên (pastel), màu bột (gouache). Nhưng tốt hơn hết là dùng sơn dầu để giữ tranh được lâu bền với thời gian. Thưở còn mài đũng quần ở trường phổ thông, chúng tôi học hội họa chính khóa ở trường với giáo sư Nguyễn Cường tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Vì quá đam mê hội họa, anh em chúng tôi còn háo hức tìm học thêm mỹ thuật với họa sĩ Nguyễn Robert nổi tiếng vẽ tranh thờ, có nhà ở cạnh chùa Cây Bàng – Bửu Liên tự - gần hồ Xáng Thổi tại Cần Thơ. Thầy là một họa sĩ uy tín tại Cần Thơ, tính tình rất vui vẻ phóng phoáng dạy học trò vẽ tranh rồi minh họa bằng thơ. Họa sĩ Nguyễn Robert sống tự do bằng nghề vẽ pa-no quảng cáo cho rạp chiếu bóng Tây Đô ở đường Nguyễn Thái Học (nay là đượng Võ Văn Tần). Khi đã vẽ khá được phong cảnh, vì nhà xa phải ở trọ đi học, có lúc túng tiền, anh em tôi đã mạnh dạn vẽ những tấm tranh sơn thủy thờ bằng màu bột trên giấy croquis ( một mặt màu trắng, một mặt xám). Chúng tôi mua các màu bột cơ bản : trắng, vàng, đỏ, lam, đen đựng trong keo ở các tiệm sơn, mang về trộn với a-dao, tức là chất nước sền sệt có chất nhờn (da trâu nấu nước sôi) để vẽ. Tranh vẽ, chúng tôi bắt chước theo những tấm tranh thờ từng thấy trong những gia đình khá giả. Nó thường gồm có ba phần : chính giữa là phong cảnh, hai bên là hai câu đối 7 chữ hoặc 5

                                                                       2

 

chữ mượn từ các câu liễn xưa và sau hết là phần trên, dưới thường trang trí hoa lá hay câu châm ngôn ngắn như Đức Lưu Phương, Uống nước nhớ nguồn, Gia đình Hạnh phúc, … Kỹ thuật và bút pháp còn hạn chế, nhưng những bức tranh thờ còn mang dấu ấn học trò cũng rôm rả bán được hết cho những ông chủ ghe khóm, ghe dưa hấu từ miệt Cầu Đúc, Chắc Băng, Gò Quao  … (thuộc vùng U Minh Thượng) chở ra bán tại Cần Thơ thường đậu san sát gần hồ Xáng Thổi, nơi hai bên bờ sông Cái Khế (gần cầu Nhị Kiều, Cần Thơ bây giờ). Về sau, khi ra trường, mở phòng vẽ (studio) đàng hoàng, chúng tôi mới thực sự dám nhận vẽ tranh thờ trên kiếng, nhưng nhận vẽ trên vải trên giấy hoặc gỗ, đá thì nhiều hơn.

 

 

                Hành trình ngược dòng thời gian đề hiểu chủng loại tranh thờ, ta  hãy xem lại bức tranh kiếng xà cừ ‘Tùng Hạc’ (xem ảnh) xuất xứ từ tỉnh Gò Công (nay thuộc Tiền Giang), những bức tranh kiếng nổi tiếng ở Lái Thiêu, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) với nhà danh họa tranh thờ Nguyễn Văn Nhựt, Chợ Mới (An Giang)… Trong những lần đi thực tế ở Ô Môn (Cần Thơ) – quê hương của nhà cách mạng, nhà giáo yêu nước Châu Văn Liêm và nhạc sĩ viện trưởng Lưu Hữ Phước - tôi được biết tại thị xã Thơm Rơm, một địa danh màu mỡ của văn học nghệ thuật đã được các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Triều Dâng nhắc đến trong ca khúc…Nơi đây, các nghệ nhân, vốn là những tín đồ sùng đạo, với lòng tín ngưỡng trong sáng, đã làm những tấm tranh thờ rất công phu và đẹp mắt. Lại còn nói đến dòng tranh kiếng tiếng Khmer, nhiều bức có nét vẽ, hình ảnh, mộc mạc đã gợi nhiều về ký ức tuổi thơ của những bậc cao niên (xem ảnh). Còn nữa : tranh ‘Phật Bà Quan Âm Nam  hải’ đứng trên lưng rồng biển đang vẫy vùng trên sóng nước (xem ảnh), được vẽ với đường nét sinh động và bút pháp vững vàng với cách phối màu rất đẹp mắt và cổ kính; rồi đến tranh ‘Liên hoa ngư’ (Cá chép bên hoa sen), tranh ‘Bồ Đề Đạt Ma’ (tranh kiếng Chợ Lớn…) Một điều làm mọi người xem đều khâm phục là những bức tranh thờ Phật Tổ, Bồ Tát, Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng, Táo Quân…tất cả đều được sáng tác hết sức công phu, nghệ thuật. Loại tranh thờ Phật Trời, Cha mẹ, Tổ tiên …còn được thể hiện dưới các hình thức: hoành phi, liễn đối, chung quanh viền hoa văn hoặc minh họa bằng hình hoa mai, cành trúc, cây tùng trông rất ngoạn mục không kém gì những bức tranh mỹ thuật của họa sĩ nhà nghề.

 

[                

               Với chủ đích gợi ý, nhắc nhở người đời nhà nhà nhớ về cội nguồn công đức tổ tiên, ơn nghĩa sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ tương tự như tranh thờ dân gian thuộc loại thờ cúng ở làng Sình (nằm ở ven sông Hương Huế, tranh thờ Nam bộ thực hiện thường minh họa dựa theo nội dung các câu thành ngữ, ca dao mang ý nghĩa giáo dục về đạo lý làm người : “Uống nước nhớ nguồn”, “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Tại Tây Nam bộ, thỉnh thoảng, người ta lại thấy có những người lạ, chịu khó khệ nệ đèo tranh thờ vẽ trên kiếng vào xe đạp, dẫn đi bán khắp các đường phố, ngõ ngách hẻo lánh trong đô thị lớn. Những bậc cao tuổi ở Nam bộ nhắc lại, ngày xưa vào thời gian giáp Tết Nguyên đán hay trong dịp lễ ‘Vu Lan’ được coi là mùa báo hiếu của tín đồ Phật giáo, loại tranh thờ mang ý nghĩa “Phước (Phúc ) - Lộc - Thọ”, tranh ‘Chim công (đại cát), ‘Nai’ (lộc) … xuất hiện hiện rầm rộ ở chùa Phật Xá Lợi, quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Sự kiện này khá gần gũi với phong trào viết  ‘Thư pháp’ (tranh Chữ : Calligraphy) hiện nay cùng với việc ‘Cho chữ” trong những thập niên gần đây. Cả hai phong trào có tính cách mỹ thuật này đều nhằm vào mục đích, ý nghĩa cao đẹp của triết lý nhân sinh “Chân-Thiện-Mỹ” đáng được hoan nghênh. Nhớ lại, thuở nhỏ khi còn ở làng quê với cha mẹ, vào những đêm cả nhà vắng người, tôi chỉ còn một mình ngồi học bài. Gặp cảnh bên ngoài trời mưa gió sụt sùi tỉ tê, tiết trời lạnh lẽo, bản tính nhẹ dạ sợ ma, tôi phải đốt đèn sáng cả nhà rồi thắp nhang lên các bàn thờ. Nhìn cuộn khói hương nghi ngút vòng

                                                                        3

vèo cuộn bay trước ảnh tổ tiên thân mật và khuôn mặt bao dong của Phật bà Quan Âm trên nền bức tranh thờ, tôi cảm thấy lòng ấm áp lại, tâm hồn rực sáng lên một niềm tin tưởng.

 

              Tổng quan nhìn lại, dù xuất hiện trong bối cảnh thời gian, không gian nào, do đặc

trưng của cá tính, tình cảm của con người địa phương, hiện nay, tranh thờ Nam bộ, một dòng tranh quí hiếm đã thể hiện một nét đẹp văn hóa nơi vùng đất mới rất may còn được lưu lại. Chủng loại tranh vừa có tính nghệ thuật dân gian vừa kinh điển, vẫn mang giá trị nhân văn cao quý trong việc thờ phượng và sinh hoạt tôn giáo. Dù vẽ trên kiếng, trên giấy, vải hay chất liệu nào, những bức tranh thờ mang ý nghĩa tâm linh và tín ngưỡng là vang bóng của dấu ấn mỹ thuật dân tộc đặc biệt, đáng được quan tâm, trân trọng và bảo tồn.  

 

             03. 2016

                                                                                                            

 

 

 

                                                                    

 

 

 

 

 

 

  

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 4668
Ngày đăng: 02.05.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Danh họa Picasso - Nguyễn Thanh
Tây Đô - Năm thập niên không gian Mỹ thuật - Nguyễn Thanh
Đấu giá Tranh Lê Phổ và Bùi Xuân Phái Tại Paris - Trần Trung Sáng
Cây xanh Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái - Trần Trung Sáng
Ngôn ngữ hội họa (Qua sắc thái của Jackson Pollock) - Võ Công Liêm
Triễn lãm Mỹ Thuật - Xuân Ất Mùi Năm 2015: Mùa Xuân và Con Giáp - Trần Trung Sáng
Bàn về "Học và Tự Học trong Hội Họa" - Nguyễn Huy Lộc
Đôi điều với triển lãm mỹ thuật khu vực - Nguyễn Huy Lộc
Tranh NGUYỄN TRỌNG KHÔI - Đinh Cường
Kỷ niệm 35 năm ngày mất họa sĩ Tôn Thất Đào 2 tháng 9 năm 1979 – 2 tháng 9 năm 2014 - Đinh Cường
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)