Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
490
115.866.449
 
Lận đận Lương Khê
Nguyễn Thanh

 

 

                                                       

           Đã từ lâu, tôi được biết Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) và Lương Khê, hiệu của Phan Thanh Giản (1796-1867) là hai khuôn mặt văn học đặc biệt trong giai đoạn lịch sử đen tối của Việt Nam vào giữa thế kỷ 19. Cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà thơ đều có những dấu ấn riêng để lại trong lòng dân tộc.

 

            Tác giả Lục Vân Tiên là người bạn đồng thanh khí cùng phụng sự đại nghĩa với danh sĩ, đại thần nhà Nguyễn: Tiến sĩ Phan Thanh Giản tức nhà thơ Lương Khê dù hoàn cảnh của hai người không giống nhau. Trong lòng người dân Việt Nam, chúng tôi đã không bao giờ quên Nguyễn Đình Chiểu (1), một nhà thơ yêu nước tiêu biểu cho sĩ khí và tinh thần bất khuất của nhân dân Nam bộ, vị quân sư mù tài năng giàu nhân cách của lãnh binh Trương Định (1820 - 1864). Cụ Đồ Chiểu còn là một nhà giáo, nhà đạo đức mẫu mực theo lý tưởng của thánh hiền cho học trò các vùng Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre ngày trước đã vô cùng kính trọng. Trước cảnh quốc phá gia vong, dù mang phong thái một bậc hiền giả ẩn sĩ, không màng danh lợi, nhà thơ cũng đã đem hết tâm huyết mình, đóng góp tài sức cho các nghĩa sĩ kháng Pháp, quyết tâm giành lại độc lập cho tổ quốc. Tinh thần ái quốc mãnh liệt, thái độ khảng khái bất hợp tác với kẻ thù xâm lược của Nguyễn Đình Chiểu, không chỉ thể hiện trong Lục Vân Tiên, Ngư Tiều Y thuật Vấn đáp, Dương Từ Hà Mậu mà còn bàng bạc ở những trang thơ yêu nước của thi sĩ. Đó là những bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Điếu Lục tỉnh sĩ dân, thơ Điếu Trương Định…

 

                Chính nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã từng xúc động và đau lòng khóc cái chết nghĩa khí của Lương Khê Phan Thanh Giản :

                  

                                            Non nước tan tành hệ bởi đâu?

                                            Rầu rầu mây bạc cõi Ngao Châu

                                            Ba triều công cán vài hàng sớ,

                                            Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.

                                            Ải Bắc, ngày trông tin nhạn vắng,

                                            Thành Nam đêm chạnh tiếng quyên sầu.

                                            Minh tinh chín chữ lòng son tạc,

                                            Trời đất từ đây mặc gió thâu !

‘‘

                  Cùng thời với Lương Khê cũng đã có nhiều người thương cảm, xót thương trước sự tự vẩn chết danh sĩ, tiến sĩ đại thần Phan Thanh Giản của nhà Nguyễn. Nhưng ở bài thơ luật Đường thất ngôn bát cú của Nguyễn Đình Chiểu trên đây, qua thi tứ xúc động nồng nàn và nghệ thuật vững vàng điêu luyện, tác giả đã nói lên được tình cảm đau đáu của mình trước hoàn cảnh nghiệt ngã của Lương Thê trong thời kỳ tối tăm của tổ quốc.

 

            Lương Khê tên thật là Phan Thanh Giản gốc ngưới Minh hương, xuất thân trong một gia đình nghèo. Lương Khê là con của Phan Thanh Ngạn, một viên chức nhỏ và Lâm Thị Bút.

Sớm chịu cảnh mồ côi mẹ, Lương Khê rất hiếu thảo với cha và theo học với nhà sư Nguyễn

 

                                                                        1

 

Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi. Thấy cha bị cáo gian, chịu hàm oan nơi lao lý, Phan Thanh

Giản đệ đơn muốn được thay cha ngồi tù. Nhờ lòng hiếu học, năm 29 tuổi (1825), Phan đỗ Cử

nhân và chỉ một năm sau đỗ tiếp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 năm (1826). Thế là mới 30 tuổi, Phan Thanh Giản đã trở thành vị Tiến sĩ tân khoa đầu tiên trong lịch sử khoa bảng ở Nam bộ.

 

              Từ đấy, Lương Khê Phan Thanh Giản bắt đầu tiến nhanh trên con đường khoa hoạn thênh thang mà cũng lắm thăng trầm nghiệt ngã trải qua ba triều Minh Mạng (1791 - 1841), Thiệu Trị (1807 - 1847), Tự Đức (1829 - 1883) nhà Nguyễn. Từ một chức Hàn Lâm Viện Biên Tu (1827),.. mấy lần lên mây xuống vực để rồi sau đó lại lên tới chức Hộ Bộ Thị Lang (1839) thời Minh Mạng, Phó Chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1840) thời Thiệu Trị. Thượng Thư Bộ Lại (1849), Kinh Lược sứ Nam Kỳ (1950), Tổng Tài Quốc sử quán trông coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thời Tự Đức.  

 

               Người ta còn nhớ mà không tránh khỏi ngậm ngùi, vào năm 1858, liên quân Pháp -Tây Ban Nha lấy cớ vu vơ bất ngờ nổ súng tấn công, đổ bộ lên Đà Nẳng rồi đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Phan Thanh Giản, với vai trò Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp, Phó sứ, được vua Tự Đức cử đi điều đình với Pháp, dẫn đến việc ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862 tại Sài Gòn, phải nhượng cho Pháp 3 tỉnh : Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Côn Lôn (Côn Đảo). Việt Nam còn phải bồi thường chiến phí cho Pháp và Tây Ban Nha 4 triệu đồng (piastre) kèm theo điều kiện : để được nhận lại tỉnh Vĩnh Long, triều đình Huế phải cho chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp. Do vậy, trong dân gian có câu : “Phan Lâm mại quốc, triều đình khí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ dân chúng). Theo nhà sử học Phan Huy Lê, nguồn gốc và xuất xứ của câu này chưa được làm rõ và không thấy ghi chép lại trong những tác phẩm viết về Trương Định của những tác giả đương thời như Nguyễn Thông. Lận đận và tai ương vẫn chưa buông tha cho Lương Khê. Năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn được trao trả lại cho triều đình Huế ngày 25/05/1863), yêu cầu Phan Thanh Giản gởi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên lệnh cho buông súng đầu hàng. Tự lượng sức mình không thể chống nỗi trước sức mạnh quân sự áp đảo với vũ khí tối tân của thực dân, Phan Thanh Giản đau đớn buộc lòng phải nộp thành trì cho giặc để tránh đổ máu cho dân. Lương Khê gởi sớ về kinh xin nhận tội, rồi tuyệt thực 17 ngày, sau đó uống thuốc độc tự tử vào ngày 1/08/1867, sau khi để lại bài thơ :

 

                                           Trời thời, đất lợi, lại người hòa,

                                           Há dễ ngồi coi, phải nói ra ?

                                           Lăm trả ơn vua, đền nợ nước,

                                           Đành cam gánh nặng, ruỗi đường xa.

                                           Lên ghềnh, xuống thác, thương con trẻ,

                                           Vượt biển, trèo non, cám phận già.

                                           Những tưởng một lời an bốn cõi,

                                           Nào hay ba tỉnh lại chầu ba !

 

                                                                            (Tuyệt cốc)

                     

               Năm 1868, Phan Thanh Giản bị quy tội để mất Nam Kỳ, triều đình Huế xử ông án “trảm quyết” (nhưng vì cụ đã chết nên được miễn), ông bị lột hết chức tước và bị đục bỏ tên ở bia tiến sĩ. Mãi đến 19 năm sau (1886), Phan Thanh Giản mới được vua Đồng Khánh cho khôi

 

                                                                       2

                                                                   

 

 

phục lại nguyên hàm Hiệp tá Đại học sĩ và cho khắc lại tên ông ở bia tiến sĩ. (Đại Nam thực lục). Cái chết của danh sĩ, tiến sĩ đại thần Phan Thanh Giản, theo một góc nhìn, mang ý nghĩa của một sự hy sinh cao đẹp là để đảm bảo an toàn cho cuộc sống và tính mạng của trăm họ. Nhưng cho mãi tới hôm nay, Lương Khê vẫn còn bị một số người bất đồng quan điểm coi ông là tiêu cực, hèn nhát, kết tội ông là bán nước (2). Sau 1975, tượng Lương Khê ở trường trung học Phan Thanh Giản bị gở đi và trường học cũng được đổi tên. Và con đường mang tên Phan Thanh Giản đi ngang qua trước cửa trường cũng được thay tên mới giống như việc thay tên 2 con đường và 1 phường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

 

                Dù vậy, đa phần nhân dân Nam bộ và nhiều trí thức đương thời đã tỏ ra thông cảm cho Phan Thanh Giản. Nguyễn Thông đã từng dâng sớ lên vua Tự Đức để giải bày nổi oan xuất phát từ hoàn cảnh nghiệt ngã cho Lương Khê. Cũng như nhà thơ Nuyễn Đình Chiểu đã tỏ thái  độ thương tiếc, trân trọng ông qua bài thơ điếu bên trên : Minh tinh chín chữ, lòng son tạc/Trời đất từ đây mặc gió thâu. Trong bài “Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong”, một lần nữa tác giả ‘Lục

Vân Tiên’ cũng đề cao tinh thần cao cả của Phan Thanh Giản: Ý người đăng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước. Án Sát An Giang Phạm Viết Chánh đã ngợi khen Phan tiên sinh : “Sổ hàng di biểu lưu thiên địa/ Nhất phiến đan tâm phó sử thư ” (Đôi hàng di biểu vương trời đất/Một tấm lòng son gởi sử xanh) và có lời thơ ca ngợi : “Phan công tiết nghĩa, sách cao dày/Thương bấy vì dân khiến chẳng may/Hết dạ giúp vua, trời đất biết/Nát lòng vì nước quỷ thần hay…”

 

                  Ngay cả từ bên chiến tuyến đối địch, sĩ quan Pháp là Reunier, từng tham gia các cuộc chiến tranh ở trung Quốc và Nam Kỳ, đã nhận định về Lương Khê như sau: “Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp), ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà” (3). Trong bức thư gởi cho gia đình họ Phan, với một tinh thần“bạn thù” (ennemi-ami) rất mã thượng, thiếu tướng Pháp De Lagrandière đã viết : “ Bản chức rất lấy làm đau đớn khi hay tin thân phụ công tử là cụ Thượng Phan Thanh Giản từ trần. Nước Nam mà Ngài là một phần tử xuất chúng; mất vị lão thành đáng kính ấy là mất một phần vinh quang của xứ sở, và mối tình quý trọng sâu xa mà Ngài lưu lại trong ký ức riêng tôi cũng như trong ký ức người Pháp, sẽ lâu bền hơn mối thù hằn đối địch” (3) :

                 ( “ J’apprends avec une grande douleur la mort de S.E Phan Thanh Gian votre père. Le royaume d’Annam dont il était le membre le plus éminent perd dans ce vieillard respecté une de ses gloires et de ses lumières, et le sentiment de profonde estime qu’il laisse dans ma mémoire et celle  des Français sera plus durable que la haine de ses ennemis… ” )

 

                   Thực ra, theo công tâm mà nói, Lương Khê Phan Thanh Giản đích thực là một danh sĩ - một nhà thơ lớn - một tiến sĩ đại thần có đủ điều kiện đẻ được nhân dân ngưỡng mộ và tôn vinh. Ngoài sự nghiệp văn chương lớn với nhiều tác phẩm giá trị : 1. Lương Khê thi thảo  2. Lương Khê văn thảo  3. Sứ Thanh thi tập  4. Tây phù nhật ký 5. Ước Phu thi tập  6. Tích Ung canh ca hội tập  7. Sứ trình thi tập  8. Việt sử thông giám cương mục (Chủ biên)  9. Minh Mạng chính yếu (Chủ biên), Lương Khê thi sĩ còn là nhà khoa bảng lớn học vị Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ. Và còn nữa, một đại thần tâm huyết, có nhiều công cán đã tận tụy phục vụ nhân

                                

                                                                   3

 

 

dân, đất nước trong suốt ba triều vua nhà Nguyễn, cả lúc còn niên thiếu Phan cũng đã tỏ ra vô

cùng hiếu thảo với cha, thật rất ít có ai sánh kịp. Thấy được như vậy, đầu năm 2008, Viện Sử học Việt Nam thống nhất kết luận : ”Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông”. Và ý kiến đúng đắn, hợp lý hợp tình đã được nhà nước chấp thuận.

 

                  Thế mà không hiểu sao, đã gần mười năm qua, trong hoàn cảnh của một đất nước  thanh bình, kể từ ngày Lương Khê Phan Thanh Giản được chính thức giải oan và phục hồi danh dự, người ta cảm thấy băn khoăn khi thỉnh thoảng thấy còn có những ý kiến nặng nề bài xích về nhà thơ lận đận Lương Khê - một việc làm đi trái với đạo lý nhân nghĩa khoan dung muôn đời của dân tộc mà Nguyễn Trãi đã nêu trong ‘Bình Ngô đại cáo’. Tôi là người quê ở Vĩnh Long, nơi Lương Khê Phan Thanh Giản đã tự chọn cái chết đúng đắn theo suy nghĩ của mình : cam chịu hy sinh một mất mát nhỏ để tránh thảm họa lớn cho đồng bào ! Lớn lên, tôi được học tốt và dạy chăm trong mấy thập niên ở trường Phan Thanh Giản ngày trước (và C3/TP rồi Châu Văn Liêm). Nhưng cứ mỗi lần đi bộ đến trường dạy học trên con đường xưa mang tên nhà thơ, tôi cảm thấy bùi ngùi muốn tìm lại trong hồn một chút dư thanh xa vắng, phảng phất một hương vị thân quen khó tả ngày nào. Hơn năm nay, tôi càng ngậm ngùi mỗi khi bất chợt nghe tin ngôi trường tổ ấm mai đây sẽ không còn mang hình bóng ba dãy cổ kính rêu phong, đứng trầm mặc thâm nghiêm bên con đường xưa quen tên chứa chan kỷ niệm.

 

                           Cuối 4.2016

                                                                                                              

 

 

 

* Tham khảo thêm tài liệu của các tác giả:

 

   (1). Tạp san Xuân Nắng Mới năm1972 của trường Trung học

       Đệ Nhị Cấp Cái Răng (nay là PT TH Nguyễn Việt Hồng)

   (2) Trần Huy Liệu. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 55, 10/1963

   (3) theo Nam Xuân Thọ

 

 

 

 

4

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 2692
Ngày đăng: 05.07.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vết sẹo lồi của ý tưởng - Trần Băng Khuê
Hè về - Nguyễn Thanh
Thăm Gặp Hoài Khanh " Lần đầu - lần cuối" - Trần Yên Hòa
Mùa thu...những chiếc lá tìm nhau - Trương Văn Dân
Bạn có thể nói gì khi một nhà thơ Mỹ xin lỗi - Nguyễn Đức Tùng
7 ngày ở Kuala Lumpur, Malaysia - Thái Quốc Mưu
Hà Nội, những ngày khó quên - Trần Dzạ Lữ
Điệu Valse của Văn Cao - Hà Phan
Người cùng thời với cha tôi - Yến Lan
Hào nhoáng Trịnh Công Sơn - Hà Phan
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)