Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
506
115.870.159
 
Bùi Hữu Nghĩa - Rồng vàng Đồng Nai
Nguyễn Thanh

 

                Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), hay Thủ khoa Nghĩa, hiệu Nghi Chi, người Bình Thủy, tỉnh Cần Thơ. Ông trước làm quan nhà Nguyễn, là nhà thơ, soạn tuồng và là bạn cùng chí hướng với một số sĩ phu và nhà thơ yêu nước như : Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Phan Văn Trị (1830-1910), Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1882)…và có chân trong nhóm Bạch Mai thi xã của danh sĩ Tôn Thọ Tường (1825-1887) ở Gia Định. Ngoài vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên, Thủ khoa Nghĩa còn để lại vài chục bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật về đề tài tức cảnh, vịnh vật và ba bài văn tế : vợ, Nguyễn Thị Tồn, con gái cùng một số câu đối qua các giai thoại. Sau ngày thống nhất đất nước, mộ của Thủ khoa Nghĩa, được chỉnh trang nhiều lần và Bộ Văn hóa Thông tin công nhận mộ Thủ khoa hiện nay là một di tích lưu niệm danh nhân vào ngày 25 tháng 01 năm 1994.

 

               Sau hòa ước Giáp Thân (1884) còn gọi là hòa ước Patenôtre, ký với triều đình nhà Nguyễn, sáu tỉnh Nam kỳ đã hoàn toàn bị mất về tay thực dân, Pháp bắt đầu ổn định dần guồng máy cai trị trên đất nước Việt Nam. Trước thời điểm đó, nhiều cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước của những nhà yêu nước địa phương lục tục nổ ra khắp nơi. Với thủ đoạn tinh vi, Pháp muốn có người Việt trong bộ máy cai trị chính quyền thực dân, đã tìm cách mời sĩ phu, nhân tài bản xứ ra tợp tác với bọn chúng. Sau khi nhà thơ Nguyễn Đình Chiều khảng khái từ chối lời mời hợp tác của viên tỉnh trưởng người Pháp ở Bến Tre : Michel Ponchon, nhiều văn nghệ sĩ yêu nước khác ở miền Nam trong đó có Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa.với lập trường đứng hẵn về phía dân tộc. Riêng Thủ khoa Nghĩa lúc đầu có làm làm quan trong triều đình nhà Nguyễn và sau khi từ quan về dạy học, cũng đã thể hiện rõ ràng thái độ không ưa bọn ngoại xâm đang thống trị đất nước ta.

 

             Bùi Hữu Nghĩa, trước có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi. Ông sinh năm Đinh Mão (1807) tại làng Long Tuyền, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố, Cần Thơ). Ông xuất thân từ một gia đình lao động lam lũ. Cha là Bùi Hữu Vị làm nghề chài lưới. Thông minh và chăm chỉ, nhưng nhà nghèo, nên Bùi Hữu Nghĩa đi học chữ Hán chỉ được vài năm. Vì thương ông hiền lành và chăm học, một người giàu có cùng xóm họ Ngô, giúp Bùi Hữu Nghĩa lên Biên Hòa, ở đậu tại nhà ông Nguyễn Văn Lý - về sau được ông Lý gả con gái đầu lòng cho -  đề theo học với thầy Đỗ Hoành. Bùi Hữu Nghĩa vẫn học giỏi, kết quả vượt trội, được thầy khen, bạn mến, Đến khoa thi Hương năm Ất Vị (1835) tại Gia Định, Bùi Hữu Nghĩa ra thi và đỗ thủ khoa, nên ông được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Sau khi đăng khoa, Bùi Hữu Nghĩ được triều đình cho tập sự ở bộ Lễ rồi sau đó bổ làm Tri huyện Phước Chính, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Nơi đây, ông làm việc với tính khảng khái, bộc trực lại thanh liêm, không được quan trên

                                                                 1

ưa, nên bị đổi xuống làm Tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long) dưới quyền của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Tại Trà Vinh, cũng với bản tính thẳng thắn, cương trực, tri huyện Bùi Hữu Nghĩa từng cho đánh đòn trị tội xấc láo người em vợ của bố chánh Truyện, cho nên cấp trên đã có sẵn thành kiến, tư thù với họ Bùi. Nhân vụ Láng Thé, Bùi Hữu Nghĩa bị họ khép ông vào tội chết.

 

              Nguyên ngày trước Trà Vinh là một địa bàn cộng cư của các dân tộc người Kinh, Hoa và đa phần là ngườ Khmer. Vào năm 1783, trong lúc sa cơ thất thế, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) bị quân Tây Sơn truy đuổi phải về đây ẩn náu, được người Khmer hết lòng che chở đùm bọc, sẻ chia lương thực và còn tình nguyện theo phò tá. Do vậy, sau khi thống nhất giang sơn lên ngôi, vua Gia Long đã xuống chiếu vĩnh viễn miễn thuế cho tất cả người Khmer đến khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch Láng Thé thuộc huyện Trà Vinh. Biết được nguồn lợi lớn dễ kiếm ăn, một số địa chủ người Hoa đã đem tiền đút lót cho Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện để giành độc quyền khai thác cá tôm ở con rạch trên. Uất ức, tháng 10 năm Mậu Thân (1848), một số người Khmer, do ông Trưởng Sóc Nhê-srok dẫn đầu, đã kéo đến gặp Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa để khiếu kiện. Biết được hành động có tính bao che của quan trên và việc cậy thế như được thế lực mạnh bảo kê của nhóm người Hoa, và đẩy dân nghèo Khmer vào cảnh khó khăn, Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa phân xử : “Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ (vua Gia Long) đã ban cho dân Thổ (Khmer), nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng ra bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao ! ” Nghe vậy, những người dân Khmer kéo nhau đến nhà những người Hoa tranh cãi, rồi kéo ra rạch, bửa đập, phá rọ. Hai bên dẫn đến xô xát nhau, làm phía người Hoa chết 8 người. Nhân cơ hội này, Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện ra lệnh bắt người Khmer có liên can đến chuyện đổ máu, đồng thời bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định. Khi bị giam ở Vĩnh Long, Thủ khoa Nghĩa có làm bài thơ Đường luật, vần Từ Thứ hiểm hóc, hàm ý mỉa mai bọn ỷ quyền cậy thế, để nói lên tâm sự của mình : Nhượng chăng là nhượng kẻ cầy (cậy)voi/ Lục đục thường tài cũng một nòi/ Mờ mịt bởi mây che bóng nguyệt/ Âm thầm vì trống lấp hơi còi/ Kìa câu ích kỷ kinh còn tạc/ Nọ kẻ thi nhân thánh hỡi roi/ Lẩn thẩn hết suy rối đến thới/ Ngày qua tháng lại, bước đường thoi. Hai quan trên Uyển và Truyện đệ sớ lên triều đình, đề nghị án tử hình, buộc tội Bùi Hữu Nghĩa đã kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người.

 

                 Kinh hoàng nghe được tin chẳng lành về việc chồng bị kết tội một cách oan ức, vợ Bùi Hữu Nghĩa là Nguyễn Thị Tồn, cấp tốc quá giang ghe bầu, vượt sóng gió ngày đêm lặn lội ra tận kinh dô Huế (1849), tìm cách kêu oan cứu chồng. Lúc bấy giờ, Tiến sĩ Phan Thanh Giản (nhà thơ Lương Khê) đang làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Thị Tồn tìm đến tư dinh Phan Thanh Giản trình bày hết sự việc. Nghe theo lời chỉ dẫn của Phan Thanh Giản, bà Nguyễn Thị Tồn đến trước Tam pháp ty gióng ba hồi trống “Kích cổ đăng văn” (đánh trống, đội đơn)  có tính cách thúc giục vua lâm triều, để bà dâng sớ kêu oan cho chồng. Hành động can trường, đáng kính phục xuất phát từ lòng thương chồng, đã khiến cho vua Tự Đức động lòng, tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, nhưng họ Bùi

                                                                    2

 

phải chịu án nhẹ “quân tiền hiệu lực” tức là bị đày đi làm lính ở đồn Vĩnh Thông, thuộc tổng Châu Phú  (Châu Đốc) để lập công chuộc tội. Trong khi đó, bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, nghe tin có người đàn bà ở đất Đồng Nai ra tận kinh đô Huế minh oan cho chồng, liền cho vời đến gặp bà. Nguyễn Thị Tồn vào yết kiến mẹ vua và trình tâu hết mọi việc. Hoàng Thái hậu Từ Dũ (1810-1901) cảm động, ban tặng cho Nguyễn Thị Tồn một tấm biển đề bốn chữ vàng: “Liệt phụ khả gia” (người phụ nữ tiết liệt trong gia đình). Tuy cứu được chồng, nhưng khi trở về đến quê nhà ở Biên Hòa, bà Nguyễn Thị Tồn lâm bệnh và mất. Bà được an táng tại nơi đó. Nghe tin vợ mất, lúc bấy giờ Bùi Hữu Nghĩa đang ở nơi biên trấn xa xôi, một địa điềm giáp ranh biên giới với Kampuchia nơi ông nhận lệnh đi trấn đồn Vĩnh Thông sau khi bị kỷ luật. Về đến Biên Hòa thì việc an táng vợ đã xong. Bùi Hữu Nghĩa rất đau lòng và ngậm ngùi làm hai cặp câu đối (một chữ Hán, một chữ Nôm) và một bài văn tế vợ mất để tỏ lòng tiếc thương người vợ hiền phụ quá cố . Sau đây là hai câu đối chữ Hán : “Ngã bần, khanh năng trợ, ngã oan, khanh năng minh, triều dã giai xuân khanh thị phụ/ Khanh bệnh, ngã bất dược, khanh tử, ngã bất tán, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu”. Nghĩa : Ta nghèo, mình hay giúp đỡ, ta tội, mình biết kêu oan; trong triều, ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/ Mình bệnh, ta không thuốc thang, mình chết, ta không chôn cất ; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng. Bài văn tế vợ có lời kể lể thiết tha : “Phụng lìa đôi chếch mác, đừng nói sửa sang giềng mối, khi túng thiếu manh quần tấm áo, biết lấy ai mà cậy nhờ. Gà mất mẹ chít chiu, đừng nói nhắc biểu học hành, khi lạt thèm miếng bánh đồng gàng, biết theo ai mà thỏ thẻ…”. Trong một lần ra thăm mộ người vợ can trường đã khuất bóng ba năm, Thủ khoa đã xúc động, ngậm ngùi làm bài thơ Khóc vợ, với lời lẽ thống thiết nao lòng: Đã chẵn ba năm mới đặng thăm/Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm/ Gió đưa đâu thấy hình dương liễu/ Đêm vắng ai hoài tiếng sắt cầm/ Chồng nhớ vợ, lòng tơ bối rối/ Con thương mẹ lụy ngọc tuôn dầm/ Có linh chín suối, đừng xao lãng/ Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm.

                   Khi được điều về trấn nhậm ở Hà Âm, gần biên giới Tây Nam, Thủ khoa Nghĩa đã thấy tận mắt những đống xương khô của tử sĩ chết lâu ngày do chiến tranh của triều đình Nhà Nguyễn với các lân bang : Xiêm, Lào và Cao Miên trong suốt 20 năm qua, kéo dài từ giữa đời vua Minh Mạng (1820-1840) sang đời vua Thiệu Trị (1841-1847), đến đời vua Tự Đức (1847-1883) mới chấm dứt. Cuộc chinh chiến tóc tang đã làm mất đi bao nhiêu sinh mệnh của người dân vô tội. Hiện thực đau lòng ấy đã khiến nhà thơ không khỏi xót xa ngậm ngùi và cảm tác bài thơ  Kinh quá Hà Âm : Mù mịt mây đen kéo tối dầm / Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm/ Đống xương vô định, sương phau trắng/ Vũng máu phi thường có nhúm thâm/ Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy/ Đèn trời leo lét dặm u lâm/ Nghĩ thương con tạo sao dời dổi/ Dắng dỏi trên đường tiếng dế ngâm. Sau khi bà Nguyễn Thị Tồn qua đời, Bùi Hữu Nghĩa vẫn tiếp tục ở đồn Vĩnh Thông, nhà thơ tục huyền với bà Lưu Thị Hoán, con gái của Xã trưởng Lưu Văn Dụ và về sau sinh được bốn người con. Con gái đầu lòng không rõ tên. Ba người con trai sau đó là : Bùi Hữu Khánh, Bùi Hữu Sanh và Bùi Hữu Út. Tình hình nơi Bùi Hữu Nghĩa đóng đồn thường không ổn định, do các cuộc nổi dậy chống triều đình của thổ dân và những người bên kia nước láng giềng.

                                                                     3

 

Trong một cuộc chạm trán, đồn Vĩnh Thông thất thủ, quan quân trong đồn bị giết và bị bắt dẫn đi hết trong đó có Bùi Hữu Nghĩa. Do từ lâu đã nghe tiếng Bùi Hữu Nghĩa là người nhân từ, từng quan tâm và giúp đỡ cho người Khmer nghèo khổ, nên đối phương tha cho ông về. Hơn nữa, vua Cao Miên lúc đó là Ong Duôn, còn cho thuyền đưa Bùi Hữu Nghĩa về đến biên giới Tịnh Biên. Không ngờ, vừa được tự do Thủ khoa Nghĩa  lại nghe tin con gái người con đầu lòng là Bùi Thị Xiêm qua đời, đúng ba năm sau ngày vợ ông mất. Nhà thơ quày quã trở về quê lo tang lễ cho con, thăm lại mộ vợ. Bùi Hữu Nghĩa đã làm bài văn tế khóc con gái với tình cảm dạt dào của người cha rất mực thương con : Thảo với Cha, lành với Mẹ như bát nước không xao/ Ra cùng xóm, ở cùng làng, ước hột cơm chẳng cắn/ Chị hay niềm, em hay nỡ, ai mà chẳng dấu chẳng yêu/ Ăn bữa trước, lo bữa sau, mẹ đà khỏi dò dặn/ Thấy con trẻ, Cha mừng hết lớn, nừng thì mừng mà dạ hãy băng sương/ Nghe con rên, Cha sợ muốn điếng hồn, sợ thì sợ, chạy trời sao khỏi nắng/…..Nhớ tiếng con cười, lời con thốt, càng thêm chua xót đời con/….

 

                  Ngày 18/2/1859, giặc Pháp chiếm Sài Gòn gây bao đau thương cho dân tộc và cũng làm thức tỉnh những sĩ phu, văn nghệ sĩ yêu nước. Tiếp đến, thực dân Pháp lại đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1962), Thủ khoa Nghĩa xin từ quan về quê dạy học, bốc thuốc, chữa bệnh cho dân và làm thơ (lúc này ông lấy biệt hiệu là Liễu Lâm chủ nhân). Nhà của Thủ khoa Nghĩa là nơi gặp gỡ của những con người yêu nước và những danh sĩ mang nặng quốc hồn để bàn bạc việc chống giặc Pháp cứu nước nhà. Năm 1868, nghe Bùi Hữu Nghĩa tham gia phong trào Văn Thân, thực dân Pháp đã bắt nhà thơ đem giam ở Vĩnh Long, sau đó đưa về Gia Định và có định ve vản để ra hợp tác với bọn xâm lược. Với tinh thần sắt son bất khuất và khí tiết kẻ sĩ sáng trong, Bùi Hữu Nghĩa không bao giờ để bọn cướp nước và tay sai mua chuộc, khiến chúng đành phải trả lại tự do nhà thơ. Mang trong lòng mối u hoài vì cảnh nước mất nhà tan mà chưa làm được gì cho đất nước, nhà thơ mượn hình ảnh Cây Vông, Cây Bần loài cây sanh ra cao lớn giữa đất trời mà chẳng ích lợi gì, để tự trách mình : + Uổng sanh trong thế mấy thu đông/ Cao lớn làm chi, vông hỡi vông /Da thịt càng già, càng lộp xộp/ Ruột gan chẳng có, có gai chông //+ Cao lớn làm chi bần hỡi bần/ Uổng sanh trong thế, đứng chần ngần/ Lá xanh tợ liễu, cành thưa thớt/ Bông bạc dường mai, nhụy sượng sần/ Quyến luyến bầy cò bay sập sận/ Chim qui đàn khỉ đến dần lân/ Rường soi cột trổ, chưa nên mặt/ Cao lớn làm chi, bần hỡi bần ! Là nhà thơ gõ đầu trẻ, Thủ khoa Nghĩa chú tâm khuyên dạy học trò làm những điều tốt : thức khuya dậy sớm cố gắng học hành, tránh xa thói hư tật xấu, để sau này trở thành công dân hữu ích cho nhân quần xã hội, bài :: Ăn ngủ làm chi, hỡi học trò/ Có công đi học phải toan lo/ Chơi bời hoa nguyệt. đừng mơ tưởng (Khuyên học trò). Trong những lúc ưu thời mẫn thế, nhà thơ tự ví mình như ông Lã Vọng ngày trước khi chưa gặp vua Văn Vương nhà Châu, phải ngồi câu cá chờ thời bên bờ sông Vỵ: Danh lợi màng bao chốn cửa hầu/ Thanh nhàn quen thú, một cần câu/…Khói nước năm hồ, tình cả đẹp/ Gió trăng kho cũ, cảnh riêng màu/ Bà vương hội cả dầu chưa gặp/ Thao lược này ai biết được đâu (Câu cá). Khi tham gia phong trào Văn Thân, nhà thơ họ Bùi tin tưởng đất Nam bộ không thiếu người nghĩa khí, thúc giục người họ đứng lên đuổi giặc cứu nước : Ai

                                                                  4

khiến thằng Tây tới vậy à/ Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba/ Nam kỳ chi thiếu người trung nghĩa/Báo quốc Cần vương, há một ta (Ai xui Tây đến); hay : Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây/ Đâu để giang sơn đến thế này/ Hùm nươg non rậm toan chờ thuở/ Cáo loạn vườn hoang thác có ngày/…Một góc cảm thương dân nước lửa/ Đền Nam trụ cả há lung lay (Thời cuộc).

 

                  Cuộc đời sáng đẹp, phẩm chất thanh cao của nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa đã được

minh họa trong văn chương của ông. Nam bộ là miền đất mới khá hiếm hoi về nhân tài văn học nhưng thế kỷ thứ 19 ở đất Đồng Nai, nhưng nhân dân vẫn coi nhà thơ họ Bùi là một trong bốn con rồng vàng văn học : Đồng nai có bốn rồng vàng / Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi. Ngoài vở tuồng Kim Thạch Kỳ duyên (có sự hơp tác của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt) diễn tả cuộc tình duyên đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc và nàng Thạch Vô Hà. Trong vở tuồng, tác giả muốn ca ngợi tình yêu chung thủy, và khinh ghét kẻ lọc lừa, tham vàng bỏ ngãi và sự chiến thắng thế lực độc ác, vượt ra ngoài chủ đề tôn quân. Từ điển Bách khoa toàn thư đánh giá :  “Cùng với các vở của Đào Tấn, Nguyễn Hiền Dĩnh, vở Kim Thạch Kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa, đánh dấu sự chuyển biến của tuồng Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20”. Nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, trong Giai thoại làng Nho, có nhắc lại một giai thoại thú vị về nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa, từ đó nói lên tài năng và nhân cách của tác giả Kim Thạch Kỳ duyên : Khoảng thời gian thực dân Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Tây, Tổng đốc Trần Bá Lộc 1839-1899) là tên Việt gian tay sai khét tiếng, theo phò thực dân Pháp, hống hách nhiễu nhương dân chúng, chém giết nghĩa quân không gớm tay. Văn Bình là đàn em của Trần Bá Lộc, bản tính háo danh, ngạo mạn lại thích ba hoa nói chuyện văn chương. Một bữa nọ, Văn Bình có dịp đi công cán về Cần Thơ, tìm đến Bùi Hữu Nghĩa cho biết mặt vì nghe tin đồn đã lâu. Cùng mấy tên em út lần dò đến Bình Thủy, khi gần đến nhà Thủ khoa Nghĩa, Văn Bình thấy trên sân một nhà lá đơn sơ, cạnh đường đi có một ông già nhà quê, tuổi khoảng trên sáu mươi, đầu vấn khăn, mặc bộ đồ đen phai màu, đang ngồi một mình đan rỗ. Sau khi được Văn Bình cho biết lý do hắn đến, ông lão đan rỗ nhìn người khách lạ, thong thả : “ - Nhà Thủ khoa Nghĩa cách đây không xa mấy. Xin Ngài và các ông ngồi lại đây nghỉ chân một lát, rồi tôi sẽ đưa các ông đi gặp nhà thơ cũng không muộn” .Trong cuộc trò chuyện, ông lão đoán biết được thâm ý Văn Bình muốn thử tài thơ văn của Bùi Hữu Nghĩa, nên bình tỉnh : “- Cụ Thủ khoa là nhà thơ, thỉnh thoảng cũng có nhiều người tới gặp để cùng bàn bạc chuyện văn chương. Hôm nay, các Ngài đến đây chắc cũng không ngoài mục đích ấy. Vừa nói, ông lão đan rỗ vừa đứng dậy, chủ động mời Văn Bình vào nhà ông cách đó chỉ mươi mét. Tiệc trà nóng bắt đầu cho buổi trò chuyện giữa chủ nhà và khách. “-Thưa Ngài, tôi chỉ là người hàng xóm thích thơ ca và mến mộ cụ Thủ khoa, trước khi gặp nhà thơ, xin đề nghị ta cùng làm ít câu đối đáp nhau cho vui, có gì sai sót để được Ngài chỉ vẽ thêm cho. Theo luật đối đáp, người xướng ra một chữ hay một câu thì người đối sẽ đáp lại. Văn Bình, gật gù đồng ý với vẻ phớt tỉnh vì đã trúng ngay tủ thơ của hắn ta. Chậm rãi, ông lão nhà quê nhìn Văn Bình rồi xướng : VÕ ; Văn Bình đáp : VĂN. Ông lão chủ nhà khen : Thật chỉnh, Văn Bình phớt tỉnh như không. Hai bên tiếp tục: TRẮC - BÌNH, VÃNG - LAI,  NAM - BẮC, CÔ - CỤ. Ông lão đan rỗ, người xướng tán thành nhiệt liệt

                                                                   5

 

người đáp đã đối trong hai câu ngũ ngôn rất hay và đúng theo cung cách xướng họa, đối đáp. Ráp lại đầy đủ hai câu xướng và đối là : + VÕ TRẮC VÃNG NAM CÔ  và + VĂN BÌNH LAI BẮC CỤ.* Cuộc trò chuyện đối đáp văn chương vừa xong, cùng lúc với mấy tuần trà cũng đã hết. Bên ngoài, cơn nắng sáng già sang buổi trưa, Văn Bình tỏ ra sốt ruột, muốn được gặp mặt nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa mà công chúng khắp nơi đã ngưỡng mộ tài năng và kính trọng về nhân cách. Nhưng Văn Bình được người nhà của ông lão nhà quê đan rỗ, đi hỏi thăm về báo lại là hôm ấy cụ Thủ khoa vắng nhà. Văn Bình cùng đoàn tùy tùng ra về và mấy hôm sau cũng đã hiểu ra được ý nghĩa sâu sắc của câu đối mình làm, để đáp lại câu xướng và ông lão nhà quê đan rỗ kia cũng chính là nhà thơ - thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa – con rồng vàng của đất Tây Đô.

 

                   25. 10. 2016

                                                                                                     

 

 

 *Câu xướng : Võ trắc vãng nam cô, không có ý nghĩa.

   Câu đối có nghĩa : Văn Bình lai bắc cụ  có nghĩa là:

                 Ông Văn Bình lại (đây)…(nghĩa của tiếng lái hai chữ cuối câu: bắc cụ)

 

                                                                    

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3656
Ngày đăng: 30.10.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trương Vĩnh Ký và Gia Định Báo - Trần Xuân Tiến
Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa - thưởng thức ly vang ý thượng hạng! - Vũ Thu Hoài
Hội Nghị Những Người Viết Văn Trẻ Toàn Quốc Lần IX Vẫn Chưa Nhập Cuộc Với Các Trào Lưu Văn Học Hiện Nay - Lê Hưng Tiến
Nho giáo Korea qua tiểu thuyết "Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan" - Trần Xuân Tiến
Sứ điệp văn hóa nơi cuộc sống tha hương - Nguyễn Đăng Trúc
Kính gửi cụ Nguyễn Du "nhân dịp về Hà Tĩnh vào ngày Giỗ lần thứ 196 của đại thi hào (10.8 ÂL) - Nguyễn Anh Tuấn
Lữ Kiều của Huế và một thời Ý Thức. - Hiếu Tân
Mạch văn cấu trúc và lý thuyết phân tích thuộc ngữ ngôn văn chương - Võ Công Liêm
"Bàn tay nhỏ dưới mưa" Bầu lên nhà văn không nhỏ Trương Văn Dân - Paul Nguyễn Hoàng Đức
Nghĩ về “cô điếm lễ độ” Kịch Jean-Paul Sartre: “The Respectful Prostitute” - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)