Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
481
115.866.276
 
Miên man quê chị
Nguyễn Thanh

Nhớ quê. Nhớ dài dài ... Một buổi sáng chủ nhật tôi ngồi bật dậy trên võng vói tay cuộn chiếc áo mưa rồi liền gọi xe hon-đa chạy một mạch xuống bến đò.

 

Vẫn chưa ngớt mưa. Những cơn mưa nghịch mùa - mưa sớm - mưa làm tiêu tan nguyên vẹn một mùa nắng hạn cứ lắc nhắc, dai dẳng suốt hơn một tiếng đồng hồ tôi ngồi đò tốc hành, và có nhiều lúc, mưa bay trắng xóa trên mặt sông, mặt đồng.

 

Lần nầy tôi không về thẳng Vàm Rạch Cui nơi tôi có miếng thổ cư nhỏ nhắn làm chỗ yên nghỉ vĩnh viễn cho ba mẹ như thường lệ. Đò ghé bến Cái Giữa, tôi cuốc bộ thêm một chặng đường nhơ nhớp sình bùn, qua một nhà máy xay xát, thêm một cây cầu khỉ tới nhà chị tôi.

 

Chí Tám Bảnh của tôi và mấy cháu đi đâu vắng cả. Ngôi nhà tường ba gian cửa đóng im ỉm. Xóm vắng lạ. Buộc lòng tôi phải đi vòng cửa sau rồi lội thẳng về phía hậu vườn. Và vừa ra khỏi mí vườn, tôi mới hay xóm đang có một việc hệ trọng : "Nhà nhà chống trả ốc bươu vàng ! Người người đổ xô bắt ốc bươu vàng !" Trước mặt tôi người đông nghịt ; trẻ con, người lớn, người già nhộn nhịp như phiên chợ sớm. Chị tôi quần vo áo vận, đầu đội chiếc nón lá bung vành, hai tay túm lấy miệng chiếc bao tải đựng gần đầy ốc bươn bả vượt qua một vũng cạn. Chợt nhận ra tôi, chị lên tiếng : "Cậu Út Thắng về đó à ! Đi đò nào mà sớm bửng, hay vậy ?" Tôi chưa kịp đáp, chị làm rơi tuột chiếc bao tải khi bước lên bờ tiến thẳng về phía tôi. Không những một mình chị, lẽo đẽo sau lưng chị còn có đứa cháu trai - thằng Trà và thêm một thằng Vĩnh Nhí ở xóm đê gần đập Cái Giữa. Ngoài mặt, hai đứa cháu xăng xốm mừng tôi về nhiều hơn chị. Tính chị bộc trực, khô khan từ thuở nhỏ. Chị nói thảng thốt : "Trời đất ... sao cậu về lúc đông ken thế nầy ? Lúc rảnh trước Tết trông cậu miết mà có thấy đâu. Cậu coi, đang dọn đất sạ giống mà ốc thôi là ốc !..." Nói xong, chị đưa tay kéo sập chiếc nón lá xuống lưng. Mái tóc chị điểm trắng. Một nốt ruồi chắp nơi đuôi mắt trái lộ rõ hơn. Chị gầy guộc so với năm ngoái năm kia nhiều. Tôi trấn an chị : "Bữa nay rảnh em vô thăm chị và mấy cháu một chút thôi ; lát nữa gọi đò Rạch Ráng đi thẳng luôn về chợ". Chị ngạc nhiên hỏi : "Bộ cậu Út không về Rạch Cui sao ? Hay đã về dưới đó rồi mới trở lên Cái Giữa ?" Tôi đáp để chị yên tâm : "Không. Em mới về cúng Thanh minh hôm trước đây mà". Chị dần dà trên bờ ruộng vẻ ái ngại vì năm nay chị bận không về cúng Thanh minh. Chị là người lo lắng cho ba mẹ lúc còn sống vượt trội hơn anh chị em tôi. Nhất là mẹ, và đối với cái chết trôi sông của mẹ, có một chuyện tôi đoán đến nay chị hãy còn ân hận, day dứt ...

 

Trong lúc chị Tám Bảnh và thằng cháu cực chẳng đã mới lật đật vào nhà vì chưa đứng buổi làm đồng. Tôi nấn ná một lúc lâu trên bờ ruộng tò mò tìm kiếm một loài vật gây hại. Chính hắn ! Chúng hiện lồ lộ dưới mặt nước, vo tròn như những hòn đất mạ vàng nhô lên với hai cọng râu giương dài ra phía trước thành hai cái vòi húc vào thân mạ mềm mại. Tôi lội thí mạng theo mép bờ và cúi xuống hốt hết những hòn đất mạ vàng trước mặt. Những con ốc nằm thu lu, lạnh tanh lạnh ngắt nhả ra những nắm mạ cồm cộm trong lòng bàn tay tôi. Chính loại ốc nầy - ốc Pháp - có một lần thật may mắn cho tôi, từ Cần Thơ, tôi mang nó về tới quê nhà ! Vỏn vẹn có chín con được tôi cẩn thận bọc trong túi lưới. Biếu cho những ai ? Một thằng cháu con người chị thứ ba đang giữ thổ cư. Một anh Năm Hưng nghèo rớt mồng tơi nhưng hiền lành, tốt bụng. Người thứ ba chính là anh Tư Chạy - anh rể thứ tám của tôi.

 

Vì sự ngờ nghệch, ấu trỉ của mình nên về quê lần nầy tôi không hề hé răng với bất cứ ai về việc biếu xén nhầm một loài gây hại cách nay bốn năm năm. Tôi luôn áy náy. Nhưng chị Tám Bảnh của tôi có buông tha cho đâu. Chị bê hết chuyện ốc bươu vàng từ ngoài ruộng vào tới trong nhà. Cơn giận dữ âm ỉ lây lan đổ xuống hết cho thằng cháu tôi : "Cũng tại thằng Trà cháu cậu, một phần. Sáng mát trời ốc đi ăn, đằng nầy trưa trờ trưa trật nó mới thức dậy". Chị nói giọng bỗ bã. Day sang Vĩnh Nhí, chị tiếp : "Mắc dịch thằng quỉ nầy, cứ rủ ren nhau theo gái tới bên kia sông lớn gần sáng mới về. Cậu coi tôi nhờ nó được gì, thay vì nó theo ghe đánh cá ngoài biển để hai anh nó ở nhà tôi đỡ lo hơn". Chị dừng. Không cần nhờ tới thằng Trà và thằng Vĩnh Nhí, cũng không chịu để tôi phụ giúp một tay, một mình chị lôi mấy bao ốc chết khô đổ xuống hố rác rồi lật đật vào nhà túm ngay bao tải ốc sống, tay buộc thắt miệng bao bằng sợi dây lạt dừa. Dáng chị nghiêng nghiêng, gập xuống, gương mặt trĩu nặng, căng căng với vẻ ưu tư, khổ sở. Giờ lâu sau thấy tôi lục lọi tìm mấy tờ phụ san báo ảnh đưa cho Trà, cho Vĩnh, chị bước sấn tới hỏi : "Cậu Út coi báo thường, cậu biết có loại thuốc nào trừ ốc bươu vàng không vậy ?" Tôi như bị bắt bí, lắc đầu. May thay chị day sang chuyện khác, chị hỏi : "Vợ chồng thằng Tạo có mời cậu đi đám cưới vợ cho con trai nó chưa vậy ?" Không đợi tôi trả lời, chị tiếp : "Rồi mai mốt cậu sẽ có thiệp mời. Còn chị, chị dứt khoát không đi !" Nói xong, chị quay ngoắt người bước tới chỗ nồi cơm đang sôi dưới chái bếp. Thấy tôi đứng tần ngần vì ngạc nhiên, thằng Trà vừa xỏ tay vào một ống tay áo, vẫn còn thả bè bè hai vạt áo trên người, vừa giải thích : "Cũng tại anh Hai cháu thôi cậu. Lúc đầu đi nói vợ cho con ở Tắc Thủ, xuống mối rồi, gần tới ngày lễ ăn trầu uống rượu, ổng bẻ chĩa, day sang chỗ khác ..." Nghe Trà nói, Vĩnh Nhí ngồi cười hì hì, mái tóc vàng hoe như sững hết lên. Tôi không lấy làm lạ với Vĩnh Nhí mau mồm mau miệng. Từ ngày người anh mất tích trong cơn bão số 5 ở vùng biển Hòn Chuối, Vĩnh Nhí càng chơi thân với Trà và nhiều lần ra chợ Cà Mau thăm tôi. Trà kể chưa hết, Vĩnh Nhí mau mắn chen vào : "Nói tại ông Hai thì không đúng. Tại mấy con ốc bươu vàng dẫn ông Hai chọn được bà sui giá mới phải hơn". Vĩnh cười hì hì : "Ổng nuôi vịt đàn, còn bà sui thu gom ốc bán cho ổng. Cậu biết không, vịt khoái ốc như heo thích ăn đầu tôm xương cá vậy. Tới tới, lui lui đó mà !"

 

Hóa ra ốc bươu vàng vẫn còn một khoản tác dụng ! Tôi nghĩ và trong lòng yên yên được một chút về câu chuyện cũ - chuyện mang ốc bươu vàng về sinh sản hả hê nơi chốn nầy !. Vĩnh Nhí vẫn ngây chuyện. Vĩnh giương hai cánh tay ra phía trước thành hình cánh cung : "Đít là sui ông Hai bự ế bà bung vầy ! Ngực lớn cỡ nầy ! hết sẩy ..." Vĩnh vừa nói vừa giữ yên đôi cánh tay giương hình cánh cung. Tuổi cưng cửng mười sáu bỗng lớn lên xấp xỉ hăm ngoài của Trà, và càng lúc tôi càng nhận ra Vĩnh Nhí sành sỏi, lõi đời khiến tôi cứ mường tượng một "Ông Hai" tính tình lém lỉnh, lẳng lơ và một người đàn bà góa bụa có thể hình tròn trĩnh, căng mọng với mớ ốc bươu vàng !

 

Thấy tôi tò mò tìm hiểu đủ thứ chuyện ở quê, Trà bộc bạch từng chuyện chậm rãi, từ tốn. Riêng Vĩnh Nhí lắc léo chung quanh chuyện "Ông Hai" nuôi vịt đàn. Cho đến khi chị tôi từ phí sau chái bếp hắng giọng và lên tiếng gọi hai đứa xuống phụ dọn cơm, câu chuyện mới tạm thời dừng lại.

 

Bữa cơm trưa đạm bạc, ngoài món lòng heo, dưa cải tôi mang từ ngoài chợ vào còn có thêm trứng luộc, khô cá biển, mắm kho và mớ rau cải trồng sau nhà. Vĩnh Nhí vẫn là người khách duy nhất cùng với Trà và chị Tám Bảnh tiếp tôi. Những người quen thân với tôi ở rải rác vùng nầy đều bắt tay vào mùa vụ diễn ra giữa lúc có dịch ốc bươu vàng : Một anh Đức Trắng, Út Sến, Ba Được, Bầu Lũy... đến thầy giáo Hiếu tuổi tám mươi bận đi chữa máy móc để tháo nước đồng. Đành vậy.

 

Chị tôi vừa ngồi xuống đối diện với tôi liền nhìn lướt qua trên mâm bàn. "Tháng nầy cực ăn quá ... mà nghe nói cậu có nuôi trăn, thấy trăn ăn vịt, cậu ngán !" Tôi gật đầu để chị yên tâm. Trước khi ăn tự tay chị xới một chén cơm, rót ra một ly rượu để cúng anh Tư Chạy. Chị nói giọng thủ thỉ khác hẳn lúc chị giằng lấy bao ốc bươu vàng : "Nay có cậu Út từ ngoài chợ vào thăm nhà mình, ông về ăn cơm uống rượu với cậu!..." Chị mủi lòng, giọng chị lạc đi. Tôi bước tới thắp một nén nhang trên bàn thờ anh Tư Chạy và khi ngồi lại chỗ cũ phải đỡ ngay ly rượu của Trà đưa sang.

 

Trà không thừahưởng tính xởi lởi, mau mắn của cha, tóc loăn xoăn đổ xuống trán giống cha nhưng sóng mũi cao, xương xương thon dài giống mẹ. Trà linh hoạt hơn Vĩnh Nhí lúc nãy nhiều. Day sang Vĩnh, Trà giục : "Hồi ba con còn sống, thằng quỷ nầy lẽo đẽo theo ổng để được cỡi câu như cái đuôi. Uống với cậu Út đi Vĩnh. Uống mầy !". Vĩnh Nhí không do dự một phút. Cả hai biến thành đại diện cho những người quen thân với tôi ở chốn nầy và cho người chủ nhà quá cố.

 

Tôi đã ngà ngà hơi men, thêm một phần cố nén những cơn xúc động đang dâng lên trong lòng nực mình vì lần đầu tiên tôi trở về căn nhà quen thuộc không gặp anh Tư Chạy. Và mãi mãi ...

 

Kể ra tôi quen thân với anh Tư Chạy lúc tôi lên năm sáu tuổi. Dạo đầu chưa tổ chức đám thành hôn với chị tôi, mỗi lần từ Cái Giữa xuống Rạch Cui cách nhau hai cây số đường chim bay anh Tư thường la cà với tôi. Anh làm lụng quần quật. Anh giúp ba mẹ nhiều việc : phát dọn đám sậy sau nhà nơi ẩn náu của những con chồn, trăn, rắn để đêm đêm mò vào chuồng gà chuồng vịt cạnh mé ao. Ngoài ra, nhổ mạ, vác lúa, lợp nhà ... việc gì anh cũng làm tất. Rất nhanh và gọn ghẽ. Và do thói quen làm nhanh, đi nhanh, nói nhanh nên từ cái tên "Tư Tâm" do cha mẹ đặt để biến ra "Tư Chạy!" Ba mẹ tôi rất quí anh, tin cậy anh hơn hẳn mấy ông anh của tôi ở nhà. Những lần nhà cúng giỗ, có miếng ngon vật lạ, có người bà con ở Sài Gòn, Tam Bình về thăm ... ba mẹ tôi nằn nằn nhắn cho kỳ được "thằng Tư Chạy xuống chơi". Riêng chị Tám Bảnh của tôi thường hay giữ ý, ra vẻ nghiêm nghị và thậm chí lảng tránh anh. Nhưng ngược lại, có vài lần tôi bắt gặp tại tay chị Bảnh vạch vách đứng nhìn  anh đang đứng chéo chân vịt bên đám sậy bịt khù. Thấy thế, tôi bỏ chạy ra chỗ anh và mách cho anh biết rằng chị tôi đang vạch vách nhà chỗ kia. Và lảng hơn, có lần tôi cười ngằn ngặt vừa trông thấy anh chị đứng kề nhau, anh thấp hơn chị tôi phân nửa cái đầu ...

 

Chị nín im, môi tím tái. Đợi cho anh Tư Chạy từ giã ba mẹ tôi về, chị gí tôi ra tới gốc ổi quỳ ngoài hậu vườn rồi cốc lên đầu tôi mấy cái. Tôi hoảng sợ không dám lấy nư thằng Út như nhiều lần khác la khóc ầm lên vì trước đó mấy ngày tôi bị té đìa không nhờ chị nhảy bổ nhào xuống nước vớt ắt tôi bị chết ngộp. Riêng anh Tư Chạy không hề biết giận tôi, ngược lại, anh chiều chuộng tôi ra mặt vì tôi là em vợ út. Là đứa con trai út nhỏ nhất trong gia đình đông anh em từ Vĩnh Long, Tam Bình tản cư trôi dạt tới đây, vượt qua biết bao nghiệt ngã của đời sống, mới định cư, tôi được cắp sách lon ton đi học trường làng. Một lần người chị dâu tôi sinh nở đứa con đầu lòng, mẹ tôi pha chế món thuốc gì đó rất cần nước tiểu trẻ con. Sau một lúc nằn nì của mẹ, tôi tự nhiên tè ra gần đầy một lon sữa bò nước tiểu. Với gia đình anh Tư Chạy, chưa tổ chức đám cưới, chị tôi chưa về nhà chồng nhưng tôi đã có mặt tại nhà anh rể trước. Tôi nhớ có hai cách đi bằng hai con đường về nhà anh Tư Chạy ở Cái Giữa : Một là con đường bộ. Hai là con đường sông. Hai cách đi về tới nhà anh Tư Chạy, với tôi, đều hấp dẫn cả.

 

Đường bộ, trừ chòm mả trông thấy sờ sợ nằm lưng chừng giữa đường trên bờ rạch Ông Kiệt, suốt dọc đường là một cánh đồng hoang vắng ken đầy năn sậy, bồn bồn, điên điển với những bàu cá rộng rinh, những con lung trời sinh quanh co đầy ắp nước và có rất nhiều chim chóc. Lọt thõm giữa cánh đồng hoang vắng vài thửa ruộng được phát dọn sạch sẽ. Những khoảng nước phía dưới gió, chỗ hai bờ giáp nhau hội tụ tạp nham mảng bọt bèo vàng óng ánh, những cọng cỏ năn, lá hẹ, bông súng ... nhúc nhắc vài con nhái bầu bất cần kiếm ăn nổi phập phều trên mặt nước, kể cả những con cua đồng thụt ló nơi góc bờ ... Thú nhất là vượt đồng dưới cơn mưa. Anh Tư Chạy trên tay cầm sẵn một cần móc sắt. Cần móc được tra một cán gỗ vừa cầm tay. Chốc chốc một con chim cúm núm vụt bay lên trước mặt. Lập tức, anh Tư nhanh chân vượt lên trước tôi, tay vung vẩy cây cần móc ra phía sau lưng rồi bất thần phang cây cần móc bay vun vút. Thanh sắt bay thẳng về phía trước, xoay tít như chiếc chong chóng kết bằng lá dừa của tôi. Liền đó, tôi trông thấy đôi cánh chim xam xám chấp chới sà ngay xuống thảm cỏ năn. Lại thêm một con chim khác vỗ cánh lạch xạch từ một ủ năn to đùng trước mặt vụt bay lên ... Những lúc đó tôi trông anh Tư lẫm liệt. Anh là thần tượng của tôi lúc bấy giờ ...

 

Đó là con đường bộ. Còn đường sông, khi anh Tư Chạy cầm chèo, khi chị tôi, khi mẹ tôi ... Vài lần đầu được nghênh sông nước - một chặng sông Ông Đốc quê tôi - tôi nơm nớp sợ hãi, nhưng dần dần quen đi. Tôi dửng dưng ngồi lắng tai nghe tiếng sóng vỗ lách tách trước mũi xuồng, tiếng chèo khua dàn dạt, thậm chí tha hồ tát nước, vẩy nước hoặc ném xuống sông mớ lá mái dầm, những đọt vừng non, những món đồ chơi kết bằng giấy xuống dòng nước đỏ lợ để rồi ngồi phập phồng, tiếc nuối ...

 

Thế rồi sau giải phóng bốn năm, kể từ 30/4/1975, có một lần mẹ tôi chèo chống một mình trên quãng sông nầy lên thăm vợ chồng chị Tám Bảnh ; bà nhớ nhất là đứa cháu ngoại con gái đầu lòng của chị tôi sau nầy gả cho Tư Tạo thôi thúc bà phải chèo chống một mình. Lần đi ấy mẹ tôi vĩnh viễn không về nữa ! Đúng vào buổi chiều anh Tư Chạy đi cầm trâu sau một mùa cày ở tận cánh đồng hoang Kinh Hội. Chị Tám Bảnh sơ ý không nhìn trời sắp diễn ra cơn mưa giông nên không giữ mẹ tôi ở lại như nhiều lần trước đó. Ước gì có anh Tư Chạy ở nhà chắc mọi việc diễn ra tốt đẹp hơn. Đằng nầy, mới hơn nửa đường về nhà, một cơn giông mưa lớn ập tới. Sóng dậy lên nhận chìm chiếc xuồng con của mẹ. Mẹ bị trượt chân ra khỏi lòng xuồng. Khi có trên một trăm người quanh vùng đổ xô ra sông lớn tìm được xác mẹ, hai nắm tay của mẹ nắm đầy hai nắm đất chứng tỏ bà đã giành giật sự sống dưới đáy sông sâu đến dường nào !

 

Chị Tám Bảnh khổ sở, ân hận về cái chết nghiệt ngã của mẹ nhiều hơn anh chị em tôi. Lý do như tôi đã kể. Tôi biết mỗi lần chị em gặp nhau chị rất muốn nhắc tới mẹ, nhưng ngập ngừng giây lâu, chị lảng sang chuyện khác. Thú thực nhiều lúc chị em tôi giận dỗi, gợn buồn, thậm chí muốn gây gổ vì sự hời hợt, vô ý của chị. Nhưng ngẫm lại thật oan cho chị. Dần dà suốt mấy năm dài, anh chị em tôi mới nguôi nguôi được câu chuyện cũ và càng thương quí anh Tư Chạy nhiều hơn qua đám tang của mẹ.

 

Có một lần nghe tin tôi về thăm quê, anh Tư Chạy vứt hết việc nhà cuốc bộ theo con đê ngăn mặn từ Vàm Cái Giữa xuống Rạch Cui thay vì phải đi vòng vèo qua cánh đồng năn sậy một dạo tôi thường lui tới nhà anh. Thoạt nhìn thấy anh già đi rất nhiều : tóc ngả màu muối tiêu, vẫn một lọn tóc loăn xoăn điểm trắng đổ xuống trán, vài nếp nhăn cắt ngang đôi chân mày rậm đen và mọi cử chỉ không còn nhanh nhẹn như trước kia nữa.

 

"Anh Tư ! Của ít, lòng nhiều. Quà của anh đây !" Tôi vừa nói vừa chìa qua tay anh phần quà còn lại vỏn vẹn ba con ốc bươu vàng! Anh đứng sững giây lâu trước mặt tôi, đôi mắt đăm đăm nhìn chiếc túi lưới tôi mới vừa trao cho anh. Rồi vừa hé miệng túi túi vừa ngắm nghía ba con ốc bươu vàng, gương mặt anh bỗng rạng ra. Anh tươi tỉnh lạ. Tôi đoán chắc anh Tư được ai đó mách trước về loại ốc "thượng thặng" nầy nên anh cả quyết với tôi : "Cậu Út ơi, ốc Pháp ! Đúng là ốc Pháp mà !" Rồi anh hạ thấp giọng : "Cậu ưu tiên cho anh chị dữ lắm đó nghe. Hèn chi chị Tám cứ nhắc cậu nhiều hơn ai hết. Ốc Pháp !..."

 

Tôi đứng yên giờ lâu chứng kiến nỗi mừng của anh Tư Chạy. Vừa yên tâm vì mình chọn đúng chỗ, đúng đối tượng, nhưng ngược lại, tôi vừa thấy mủi lòng là vì qùa biếu của tôi, của cánh anh em làm báo chúng tôi chỉ có thế thôi ư ? Một mớ trà Thái Nguyên những dịp đi Hà Nội về, vài mét ni-lông che mưa, năm mười tờ lịch rời biếu cho năm mười gia đình láng giềng nhân Tết Nguyên đán ... Thế thôi.

 

Riêng với anh Tư Chạy, thú thực, ngoài chiếc nón vải xù xì, thô thô mua ở Bắc Kinh, tôi chưa sắm sanh cho anh món nào quí cả, thời bình, để đền đáp lại lòng tốt của anh đối với tôi và gia đình tôi. Hơn thế nữa, nếu cắt một mảng đời thơ ấu của tôi vẫn còn in đậm một anh Tư Chạy lẫm liệt, tay cầm cần móc sắt, và trước mặt anh là những con chim cúm núm với đôi cánh xam xám bay qua cánh đồng buồn tênh vắng vẻ. Thế nên anh Tư Chạy càng tâng tiu mớ ốc bươu vàng, tôi càng thấy áy náy về món quà mọn của mình !

 

Đêm đó anh Tư Chạy ở lại Rạch Cui uống rượu xả láng với tôi và mấy đứa cháu vợ. Bỏ nhà qua đêm là một việc hệ trọng vì sự nghi ngại của chị tôi. Sáng ra anh Tư thức dậy thật sớm và hớt hơ hớt hải đòi về trước mặt nhiều người đang muốn giữ chân anh ở lại. Không ai ngăn cản được anh ...

 

Tất cả những cái đó làm sao tôi không thấy trống vắng, thấy buồn và ngực nhoi nhói đau khi về thăm chị Tám Bảnh mà không gặp được anh Tư Chạy !

 

Sau bữa cơn trưa đạm bạc nhà chị tôi, thêm một tiếng đồng hồ nằm lắc lư trên võng, tôi vẫn còn mơ màng một cánh đồng thấp thoáng bóng người. Hìnhảnh thân quen ấy lướt qua rồi hiển hiện trở lại, khi nhạt nhòa những ô vuông xanh mượt mà, khi đầy ắp cỏ năn, bồn bồn, điên điển, lau sậy. Chốc chốc có một con chim cúm núm chạy xoèn xoạt rồi bay vút lên. Trong nhiều thứ ngồn ngộn ấy tôi tìm được một chai thuốc diệt ốc bươu vàng tặng cho chị tôi - một chai thuốc cổ tròn, màu đen đặc giống chai Kômix - Và riêng tôi được ai đó ban phát cho một loại thuốc tôi ao ước lâu nay - một viên tròn tròn, dèn dẹt, phồng lên như chiếc bánh đồng tiền đầy đủ chất tố thay cơm để đỡ phải nấu nướng và sau đó dọn rửa lỉnh kỉnh đồ đạc mất biết bao nhiêu thời ggiờ vàng ngọc thật phi lý. Tôi mừng khấp khởi. Nhưng khi được thằng cháu trai lay gọi, lập tức, mọi thứ tốt đẹp tôi trông thấy liền biến mất. Tôi tỉnh dần, nhưng vẫn còn chếnh choáng và cảm giác có mùi khói un trâu khen khét, nồng nồng xông lên đâu đây. Tôi uể oải, thất vọng vì biết mình không lấy đâu ra thứ thuốc thay cơm. Còn chị Tám Bảnh, chưa có thuốc diệt ốc bươu vàng nhưng dẫu sao vẫn được đền bù bằng những thứ khác. Đó là việc xã Khánh Bình tiêu tốn nhiều triệu đồng để thù lao cho người đã diệt trên hai mươi tấn ốc vào đầu mùa vụ - việc Ngân hàng nông nghiệp cho nông dân vay tiền mua máy tháo sạch nước để bắt ốc trước khi sạ giống, việc không cày phơi đất vì mưa trái mùa nhưng được máy trục dìm cỏ, phá đất... Tính chị tôi kêu ca, than phiền nhưng tôi biết chị không nản.

 

Chị lại quần vo áo vận chuẩn bị đi làm đồng buổi chiều nhưng còn nấn ná chờ tôi tỉnh dậy. Cả ba người có mặt trong bữa cơm trưa đang vây lấy tôi. Thấy tôi cương quyết ra về trong ngày, chị nói lẩy: "Tụi nhỏ nói bữa nay chủ nhật mà, cậu gấp như đi thăm bẫy vậy !" Chị tiếp : "Cậu không ở lại coi như tụi nầy không ra nhà cậu nữa !" Vĩnh Nhí chen vào : "Cậu đừng về, cậu. Nghe tin cậu thế nào ông Hai dưới kinh Năm Hanh cũng lên. Mà nếu có lên thế nào ổng cũng mang mồi bén để nhậu. Nghe cậu !" Tôi đứng do dự bắt gặp đôi mắt đỏ hoe của Trà. Trà bộc bạch một điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Trà thủ thỉ : "Tụi con còn nhỏ quá cậu, lại ở tứ tán. Ba mất rồi, tụi con coi cậu là người lớn trong nhà. Nhớ về Cái Giữa thường thường nghe cậu !" Trà nói chưa dứt, cổ đã nghèn nghẹn ...

 

Tôi đứng ngây người không rõ bao lâu trước mặt ba người. Vì một việc đặc biệt sáng mai tôi phải có mặt tại cơ quan nên không thể nán lại được. Tôi hứa chắc chắn với Trà về việc nó vừa van vỉ với tôi, và cuối cùng phải lấy nư thằng Út thuở nhỏ muốn gì được nấy không cho ai đưa tôi ra chỗ chờ đò, kể cả Trà và Vĩnh Nhí.

 

Tôi đi một mình dưới tán điệp đang mùa trổ bông đỏ ối về phía sông. Đứng trên nền phố cũ chờ đò, tôi luôn hướng mắt ra con sông mênh mông sóng vỗ đổ về mạn vàm rạch nhỏ - Rạch Cui - nơi cưu mang cả quãng đời thơ ấu của mình. Vẫn là rặng lá dừa nước, lá mái dầm xanh rập rờn. Vẫn những đọt vừng non đỏ chót như những ánh lửa tua tủa ... Sau những cơn mưa như xối nước ban sáng, nắng sáng chói chang và mênh mông lạ. Nắng rắc ngàn ánh sao ngời ngời, lấp lánh trên mặt sông và trải dài đến một voi lá xanh rì giữa chặng đường sông về vàm rạch nhỏ. Từ voi lá dừa nước nơi chiếc xuồng con của mẹ tôi bị lật nhào trước cơn giôn mưa lớn tôi bỗng thấy xuất hiện một vỏ đò tốc hành lướt sóng tiến về phía tôi. Một khoảng sông nước đang vẫy vùng, tung tóe một khối ánh bạc. Hãy còn xa lơ xa lắc nhưng trong tôi đã nghe âm vang tiếng gọi : "Đò ơi !..."

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3370
Ngày đăng: 21.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làm má đâu có dể - Nguyễn Ngọc Tư
Chờ đò - Nguyễn Thanh
Đau gì như thể - Nguyễn Ngọc Tư
Lời nhắn - Nguyễn Ngọc Tư
Cô dừa xiêm đa cảm - Kim Ba
Lão cua kình - Kim Ba
Nắng xuân - Kim Ba
Tiếng hát trên bãi hoang - Kim Ba
Dấu hỏi lặng - Nguyên Tùng
Nghiệp dĩ - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)