Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
471
115.865.742
 
Đồng đất thở dài
Nguyễn Thanh

Tốp cháu chắt của bà già cao tuổi nhất miệt Cây Giang, Phước Điền vừa từ trần ở tận Sài Gòn, Bến Nghé nên về tới nơi chịu tang muộn. Mới chân ướt chân ráo ngồi quanh cỗ quan tài nhận khăn tang, tốp trẻ cả trai lẫn gái nhấp nha nhấp nhổm trên chiếu, nháo nhào như bầy ongvỡ tổ vì có một chàng trai lạ mặt không rõ từ đâu tới ghìm mũi súng đen ngòm về phía chúng nó. “Thằng Bìm đây mà. Thằng Bìm ở Trảng Đất! Không có sao đâu...” Một người đàn ông luống tuổi trong nhà trấn an.

 

“Đoành! Đoành!...” Cho tới lúc miệng thằng Bìm vo tròn phát ra vài tiếng nổ, tốp trẻ mới hoàn hồn vì biết chính xác khẩu súng bá cụt, băng đạn hình trái quao y chang khẩu AK không lạ gì với dân sở tại. Súng giả. Súng làm bằng cây bạch đàn sơn đen.

 

Tốp trẻ chưa yên, càng ngóng cổ cao hơn nhìn thằng Bìm như nhìn một người bịnh tâm thần đương nhiên xán vào chỗ đám đông : Người lớn tác ghê, ăn mặc quần tây màu cức ngựa, áo xanh hai túi nắp bỏ vào thắt lưng gọn gàng. Bìm có gương mặt vuông vuông chữ điền trắng trẻo ngon trai không chê vào đâu được. Tốp trẻ trở mặt nhao nhao khen.

 

Bìm vẫn ghìm ghìm mũi súng tìm điểm ngắm. Chừa ra cỗ quan tài, sòng đàn cò, đàn kìm, đám đông khách khứa đến dự đám tang... Mũi súng bắt đầu run rẩy ngắm trúng đích đội kèn đồng khiến chục cây kèn đồng thôi rống riết. Lại ngưng. Bìm quàng súng lên vai đi lơn tơn ra cái trống treo đong đưa ngoài nhánh cây còng. Mới chỉ thúc được ba hồi trống Bìm nhác thấy cô Tư Xuân người Long Điền Tây mặt lạnh như tiền ló đầu ra cửa sổ nhìn Bìm. Chỗ cô Tư ngồi có vài người đàn bà ở tận dưới Khâu Cây Bông, Rau Muống, Lập Điền... Đặc biệt cô Tư Xuân có mặt tại đây coi như hỏng việc. Cô Tư không bắt nạt thằng Bìm tại chỗ cũng về mách với mẹ Bìm ở Trảng Đất. Nghĩ vậy, Bìm buông xuôi dùi trống, lẳng lặng quảy súng lên vai rồi biến mất. Không ai khuyên bảo được Bìm, kể cả cô Tư Xuân người đỡ đầu thằng Bìm từ thủa nhỏ.

 

Thằng Bìm mới được năm sáu tháng tuổi còn nằm trong bụng chị Cầm thì cha nó là anh Sự bị chết cháy!

 

Đó là một ngày khủng khiếp : Thằng giặc bắt quả tang một “Nút giao liên” do anh Sự phụ trách đang hoạt động. “Nút giao liên” chính là ngôi nhà lá ba gian của anh Sự chị Cầm ở giữa xóm ấp Trảng Đất lập tức bị đốt cháy. Chị Cầm từ ngoài đồng vào nhà kịp thì nhờ cái bào thai trong bụng chị máy khác thường. Chị Cầm liền bị tốp lính trói chặt vào thân cây giá. Mủ giá đặc sánh ứa ra rin rít nhuộm trắng sau lưng áo của chị. Mắt chị Cầm hoa lên, cay xè khi trông thấy đứa túm đầu đứa túm chân anh Sự đong đưa như đánh võng rồi hè nhau ném anh Sự vào lửa. Tốp lính nhớn nhác bu quanh đống lửa như một bầy quạ đen. Còn chị Cầm cứ đứng chết gí bên thân cây giá mở trừng trừng hai mắt nhìn ngọn lửa giữa trưa bắt cháy nóng rừng rực áp tới chỗ chị.

 

Ba tháng sau sự kiện khủng khiếp đó, thằng Bìm chào đời trong một túp lều dựng lên ở tạm trên nền đất cũ giữa đồng không mông quạnh – một cánh đồng lớn ôm đồm mấy xã, mù mù, thiêm thiếp – ba bên bốn phía vẫn gặp đồng – đồng – đồng... Khi  thằng Bìm cất tiếng khóc đầu tiên có mặt bà mụ vườn do cô Tư Xuân dìu qua mấy giang đất cày đến nơi kịp lúc, có mặt năm sáu người láng giềng và phân nửa bầu bạn đồng nghiệp của chị Cầm trong Đoàn văn công xã từ Lẩm Đôi, Lẩm Cháy băng đồng tới Trảng Đất chăm sóc cho mẹ con chị. Người đứng, tốp ngồi quanh bếp than được nhen nhóm bằng củi cóc được cô Tư Xuân lấy từ vạt rừng cóc cạnh nhà mang sang. Xuân ngồi lặng thinh luôn tay cời than lửa ủ ấm dưới lưng mẹ con chị Cầm. Riềm mi cụp xuống, hai mi mắt đen thẳng trên gương mặt ngăm ngăm của Xuân hồng lên trước bếp than lửa đang cháy tí tách. Cô Xuân và những người có mặt đều thức qua đêm, vừa mừng cho chị Cầm được mẹ tròn con vuông vừa nơm nớp lo sợ lính tráng ở đồn bót lân cận áp tới. Nhưng may mắn thay một đêm thật yên tĩnh, và không ai ngờ rằng sau cái đêm thằng Bìm chào đời, hằng loạt đồn bót giặc vùng nầy vỡ mộng lấn chiếm lần lượt bỏ lại nguyên vẹn một cánh đồng lớn Long Điền – Giải phóng – Mùa xuân năm 1975!

 

Sau khi sinh nở cộng với không khí tự do của những ngày đầu giải phóng, chị Cầm lấy lại sức, người mập mạp hơn so với lúc anh Sự hy sinh. Nước da ngăm ngăm hao hao côTư Xuân trắng ra mơn mởn giống lúc chị gia nhập Đoàn văn công xã thủ vai đơn nữ ca. Nhờ vậy, chị Cầm chịu đựng và vượt qua nhiều nghiệt ngã trong đời sống khi trong nhà không có điểm tựa là đàn ông và đứa con trai bé bỏng của chị không được khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ lưng trần mốc cời ở Trảng Đất.

 

Một tay chị Cầm quơ củi, chạy gạo, chạy tiền, lo liệu mọi việc trong nhà, ngoài đồng. Riêng thằng Bìm thường ấm đầu lên cơn sốt nóng ran người chuyển sang sưng phổi, thương hàn, nếu không có cô Tư Xuân xin nghỉ lên lớp để bồng bế thằng Bìm đi chữa trị tận chợ Hộ Phòng, Giá Rai, Bạc Liêu, ắt mẹ con chị Cầm không vượt qua được nhiều cơn hiểm nghèo.

 

Thằng Bìm ốm tong ốm teo thường khóc ngằn ngặt suốt đêm. Chị Cầm nhiều lần liên tiếp năm bảy đêm không chợp mắt được. Chị gượng dậy và vượt qua từng canh một, đêm đêm. Đồng đất vắng ngắt. Chỉ một mình Tư  Xuân bên cạnh. Tư Xuân thôi vỗ về đứa bé day sang dọa : “Chịu nín không Bìm? Cô Tư gọi ông Ba Quỳ tới đây lập tức bắt giết đứa nào khóc đêm. Cô Tư cấm đứa nào khóc!” May thay thằng Bìm im được một lúc lâu mỗi lần Tư Xuân nhắc tới tên ông Ba Quỳ người nổi tiếng lấy bom nổ chậm ở Long Điền. Thằng Bìm biết sợ vì ban ngày cô Tư Xuân kể dài dài câu chuyện vừa ra dấu minh họa ông Ba Quỳ đào bới đất tìm bom nổ chậm, người cao to thế nầy, đôi mắt sáng quắc, râu cằm dài tới bằng nầy...

 

Lớn lên năm sáu tuổi Bìm được mẹ nhắc có dò có dọc chuyện về ba Sự của nó: Ba Sự cao lớn như bác Út Đen huyện ủy, đen đúa giống cậu Út Rõ phụ trách Đoàn văn công phải rọi đèn pin mới thấy. Thời trai trẻ, ba Sự cơm đắp đầu gối cày ải ngoài đồng suốt ngày không màng vô nhà nghỉ trưa. Ba Sự khỏe, ăn năm sáu chén cơm lùm lùm, có tài bắt cá thòi lòi trơn nhớt dưới rạch Trảng Đất, đâm cá đuối ngoài bãi biển Bình Điền, nhiều lần nhậu say bí tỉ với ông Tư Lô, cậu Tám Lập ngoài xóm Gò Cát chờ nước ròng bắt cá “thẹ” về Trảng Đất lo bữa cơm cấy...

 

Thằng Bìm vểnh tai nghe chuyện ba Sự, đôi chân mày rậm đen nhướng lên hết cỡ, mặt nghinh nghỉnh nhìn mẹ, hỏi : “Chết cháy là chết làm sao vậy mẹ?” Chị Cầm day nhìn ra chỗ đang le lói vài ánh lửa đốt đồng : “Con thấy lửa đang cháy đó không? Kìa! Lửa! Người bị chết cháy là người bị người ta quăng vào lửa!” Nghe chị Cầm nói, gương mặt xương xương của thằng Bìm bỗng tái nhợt, môi dẩu ra và đôi mắt nhìn thẳng vào mặt chị Cầm: “Sao mẹ kỳ khôi vậy mẹ? Sao mẹ không kéo ba Sự ra khỏi lửa?” Bìm hỏi. Chị Cầm giọng nghèn nghẹn : “Mẹ bị giặc trói chặt vào thân cây giá chỗ kia. Mủ giá ra ướt lưng mẹ...” “Còn chú Sĩ em ruột ba Sự ở đâu không tiếp với Ba?” Bìm hỏi. Chị Cầm day nhìn cô Tư Xuân rồi nhìn lên đồng. Im lặng. Chốc sau, chị Cầm day lại nói : “Chú Sĩ với em trai cô Tư Xuân bị trực thăng bắn chết một lượt ở rừng cóc trước ba Sự chết một năm, còn đâu chú Sĩ tiếp giành giật ba Sự ra khỏi lửa!?” Đến lúc Bìm thẩn thờ ngước nhìn cô Tư Xuân. Hai riềm mắt cô Tư Xuân sụp xuống lát lâu ngân ngấn nước. Ngoài kia, đồng đất thiêm thiếp thở dài...

 

Chính cánh đồng thênh thang nầy chứng kiến thầy Sĩ, cô Xuân yêu nhau ngót bốn năm năm. Chỉ một mình chị Cầm là người nhận thư của thầy Sĩ đứng lớp ngoài ấp Thạnh Trị mang về chuyển tận tay cô Xuân dạy học ở Diêm Điền. Đồng đất Thạnh Trị phơi ra những vạt đất cày màu gan gà. Đồng Diêm Điền giữa trưa hè chói gắt bởi đồng muối xôn xao sóng vỗ, và trên thinh không, đang lúc cô giáo Xuân giảng bài, những chiếc máy bay F-105 của giặc Mỹ in hình những cánh bạc vun vút lao qua.

 

Chị Cầm lần đầu tiên chứng kiến đứa con trai bé bỏng của mình biết rung động. Hai mắt thằng Bìm đỏ hoe. Thằng Bìm biết lảng đi tha thẩn chỗ khác và biết khóc!

 

***

 

Bìm lên mươi mười tuổi, xã xây “nhà tình nghĩa” cho mẹ con chị Cầm. Cô Tư Xuân vẫn chưa chịu lấy chồng ; Xuân thôi dạy học, từ một cán bộ giáo dục chuyển thẳng lên cơ quan Ủy ban Nhân dân xã Long Điền Tây.

 

Liệu thằng Bìm có vui hay buồn trong lúc ít có dịp được vòi vĩnh, bắt nạt cô Tư Xuân việc nầy việc khác. Tự dưng, Bìm bắt đầu xa lánh cô Tư Xuân từ dạo đó.

 

Sau nhiều lần bị nhức đầu, người rũ ra như một tàu lá héo, thằng Bìm trốn học và thường bỏ nhà đi rong rổi ngoài đồng đất. Chị Cầm hoang mang. Cô Tư Xuân một phen lận đận vì thằng bé trong trạng thái tâm lý không bình thường : hay niểng một bên mặt, thậm chí mặt vất hất mỗi lần chị Cầm, cô Tư Xuân lên tiếng cấm tiệt nó ra khỏi nhà. Cô Xuân không dọa được nó. Ngược lại, thằng Bìm còn đứng tréo chân vịt, mặt đanh lại nói hỗn : “Cái con khỉ nè cô Tư. Bộ cô Tư lên làm lớn rồi dẹo hả? Con đếch sợ. Ông Ba Quỳ già ngắc ; không sợ chú Út Tửng , Út Ninh ở Đồng Gò hồi nhỏ bắn máy bay được đăng báo như cô Tư kể đâu!...” Tư Xuân chau mày cảm giác như bị ai đó tát vào mặt mình gáo nước lạnh. Đứng tựa lưng vào thân cây giá, đôi mắt đỏ hoe nhìn thằng Bìm chạy lơn tơn ngoài đồng sau khi buông một câu xúc xiểm lạ thường. Còn chị Cầm nhiều lần bỏ nhà rượt đuổi thằng Bìm qua được vài giang đất cày, mệt lã, hai chân khuỵu xuống trên bờ ruộng. Chị Cầm chịu thua.

 

Thằng Bìm đi tới đâu, cỏ khô bốc cháy tới đó. Những đám cháy thè lưỡi đỏ tươi kéo thành một vệt dài giữa đồng chiều. Thường thì sau khi những bổi lửa ở nhiều đầu bờ bốc cháy, thằng Bìm nhanh nhảu xuống đứng dưới gió chờ chực lũ chuột đồng chạy lửa xuống trầm mình dưới đám năn kim bện dày lá ủ. Lại đốt trụi đám cỏ năn khô. Lũ chuột bí đường bị chết cháy. Thằng Bìm đứng khoan khoái hít thở mùi than cỏ nồng nồng, ngai ngái, mùi khét lẹt của lũ chuột đồng... Càng về chiều, dìu dịu những cơn gió đồng, thằng Bìm mải mê dõi theo những cột khói bốc cao lên không trung, tan dần và lẩn vào những đám mây màu xám xỉn, bảng lảng trôi qua trên đầu nó.

 

Bìm đi miết. Thỉnh thoảng đôi ba hôm thằng bé về thăm mẹ một lần. Nhiều lần tới nửa đêm thằng bé mới về tới nhà tự lục cơm nguội ăn. Lần nào cũng vậy, Bìm không nói không rằng, chỉ cười tít mắt khi tặng mẹ con rắn bị cháy nứt da, khi vài con cua đồng vàng lườm thơm phức.

 

Trước những diễn biến tâm lý của con khiến chị Cầm lo lắng và bị vật vã hơn nhiều so với lúc thằng Bìm còn là một đứa bé bịnh hoạn, èo uột kéo dài. Chưa kể vài lần chị bị vỡ mộng trở lại Đoàn văn công xã, hai lần được huyện tuyển chọn đi tham quan Thủ đô nhưng phải hoãn lại và dẹp hẳn ý định đi bước nữa với người đàn ông từ Bạc Liêu tới vì một đứa con trai duy nhất của chị : Thằng Bìm khùng!

 

***

 

Thêm tám năm trôi qua.

 

Sau hai tháng rong rổi trên cánh đồng lớn Long Điền, đó là lần vắng nhà lâu nhất, thằng Bìm lò dò về Trảng Đất cõng trên lưng một bó củi khô. Dân Trảng Đất mừng thầm kéo đi lũ lượt đến chật nhà để san sẻ với chị Cầm.

 

Tan khách. Bìm thủ thỉ với mẹ : “Mẹ đừng giận con nghen mẹ...” Bìm cười, tiếp : “Con nói mẹ nghe, lần nầy con về cưới vợ!” Bìm cười. Chị Cầm chưa kịp hoàn hồn nhưng cố nén, ân cần hỏi con : “Vậy, con chịu đứa nào?” Bìm nói lí nhí trong cổ họng : “Con Muội, con ông Năm Sánh dưới Canh Điền đó mẹ!...”

 

Chị Cầm thở phào nhẹ nhõm thấy không còn hỏi điều gì nữa với con. Chị quá biết con Muội bị tật bẩm sinh hai mắt vảy cá nhưng trắng da dài tóc so ra không thua thằng Bìm về sắc diện. Vả lại, con Muội là con nhà tử tế chỗ bạn bè với anh Sự trước đây. Chị Cầm yên tâm tiến tới một việc chị cho là hệ trọng mà lâu nay nhiều lần chị muốn xếp đặt dựng vợ gả chồng cho con. Rất tiếc chị không có thêm một đứa con gái.

 

Sau khi nhờ cô Tư Xuân bỏ ra ngày chủ nhật cùng chị với vài người bạn cũ ở Đoàn văn công xã cuốc bộ tới Canh Điền xuống mối cưới dâu, chị Cầm bán hết lúa gí trong bồ, dùng mấy chiếc nhẫn vàng của anh Sự để lại, bán luôn mấy tu muối hùn hập với Tư Xuân trữ lại chờ giá cao bán lấy lãi để lo đám cho thằng Bìm.

 

Nhà gái miễn cho bên trai lễ hỏi. Lễ cưới, chị Cầm lo phủ bì từ quà cho dâu, con heo đi nhà gái, tiền chợ, mâm bàn đến cây dù màu đỏ chót che cô dâu chú rể vượt mấy giang đồng về Trảng Đất. Riêng thằng Bìm hôm ấy ăn diện đến không ai nhận ra “thằng Bìm Trảng Đất”, “thằng Bìm khùng”: Áo vét –tông, cà- vạt to bản, giày cuya bóng dợn...

 

Mọi việc đâu vào đấy, chưa nói đến cô dâu vui vẻ xách gói về tới nhà chồng ở Trảng Đất, đùng một cái, thằng Bìm cởi áo vét – tông của cô Tư Xuân mua cho trải lên giường, tuột đôi giày cuya bóng dợn quăng vào kẹt vách rồi bỏ trốn.

 

Vẫn thản nhiên như không hề có việc gì xảy ra ở nhà với mẹ, với vợ mới cưới, thằng Bìm lao vào, mê mải hai việc: Đánh trống đám ma và bắn súng giả!

 

Việc thứ nhất – đánh trống – dễ  thôi : Cứ “nam thất, nữ cửu”, nghĩa là sau ba dùi trống, “tùng”, “tùng”, “tùng”, điểm thêm từ một, hai... đến bảy tiếng ngắt ngang cho biết người mới khuất là nam ; còn sau ba dùi trống điểm báo, điểm thêm chín tiếng, người nghe dễ dàng phân biệt người chết thuộc phái nữ...

 

Thằng Bìm thính tai nghe tiếng trống từ nhiều nơi xa nhất dội về. Dù ở bao xa, bất cứ chỗ nào, Bìm cũng lội tới nơi giành cho được dùi trống, đánh trống. Không chỉ một việc đánh trống, giữa hai hiệp trống, Bìm lao vào những công việc nặng nhọc nhất ở những đám ma : che rạp, khuân vác bàn ghế, đào huyệt, gánh nước, bửa củi...

 

Lặng lẽ trước sân, sau nhà, sau vườn, Bìm cặm cụi làm hết việc nầy đến việc khác. Không uống rượu, nghe đói, Bìm tự bới tô cơm chan nước thịt kho ngồi ăn một mình chỗ vắng khách...

 

Dần dà, sự xuất hiện của Bìm trước lạ sau quen. Bìm được che chở, nuôi nấng của phần lớn bà con trong vùng.

 

Việc thứ hai, khó hơn, cần có tay nghề mộc để ngồi gò lưng đục đẽo súng ống. Đủ loại súng bằng nhiều loại gỗ khác nhau, từ trường bá đỏ, AR15, AK đến súng chống tăng B40, B41, súng phòng không 12,7 ly... Nhiều súng đến nỗi Bìm phải gọi tốp trẻ Kinh Mới, Gò Cát, Lẩm Đôi, Lẩm Cháy đến ký nhận.

 

Tiếp tục rong rổi ngoài đồng đất, Bìm thôi đốt đồng day làm chỉ huy tốp trẻ lập trận giả giữa đồng đón đánh quân đổ bộ, lại chuyển xuống ven Kinh Mới, Khâu Cây Bông chặn đường thủy... Tốp trẻ rốt rít theo Bìm như cái đuôi. Tốp trẻ xếp đội hình khi ngang, khi dọc, tất cả đều tuân lệnh Bìm : Xuồng chèo qua Kinh Mới, tha bổng. Nhà lá không lọt vào lỗ ngắm. Nhà mái ngói, mái tôl, xuồng gắn máy, “xe đầu”, người giàu đều bị nả đạn “đoành, đoành...” liên hồi.

 

Chiều xuống. Ánh chiều vàng rực ngập tràn trên đồng. Tốp trẻ chồn chân mỏi gối biến dần... cuối cùng còn chỉ một mình thằng Bìm đi thất tha thất thểu một mình ngoài đồng đất.

 

Vẫn thản nhiên như không có việc gì xảy ra trong ngày mặc dù Bìm chỉ huy đánh biết bao nhiêu trận lớn nhỏ, nhiều người bị “chết”, nhiều ghe xuồng bị “chìm”, nhưng vẫn ngồi đau đáu nhìn về xóm Trảng Đất, Cựa Gà. Đồng đất càng về sau nầy được cày ải sớm phơi ra những vạt đất màu gan gà, nhiều khoảng ruộng được dỡ sâu xuống hai ba lớp đất để lấy nước mặn nuôi tôm sú. Không còn nhiều ánh lửa đốt đồng đỏ rực mỗi chiều như trước kia nữa. Thay vào những ngọn khói xanh um là những chấm bông gòn trắng dã hiếm hoi bung ra từ những chiếc vỏ cứng cáp bay nhẩn nha hoài hoài, không chịu đáp xuống mặt đồng Kinh Mới. Thay vào những ánh lửa đốt đồng là những mái ngói ẩn hiện hai bên đường tráng nhựa dẫn tới thị trấn Gành Hào. Rừng cóc thâm thấp xanh rập rờn không còn, mở ra một khoảng trống trước mặt xóm Cựa Gà nhìn ra những tu muối hình chóp nón giăng giăng phía biển. Tất cả đã đổi thay từng ngày, đổi thay tận sâu trong từng xóm nhỏ, kể cả Trảng Đất mà Bìm không hề hay biết.

 

Ở xóm Trảng Đất, Muội đợi, Muội chờ, cuối cùng phải nói thảng thốt với mẹ chồng : “Con biết mà, ảnh cưới vợ là để ở với mẹ ảnh, để mẹ ảnh nhờ...” Mủi lòng, Muội ngồi khóc rấm rứt với mẹ chồng trước khi xách gói về ở hẳn nhà cha mẹ ruột. Chị Cầm ứa nước mắt tiễn con dâu qua mấy giang đất cày về tới Canh Điền. Không dù, không lộng giữa trưa trên đồng không mông quạnh.

 

Chị Cầm dường như không còn chịu đựng được nữa khi trở lại chứng kiến cảnh nhà một mình. Tội nghiệp con Muội, nhớ đứa con trai, nhớ anh Sự, chị Cầm bó đuốc lá dừa nhiều đêm cùng bạn bè Đoàn văn công xã tìm con khắp cánh đồng lớn Long Điền. Không gặp. Nghe tin con vượt qua Quốc lộ Một la cà ở Phong Thạnh, Khương Kiện... chị Cầm đổ đường qua tới nơi lục lọi hết các xóm hẻo lánh, băng qua mấy giang đất khô cỏ cháy về tới Nàng Rền vẫn chưa tìm gặp thằng con trai.

 

Mãi tới ba hôm sau chị Cầm mới nhận được tin cô Tư Xuân nhắn chị về Trảng Đất gấp. Cô Xuân vẫn còn quan tâm tới chị như thủa nào! Chị nghĩ. Chị quay về tới Trảng Đất thì thằng Bìm đã về nhà trước chị.

 

Chị Cầm vừa mừng vừa sợ hãi lúc thằng Bìm trở về đột ngột mà không có con Muội vợ nó ở nhà. Chị cố nén, hỏi: “Thế nầy là thế nào vậy Bìm? Mẹ khổ quá!” Thằng Bìm liền gắt : “Con trả nợ cho Muội xong rồi mà, má khổ làm gì cho mệt vậy!”. Chị Cầm càng hốt hoảng, một tay sờ lên trán con, lại hỏi : “Nợ à!...” Bìm kể tắt : “Nợ bữa đám ma dưới Khâu, con đánh trống, con Muội thay con xách nước, bửa củi... Cũng đêm đó con lỡ ngủ với nó nên con hứa cưới nó thì sau đó con cưới liền. Mẹ biết!...” Chị Cầm chưa hết ngạc nhiên gạn lại đứa con trai đi hoang : “Bây giờ con tính sao với con Muội?” Bìm lắc : “ Tính sao là tính sao nữa mẹ? Nghe tin nó về Canh Điền con mới về ở với mẹ”. “Còn như con Muội biết thương gia đình mình mà quay về đây?” Chị Cầm hỏi. Bìm ngồi lắc đầu lia lịa, không đáp, gương mặt thoáng buồn, dài dại ngước nhìn chị Cầm.

 

Thấy vậy, chị Cầm thôi hỏi con nhưng nhận biết ngay mọi việc không đơn giản chút nào : Liệu rồi đây thằng Bìm có chịu về ở hẳn với chị không? Tính làm sao với con Muội ở Canh Điền?... Tất cả buộc chị phải đối phó, xử sự với một tình cảnh mới trong gia đình đơn chiếc, tẻ lạnh như gia đình chị. Số chị hẩm hiu, lận đận không yên được trọn vẹn một ngày. Chỉ một ngày thôi. Chị nghĩ.

 

Chiến tranh đã lùi xa trên hai mươi năm rồi còn gì! Song những vết thương vẫn còn nhoi nhói đau âm ỉ – những vết thương cũ đâu dễ lành trên một đồng đất vốn đã cháy bùng lên nhiều ngọn lửa!

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 2934
Ngày đăng: 03.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cu Đồ cháy mấn - Hồ Tĩnh Tâm
Chết giữa dòng sông - Hồ Tĩnh Tâm
Tai biến một trò chơi - Lê Đình Trường
Câu chuyện kể trong ngôi nhà mới xây - Nguyễn Thanh
Chấm lửa đêm chiến tranh - Nguyễn Thanh
Tình yêu mãi xanh - Thanh Giang
Trăng muộn - Thanh Giang
Người ấy - Kim Quyên
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)