Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
463
115.870.907
 
Chợ cuối trời
Nguyễn Thanh

1

" Ví dầu cầu ván đóng đinh ; cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó qua..."

Với dượng Mật, chồng dì Ba Phụng của tôi lại khác, ít lui tới Cầu Cuối Trời, không cần cầu ván, cũng không đi cầu tre. Dượng Mật chỉ dùng một đoạn gỗ đước  bắc ngang con xẻo nhỏ cũng qua tới nhà cô Chín Thu Hà...

 

Chuyện dây mơ rễ má giữa dượng Mật với cô Chín Thu Hà chớm chớm từ dạo nữ diễn viên Thu Hà giã từ sân khấu rớt lại Chợ Cuối Trời. Đúng hơn, dượng Mật đặc biệt quan tâm đến cô Chín Thu Hà phải kể từ sau khi dì Ba Phụng của tôi từ trần chẵn hai năm. Năm ấy cô Chín trên ba mươi tuổi, chưa chồng. Dáng đi uyển chuyển. Da thịt trắng nõn nà từ gương mặt bầu bĩnh xuống tới đôi tay, đôi chân. Nhất là lúc Thu Hà nhập vai trên sàn diễn trông càng sang càng đẹp lộng lẫy khiến nhiều người đàn ông tuổi sồn sồn, kể luôn tốp trẻ tuổi mười bốn mười lăm như tôi và Út Mẫn đứa lặn mò tôm, đứa câu cá ngát bán lấy tiền mua vé coi cải lương.

 

Nhà tôi ở phía bên kia kinh xáng gần ngã ba sông, sang được bờ bên nầy, không mấy chốc, tôi bắt gặp Út Mẫn từ pía trong vòng rào vọt ra. Tóc hoe hoe vàng. Út Mẫn lăng xăng bước tới chỗ tôi, nói : "Anh Thành ơi, anh Thành... Ai dại tốn tiền như anh? Út liều mạng rọc mê bồ vô tới hậu đài coi cô Chín ngồi dậm mặt mới ngon chớ bộ! Người sao mà đẹp như tiên sa vậy đó. Không tin, anh thử đi một lần cho biết. Đi thôi!..."

Tôi kiếm Mẫn không chỉ một lần... đều trót lọt. Ngược lại, vài lần khác không kiếm được tiền giữa lúc việc canh phòng soát vé nghiêm ngặt nên không coi được cô Chín Thu Hà ngồi dậm mặt, Út Mẫn liền kéo tôi và đám trẻ đứng xếp hàng dọc trên bờ, đúng chỗ chiếc ghe chở ông Bầu gánh hát, vạch cu tè một lượt trông thấy mặt sông vẩy lên trăm ngàn ánh lửa mới chịu thôi.

 

Tôi đoán từ chỗ Út Mẫn mến mộ đào cải lương nên khi dượng Mật bàn với người nhà về việc góp chút công của cất nhà cho cô Chín làm chỗ mua bán quần áo cũ, Út Mẫn liền gật. Tức thì, ngôi nhà gỗ đước, mái lợp bằng lá dừa nước dựng lên lọt thỏm trong vạt rừng đước nằm thoi loi phía sau nhà dì dượng tôi.

 

Nhà mới cất trống huơ trống hoác vì không may dì Ba Phụng lâm bịnh nặng, kéo dài, khiến cô Chín Thu Hà, kể cả Hai Lành má tôi như cá mắc cạn tại nhà dượng Mật.  Chị em đồng cảnh tha hương cầu thực kết nghĩa mà. Hai Lành, Ba Phụng cộng với Chín Thu Hà thành phiên chợ sáng. Chưa kể cha tôi mất sớm do một tai nạn đốn củi gớm ghiếc trên rừng, Hai Lành sống cảnh góa bụa gần giống cảnh sống độc thân của cô diễn viên Đoàn Đất Mũi.

 

Chín Thu Hà mát tính, đa sầu đa cảm khác hẳn Hai Lành xởi lởi, ăn mặn, vác nặng. "Nghe lời em, chế Ba uống thuốc nghe!...", "Chế Ba cố lên... Uống!...". Giọng Chín ngọt lịm, "một chế", "hai chế" khiến dì Ba Phụng lúc nào cũng nghe theo.

 

Đoán biết mình khó sống, dì Phụng cố với tay nắm bàn tay cô Chín Thu Hà lắc lắc, giọng lạc hẳn đi : "Chín ơi, Chín... Chế Ba gởi thằng Út cho em! Chín trót khổ với chế quá, biết chừng nào chế trả ơn? Chín có nghe thấy không?"

Chín Thu Hà giật thót cả người, mồ hôi vã ra ướt trán. Người sợ quay quắt, cuống cuồng là dượng Mật tôi. Mái tóc rễ tre sợi đen sợi bạc xả xượi đổ xuống, dượng Mật liền khóc rứt lên, đã thèm. Nghe tiếng dượng Mật, dì Phụng dướn hai hố mắt thâm quầng về phía chồng. Chưa kịp trối trăng thêm điều gì, dì Phụng được má tôi dựng dậy cõng xuống bến sông gọi đò lên tỉnh.

 

Ở bệnh viện tỉnh mấy hôm, dì Phụng được trả về nhà. Chiếc đò tốc hành từ chợ Cà Mau trở về chiều hôm ấy không rước khách ; đò thả lên Chợ Cuối Trời chỉ ba người: Hai Lành, Chín Thu Hà và cái xác của dì Ba Phụng!

 

Nghe tin dữ, dượng Mật liền phóng mũi chĩa đâm ca dứa tới giữa vời sông Cửa Lớn. Gay thêm một chèo, dượng Mật gò lưng cố lấy hết sức quạt hai mái chèo thật mạnh. Chiếc xuồng ba lá cỡi sóng lưỡi búa như sải ngựa ngược về phía Chợ Cuối Trời...

2

Mười năm trôi qua. Chợ Cuối Trời thành chợ Huyện, hào phóng, đón nhận dân khắp vùng miền trong cả nước đổ về. Út Mẫn nghe lời dì Hai Lành và cô Chín Thu Hà lấy vợ đẹp người Hà Tĩnh, sinh cho dượng Mật đứa cháu trai. Sau đó, Út Mẫn gia nhập Bộ đội Biên phòng.

 

Trước khi đi nhận việc chốt tại Bãi Bồi Mũi Cà Mau, một buổi chiều không lấy gì làm vui vẻ, Út Mẫn đi tơn tơn sang nhà từ giã cô Chín Thu Hà. Và từ nhà cô Chín, Mẫn giữ nguyên vẻ mặt buồn thẩn thờ qua Cầu Cuối Trời tới chung cư chỗ tôi ở. Mẫn kéo tôi trôi tuột ra phía sau... Tưởng việc gì quan trọng, té ra Mẫn căn dặn tôi ở nhà nhắc khéo ông già chỉ vì nghe tin đồn phất phơ phất phưởng cô Chín Thu Hà là người tình cũ của tay thầu xây dựng Trọng Đạt ở phía bên kia chợ!

Má tôi chẳng những không tin mà còn nổi giận nói như tát vào mặt hai đứa tôi. Sau nầy lúc Mẫn ra đi không lâu, má tôi còn đem chuyện ấy rỉ vào tai dượng Mật mới khổ. Trước mắt, tiệc rựơu đế với món tôm đất nướng, cá dứa nấu canh chua tiễn Mẫn lên đường, hai đứa không dám bày ra trước mặt má tôi.

 

Trở về nhà, Mẫn kéo tay dượng Mật xuống tới bến sông, dặn : "Tuổi gần bảy mươi như ba không nên đi sông nước một mình nữa đâu nghe!..." Dượng Mật đưa tay gỡ cặp kiếng xuống, hai mắt trống trơn nhìn Mẫn, hỏi : "Ý mầy không cho ba đi câu cá dứa nữa à?" Mẫn liền gật : "Giải nghệ thôi ba, để con yên tâm công tác!". Dượng Mật gạn : "Út mầy còn muốn dặn ba thêm gì nữa không?" Út Mẫn đứng im giờ lâu, không nói.

 

Út Mẫn đi rồi, được nghe thêm lời khuyên ngăn có lý có tình của con dâu người Hà Tĩnh khiến dượng Mật quyết bỏ hẳn việc kiếm sống trôi nổi, bập bềnh trên sông. Tay làm hàm nhai mà, ăn ở không chán lắm, dượng Mật day tìm việc làm trên bờ. Từ việc đốn củi, hầm than, sên bùn, đào đất đến buôn bán "tôm chui"... dượng Mật đều đã làm tất và xếp xó những công việc đổ mồ hôi hột đâu vào đó lâu rồi. Trời định sức người trôi tuột dần theo tuổi tác buộc ông già chỉ biết quơ một ít củi khô, vót mớ đũa đước, o bế hết mình bức vách máng lủ khủ nào xoong, nồi, thau, chảo... cho con dâu Út và cô Chín Thu Hà như thế nầy mãi sao?

 

Dượng Mật không chịu nghỉ ngơi lấy một ngày. Chiều chiều, dượng Mật thường bước tha thẩn trên bến sông nhìn mặt trời sắp lặn xuống Mũi Đất. Sông Cửa Lớn hai mùa mưa nắng vẫn một màu nước đục ngầu, cuồn cuộn. Những  rặng đáy giăng ngang sông như trong cơn say khướt run bây bẩy, liên hồi... Không được đi sông, dượng Mật thường hướng ra mảng rừng, mảng trời phía dòng sông; đêm nằm day mặt ra phía sông càng nghe tiếng sóng tiếng rừng dội lên thêm ầm ào, khó ngủ. Phía sau lưng dượng Mật, trong nỗi thao thiết nhớ sông, nhớ đàn cá dứa đớp trái mắm trôi nổi theo con nước tháng chín tháng mười, có một đêm như thế, chợ nhóm ven kinh xáng bốc cháy!

 

Để quy hoạch lại Chợ Cuối Trời, phần lớn dân chợ cũ dời lên đất rừng còn chơm chởm gốc cây đước cây vẹt, dựng lên dãy phố sầm uất, khang trang chưa từng thấy bao giờ. Phần đất dượng Mật lòi hết ra mặt tiền. Cô dâu Út thức thời thuê người che thêm mái trước mở quán giải khát. Nhà cô Chín Thu Hà vẫn còn ở tít phía sau, mặt nhà hướng ra sông Cửa Lớn mênh mông sóng vỗ. Biết ai buồn hơn ai?

 

Nhô lên phía bên kia đường trước nhà dượng Mật là ngôi nhà cao tầng, tường sơn đỏ chót với cánh cổng có đề bảng "Coi chừng chó dữ!" của tay thầu xây dựng Trọng Đạt mới đáng để cho dượng Mật quan tâm!

 

Khác xa với dân tứ xứ ở Chợ Cuối Trời, qua hai tròng kiếng cận, tay thầu Trọng Đạt người cao to, đen nhẻm, ngực nhấp nhánh cọng dây chuyền vàng to cộm trông cao ngạo, lơ tơ mơ thề nào ấy! Sáng sớm trông thấy tay thầu Trọng Đạt mặc quần ngắn, lưng trần trùng trục xuất hiện trước cổng nhà, một tay giật giật mấy sợi dây xích đàn chó dữ làm dượng Mật ngồi nhấp nháp ly cà-phê đen bên nầy phải nghiêm sắc mặt, rung đùi mà thầm rằng : Người cố cựu ở đất Năm Căn chính là ta! Ít ra Ba Mật khoét rừng dựng nhà cùng thời với chủ "Năm Căn Lò Than" trên bờ sông Cửa Lớn. Ba Mật biết cất nước mặn thành nước ngọt tiếp tế cho Bộ đội địa phương quân, biết ăn trái mắm thay cơm và chứng kiến lính "Tàu Phù" tay chân của Mỹ ở Bình Hưng ăn thịt người! Ba Mật đã đi qua hai cuộc chiến tranh đánh Pháp đánh Mỹ trần ai khoai củ. Không nghe cô Chín Thu Hà hát khe khẽ : "Ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt : mười mấy năm rồi giấc ngủ chưa tròn..." đó sao? Cầu trời cho đất Năm Căn đãi người mới hiền lành, lương thiện!

 

Dượng Mật lặng lẽ, ưu tư. Trọng Đạt lầm lũi, hăm hở. Ngày ngày Trọng Đạt lên lên xuống xuống trung tâm Chợ Cuối Trời. Dượng Mật ung dung đi ngược hướng gió, tóc rễ tre ngả màu vôi vữa bồng bềnh, mắt đeo kiếng cận vẻ bao dung, độ lượng hướng về phía dòng sông...

 

Lúc bấy giờ đi lối  mặt tiền phải bước qua mặt đàn chó dữ không tiện, dượng Mật nhắm lối sau nhà, phải bước qua nhịp cầu khỉ để dượng Mật có dịp lau chùi quét dọn khu mồ mả của dì Ba Phụng. Chảy theo sau dượng mật, gạo trong khạp, tương, đường, bột ngọt, bột giặt... trong nhà vơi dần... Tất cả chuyện ấy không qua con mắt con dâu người Hà Tĩnh...

"Cô Chín đâu? Cô Chín có ở nhà không vậy?" Dượng Mật cất tiếng hỏi nhỏ vừa đủ cho Chín nghe. Chốc sau, một mình Chín xuất hiện sáng trưng nơi nghạch cửa. Vẫn chất giọng mềm mại, quyến rũ như thời ca cải lương, Chín lên tiếng : "Mời vào!"

 

Mối tình già nhen nhóm gần mười năm, chín mọng. Nói bấy nhiêu lời cũng bằng thừa. Dượng Mật rạo rực như thời trai trẻ mấy lần đầu gặp dì Ba Phụng. Quên mất tiu không còn giữ ý tứ, dượng Mật đưa tay đỡ đỡ gọng kiếng ngắm từ chiếc cổ thon thon vươn tới, sóng mũi cao trên khuôn mặt đầy đặn chưa một vết nhăn, đôi môi chúm chím và toàn bộ cơ thể nõn nà của một thiếu nữ...

 

Sự đời, giữa người với người vốn dĩ công bằng, sòng phẳng nhau. Công tử Bạc liêu dám đốt xấp tiền giấy soi kiếm đồng tiền xu, huống hồ dượng Mật tốn một ít tiền sau khi được ngắm một cơ thể đẹp, hoặc "ăn nằm" thưa thớt cái đặng cái không... Mà mỗi lần dượng Mật tốn một ít tiền, qua tay cô Chín Thu Hà, đều bay ngược về nhà làm quà lì xì cho đứa cháu nội, kèm theo mớ trái bồ kết của cô Chín mua từ Hòn Khoai cho con dâu Út nấu nước gội đầu. Có lần trong cơn nửa tỉnh nửa say, dượng Mật hỏi: "Nghe người ta phao tin bà có người tình?" Chín Thu Hà đáp thảng thốt : "Tin đồn? Hồi cậu Trọng Đạt còn đi làm công xây nhà tường bên Hàng Vịnh ban đêm trông thấy ghe ông Bầu ghánh hát bị phá nước  liền nhảy xuống cứu người lẫn ghe khỏi bị chìm!" Dượng Mật gạn thêm : "Rồi sau đó? Bây giờ?" cô Chín Thu Hà không một chút do dự. "Sau đó cậu Đạt ghen hàng xáo rồi gặp tôi vòi vĩnh... Tôi tát! Còn bây giờ cậu làm ngơ, làm lành, hứa khi Huyện thuê bồi con xẻo mở chợ, chỗ sau nhà bán quần áo cũ cậu giúp đổ thêm nhiều cát lấp nền..."

 

Dượng Mật nằm lắng nghe bỗng thiếp đi lúc nào không hây, thức dậy nghe tiếng sóng, tiếng rừng dội lên ầm ào từ phía sông. Dượng Mật nhủ thầm : "Chỉ có con sông Cửa Lớn chứng kiến cho ta!"

3

Quyết không  bán phần đất mặt tiền vôi ra, dượng Mật đi rảo hết những chỗ quen tìm việc làm tại Chợ Cuối Trời. Rốt cùng, dượng Mật mới tới chỗ tôi. Tôi đứng yên giờ lâu nén cơn xúc động sau khi đọc xong lá đơn tự tay người già viết - đơn xin được gác cổng Nhà máy tôm đông lạnh!

Là một Quản đốc Phân xưởng mới tinh, lần lữa mãi tôi mới mạnh dạn nhờ người khác chuyển đơn xin việc của dượng Mật tới tay Giám đốc Xí nghiệp. "Có phải Ba Mật tóc rễ tre mang kiếng cận ở Chợ Cuối Trời đó không?" Giám đốc Xí nghiệp gọi tôi tới phòng riêng, hỏi. Và không biết nghĩ sao, Giám đốc Xí nghiệp đứng yên một lúc lâu mới gật đầu. Đơn giản thế thôi, tạm thời dượng Mật được phân công gác cổng chính - lại là cái cổng day mặt ra hướng sông - chỉ mỗi buổi sáng hằng ngày!

 

Rồi sau đó không lâu, dượng Mật thạo việc, thêm được lòng cánh công nhân lẫn khách ra vào Nhà máy. Ông già mãn nguyện còn vì lẽ có điều kiện, thời gian về nhà phụ giúp công việc lặt vặt cho con dâu Út và tới lui lối cầu khỉ sau nhà. Không ai lấy gì làm ngạc nhiên sau khi tìm được việc làm thích hợp trên bờ, lại được làm chung với đứa cháu vợ, dượng Mật ra vẻ dè dặt, thận trọng hơn trong mối quan hệ giữa dượng với người tình cũ. Mỗi lần bước lên cây cầu khỉ qua tới bờ bên kia, dượng Mật bèn rút đoạn gỗ đước giấu kín gần đó để khi về, với cặp kiếng trắng ngấp nghé trên mũi, dượng Mật thò tay vào bụi rậm rút đoạn gỗ đước dựng đứng rồi cho ngả một đầu về phía nhà mồ vợ. Về đến bên nầy, dượng Mật không quên rút cầu, hì hụi tha đoạn gỗ đước giấu vào chỗ khác, kín bưng.

 

"Ba!" Một tiếng kêu lớn vọng ra từ khu nhà mồ. Dượng Mật một tay dựng đứng đoạn gỗ đước, day người lại. Té ra thằng Út Mẫn mặc nguyên quân phục về thăm nhà rồi liền lội ra mả mẹ. Mẫn bước tới... "Con khuyên ba đừng đi!.." Mẫn nói. Dượng Mật đưa  một tay gỡ cặp kiếng xuống, hai mắt trống trơn nhìn thằng con đang đứng trước mặt mình. Dượng Mật nói : "Cô Chín bịnh... Ba đi thăm cô Chín. Con nhớ hồi trước cô Chín cực khổ với má con?" Mẫn khăng khăng : "Con đồng ý, nhưng việc đi thăm cô Chín để phần cho vợ chồng con lo". Dượng Mật bí đường, trở quạu. Mà mỗi lần dượng Mật tức giận thường hay gay vào chuyện đại sự, chuyện bằng trời : "Ai có phận nấy. Thăm cô Chín xong, Út Mẫn mầy cứ an tâm về coi cái Bãi Bồi của mầy, nơi vựa cá vựa tôm phân phát cho các vàm sông, cho cả nước... Coi chừng thù trong , giặc ngoài!..."

 

Dượng Mật nói dứt câu, tay buông đoạn gỗ đước ngả một đầu về phía bên kia. Nghe tiếng cây rớt bịch xuống đất, đàn còng gió chạy búa xua, biến mất ; đàn cá thòi lòi giương kỳ chạy xoèn xoẹt chui hết vào hang.

 

Hai Lành xuất hiện.

Việc trước tiên, Hai Lành lấy tuồng sức múc nước dội rửa lau chùi nền gạch trong nhà mồ lát lâu mới lên tiếng: "Đàn ông chết vợ, đàn bà chưa chồng có quyền chọn mặt gởi vàng. Làm bạn già cũng nên. Có gì mà quan trọng phải vỡ ra như sóng dưới sông Cửa Lớn?"

 

Ai chứ dì Hai Lành của Út Mẫn, Mẫn không dám cãi. Mẫn lẳng lặng bước vào nhà...

4

Huyện không thuê tay thầu Trọng Đạt mà mời một Công ty xây lắp trên tỉnh tới san lấp mặt bằng mở chợ. Khi đó dượng Mật và má tôi cứ ngỡ Trọng Đạt trúng thêm một công trình béo bở.

 

Con xẻo sau nhà dượng Mật cạn dần. Ngồi bên nầy kinh Xáng nhìn sang bỗng nhiên má tôi hây buồn dào dào. Một hôm má ngồi trước mặt tôi thật lâu mới lên tiếng căn dặn : "Thành à, con là con một lớn lên khỏi phải ra riêng. Gian nhà mua trả góp nầy là của con. Số má phải qua ở với cô Chín Thu Hà cho có bạn. Tội nghiệp cô Chín thân sơ thất sở ở nhà một mình!"

 

Tôi ngơ ngác vừa tỏ thái độ không đồng tình, cũng không cản má. Tôi biết nguyên nhân sâu xa má tôi không muốn người đẹp, nết na, tốt bụng sa vào nhà có đàn chó dữ. Thà cô Chín Thu Hà làm bạn già với dượng Mật trong lúc dì Ba Phụng của tôi đi xa. Má tôi tính vậy xong liền thôi đi rảo khắp vàm rạch cân tôm sú về bán cho Nhà máy tôm đông lạnh, chuyển sang việc lên chợ tỉnh bổ quần áo cũ về cho cô Chín Thu Hà bán sỉ cho các sạp quán tại Chợ Cuối Trời.

 

Nằm giữa không mất phần mền : Ba Mật, Hai Lành, Ba Phụng, vợ chồng Út Mẫn cộng thêm Trọng Đạt (Đạt chỉ là chiếc bóng mờ) nhưng đều thương quí cô Chín Thu Hà người dưng nước lã. Riêng dượng Mật lúc bấy giờ không yên. Trong mấy chục công nhân khuân vác cát lấp từ bến sông lên đất rừng, dượng Mật thường đưa tay đỡ đỡ hai gọng kiếng săm soi, kiếm tìm một người, chỉ một thôi, không thấy... Tay thầu Trọng Đạt vẫn lên lên xuống xuống trung tâm chợ, hoặc đi đâu, về đâu?...

 

Rồi đùng một cái, có một hôm đêm sắp tàn, Trọng Đạt một mình bỏ trốn ra khỏi Chợ Cuối Trời! Đạt bị phá sản từ việc vay vốn khống đóng tàu đánh bắt thủy sản xa bờ sau cơn bão số 5, năm 97. Thêm nữa, Đạt xây nhà ở nhiều tầng không đúng theo quy hoạch chợ, cái buộc phải di dời, cái xây dở dang. Ngôi nhà nhiều tầng của Trọng Đạt bị niêm phong tức khắc. Dĩ nhiên mảng tường màu đỏ rực vùng nhiệt đới làm hư mắt sẽ được thay thế màu xám trắng mây trời, nhưng trước mắt, đàn chó dữ đã tan tác theo chủ.

Trong lúc dượng Mật còn đang ngơ ngác chưa biết phải vui hay buồn thì má tôi với ngọn đuốc cháy rừng rực trên tay, hớt hơ hớt hải chạy tới, lên tiếng: "Dượng Ba ơi, dượng Ba!... Dượng có hay gì không? Chín Thu Hà không chịu ở với chị em mình nữa rồi, bỏ đi mất rồi! Không theo Trọng Đạt còn theo ai?" Tôi vừa tới nơi, má tôi đã bước vào phía trong nhà, tiếp : "Nuôi ong tay áo mà. Lỗi cũng tại Hai Lành chiều chuộng cô Chín một phần. Dượng Ba!...". Nghe vậy, lần đầu tiên trong đời tôi to tiếng với má tôi, vừa phân bua với dượng Mật về điều nghi oan của má đối với cô Chín Thu Hà : "Không. Không phải vậy đâu má. Cô Chín quen sống theo gánh hát, nghe tin Đoàn cải lương Đất Mũi diễn đêm từ giã bà con bên rạch Ông Định sắp nhổ neo, cô Chín móc nối người trong Đoàn hát lái vỏ chạy sang chợ Cuối Trời rước cô Chín đi..."

Tôi đoán chắc vậy là vì hôm qua, hôm kia, chính mắt tôi thấy tay ngoại vụ cũ của Đoàn cải lương Đất Mũi có chiếc răng khểnh xuất hiện ở Chợ Cuối Trời, một vài lần ngồi chung bàn với cô Chín Thu Hà trong quán cà- phê Phương Nam. Nhưng rồi không hiểu sao, tôi quên không báo tin đó với dượng Mật và má tôi.

Lắng nghe hai nguồn tin trái ngược nhau, dượng Mật đứng sững người nơi nghạch cửa, một bàn tay xương xẩu xòe ra giơ lên ngang mang tai ra hiệu cho người trong nhà im lặng. Dượng cố nén... dẫu thế nào đi nữa, người không chịu dừng chân trên đất nầy đã ra đi. Dượng nghĩ, với một nữ diễn viên bôn ba, đa sầu đa cảm như cô Chín Thu Hà giã từ Chợ Cuối Trời đi về một nơi khác cũng dễ hiểu thôi. Như con chim bay chưa biết mỏi cánh mà ; con chim bay đi rồi bay lại ; chim nhớ chợ nhớ sông chắc chắn có ngày chim tìm về tổ cũ!

Dượng Mật vững tin như thế nên khác hẳn lúc dì Ba Phụng hấp hối trên giường bịnh, dượng Mật dần dần tỉnh khô như không hề có việc gì xảy ra. Thứ nữa, dượng Mật chẳng hỏi gì thêm mặc dù dượng Mật mới nhận được tin cô Chín Thu Hà gởi lại cho dượng chiếc áo ấm ; còn phần mình, cô Chín Thu Hà chỉ mang theo bộ đồ đựng trong chiếc túi xách bạc màu, nhẹ hơ y hệt chiếc túi xách hôm cô giã từ sân khấu rớt lại Chợ Cuối Trời!

Hôm sau... Rồi hôm sau nữa, dượng Mật lần theo lối cây cầu khỉ giờ đây cao ráo, nối liền hai bờ con xẻo nhỏ, bằng phẳng dễ lui tới nhà cô Chín Thu Hà gấp nhiều lần. Cảnh cũ còn đây nhưng người thương và đàn còng gió biến đi dâu mất! Dượng Mật thường đứng đây lâu lắm, đến tràn ngập lòng thương yêu con người mới nhẩn nha bước về phía dòng sông. Phía sau lưng dượng Mật, Chợ Cuối Trời hào hiệp, cần mẫn với những công trình xây dựng mọc lên như nấm và nhích dần về phía sông!.

            Thị trấn Năm Căn-

     Cà Mau - Tháng 6/2003

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3212
Ngày đăng: 03.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cu Đồ cháy mấn - Hồ Tĩnh Tâm
Chết giữa dòng sông - Hồ Tĩnh Tâm
Tai biến một trò chơi - Lê Đình Trường
Câu chuyện kể trong ngôi nhà mới xây - Nguyễn Thanh
Chấm lửa đêm chiến tranh - Nguyễn Thanh
Tình yêu mãi xanh - Thanh Giang
Trăng muộn - Thanh Giang
Người ấy - Kim Quyên
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)