Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
455
115.865.293
 
Chờ đò
Nguyễn Thanh

Loay hoay hết ngày mùng bốn Tết Mậu Dần, kết thúc một dịp cha con tôi về thăm quê, Mị, con gái Út của tôi lên mười hai mười ba tuổi rồi nhưng cứ muốn chạy rong rong, tưng tửng ngoài đồng với đám cháu gọi Mị bằng cô Út, không muốn về chợ lúc nầy chút nào. Để chiều lòng con bé, tôi bấm mấy bôi ảnh cuối cùng còn sót lại trong máy ảnh lúc cha con ngồi đợi đò kề bên túp lều vắng chủ - lều của thằng Lặn - hướng mặt ra con sông lớn.

 

Mới bốn giờ chiều, hãy còn sớm chán so với nhiều lần trước cha con tôi sắp soạn về chợ sau một hai ngày nấn ná ở quê. Nắng hãy còn chói gắt, rải ngàn ánh sao trên mặt sông căng đầy sóng gió cùng đổ một chiều ra phía biển, băng băng, cuồn cuộn. Tôi nhắc khẽ Mị dịch người gần bóng mát hơn, nhưng con bé lầm lì một chỗ, chốc sau mới chịu quẫy người đứng dậy bước tới ngồi sát bên tôi. Tóc kẹp đuôi gà, mặt đỏ lơ đỏ lưởng vì con bé không hề sợ nắng.


Bỗng, Mị trở nết bất thường, miệng ghé sát tai tôi nói khẽ :


- Nhà anh Hai Lặn là nhà nầy thiệt sao ba ? Từ trong vườn xéo xéo nhà nội, anh Hai Lặn dời nhà ra đây thiệt hả ba ? Tội nghiệp anh Hai chớ con không tội nghiệp vợ ảnh. Chị hai làm gái thả từ lúc anh Hai Lặn còn sống đó nghe. Chị tệ …


Tôi trừng mắt nhìn Mị :


- Ai nói với con chị hai làm gái thả ?


Mị vội vàng dang xa chỗ tôi, mặt hướng ra con sông lớn, nói :


- Không tin ba thử đi hỏi người ta sẽ biết. Con tức ba quá …


Nói xong, Mị vẫn ngước mặt nhìn về phía bên kia sông nơi có vài đọt vừng non vẩy lên những ánh đỏ. Đuôi tóc con bé hơi bùng bùng sau gáy, càng uốn thắt cong cong đuôi gà giữ yên trước mặt tôi. Tôi mừng thầm vì con gái tôi còn biết nhắc, biết thương anh Hai Lặn của nó, ngược lại, ngực tôi nhói đau vì chuyện nghiệt ngã mà Mị mới vừa mách với tôi có thật. Buộc lòng, tôi đứng lên ghé người sát cánh cửa khép hờ và đưa tay kéo cánh cửa hé rộng ra thêm. Trước mắt tôi hiện ra nền đất váng phèn, lồi lõm với mấy thứ tiện nghi tuyềnh toàng. Không có bàn thờ, và thay vào chỗ cần đặt bàn ghế tiếp khách là một chiếc võng bện bằng dây ni-lông cắt ngang mặt cửa.


Tôi biến thành kẻ bâng khuâng, lạc lõng giữa trời chiều vì đò chưa qua, chủ nhân túp lều nghèo nhất nhì xóm Rạch Lá chưa về. Cả hai lẽ, thực ra tôi vẫn còn nuôi hy vọng. Đằng nầy, thằng Lặn vĩnh viễn không còn về xóm gặp lại cha con tôi nữa !

 

Lặn là tên một nhân vật trong truyện "Đứa con người liệt sĩ" của tôi cách đây trên hai mươi năm - một truyện ngắn dựa vào câu chuyện thật ở xóm tôi sau ngày giải phóng. Nhớ lúc bấy giờ có một lần tôi về thăm quê, được tin, thằng Lặn lò dò sang nhà nhờ tôi làm "Tờ khai liệt sĩ" cho cha nó, tức Ba Lành, Trung đội trưởng Trung đội Công an vũ trang tỉnh, bạn thân của tôi từ thủa nhỏ. Trong lúc thằng Lặn ấm ớ khai tuổi Ba Lành là tuổi "con ngựa", kể chuyện khi nhớ khi quên, miệng phì phà điếu thuốc đen Hải Đảo, mắt nhắm híp trước mặt tôi thì phía bên kia sông vang lên tiếng gọi con rõ mồn một. Đó chính là tiếng của Út Tiện, mẹ Lặn mặc cảm tự thấy mình không còn xứng đáng là vợ liệt sĩ nên thường lánh mặt không muốn gặp tôi. Là vì sau khi Ba Lành hy sinh, xóm tôi mọc lên một đồn giặc gần vàm Rạch Lá. Bị hà hiếp, rúng ép đến đường cùng, Út Tiện chấp nhận làm tình với tên đồn trưởng khét tiếng gian ác. Tiện bị thân nhân ruồng rẫy, bị bà con trong xóm khinh chê ra mặt … Tất cả những điều đó khiến tiếng gọi con trong đêm phát ra từ những thân cau lừng lững ngang nhà tôi chơi vơi, nghèn nghẹn, âm thanh trải dài lung linh trên mặt sông. Nghe được, Lặn lật đật chạy ra sân, và từ bờ bên nầy, Lặn lên tiếng đáp lời Út Tiện. Kế đến là một giọng già nua của mẹ tôi, cũng từ bờ bên nầy, bà kêu với qua chỗ mấy thân cây cau lừng lững : "Ừa, để tao nhắc thằng Lặn xong việc về ngay. Còn bây giờ con Út có qua nhà chơi với bác không ? Bác rước …"


Tôi vân vê cây viết trên tay chờ nghe tiếng đáp lại từ những vết mực xổ dài, thẳng đứng trên giấy in hình những thân cây cao lừng lững ngang mặt nhà tôi.


Út Tiện vẫn đứng chết lặng bên những vết mực xổ thẳng đứng, còn dáng mẹ tôi gầy guộc, lóng nhóng phía bên nầy khiến tim tôi se thắt lại.


Mẹ tôi thương thằng Lặn như thương cháu nội. Lúc con trai tôi và thằng Lặn đi học xa nhà, bà đem hai nạng giàn thun của hai đứa cất giấu vào tủ ; khi nhớ hai đứa cháu, bà mở toang hai cánh tủ, đứng nhìn. Còn trước hiên nhà, bà dựng hai cần câu nhấp của hai đứa bé để nhắc nhớ dạo hai đứa chơi thân với nhau, từng đi hái rau, nhấp cá, theo trâu lang thang trên đồng như tôi và Ba Lành thủa nhỏ …


Rồi không may, thêm một cơ hội nữa do tôi và anh em cán bộ địa phương giúp Lặn ngấp nghé bị vỡ : Người đỡ đầu cho Lặn sau khi Ba Lành hy sinh là bác Hai Đờn của nó bị bịnh tai biến mất đột ngột. Thằng Lặn ôm gói trở về Rạch Lá, nấn ná, lưỡng lự ít lâu mới chịu nghe lời cô bác lên đường tiếp tục học hành. Kế đến là chuyện bác gái hóa ra người đàn bà khác thường sau khi làm đám xả tang cho chồng : Đầu tóc bao lưới đen. Nguyên bộ bà ba mỏng dánh bó thắt thân người ngày càng tròn trĩnh, rắn chắc. Hoa tai cẩm thạch. Thêm mấy lóng tay cộm thêm mấy chiếc nhẩn vàng. Cổ nần nẫn nhấp nhánh dây chuyền vàng …


Người đàn ông thường lui tới ăn nằm với vợ Hai Đờn không ai ngoài Hai Phục vợ tròn con vuông lâu nay không rời khỏi đít ông táo ở xóm Rạch Lá. Phục đen đúa, cục mịch nhưng được nước ham làm và khỏe khoắn như trai tơ. Người đàng hoàng, tròn trịa là thế, nhưng khi con vợ nhà phát hiện làm ầm lên, lập tức, Hai Phục chùng xuống, người héo xèo như tàu chuối bắt lửa. Vợ Hai Phục lồng lên do ghen thật lẫn ghen ngược hòng khỏa lấp lời đồn đại ầm ỉ lâu nay ở xóm Rạch Lá : "Vợ Hai Phục lúc chưa chồng biết mê ngón đờn tỉ tê dám bỏ nhà ngủ qua đêm với Hai Đờn tại đám lá tối trời sau nhà Hai Phục mới ra nông nỗi !" Nhưng vợ Hai Phục không ngờ rằng sau những cơn thịnh nộ thô lỗ, tục tằn, chị để vuột ra khỏi tầm tay một người chồng chất phác, giỏi giang, siêng xắn như Hai Phục.


Hai Phục thất thần bỏ xứ ra đi và không quên dắt vợ Hai Đờn theo bằng chiếc ghe lườn của Hai Đờn để lại cho vợ con làm của. Nhờ sức trẻ của hai Ngon, con trai đầu lòng của Hai Phục nổi máu đàn ông ; đặc biệt nhờ ông Tư Tự chết vợ chuyên nghề kéo đập mướn muốn làm bỏ ghét loại đàn bà hư hỏng như vợ Hai Đờn nên chiếc ghe lườn dài nhằng tuột khỏi đập ngăn mặn dễ ợt, ung dung nhập vào một dòng sông lớn.


Lần đầu tiên Hai Phục khởi đi xa không vì mục đích như lời bàn ra tán vào phất lên thành luồng lịch : "Dịp nầy, quá lắm rồi, làm gì Hai Phục không thanh toán món nợ đời vợ không còn trinh nguyên vì ngủ qua đêm với Hai Đờn ngoài đám lá tối trời …" Chuyện diễn ra bình thường : Chiếc ghe lườn 5,5 tấn chỉ chuyển vài chuyến hàng bông nhẹ tênh, phần lớn làm nơi che mưa che nắng, vững chãi như một gian nhà nổi cho đôi tình nhân luống tuổi hồi xuân đầu ắp tay gối, rạo rực, hả hê mấy tháng ròng …


Sau sự kiện bể trời, động đất - Hai Phục dẫn vợ Hai Đờn - nghe tin tôi về, lặn đón tôi tại đập ngăn mặn, dắt tôi lội vòng vèo lên Đìa Lớn, không ghé nhà Hai Đờn với mục đích gì tôi chưa rõ.


Tôi đứng nép người dưới tán trâm bầu trên bờ Đìa Lớn bỗng nhớ anh Hai Đờn có ngón đàn tuyệt diệu, một lần dắt tôi lên Đìa Lớn, cho không và còn đốn giúp ba cây trâm bầu làm cột cái lúc gia đình tôi hồi cư về mảnh vườn cũ điêu tàn.

 

Đốn xong ba cây trâm bầu, mình mẩy, đầu cổ anh Hai Đờn bị đàn kiến vàng bám đầy, không có cách nào khác, anh Hai Đờn phải ngã người xuống nước. Chính khoảng nước dờn dợn lên giữa Đìa Lớn, thằng Lặn thinh không từ trên bờ nhảy ùng xuống ngụp lặn, ngửa người "thả tàu" miệng phun phì phèo bắn những vòi nước trắng xóa lên trời y hệch bác Hai Đờn của nó lúc vuột bầy kiến vàng ra khỏi người.

Bơi lội giờ lâu dưới đìa, Lặn bườn lên bờ đứng tựa lưng vào một thân cây trâm bầu sát người tôi.


- Hồi làm "Tờ khai liệt sĩ", con nhắc Đìa Lớn là cái đìa nầy - Giọng Lặn kham kháp vì lạnh. Lặn tiếp - Chính chỗ nầy hồi đó con thấy bác Hai Đờn cõng xác ba con từ Kinh Giữa đi xăm xăm về chỗ hầm tránh đạn trên Đìa Lớn, có mặt má, bác gái và anh chị bà con chú bác với con.

Lặn dừng nói, mặt ngước nhìn về hướng Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Khánh Bình mới dời ra ven sông lớn, gương mặt héo khô trong bóng mát, giọng chậm rãi :


- Nói thiệt với chú Út, chắc con thôi học ! Hoàn cảnh gia đình con, chú biết. Kế đến xảy ra chuyện bác Hai gái của con …


Té ra Lặn dắt tôi lên Đìa Lớn cho kỳ được chính là để bọc bạch chuyện nầy ! Tôi an ủi Lặn. Nhiều bà con trong xóm ấp, kể cả người có chức trách ở xã khuyên Lặn như tôi : Phải cố mà học !


Lặn tiếp tục học thêm ít lâu, lại thêm một chuyện xảy ra hoàn toàn bất lợi cho nó : Út Tiện sắp sửa đi bước nữa với anh ngư phủ ở vàm Kinh Hội, Khánh Lâm. Anh chàng ngư phủ lỡ thời sống độc thân tên là Lượm - Út Lượm - hiền từ như cục đất nhưng keo kiệt bủn xỉn khó ai sánh bằng. Để có được những năm tháng thảnh thơi, yên ổn làm một việc coi sóc chuyện nhà cho ông chủ một chiếc ghe đẩy te hoạt động ngoài biển khơi, Út Tiện với tư cách làm mẹ cắt đặt cho con trai có đôi có bạn để sống tự lập.


Mọi việc, từ việc mẹ phải đi bước nữa, con trai phải lập gia đình đều hợp lý cả. Duy có đến năm sáu bà mẹ liệt sĩ, trong đó có mẹ tôi chống đối ra mặt. Riêng mẹ tôi mỗi tối lọ mọ xuống bến nhổ cây dầm bơi xuồng qua sông để gặp Út Tiện. Bà nói có ca có kệ như đọc truyện "Lục Vân Tiên". Và, dường như bà đã nghe ngóng,, lượm lặt được chuyện gì đó nên mạnh dạn đặt vấn đề với Út Tiện : "Con làm theo ý con Út, chọn đứa nào ở xóm nầy ? Con Út dư biết, tốt con chọn nái, tốt giống, chọn giòng" …

 

Út Tiện lờ đi. Từ địa vị một tình nhân của tên đồn trưởng gian ác nay bước lên một nấc thang làm vợ một người lương thiện, làm chủ một chiếc ghe te, Út Tiện bộc lộ một chút kiêu hảnh bù trừ những năm tháng bị người đời xỉa xói, khinh khi. Thế nên, sau khi mẹ tôi mất, vài bà mẹ liệt sĩ qua đời, thằng Lặn mất chỗ dựa đành răm rắp nghe lời mẹ, hốt nhằm cô Khịa một trong bốn cô gái choai choai từ miệt rẫy Cây Thơ thả lên vùng trồng lúa màu mỡ kiếm sống.

Kể ra tên Khịa khó kêu hơn so với Đẹp, Hoa, Lệ bạn cùng cảnh chối bỏ xóm rẫy mặn nòi, đẫm phèn ra đi. Nhưng Khịa đẹp, biết cư xử và chiều lòng mọi người. Nhờ vậy, Khịa "ăn nên, làm ra" chiếm cảm tình hầu hết tốp đàn ông "trăng hoa" ở Lung Dừa, Lung Ngang và xóm Rạch Lá. Khịa lấy chồng. Còn tốp bạn gái như Đẹp, Hoa, Lệ bị Ban an ninh xã mời cải tạo, sau đó mỗi người đi mỗi ngả, mất biến …


Khịa lẳng lặng làm dâu không có mẹ chồng. Không lâu, con bé Giàu ra đời trong lúc củi lửa thường tắt ngấm, lạnh ngắt dưới lưng. Nhưng may thay, Giàu bụ bẫm, khôi ngô lớn lên như thổi. Và Giàu thường nằm lật ngửa, mặt lún liến ngước lên chùm bông đủ màu kết bằng vải vụn vì cha mẹ thường vắng nhà.


Sau khi sinh nở, Khịa trắng hới, tròn trĩnh với hai bầu vú căng đầy. Cộng thêm những bộ quần áo "mốt" mới, kem phấn … Khịa nổi bật lên như những đọt vừng non đỏ chói trong đám lá dừa nước, lá mái dầm ven sông. Ngược lại, Lặn đầu tắt mặt tối hết đi câu đến đào đất mướn nhưng quanh năm suốt tháng không đủ ăn, nhà không gí được mười giạ lúa. Cuối cùng, mười công ruộng, bốn công vườn được vợ lẫn chồng tán thành đem cầm cố. Ngôi nhà lá ba gian được xếp lại, và khi di dời ra ven sông lớn, nhà biến thành một túp lều.


Vẫn chưa ổ định cuộc sống, Lặn phải bấm bụng xa vợ, xa con Giàu. Út tiện kịp thì làm phận sự một người mẹ, không đưa con xuống ghe câu mực, ghe cào xa bờ, tiện nhất, Lặn tháp tùng theo ghe Út Lượm.


Từ Kinh Hội về vàm Rạch Lá, đi tắt hay đi vòng đều mất một ngày đường. Thế nên đôi ba tháng, Lặn mới mang tiền về thăm nhà một lần. Và lần nào cũng vậy, tốp con gái của Hai Phục, Hai Đờn … kéo nhau đến gặp tận mặt Lặn để mách một việc hệ trọng. Đó là việc Khịa trở lại làm gái thả. Lặn lờ đi, cúi xuống hôn con. Càng nhìn, Lặn càng thấy gương mặt bầu bĩnh, đôi chân mày đen rậm giống Lặn như đúc. Con của Lặn chớ của ai ? Lặn cả tin Khịa, nên, đám trẻ nói thét, Lặn trở quạu, vỗ ngực bình bịch trước khi hét lên : "Tụi bây có tài bôi xấu chị Hai bây. Hết chuyện làm thì xin phép gia đình theo tao đi biển kiếm tiền. Không có nghề nào bằng nghề đi biển. Vàng cây. Tao cấm đứa nào xỏ mũi xỏ miệng vô chuyện gia đình tao. Tao giết chết đứa nhiều chuyện ! Nghe chưa ?". Đám trẻ tự nhiên đứng trơ ra. Nhiều đứa cười khúc kha khúc khích rồi bỏ về.


Lặn nán lại nhà cùng lắm là hai ngày theo lời đề nghị thẳng thừng của người chủ ghe te keo kiệt.


Lặn đi rồi, phía sau lưng Lặn - xóm Rạch Lá râm ran đầy chuyện vớ vẩn về Khịa. Mười trận gây gổ, thậm chí đánh nhau thì có tám trận bà vợ ghen tuông với ông chồng lẳng lơ đều nhắc đến tên Khịa. Khịa làm ngơ, trơ trơ như đá vì chính Khịa quen đường cũ, không có cách nào khác hơn phải "bán trôn nuôi miệng" …


Mãi cho đến một lần Lặn về thăm quê mới ngẫm ra đám con gái Hai Đờn, Hai Phục thương mình. Vì thương mình nên chúng nó nói thật. Nhưng chuyện không hay mới xảy ra trước mắt Lặn được Lặn bịt kín mít vì con Giàu bụ bẫm mới biết đi lẫm đẫm. Con bé biết sợ hãi cuống quít lên mỗi lần Lặn giả đò sắp soạn quần áo trở về Kinh Hội. Thứ nữa, người đàn ông ghé nhà ăn nằm với Khịa không ai khác hơn ông Tư Tự chuyên nghề kéo đập mướn, là bạn thân của hai Phục lẫn bác hai Đờn của Lặn !


Lần thứ hai, Lặn về thăm quê không thờ ơ như lần trước. Lặn không ghé thẳng vàm Rạch Lá mà dừng cách đó không xa lúc chiều mờ mặt người. Một tay cầm đèn pin, tay kia lăm lăm một cây rựa của những người thợ lội rừng đốn lá, Lặn ngồi chực chờ sau hàng đăng sậy cho đến khi trời tối mịt. Lặn hết ngồi đến lúc phải đứng nhón chân giống như lúc lặn thả sợi dây câu bỏ nhỏ nhử mồi trong đám lá mái dầm bịt khù. Qua ánh sao lờ mờ, trước tiên hiện ra trước mặt Lặn một chiếc xuồng con lủi vào bến, nem nép phía sau chỗ cầu thang. Xuồng được kẹp lại giữa vực đất cao và đám lá dừa nước mọc thêu lêu ven rạch. Một người đàn ông cắm cây dầm ngồi phơi tấm lưng thớt, đầu tóc bù xù, hai tay đập muỗi lạch xạch … Lặn nhìn đăm đăm người đàn ông trông quen quen, là lạ. Lặn không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào của anh ta. Lúc người đàn ông ngồi yên dưới xuồng, Lặn đứng nhón chân sau hàng rào đăng sậy. Khi người đàn ông dợm bươn lên bờ, Lặn nhanh nhẹn men theo vách lều vào đứng gần mép cửa. Lặn đứng thẫn thờ giây lâu vì vừa nhận ra người mới vào nhà là thằng Hai Ngon con trai đầu lòng của Hai Phục. Rõ là Hai Ngon tóc bù xù, lưng dài, thủa nhỏ cùng với Lặn theo trâu lên tận Đìa Lớn ăn trái môn nước chín - Một thằng bạn !


Nhưng khi tiếng động đùn đẩy trên bộ ván thông đặt gần giường con Giàu đang ngủ, Lặn cầm rựa cầm đèn đi vòng ra lối sau đưa tay đẩy cửa vào nhà. Trước tiên, Lặn ném cây rựa đánh phịch xuống giữa nhà, một tay bật đèn pin, một tay bế xốc con Giàu áp sát ngực mình, vừa gọi :


- Má con Giàu thức dậy đi … Ra khỏi mùng đi !…

Nói xong, mặc tình vợ và thằng bạn van xin tha tội. Lặn bế con Giàu bước vội ra khỏi lều rồi đi biền biệt …


Lặn sống thui thủi, lặng lẽ trong hoàn cảnh không có con Giàu bên cạnh. Giàu không quen xa nhà cứ khóc ngằn ngặt thâu đêm buộc lòng Út Tiện phải đưa con bé về gởi cho mẹ. Lặn làm đầu tắt mặt tối hơn hồi còn ở xóm Rạch Lá, tận dụng những dịp ra khơi để kiếm nhiều tiền nhiều vàng dành cho con Giàu sau nầy có điều kiện ăn học.


Rồi dẫn đến một ngày … một ngày bất thường … trời khi mưa, khi tạnh. Bầu trời lúc sụt sùi âm u, khi trong veo thăm thẳm. Gió kéo những trận mưa dậy lên nháo nhào từ chập chiều. Sang đêm, mưa dứt hạt, chỉ còn gió giật liên hồi. Gió cuồn cuộn, xô bồ kéo theo tiếng động ầm ào như có ngàn cỗ máy nổ, ngàn cánh quạt trời đặt trên những nóc mái vàm Kinh Hội quật ngược về phía biển. Chiếc ghe te của anh ngư phủ Út Lượm bị sóng cuốn chìm từ những phút đầu, khi ghe áp sát Hòn Chuối. Út Lượm sống sót bơi vào tới chân hòn nhờ mấy cal nhựa kết thành chùm của thằng Lặn nhường cho trước khi nó xuôi tay xuôi chân thả chìm trong biển sóng. Thế nên khi tan bão, đang nằm tại một địa điểm cấp cứu dã chiến, người còn nhèo tử như xơ mướp, Út lượm nghe lùng bùng bên hai lỗ tai giọng kêu khàn đặc, văng vẳng của thằng Lặn : "… Cố lên đi ba ! … Ba còn về với má con, với vợ của con ! Cố lên ba !…" Kế đến là tiếng gọi con văng vẳng : "Giàu ơi !… Bớ Giàu !…" trước khi dứt hẳn.


Vẫn còn nằm trên giường cấp cứu, Út Lượm giọng phều phào kể hết chuyện ấy cho vợ nghe. Út Tiện gởi chồng gởi nhà đi rong rổi qua nhiều cửa sông tìm xác con. Còn Út Lượm sau khi hồi phục sức khỏe, không cần bàn bạc với vợ, tư tay rứt mớ tiền dành dụm và bán những thứ bán được đem tran trải cho nhiều người cùng cảnh. Đích thân Út Lượm đổ đường qua xóm Rạch Lá lo thu xếp chỗ nơi ăn ở, sinh sống cho vợ con thằng Lặn.


Khịa tiến thoái lưỡng nan, nửa muốn về Kinh Hội, nửa muốn ở lại xóm Rạch Lá. Điều đáng nói là bỗng dưng sau bão, trước cảnh ngã đổ xơ xác của xóm Rạch Lá, Khịa hóa ra người bình dị, lam lũ như tốp con gái Hai Phục, Hai Đờn. Khịa quần vo áo vận lội rừng đốn lá, Khịa thường ghì chặt con Giàu vào lòng, mắt ráo hoảnh nhìn đăm đăm xuống mặt sông đang phập phồng sóng gió …


Và, cho tới một đêm, tất cả những đổi thay bất thường trong cách sống của Khịa không còn là dư âm đồn đại nữa. Đêm ấy, không phải một mình Hai Ngon sau bữa rượu ăn mừng cha và người tình len lén về xóm bằng đò tốc hành, mà cón có ông Tư Tự vừa dự tiệc cùng đi. Không có việc gì phải lo lắng cả, vì ngôi nhà tường ba gian không di sơ sau bão, và mặc dù chiếc ghe lườn mất biến không thuộc về tay cha mình, cộng thêm một phần phấn khích vì rượu, Hai Ngon tỏ ra tay anh chị biết chịu lép để nhường cho ông già dở hơi vào nhà Khịa trước. Kẻ tung người hứng. Ông già Tư Tự im ỉm nghe theo sự xếp đặt của Hai Ngon chỉ vì thòm thèm món lạ. Nhưng cả hai đều bất ngờ không kịp trở tay : Khịa cầm lăm lăm trong tay cây rựa - một cây rựa hẳn hoi của Lặn ném xuống nền đất cách nay khá lâu - chờ đợi. Con Giàu biết giận dữ cầm sẵn một thanh gỗ đước nắp cửa sau … Cánh cửa hé mở … Lập tức, Khịa chộp trúng ngực áo ông già Tư Tự. Khi đó, con Giàu nhanh nhảu lia thanh gỗ đước trúng vào người của Hai Ngon trong tư thế ngồi chờ. Khịa thét toáng lên: "Thằng trẻ, thằng già khôn hồn thì biến khỏi đây ngay ! Đi ngay ! Nếu không, ta chém xả láng … Ra không ?…"


Tiếng thét giận dữ của Khịa đã áp đảo hai Ngon lẫn ông già Tư Tự. Người chịu đòn đau nhất chính là ông già Tư Tự. Còn Hai Ngon thất thần biến mất trong đêm tối …


Mãi cho tới khi nắng tắt ngấm trên sông, đò mới chịu cặp bến. Ngồi trên chuyến đò cuối cùng trong ngày về chợ tôi không yên, lòng luôn luôn đau đáu chung quanh những thân phận hẩm hiu trong gia đình một người bạn thân từ thời thơ ấu.


Đang miên man, con gái Út ngả người vào vai tôi, thỏ thẻ :


- Tới mùng sáu tết con mới vô học, nói cho ba biết. Ngày mai ba cho con với chế về nội lần nữa nghe. Con bắt chế đưa quà, phần con mua thêm bộ đồ mới cho con gái anh Hai Lặn. Ăn Tết tới bảy ngày đặng mà !


Mị dừng, đầu con bé hơi cúi xuống sạp ván rồi bỗng ngửa mặt lên nhìn tôi. Mị hỏi :


- Còn ba, ba cho con anh Hai Lặn thêm món gì ? Ba kể đi …


Tôi không lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe lời Mị hỏi. Tôi ngồi im giờ lâu ngẫm ra một cách không phải mua quà như con gái tôi tưởng ; càng không phải góp phần đánh động những tấm lòng từ thiện sau cơn bão số 5. Đó là việc tôi cần có một thông tin nhỏ : nếu ai muốn đến san sẻ với hoàn cảnh nghiệt ngã của gia đình NGUYỄN VĂN LÀNH tức cha của Lặn, từ thị xã Cà Mau chỉ mất một giờ ngồi đò tốc hành theo tuyến Cà Mau - sông Ông Đốc -sẽ đến vàm rạch um tùm lá dừa nước, mái dầm, bước lên túp lều đầu tiên phía mặt trời mọc sẽ làm được một việc về nguồn thật có ý nghĩa. Duy có điều ai đó phải chịu khó gặp tôi để biết địa danh chính xác vì một lý do tế nhị nên tôi chỉ đổi tên xóm nhỏ trong truyện ngắn nầy./.

 

Cà Mau, tháng 03/1998

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3363
Ngày đăng: 20.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đau gì như thể - Nguyễn Ngọc Tư
Lời nhắn - Nguyễn Ngọc Tư
Cô dừa xiêm đa cảm - Kim Ba
Lão cua kình - Kim Ba
Nắng xuân - Kim Ba
Tiếng hát trên bãi hoang - Kim Ba
Dấu hỏi lặng - Nguyên Tùng
Nghiệp dĩ - Trương Hoàng Minh
Bức ảnh treo tường - Ngọc Hiệp
Khu vườn và tiếng chim - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)