Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
469
115.865.819
 
Chấm lửa đêm chiến tranh
Nguyễn Thanh

Đang làm nốt vài thủ tục nghỉ hưu tại Phòng chính sách của Tỉnh đội, tôi bất chợt trông thấy đứa con gái nhỏ duy nhất của tôi xuất hiện ngoài cổng gác. Đúng là Phượng. Đuôi tóc dài buộc nhú lên như cái sừng non sau gáy sập dài xuống thắt lưng khiến tôi không nhầm lẫn đứa bé gái nào khác hơn.

 

Phượng lơ láo và hớt hơ hớt hải dẫn chiếc xe đạp mi-ni thẳng một mạch vào chỗ tôi. Con bé hay vòi vĩnh, hờn mát và hay phóng đại những chuyện nhặt nhạnh từ nhà sang đây có chuyện gì ? Tôi chưa kịp hỏi con thì khi đó bạn tôi – Đại tá tham mưu trưởng Sáu Điền – từ ngoài vội vàng bước vào. Giọng anh Sáu xởi lởi, ồm ồm dồn tới Phượng: “Con gái bữa nay lạ chưa, sao không khoanh tay lại thưa cha nuôi vậy?” Lì cả cha lẫn con hả?”

 

Nghe vậy, Phượng khoanh tay cười gượng. Phượng buồn buồn và hơi cau có khiến tôi hơi áy náy trước mặt một người bạn thân.

 

Lúc đầu tôi cứ ngỡ con gái Út đến đây chỉ vì một việc để chứng tỏ mình cỡi được chiếc xe đạp mi-ni của bác Sáu Điền mới vừa thưởng nhân nó được thừa điểm chuyển lên cấp hai phổ thông. Nhưng không. Phượng chồm lên phía sau lưng và bấu chặt lấy vai tôi nói tự nhiên: “Ba hay gì không, mai mốt chế Hai Tuyết Tranh có chồng rồi nghe ba. Về ba ơi!”.

 

Té ra là vậy. Tôi ngồi sững giây lát trước mặt con và anh Sáu Điền. Anh Sáu nhìn tôi một thoáng rồi tự nhiên rít mấy hơi thuốc, mái tóc muối tiêu nghiêng nhẹ sang Phượng : “Tưởng chuyện gì quan trọng. Bác Sáu biết trước con nữa nghe. Ngày rằm tháng hai tới, đúng vậy không ?” Sáu trề đôi môi thâm thâm, giọng hơi lắng xuống: “Việc gì phải buồn? Chị lớn phải đi lấy chồng. Bác Sáu cấm đứa nào buồn!”.

 

Phượng không nhìn anh Sáu Điền mà cứ trố mắt nhìn tôi. Tôi nói : “Bác Sáu biết chế Hai Tuyết Tranh của con. Ba nói thiệt mà. Bác Sáu biết...”.

 

Phượng khư khư không tin điều đó. Phượng nín im và hai mi mắt không chớp lấy một cái. Tôi biết nếu ở nhà mỗi lần Phượng sững người thiu thiu buồn như thế thì chốc sau, Phượng khóc khó ai dỗ được. Thế mà lần này con bé chắc dạ không khóc trước mặt tôi.

 

Phượng biến tôi thành cục nợ, giục tôi về nhà. Anh Sáu Điền dọa cho lính đóng cổng, ấy thế, con bé vẫn lủi thủi dắt xe đi.

 

Anh Sáu Điền một tay vỗ đồm độp lên vai tôi và vẫn một kiểu truyền đạt ngang ngang, vắn tắt. Anh nói : “Tao biết chú mầy đang rối nhưng nhớ con Tuyết Tranh bề nào cũng không bỏ cha con chú mầy. Cố lên. Ngại là ngại tiếng tăm lọt tới tai bên chồng Tuyết Tranh thì hoàn toàn không có lợi lúc nầy. Còn phần cô Hai Hường có biết đi chăng nữa cũng không quan trọng. Chú mầy nghe kịp chớ?”.

 

Anh Sáu Điền đứng tần ngần giây lâu và cứ muốn giữ chân tôi lại. Khi đó, tôi in trí một nhân vật Hai Hường mà anh Sáu mới vừa nhắc đến.

 

Hai Hường là mẹ nuôi của Tuyết Tranh nhưng tôi đoán có thể là một người con gái trong câu chuyện tâm tình của anh Sáu Điền với tôi trong những đêm tổ trinh sát nằm kề bên ngáy ngủ.

 

Theo anh Sáu Điền, trước khi tham gia kháng chiến, anh yêu mê mệt một cô gái cùng xứ nổi tiếng vừa đẹp vừa giàu. Hai nhà liền nhau trên một lối đi bằng những chiếc cầu khỉ lõng chõng. Anh Sáu nghèo phải đi bắt cua, đốn củi, còn cô gái sống trong một gia đình có đến mấy chiếc ghe gắn máy đánh bắt thủy sản, có cả rặng đáy bè giăng ngang con sông lớn Tam Giang. Không rõ hoàn cảnh nghiệt ngã nào, hai người không thành vợ thành chồng. Sau đó cô gái không nhận lời yêu ai, sống hồn nhiên với mớ của cải thừa mứa nhưng rất muốn nuôi một đứa con.

 

Có nhiều cơ sở để tôi tin rằng chị Hai Hường chính là cô gái khiến anh Sáu lúc vui lúc buồn trong những năm bom đạn Mỹ trút xuống, mặc dù anh đã có vợ.

 

Thêm một lẽ sâu xa khác, thú thật, không nhờ anh Sáu Điền, vợ chồng tôi sau giải phóng năm 1975 khó mà tìm lại được con mình. Lúc bấy giờ tội nghiệp cho Diêm. Diêm nghe tôi nên cố gắng không thố lộ điều gì để chị Hai Hường yên tâm. Nếu đường đột rứt Tuyết Tranh ra khỏi sự vỗ về, nâng niu của chị, chị khổ sở đến dường nào ? Nên tôi ngẫm những lời khuyên dứt của anh Sáu Điền rất đúng. Tôi nghe anh. Ngại là ngại cho Phượng. Phượng vì quá thương chị, không giấu diếm được ai.

 

Từ giã anh Sáu Điền vừa về tới cổng nhà, Phượng lăng xăng chạy ra đón tôi. “Ba thấy chưa? Con nói thiệt chế Hai Tranh có chồng...” Phượng nói vừa chìa ra chiếc phong bì khổ lớn đề gởi : “Ông Chín Đức” tên tôi. Phượng mách: “Con biết anh Hai rồi, thấy con dọc đường cười cười. Ảnh mập bề bề như vầy... Ảnh lớn người hơn ba ...” Rồi Phượng biến tôi thành cục nợ, buộc tôi cản Tuyết Tranh cho bằng được.

 

Tôi thấm mệt. Tôi lo liệu được gì cho Tuyết Tranh lúc nầy? Ước gì Diêm mẹ Phượng còn sống sẽ có nhiều cách chăm chút cho con gái lúc sắp về nhà chồng, kể cả việc chia sớt sự nông nỗi của người đàn ông như tôi.

 

Diêm mất đột ngột sau cơn đau tim nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy lúc Phượng tuổi mới vừa lên năm. Bà nội Phượng qua đời lúc chưa có Phượng nhưng được gặp mặt Tuyết Tranh vài lần. Tôi đã sống trong cảnh “gà trống nuôi con” năm sáu năm qua. Dần dà rồi quen đi cảnh sống hẩm hiu trong gian nhà lạnh lẽo với đứa con gái chợt vui chợt buồn. Tôi làm bổn phận người cha lẫn người mẹ nhưng lúc nào tôi cũng có một cảm giác hụt hẫng, không đầy đủ trách nhiệm với con. Chính nhờ Tuyết Tranh làm tôi nguôi nguôi về sự côi cút của Phượng. Vì thỉnh thoảng vài hôm Tuyết Tranh nhân đi chợ lén chị Hai Hường nán lại chơi với em mươi mười phút, lâu lắm không quá một buổi ban ngày. Còn ban đêm, con gái vắng nhà là một điều chị Hai Hường cấm kỵ.

 

Phượng quấn quýt, đèo bồng với chị. Tuyết Tranh vừa lo sợ khi vắng nhà vừa nấn ná, bịn rịn không muốn xa mẹ. Tuyết Tranh chiều em vô điều kiện, từ ly kem đến chiếc bánh ngọt, chút ít tiền quà bánh hàng ngày... May mà trên bức tường nhà tôi còn được một bức ảnh kỷ niệm. Trong ảnh không có bà nội, chỉ ba mẹ con ngồi chụm lại mim mỉm nhìn ra khung cửa nhỏ. Một đứa được mẹ cưu mang trong chiến tranh vất vưởng, một đứa ra đời sau hòa bình sáu năm gặp lại nhau cùng ngồi nghiêng đầu vào hai bên vai mẹ.

 

Tuyết Tranh thoáng một nét buồn trên mặt, tóc bùng ra lấp một bên vai mẹ. Tuyết Tranh lớn tác hẳn Phượng, thô thô giống tôi lúc vào bộ đội. Còn Phượng chân dài, dáng mảnh khảnh, chỉ được gương mặt trái xoan, đôi mắt đen huyền hao hao giống mẹ, giống chị. Tôi có cảm giác lúc nào những đôi mắt to đen lay láy trên bức tường màu xám nhạt kia cũng nhắc nhủ cha con tôi một điều gì đó khi Diêm không còn trên đời nầy nữa...

 

***

 

Sau tết Mậu Thân 1968 – một cái Tết  bùng lên cuộc chiến đấu xâu xé, dữ dội để giải phóng miền Nam nhưng hãy còn bất lợi cho ta và nảy sinh nhiều tình huống phức tạp mới. Địch bung ra từ mọi phía giành dân lấn đất bằng sự cay cú, hằn hộc trả thù. Tiểu đoàn U Minh của tôi gần như kiệt sức sau khi phăng dây qua một kinh xáng để chọc sâu vào Tòa thị chính của tỉnh, bỏ lại đấy và trên dòng kinh xáng Phụng Hiệp với số quân xem xém một đại đội. Đơn vị tạm thời xé lẻ từng bộ phận nhỏ phối thuộc từng lúc với các đơn vị địa phương quân huyện hoạt động trên một địa bàn khá rộng trong tỉnh.

 

Không một ngày im tiếng súng.

 

Anh Sáu Điền lúc bấy giờ là Tiểu đoàn phó phụ trách đơn vị Đặc công của tôi. Tôi với cấp bậc Đại đội trưởng nhỏ hơn anh Sáu Điền vài tuổi nhưng tôi cứ ngỡ anh Sáu lớn hơn tôi mươi mười tuổi có hơn. Đồng đội tôi đều có cảm giác chung như vậy vì gương mặt chữ điền no đầy sạm nắng của anh Sáu phương phi, nghiêm nghị. Đặc biệt anh Sáu nhớ rất giỏi. Nhờ vậy nên anh Sáu tự bù lại cho mình một khoảng trống kém cỏi chữ nghĩa do tuổi không có điều kiện cắp sách đến trường. Mãi cho đến ngày giải phóng, anh Sáu mới có điều kiện theo học các lớp bổ túc văn hóa và nhiều lớp trung cao cấp chính quy.

 

Tôi nhớ như in sau khi thực địa nghiên cứu xong những chốt trọng yếu của địch trên mấy tuyến sông lớn, những nơi địch sắp đóng đồn bót, những nơi chúng đặt máy ghi tiếng động, đại đội tôi tạm lánh trong khu rừng chồi ven sông cách nhà tôi năm cây số đường chim bay. Một buổi chiều trời nhá nhem tối nhưng chưa tắt tiếng tàu chiến của địch trên sông, anh Sáu Điền vội vội vàng vàng bước tới chỗ công sự của tôi. “Đức Lì đâu? Có tin bà má đau nặng ở nhà mấy ngày rồi nghe. Sắp xếp về nghe ...” Tôi nghe rõ mồn một tiếng anh Sáu Điền gọi đích danh tôi. “Đức Lì” chính là tôi. Tên Đức Lì ngộ nghĩnh do một lần ở vùng nước mặn Năm Căn tôi bị thương, đạn xuyên qua phần mềm của bắp đùi làm máu rỉ ra nhưng chưa kịp băng lại vì đang lúc phải moi đất trét một cái lu chứa nước ngọt cho vợ chồng ông bà cụ tạm lánh giặc giữa rừng sâu. Biết được chuyện ấy, tôi bị phê bình và đồng thời cũng được khen. Sáu Điền quý tôi hơn từ dạo ấy.

 

Trông thấy tôi, anh Sáu cất giọng kẻ cả : “Nghe rõ chưa, Đức ? Sắp xếp đi ngay để sáng về tới đơn vị”. Tôi do dự nửa muốn đi nửa muốn không về thăm nhà lúc thằng giặc bố ráp, vây gí rất nghiêm ngặt nơi vàm rạch nhà tôi. Theo dự đoán của Ban tham mưu Tỉnh đội, chúng sắp dựng lên tại đây một cái bót với ý định chặt đứt con đường giao liên giáp giới hai vùng căn cứ U Minh và rừng ngập mặn Năm Căn. Nhưng thú thật, tôi muốn về nhiều hơn vì hai lẽ : thăm mẹ và thăm Út Diêm vợ tôi sinh sống ra sao ? Hơn một năm cưới Diêm, tôi chỉ được vỏn vẹn hai lần về thăm nhà.

 

Đêm ấy tôi vượt sông. Chính con sông Ông Đốc trôi giữa hai bờ lá dừa nước hiền lành dẫn về vàm rạch nhỏ của tôi. Ra tới giữa vời, tôi nhác thấy hai chiếc tàu chiến của giặc hiện ra lừng lững ven bờ lá bên kia. Hai chiếc bóng đen to sầm, im ỉm trôi về hướng biển. Tôi ôm cột đáy giăng giữa vời chờ cho chúng trôi xa mới vượt tiếp vào bờ.

 

Men theo bờ đê ngăn mặn, tôi lội tắt vào vườn nhà tôi thay vì phải đi theo con đường mòn vào vàm rạch. Chính là cụm vườn cây cối thưa thớt của tôi đang lập lòe ánh đom đóm. Và từ xa, tôi đã trông thấy cây vông cổ thụ mà trước đây mỗi mùa đều cho một đợt hoa đỏ ối. Tàn cây vươn rộng, trụi lá, bừng bừng một sắc hoa như thể một vầng lửa lớn nơi đầu xóm. Túp lều của tôi ngang đấy. Túp lều thay cho ngôi nhà chính trong xóm đã được tháo dỡ để phòng hờ máy bay Mỹ ném bom. Ánh đèn dầu tù mù chợt tắt chợt hiện trong gió. Tôi đứng kề bên bàu cá giờ lâu. Chân tôi đặt đúng chỗ năm nào tôi dúi xuống năn sậy những ống trúm đầy anh ách những con lươn, nơi tôi giăng những giềng câu cá trê, những khe nhỏ vừa ấn xuống những chiếc lờ bắt cá sặc... Bàu cá như rộng ra thêm và rắc đầy bông sậy lỗ chỗ, xám xịt loang loáng trên mặt nước phẳng lặng. Tôi nuối tiếc một thời tuổi nhỏ bồng bột với chim với cá khi bước khỏi bàu cá về hướng lều. Bờ ven lắm sậy. Những bông sậy xám xịt, xơ cứng quơ quất trên mặt tôi. Dừng lại căn hầm tránh đạn đại bác to tướng, tôi gọi Diêm mấy lần. Đèn phụt tắt chập lâu. Tôi sờ tay vào xâu lựu đạn, và theo thói quen, tôi giữ yên mấy ngón tay lạnh cóng ngang thắt lưng.

 

Út Diêm đã phát hiện ra tôi liền lên tiếng ấp a ấp úng : “Anh Chín  về đó phải không ? Em trông thấy nãy giờ. Hãy khoan vào nhà. Đợi em ...” Tôi nghe lành lạnh sau gáy. Niềm tin nhau một thoáng bị hụt hẫng nhưng tôi cố nén lúc Diêm hớt hơ hớt hải chạy sấn tới chỗ tôi và ôm chầm lấy tôi. Người Diêm nóng rực, run khe khẽ. Tôi tiếp : “Má hết bịnh chưa ? Má đâu?” Lúc bấy giờ Diêm  mới đáp “ Không sao, anh. Má không sao hết...” Giọng Diêm như nghẹn lại: “Má ra xóm, anh ơi. Má hỏi thăm chúng nó đóng bót chỗ nào? ... Sắp đóng bót...”   Nói tới đó, tôi không hiểu sao Diêm bật khóc ngon khóc ngọt. Tôi đứng lặng trước mặt Diêm. Tôi thôi không hỏi thăm mẹ nhưng muốn toan vào lều gặp mẹ. Diêm cản tôi : “Không nên, anh. Má thấy anh về lúc nầy má sợ chết mất. Tụi nó ở kế đây nè, anh”. Diêm nói vừa chắn mấy ngón tay lên miệng tôi.

 

Lại một thoáng ngờ ngợ mơ hồ lóe lên trong óc tôi. Bỗng có tiếng người khe khẽ gọi chị Tư Đà ở lều kế bên: “Tư ơi Tư... thấy con Út nhà nầy đi thăm chừng bàu cá trên hậu đất không vậy ? Tư ơi...” Tôi đoán đúng giọng khàn khàn của mẹ tôi. Và liền đó, tiếng chị Tư Đà đáp lại vừa đủ nghe : “Dạ, có tiếng nước động, chắc thím Chín đi coi bàu cá rồi bác...” Tôi bước tới mấy bước để nhìn rõ dáng mẹ tôi. Diêm run lẩy bẩy và đi đứng không được vững. Diêm ngăn tôi, vẻ cương quyết : “Đừng. Má thấy anh má sợ chết mất. Má lo là lo cho tính mạng anh. Không nên...” Diêm tiếp : “Anh đứng chỗ nầy để em vào nhà cho má hay tin rồi trở ra với anh, an toàn hơn”.

 

Tôi nghe Diêm nói có lý. Mà chính tôi cũng nghĩ vậy. Là vì không may giặc đi lùng sục ban đêm tôi tháo ra tiện hơn trong lều. Từ đây ra tới vàm rạch cách vài trăm thước đường chim bay.

 

Tôi ngồi đập muỗi lạch xạch đợi Diêm.

 

Non mười giờ đêm, Diêm mang mùng chiếu, quần áo cũ của tôi gởi lại nhà ra tới chỗ tôi. Hai đứa lùi xa khỏi túp lều một quãng, loay hoay trên liếp sậy thứ hai giáp tới ruộng lúa. Diêm tháo gỡ dây mùng, còn tôi đạp nhè nhẹ lên lùm bụi tạo ra một khoảng trống nằm giữa liếp. Bông sậy dừng dựng, quơ quất trên mặt tôi và Diêm – một loại bông đồng nội lâu tàn nhất thế gian xoắn lấy tôi, luôn phát ra một một thứ tiếng động lao xao quen thuộc, sâu thăm thẳm. Diêm giữ tôi trong tư thế ngồi ngoài vách mùng để ngấu nghiến chuyện hàng xóm, chuyện gia đình, chuyện mẹ tôi ngày một yếu đi sau khi ngôi nhà ba gian trong xóm được tháo dỡ.... Chập lâu, ngực tôi bị đè nặng. Đầu óc tôi một thoáng hoang mang trước bao nhiêu khó khăn nguy hiểm chồng chất đang ập xuống gia đình, đè nặng trên đôi vai của mẹ và của vợ tôi.

 

Diêm là con gái Út miệt vườn dâu Cái Tàu ít khi dầm mưa dãi nắng, thế mà giờ đây vì tôi, vì mẹ tôi phải nếm trải vất vả hàng ngày.

 

Diêm vẫn còn kẹp tóc. Đuôi tóc dài thậm thượt chấm tới lưng. Mẹ tôi không bằng bụng nhưng thấy con dâu sống xa chồng, làm lụng cực nhọc nên không thố lộ. Mẹ tôi thương Diêm hơn chị gái thứ Hai của tôi tập kết ra Bắc.

 

Giờ đây, qua ánh trăng, gương mặt Diêm vẫn đầy đặn, trắng trẻo. Chốc chốc Diêm vùi sâu vào ngực tôi. Diêm khuyên tôi : “Sông có khúc, người có lúc. Không lẽ tụi giặc nó làm hoài vầy được sao anh ? Người ta chịu được, mình chịu được. Anh để cho em với mẹ lo...” Diêm nói tỉnh táo như không có hề gì xảy ra. Nhưng khi ấy tôi chạm phải những giọt nước mắt ấm nóng trên đôi gò má của Diêm. Tôi ghì chặt đôi vai tròn lẵn run khe khẽ của Diêm. Tôi an ủi Diêm bằng những câu sáo mòn mà sau nầy tôi không khỏi áy náy, ân hận mỗi lần nhớ lại chuyện cũ.

 

Trăng đã nhô lên đong đưa trên chùm bông sậy và in những vệt sáng màu vàng nhạt ngoài bốn vách mùng. Cánh đồng lúa chín rộ thơm dìu dịu đang oằn lên những đợt sóng.

 

Diêm nằm ngửa dưới ánh trăng. Vẫn ngửa người dưới ánh trăng và bỗng chốc Diêm biến thành một vệt sữa. Thân hình con gái miệt vườn đầy đặn, trắng muốt như ngó sen. Diêm nóng ấm như lò sưởi. Còn tôi bị cuốn vào hơi thở khe khẽ, tiếng nấc nghẹn và mùi thơm tự nhiên của da thịt đàn bà. Càng vùi sâu trong khát vọng, nhớ nhung, mất mát...

 

Vẫn con trăng tháng chạp lung linh, kỳ ảo vụt tắt vụt hiện sau những đám mây trôi bảng lảng. Những bông sậy xòe ra như những chiếc lộng nhỏ không yên. Những chiếc bông cứng cáp say khướt không hề sợ gió. Và thêm những cánh vông xù xì nhô ra trên nóc mùng với lớp lá to đen chấp chới...

 

Mấy tiếng đồng hồ gặp gỡ Diêm vụt qua đi. Tôi sửa soạn từ giã Diêm để về đơn vị trước khi trời rạng sáng. Chợt bóng mẹ tôi thấp thoáng trước sân lều. Giọng nói già nua đầy lo âu vọng ra chỗ tôi và Diêm : “Thức dậy đi Út, sáng rồi, con phải lo cơm nước cho mấy đứa gặt lúa mướn... Út nghe không ?” Tôi vạch một chùm bông sậy để nhìn rõ bóng mẹ tôi. Tôi nghe đau nhói vì không một món quà cho mẹ. Đến mớ đọt vừng non ven sông mang về cho mẹ cặp bánh xèo, cũng không. Diêm đoán được tâm trạng tôi nên cứ ấn vai tôi xuống, một bàn tay chắn ngang miệng tôi. Tôi vùng ra nhưng cuối cùng phải làm theo ý Diêm. Tim tôi thắt lại...

 

Lúc từ giã Diêm, trong tư thế ngồi ngoài mí mùng bỗng Diêm nhảy lên ghì lấy cổ tôi. Hai hàm răng của Diêm cứa vào mặt tôi đau điếng. Tôi để yên giây lâu cho hai hàm răng Diêm nghiến chặt. Diêm cắn xong lại khóc thút thít. Diêm chỉ biết khóc chứ không thốt lên thêm nửa lời.

 

Tôi lại vượt sông, mang nguyên dấu răng của Diêm in lên mặt về đơn vị. Trời tờ mờ sáng tôi đi tìm anh Sáu Điền ngay, và thuật lại với anh Sáu chuyến về thăm nhà. Anh Sáu Điền vừa cười vừa bảo : “Tuổi trẻ mà. Hồi đó con gái Tam Giang chưa biết cắn nhưng biết chửi đàn ông phản bội nhiều câu động trời...” Nói tới đó anh Sáu chợt dừng lại hỏi tôi : “Đức mầy tính sao đây? Có mắc cở không ? Nói thiệt với anh em hoặc đổ thừa đêm hôm giỡn nhau Sáu Điền cắn Đức Lì. Học làm Ba Phi một lần. Chọn cái nào?”.

 

Tôi do dự không trả lời anh Sáu Điền.

 

Một năm trôi qua... Mùa xuân năm 1971, cuộc chiến đấu giữa ta và địch vẫn còn bùng lên dữ dội, gian khổ chưa từng, mất mát chưa từng. Vàm rạch của tôi mọc lên cái bót mới với một đại đội bảo an trấn giữ. Dây kẽm gai trói chặt những cây dừa cụt đọt, cây ổi quì, những cây xoài thanh ca sau vườn nhà tôi. Túp lều năm ngoái năm kia không còn. Chị Tư Đà người láng giềng gần nhất đã chết vì một mảnh miểng từ chiếc tàu chiến vãi đạn lên xóm lúc chị ru con ngủ trên võng. Người trong xóm tốp vào rừng U Minh bứt dây choại kiếm sống, tốp bỏ xóm ra đi biền biệt, tốp tản vào trấp rau muống đặt trúm, giăng câu... Hầu hết lực lượng gia nhập sung vào các đơn vị vũ trang của xã, của huyện. Mẹ tôi và Út Diêm rời khỏi xóm khi giặc cắm những cọc sắt đầu tiên lên phần đất của tôi. Mẹ chồng và nàng dâu dắt díu nhau ra vùng phụ cận Cà Mau để lánh mặt. Ở đây tôi có một người cô họ tốt bụng. Việc nương náu nhà người cô họ do mẹ tôi chọn. Mẹ tôi bằng lòng đối tượng cứu cánh cuối cùng là người cô họ ấy vì tính mẹ tôi thích sống tự lập không muốn nhờ vả ai khác hơn. Nhưng riêng với Diêm không đơn giản : Diêm đang mang thai. Điều đó chắc chắn thằng giặc không để yên ; càng không thể bỏ qua con cá nằm trên thớt ...

 

Thế rồi sau đó không lâu tôi nhận được thư Diêm từ vùng kiểm soát của giặc gởi ra – thư Diêm tới tay tôi lúc chiến trường Thọ Mai, Thị Tường sôi động.

 

Thư viết trên bốn trang giấy học trò. Chữ đứng thưa và hơi tháo. Mới nhận được thư tôi linh cảm có một việc gì đó không bình thường với gia đình mình. Mà thật vậy. Diêm vừa mừng vừa hoang mang về việc đứa bé lớn dần trong bụng mẹ. Quanh co khúc khuỷu nhất là điểm nầy: ra thị xã hoặc trôi nổi xuống nơi cùng trời cuối đất để chọn một chỗ sinh nở ? Rồi sau đó mang con đi đâu, về đâu lúc mẹ tôi ngày một gầy gò do mất ngủ ? Mẹ tôi tự xoay xở miếng cơm tấm áo được chăng ? Mẹ tôi có vượt qua được khổ hạnh trong lúc bặt tăm đứa con trai, con dâu và thêm đứa cháu nội ? Mấy dòng cuối cùng, vẫn chung quanh đứa con sắp chào đời, tôi không hiểu ý Diêm muốn nói gì ? Diêm diễn đạt chưa rõ. Tôi đoán chắc Diêm đang cô thế, bối rối và khổ sở biết dường nào! Nhưng từ dạo ấy tôi không nhận được tin Diêm, tin mẹ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng – mùa xuân năm 1975.

 

Những ngày tiếp quản thị xã cuối nước nầy, trong cảnh sum họp gia đình, vợ chồng tôi vẫn sống canh cánh không yên. Cứ vài hôm tôi lẫn Diêm bỏ ra một ngày đảo mắt tìm kiếm đứa con gái bất hạnh của mình. Bởi Diêm không nắm được tin tức chị Hai Hường từ Tam Giang chuyển ra thị xã lánh bom đạn trước ngày giải phóng nên cả hai đứa tôi hay tha thẩn hết chỗ nầy đến chỗ khác, từ một bến đò Rạch Rập, trong ngõ cụt hiệu thuốc tây Hảo, ngã tư gác xép anh giáo Du chữa xe đạp ... tìm con. Tìm mãi...

 

Tôi hoàn toàn thông cảm cho Diêm trong hoàn cảnh một thân mình sắp chết đuối vớ được chiếc phao bơi đành phải tạm thời trao đứa con gái cho người khác có điều kiện chăm sóc hơn mình. Đó chính là sự gởi gắm tâm trạng của Diêm trong bức thư mà sau nầy tôi mới hiểu ra. Muộn mất rồi !

 

***

 

Đám gã Tuyết Tranh được tổ chức ngay nhà chị Hai Hường. Do có nhiều bà con ranh rác ở quê nên chị không chọn cửa hàng làm nơi tổ chức thành hôn cho con. Tính xởi lởi, cao ngạo càng bộc lộ hơn nhân dịp nầy – Một dịp mà chị Hai Hường càng tỏ rõ khả năng dạy dỗ nuôi nấng đứa con gái chị cưu mang từ thuở nhỏ.

 

Lần đầu tiên tôi bước chân tới nhà chị Hai Hường. Tôi bước những bước ngại ngùng theo sau anh chị Sáu Điền qua cái ngõ cụt và chiếc cầu ván gập ghềnh tới một dãy căn hộ người Hoa chắn ngang mặt. Người ta bày biện những mặt bàn trùm vải ni-lông đủ màu sắc rực rỡ trước bốn năm căn hộ, và chính căn hộ nằm vị trí trung tâm là ngôi nhà hai tầng đồ sộ của chị Hai Hường. Lúc bấy giờ họ hàng nhà gái khá đông quây quần ở gian trong. Nổi bật là chị Hai Hường, và người nổi lên thứ hai không ai khác hơn là anh Sáu Điền bạn tôi.

 

Chị Hai Hường trông càng đẫy đà, phốp pháp mặc chiếc áo màu vàng rực như cái bông bí bày bán giữa chợ. Chị luôn mãn nguyện, vờ vĩnh với khách khiến tôi áy náy phải từ chối mời mọc ân cần của anh chủ lễ Sáu Điền để được ngồi hơi xa phía ngoài. Tôi không được tự nhiên như lời anh Sáu Điền căn dặn trước khi đi. Là vì tôi đến đây với tư cách là khách mời của anh Sáu Điền ; đúng hơn, từ mối quan hệ thân tình với gia đình anh Sáu Điền dẫn đến sự hiện diện của tôi ở một nơi thật lạ lẫm.

 

Chỉ là khách của anh Sáu Điền thôi ư ? Đương nhiên tôi bị mặc cảm, tự hỏi, tự thấy mình lẻ loi muốn cần gặp Phượng lúc nầy. Gần Phượng chỉ chốc lát thôi tôi sẽ bớt trơ trọi, trống vắng. Tôi tự hỏi và tội nghiệp cho con bé viết đơn xin phép cô giáo nghỉ học hơn hai buổi để đeo dính chị. Cho đến giờ nầy, không hơn ba mươi phút nữa đúng giờ cử hành hôn lễ nhưng Tuyết Tranh lẫn Phượng đều vắng mặt khiến chị Hai Hường, kể cả anh Sáu Điền đứng ngồi không yên.

 

Anh Sáu Điền nhắc nhở giờ khắc luôn miệng, buộc chị Hai Hường cắt đặt người đi tìm Tuyết Tranh ở mấy cửa hiệu trang điểm cô dâu. May mắn thay, Tuyết Tranh đã về, Phượng về.

 

Đứa chị đèo đứa em trên chiếc xe cúp cũ kỹ đỗ lại bên kia chiếc cầu ván gập ghềnh. Tuyết Tranh trông lộng ẫy, xa lạ với chiếc vương miện trắng óng ánh, chiếc áo dài màu tím thẫm mỏng manh những chấm trắng tròn vỡ ra như bong bóng nước. Gương mặt bầu bĩnh trắng hồng. Phượng diện sang không kém chị : Găng tay trắng, hài trắng và chiếc áo đầm viền kim tuyến trắng rực rỡ.

 

Trông thấy tôi, Phượng chen tới và nhanh nhảu ghé miệng sát tai tôi : “Ba ơi ba, con chở chế hai đi làm mặt. Con thấy chế Hai khóc nên làm hơi lâu...” Phượng nói xong, thoắt cái, con bé biến mất vào gian trong đứng khép nép bên chị. Tôi thấy chị Hai Hường không bỏ sót một cử chỉ nào của con gái út tôi. Chị tảng lờ và tỏ ra rất mãn nguyện. Lúc anh chủ lễ Sáu Điền lịch sự trong bộ quần áo thẳng thớm, áo bỏ vào thắt lưng, chân mang giày đen bóng, giới thiệu về thân thế chị, về sự đảm đang của chị. Cổ chị luôn nghểnh lên và xâu chuỗi màu hồng ngọc luôn động đậy trên ngực. Rồi sau đó chị khóc nức nở với con. Tuyết Tranh cũng rơm rớm nước mắt.

 

Tôi không ngờ tâm trạng của chị Hai Hường đến lúc hòa vỡ đột ngột như thế được. Té ra lòng nhân hậu của người đàn bà không con chẳng khác những bà mẹ mang nặng đẻ đau như mẹ Phượng. Tôi nghĩ, và tôi hoàn toàn bất ngờ khi chị Hai Hường chậm chạp, đôi mắt rơm rớm nước mắt dẫn cô dâu chú rể tiến về chỗ tôi. Chị Hai Hường dừng trước mặt tôi và nói khe khẽ một câu mà lần đầu tiên tôi nhận được từ một người đàn bà cao ngạo, xa lạ : “Hai con chào ba đi ... chính là ba...” Chú rể cao lớn, gồ ghề vẻ lúng túng. Tuyết Tranh choàng tay qua vai tôi, áp mặt sát vào mặt tôi nói khẽ khàng : “Dạ ... thưa ba...” trước hàng trăm đôi mắt đổ dồn về phía tôi không mấy bình thường. Tim tôi thắt lại, đau buốt nhớ mẹ Phượng. Suýt nữa... nhưng tôi cố nén không để nước mắt tuôn ra lúc nầy.

 

Còn Phượng thì nhí nha nhí nhít từ lúc Tuyết Tranh ôm choàng vai tôi thốt lên: “Dạ, thưa ba!...”

Lâm ngư trường 184

Tháng 11/1992

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3031
Ngày đăng: 02.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu mãi xanh - Thanh Giang
Trăng muộn - Thanh Giang
Người ấy - Kim Quyên
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Khỏa thân màu xám - Lê Đình Trường
Bâng-briêu mùa xuân - Nguyễn Thanh
Bến sông đời người - Nguyễn Thanh
Nắm tro - Kim Quyên
Nghiệp văn - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)