Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
433
115.871.842
 
Rứng chuối xôn xao
Nguyễn Thanh

1


Kể ra, tôi đã rời khỏi căn hộ chật hẹp của mình - một căn hộ ra dáng một ngôi nhà nhỏ nhắn nhờ được khoảng sân khiêm tốn mát rợi bóng cây đến tạm trú trên một gác xép nơi tôi làm việc gần năm năm trời. Là vì mỗi ngày trôi qua đối với tôi càng chồng chất thêm nỗi thương nhớ day dứt Minh Thu, đứa con gái nhỏ nhất lên bảy tuổi của tôi.

 

Một tháng Minh Thu được phép mẹ và chị sang chỗ tôi ở từ một đến hai lần. Thường là ngày nghỉ học, thứ năm hoặc chủ nhật. Minh Thu ở lại trọn đêm hôm ấy với tôi trên gác xép, và cho tới sáng sớm thứ hai được tôi đưa thẳng tới lớp học để rồi khi tan tầm, con bé tự thả bộ một mình về nhà ở với mẹ.

 

Lần nào tới với tôi cũng vậy, Minh Thu đều nằn nằn đặt ra với tôi một vấn đề hóc hiểm : "Về nhà đi ba. Về ngủ với con". Minh Thu lý sự : "Mẹ nói gì kệ mẹ, ba nín thinh lì lì như bác Bảy nhà gần mình. Đi về nghen ba ...". Tôi ỡm ờ cười gượng với con. Điều ấy khiến tôi càng khó chịu mặc dù tôi hiểu được ý con bé muốn tôi chịu đựng và mặc cả trước một nghịch lý trong gia đình để đổi lấy sự gần gũi, ấm áp giữa hai cha con, để con khỏi phải nhờ chị nó đèo sau yên xe đạp sang chỗ tôi ở mỗi ngày chủ nhật.

 

Tôi nhớ rất rõ ngày Minh Thu ra đời tôi chờ chực, thấp thỏm trước phòng chờ sinh của một Bệnh viện trung tâm của thị xã heo hút cuối nước nầy. Tôi mừng như muốn bay bổng lên khi nghe được tiếng khóc của con - một đứa bé gái hẳn hoi, nằm như ngủ, tóc nhiều, môi đỏ và hãy còn sủi một ít bọt trắng nơi khóe miệng.

 

Tất cả những cái đó khiến tôi đau đớn biết dường nào mỗi lần suy gẫm trước Tờ ly hôn với mẹ nó trải ra trước mặt.

 

"Sao ba buồn vậy ba ? Ba viết báo hả ba ? Chữ ba nét tròn đẹp quá, con bắt chước hoài không được". Minh Thu vừa nói vừa sà vào lòng tôi, ghé mắt coi qua trang giấy mở rộng trên bàn. Tôi vội vàng cuốn tờ giấy lại và vứt nó vào sọt rác.

 

Thế là thêm một lần nữa tôi hủy bỏ Tờ ly hôn trước mặt con tôi.

Bữa cơm dọn ra trên bàn có Minh Thu cùng ngồi ăn, tôi cảm thấy ấm cúng lạ. Tôi ăn thật ngon khác hơn lúc ngồi ăn uống một mình. Có cái buồn nào hơn phải ngồi ăn cơm một mình trong lúc cuộc chiến đã lùi sâu vào dĩ vãng ? Minh Thu gắp một miếng thịt bỏ vào chén cơm tôi, vừa nói : "Ba về nhà nghen ba. Ở nhà có chế Thủy, có mẹ nấu cơm cho ba ăn. Ba khỏi xách nước, khỏi rửa chén, thì ba mập lên mau như bác Bảy ở gần nhà mình. Nghe ba !" Bất chợt khi đó tôi bắt gặp một nét buồn in trong đôi mắt đen long lanh của con - Đôi mắt của một trẻ thơ ẩn náu nét buồn u uất sớm sủa quá. Tôi nghĩ. Tôi nghe đau sâu trong lòng ngực mình.

 

Minh Thu ngồi ăn chậm rãi, thư thả như một người luống tuổi khiến tôi thích thú, tò mò nhìn con. Thường trong những bữa ăn, con gái tôi ngoan ngoãn, từ tốn đến vậy ! Nhưng trái lại, có đôi lúc con bé dằn dỗi, cục cằn với tôi rất vô lý. Đó là những lần tôi chải gỡ tóc cho nó. "Ba hư quá. Ba dở hơn mẹ ở nhà. Ngưới ta chải xướt lên vầy, cầm đuôi tóc nhóng cao vầy, rồi chải phía sau xướt lên nữa. Rồi một tay cầm tóc, tay kia lấy dây buộc lại. Xong ngay. Mẹ làm chút ẻo. Còn ba cứ tằn mằn lâu gần chết !" Minh Thu đổ quạu ngang với tôi. Tôi thản nhiên chiều con, lần lượt làm theo lời chỉ dẫn của con nhưng ít khi con bé bằng bụng, mặt ụ xuống, cau có.

Tôi tiếp tục chải gỡ tóc cho con ... Xong đâu vào đấy, Minh Thu chậm rãi đưa hết sách vở và những vật dụng cần thiết vào cặp rồi hối thúc tôi ra xe. Ngồi lên xe, Minh Thu không quên nhắc : "Phải ba về hắt cho rồi để con khỏi qua. Đi hoài mệt thấy mồ. Mẹ nói mẹ thôi cho con qua ba nữa đó nghe. Vậy ba về với con nghe..."

 

Xe nổ máy rồi lảo đảo qua cầu. Thoáng chốc đã tới nơi thả con xuống. Tôi vẫn mím chặt môi không hứa với con điều gì. Không biết nói với con điều gì ...

 

 

2

 

Những năm sáu mươi, cuộc đồng khởi giành chính quyền từ trong tay ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn bùn lên như một cơn lốc. Cả miền Nam đánh Mỹ. Cả miền Nam thân yêu đứng dậy. Tôi từ giã mái trường cũ ở thị xã trở về vùng nông thôn giải phóng. Tôi đi theo lời chỉ dẫn của một cán bộ cách mạng hoạt động nội thành lúc bấy giờ. Chỗ tôi đến cách quê tôi không xa - một con Kinh Mới nằm vắt ngang sau cánh rừng U Minh Hạ. Có thể nói cơn lốc cách mạng khơi nguồn từ trong khu rừng tràm đậm đặc ấy. Qua lung Cây Mít, lung Tâm Tình, xẻo Cá Trê ... thổi bùng lên trên những thôn xóm lân cận, lan rộng dần. Xóm Kinh Mới với vườn chuối bạt ngàn hả hê những đêm múa hát, mít - tinh, những đêm hàn sông lắp cản, những đêm biểu tình thị uy vây gí đồn giặc ...

 

Tôi chen đi giữa dòng người đông nghìn nghịt, vô tư, háo hức với bộ quần áo học trò trắng muốt, tay đong đưa chiếc cặp táp màu nâu sậm, cũ kỹ, đi tìm nhà ông Ba Bến tổ trưởng Đảng.

Gặp tôi lần đầu, ông Ba Bến săm soi cặp kiếng trắng nhìn tôi từ đầu tới chân. Người ông Bến gồ ghề, dáng cao ráo, khỏe khoắn. Đặc biệt lưng ông Bến hơi gù khiến lúc đi đứng người hơi chúi tới, hấp tấp. Ông mừng rỡ sau khi xem thật lâu tấm giấy giới thiệu viết tay tôi mới vừa trao cho ông. Giọng ông thật ấm, lôi cuốn : "Thật may mắn cho Kinh Mới có phần không cần gì lo. Trường mới cất xong có thầy giáo tới. Cách mạng được mùa. Được rồi ..." Ông Bến quay ngoắt sang tôi, vẫn cặp kiếng trắng ngấp nghé trên mũi nhìn tôi từ đầu đến chân. Ông Bến nói : "Thằng Chín mầy thay đồ khác hợp hơn. Đồ trắng rủi bị dính mũ chuối không tài nào giặt sạch được. Phụ huynh học sinh ở đây sắm sanh cho Chín mầy. Thôi được. Để tao bàn với anh Tám Phùng".

 

Tôi áy náy nhìn chăm chú mọi cử chỉ của ông Ba Bến. Đối với tôi lúc bấy giờ ông chủ nhà là một thế giới lạ lẫm. Kể cả cô Hai Liền con gái ông Ba đang phụ trách Tổ đoàn thanh niên ấp Kinh Mới. Ông Ba Bến thường kè kè bên mông chiếc xắc da căng cứng sổ học trò cắt đôi, bút máy Nhật vắt túi áo đi suốt ngày, thậm chí khuya lơ khuya lắt mới về tới nhà tự lục cơm nguội ăn qua quýt rồi đi ngủ. Hai Liền lặng lẽ với một túi vải buộc túm miệng thường vắng nhà. Tóc kẹp. Đuôi tóc phủ xuống khỏi thắt lưng. Gương mặt chữ điền trắng trẻo với cái trán hơi dô được một mớ tóc lòa xòa che chắn. Lúc nào Hai Liền vẫn với vẻ ưu tư, bối rối với nhiều công việc tất bật hằng ngày. Chuyện bếp núc, kể cả ép sấy chuối khô, Hai Liền bỏ vãi cho người mẹ.

 

Những ngày ở nhà ông Ba Bến, tôi áy náy, ngượng ngập mỗi lần cực chẳng đã ngồi ăn cơm chung với Hai Liền. Có mặt Hai Liền cộng thêm Sáu Mãi bạn Hai Liền sang chơi, tôi tự xới chén cơm cho mình. Tôi chọn cái chén lớn nhất, xới đầy vung chén để khỏi ăn thêm chén thứ hai. Ăn thêm chén thứ hai trước mặt hai cô gái, ngượng quá. Khi đó Hai Liền ngồi im thinh, ăn mút mùa, để sau bữa cơm có cớ bọc bạch với Sáu Mãi, vớo vài cô bạn gái chung xóm rằng : Nhà Hai Liền có ông khách ở chợ mới vào. Ông khách ở chợ chính thống. Tay chân mũm mĩm. Quần áo trắng. Không biết mần mụn ... Ông Ba Bến nghe gật đầu đồng tình với con, nhưng ông thường xởi lởi : "Mới đi cách mạng đây mà. Gà mơ. Thủng thẳng thầy giáo vứt hết cái không hay ở chợ. Đâu cũng vào đấy mà. Nhớ khuyên nó ăn no". Riêng bà Ba Bến vui tính, hiếu khách có nhận xét riêng của bà về tôi. Bà nói : "Thằng Chín Thảo nó có tánh mắc cở, nhát hít hè. Chừng như nó nhớ nhà. Không có mặt con Liền nó ăn ba chén lùm lùm chớ đâu phải vậy !". Bà day sang Hai Liền : "Mầy là chủ nhà. Đứa kén ăn phải ép nó mới chịu ăn".

Bà Ba nhận xét tôi có tâm trạng buồn buồn rất đúng. Những ngày đầu hôm sớm mai ở Kinh Mới, cái gì đối với mình cũng mới lạ. Ngay những cơn mưa đầu mùa thật lạ lùng : Mùi nồng nồng của thứ đất xốp trộn lẫn phân rừng màu đỏ sẫm ngấm nước xông lên làm người ngầy ngật, uể oải. Mảng cỏ bắp ngoài đồng kỵ nước lụn dần, vàng úa, sinh ra một thứ nước thối đen sánh, xăm xắp dưới chân. Nước màu đỏ sẫm váng phèn đổ ra từ các mạch rừng. Vườn chuối mờ mịt, u ám trong những cơn mưa liên tiếp. Ngàn tàu lá xòe ra giũ lạch xạch, quơ quất liên hồi. Lá non vấn kèn trắng vươn thẳng lên giữa đọt cây như thể những ngọn giáo run lẩy bẩy. Thân cây uống no nê nước mưa, tròn lẵn, nức nẻ những bẹ sắp rời khỏi thân. Ít khi rừng chuối im vắng tiếng chim rối rít bên những buồng chuối chín treo lủng lẳng trên cây. Và ít khi thấy rừng chuối đứng yên ắng. Mưa dứt hạt, chỉ một cơn gió thoảng qua, ngàn lá xanh ngăn ngắt khua xào xạc lên tiếng nói muôn thủa của một góc rừng U Minh Hạ.

Tôi quen dần với một số mặt sinh hoạt ở nông thôn, ở Kinh Mới và công việc mới mẻ mình đang làm : Dạy học.

 

Do thiếu giáo viên nên tôi đảm trách đến ba lớp bậc Tiểu học. Một lớp ba buổi sáng, hai lớp nhì nhất buổi chiều. Trường lợp bằng lá dừa nước. Hai bức vách chính dừng bằng đăng sậy chưa ngăn đôi nên lớp học sinh nhì nhất ngồi lẫn lộn trên những sạp gỗ gòn, trên những cây tràm nhỏ ghép lại thay cho những tấm ván gỗ phẳng phiu. Gần nửa học sinh lớp nhất tuổi xấp xỉ tuổi tôi - mười tám đôi mươi tuổi - Vài học sinh lớn hơn tôi như Mến tóc hớt cua làm trưởng lớp, nhã nhặn, bộc trực, thường hay trao đổi rút kinh nghiệm với tôi về việc học tập và giảng dạy hằng tuần. Mỗi lần ngồi đối diện với tôi, Sáu Mến nghiêm nghiêm khác thường. Mến thẳng thắn : "Anh Chín dạy học tụi nầy thích lắm đó. Nhưng anh Chín khiêm tốn quá thành ra hay mất tình. Thầy gọi trò bằng "anh" bằng "chị" không được đâu, anh Chín". Một lần khác Mến bộc bạch : "Vô xứ nầy mà anh Chín kén ăn quá. Rùa với rắn ngon hết nói mà anh Chín chê không ăn. Hai Liền nói anh là khách tiểu tư sản chính thống đó nghe. Mấy chú ở đây có ý phê bình anh Chín điểm đó".

 

Tuy vậy, tôi đoán Sáu Mến rất mến tôi. Và kể ra hết thảy học sinh ba lớp thoạt đầu nhìn tôi với đôi mắt dò xét, ngờ ngợ. Nhưng hết thảy đều siêng xắn, chân chất, chăm học. Tôi thường hay bỡ ngỡ khi đứng trước hằng trăm đôi mắt mở ra thao láo, hiền từ nhìn mình, và càng ngượng ngập khi mở đầu một bài giảng về văn hoặc toán. Dần dà không lâu, tôi trở nên khắn khít với trăm học sinh cả ba lớp học. Càng về sau, ngoài Mến trưởng lớp, tôi trở nên thân tình với Bướm cô học sinh thui thủi, lặng lẽ thường hay về muộn sau giờ tan học.

 

Bảy Bướm là em kế Sáu Mãi nhà ở xế cửa nhà Hai Liền, thường lui tới với Liền nên quen biết tôi nhiều hơn Mến cũng như nhiều học sinh khác.  Dáng Bướm thon thả, da ngăm, tóc kẹp bỏ dài khỏi thắt lưng. Đôi mắt hơi xếch đen long lanh. Trung bình mỗi tuần Bướm nán lại sau khi tan học vài buổi chiều, quét dọn, lau bảng, sửa lại cái mắc nón, tưới vài cây điệp mới trồng trước sân. Vẫn thui thủi, lặng lẽ cho đến khi Bướm cắp nón lá đi tha thẩn trên bờ Kinh Mới phía sau lưng tôi. Biết thế, song tôi cứ cắm cúi bước tới và, khi đó tôi linh cảm một điều mình đã biết ngượng với Bướm, chú ý tới Bướm nhiều hơn hết so với tốp học sinh ba lớp học.

 

3


Loay hoay hết một năm rồi hai năm ... Tốp học trò lớp nhì lớp nhất sau khi kết thúc niên học cuối bậc Tiểu học lần lượt đứa đi du kích, đứa đi giao liên, bộ đội, vào Quân y dã chiến, hoặc công tác tại địa phương. Riêng tôi vẫn cặm cụi với công việc cũ : Dạy học. Và không hẳn chỉ dạy học. Làm một việc ấy lúc bấy giờ buồn tẻ biết dường nào ! Trong đời sống hằng ngày hễ xay lúa khỏi phải bồng em. Nhưng với tôi mãn giờ dạy liền nhảy bổ vào tốp dân công Kinh Mới đi canh gác, đi đắp cản, thậm chí tháp tùng trong đoàn biểu tình thị uy áp sát đồn địch ...

Lúc sắp soạn thay đổi chỗ ở, một buổi trưa, ông Ba Bến kéo tay tôi ra phía chòi sau nhà. Đó là một túp chòi nhỏ núp kín dưới lùm chuối dùng để làm chỗ ép loại chuối vỏ đen thâm thâm, khô cứng. Ông Ba Bến ngồi thòng hai chân trên vạt, vẻ vội vội, vàng vàng. "Ngồi xuống đi đã. Thằng Chín mầy ngồi xuống". Ông Bến vừa nói vừa lấy tay ấn vai bảo tôi ngồi xuống gần chỗ ông. Ông Bến tiếp, giọng rất khẽ : "Nói cho thằng Chín biết, nhưng thằng Chín giữ bí mật giùm. Kỳ nầy Chín sắp được phát triển vào Đoàn thanh niên". Ông Bến day sang tôi, hỏi : "Thằng Chín biết Đoàn là gì không vậy ? Một cánh tay đắc lực của Đảng, làm theo Đảng ... Ờ,  làm theo mục đích của Đảng. Biết không ?" Tôi gật đầu : "Cháu biết. Cháu được Hai Liền với Sáu Mến tổ chức cho học một lớp bồi dưỡng ngắn hạn rồi". Ông Ba cười nheo cả hai mắt khiến đôi chân mày rậm đen giãn ra trên vầng trán nhăn nheo của ông. Ông gật gù, lưng tựa hẳn vào một cây chuối áp sát vách chòi lỗ chỗ vết mũ ứa ra qua những vết dao cắm phập vào thân. Ông tiếp : "Thằng Mến có cái hay của thằng Mến. Còn con Liền với thằng Mến sắp vào Đảng rồi. Kể cả Chín mầy, nói chung, mấy đứa tụi bây đều tương lai cả". Và ông Ba ngồi thẳng người như cũ tự nhiên tấm tắc khen tôi, tung bổng tôi lên : "Tám Phùng phụ huynh học sinh nói mầy dạy giỏi. Ai chớ Tám Phùng nói là có. Ảnh nói theo dõi kỹ chỉ có hai người đến đây dạy coi được kể từ thời chín năm chống Pháp tới thời chống Mỹ nầy. Chú mừng cho cháu !" Câu sau cùng tôi cảm giác ông Ba Bến đổi giọng trầm hẳn xuống, rất ấm. Sau đó ông Ba ngưng một lúc lâu để vấn thuốc hút. Mấy ngón tay to bè se se một lúc lâu mới vấn được điếu thuốc gò nhỏ xíu, và chưa vội châm lửa, ông Ba vừa vân vê điếu thuốc vừa bắt sang một chuyện khác - chuyện giữa tôi và gia đình ông. Ông hỏi : "Sao, thời gian ăn ở nhà có gì phiền không ? Nói cho chú thím biết. Chú đi miết. Con Liền cũng đi. Bê bối lắm hả ?" Tôi im lặng nén cơn xúc động giờ lâu mới nói với ông Ba mấy lời ngắn ngủi. Nói xong, tôi chợt thấy đôi mắt ông rơm rớm nước mắt. Tôi lúng túng quay đi với một cảm giác lạ lùng : không ngờ trên gương mặt dường như lúc nào cũng lạnh tanh, khô cứng của ông Ba ướt đẫm nước mắt. Kia, ông Ba ngồi sụt sịt khóc, day nhìn ra phía sau chòi.

 

Ông Ba Bến thôi nói. Tôi ngồi bất động ...

Chính những giây phút đó, kể cả buổi chia tay với người nhà ông Ba Bến đè nặng, ám ảnh tôi một thời gian khá dài. Mặc dù chỗ tôi mới dọn tới ở cách nhà ông Ba Bến không xa. Thỉnh thoảng vài hôm tôi được gặp lại ông Bến một lần. Ông Bến tới bãi tập xế chỗ tôi ở như một nhân chứng. Ông ngồi tựa lưng vào thân cây gòn, miệng phì phào điếu thuốc gò nhả ra những cuộn khói trắng chờn vờn trước mặt ông. Đôi mắt lim dim, thích chí ; ông không rời tốp Dân quân có cả Sáu Mến, Hai Liền và hai chị em Sáu Mãi lúc tập luyện.

 

Bãi tập là một khoảng sân thoáng rộng mát rợi bóng cây gòn, cây điệp. Bóng mát xòe rộng ôm trọn dòng Kinh Mới. Tốp Dân quân tự vệ có đến số trăm mặc toàn đen, lắc lư trên vai những khẩu súng trường bằng gỗ tạp, lựu đạn đeo ở thắt lưng cũng toàn gỗ. Lá ngụy trang bằng những nhánh cây xanh rung rinh, kể cả dây chuối khô thắt ngang lưng thừa ra những chiếc đuôi dài thậm thượt.

 

Những buổi tan tầm về nhà tôi thường nấp sau khung cửa sổ nhìn tốp Dân quân thao tác. Và thỉnh thoảng tôi bắt gặp Bướm nhìn sang.

 

Bảy Bướm thường tới bãi tập hơi trễ, thui thủi, lặng lẽ. Tôi trông thấy Bướm xẻn lẻn hơn chị cô. Càng rụt rè hơn Hai Liền. Một lần Sáu Mãi, Hai Liền nấn ná ở lại sau buổi diễn tập dưới bến kinh, Bướm vác súng lẩn thẩn ra về bỏ mặc chị và Hai Liền ở lại. Cô đi thẳng. Khi đó, Hai Liền tự nhiên kêu với qua tôi : "Anh Chín Thảo có nhà không vậy ? Anh Chín ơi ?..." Tiếng Sáu Mãi họa theo : "Thầy giáo có rảnh tối xuống tụi nầy chơi, tiện thăm nhà bác Ba Bến luôn thể. Hai Liền nhắn đó nghe !" Tôi nghe thật rõ tiếng hai cô gái đứng bên kia Kinh Mới, kể cả tiếng cười khúc khích của Hai Liền. Hai Liền đổ hết cho Sáu Mãi. Liền nói lớn : "Con Mãi nhắn anh Chín đó nghe, chớ không phải Hai Liền. Nhà Hai Liền nghèo nên không còn ai thèm về thăm nữa. Sáu Mãi nó nhắn, nghe không?" Đến lúc buộc tôi phải thò đầu ra cửa sổ lên tiếng : "Có mặt hãy đặt tên nghe. Bây giờ chưa hứa". Nói xong, tôi chưa kịp bước ra sân đã trông thấy Sáu Mãi kéo bạn đi vừa quay lại, một bàn tay che miệng : "Chưa chi mà hứa sao được ? Xuống nhà xong hả hứa. Nghe không, anh Chín". Và loáng cái, hai cô gái vội vã quay lưng đi về phía cuối xóm.

 

4


Khác hẳn cô em gái thường hay lủi thủi, thẹn thùng. Sáu Mãi dạn dĩnh, hoạt bát hơn nhiều. Mãi hơn Bướm hai tuổi nhưng trông hai người như hai chị em sinh đôi : Dáng thon thả như nhau. Tóc kẹp thả dài xuống lưng bằng nhau. Tóc ổ quạ bùng bùng trước trán. Tóc càng trễ xuống mép tai phải ra tới sau gáy. Điểm dễ nhận ra cô chị nhờ Mãi có gương mặt trắng trẻo, sáng sủa, và khi cười đùa tự nhiên càng tươi tắn khác hẳn cô em gái. Mãi cười thỏa thích khiến ông già Tám Phùng tấm tắc khen : "Con nhỏ vui tánh ăn hết của tao cũng đành. Tao ghét đàn bà con gái mặt mày như chúa ngục. Đằng nầy con Sáu đoán nó đang ngủ vẫn cười như thường. Trái đất nầy ai cũng vậy hết mới vui". Tôi lúc bấy giờ không giống ý ông già Tám Phùng về điểm nầy. Là vì chính giọng cười khăng khắc, khô khan của Mãi cộng với một ngón tay chỉ đông chỉ tây khi tiếp chuyện của cô bỗng trở nên một nỗi ám ảnh khó làm thân trong tôi. Nhưng dẫu sao, Sáu Mãi là chị ruột của cô học trò cũ, và so với các cô gái trang lứa ở Kinh Mới xa lạ nầy, Mãi lịch lãm, mến khách hơn. Mãi giúp tôi được nhiều việc trong lúc tôi ở xa nhà.

 

Một buổi chiều chập choạng tối, sau một cơn mưa như trút nước, tôi trông thấy hai chị em Sáu Mãi bước chậm rãi trên bờ Kinh Mới về phía nhà tôi ở. Khi đi ngang qua chỗ tôi, Mãi bỏ Bướm rớt lại dọc đường. Bướm đứng dụ dự phía bên kia cầu gọi với sang chỗ tôi : "Anh Chín ơi, anh Chín. Chế Sáu nhắn anh cùng đi dự mít-tinh cho vui. Đi liền nghe anh Chín !" Tôi lên tiếng đáp lời Bướm, vừa chạy ra chân cầu. Bướm cười. Đôi mắt hơi xếch long lanh nheo lại nhìn tôi. Giọng Bướm vẫn ấp a ấp úng : "Thiệt mà. Chế Sáu bả nhắn anh. Đi liền nghe anh Chín". Tôi ngạc nhiên hỏi : "Mới thấy Sáu Mãi đây mà. Chế sáu biến đâu mất rồi Bướm ? Tôi vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn theo bờ kinh dài tăm tắp đổ ngược về mạn trên. Không trông thấy bóng Sáu Mãi đâu nữa. Bướm đứng sững người. Tôi qua cầu lập tức. Và khi tôi bước hết nhịp cuối cây cầu khỉ, Bướm bước lùi ra sau một bước, hỏi : "Bộ anh Chín dám đi chung với tụi nầy thiệt hả ? Anh hết mắc cở chưa ? Vậy ta đi ..." Bướm cười nheo cả hai mắt. Tôi cũng cười và không khỏi ngạc nhiên đối với cô học trò cũ lâu nay thường hay thui thủi, lặng lẽ. Bướm thay đổi nhanh chóng vậy chăng ? Tôi tự nhủ.

 

Đường vắng tanh với những chiếc cầu khỉ lỏng chỏng. Lần đầu tiên Kinh Mới tổ chức mít-tinh có máy tăng âm cuốn hút hết thảy người lớn trẻ con đi dự. Chiếc loa tăng âm ồn ã suốt, và đèn măng-sông sáng choang làm huyên náo mấy ấp liền.

 

Tôi dần dà chỗ ngả rẽ về nghĩa địa Hàng Tràm, nhưng cuối cùng dắt Bướm ra tới điểm mít-tinh. Bướm và tôi chen lấn giữa đám đông giờ lâu không tìm được Mãi. Đành bỏ cuộc vậy ...

Bước ra khỏi sân bãi ngập ngụa nước mưa, bóng tối phủ dày đặc. Tôi nghe ớn sau gáy vì lạnh. Nhờ Bướm ấm như bếp than lẽo đẽo theo sau, tôi mạnh dạn quay lại con đường cũ. Đi vượt khỏi chặng đường cũ hai đứa đã đi qua. Càng bung xa lên đồng, bóng tối loãng dàn, hiện lờ mờ những lùm chuối động đậy và những bờ tràm như thể những bức tường đen cao vòi vọi. Ngọn tràm lập lòe ánh đom đóm. Tôi dần dà đợi Bướm vượt lên. Khi đi ngang tôi, Bướm run lập cập. "Đi đâu vậy anh ?" Bướm hỏi vừa đưa mắt nhìn về nghĩa địa Hàng Tràm. Tôi im lặng bước tới mấy bước. Bướm lẽo đẽo theo sau. Nghe tiếng nước khua lõm bõm, thương quá ! Thường trong đời làm thầy giáo của mình, có lúc nào vậy chăng ?

 

Nhớ mấy lần đi chữa cháy sâu trong rừng U Minh Hạ, thầy trò chia sớt nhau chai nước tương mới moi lên từ đống phân dớn ; cùng xúm xít đào từng cái hố nhỏ lấy nước uống ; mươi lần dọn cỏ nghĩa trang ; mươi lần cắm cọc, kéo tre rào làng chiến đấu ... tốp học sinh reo hò ầm ĩ phía sau lưng thầy. Đằng nầy, trong đêm tối đen chỉ một mình Bướm đi chung. Chỉ một mình cô học trò cũ lủi thủi, lặng lẽ thường nán lại lớp sau giờ tan tầm không rõ lý do. Tôi tự nhủ. Tôi ngượng.

 

Con đường mòn đã tắt từ lúc nào ? Trước mặt tôi là mảng cỏ bắp chưa lụi tàn, cao tới gối. Lá cỏ bắp khô cứng chạm vào ống chân nghe lạo xạo. Đồng rạ nước lên xăm xắp. Và trước mặt tôi là một rừng chuối xào xạc, sâu thăm thẳm. Tôi nắm tay Bướm. Bướm để yên bàn tay nóng hổi trong tay tôi lát lâu sau mới rụt tay lại. Người Bướm bỗng run lẩy bẩy do một tiếng đập cánh lạch phạch của con chim trong lùm chuối kế bên. Bướm hỏi : "Đi đâu xa vậy anh ?" Tôi kề vai sát vai Bướm, đáp : "Thì cứ đi tới chân trờ hãy hay". Bướm như hoảng hốt nhưng cố nén. Bướm nói khẽ : "Em chịu thua thôi. Giỏi lắm em tới nghĩa địa Hàng Tràm. Em sợ ..." Tôi hỏi : "Em sợ gì, Bướm ?" Bướm im không đáp. Bướm lặng lẽ bước sóng đôi với tôi. Và chốc chốc tôi thấy Bướm ngẩngmặt nhìn tôi mỗi lần một ánh chớp lóe lên xanh ngời phía chân trời. Tôi cũng thường day sang nhìn Bướm. Tôi thích nhìn dáng Bướm đi thui thủi, lặng lẽ giống như hôm nào Bướm cắp nón lá tới trường. Càng nhớ ngôi trường cũ, những kỷ niệm vui buồn đã qua, tôi nghe nao nao trong dạ. Tôi càng áy náy với cô học trò cũ. Nhưng lúc bấy giờ tình yêu Bướm đã chiếm lĩnh trọn vẹn trong tâm hồn tôi ...

 

Mưa bắt đầu rớt hột. Ngàn tàu lá chuối xanh ngăn ngắt lúc ban ngày bắt đầu giảy nảy, xôn xao như sóng bãi. Tắt ngấm bầy đom đóm trên những bức vách cao vòi vọi đen thẫm. Những ngọn tràm quơ quất liên hồi. Chiếc mi-crô vẫn lên tiếng ồn ã phía sau lưng. Mưa rát mặt. Tôi và Bướm chạy mưa lát lâu mới ra tới con bờ xóm. Đi thêm một đỗi nữa về mạn Đông, và phải vượt qua cây cầu khỉ lỏng chỏng mới tới được nghĩa địa Hàng Tràm.

 

Trước khi qua nghĩa địa Hàng Tràm, Bướm dừng lại dưới chân cầu. Bướm đưa hai tay vuốt nước mưa trên mặt lát lâu. "Anh đi cầu dở quá thì phải đi trước. Đi trước đi anh !" Bướm nói khẽ, và cô khẽ khàng đặt một bàn tay lên vai tôi. Bướm đẩy nhe tôi lên tới nạng cầu. Dừng hẳn tại đây một chút, Bướm giục : "Đi được rồi, anh ! Đi đi anh !" Nói xong, Bướm bám sát sau lưng tôi. Một tay Bướm bấu chặt vai tôi, tay kia nắm chắc tay vịn.

 

Tay vịn là một cây tre khô buộc lỏng lẻo, luôn đong đưa. Thanh tre yếu ớt, càng ra giữa vời càng run lẩy bẩy. Và tới đúng chặng giữa, thanh tre càng quằn xuống và càng run lẩy bẩy. Đôi chân tôi tê cóng, như thể máu đang ứ đặc ở các đầu lóng chân. Người tôi bị mất đà đi tới. Lựng khựng. Cũng không thể quay lui. Bỗng mắt tôi bị tối sầm cùng lúc với thanh tre gãy gập bắn ra một tiếng nổ nhỏ. Loáng cái, tôi bị hất xuống nước và lôi cả Bướm theo.

 

May mắn cho tôi, nước chỉ lên ngấp nghé tới cổ. Và nhờ Bướm nhoài người tới kịp lúc đỡ đứng tôi dậy. Bướm ôm cứng ngang thắt lưng của tôi. Tôi day lại ghì chặt lấy Bướm. Bướm thở hổn hển, ngực dúi sâu vào bả vai tôi. Chiếc cổ thon nhỏ vươn tới đôi môi mấp máy của tôi. "Tại anh đó nghe". Bướm nói nhanh. Và sau đó tôi nghe tiếng cười khe khẽ của Bướm. Tiếng cười đủ để tôi trấn tỉnh lại. Tôi đang trong cơn say đắm và càng ghì chặt Bướm hơn ...

 

Bỗng Bướm dang tôi ra. Vừa lội vào bờ một mình Bướm vừa nói : "Ta về đi thôi. Đi về, anh". Tôi không ngăn được Bướm. Bướm bươn lên tới bờ liền đi như chạy. Bướm đi luôn không một lời từ giã tôi.

 

5


Bí thư Xã Đoàn xã Đông Khánh, anh Sáu Mến, mời tôi tới làm việc riêng với anh. Tôi mới vừa vào tới chòi của ông Ba Bến đã trông thấy Mến ngồi xếp bằng trên vạt. Vẫn bộ vạt bằng những thanh cau lắp ghép mà cách đây không lâu tôi ngồi lặng người nhìn ông Ba Bến khóc rấm ra rấm rức. Cũng chỗ ông Ba Bến ngồi, nay Sáu Mến ngồi.

 

Mến nghiêm nghiêm chào tôi : "Anh Chín ngồi hút thuốc đi đã. Không gấp gáp gì. Nay chỉ một mình tôi với anh". Mến nhóng người lên, mái tóc hớt cua chấm tới hiên chòi. Anh hỏi : "Anh Chín hút thuốc nghe ngon chưa ?" Tôi lắc đầu : "Hút thường nhưng chưa ghiền". Tôi nói xong liền ngồi xuống vấn thuốc hút.

 

Sáu Mến thích thú nhìn tôi rít sâu mấy hơi thuốc mà không bị sặc sụa như trước. Mến quan tâm tới việc nầy chính vì anh đã tập tành tôi hút trong những giờ xả nghỉ lúc còn đi học. Hồi ấy, Mến rứt điếu thuốc thơm ra vài mảnh vụn rồi vấn lại từng điếu nhỏ giục tôi hút. Mến châm lửa đốt thuốc cho tôi. Ngoài việc ấy, Mến thường đi rong rổi với tôi mỗi buổi chiều. Cách vài đêm Mến đến nhà ngủ chung với tôi ...

 

Mến công tác tiến bộ nhanh. Lúc ngồi lớp nhất Mến đã là Đoàn viên Thanh niên lao động. Hai Liền phân công Mến phụ trách tôi. Ra trường, Mến làm Tổ Đoàn phó. Không bao lâu, Mến qua mặt Hai Liền : lên thẳng Xã Đoàn trong lúc trống một ghế Phó bí thư. Loay hoay với chức Phó bí thư mấy tháng, Bí thư Xã Đoàn đi nhập ngũ. Mến liền được phân công thay thế.

 

Lần nầy Sáu Mến hẹn gặp tôi làm việc gì ? Tôi không hề biết trước. Tôi linh cảm trước một điều không vui. Mến mào đầu : "Thôi, ta làm việc một chút nghe anh Chín. Chỉ có hai việc thôi ở trên phân công tôi tới gặp anh. Việc thứ nhứt là việc nầy ..." Vừa nói Mến vừa cúi xuống rút một tờ lý lịch từ trong cái xắc da trải ra trước mặt tôi. Thoáng nhìn, tôi nhận ra ngay tờ lý lịch vào Đoàn do chính tay tôi viết. Tờ lý lịch tôi viết lần thứ ba.

 

Té ra là vậy ! Tôi nghĩ. Mến nói : "Lại phải viết lại lần nữa thôi anh. Lần nầy hoàn toàn khác với ba lần trước". Tôi tỏ ý phàn nàn : "Rất tiếc Hai Liền không khai thông thật rõ cho tôi". Mến lắc đầu : "Không phải lỗi của Hai Liền. Bí thư Xã ủy không đồng ý một điểm". Tôi vội hỏi : "Đó là điểm gì, Mến ?" Mến nhỏ nhẻ : "Thành phần giai cấp của anh. Anh ghi "Trung nông mới" không chính xác lắm". Tôi chen hỏi : "Đó là ý kiến của Bí thư Xã ủy. Còn ý kiến riêng của Xã Đoàn ? Ý kiến của Mến ?" Sáu Mến do dự ngưng một lúc lâu mới nói : "Chỗ anh em quen thân với nhau tôi sẵn sàng nói. Tôi nói tôi đồng ý với Bí thư Xã ủy !" Lúc bấy giờ một ý nghĩ vụt qua trong óc tôi : "Đời thuở nào kiểu người khuôn sáo như anh dám nói ngược lại cấp trên ?" Nhưng tôi không nói ra với Mến điều ấy. Mến bọc bạch tiếp : "Với hai mẫu đất gia đình anh được cách mạng tạm cấp hồi chín năm chống Pháp, đúng là anh nằm trong diện trung nông mới. Nhưng xét mặt khác hơi vô lý điểm nầy ..." Mến ngập ngừng. Tôi cảm giác hai mi mắt tôi nằng nặng. Tôi suốt ruột chờ nghe Mến nói tiếp. Sáu Mến nhìn tôi với đôi mắt ranh mảnh. Đôi mắt hẹp, linh lợi hơn trước kia nhiều. Hoàn toàn khác hẳn đôi mắt ngày trước thường đăm chiêu nhìn cô bạn học - cô Bảy Bướm cùng ngồi dãy bàn với Mến. Mến dửng dưng, xa lạ. "Ít có trường hợp nào một gia đình trung nông mới đưa người ra chợ học bốn năm năm. Chính anh tâm tình với tôi chuyện đó mà. Dường như ở nông thôn với hai mẫuđất như thế không ai có thể đưa người ra chợ học được". Tôi hỏi Mến : "Vậy theo Mến, Tôi ở vào thành phần nào ?" Mến khẽ lắc đầu, không đáp.

 

Và chính cái im lặng đó của Mến tôi cảm giác mình bị xúc phạm. Tôi nói thẳng với Mến : "Ghi vào lý lịch chữ "phú nông" thì dễ quá. Nhưng điều đó hoàn toàn không trung thực". Tôi nói xong, Mến động đậy trên vạt. Từ tư thế ngồi xếp bằng, Mến thòng hai chân xuống đất. Mắt Mến nhìn đăm đăm xuống mé ao. Nhân đó, tôi vội đưa tay thu tờ giấy về phía mình. Mắt tôi hoa lên. Mến day lại lập tức và nhanh nhảu dằn lấy mảnh giấy trên tay tôi. Nhưng không kịp. Tôi xé toạt tờ giấy ra thành từng mảnh vụn. Tôi vo tròn tròn những mảnh giấy trong lòng bàn tay. Mến luống cuống, một bàn tay vẫn nắm chặt tay tôi. Chập lâu sau, Mến mới lấy lại bình tĩnh. Anh nói giọng cập rập, ngắt quãng : "Tôi không ngờ ... Anh Chín nóng nảy quá. Anh Chín khó ... Đây là việc chung, anh Chín nhớ ..." Nói xong, Sáu Mến buông tay tôi ra. Đôi mắt Mến đờ ra trông ngắn và nhỏ hơn thường ngày. Mến nói ấp úng : "Anh Chín biết không, tôi quí anh cỡ nào ?" Tôi chen nói : "Mến cũng biết tôi, lúc ấy tôi thương Mến cỡ nào ?" Giọng tôi bỗng nhiên nghẹn lại. Mến chưa thôi : "Anh Chín biết không ? Đây chỉ là một chuyện. Chỉ một thôi, anh làm tôi khó nghĩ, huống hồ thêm một chuyện nữa theo sự phân công của trên". Tôi cố trấn tỉnh hỏi Mến : "Chuyện khác là chuyện gì ? Mến nói luôn thể ..." Mặc dù hỏi cứng vậy song tôi linh cảm một chuyện không hay, không vui. Tôi ngại. Mến buồn buồn, uể oải ra mặt. Đôi mắt nhìn ra hướng bờ ao, đăm chiêu. Tôi vừa bắt gặp một hình ảnh Mến khi ngồi trong lớp học. Chính đôi mắt hay đăm chiêu của Mến gợi tôi nhớ tới Bướm, nhớ đêm hai đứa bỏ mít-tinh lội về nghĩa địa Hàng Tràm.

 

Mến biết chuyện ấy chăng ? Điều Mến sắp nói ra phải chăng là chuyện đó ? Tôi tự nhủ. Và tôi bắt đầu cạy cục Mến bằng đủ mọi cách nhưng Mến không chịu nói ra.

Sáu Mến cứ ngồi im thin thít.

 

Tôi ân hận về việc nóng nảy của mình. Tôi nghĩ không thể kéo dài những giây phút căng thẳng nầy được nên cương quyết ra về.

 

Hai hôm sau tôi giả bịnh nghỉ dạy. Học sinh cả ba lớp học nhớn nhác đến thăm tôi chật nhà. Hôm sau nữa, tôi chứng kiến tận mắt một trận máy bay ném bom.

 

Tôi nhớ như in buổi sáng hôm ấy bầu trời trong xanh. Im gió. Rừng chuối với ngàn tàu lá xanh ngăn ngắt xòe ra hứng những giọt sương long lanh buổi sớm. Chim trao trảo kêu chí chóe như thường lệ bên những buồng chuối chín treo lủng lẳng sau vườn. Vườn chuối nức hương .. Tất cả những cái đó bỗng chốc như thể tan biến thành những mảnh vụn bởi tiếng gầm rít của một tốp ba chiếc máy bay phản lực F 105 lao vun vút ngang đầu. Thân phản lực hình chim én cánh bạc nhào lộn, hỗn xược. Chúng lém lỉnh lao xuống từng chiếc một. Đất rùng rùng chuyển động dưới chân cùng lúc với tiếng "ùng" tiếng "hoành" nghe đinh tai nhức óc. Khói dựng thành những cột lớn xám xịt làm tối một góc rừng. Người xóm Kinh Mới lần đầu tiên hớt hơ hớt hải bị ném bom. Vì lẽ chưa có nhà nào chuẩn bị trước hầm trú ẩn.

 

Nhưng thật may mắn cho Kinh Mới. Những quả bom đen trủi chỉ tạt trúng làng rừng.

Dứt tiếng bom không bao lâu, gần hai mươi xác chết, có cả xác Bí thư Xã Đoàn Sáu Mến được chở về nằm sóng soài trước sân nhà ông Ba Bến. Tôi bị lạnh cả người khi nghe Sáu Mến hy sinh. Tôi chạy sấp chạy ngửa theo dòng người đổ về nhà ông Ba Bến. Thoáng thấy tôi, ông Ba Bến bật khóc nức nở. Hết khóc, ông Bến kêu réo tên từng người. Ông gọi tên ông già Tám Phùng nhiều nhất. Ông già Tám Phùng tới nơi liền nhào lộn xuống ao. Ông rửa ráy cho từng xác chết. Hai Liền héo xèo, mặt tái nhợt, hai tay luống ca luống cuống cầm tấm ni-lông thấm lỗ chỗ những máu me đặc sánh.

 

Sân nhà ông Ba Bến không mấy chốc đầy ắp người. Ngườisống lẫn lộn với người chết. Không có mấy xác người còn nguyên vẹn : Mảng tóc hoa râm rớt ở chỗ nầy, đầu lâu rơi nơi kia. Vài ống chân rời khỏi thân tái nhợt. Một mảng thịt thâm tím trộn lẫn với phân rừng. Một giọt máu tím bầm thòi ra hai cánh mũi xinh xinh của đứa trẻ ...

 

Tôi đứng lặng giờ lâu trước xác Mến nằm giữa xác bà mẹ và đứa em gái của anh. Cả hai gương mặt xương xương, hao hao gương mặt Sáu Mến.

 

Đến lúc không dìm được cơn xúc động, tôi dịch sang chỗ khác nhường chỗ cho Hai Liền. Tôi bị choáng ngộp và đôi chân bước không vững nữa. Chiến tranh là thế ! Lần đầu tiên tôi nếm trải sự nghiệt ngã, mất mát của chiến tranh !

Rồi những ngày tang tóc nặng nề trôi qua Kinh Mới.

Đêm đắp cản ngăn tàu giặc ở Dinh Điền vắng mặt Sáu Mến thật buồn tẻ làm sao ! Vì lúc còn sống Sáu Mến phụ trách ấp điểm, mỗi lần đi đắp cản đều có mặt anh. Giờ đây một mình ông Ba Bến soi đèn không xốc nổi tốp dân công Kinh Mới thi nhau lắp kinh. Hai Liền chỉ làm chất men cho tốp trẻ như Mãi, như Bướm. Nhất là trên đường về, sự vắng bóng Sáu Mến không khí càng buồn tẻ hơn. Cái tang lớn của Kinh Mới như thể còn đeo đẳng theo trăm chiếc xuồng len lỏi trong kinh rạch tối om để vượt ra trấp rau muống về Đông Khánh.

 

Tất cả xuồng từ Kinh Cũ về Đông Khánh phải vượt qua cái trấp rộng rinh nầy - trấp phân chia giữa hàng cây xanh tiếp giáp với đồng nội và trảng nước sóng sánh.

 

Ra tới trấp, xuồng được gió tiếp sức bơi, nhẹ hẫng. Mưa bắt đầu chạy rào rào trên trảng nước. Những dề rau muống phập phều, lặn ngụp trước mũi xuồng. Đọt rau muống trộn lẫn ngọn lau sậy nằm nước cọ rào rạo, vướng vít vào hai mạn be. Hai Liền tuột ra sau lái dằn lấy cây dầm trên tay tôi. Bướm bò ra trước mũi thay bơi cho chị. "May thì nhờ, rủi chịu. Tới phiên thay bơi thì phải bơi. Một ... hai ..." Hai Liền kiên quyết giành bơi khiến tôi buông dầm trôi ra chặng giữa lòng xuồng. Không dừng lại. Tôi bươn bả ra trước mũi giành bơi với Bướm. Khi đó, Sáu Mãi lập tức ngăn tôi lại, nói giọng kẻ cả : "Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu đó nghe. Anh làm tấm tàng bị cảm gió bỏ mạng cho thấy. Để cho con Bướm nó bơi". Mãi vừa nói vừa ngồi chắn lưng ngang sạp xuồng. Thêm Hai Liền đồng tình với Mãi khiến tôi ngồi chết gí một chỗ. Tôi sốt ruột cho Bướm đầu trần ngồi gò lưng trước mũi xuồng. Đành vậy. Hai Liền quát tới : "Bơi nhanh nghe. Ai nhớ Sáu Mến nhiều phải bơi mạnh nhiều nghe !..." Hai Liền nói chưa dứt, tiếng đại bác nổ ùng hoành phía sau lưng, đầu đạn bay vèo vèo về Đông Khánh. Từng chòm hỏa châu treo lơ lửng, chấp chới rọi sáng khu Dinh Điền. Xuồng dửng dưng qua trấp. Hai Liền chốc chốc giục bơi nhanh. Giọng Hai Liền cập rập vì thấm lạnh. Tôi đoán chắc Hai Liền đang run rẩy vì hai mạn be xuồng khẽ động đậy liên hồi.

 

Lúc bấy giờ chưa qua được nửa trảng trấp, và mưa ngày càng nặng hạt. Lách cách tiếng sóng vỗ ì ọp trước mũi xuồng - một khoảng trống loang loáng mở ra trước mặt. Mưa. Tiếng mưa rơi lộp độp trên tấm ni-lông tôi và Mãi choàng chung. Chốc chốc lưng Mãi khẽ cử động. Tôi cảm giác sau lưng tôi như có một ngọn lửa nhỏ ấm áp. Tôi được hơ lửa trong lúc mưa gió dầm dề kéo qua trảng nước quen thuộc nầy. Mỗi lần như thế tôi áy náy dịch người về phía sau  một chút. Tôi lui dần về phía sau vì nghĩ thương một người bơi mũi. Dần dà cơn buồn ngủ chín muồi. Tôi trong một trạng thái lơ mơ, dễ chịu. Loáng thoáng trong óc tôi hình ảnh một người đang gò lưng bơi, thui thủi, lặng lẽ ...

 

Một lúc lâu sau tôi choàng tỉnh dậy. Tôi chui ra khỏi tấm ni-lông và ngửa mặt hứng mưa. Mặt tôi thấm rát nước mưa lạnh cứng. Còn sau lưng tôi vẫn ấm áp, dễ chịu. Sau lưng tôi vẫn còn một ngọn lửa nhỏ.

 

Dứt mưa. Tôi tỉnh hẳn và chợt nhận ra ông Ba Bến ngồi sờ sờ kế Bướm trước mũi xuồng. Nhờ một ánh hỏa châu thoi thóp tắt muộn trên vòm trời cao, tôi trông thấy rất rõ ông Ba Bến ngồi lom khom day nhìn về phía mình. Tôi lùi dần ...

 

6


Ngày hăm sáu, tháng hai ... Ánh nắng chen trong vườn lá chiếu thẳng xuống mặt ao bèo xanh rập rờn. Những buồng chuối chín chưa kịp đốn đem vào nhà đang treo lủng lẳng trên cây. Những buồng chuối chín lộ thiên tỏa hương thơm ngào ngạt. Tôi ngồi sau chòi ông Ba Bến đưa mắt nhìn một buồng chuối chín gần đâu đây. Hương chuối chín luôn phả vào mũi, rất thích. Trong lúc tôi ngồi ngây người chờ đợi. Ba người hẹn làm việc riêng với tôi lần lượt bước tới chòi : Ông già Tám Phùng đội nón nỉ đen, mặc Pi-gia-ma màu cỏ úa lỗ chỗ vài vết mũ chuối nơi vạt áo trước. Ông Ba Bến mặt lạnh tanh, nghiêm nghị y gương mặt hôm lần đầu tôi về Kinh Mới gặp ông. Hai Liền mệt mỏi không bình thường. Từ hôm Sáu Mến mất tới nay tôi thấy Hai Liền luôn trong trạng huống ấy.

 

Thoạt đầu, ông Ba Bến lấy làm tiếc rẻ cho một thầy giáo dạy học chăm chỉ như tôi không may vướng những lời đồn đãi không hay - một dư luận quan hệ nam nữ không rõ ràng. Ông Bến mào đầu. Và chính mấy lời mào đầu của ông Bến thay cho mục tuyên bố lý do của buổi họp. Đặc biệt ông Ba Bến không đề cao tung bổng tôi lên như mọi khi. Ông Ba còn nói tuột ra đối tượng nữ kia là Sáu Mãi ở ngang nhà ông.

 

Tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Và tôi đoán ông già Tám Phùng cũng bất ngờ như tôi. Ông Tám ngồi gác cẳng tréo trên vạc, người lắc lư, chen nói : "Té ra là chuyện nầy ..." Ông tiếp : "Nhưng có gì lạ đâu, chú Ba ? Một đàng chưa vợ, một đàng chưa chồng. Con Sáu nó vui. Được đó". Ông Ba Bến lộ vẻ phản đối ông già Tám Phùng. Ông Ba gắt : "Không phải vậy, anh Tám. Vấn đề ở đây là việc tranh tối tranh sáng. Ta muốn làm sáng ra vì Chín Thảo sắp vào Đoàn". Ông già Tám Phùng vẫn dửng dưng : "Vậy thì có can hệ gì việc vào Đoàn ?" Ông Ba Bến quay ngoắt trên vạt. Đôi chân mày rậm đen càng xệ hẳn xuống. Giọng ông Ba Bến càng thêm gắt gỏng : "Tôi nói việc giải tỏa dư luận. Muốn vậy thì mọi vấn đề phải được đưa ra ánh sáng. Chín Thảo phải nhờ người mai mối tới nhà con Sáu để thấy rằng ... Bằng ngược lại, chú Chín đổi lấy thiệt thòi về mình". Ông Ba Bến nói tới đó, Hai Liền đầu ngửng lên. Hai Liền góp vào : "Về phía Tổ Đoàn tụi con có nghe anh Sáu Mến nói về anh Chín Thảo. Anh Sáu kín miệng với lại là người thương anh Chín số một ở xứ nầy ..." Hai Liền ngập ngừng nhìn thoáng qua chỗ tôi, tiếp : "Nhưng chỗ ba nghĩ anh Chín là không phải. Anh Sáu Mến nói anh Chín muốn xây dựng hôn nhân với người khác kia ..." Liền khư khư làm bùng lên cuộc cãi vã không bình thường. Lúc nào Liền cũng hướng cho tôi chỗ ấy để Sáu Mến lúc còn sống thôi không đeo đẳng Bướm nữa. Để Sáu Mến quay lại với Hai Liền. Tình cảm Hai Liền đối với Sáu Mến cho đến lúc Mến hy sinh mới được vỡ ra - Thư Hai Liền gởi Sáu Mến còn mới nguyên trong chiếc ba-lô của Mến do ông già Tám Phùng nhặt được. Ông Ba  Bến cả quyết : "Thằng Mến nó nợ lại cấp trên là phần nầy. Nó chưa kịp giới thiệu thiếu sót của chú Chín".

 

Tôi trong một trạng thái rối bời. Tôi bị đẩy vào một thế hiểm nghèo nhất. Nhưng kể ra mũi tấn công từ phía ông Ba Bến, tôi dễ chống chế hơn. Còn về phía Hai Liền có thêm linh hồn một người khuất mặt. Người đó không ai xa lạ ngoài Sáu Mến học trò cũ của tôi. Biết đâu trong đêm tôi và Bướm bỏ dự mít-tinh, trên đường trở về, Sáu Mến đứng đâu đó trông thấy ?

May mắn cho tôi, Hai Liền ngồi im thin thít. Chỉ còn một mình ông Ba Bến đang giận thả sổ đứa con gái của ông, vừa nói ra rả suốt.

 

Tôi tiếp tục chối quanh. Cơn tức tưởi như thể chẹn lên tới cổ. Ông Ba Bến giận tôi không kém. Hai vành tai ông Ba ửng đỏ. Môi thâm tím. Ông nói : "Có lửa tức nhiên có khói. Ở đây tập thể lo cho chú. Tôi lo cho chú. Chính Ba Bến nầy cho chú từ đầu ..." Ông Ba Bến trỏ một ngón tay vào giữa ngực ông. Tôi im từng lúc. Và khi thấy ông ba bến hơi dịu xuống, tôi tiếp tục chối. Tôi chỉ biết chối quanh vì chuyện ập đến với mình bất ngờ và lạ lẫm quá. Vả lại, tôi dở lý sự dài dòng. Tôi ít lời. Lúc bấy giờ ông Ba Bến lập tức đưa ra bằng chứng. Giọng ông cứng cỏi : "Một đứa học trò thương chú đi khoe chuyện chú giáp xóm, chưa đủ. Tiệm tạp hóa ở đầu kinh phở lở rùm lên, chưa đủ ..." Ông Ba hấp háy đôi mắt, vai nghiêng ghé sát vai ông già Tám Phùng. Ông tiếp : "Chính mắt tôi trông thấy. Chính Ba Bến nầy trông thấy ... Một lần đi đắp cản về ngang trấp rau muống mới đây thôi. Chú nhớ không ?" Ông Ba Bến thôi nói. Ông già Tám Phùng ngửng cổ nhìn tôi. Lập tức, ông Tám thôi dàn hòa, dần dần nghiêng hẳn về phía ông Ba Bến. Ông nhanh nhảu mở lối ra cho tôi : "Tao thấy được đó, Chín. Con nhỏ ở đời được lắm mà. Nó vui vẻ. Nhảy vào chỗ đó là có phước đó nghe. Gia đình con nhỏ là chỗ thân thích".

Tôi biết ông già Tám Phùng nói thế xuất phát từ lòng tốt của ông. Ông tin yêu tôi như con cái trong nhà. Nhưng tính đơn giản nông nổi của ông khiến tôi phát tức lên anh ách. Hai Liền không cứu cánh được tôi mặc dù cô hoàn toàn không tán thành với cha cô về việc nầy. Tôi chỉ còn biết trông chờ Hai Liền người cuối cùng trong cuộc họp lên tiếng minh oan cho tôi. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng ở cô. Tôi bị trượt xa hơn vào thế lẻ loi, thế bí.

 

Tôi bị mệt lã người qua ba phiên họp căng thẳng đó. Một tâm trạng bắt đầu đè nặng lên tôi : Nhận thiếu xót về mình hay tiến tới kiểu mở lối ra như ông già Tám Phùng ? Như việc đưa ra ánh sáng để làm cơ sở vững chắc cho tôi vào Đoàn Thanh niên như cách nghĩ của ông Ba Bến ? Tôi luôn tự hỏi, sống khắc khoải trong tâm trạng rối bời suốt một năm dài.

 

Lật lại vài trang trong quyển sổ ghi chép cũ : "Ngày hăm sáu, tháng hai. Nhớ. Cái không muốn, nó tới. Nó ngang nhiên tới với mình. Tuy đó không phải là điều may mắn - một điều định trước - một ước muốn, nhưng dẫu sao, vẫn là chuyện riêng của mình và Mãi - một chuyện nhỏ nhoi so với cái lớn lao đang chảy xiết như một dòng thác lớn - cách mạng - con đường tiến thân ...

 

Một ông già Tám Phùng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn ; một ông Ba Bến với đôi chân mày rậm cong cong nổi bật trên gương mặt già nua lạnh lùng ; một cô Hai Liền luôn bận rộn trăm thứ chuyện hằng ngày ... tất cả đều tốt bụng, nhân hậu. Đặc biệt ông Ba Bến với những ý nghĩ nâng mình đứng dậy đi tới trong những năm tháng mình tập tểnh bước lên bậc thang đầu tiên của cách mạng. Lẽ nào để mọi người không vui vì một cá nhân mình ?

 

Thật nhớ khi kết thúc phiên họp đêm, vì một lẽ chưa được nói ra điều mình nghĩ, Hai Liền quay mặt vào vách giấu những giọt nước mắt rơi lã chã xuống đôi gò má của cô. Bỗng nhiên từ một trạng thái mệt nhoài, uể oải bước đi không vững, tôi tỉnh hẳn. Cộng thêm một gương mặt người chết, gương mặt Sáu Mến với đôi mắt khép lại như đang ngủ say bên cạnh bà mẹ và đứa em gái nhỏ, mái tóc hớt cua điểm lỗ chỗ những bông sậy khiến tôi vượt qua được tất cả. Tôi trở lại bình thường.

 

Cũng chưa hẳn trở lại bình thường. Những ngày đầu sau đám tuyên hôn buồn bã, tôi trở lại trường cũ cách nhà tôi mười cây số. Mẹ tôi đôi lần bơi xuồng vào Kinh Mới kiếm tìm tôi trở về nhà. Tôi ghi nhớ bóng dáng còm cõi của mẹ, những lời khuyên nhủ âu yếm của mẹ, cộng với ánh mắt nghiêm khắc của cha tôi. Rồi sau đó, thỉnh thoảng vài tháng tôi về nhà một lần. Thời gian trôi qua với những tâm trạng khắc khoải, với tiếng bom đạn gầm gào ngày đêm kéo qua thôn xóm. Vẫn một ông Ba Bến, một ông già Tám Phùng gùi cây lá cất chòi cho Mãi giữa lùm chuối um tùm để tránh máy bay giặc. Mãi dời đổi chỗ ở năm lần bảy lượt trong những năm giặc bình định lấn chiếm. Mãi yên phận làm vợ, làm mẹ gánh vác hết việc nhà cho tôi. Mãi thắt tha thắt thẻo đi cấy lúa trên đồng xa. Mãi trong một đêm choàng dậy đã trông thấy đống dây chì gai của giăc chất ngất dưới bến sông. Lại phải rời bỏ chỗ cũ. Mãi chắt chiu nuôi con ngay trong vùng phụ cận, trong tầm pháo lớn ầm ào đêm đêm ...

 

Điều đó, tôi chịu ơn Mãi. Dẫu rằng một tiếng ru con rất khẽ cũng là ơn. Nhưng với Mãi, hoàn toàn tôi không hợp. Ngược lại đối với tôi, Mãi cũng thế. Điều đó không có gì lấy làm lạ.

Duy có một điều day dứt. Chắc chắn đó là nỗi day dứt đeo đẳng suốt một đời người : Bướm viện cớ đi xa không dự đám tuyên hôn của chị. Bướm nhờ ông Ba Bến giới thiệu để gia nhập vào đơn vị Quân y tỉnh nằm sâu trong một góc rừng U Minh Hạ. Ngày chia tay Bướm tôi tới nơi vừa lúc chiếc xuồng chở Bướm ra khỏi con mương đầy ắp bèo cám. Tôi kịp kêu lớn một tiếng "Bướm", giọng kéo dài. Tiếng kêu của tôi được rừng chuối âm u phụ họa, xào xạc. Bướm không đáp. Bướm ngồi thui thủi, lặng lẽ trước mũi xuồng.

 

Đó là lời từ giã sau cùng của tôi với cô học trò cũ trước khi tôi được thuyên chuyển về chỗ mới và nhận những công việc mới. Tất cả là hành trang của tôi ..."

 

Tôi đọc lại những dòng nầy mình không nhớ đến lần thứ mấy ? Và khi tôi viết lại đoạn văn nầy chưa xong, đứa con gái nhỏ của tôi từ bên nhà sang thăm tôi.

 

Minh Thu mặc nguyên bộ quần áo mới tinh : vải xoa màu xanh nhạt nổi vân trắng, mịn màng. Tóc buộc nhỏng nhảnh đuôi chồn. Mặt tái nhợt. Môi thâm. Lúc được chị thả xuống sân gạch, con bé chạy lon ton lên gác xép chỗ tôi ở. "Ba ơi ! Ba đâu rồi hả ba ?" Vừa hỏi, con bé vừa nhìn dáo dác sợ không gặp được tôi. Lúc trông thấy tôi ngồi viết, Minh Thu chạy ùa tới, giảy nảy : "Người ta bịnh muốn chết mà ba không về thăm. Bị chích thuốc nữa nè. Đau thấy mồ". Minh Thu dọa : "Đi qua lần nầy thôi nghe ba. Vô học rồi con ở luôn bên nhà không thèm qua ba nữa đâu. Về nghe ba !" Tôi vẫn im lặng. Minh Thu tiếp : "Mẹ kêu ba về. Mẹ nhắn thiệt đó". Tôi cười cảm động ...

 

Minh Thu vẫn ghì lấy vai tôi. Và vẫn như mỗi lần gặp tôi, thoạt đầu, Minh Thu nói một mạch, đủ thứ chuyện, rồi sau đó chạy chơi với chúng bạn hoặc vòi vĩnh các cô cơ quan "tiếp khách". Lần nầy Minh Thu cố ép tôi về ra mặt. Thu nói : "Gặp cô Hằng con nói liền : Con không cho cô Hằng đi chợ mua giùm đồ ăn cho ba, để ba cực ba quạu rồi về nhà ở với con. Con cấm ..." Minh Thu buồn buồn tiếp : "về nghen ba. Về ở với con ... nghen".

 

Đến lúc tôi phải cúi xuống nhấc bổng con tôi lên. Tôi hôn chùn chụt lên má nó thật lâu : "Ba hứa chắc nè ... lớn lên con ở với ba. Con làm bác sĩ nuôi ba. Nghe không !..." Tôi nói trong lúc tôi nghe đau day day trên ngực mình. Khi đó, đứa con gái bé bỏng của tôi ghì chặt lấy tôi mừng cuốn lên .

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3013
Ngày đăng: 21.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làm má đâu có dể - Nguyễn Ngọc Tư
Chờ đò - Nguyễn Thanh
Đau gì như thể - Nguyễn Ngọc Tư
Lời nhắn - Nguyễn Ngọc Tư
Cô dừa xiêm đa cảm - Kim Ba
Lão cua kình - Kim Ba
Nắng xuân - Kim Ba
Tiếng hát trên bãi hoang - Kim Ba
Dấu hỏi lặng - Nguyên Tùng
Nghiệp dĩ - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)